TIỂU
THUYẾT CHIẾN TRANH CỦA MỘT NHÀ VĂN CHIẾN BINH
Trần Đức
Nguyên CB Viện Ngôn ngữ & Văn hóa dân gian
Đó chính là Nhà văn
- Nhà thơ Phạm Ngọc Thái với Bộ tiểu thuyết (2 tập): CHIẾN TRANH VÀ TÌNH
YÊU, Nxb Hồng Đức 2020 .
Mở đầu tác phẩm,
ta đã thấy dòng chữ: "Truyện được viết dựa theo cuộc đời trận mạc của
tác giả, từng trải qua cuộc chiến tranh trên chiến trường Tây Nguyên - Nam Bộ".
Tổng cộng cả hai tập dầy 468 trang sách, trữ lượng thời đại chứa đầy ắp trong
tác phẩm.
Nguyễn Thị Xuân
- GV Trường THPT Ba Đình Hà Nội, với bài viết: "Từ một chiến binh trở
thành nhà thơ danh giá" - Bình luận về tiểu thuyết:
" Tiểu thuyết không chỉ mô tả những trận đánh
điển hình trên mặt trận Tây nguyên Nam Bộ - Từ mùa xuân Mậu Thân 1968 đến khi
miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tác phẩm còn tóm bắt toàn cục cả chiến trường
miền Nam, đến tận ngày kết thúc chiến tranh 30.4.1975.
Đồng thời,
phục lại cả cuộc chiến tranh bằng không quân của giặc Mỹ đánh ra miền Bắc: Vụ
thảm sát tàn bạo 12 ngày đêm thảm khốc 1972 ở Hà Nội - Hoa Kỳ cho B52 mang bom
oanh tạc vào tận thủ đô, hòng hủy diệt biến Thủ đô Hà Nội trở về thời kì đồ đá?
Bị cả loài người lên án! ".
Cô
giáo kết luận: " Bộ tiểu thuyết có tính lịch sử xã hội sâu sắc, sinh
động và điển hình thời kỳ chiến tranh đánh Mỹ xâm lược ở Việt Nam ".
Trong bài viết này, tôi xin tóm lược diễn biến những sự kiện về đất nước
- con người của cuộc chiến trạnh, được nhà văn miêu tả qua tác phẩm:
...
Nhân vật trung tâm của truyện là một đôi thanh niên nam nữ: Nguyễn Hoàng
và Thu, cô bạn gái cùng học năm cuối cấp với anh ở trường phổ thông. Mùa thu 1966, sau kỳ thi tốt nghiệp: Hoàng được gọi
Đại học Bách khoa - Thu vào sư phạm. Họ cũng chính thức đến với nhau
bằng tình yêu từ đấy! Khi đó, cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ra
miền bắc đã rất ác liệt. Máy bay Mỹ nhiều lần ném bom, bắn phá xuống các vùng ven
đô. Cả thành phố bước sang giai đoạn báo động. Các cơ quan, trường học cùng dân
tình trong nội thành đều gấp gáp sơ tán về các vùng nông thôn và miền
núi.
Hoàng sinh ra trong một gia đình thị dân thành phố. Nhà có ba anh em
trai: Hoàng là con thứ. Mẹ của ba anh em mất sớm. Ông Thịnh, người cha của ba
anh em lấy thêm một bà vợ lẽ. Anh trai lớn của Hoàng đã có vợ con và ra ở
riêng, theo nghề cha làm thợ cắt tóc. Hoàng với cậu em út ở cùng cha và dì ghẻ.
Gia đình sống trong một ngôi nhà tại ngõ Cống Trắng, phố Khâm Thiên, Hà Nội.
Không biết từ bao giờ, ông Thịnh đã chiếm được một miếng đất ngay đầu ngõ gần
nhà, sát với mặt phố để mở một cửa hiệu cắt tóc nhỏ. Bà dì ghẻ thì làm cái nghề
mua đi, bán lại: Đêm đêm ra ga Hàng Cỏ đón tàu từ Đồng Đăng, mạn phía bắc giáp
Trung Quốc về để mua hàng, rồi mang bán lại cho những người buôn bán nhỏ ở
thành phố kiếm lãi.
Gia
đình Thu, nhà trên phố Hàng Bông. Ba và mẹ cô đều làm nhà giáo. Bà Giáo (thường
gọi như vậy) đã nghỉ hưu - Ông Giáo, hiện vẫn đang công tác trên Bộ Giáo dục
thành phố. Thu có một anh trai đang chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Người
chị dâu với đứa cháu gái nhỏ, ở với ông bà Giáo và Thu.
Tiểu
thuyết khắc họa theo những năm tháng của cuộc đời đôi trai gái ấy: Qua đó diễn
tả lên toàn cảnh xã hội, trong những năm tháng chiến tranh đánh Mỹ của cả hai
miền Nam - Bắc.
Nguyễn Hoàng,
nhân vật chính của tiểu thuyết là một sinh viên, trí thức tiên tiến. Anh đã
cùng với lớp thanh niên thủ đô yêu nước, tình nguyện rời bỏ trường đại học,
xung phong vào quân ngũ lên đường đi chiến đấu - Thu theo học đại học sư
phạm. Những năm tháng bởi cuộc chiến tranh phá hoại, trường của cô phải sơ tán
lên mãi tận vùng rừng núi Việt Bắc để học.
1968. Ở miền
Nam, đồng loạt diễn ra cuộc tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân trên toàn chiến
trường. Quân giải phóng bất ngờ tiến công vào rộng khắp 6 thành phố lớn, 44 thị
xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ. Như các nhà bình luận quốc tế lúc ấy đã
viết: "... Một cuộc Tổng công kích của mặt trận giải phóng miền Nam, làm
rung chuyển cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc".
Khi đó đơn vị của
trung sĩ Nguyễn Hoàng - Hoàng đã nhập ngũ và là tiểu đội trưởng một trung đội
súng máy đại liên, thuộc Trung đoàn 209, Sư 312... đang diễn tập trên rừng núi
Hòa Bình, được lệnh hành quân bằng ô tô, đội mũ sắt (được gọi là trung đoàn mũ
sắt), cấp tốc tiến thẳng vào chiến trường Tây Nguyên.
Đến đây tiểu
thuyết bắt đầu rẽ ra làm hai hướng: Một hướng theo bước chân Nguyễn Hoàng - Tác
giả phục lại tình hình chiến sự trên chiến trường miền Nam, tới ngày kết thúc
chiến tranh 30.4.1775 - Hướng kia theo cuộc đời Thu, khắc họa lại cuộc chiến
tranh phá hoại của không quân Mỹ ra đất Bắc, ngày càng ác liệt. Kết thúc bằng
trận ném bom hủy diệt 12 ngày đêm của Mỹ tháng 12.1972, hòng biến thủ đô
Hà Nội trở về thời kỳ đồ đồng, đồ đá.
