CÁC PHƯƠNG TIỆN BIỂU THỊ KHOA TRƯƠNG
TRONG TÁC PHẨM CỦA MẠC NGÔN
TS. Nguyễn Ngọc Kiên
Trong số trước chúng tôi đã giới thiệu khoa trương và phân loại
khoa trương trong tác phẩm của Mạc Ngôn. Chúng tôi sẽ tiếp tục loạt bài về các
phương tiện biểu thị khoa trương và ngữ dụng của khoa trương trong tác phẩm của
Mạc Ngôn.
1. Khoa trương ở cấp độ
từ / ngữ
1.1. Sử dụng tính từ / ngữ tính từ biểu thị khoa trương
Tính từ chuyên biểu thị ý nghĩa tính chất, thuộc tính thường
có thể trực tiếp làm vị ngữ trong câu. Ví dụ:
(1) 李四说:“你嘴要痒痒就放在树皮上蹭蹭!《牛》
(Lý Tứ quát: “Nếu miệng ngứa thì mày hãy cọ vào vỏ
cây cho đỡ ngứa!” (Trâu thiến)
(2) 他骂我的话,那可是太难听了,姑姑说,对你们重复,脏了你们的耳朵,也脏了我的嘴。《蛙》
(Những lời chửi rủa của hắn dành cho cô quá sức khó
nghe. Bây giờ mà nhắc lại cho các cháu e rằng sẽ làm bẩn tai các
cháu, cũng làm bẩn mồm cô thôi.)
(Ếch)
Trong các ví dụ trên, 痒 (ngứa) và脏 (bẩn) là những tính từ. Đặc điểm của
chúng là có thể kết hợp với một danh từ để tạo thành một ngữ tính từ, 嘴要痒痒 (miệng ngứa) 脏了你们的耳朵 (bẩn tai),也脏了我的嘴 (bẩn mồm); khi đặt trong trong ngữ cảnh
chúng sẽ mang ý nghĩa khoa trương.
Trong tiểu thuyết “Ếch”, Mạc Ngôn gọi Hoàng Thu Nhã là “bác
sĩ sản phụ vĩ đại”; đây là khoa trương ở cấp độ thấp. Thông thường ta nói “nhà
khoa học vĩ đại”, “lãnh tụ vĩ đại”, chứ “bác sĩ sản phụ vĩ đại” thì chỉ có ở Mạc
Ngôn:
(3) 姑姑感慨地说,那时所有的人都疯了,想想真如一场噩梦,姑姑说,黄秋雅是个伟大的妇科医生,即便是上午被打得头破血 流,下午上了手术台,她还是聚精会神.《蛙》
(Nhưng Hoàng Thu Nhã vẫn là một bác sĩ sản phụ vĩ
đại, thậm chí buổi sáng bị đánh cho sứt đầu mẻ trán thì buổi
chiều bà ấy vẫn đứng trên bàn mổ, bà ta vẫn tập trung tinh thần.) (Ếch)
Ông cũng có lần gọi bà cô trong “Ếch” là “bác sản phụ thiên
tài”; ví dụ:
(4) 姑姑是天才的妇产科医生,她干这行儿脑子里有灵感,手上有感觉。《蛙》
(Phải thừa nhận cô tôi là một bác sĩ sản phụ thiên
tài, khi làm việc này hình như trong đầu cô luôn luôn có linh cảm, tay
cô có cảm giác.) (Ếch)
Chúng tôi coi các từ “vĩ đại” và “thiên tài” có vai trò như
những tính từ làm định ngữ cho danh từ trung tâm, vì thực tế trong các cụm từ
khoa trương 伟大的妇科医生 (bác sĩ sản phụ vĩ đại), 天才的妇产科医生 (bác sĩ sản phụ thiên tài) yếu tố khoa trương là
do hai từ này quyết định.
