TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Friday, March 7, 2014
NHỚ MỘT NGƯỜI BẠN THƠ - thơ Nguyễn Văn Gia
Người đã đến giữa đời như chiếc bóng
Buồn hay vui chưa hết cuộc trăm năm
Mới hôm nào tay nâng ly rượu đắng
Quán nhỏ ven đường giờ đã xa xăm
Làng quê ta vẫn rì rào sóng bể
Đứa con hoang chẳng còn buổi quay về
Này cánh buồm nâu, này chiều bãi vắng
Bến yên nằm thương nhớ kẻ xa quê
Vầng trăng khuyết dẫu cuối trời hiu hắt
Vẫn tìm em lẩn trốn ở phương nào
Chỉ một mình yêu là yêu rất thật
Nên suốt đời quanh quẩn với chiêm bao
Tin dữ quê nhà làm ai chết điếng
Người ra đi thanh thản chỉ riêng mình
Đâu có phải vĩnh biệt chân trời mặt biển
Là hết thật rồi cái bóng thân quen.
Nguyễn Văn Gia
NHỚ MÃI MỘT LÀN HƯƠNG. - thơ Hoàng Anh 79
Bên nhau giây phút cuối
Rồi xa cách mù khơi
Anh một mình đếm bước
Khúc tình buồn lẻ loi
Gần nhau thêm phút nữa
Chắc gì tình lên ngôi.
Anh yêu tà áo trắng
Thơm sách vở học trò
Mùa thi anh dang dở
Sông trôi lỡ chuyến đò
Em bước vào đại học
Xây cả trời ước mơ.
Anh yêu bờ môi mọng
Ôm cuộc tình lận đận
Vàng xác lá thu bay
Anh chim trời mãi miết
Quên mất một đường mây.
Anh yêu em độ lượng
Sợi tóc óng mượt chuông
Lời kinh cầu thánh thiện
Đời vẫn chưa hết buồn
Anh đi sầu trăm ngã
Nhớ mãi một làn hương.
Ngày 6/3/2014
Hoàng Anh 79
Họ và tên: Hồ Mạnh Phi Hùng
Bút Danh: Hoàng Anh 79
Sinh ngày 14/09/1973
Mail: homanhphihung.mt@gmail.com
Điện thoại: 0918.974.522
Địa chỉ: Long Xuyên, An Giang.
ĐẦU NĂM GẶP LẠI BẠN HỌC CŨ - thơ Nguyễn An Bình
*Tặng các bạn lớp
ĐHSP VĂN chuyển tiếp sau 1975.
Ngày đầu năm mừng gặp lại bạn cũ
Lần đầu tiên qua năm tháng thăng trầm
Thuở ra trường không hẹn ngày gặp lại
Bỗng giật mình thoáng chốc mấy mươi năm.
Bắt tay nhau mừng bọn mình còn sống
Dù trong lòng chưa hẳn đã vui đâu
Đời áo cơm bao phen đầu sớm bạc
Được mấy thằng đi suốt một con tàu.
Đứa bỏ dạy nhảy tàu đi buôn lậu
Đứa chuyển ngành làm những chuyện đâu đâu
Đứa vỡ mộng chờ ngày về hưu sớm
Đứa ngồi buồn nhìn thế cuộc bể dâu.
Nào nâng ly, bạn kể gì đi chứ
Mấy mươi năm nào đâu chỉ một ngày
Mấy mươi năm đời biết bao biến đổi
Biết ai còn ai mất ở ngày mai?
Ngày đầu năm, thôi vui lên bạn nhé
Được cầm tay mong gặp lại mùa sau
Rượu tràn ly ta cùng nhau uống cạn
Cơn say nào rồi cũng sẽ qua mau.
Tháng
3/2014
Nguyễn An Bình
THÁNG BA VỀ CHẠM MỘT CON ĐƯỜNG - thơ Ngưng Thu
Gõ nhịp đều lên phím nhớ một thời thương
Năm tháng dẫn mùa đi dọc Giêng hai để chạm một con đường
Con đường ve ngân lên vùng kỉ niệm
Con đường chiều mưa đẫm ướt mùa hoa
Em có nghe không?
