Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, June 3, 2016

VĂN TẾ ĐÔNG HẢI LONG VƯƠNG - Lang Truong


 
                    Tác giả Lang Trương




VĂN TẾ ĐÔNG HẢI LONG VƯƠNG

Lang Truong ta vân du qua đông hải, gặp Long Vương kéo chéo áo, níu tay. Đã biết ngài lâm trọng bịnh hai tháng nay, tưởng đã khỏi ai dè quy tiên thiệt. Không đành dạ nhìn ngài thê thảm thiết, viết bài văn tiễn biệt bạn cố tri. Đông Hải ơi quẳng gánh nhẹ nhàng đi, phận đã mãn quyến luyến chi miền trần thế.
Than ôi !
Đất thảm trời sầu
Bờ hoang biển vắng
4000 năm anh linh vùng vẫy, cưỡi ba đào gọi gió hô mưa
Một thời khắc chểnh mảng lơ là, nhiễm chất độc xuôi tay duỗi cẳng.
Nhớ linh xưa !
Tài kinh bang ra sức an dân, tước phong Đông Hải Đại Vương
Mẹo thao lược dốc lòng hộ quốc, thụy tặng Phúc Thần Thượng Đẳng.
Thân vạn dặm rộng dài bát ngát, vỗ dập dìu tiếng sóng biển đưa nôi
Mình ngàn vuông xanh biếc hiền hòa, ru nhè nhẹ đường hải trình phẳng lặng.
Khi ban tặng bạt ngàn muối trắng, chúng diêm dân cậy phước quanh năm
Khi biếu cho ăm ắp cá ngon, bọn ngư phủ nhờ ơn suốt tháng.
Thương lương dân mặt mày cháy sạm, thổi ngọn gió lành bệnh tật tiêu tan
Xót nông phu cây cỏ héo khô, làm cơn mưa mát ruộng đồng lênh láng.
Gặp những lúc trái mùa ngư vụ, kíp sai Đông Cung Tiểu Long Nữ gia ân
Gặp những khi phải vận phong ba, biệt phái Nam Hải Đại Tướng Quân độ mạng.
Thân lẫm liệt chi nề cơn bĩ cực, luận quân cơ trổ lực đảm đang
Chí hùng anh nào ngán cuộc đua tranh, bàn chiến sụ ra tài cáng đáng.
" Đánh một trận sạch không kình ngạc ", giống Tiên Rồng đâu chịu ẩn ao truông
" Đánh hai trận tan tác chim muông", hồn Lạc Việt lẽ nào dung đồ Đảng.
Triển oai linh trừ Ô diệt Thát, nghĩa trung quân muôn kiếp chẳng phôi pha
Dương thần võ phá Tống bình Chiêm, công hộ giá ngàn đời còn tỏ rạng.
Cơn thịnh nộ nhấn thuyền Ô Mã, bắt cuồng nô về chốn thủy cung
Niềm cảm thương nâng bước Huyền Trân, đưa công chúa thoát đài hỏa táng.
Đau đớn thay !
Rợ Phương Bắc lòng lang dạ sói, đầu trộm đuôi cướp, cả lũ lưu manh
Mọi Nam Man lưỡi rắn đầu tôm, vinh thân phì gia, một phường hạ đẳng.
Dù Tàu Mao hay Tàu Tập chi cũng thế, mộng đồ vương bao phủ khắp năm châu
Dẫu Đài Loan hay Trung Cẩu khác gì nhau, máu Rợ Hán chảy tràn trong huyết quản.
981 như mũi tên Bàng Đức, cắm vào tim nhức nhối nỗi bang giao
958 tựa bản án Lệ Chi, cứa vào cổ nghẹn ngào câu giã bạn.
Đau đớn thay thịt xương rơi từng mảng, lũ cuồng nô gặm nhấm lần hồi
Thảm thiết quá gân cốt đứt từng chùm, bọn phản quốc hiến dâng lẳng lặng.
Quằn quại từng cơn độc tràn Vũng Áng, móc ruột xây dựng đặc khu
Hãi hùng mỗi khắc mưu hiểm Hoàng Sa, moi gan đắp bồi phi cảng.
Dự án quy hoạch tan nát hình hài, trên bờ lũ khỉ nghênh ngang
Rì sọt đầu tư héo mòn thân xác, dưới nước giặc Tàu lảng vảng.
Tôm cá trôi lớp lớp, trắng khăn tang hiu hắt làng chài
Tàu thuyền nổi lập lờ, sầu áo trở tiêu điều xóm vạn.
Nhìn tổ quốc lâm nguy lòng đau như cắt, tóc tung tràn bãi, từng ngọn sóng trắng phau
Ngó lê dân ngộ nạn dạ xót tợ bào, lệ nuốt vào lòng, mỗi hạt muối mặn đắng.
Ôi thôi thôi !
Khi do tại đỏ, tai mắt ù ù
Lúc tại âm thanh, tay chân quờ quạng.
Hoàn cải tử Thái Thượng rộng lòng gửi, cũng hết linh vì mồm miệng bít bùng
Thuốc trường sinh Vương Mẫu sẵn tay trao, đành vô hiệu bởi tháng ngày đằng đẵng.
Nào đâu phải sa trường bỏ mạng, hồn về Chín Suối cũng thơm danh
Nào đâu phải chiến địa phơi thây, phách xuống Cửu Tuyền còn đẹp dáng.
Người ra đi khi biển chiều hoang vắng, rặng phi lao cúi mặt khóc râm ran
Ta trở về lúc bãi sáng im lìm, hàng dương liễu gục đầu than văng vẳng.
Nhớ những lúc mồi dâng tận miệng, nghĩa kim bằng đôi chữ liêu xiêu
Nhớ những khi rượu rót tràn be, tình hữu hảo vài dòng loạng choạng.
Sách có chữ khôn thiêng sống thác, cầu cho người Cực Lạc siêu sanh
Đời có câu sanh ký tử quy, mong cho bạn Bồng Lai viên mãn.
Lệ nhỏ hai hàng
Sương giăng lãng đãng.
Người đi khuất nẻo hoàng hôn
Bóng chim tăm cá lối mòn rêu phong.
                                                               Lang Truong 
                                                                  06/2016