Trong câu, Mạc Ngôn còn kết hợp giữa động từ và tính từ để
khoa trương thể hiện lực ngôn trung biểu thị sự đe dọa. Ví dụ:
(5) 他从拘留所被放出来后就放出狂话,谁敢 逼他去结扎,他就跟谁白刀子进红刀子出。《蛙》
(Sau khi rời khỏi trại giam, thái độ của ông ta càng
trở nên ngang ngược hơn, điên cuồng tuyên bố: “Ai bắt ông đi thắt ống
dẫn tinh thì sẽ được nếm mùi vị của lưỡi dao khi chọc vào cơ thể
thì trắng rút ra thì đỏ!) (Ếch)
1.2. Sử dụng danh từ / ngữ danh từ biểu thị khoa trương
Trong tiếng Hán, từ 专家 (chuyên gia) chỉ một người giỏi về một chuyên môn nào đó; chẳng
hạn: 经济专家
(chuyên gia kinh tế),技术专家
(chuyên gia kĩ thuật). Nhiều trường hợp, 专家 (chuyên gia) còn được dùng để chỉ
người thường xuyên làm về một việc nào đó.
Chúng tôi cho rằng, bản thân danh từ đơn độc không thể thực
hiện khoa trương. Danh từ thực hiện chức năng này phải có một trong hai điều kiện:
a) phải kết hợp với một danh từ khác để tạo thành ngữ danh từ. b) phải được đặt
trong ngữ cảnh. Chẳng hạn, nếu nói: 经济专家 (chuyên gia kinh tế) thì chỉ là cách nói thông thường;
nhưng khi nói: 捞桶专家
(chuyên gia vớt gầu) hoặc: 迟到早退的专家 (chuyên gia đi muộn về sớm) thì đã có sự khoa trương,
biểu thị sự châm biếm hài hước. Ở tiểu thuyết “Ếch”, Mạc Ngôn viết:
(6) 那天我的运气很好,一下子就把她的桶捞上来了。她赞叹道:嘿, 小跑,你真是个捞桶专家。《蛙》
(Ngày ấy mệnh của tôi sao mà tốt, rất nhanh chóng tôi
vớt được chiếc gàu. Cô ấy cảm thán: “Ôi! Tiểu Bão! Cậu chính là
“chuyên gia” vớt gàu!”) (Ếch)
Mạc Ngôn rất hay sử dụng những từ ngữ cố định sau để khoa
trương thời gian: 一会儿 /
一下 (trong chốc lát), 一转眼 / 眨眼间 / 眨眼功夫 / 一转眼功夫 / 转眼间 / 一瞬间/ 瞬息 (trong chớp mắt/ trong nháy mắt). Ví
dụ:
(7) 我说:“刚才你还叫我老人家,怎么转眼就说我是小孩子了呢?”《牛》
(Vừa rồi ông gọi cháu là lão gia, tại sao chỉ chớp
mắt lại gọi cháu là đồ oắt con hỉ mũi chưa sạch?) (Trâu thiến)
(8) 杜大爷说:“队长,要杀要砍随你,但是你不能骂我,我转眼就是奔70岁的人了。” 《牛》
(- Đội trưởng! Ông muốn giết muốn xẻo tôi thì tùy,
nhưng không được chửi tôi – ông Đỗ tức tối nói – Chỉ cần nhắm mắt
rồi mở mắt là tôi đã đủ bảy mươi rồi đấy). (Trâu thiến)
Trong (8) 转眼 (nháy mắt), dịch giả Trần Trung Hỉ đã chuyển ngữ sang tiếng
Việt thành “nhắm mắt rồi mở mắt” làm câu văn càng trở nên sinh động.
1.2. Sử dụng số từ biểu
thị khoa trương
(1) Số từ trong khoa học và trong ngôn ngữ.
Số từ là một bộ phận không thể tách rời trong vốn từ vựng của
một ngôn ngữ. Dưới con mắt của nhà khoa học số từ đòi hỏi phải chính xác. Ngược
lại, trong giao tiếp số từ không phải lúc nào cũng như vậy mà nhiều khi nó mang
tính mơ hồ. Chính tính mơ hồ của số từ đã mang lại hiệu quả rất lớn trong sử dụng
ngôn ngữ.