Cơn gió mùa xuyên cả rét tháng Ba
Thoáng bâng quơ cũng tìm về nỗi nhớ
Kỉ niệm chôn sâu dưới bồn bề duyên nợ
Tháng Ba ngời xanh những búp non yêu
Em biết không em ?
Khi tình anh… hồ gợn
sóng dập dìu
Cũng rạo rực trào dâng mùa nuớc nổi
Tháng Ba về khúc ve ngân bối rối
Lời tự tình theo gió có còn bay?
Tháng Ba về còn có những đắm say
Hưong mùa cũ rêu hờn trên vách nhớ
Hãy khất thực thêm mùa…
Tháng Ba mùa thêm nữa
Để ta về chạm một khúc thơ ngân
Tháng Ba mùa hương mãi mối tình xanh
Ngưng Thu
NHỮNG ĐÔI MẮT SAU SONG SẮT BUỒNG GIAM - thơ Bình Địa Mộc
sau song sắt đôi mắt ấy nói gì
người thương mẹ ung thư giai đoạn cuối
nhà thì nghèo chẳng đủ tiền chạy chữa
thôi yên lòng nơi chín suối mẹ nghe
kẻ mang mang nhớ ngày bắt lên xe
chồng làm xa không kịp về đưa tiễn
chỉ gởi lại lời thăm qua người hàng xóm
cải tạo tốt rồi sớm đoàn tụ cùng anh
sau song sắt giọt nước mắt chòng chành
con gái nhỏ chạy theo chiếc xe thùng bưng bít
bỗng hòn đá ngăn bàn chân em ngả quỵ
chị nhoài người với hụt chú công an
một tháng sau con đến ngỡ ngàng
thăm nuôi mẹ xem chỗ chân rướm máu
như vết cứa từ trái tim nấp náu
bặn người ra chị lọt thỏm xuống giam phòng
sau song sắt những gương mặt héo hon
của các mẹ, các chị một thời lẫm lỗi
nước mắt khô rồi chẳng còn chảy nữa
nhưng mỗi ngày lần lữa thấm vào trong
mồng tám nầy có ai đến thăm không
tặng cho em một cánh hoa rừng cũng được
để thời gian bớt lạnh lùng xơ xước
úa ngập lòng non nỉ tháng ba ơi !
Sài Gòn, ngày 05.03.2014
Bình Địa Mộc
Thơ Phan Minh Châu: THÁNG GIÊNG MAI NỞ BÊN CHIỀU - THỊ XÃ CỦA TÔI
THÁNG GIÊNG MAI NỞ BÊN CHIỀU
Em có biết mùa Xuân vừa chin mật
Trãi hương cau lên phố nhỏ yên bình
Quê ta đó nắng thơm từng vuông đất
Phù sa về ấm lại những dòng kênh
Tháp đứng đó nghìn năm không lỗi hẹn
Gọi ngày lên khơi dậy bóng sông chiều
Thị xã bỗng ấm tình quê tháng chạp
Hương lúa nồng hương cớm buổi ta yêu
Em có biết trăng vừa về thành phố
Đêm Nguyên Tiêu lên sáng cả đôi bờ
Tiếng sáo dỗ nỗi buồn lên mắt phố
Bài thơ tình đăm đắm tuổi hoa mơ
Nhịp cầu nối giữa hai bờ đất nước
Sáng lung linh con phố nhỏ yên bình
Đò Ngọc Lãng đưa người đi trẩy hội
Giục đèn câu lên sáng cả quê hương
Em có thấy cuối đường tan buổi học
Chiếc nơ xanh thêm sáng tuổi xuân thì
Chân sáo gõ mùa xuân thơm tiếng hát
Lá thư tình viết dỡ giữa mùa thi
Quê ta đó mùa Xuân đang đổi mới
Trời tháng giêng Mai vẫn nỡ bên chiều
Hảy gát lại nỗi buồn xưa mắt Phượng