Cách cấu trúc
của bộ tiểu thuyết "Chiến tranh và tình yêu" viết theo kiểu từng hồi,
từng chương: Cả hai tập gồm 13 chương và 45 đề mục. Các chương xen kẽ nhau,
diễn tả tuần tự thời gian chiến sự cả hai miền Nam Bắc. Trên đầu mỗi chương đều
có tên đề giới thiệu... rất giống với phong dáng truyện "Những người
khốn khổ" hay " Nhà thờ Đức Bà Paris" của văn hào Pháp Victor
Hugo - Thí dụ: Chương I "vào đời" - Chương II "Chiến
tranh phá hoại và chia ly"........... cứ thế tới Chương XIII "Trận
chiến cuối cùng"... và hết.
Nhưng cách tư
duy và ngôn ngữ diễn tả thì lại ảnh hưởng rất nhiều các tác phẩm văn học Âu
châu, như "Chiến tranh và hòa bình" hay "Anna Karenina" của
văn hào Nga L. Tônxtôi qua bản dịch ra tiếng Việt - Tôi từng trao đổi với tác
giả, anh nói: Những năm tháng trước, anh thường đọc nhiều tác phẩm của nước
ngoài (qua bản dịch) hơn ở trong nước, nhất là đối với các tác giả lớn như: L.
Tônxôi, Pushkin, Victor Hugo, Balzac... cho nên cách thức tư duy văn xuôi phạm
Ngọc Thái ảnh hưởng nhiều của nền văn học Âu châu cũng là điều dễ hiểu.
Nói rộng sang
thi ca - Ở trong nước, chủ yếu Phạm Ngọc Thái ảnh hưởng kiểu tư duy thơ
của Hàn Mặc Tử qua các bài thơ, như: Đây thôn Vỹ Dạ, Mùa xuân chín...
và tính triết lý trong thơ của Chế Lan Viên - không chịu ảnh hưởng
một chút nào của thơ Xuân Diệu hay Huy Cận.
Còn đối với các
dòng thi ca ở nước ngoài - Anh chịu ảnh hưởng của dòng thơ tượng trưng Âu Châu
đầu thế kỷ XX: Điển hình là nhà thơ tượng trưng bậc thầy ở Pháp
Charles Baudelaire (1821 - 1867) với thuyết "tương ứng cảm
quan". Về chất trữ tình trong thi ca thì anh lại ảnh hưởng của
nhà thơ Nga vĩ đại Pushkin qua bản dịch Thúy toàn - Chính loại ngôn ngữ thi ca
này chi phối... kể cả khi anh viết kịch hay tiểu thuyết - Bởi vậy, bạn bè
trong giới văn chương thường nói vui: Anh viết kịch như thơ - Thơ
thì lại rất nhiều tính kịch, là vậy.
Bộ tiểu thuyết
"Chiến tranh và tình yêu" của Phạm Ngọc Thái cũng được phối cảnh như
các màn diễn của một vở kịch dài hay là một bộ phim nhiều tập. Cho nên tôi cho
rằng: Nếu một tác gia hay đạo diễn phim nào, làm phim về tiểu thuyết Phạm Ngọc
Thái? Nếu làm giỏi, rất dễ có một bộ phim tâm lý chiến tranh sâu sắc, tuyệt
vời.
Xin phân tích
vào nội dung - Như cái tên đề "chiến tranh và tình yêu": Đó là hai
phạm trù xã hội sâu sắc, được tác giả diễn tả qua tiểu thuyết. Tạo thành hai
dòng chảy quyện vào nhau, xuyên suốt tác phẩm. Bình luận một bộ tiểu thuyết dài
hai tập mà chỉ trong bài tiểu luận ngắn, thực không dễ. Tôi xin chia làm ba
phần để phân tích:
1/. Chiến
trường miền Nam
2/. Chiến
tranh phá hoại của không quân Mỹ ra miền Bắc
3/. Tình
yêu.
* PHẦN I - Tình
hính chiến sự ngoài tiền tuyến được diễn tả theo bước chân Nguyễn Hoàng
lên đường vào mặt trận Tây Nguyên - Nam Bộ: Bắt đầu từ năm 1968, sau cuộc tổng
công kích mùa xuân Mậu Thân của quân giải phóng trên toàn chiến trường miền
Nam. Khắc họa vào 7 chương, trong tổng số 13 chương của tác phẩm. Đó là các
chương: V - VI - VII - VIII - IX.... XII - XIII và kết thúc. Trên đầu mỗi
chương đều có tiêu đề:
TẬP MỘT
Bốn chương đầu
tiên diễn giải về gia đình, tình yêu của đôi trai gái tại thủ đô Hà Nội. Tổng
quát tình hình chiến sự, dân tình, không khí xã hội trong chiến tranh, cho đến
khi đôi trẻ chia ly: Anh ra ngoài tiền tuyến giết giặc, em ở lại hậu
phương...
- Chương V: Tổng
quát chiến sự xuân Mậu Thân 1968
- Chương VI: Trận
đánh đầu tiên (nguyễn Hoàng vào chiến trường Tây Nguyên)
- Chương VII: Người con
gái bản ra chiến trường
- Chương VIII: Mặt trận Tây
Nguyên đẫm máu ( phần 1 )
TẬP HAI
- ....
Mặt trận Tây Nguyên đẫm máu (
phần 2 )
- Chương IX: Cái
chết của người con gái bản
.....
- Chương XII: Chiến
trường Tây Nguyên những năm cuối
- Chương XIII: Trận chiến cuối
cùng của cuộc chiến tranh
Tóm lược về bẩy
chương: Tình hình chiến sự của chiến trường miền Nam nói chung, qua
những trận đánh điển hình trên mặt trận Tây Nguyên, Nam Bộ - Bắt đầu từ
trận đầu tiên trung sĩ Hoàng tham dự, đó là trận đánh của Tiểu đoàn 7, Trung
đoàn 209, Sư 312 (vừa hành quân từ Bắc vào)... với TIểu đoàn Anh Cả Đỏ của Mỹ,
tại dãy Chư Tan Kra thuộc vùng núi Kon Tum. Nói về chiến tích của trận đánh
này, theo cuốn "Lịch sử Trung đoàn 209...", Nxb QĐND 2004 viết:
" Trong trận
tiến công tiêu diệt quân Mỹ ở cao điểm 995 (thuộc núi Chư Tan Kra), 204 lính Mỹ
đã bị tiêu diệt và hy sinh hơn 200 đồng chí. Trận đánh Mỹ đầu tiên tại cao điểm
995, trung đoàn không dứt điểm, nhưng là trận đánh mở màn của trung đoàn trong
cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên chiến trường Tây Nguyên và Nam Bộ... ".