(2) Tính mơ hồ của số từ.
Một phát ngôn / câu mơ hồ là trong khi một biểu hiện duy nhất
ở cấp độ ngôn ngữ này lại có thể hơn hai cách biểu hiện ở cấp độ khác. Mơ hồ thể
hiện ở cấp độ từ, cấp độ ngữ và cấp độ câu.
Đương nhiên số từ là một bộ phận không thể tách rời trong vốn
từ vựng của mỗi ngôn ngữ nên nó cũng có tính mơ hồ. Tính mơ hồ của ngôn ngữ chủ
yếu là tính không xác định của nó. Các sự vật hiện tượng trong thế giới khách
quan là rất phong phú, đa dạng, đa sắc màu. Mâu thuẫn giữa sự vô hạn của không
gian tư duy, năng lực tư duy và sự hữu hạn của vốn từ vựng trong ngôn ngữ để biểu
đạt tư duy tất nhiên sẽ được phản ánh trong ngôn ngữ. Vì vậy, trong thực tế sử
dụng ngôn ngữ, sự mơ hồ và sự chính xác là một cặp mâu thuẫn vừa mang tính đối
lập vừa mang tính thống nhất.
Hơn nữa, tính mơ hồ của con số là do tính mơ hồ về tư duy quyết
định. Hoạt động tư duy của nhân loại ngoài những hoạt động chính xác, rõ ràng
còn tồn tại khái niệm mơ hồ, phán đoán mơ hồ, suy lí mơ hồ, được phản ánh trong
hoạt động ngôn ngữ và sẽ làm nảy sinh cách biểu đạt mang tính mơ hồ. Cho nên,
tính mơ hồ của các con số tồn tại như một lẽ tất yếu. Ví dụ:
(9) 电是煤发的,煤是人挖的,挖煤不容易,地下三千尺,如同活地狱!《蛙》
(Điện từ than đá mà ra, than đá là do người đào lên,
được một xẻng than chẳng dễ chút nào, phải đào sâu đến ba ngàn
thước, chui vào đó chảng khác nào xuống địa ngục!)
Cũng cần khẳng định rằng, tính mơ hồ của các con số có mối
quan hệ không thể tách rời với văn hóa của mỗi dân tộc. Các dân tộc khác nhau
ưa chuộng sử dụng những con số khác nhau. Chẳng hạn, người Hi Lạp thích dùng số
“60” và bội số của “60”. Trong văn hóa Hi Lạp, con số “360” được sử dụng với ý
nghĩa “nhiều”; ở đây, “360” đã mất đi ý nghĩa gốc của số từ, mà chỉ còn mang nội
hàm văn hóa nhất định. Chẳng hạn: The number of students in the hall is only
360 (lots) (Số sinh viên trong hội trường này rất nhiều. [nghĩa đen:360 người]
)
Trong khi đó, người phương Đông lại thích dùng con số “10” và
những số “gấp mười” 10, 100, 1000 v.v…Tuy nhiên, điều này cũng không thật tuyệt
đối, mà còn phụ thuộc vào thói quen của người sử dụng ngôn ngữ trong từng trường
hợp cụ thể. Chẳng hạn, con số “ba” và “nghìn” trong ví dụ sau:
(10) 他们说我们双脊的肉和内脏里含着一种沙门菌,这种菌在三千度的高温下还活蹦乱跳,放到锅里煮,煮三年也煮不死它。《牛》
(Họ bảo rằng trong thịt và nội tạng của con (trâu)
Song Tích của chúng tôi có chứa một loại vi khuẩn vô cùng độc hại
[nguyên văn: vi khuẩn sao – mân], trong nhiệt độ ba nghìn độ C gì đó
vẫn còn có thể chạy nhảy tung tăng, bỏ vào nồi đun thì cho dù có
đun ba năm cũng không giết được nó.) (Trâu thiến)
(3) Mơ hồ về ngữ dụng của các con số
Ý nghĩa nguyên thủy của các con số là biểu thị hàm ý chính
xác; nhưng trong một ngữ cảnh nhất định, ý nghĩa của số từ phải suy ra và hiểu
theo nghĩa rộng vì nó không biểu thị số thực, chính xác mà biểu thị số hư, mơ hồ.