Để trăng thề lên sắc hởi em yêu
PMC
THỊ XÃ CỦA TÔI
Thị xã của tôi
Tháp cổ đứng nghìn năm đau đáu
Nỗi lòng còn bợn chút chân quê
Dòng song Ba lũ cuộn đỏ đường Kè
Ngôi làng củ sang lên màu ngói mới
Hai mươi mốt nhịp cầu
Nối đôi bờ đất bổi
Ngọn đèn đêm canh cánh đợi ngày lên
Đỉnh Chóp Chài như chóp mủ bình yên
Nằm thao thức canh trời đêm bão dữ
Thị xã của tôi
Những con đường thơm mùi hoa Sứ
Vườn nhà ai hương sửa ngát đêm trăng
Đường về quê hun hút mưa giăng
Đất lầy lội sập sình mùa gioong bão
Thị xã của tôi
Đêm lành lạnh rũ nhau về cuối phố
Nghe nhạc tình để nhớ những ngày xưa
Giọt cà phê sóng sánh đẫm vần thơ
Chiều tan học đợi em về bỗng nhớ
Thị xã của tôi
Thơm từng chân rạ
Mỗi mùa vàng là mỗi một mùa Xuân
Thuở cơ hàn mẹ địu gạo trên lưng
Tập con trẻ hát bài ca đất nước
Thi xã của tôi
Đi sau về trước
Lòng thảo thơm ấm nghĩa ấm tình
Hết nghèo nàn cơ cực đón bình minh
Mang sức trẻ lên tầm cao tổ Quốc
PHAN MINH CHÂU
3bb Âu Cơ Nha Trang Khánh Hòa
TÂM SỰ VỚI HIỀN THÊ - thơ Tuyền Linh
Giỗ em cũng đã gần kề
Lu bu cuộc sống, biết về được không
Chẳng vì nặng nợ áo cơm
Nhưng nhiều thứ khác còn hơn thế kìa!
Nhân tình thế thái khác xưa
Nắng mưa, mưa nắng chẳng vừa lòng ai
Nên chi cái đúng lại sai
Cái không lại có, cái vừa lại dư
Từ ngày em về bên kia
Bố con đùm túm xa lìa quê hương
Tha phương cầu thực dặm trường
Củ khoai củ sắn sống nương qua ngày
Các con khôn lớn, mừng thay !
Nhân, nghĩa, lễ, trí… đủ đầy lập thân
Đời người chỉ có trăm năm
Vợ chồng ta được mấy lần sống chung ?
Chiến tranh khiến vợ xa chồng
Khiến con xa mẹ để lòng đớn đau
Rủi nằm trong cuộc bể dâu
Âm Dương cách trở nát nhàu tâm can
Ngày qua là nỗi đoạn tràng
Một thân gà trống dẫn đàn con thơ
Giáng Châu chỉ mới lên hai
Suốt ngày nhớ mẹ khóc hoài đó em
Nợ trần em cũng đã yên
Chỉ còn anh lại với nhiều âu lo
Ngày đêm trăm mối tơ vò
Chơ vơ thuyền nhỏ, bến bờ về đâu ?
Biển đời sao biết nông sâu
Bước thêm bước nữa cũng liều đó thôi
Tuổi chiều thường lắm cơ cầu
Trở trời trái gió biết đâu cậy nhờ
Thôi thì khổ cực số trời
Mong em thấu hiểu, anh vơi nỗi niềm
Hàng cây rất muôn đứng im
Gió lay động mãi nên tình lao đao
Chừ đây em ở phương nao
Xin cho anh biết đường nào trăm năm ?
Để khi anh có yên nằm
Tim em nối lại đoạn trần dở dang
Tuyền Linh
04.3.2014
Thơ Thúy Ngân - MẸ - TÌM
MẸ
Bếp lửa hồng
Mẹ âm thầm
Đăm đắm cõi xa xăm
Con xót thương
Nước lăn dài trên má
Cha đi xa (!)