Một trận đánh
đẫm máu. Quân giải phóng tổn thất rất nặng nề. Chính Hoàng đã bị thương, phải
rời đơn vị về phẫu điều trị vết thương trong trận đó. VÌ trận chiến không dứt
điểm - Chính mắt anh nhin thấy bao đồng chí mình bị thương và hy sinh nằm phơi
trên đỉnh đồi... tiểu đoàn phải rút quân không lấy được xác đồng đội ra
và... bọn Mỹ đã cho xe ủi đẩy tất cả xác của các chiến sỹ xuống một cái
hố lớn, tẩm xăng vào đốt. Sau đó trung đoàn 209 tiếp tục hành quân xuống mặt
trận dưới đồng bằng - Hoàng đến viện trị thương. Vết thương lành, anh được
thuyên chuyển vào một trung đoàn pháo lớn của quân giải phóng ở Tây
Nguyên.
Cứ thế cùng với
bước chân Nguyễn Hoàng, tiểu thuyết khắc họa những trận đánh lớn điển hình ở
Tây Nguyên, từ những năm của thập kỷ 70 đến tận ngày 30.4.1975, miền Nam hoàn
toàn giải phóng - Như trận đánh cứ điểm Ngọc Bờ Biêng đầu năm 1972; Chiến thắng
lớn ở Đắc Tô - Tân Cảnh trong chiến dịch xuân hè 1972; Sau đó quân giải phóng
tiến đánh vào thị xã Kon Tum thì bị thất bại (lần đầu) phải rút bỏ về củng
cố quân lực tại căn cứ Đắc Tô - Tân Cảnh, vùng đã được giải phóng.
Ngày 27.1.1973
hiệp định ngừng bắn ở Việt Nam tại Pa Ri được kí kết.
Ngày 29.3.1973,
người lính Mỹ cuối cùng đã rút khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt mọi sự can
thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ đối với vấn đề Việt Nam. Từ nay chỉ còn Quân Lực
Việt Nam Cộng Hòa (của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu) đơn độc chống lại liên
quân: Quân đội nhân dân Việt Nam từ Bắc tràn vào và Quân giải phóng miền Nam -
Song thực chất Chính quyền Sài Gòn vẫn nhận được sự viện trợ của Mỹ (tuy so với
trước thì rất ít)? chính quyền Thiệu đã ngang nhiên phá bỏ hiệp định ngừng bắn,
huy động toàn bộ quân lực tiến hành chiến dịch "tràn ngập lãnh thổ"
để bình định, lấn chiếm lại một số vùng đã được cộng sản giải phóng - Nội chiến
tiếp tục nổ ra.
Tháng 9.1973 -
Nguyễn Hoàng được đề bạt lên cấp đại úy, tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn hỏa lực
gồm pháo hỏa tiễn DKB, cối 82mm, rốc két B41 và một đại đội pháo cao xạ phòng
không với hai loại pháo 37ly - 14ly5 - Nhận lệnh từ Bộ tư lệnh Mặt Trận B3
chi viện cho Trung đoàn bộ binh 48 Sư 320, mở cuộc tiến công vào căn cứ Chư
Nghé, phía tây Pleiku. Trận chiến đó quân giải phóng đã thắng lợi ròn rã.
Khi đó Hoàng
vẫn không hề biết được tin rằng: Thu, người yêu của anh đã bị chết khi đi làm
nhiệm vụ cứu hộ dân bị nạn trong đợt Mỹ ném bom B52 rải thảm xuống 12 ngày đêm
ở Thủ đô Hà Nội vào tháng 12.1972 ( vì anh không nhận được thư).
Tháng 3.1975,
trung đoàn trưởng Trung đoàn pháo 37ly Nguyễn Hoàng nhận lệnh chi
viện cho các sư đoàn bộ binh chủ lực của mặt trận B3, mở cuộc tổng tiến công
vào các thị xã lớn: Buôn Ma Thuột, Kon Tum và Pleiku... giải phóng hoàn
toàn vùng Tây Nguyên. Thừa thắng, các sư đoàn chủ lực của cộng sản ồ ạt tấn
công, đánh chiếm Quảng Trị ngày 19.3.1975 - 26.3 giải phóng thành phố Huế và
toàn tỉnh Thừa Thiên - 24.3 đánh chiếm hàng loạt các vùng khác, như Thị xã Tân
Kỳ - Quảng Ngãi 25.3 - Chu Lai 26.3 - Ngày 30.3.1975 thành phố Đà Nẵng
cũng hoàn toàn lọt vào vòng kiểm soát của quân giải phóng. Năm sư đoàn bộ binh
thuộc chính phủ Việt Nam Cộng hòa cùng các lực lượng không quân, hải quân, địa
phương quân... tổng cộng gần 300 ngàn quân VNCH bị tan rã. 16 tỉnh ở miền Nam,
5 thành phố lớn của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu - tức 1/3 lãnh thổ, trong vòng
15 ngày đã lọt vào tay quân giải phóng.
Lúc tình hinh
chiến trường miền Nam đang diễn ra rất căng thẳng, gấp rút giải phóng toàn
bộ miền Nam - Hoàng nhận được tin Thu chết trong một lá thư của Lan gửi vào -
cô bạn gái học cùng một lớp với hai người... kèm với lá thư của Thu viết cho
anh đêm nô-en 1972 chưa kịp gửi. Hoàng nghe tin Lan báo về cái chết của
Thu như sét đánh ngang tai, nước mắt anh chỉ muốn trào ra. Toàn bộ con người
anh run rẩy. Nhưng lệnh chuẩn bị vào cuộc chiến quyết liệt - Hoàng phải nén
lòng mình, vội nhét cả hai lá thư của Lan và người yêu vào túi áo ngực, rồi
tiếp tục chỉ huy bộ đội tiến vào trận đánh.
Ở miền Bắc: Bộ chính
trị của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định mở chiến dịch Hồ Chí
Minh lịch sử: Tiến đánh vào đầu não của chính quyền VNCH ở Sài
Gòn, ngay trong mùa xuân 1975. Sớm hơn dự định mà đáng lẽ theo kế hoạch,
phải để tới năm 1976 mới thực hiện.