Nói chung, sự mơ hồ ngữ dụng của các con số có mấy trường hợp sau:
+ Sự mơ hồ ngữ dụng do khoa trương
Nói chung, sự mơ hồ ngữ dụng của các con số có nhiều nguyên
nhân mà một trong những nguyên nhân đó là do khoa trương mà ra.
Trong trường hợp này, tính mơ hồ của số từ chủ yếu là do biểu
đạt khoa trương với ý nghĩa: số lượng rất nhiều, trình độ rất cao, phạm vi rất
rộng, thời gian rất dài, cự li rất xa v.v… Đặc biệt là trong văn học, các tác
giả thường sử dụng các số từ “trăm”, “nghìn”, “vạn” với nghĩa “nhiều” làm cho
tác phẩm thêm phần hấp dẫn, kích thích trí tưởng tượng của độc giả. Khoa trương
con số nhiều khi còn gắn với yếu tố văn hóa. Chẳng hạn, con số 500 năm trong
“Trâu thiến” khiến ta liên tưởng tới Tôn Ngộ Không bị giam cầm 500 năm ở Hoa Qủa
Sơn Thủy Liêm Động trong truyện “Tây du kí”:
(11) 真正的大能人在这里呢,陈鼻指指袁腮,说:这人,上知天文,下知地理,五百年前的事他全知道,五百年后的事他知道一半。你应该拜他为师。《蛙》
(Người bản lĩnh chân chính đang có mặt ở đây – Trần
Tị chỉ vào , Viên Tai nói: – Người này trên thông thiên văn, dưới tường
địa lí, chuyện năm trăm năm trước thuộc như đường chỉ trong lòng bàn
tay, chuyện năm trăm năm sau biết một nửa. Chú nên bái cậu ấy làm sư phụ
thì đúng hơn). (Ếch)
Sự sử dụng kì diệu ý nghĩa mơ hồ của các con số trong những
câu văn đã đạt được những hiệu quả nhất định của khoa trương. Tính khoa trương
và tính mơ hồ của số từ đã đạt được sự thống nhất hài hòa được thể hiện trong
các tác phẩm văn học, trong khi đó những con số chính xác không thể đạt được hiệu
quả nghệ thuật cao như mong muốn.
+ Sự mơ hồ ngữ dụng do tác dụng “đệm chữ” của các con số
Cái gọi là tác dụng “đệm chữ” là khái niệm do Trần Vọng Đạo lần
đầu tiên nêu ra trong “Tu từ học phát phàm”. “Có khi để nói năng khoan thai hoặc
trịnh trọng một chút, người ta cố ý dùng mấy chữ không quan trọng kéo dài chữ
quan trọng. Nó không biểu đạt ý nghĩa trên bề mặt con chữ mà chỉ có tác dụng phụ
trợ trên bề mặt ngữ âm” [93]. Trong tiếng Hán, hiện tượng này rất phổ biến tạo
ra các thành ngữ có chứa con số. Chẳng hạn: 一穷二白、三心二意、朝三暮四、四分五裂、五颜六色、七情六欲等等。Ví dụ:
(12)天老爷,我爹说,这那里是酒,就是龙涎凤血,也值不了这么多钱啊!麦子八毛钱一斤,一瓶酒,值一万斤麦子?《蛙》
(Trời ạ! Bố tôi kêu lên – Đây đâu phải là rượu, là
máu rồng máu phượng chưa chắc đã đắt hơn! Một cân lúa mạch tám hào,
một bình rượu ngang bằng với mười nghìn cân lúa mạch..) (Ếch)