Chẳng giúp Mẹ được gì
Để ngày tháng qua đi lỏng
chỏng
Một hình, một bóng
Đợi Cha về trong giấc chiêm
bao.
TÌM
Gió đông bắc tràn về
Lạnh tím
Anh tìm
Em kiếm - một tình yêu
Én liệng
Xuân sang
Hạ chào
Ve râm ran đầu ngõ
Hoa sữa trắng nồng nàn
Thu tới
Ai đợi ai!
Thúy Ngân
Bưu điện tỉnh Bình thuận
HOA THÁNG BA - Trường Hải Lê Văn Đông
(Viết tặng chị em phụ nữ nhân ngày 8/3)
Tháng chạp mùa lá rụng,
Cây trơ cành khẳng khiu,
Tháng giêng lộc nhung tơ,
Tháng hai mầm lộc biếc,
Tháng ba hoa nở bừng.
Muôn hoa khoe sắc thắm.
Vườn nhà hương ngan ngát,
Nào hoa bưởi, hoa chanh,
Dọc đường làng hoa gạo
Thấp thoáng lửa thắp cành.
Hoa nhãn cùng hoa vải,
Mâm xôi ong lượn quanh.
Hoa thích nhất lòng anh,
Hoa tháng ba: Phụ nữ
Hoa hậu của trần gian!
Hoa ngây ngất, miên man,
Hoa tình yêu bất tử,
Hoa những người giữ lửa,
Nồng ấm cho mọi nhà.
Tháng ba về, anh nhớ,
Hái bông hồng tặng em.
Đỉnh Sơn , 4/3/2014
Trường Hải Lê Văn Đông
ĐÀM ĐẠO VỀ THIỀN - Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)
1.
HỎI: Thiền là gì?
ĐÁP: Có người cho rằng, vì siêu vượt mọi tổ chức và hình thức quy định, vì siêu vượt mọi ngôn từ, mọi khái niệm và tướng trạng nên không thể nói được Thiền là gì. Nhưng, nếu không thể nói gì được thì đạo lí Thiền đã không có mặt ở cõi đời.
Thiền, cốt tuỷ nhất, là tự tri; là tâm trí thấu hiểu chính nó, thấy biết chính nó,soi sáng chính nó để giải thoát khỏi tình trạng vô minh. Trạng thái vô minh của tâm trí tức là trạng thái vô minh của ý chí, tức là trạng thái vô minh của ông chủ sự sống.
Tâm trí vô minh mang năng lượng khuôn đúc, quy định trạng thái óc não. Trạng thái óc não bị khuôn đúc chính là trạng thái chấp thủ, chấp ngã (khẳng định cái “tôi” huyễn ảo). Một óc não bị khuôn đúc thì không thể có tự do và minh triết trong nhận thức, trong tư duy.
Tâm trí vô minh, vì sống không minh triết, nên tích tụ năng lượng gây hậu quả đau khổ phiền não cho chính cuộc sống của nó (một cấu trúc thân-tâm-cảnh), trong vòng sinh hoá luân hồi.
Tâm trí vô minh góp phần gây ô nhiễm cho tổng thể; góp phần gây hỗn loạn đảo điên cho vô thức của nhân loại, của chúng sinh, của toàn thể vũ trụ.
Tâm trí vô minh, vì sự chấp thủ-chấp ngã ngự trị, nên lương tri bị che mờ; vì thế không có đạo đức nhân văn đích thực, không có tâm thái hoà bình.
Tâm trí vô minh không thể ngộ nhập Chân Lí Tối Thượng (Thượng Đế, Chân Tâm, Viên Giác…); không thể biết đến tâm linh vĩnh hằng (tri giác phi thời gian tâm lí); không thể giác ngộ thực tại cuộc sống; không thể có cái-nhìn-như-thực (tuệ nhãn).