Thắng lợi của
chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng và khắp trên chiến trường miền
Nam, đẩy Quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào thế tuyệt vọng. Bộ máy chính quyền của
tổng thống Thiệu tan rã. Ngày 21.4.1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu buộc phải
từ chức, trao quyền lại cho phó tổng thống Trần Văn Hương. Sau đó nhượng lại
cho Dương Văn Minh để có thể thương lượng với cộng sản Bắc Việt - Nhưng cuối
cùng thì Dương Văn Minh thay mặt chính phủ VNCH ở Sài Gòn, đã phải đầu hàng vô
điều kiện.
Chiều 25.4.1975,
Nguyễn Văn Thiệu cùng với gia đình và đoàn tùy tùng rời Việt Nam chạy sang Đài
Loan - với sự hộ tống của trùm CIA tại Sài Gòn Thomas Polar, tướng Charles
Times và đại sứ Martin.
Trở lại với
chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào tháng 4.1975 ở trong tiểu thuyết "Chiến
tranh và tình yêu", Phạm Ngọc Thái đã phục lại: Trung tá Nguyễn Hoàng,
trung đoàn trưởng trung đoàn pháo hỗn hợp ( cả pháo cao xạ đánh trên không và
pháo mặt đất), trực thuộc Binh đoàn Tây Nguyên - Hoàng được phong vượt cấp sau
chiến thắng ở mặt trận Tây Nguyên - Trung đoàn pháo của anh được Bộ tư lệnh
binh đoàn điều động, dùng hỏa lực chi viện cho sư đoàn 320 đánh vào Đồng Dù -
Đồng Dù là một căn cứ kiên cố, tuyến phòng thủ phía Tây Bắc Sài Gòn của Chính
quyền VNCH.
6 giờ 30 phút
ngày 29.4.1975, lệnh nổ súng bắt đầu. Ở đây, đã diễn ra trận chiến rất ác liệt.
Thương vong và tử chiến cả hai bên đều rất nặng nề. Máu các chiến sĩ của Sư
đoàn 320 cũng đã nhuộm đỏ mặt đồi. Mệnh lệnh của đồng chí Sư đoàn trưởng 320,
chỉ thị xuống các trung đoàn: Bằng mọi giá dù phải hy sinh bao nhiêu, trong
vòng 6 tiếng phải tiêu diệt căn cứ Đồng Dù, để các binh đoàn chủ lực của
mặt trận tiến đánh vào trung tâm Sài Gòn.
Đúng 11 giờ ngày
29.4.1975, lá cờ quyết chiến quyết thắng của Sư đoàn 320 tung bay trên nóc sở
chỉ huy của quân VNCH. Mở tung cánh cửa hướng tây bắc, để binh đoàn Tây
Nguyên tiến thẳng về giải phóng Sài Gòn. Chỉ trong vòng 5 tiếng đồng hồ, Sư 320
của quân giải phóng đã đập tan toàn bộ Sư 25 của chính quyền Thiệu đóng trên
căn cứ.
Chiều
29.4.1975 sau khi chiến thắng Đồng Dù, trung đoàn trưởng Nguyễn Hoàng nhận được
chỉ thị của Bộ tư lệnh Quân đoàn: Trung đoàn pháo của anh sẽ ở lại đóng quân
bảo vệ căn cứ - Còn đại quân gấp rút tiến vào nội đô, hợp với các quân đoàn của
toàn miền, để kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Đúng 11 giờ ngày
30.4.1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn
Minh vừa nhậm chức hôm 28.4 phải lên Đài phát thanh Sài Gòn đọc lệnh ngừng bắn
và đầu hàng vô điều kiện. Miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Tiểu thuyết mô
tả hình ảnh những người chiến sĩ ôm lấy nhau hạnh phúc. Nhiều người đã khóc.
Hạnh phúc lớn quá, tưởng có thể vỡ tim! Họ hò reo vui sướng như những đứa con
nít. Lòng những người lính chiến trường thổn thức. Họ muốn gào to lên, gọi vọng
về quê hương:
- Cha ơi! Mẹ ơi! Vợ con và
những người thân yêu của ta ơi! Chiến tranh đã kết thúc rồi. Hòa bình rồi!
Khi đó trong
lòng người Trung đoàn trưởng Nguyễn Hoàng - Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết
này? Tôi xin chép lại đoạn cuối của cuốn tiểu thuyết:
" Buổi
trưa ngày 30.4.1975, trên căn cứ Đồng Dù nắng chói chang như đổ lửa. Trong gian
phòng của Ban chỉ huy trung đoàn pháo, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hoàng lặng lẽ
đứng bên cửa sổ nhìn ra xa. Anh thấy cả một bầu trời đỏ như một dòng sông máu (
mở ngoặc - Hình ảnh "dòng sông máu" minh họa về sự đau thương, tang
tóc do chiến tranh gây ra )... Máu của những chiến sỹ cách mạng đi
làm nhiệm vụ giải phóng từ mấy chục năm nay, máu những đồng đội anh vừa ngã
xuống hôm qua bên cửa ngõ Sài Gòn, và cả máu của bao chiến sỹ vừa chết
trong trận chiến sáng nay ở nội đô, thành phố được coi là "hòn ngọc viễn
đông" này.
Không! Không
phải chỉ những dòng máu ấy, mà còn cả máu của hơn một triệu người lính VNCH
cũng hòa vào trong đó? Những người lính trận của phía bên kia? Họ cũng đã
phải chết rất tang thương...
(
Đoạn này thể hiện tính hòa hợp dân tộc của tác giả )
- Họ đâu phải là kẻ
đã gây ra cuộc chiến tranh? Họ cũng là con em của dân tộc này! Chỉ có kẻ gây ra
cuộc chiến tranh là do đế quốc Mỹ và lũ tay sai khởi chiến mới có tội: Phải bị
lên án tới muôn đời!... Trong dòng sông máu loang đỏ kia, còn cả máu của
những người thân và đồng bào ở thành phố và những làng thôn nơi quê hương anh...
cũng đã phải đổ xuống vì chiến tranh ".
Đấy, bộ
tiểu thuyết "Chiến tranh và tình yêu" của Phạm Ngọc Thái kết thúc ở
đó.