1.3. Sử dụng động từ biểu
thị khoa trương
Mạc Ngôn có biệt tài khoa trương động tác (sử dụng động từ
khoa trương). Vì vậy, trong truyện của ông thường có những tình huống hài hước,
bất ngờ. Độc giả không khỏi phì cười khi đọc đến đoạn ông bác sĩ phòng mạch tư
trong “Mĩ nhân băng tuyết” yêu quý cái bình trà đến mức:
(13) 我听婶婶说,他每天早晨坐马桶时,都要把沏满开水的茶缸子放在面前的小凳子上, 一边出恭,一边进水。
(Thím tôi bảo, sáng nào vào nhà vệ sinh ông cũng phải đem
theo vại trà đổ đầy nước sôi vào theo, đặt trên ghế đẩu nhỏ, vừa đi ngoài vừa uống
nước. ) (Mĩ nhân băng tuyết)
Đoạn miêu tả ông nội với những âm thanh và động tác hết sức sống
động và đầy “ấn tượng”:
(14) 一个时辰后,姑姑说大爷爷到厕所里 去,拉了个唏哩哗啦,似乎连肠子都拉了出来。《蛙》
(Một tiếng đồng hồ sau, ông nội đi vào nhà vệ sinh,
bên ngoài chỉ nghe những âm thanh kéo dài, cô nói, hình như ruột non
ruột già của ông nội đã tuồn cả ra ngoài.) (Ếch)
Tuy nhiên, đoạn miêu tả người đỡ đẻ như thế này thì có phần
hơi quá:
(15) 姑姑说她 们用擀面杖挤压产妇的肚子。她们还用破布堵住产妇的嘴巴,仿佛孩子会从嘴巴里钻出来一样。姑姑说她们一点解剖学知识都没有,根本不了解妇女的生理结构。姑 姑说碰上难产她们就会把手伸进产道死拉硬拽,她们甚至把胎儿和*一起从产道里拖出来。《蛙》
(Cô tôi còn nói, họ thường dùng chày cán bột đè lên
bụng sản phụ, lại còn dùng những tấm giẻ rách nhơ bẩn nhét vào
miệng sản phụ trông chẳng khác nào họ sơ đứa bé sẽ tòi ra từ miệng
của người mẹ vậy. Cô nói, mấy “lão bà bà” này không có một chút
kiến thức nào về giải phẫu học, về căn bản là không hiểu một tí
gì về kết cấu sinh lí của phụ nữ, gặp phải những ca đẻ khó, họ
thọc tay vào trong lỗ đẻ mà khuấy, thậm chí là cùng lúc lôi cả thai
nhi và tử cung ra ngoài!) (Ếch)
Như vậy, động từ khoa trương có thể đem lại những giá trị thẩm
mĩ nhất định, nhưng bản thân động từ không thể đơn độc thực hiện khoa trương,
mà là kết quả của sự kết hợp giữa động từ và tân ngữ. Nhưng động từ là điều kiện
để cấu thành khoa trương, đồng thời cũng là tiêu chí khoa trương ngoại tại. Nó
không chỉ từ ngoại tại trên thị giác kích thích độc giả mà còn thông qua sự phối
hợp ý nghĩa của các hình tượng khác để nói quá sự thật, tạo nên sức hấp dẫn thẩm
mĩ của tâm lí. Đối với một số động từ nội động, nó phải được đặt trong ngữ cảnh
thì mới có thể thực hiện khoa trương. Mạc Ngôn thường sử dụng động từ khoa
trương trực tiếp như trong (13), (14) và (15). Ông còn sử dụng động từ khoa
trương gián tiếp. Chẳng hạn, trong “Trâu thiến” tác giả dùng động từ 哆嗦 (run) để nhân cách hóa:
(16) 杜大爷背靠着铁门,浑身哆嗦,哆嗦得很厉害,哆嗦得铁门都哆嗦。《牛》
(Ông Đỗ vẫn ngồi im, dựa lưng vào cổng sắt, toàn thân
đang run, không phải run nhẹ mà run lên bần bật, run đến nỗi cái cổng
bằng sắt cũng run theo.) (Trâu thiến)
Mạc Ngôn rất hay sử dụng các động từ mạnh như “treo cổ”, “móc
mắt”, “lột da”, “cắt chân” khi biểu thị lực ngôn trung khi thể hiện hành vi cảnh
báo, đe dọa hoặc thề nguyền, cam kết. Ví dụ:
(17) 你休想,王仁美把一面镜子摔在地上,大声喊叫着,孩子是我的,在我的肚子里,谁敢动他一根毫毛,我就吊死在谁家门槛上. 《蛙》
(…con là của tôi, nó nằm trong bụng tôi. Ai dám động
đến một sợi lông của nó tôi sẽ treo dây lên xà nhà của người đó
thắt cổ chết.) (Ếch)
(18) 王脚说:肖下唇你个小杂种,你要敢动王肝一指头我就挖出你的眼珠儿!《蛙》
(Vương Cước nói: “Mày là đồ tạp chủng. Mày dám động
đến một sợi tóc của Vương Can là tao móc đôi mắt mày ra!”) (Ếch)
(19) 我把他的话向姑姑转述后,姑姑杏眼圆睁,银牙顿挫地说:总有一天,我要亲手劁了这个杂种!《蛙》
(Khi đem những lời của lão Tiêu kể lại với cô, đôi
mắt cô trợn tròn vo, nghiến răng mím lợi nói:
“Rồi sẽ có một ngày, chính tay cô sẽ lột da lão tạp
chủng này!”) (Ếch)
(20) 田桂花,你要再敢给人接生,就把你的狗爪子剁了去!《蛙》
(Điền Quế Hoa, bà còn dám tiếp tục đỡ đẻ nữa, tôi
sẽ cho dân quân cắt hết mấy ngón tay chó của bà!”) (Ếch)
(21) 他十条狗命也不值小珍子一条命,只要小珍子平安无事,要我身上的肉我也割。《大风》
(Mười cái mạng chó của nó cũng không đáng giá bằng một mạng của
cô nhà, chỉ cần cô nhà bình an vô sự thì nếu có cần thịt trên người tôi cũng cắt.)
(Đại phong)
1.4. Sử dụng thành ngữ
khoa trương
“Thành ngữ là một cụm từ hay ngữ cố định có tính nguyên khối
về ngữ nghĩa, tạo thành một chỉnh thể định danh có ý nghĩa chung khác với tổng
số ý nghĩa của các thành tố cấu tạo thành nó, tức là không có nghĩa đen và hoạt
động như một từ riêng biệt trong câu”. [4, tr.271]
Xét về vai trò ngữ pháp trong câu, thành ngữ là đơn vị tương
đương với từ; vì vậy chúng tôi đã xếp thành ngữ vào mục này. Thành ngữ khoa
trương trong văn Mạc Ngôn hết sức đa dạng và phong phú. Có thể kể sơ lược mấy
loại sau (các thành ngữ được in đậm, gạch chân):
(a) Thành ngữ có chứa từ chỉ động vật
(22) 一个时辰后,姑姑说大爷爷到厕所里 去,拉了个唏哩哗啦,似乎连肠子都拉了出来。然后就慢慢地好起来,两个月后就精神健旺生龙活虎了。《蛙》
(Sau đó thì ông nội tôi cũng dần dần trở lại bình
thường. Hai tháng sau, tinh thần lẫn sức lực đều có thể so sánh với
rồng với hổ) (Ếch)
(23) 我感到身上一阵阵发冷,胳膊上爆出了一层鸡皮疙瘩。
(Tôi cảm thấy hơi run, toàn thân đồng loạt nổi da gà.)