Một tâm trí không thấu hiểu chính nó, không thấy biết chính nó, thì chắc chắn đó là một tâm trí đầy ngã chấp si mê, vô minh tăm tối. Tâm trí đó dù học nhiều, biết rộng, giàu tài năng (kể cả tài năng hoạt động tôn giáo), lừng danh về trí-công-cụ, vẫn không phải là có trí tuệ đích thực (vô sư trí); vẫn không phải là tâm trí tỉnh thức đích thực.
Thiền là sống với những giây phút “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” (đạt viên mãn rất khó). Thiền là những giây phút sống với tâm vô trụ, với nhân cách tự-do-tinh-thần. Vì thế, trong Đường Về Minh Triết (Tuệ Thiền; Văn Nghệ, 2007) có viết: “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả”.
Hành thiền, cốt tuỷ nhất, là tự tri, là quán tâm. Học Thiền, tức học đạo lí giác ngộ, cốt tuỷ nhất là nương ngôn từ để thấy biết trạng thái tâm trí. Tâm trí có sự thấy biết chính nó, đó là có sự giác ngộ, có sự tỉnh thức.
Thiền là sự tỉnh thức của ý chí cuộc sống. Thiền là giá trị tối thượng của nhân loại muôn đời, của vũ trụ. Có thể gọi “Thiền” bằng nhiều tên gọi khác, nhưng nội hàm là “tự tri-tỉnh thức-vô ngã”. Dù áp dụng phương cách nào để chuyển hoá tâm thức, nhưng nếu có nội hàm “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là có Thiền, là có giác ngộ. Không có sự soi sáng cái “tôi” thì không thể có giác ngộ chân thực, không thể có Thiền chân chính; không thể có phẩm chất khế hợp Chân-Thiện-Mĩ.
2.
HỎI: Phải đọc văn bản có giá trị giác ngộ tự tâm (tức là giác ngộ cội nguồn cuộc sống) như thế nào?
ĐÁP: Nếu đọc mà dùng nhận thức suy luận để hiểu, đó là đọc bằng trí-công-cụ, bằng tâm ngôn-tâm hành; tức là đọc bằng vọng tưởng, bằng kiến thức bị quy định. Tâm ngôn-tâm hành là sự nói năng trong tâm, là sự diêu động trong tâm; là vọng tưởng. Vọng tưởng càng nhiều thì thực tại của tâm, mặt thật của tâm trí càng bị che mờ. Sự hiểu bằng cách đọc này chỉ có giá trị định hướng, đánh thức khát vọng giác ngộ, chứ không có sự giác ngộ đích thực.
Phải vừa đọc, vừa nghiệm, vừa đối chiếu với trạng thái tâm trí đang hiện hữu (đang là). Văn bản như tấm gương soi để thấy rõ mặt tâm trí, để ấn chứng.
Không quán tâm, không tự tri thì không biết đọc Thiền, không biết học Thiền. Cốt tuỷ của việc học Thiền là trực quan, tức là thấy rõ (nghe rõ, biết rõ) trạng thái tâm trí bằng tri giác nội tại. Giống như học giải phẫu cơ thể, không thể học được nếu không tận mắt thấy rõ các bộ phận trong cơ thể.
Biết đọc văn bản giác ngộ là có giác ngộ.
3.
HỎI: Vọng tưởng là gì?
ĐÁP: Vọng tưởng là những hoạt động của tâm trí gắn chặt với trạng thái tâm lí si mê chấp ngã (quy ngã, khẳng định cái “tôi” huyễn ảo). Hoạt động của vọng tưởng hàm chứa hai chiều hướng đồng thời: một chiều thì hướng về đối tượng, một chiều thì hướng về chủ thể vô minh. Chủ thể (tức là cái “tôi” huyễn ảo) vô minh vì bản thể không có sự soi sáng, không có sự tỉnh giác. Vì chủ thể là sự vô minh nên mọi hoạt động của tâm trí được gọi chung là vọng tưởng.