* PHẦN II - Chiến tranh phá hoại của không
quân Mỹ ra miền Bắc, được diễn tả theo cuộc đời Thu. Thu tốt nghiệp trường đại
học sư phạm, nhưng xin chuyển sang làm phóng viên của tờ báo Hà Nội Mới ở Hà
Nội - Cũng vào giai đoạn Mỹ ném bom để hủy diệt thủ đô trong 12 ngày đêm - Cuộc
chiến tàn khốc ấy được diễn tả qua hai chương:
- Chương X: Hà Nội
cuộc sơ tán vô tiền khoáng hậu
- Chương XI: Hà Nội 12
ngày đêm
Ngày 16.4.1972,
chính quyền Hà Nội ra lệnh cho nhân dân phải "cấp tán" - Tức là sơ
tán thật nhanh ra khỏi thành phố, vì Mỹ sẽ ném bom rải thảm thành phố. Tiểu
thuyết đã phục lại một số cảnh điển hình "vô tiền khoáng hậu" của dân
tình năm ấy.
Ngày 17.12.1972,
Tổng thống Mỹ Nixon chính thức ra lệnh mở cuộc tiến công bằng không quân vào Hà
Nội, Hải Phòng: Gọi là "chiến dịch Linebacker II" bắt đầu.
Vào 19h20 phút ngày
18.12.1972, nhiều tốp máy bay B52 (mỗi tốp 3 chiếc) liên tiếp dội bom xuống khu
vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm. Tiếng nổ long trời. Khói lửa
mịt mù... Báo hiệu cuộc đụng độ lịch sử, giữa các lực lượng phòng không ba thứ
quân bảo vệ thủ đô của cộng sản - Mở màn cho chiến dịch 12 ngày đêm "Hà
Nội - Điên Biên Phủ trên không", với các siêu pháo đài bay B52, những
con "ngoáo ộp" Mỹ.
Tiểu thuyết diễn
lại hai trận ném bom tàn khốc nhất của không quân Mỹ trong 12 ngày đêm:
- Đêm 21 rạng ngày 22.12, làm
đổ sập hoàn toàn bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều người bị thương và chết...
- Đêm 26.12.1972, chúng đã
trút bom xuống hủy diệt khu phố Khâm Thiên, nơi toàn dân thường ở: 17 khối phố
bị đánh đổ sập. Phá và hư hại gần 2.000 ngôi nhà... trong đó có cả nhà trẻ, lớp
mẫu giáo, cửa hàng lương thực, thực phẩm, đình chùa di tích lịch sử, rạp hát và
nhiều cơ sở sản xuất - Làm chết 278 người, trong đó có 91 phụ nữ, 40 cụ già, 55
trẻ em - 178 cháu trở thành mồ côi và 290 người nữa bị thương. Toàn bộ khu phố
Khâm Thiên dài 1.200m, chỉ còn là một đống gạch vụn. Hàng trăm gia đình phải
chịu cảnh tang tóc. Có gia đình 7 người không còn ai sống - Một tội ác của giặc
Mỹ chưa từng có trong lịch sử loài người - Chỉ riêng ở Hà Nội, chúng thả
xuống 10.000 tấn bom tương đương quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống
Hiroshima...
Thu bị chết vì
bức tường đổ sập đè lên người... khi cô cùng nhóm phóng viên của Tòa báo Hà Nội
Mới, trong đội cảm tử ở lại thành phố làm nhiệm vụ cứu hộ người bị nạn.
Tiểu thuyết cũng
phục lại chiến tích oanh liệt của quân chủng phòng không, không quân, Quân đội
nhân dân Việt Nam cùng toàn dân miền Bắc: Trong 12 ngày đêm... làm nên một
"Điện Biên Phủ trên không". Bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có
34 máy bay B52, 5 máy bay F111 ( cánh cụp cánh xòe) và 42 máy bay chiến thuật
khác. Tiêu diệt và bắt sống hàng trăm phi công Hoa Kỳ - Đánh thất bại hoàn toàn
cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.
7 giờ sáng ngày
30.12.1972, Nixon buộc phải ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và phải họp lại
Hội nghị Pa Ri về Việt Nam.
Ngày 27.1.1973,
Hiệp định Pa Ri đã được kí kết: Chính phủ Hoa Kỳ cam kết tôn trọng độc
lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Cam kết không
dính líu về quân sự hoặc can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam. Rút hết
quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ về nước.
* PHẦN III: Tình yêu -
Tình yêu của Hoàng và Thu đã nẩy sinh từ thuở thanh thiếu niên, khi
đôi bạn mới rời khỏi trường phổ thông. Tình yêu đó còn mãi trong trái tim, dù
do thời cuộc chiến tranh hai ngả phân ly. Em ở đất Bắc, anh phương Nam - Ngay
trong chương đầu, tác giả đã mô tả về tình yêu:
"... Cô
quay người lại kéo anh sát gần vào mình. Núi Nùng đứng dựng lên như thành
quách, ngăn cách họ với những bề bộn của cuộc sống bên ngoài. Những cây cối
cũng rùng rùng đứng dậy. Gió thổi vút qua những cành lá, sóng vỗ vào mạn bờ lép
bép... Thu ôm lấy Hoàng. Đôi bàn tay nhỏ nhắn mềm mại của cô, ghì xuống đầu
anh. Đôi trẻ tha thiết hôn nhau, những nụ hôn đầu tiên của cuộc đời. Như những
đợt sóng táp lên mặt, lên trán rồi ướt đẫm đôi môi cô.
- Không bao giờ chúng ta quên
nhau!
Thu bồi hồi nói trong
hơi thở.
- Không bao giờ ta quên!
Hoàng đắm đuối
nhìn vào mắt người yêu, khẽ nhắc lại.".
Khi hai người đã
xa nhau - Hoàng ra chiến trường, Thu tiếp tục cuộc đời người nữ sinh sư phạm.
Tác giả tả về nỗi nhớ người yêu của người chiến sỹ trên chiến trường:
"... Bốn
mùa mưa ở Tây Nguyên, Hoàng mới chỉ nhận được của Thu hai lá thư. Anh vẫn
thường xuyên viết thư về cho người bạn gái, sau mỗi chiến dịch về hậu cứ. Không
biết Thu có nhận được hết không?
Hay là:
... Trong lá
thư mà anh nhận được hồi đầu chiến dịch, Thu đã kể cho anh nghe về tình hình
thủ đô: Không quân Mỹ ngày càng đánh phá ác liệt vào thành phố. Đa phần dân
chúng Hà Nội đều phải đi sơ tán về nông thôn hoặc các vùng núi xa - chỉ những
người cần làm việc tại Hà Nội và thanh niên tự vệ là ở lại.
Anh nhớ đến những
khoảnh khắc sống êm đềm bên người bạn gái. Anh thầm gọi tên em giữa đêm
khuya... Cũng có thể, ngày mai thân xác anh vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Tây
Nguyên máu lửa này. Anh không còn có thể trở về gặp lại người con gái thuở ấu
thơ ấy nữa? Anh khao khát từng kỉ niệm nhỏ êm đềm... nhưng cũng bình thản
để tiếp nhận sự khốc liệt, kể cả cái chết trên chiến trường đến bất cứ lúc nào?