(Trâu thiến)
(b) Thành ngữ có chứa từ chỉ bộ phận cơ thể
(24) 从医学院进修回来后,更是如虎添翼,胆大包天,世上有人不敢生的病,没有他不敢下的刀子。《冰雪美人》
(Hai năm chuyên tu ở Học viện Y khoa tỉnh, chú tôi như hổ
thêm cánh, to gan lớn mật [nguyên văn: gan bao cả trời], chỉ có bệnh người đời
không dám mắc chứ không có dao nào chú tôi không dám mổ.) (Băng tuyết mĩ nhân)
(25) 后来她见了我就横眉立目,我见了她 就点头哈腰。《牛》
(Sau ngày ấy, mỗi lần gặp cô ta là cô ta giương mày
trợn mắt, còn tôi vừa trông thấy cô ta là đã cúi đầu khom lưng) (Trâu
thiến)
(c) Thành ngữ có chứa các con số
(26) 见过她接生的女人或被她接生过的女人,都佩服得五体投地。《蛙》
(Những người đàn bà từng chứng kiến cô tôi đỡ đẻ
đều bái phục cô sát đất) (Ếch)
(28) 姑姑看到了炕上的情景就感到怒不可遏,用她自己的话说叫做 “火冒三丈”。《蛙》
(Trông thấy tình cảnh ấy, cô tôi không kiềm chế được giận
dữ, nếu nói theo lời của cô tôi thì đó là “lửa bốc lên cao ba
trượng”.) (Ếch)
(d) Thành ngữ nhân cách hóa
(29) 那字是他自己写的,一个个张牙舞爪,像猛兽一样,看着就让人害怕。
(Chữ do chú tôi tự viết, chữ nào chữ nấy nhe nanh múa vuốt chẳng
khác nào thú dữ ai nhìn thấy cũng phải sợ.)
(30) 她是南极最高峰上未被污染的一块雪。雪肌玉肤,冰清玉洁,真正的,不搀假的。《丰乳肥臀》
(Chị là khối tuyết trên đỉnh núi ở châu Nam cực, không
hề vẩn bụi. Trong ngọc trắng ngà, hoa nhường nguyệt thẹn, một cái
đẹp đích thực.)
(e) Các trường hợp khác
Mạc Ngôn còn sử dụng thành ngữ có gắn với yếu tố lịch sử. Ví
dụ:
(31) 但她在王肝眼里是天下第一美人,说文雅点,这叫 情人眼里出西施;说粗俗点,这叫王八瞅绿豆,看对眼了。《蛙》
(Nhưng trong mắt Vương Can, “Tiểu sư tử” lại là đệ
nhất mĩ nhân trên thế gian này, nói văn vẻ một tí thì “trong mắt
người đang yêu em bỗng hóa Tây Thi”)
Không chỉ sử dụng nhuần nhuyễn thành ngữ, Mạc Ngôn còn sử dụng
thành thạo cách ngôn trong các đoạn hội thoại. Ví dụ:
(32) 她说:你们以为我真喝醉了?没那回事,姑姑我是千杯不醉。《蛙》
(Cô nói: Chúng bay nghĩ là ta đã say thật rồi à?
Không có chuyện đó đâu. Cô đây nghìn cốc không say!). (Ếch)
“Nghìn cốc không say” có xuất xứ từ câu cách ngôn tiếng Hán: 酒逢知己千杯少/ 说不投机半句多 “Tửu phùng tri kỉ thiên bôi thiểu /
Thoại bất đầu cơ bán cú đa” (Uống rượu gặp tri kỉ nghìn chén vẫn còn ít / Nói
chuyện mà không hợp thì nửa câu cũng bằng thừa.)
(Còn nữa)
Kì sau: Khoa trương ở cấp độ câu
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, NXB ĐH
Quốc Gia HN.
2. Đào Thản (1990), Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Tạp
chí Ngôn ngữ.
3. Cù Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng
Việt, NXB Giáo dục.
4. Viện Ngôn ngữ học (1997), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN
言作品集- 小说在线阅读- 努努书坊
TS. Nguyễn Ngọc Kiên
TS. Nguyễn Ngọc Kiên
No comments:
Post a Comment