Nói khái quát thì vọng tưởng còn có những tên gọi khác là: vọng niệm, vọng tâm, vọng thức, nghĩ tưởng, niệm tưởng, suy nghĩ, suy tưởng, tư tưởng, nhớ nghĩ, tưởng nhớ, tâm ngôn, tâm hành, tâm sinh diệt, kiến chấp, chấp thủ…Tức là mọi hoạt động của tâm trí trong trạng thái vô minh.
Vọng tưởng hàm chứa sự phân biệt mang tính chất vị ngã (sự vị ngã có thể rất khó nhận biết). Tâm phân biệt (nhị nguyên) thì có ngôn từ, vì thế, rất cụ thể, vọng tưởng là những nói năng trong tâm trí. Vọng tưởng là những nói năng trong tâm trí, nên những nói năng trong tâm trí (tâm ngôn) là biểu hiện của cái “tôi”, của sự chấp ngã.
Biết vọng tưởng trọn vẹn (tức biết lắng nghe sâu sát và tự nhiên những nói năng trong tâm trí) là biết nhắm vào gốc rễ của cấu trúc vô minh, phiền não. Thấy rõ, biết rõ điều này rất quan trọng cho Thiền, cho sự đột chuyển (chuyển y) nội tâm, cho sự nghiệp giác ngộ.
Vọng tưởng là huyễn tướng. “Tri huyễn tức li, li huyễn tức giác” (Kinh Viên Giác). Thấy biết rõ vọng tưởng thì tướng vọng tưởng tự lìa, tánh Viên Giác hiện tiền (cũng chính là vô niệm hiện tiền, tánh Không hiện tiền, chân tâm hiện tiền, vô ngã hiện tiền).
Những lúc có sự tỉnh thức thật sự (vô niệm hiện tiền, tịch quang hiện tiền), thì khởi niệm khởi tưởng tuỳ duyên được gọi là chánh trí, chơn thức…
Với trạng thái vô minh chấp ngã, với trạng thái vọng tưởng, sự tôn vinh trí-công-cụ làm cho nhiều vấn đề càng ngày càng nan giải là: siêu thiên tai vì biến đổi khí hậu, lan tràn bạo lực và chiến tranh, bành trướng vũ khí hạt nhân và vũ khí sinh học, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, thực phẩm chứa đầy độc hại, tai nạn giao thông tràn lan, gia tăng nhiều bệnh tật hiểm nghèo, dân đen bị trí-chó-sói bóc lột đa dạng, đói khát, tranh giành quyền lực quyền lợi khốc liệt, bịp bợm xảo quyệt, sa đoạ lương tri, sa đoạ tinh thần, tâm bệnh…
Rất cần có NGÀY QUỐC TẾ “TỰ TRI-TỈNH THỨC-VÔ NGÔ để định hướng cho văn hoá-giáo dục, để nhắc nhở tâm ý con người.
4.
HỎI: Thế nào là giác ngộ?
ĐÁP: Ý chí sự sống là động lực chủ hướng của sự sống, là ông chủ cuộc sống, là cái tâm của dòng sinh mệnh. Khi nói cuộc sống vô minh, tâm trí vô minh tức là muốn nói rằng, ý chí sự sống đang trong trạng thái không tự thấy, không tự biết… Tâm không tự thấy không tự biết tâm, vì đang dồn năng lực cho sự hướng ngoại (mê trần cảnh), kể cả hướng ngoại ở nội tâm (mê ý trần).
Dồn năng lực cho ngoại cảnh (lục trần) nên tâm si mê theo ngoại cảnh, luôn nhớ nghĩ đến ngoại cảnh (vọng niệm). Trong trạng thái này, tâm không tự thấy không tự biết, không “nhớ” chính mình (thất niệm chân như). Tâm không tự thấy không tự biết nên quên chân ngã (chân tâm); quên chân ngã nên âm thầm khẳng định huyễn ngã (cái “tôi”) theo sự đeo bám ngoại cảnh. Ngoại cảnh thì vô thường vô ngã, nên trạng thái tâm chấp ngã si mê luôn bất an phiền não.