Cuộc chiến tranh đã tôi luyện cho Hoàng như thế! Có lẽ nỗi đau thuộc về những
người thân của người chiến sĩ trên quê hương, về gia đình họ... chứ không phải
bản thân những người lính như các anh.".
Còn tình yêu của Thu
dành cho Hoàng trong những ngày xa nhau? Ta hãy nghe nhà văn tả tình cảm của cô
gái:
"... Thu
ngồi trên một bộ bàn ghế đóng mộc mạc, cắm cúi viết thư. Cô viết:
- Nếu tình yêu của Thu có thể
giúp cho Hoàng thêm phần nào lý trí, để Hoàng vững tin trên con đường đời rộng
lớn. Thì đấy, chính là niềm hạnh phúc đã đến với Thu! Thu sung sướng thấy được,
khi chúng ta có những tình cảm sâu sắc gắn bó với nhau - mà ở đó, mỗi đứa biết
vượt lên cái riêng mình... ".
Hay là: "Anh
thân yêu! Ở tận chiến trường xa xôi có nghe thấy tiếng thầm thì của em
không? Đêm nay anh ở đâu, đang hành quân hay trong một trận chiến đấu máu lửa.
Ôi, ước gì lúc này anh cũng có những phút yên tĩnh, thao thức trong đêm như em
- Thu đang nghĩ đến anh đây, anh có biết không?".
Và cô gái ấy có cái mơ
ước đơn giản như bao người con gái khác - Nhà văn Phạm Ngọc Thái đã diễn tả tâm
lý bình dị mà thiêng liêng của người con gái, với người yêu ở nơi tiền tuyến:
"... Một
tình cảm rạo rực trào lên trong con người Thu. Cô tưởng tượng những ngày tới
khi anh về phép... với niềm vui thật khó tả... Ôi! Một lễ cưới sẽ được tổ chức
- Đó là một ngày trọng đại của người con gái. Người con gái nào vào tuổi xuân
thì mà chẳng ước mơ, trong đời có một lần mặc đồ áo cưới" !?
Nhưng rồi cái
ước mơ bình dị và thiêng liêng ấy không bao giờ đến được với cô? Chiến tranh -
Chính là tội ác của chiến tranh đã cướp đí tất cả. Cô đã ngã xuống dưới một bức
tường đổ sập vì bom, đè lên tấm thân mỏng mảnh của người con gái - Và không bao
giờ còn được mặc bộ váy cưới trong ngày vui của người thiếu nữ nữa.
Còn đây? Ta hãy
nghe những dòng thư cô viết cho người yêu trong đêm nô-en 1972 của 12 ngày đêm
máu lửa đó:
"...
Sau khi dự lễ ở nhà thờ, bọn em còn lang thang thâu đêm... rồi trở về tòa soạn
và đang ngồi viết thư cho anh đây!... Chúng mình tuy rất xa nhau nhưng vẫn luôn
có nhau, phải không anh?
Anh ạ, nhiều
người con trai thường nói với người yêu rằng: Anh sẽ dâng cả cuộc sống, cả thế
giới này cho em! - Thì cô gái nói với anh: em chỉ muốn làm một người vợ, một
người mẹ của những đứa con... sống một cuộc sống hạnh phúc bình thường, bên anh!".
Đọc đến đây thì
chính ta muốn khóc? cả cái ước muốn, hạnh phúc bình thường làm vợ, làm mẹ của
người con gái đó cũng không bao giờ đến được với em - Bom Mỹ đã tàn phá đi tất
cả.
Lá thư dài năm
trang giấy pơ luya màu hồng của Thu viết trong đêm nô-en, chưa kịp gửi cho
người yêu thì cô bị chết. Mấy năm sau, Hoàng mới nhận được.
Về Hoàng - Đất
nước không còn chiến tranh nữa, nhưng lòng người sỹ quan ấy lại trào
lên một nỗi buồn tê tái. Người yêu của anh mãi mãi không thể trở lại với anh?
Những trang cuối cuốn tiểu thuyết, đã dừng lại trong những tâm trạng đó! Ta hãy
nghe đoạn, trung đoàn trưởng Nguyễn Hoàng giở lại lá thư của em ra đọc:
"... Bàn
tay anh vẫn run run cầm lá thư của người yêu. Anh cố ghìm lòng mình bình tĩnh.
Một đoạn Thu đã viết:
... Hoàng thân yêu,
Thu yêu anh nhiều lắm, yêu hơn cả bản thân em đấy! Hoàng chính là mối tình đầu
cũng là mối tình vĩnh viễn của em. Anh và em, ta đã trao nhau những gì đẹp nhất
của cuộc đời, phải không anh? Em cũng đã dành cho anh trọn vẹn những gì
quí giá nhất của người con gái. Em thấy hạnh phúc vì đã làm với anh điều
ấy!
Nghĩ đến anh là
em lại thấy lòng mình bình yên và ấm áp. dù đêm mùa đông giá lạnh, phải sống xa
anh cả nghìn cây số. Em ngồi viết thư cho anh đây, một mình em một bóng cô đơn.
Tình yêu anh đã nâng đỡ em rất nhiều trong những vấp váp đầu đời, đấy anh!
.... Ôi, cứ nghĩ tới những
ngày tới anh về phép, lòng em lại bồn chồn khôn tả? Em mong đợi ngày đó biết
chừng nào. Khi đó đôi ta sẽ chính thức trở thành chồng, thành vợ - Phải không
anh?
Cứ mỗi lần đọc
đến đây, Hoàng lại thấy run bắn người. Anh như muốn òa khóc nấc lên tựa một đứa
trẻ con... ".
Đấy, trong
những trang cuối cùng tiểu thuyết đã kết như thế! Để nói lên: Hạnh phúc lớn lao
của đất nước... đã phải trả bằng bao nhiêu máu, sự hy sinh, nỗi đau đớn của
những người chiến sỹ và của cả dân tộc này.
....
Nhưng nói về
tình yêu trong cuốn tiểu thuyết, còn xuất hiện một người con gái nữa !? Em cũng
yêu Hoàng tha thiết - Mối tình tay ba chăng? Không hẳn thế, vì trong truyện
không có sự tranh giành tình yêu.
Đó là tình yêu
của một thiếu nữ người Mường, anh đã gặp trên đường hành quân đi chiến đấu. Tên
em là Mỵ! Tiểu thuyết đã mô tả về sự gặp gỡ, dẫn đến cuộc tình tha thiết của
người con gái bản với anh... vào một mùa xuân:
"... Họ đi qua
những cành đào đung đưa như chào đón. Hoàng giơ tay ngắt một nhánh hoa nhỏ. Mái
đầu của cô gái Mường khẽ chạm vào má anh. Anh thoảng nghe hơi thở của người con
gái cũng thơm nhẹ như làn hương hoa. Hoàng đưa tay vuốt lại những sợi tóc tơ,
cài nhánh hoa lên bím tóc. Mỵ lặng yên để cho anh cài hoa. Cô áp đầu vào ngực
anh, nói nhỏ:
- Anh Hoàng, em rất mến anh!
Bông hoa mùa
xuân trinh bạch quá! Ở đây... chính giữa vườn đào này, người con gái Mường là
quầng sáng thần diệu bủa vây. Khi vòng tay anh kéo cô sát vào người, Mỵ có cảm
giác toàn thân cô đang đổ sụp. Lúc này người con gái bản sẵn sàng gieo vào lòng
anh, nếu anh muốn...
Ai có thể cắt
nghĩa được đầy đủ về tình luyến ái? Ai có thể phân được giới hạn tình yêu và sự
cuốn hút của người con gái? Bắt đầu chỉ là ý nghĩ về sự chiêm ngưỡng, nhưng rồi
chính cái đẹp trinh trắng ấy đã hấp dẫn anh...
Hoàng tự hỏi:
"Tôi thích em, đấy ư!" - Một cái gì bỗng day dứt trong anh? Anh lưỡng
lự và giây phút rụt rè, không dám để thả mình tiến xa hơn. Nhưng rồi cái tuổi
thanh niên hay khao khát và ham muốn được khai phá...
Chao ôi! Lỗi lầm
sao cũng tươi mát như thân thể và tâm hồn em vậy? Đóa hoa thơm của người con
gái đang choán trong anh.
- Mình có làm gì tồi tệ đâu?
Anh tự biện bạch
cho mình như vậy! Dẫu ta không thể dành cho em một tình yêu thực sự của hôn
nhân, nhưng ta vẫn có những tình cảm rất đẹp với em cơ mà? Những tiếng nói vẳng
lên trong lòng anh... và ta lại thích có em? Lại muốn được hưởng những niềm say
mê, khao khát của tuổi thanh xuân với em.
Hoàng bàng hoàng. Anh
ôm lấy người con gái. Tưới những nụ hôn lên trán, lên môi, lên vòm ngực thơm
như hương hoa núi rừng của người thiếu nữ mới lớn.".
Tưởng rằng những
tình cảm trai gái cuốn chàng chiến sỹ sẽ chỉ dừng lại ở đây !? Nhưng
không, khi lòng anh cảm thấy sự sa đà ấy là anh có lỗi với Thu - Nhân khi có
lệnh cắm trại để chuẩn bị sẵn sàng tiến ra tiền tuyến, tết đó anh không vào bản
nữa... cũng là để tránh không gặp Mỵ. Nhưng lúc này người con gái Mường
trong trắng, thật thà lại rất tha thiết với anh... và cô cho rằng, những lời
ngọt ngào mà anh đã nói là tình yêu của anh dành cho cô? Với bản sắc mãnh liệt
của người con gái bản, Mỵ lao đi tìm người yêu, trước khi anh lên đường ra
chiến trường. Thế là cuộc tình thứ hai của anh chiến sỹ Nguyễn Hoàng đã diễn ra
- Đây là đoạn tác giả tả khi cô đã gặp anh:
"... Mỵ
đắm đuối nhìn Hoàng tha thiết biết nhường nào. Đôi mắt ấy như muốn nói: Hãy hôn
em đi! Hãy ôm em như hôm ở trong vườn đào ấy? Rồi anh đi. Lúc này chúng mình
không nghĩ về chuyện khác nữa. Chỉ nghĩ đến em đang ở bên anh. Chúng mình đang
yêu nhau...
Gặp lại được
anh, em chỉ muốn theo anh ra mặt trận, để cùng chiến đấu với anh. Em sẽ nấu cơm
cho anh ăn, ru cho anh ngủ...
Hoàng như sống
trong mơ. Mà đâu phải là mơ, cô gái đang nằm trong vòng tay anh đấy! Người con
gái trong trắng, xinh tươi, đáng yêu này. Ôi, đôi bàn tay? Lý trí của ngươi
thật tồi tệ. Nhưng lý trí mà làm gì? Những xúc động mãnh liệt cám dỗ anh phút
này còn mạnh hơn. Chẳng có gì ngăn trở nữa, đôi bàn tay tham lam...
"Anh là của
em..." - Tiếng cô gái đang yêu, thầm thì bên anh.
Hoàng không
tránh khỏi những tâm tư, trì chiết ở trong lòng? Tác giả mô phỏng sự tự
vấn đó:
"... Hoàng
không thể nào nói nổi với Mỵ cái điều mà anh muốn nói với cô? Anh muốn thú nhận
với người con gái bản rằng: Tình yêu giữa anh và cô, không dẫn đến một kết quả
nào! Nhưng anh không thể nói với cô là, anh đã có người yêu
rồi! Đâu có phải anh cố tình muốn lừa dối cô? - Không, không phải thế! Trong
Hoàng bối rối với bao suy nghĩ..." .
Cứ tưởng, rồi
tình yêu thứ hai này của Hoàng cũng chỉ đến đấy, khi anh đã ra trận? "Chiến
tranh sẽ xóa đi tất cả - Hoàng nghĩ vậy". Nhưng không, Phạm
Ngọc Thái lại phát triển tình yêu đó đi xa hơn. Anh để người con gái bản, vì
thương nhớ người yêu?... Thời gian sau đó, khi anh đã ở ngoài tiền tuyến rồi -
Cô cũng quyết định xin ra chiến trường.
Truyện thì dài.
Mỵ cũng vào cùng chiến trường Tây Nguyên với anh - Vốn dĩ là một y tá bản,
cô được bố trí làm việc ở trong ban quân y của bộ tư lệnh mặt trận.
Rồi Mỵ cũng đã gặp được Hoàng... trong một chiến dịch mà cô được Ban quân
y cử đến tham gia chiến dịch phục vụ các đơn vị chiến đấu - Ta hãy nghe một
đoạn, người con gái bản đã lý giải về quan hệ tình yêu tay ba, khi gặp lại anh
trên chiến trường:
"... Ít
hôm trước, khi Đắc Tô - Tân Cảnh mới được giải phóng, Mỵ cùng với cô Sa người
Huế đã tìm đến đơn vị để gặp anh. Mỵ trông vẫn xinh, vẫn đẹp gái... Lúc đó anh
sững sờ nhìn người con gái bản, cứ nghĩ mình đang mơ? Chỉ vì lòng ham muốn của
tuổi trẻ, anh đã gieo vào tâm hồn trong trắng của cô gái một tình yêu trái
tim!...