Ở con người, tâm ý hướng ngoại (vọng tâm, vọng tưởng) có biểu hiện là ngôn từ ở nội tâm (tâm ngôn), tức là sự nói năng trong tâm trí. Nhận ra sự kiện này là vô cùng quan trọng cho sự nghiệp giác ngộ.
Muốn giác ngộ, phải chuyển ngược động lực chủ hướng để thấy nghe, để nhận biết tự tâm tự tánh. Với khát vọng chuyển ngược động lực chủ hướng thì vô sư trí hiện tiền. Khác với hữu sư trí - một diễn trình nhận thức (tâm ngôn-tâm hành), vô sư trí là năng lực (là tấm gương bên trong) đang thấy biết vọng tưởng (vọng niệm). Đó là năng lực nghe rõ mọi nói năng trong tâm trí (quán thế âm) một cách tự nhiên, không dụng công (quán tự tại).
Vọng niệm có sự nghe lại, tức có sự tự thấy tự biết (tự tri), tức tỉnh giác thì tâm có sự đột chuyển (chuyển y), vọng niệm dừng lại (im lặng).
Vọng niệm dừng lại (im lặng) thì đồng thời, vô niệm hiện tiền với ánh sáng thanh tịnh (tịch quang). Vô niệm là vô tâm. Vô tâm là tâm vô ngôn. Tâm vô ngôn là Tâm Không. Tâm Không là Tánh Không. Tánh Không là vô ngã. Vô ngã là chân ngã. Chân ngã là Tánh Viên Giác. Tánh Viên Giác là “bổn lai diện mục”…
Thấy-biết-vô-niệm hiện tiền tức là Viên Giác hiện tiền. Đó là giác ngộ (sơ ngộ) đích thực. Vô niệm hiện tiền là mở mắt sự sống (tuệ nhãn), là ấn chứng cho sự nghiệp “trưởng dưỡng thánh thai” - tức sinh mệnh tuệ giác.
Sinh mệnh tuệ giác (huệ mạng) không chỉ là sinh mệnh cá nhân, vì tâm linh vừa mang tính chất cá thể (tâm trí cá nhân), vừa mang tính chất tổng thể (tinh thần vũ trụ). Sự nghiệp Thiền (tự tri, quán tâm) không chỉ có ý nghĩa cá nhân, mà còn có ý nghĩa đại thừa vô lượng.
5.
HỎI: Bát-Nhã Tâm Kinh là một bản kinh rất quan trọng, đâu là chìa khoá của kinh?
ĐÁP: Khi học Bát-Nhã Tâm Kinh rất cần lưu tâm đến cụm từ “chiếu kiến”. “Chiếu kiến” là “soi thấy”.
Câu kinh có cụm từ này là: “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la- mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Thầy Tuệ Sỹ dịch là: “Bồ-tát Quán Tự Tại trong khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, soi thấy năm uẩn đều Không, vượt qua tất cả mọi khổ ách”.
Dùng trí óc phân tích rồi kết luận rằng năm uẩn do duyên sinh – không có tự tính, đó là suy luận trừu tượng. Phân tích và suy luận chỉ giúp hiểu đối tượng bằng vốn liếng tri thức trong tâm trí bị quy định, để góp phần tăng khát vọng giác ngộ, chứ không thể thấy-biết-như-thực thực tại.
“Soi thấy” (chiếu kiến) là cụm từ chỉ sự kiện hiện tiền cụ thể, chứ không phải chỉ sự suy luận trừu tượng. Thấy-biết-như-thực là chiếu kiến.
Chiếu kiến (soi thấy) là giáp mặt đối tượng; một sự giáp mặt không còn ngăn cách nào, không còn chủ thể phân cách với đối tượng. “Quán tâm nơi tâm” trong kinh điển Phật giáo nguyên thuỷ cũng hàm ý ấy.
Nhưng làm sao để trạng thái chiếu kiến hiện tiền ở tâm?
Trạng thái chiếu kiến là trạng thái vô sư trí. Trí này hiện tiền do có ý định chủ hướng, do có khát vọng giác ngộ đích thực – giác ngộ vì tự lợi-lợi tha tối thượng.
Ý định chủ hướng nhắm vào đâu? Nhắm vào sự lắng nghe vọng tưởng; tức là lắng nghe mọi nói năng trong tâm trí; tức là lắng nghe ông chủ vô minh của ngũ uẩn; tức là quán thế âm. Phải lắng nghe một cách nhẹ nhàng và tự nhiên, không dụng công gắng sức; tức là quán tự tại. (Bồ-tát Quán Tự Tại chính là Bồ-tát Quán Thế Âm).
Với tri giác nội tại, khi biết nghe-như-thực thì cũng chính là thấy-như-thực, biết-như-thực. Đó là trạng thái chiếu kiến (soi thấy).
Khi biết chiếu kiến ngũ uẩn, khi thật sự soi thấy năm uẩn thì vọng tưởng dừng lại, tức là tâm im lặng. Nói cho dễ nhận, khi thật sự biết nghe lại mọi nói năng trong tâm trí thì tâm trí có sự đột chuyển (chuyển y), vô niệm hiện tiền (tức là Tánh Không hiện tiền).
Vô niệm hiện tiền chính là mở con mắt Tâm – con mắt của sự sống bất sinh bất diệt. Mắt mở sáng thì tuỳ duyên khởi tác dụng. Vô niệm hiện tiền là tuệ nhãn. (Thỉnh thoảng có được vài phút vô niệm cũng có công đức và phước đức rất lớn, nghiệp chướng vơi bớt).
Vô niệm là Tâm Không; là tâm vô ngôn phi thời gian; Tâm Không là Tánh Không. Tánh Không là Tánh Viên Giác.
Như thế, thật sự soi thấy ngũ uẩn, thật sự giáp mặt ngũ uẩn thì Tánh Không hiện tiền, Viên Giác hiện tiền. (Ta hiểu tại sao các minh sư khi Việt dịch chữ “không” thường viết hoa là “Không”).
“Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” chính là “hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa”. Vọng tưởng là trạng thái tâm trí si mê theo kiến chấp nhị nguyên đầy phiền não; Tâm Không hiện tiền thì cực lạc hiện tiền…
Học Bát-Nhã Tâm Kinh rất cần lưu tâm cụm từ “chiếu kiến”. Đó là chìa khoá mở cửa giác ngộ đích thực.
Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)
THƠ TRÚC THANH TÂM
1. NGHĨ VỀ THƠ
Trên đời, không có thơ dở
Chỉ người làm thơ không hay
Và, tôi chỉ sợ một điều
Thơ không còn là thơ nữa !
Chỉ người làm thơ không hay
Và, tôi chỉ sợ một điều
Thơ không còn là thơ nữa !
2. CÒN ...
Còn đôi tai, nghe những điều phải trái
Còn con tim, khối óc nhận ra người
Còn nước mắt để một lần được khóc
Còn được nhìn đời bằng đôi mắt tinh khôi !
Còn con tim, khối óc nhận ra người
Còn nước mắt để một lần được khóc
Còn được nhìn đời bằng đôi mắt tinh khôi !
3. TRÒ ĐỜI THẾ GIAN
Mộng mơ chi đến kiếp sau
Kiếp nầy gian dối đủ đau lắm rồi
Chữ tâm từ cuộc làm người
Thế gian còn lắm trò đời trái ngang !
Kiếp nầy gian dối đủ đau lắm rồi
Chữ tâm từ cuộc làm người
Thế gian còn lắm trò đời trái ngang !
4. TRONG MỖI CHÚNG TA
Huyền cơ, chỉ Phật - Trời mới biết
Sống làm người, tôi hiểu nôm na
Thiên đường, địa ngục gần nhau lắm
Ở trên đời, trong mỗi chúng ta !
Sống làm người, tôi hiểu nôm na
Thiên đường, địa ngục gần nhau lắm
Ở trên đời, trong mỗi chúng ta !
TRÚC THANH TÂM
(Châu Đốc)
Subscribe to:
Posts (Atom)