... Anh và Mỵ
tìm một nơi yên tĩnh trong rừng để tâm tình. Còn cô Sa thì anh em quây kín lại
tíu tít chuyện trò... cứ như người thương nhớ, tận bên kia thế giới mới
về...
Mỵ hờn dỗi,
trách anh đi biền biệt không viết thư về cho cô. Anh đã phải tìm mọi lý do biện
bạch cho mình: Nào là chiến trận liên miên, nào là bom đạn nên thư hay thất
lạc?... Mỵ nói là rất yêu anh! Ngồi bên anh trong rừng, cô nằm vào lòng anh cho
bõ nhớ - Cô bảo vậy.... Quả thật khi gặp lại Mỵ, lòng anh không khỏi choáng
váng. Ngồi ôm em trong vòng tay, anh cũng thấy chính mình hạnh phúc! Thôi, cứ
để cho em nghĩ rằng: Anh vẫn chỉ là của riêng em. Cả anh và em cứ tận hưởng
những khoảnh khắc ân ái đang dào dạt tâm hồn. Nhưng giây phút anh man mê trên
tấm thân nõn nà của người con gái...
Mỵ cũng khao
khát và trong lòng cô không thể nào cưỡng nổi. Cô cứ để tấm thân trần mà tận
hưởng với anh, giữa một khu rừng chỉ có hai người và tiếng chim
kêu...
.... Bỗng một ý
thức nào đó vụt đến trong đầu, anh dùng toàn bộ lý trí của mình vùng đứng dậy:
"Tình yêu của em dành cho anh thiêng liêng, cao cả quá! Anh không thể dối
lừa em được nữa" - Một ý nghĩ nhân ái lớn lao hơn đến trong anh, đã đến
lúc anh phải nói thật với em tất cả.
... Hoàng bế Mỵ
ngồi lên. Anh cứ để tấm thân trắng ngần của người con gái trong vòng tay mình,
kể cho cô nghe tất cả mối tình của anh đã có với Thu. Anh cũng nói rõ với Mỵ
là, anh không thể phụ lại tình yêu của người bạn gái thưở thiếu thời ấy!
... Nghe Hoàng nói, Mỵ
cũng lặng đi và rơm rớm nước mắt, nhưng cô không khóc. Giây lát, Mỵ ngước lên
nhìn anh khẽ hỏi:
- Anh có yêu em không?
- Anh quí mến Mỵ! Anh
thương Mỵ nhưng anh không thể...
Hoàng bảo vậy
rồi ôm chặt lấy cô, tỏ nỗi cảm thông với người con gái bản Mường. Mỵ không
buông một lời trách móc nào với anh. Cô nói: Nếu anh cũng có tình thương yêu
với cô, cô không giận anh - Bởi vì người con gái anh yêu đầu tiên, mà anh gọi
là "Thu" ấy... đã đến với anh trước cô. Cô không oán thán anh. Cô kể,
ở bản Mường cũng không thiếu gì những người đàn ông hai vợ, mà vẫn sống êm đềm,
hạnh phúc. Nhất là chiến tranh, con trai ra tiền tuyến bị chết nhiều, đàn ông
lấy hai vợ cũng là sự thường tình.
Mỵ bảo: Cô chấp
nhận Thu đã đến với anh trước nên chị ấy sẽ là vợ cả, Mỵ làm vợ hai của anh
cũng được. miễn là anh vẫn yêu cô - Em còn nói, em tha thiết yêu anh và không
thể bỏ anh...
Đến lượt Hoàng
bất ngờ, đến mức sững sờ... khi nghe thấy Mỵ lại giải quyết vấn đề nan giải ấy
một cách nhẹ nhàng như thế! Anh ôm ghì lấy người con gái, tỏ lòng cảm phục cô
về cả lý trí và tình yêu. Mỵ kéo Hoàng nằm xuống... ".
Ôi, chuyện tình
yêu của hai anh chị vẫn còn nhiều thú vị - Mời bạn đọc hãy xem trong tiểu
thuyết, kẻo bài viết của tôi dài quá.
Nhưng
rồi trong chiến dịch đánh vào Kon Tum sau đó, quân giải phóng bị thất bại
phải rút lui - Mỵ bị thương rồi... chết!
Thế là, cả hai
mối tình của Nguyễn Hoàng với hai người con gái: Một ở lại hậu phương - Một ra
tiền tuyến, đều bị cuộc chiến tranh cướp đi, không ai còn ở lại được với anh.
Một cái kết thật bi thương! - Đấy chính là cái giá mà nhân dân Việt Nam và
những người chiến sỹ đã phải trả cho sự độc lập! Ta lại nghe Phạm
Ngọc Thái nói về cái chết của người con gái chiến sỹ ấy, khi em trút hơi
thở cuối cùng trên cánh tay anh:
".... Cô
ấy chết rồi! Cô ấy không bao giờ tỉnh lại được nữa... Như hoa lá, bầu
trời - Tâm hồn em thật cao thượng! Ý nghĩ của em cũng thơm mát như những cánh
hoa tươi. Tất cả ở trong em, người con gái bình dị mà cao cả biết bao nhiêu. Em
là cái đẹp thiên nhiên nhất của thiên nhiên! "con người" nhất của con
người! Nơi tập trung sự đẹp đẽ của lòng nhân ái, của khao khát và hy vọng!...
Anh ghê tởm nguyền rủa cuộc chiến tranh phi nghĩa do Mỹ gây ra. Em vượt lên
điểm đỉnh của phẩm giá, của chủ nghĩa nhân văn - Một người nữ chiến sĩ bình dị,
trong cuộc chiến tranh tàn khốc này. Người liệt sĩ vô danh.".
Một bộ
tiểu thuyết tâm lý chiến tranh sâu sắc, sống động, ngôn ngữ đẹp và không kém vẻ
ly kỳ... về thời kỳ chiến tranh đánh Mỹ - Của một nhà văn chiến binh, từng sống
trọn tuổi trẻ của đời mình trên chiến trường Tây Nguyên máu lửa. Theo tôi:
Bộ tiểu thuyết có giá trị lịch sử cũng như đối với nền văn học nước nhà.
Hà Nội, tháng 8.2020
Trần Đức