READ MORE - VĂN TẾ ĐÔNG HẢI LONG VƯƠNG - Lang Truong

NHẶT GIÙM..!!! - Thơ Linh Thy






NHẶT GIÙM..!!!

Nhặt dùm tôi tuổi trăng tròn
Chuỗi ngày má thắm, eo thon, gót hài..
Cái thời lượt giắt, trâm cài
Cái thời đi trước nối dài… đuôi theo

Cái thời làm õng, làm eo
Sương sa, gió bấc vẫn đèo du xuân
Đẹp sao cái thuở trăng ngần
Mấy mươi năm lẻ… bấy lần phượng rơi.!

Muộn hè  ve mòn cả hơi
Bây chừ nhớ lại thấy đời đẹp sao.!
Những chiều nắng xế hanh hao
Hạ huyền trăng khuyết làm sao…! – Nhặt giùm..?.!!!

                                            Linh Thy
                    Đêm trăng Hạ huyền . Tháng 5 ơi .!!!

READ MORE - NHẶT GIÙM..!!! - Thơ Linh Thy

LOA PHƯỜNG - Thơ Nguyễn Khôi

 
                          Tác giả Nguyễn Khôi



LOA PHƯỜNG
(Tặng Vũ Ngọc Tiến & Lê Mai)
                 
Chiều, tan tầm
là giờ Loa Phường mở :
-Vài thông tin Thời Sự
rồi Ca Nhạc hết cỡ :
hết "Trường Sơn đông/ Trường Sơn Tây"
lại "Bác đang cùng chúng cháu hành quân"...
vang vang ngõ phố...
Ôi, khổ quá
qua mấy cuộc chiến tranh
nghe 
Tuyên Truyền
đã đủ !
Nay Kinh Tế Thị Trường
các con đi kiếm tiền về
mệt nhoài
Đứa nấu cơm
Đứa giặt giũ
Cháu học bài
Lão già nằm liệt giường
nghỉ dưỡng chờ xuống lỗ
Tối tối 
vẫn phải nghe
Loa Phường
ra rả...

NGUYỄN KHÔI
Phố Hàn, 3-6-2016, ngày nóng 39 độ C

READ MORE - LOA PHƯỜNG - Thơ Nguyễn Khôi

ƠI VŨNG ÁNG, ƠI THIÊN CẦM BIỂN ĐẸP - Thơ Chử Văn Long



         
               Nhà thơ Chử Văn Long


ƠI VŨNG ÁNG –
ƠI THIÊN CẦM BIỂN ĐẸP

Ơi Vũng Áng, ơi Thiên Cầm những nàng tiên biển đẹp
Quanh quất xóm chài đang chài lưới yên vui
Bỗng xuất hiện yêu ma
Bỗng từ đâu thủy quái
Nấp bóng fomôsa gieo hiểm họa cho người

Và biển đẹp bỗng thành biển độc
Cá chết trắng ngoài xa
Sóng táp đống lên bờ…
Có ai ngờ thẳm sâu đáy nước
Cái vòi thủy quái kia đã giấu sẵn bao giờ?

Người biết nguyên nhân
Thì không có quyền nói ra sự thật
Kẻ quyền uy miệng ấp úng giả ngây
Ai đã bán linh hồn cho quỷ
Hai tháng đã qua
Và tới hôm nay
Vẫn im lặng
Nguyên nhân gì? - Chưa biết
Biển độc vì sao, vì sao cá chết

Hay chúng đã ghê tay lũ người giết biển
Mua núi, bán sông vét tiền bạc đầy bao
Nhưng giết cả môi trường, môi sinh, biển lành, nước mát
Thì tội này sẽ ghi ở trời cao.

                                   Chử Văn Long
     Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.     
     Điện thoại: 01658818263
     Email: haicv08@gmail.com

READ MORE - ƠI VŨNG ÁNG, ƠI THIÊN CẦM BIỂN ĐẸP - Thơ Chử Văn Long

"NIỀM TIN", NGHE NHẠC ANH LINH & ĐỌC THƠ NHẤT TUẤN - Phạm Đức Nhì


         
                    Tác giả Phạm Đức Nhì


NIỀM TIN -
       NGHE NHẠC ANH LINH & ĐỌC THƠ NHẤT TUẤN

NIỀM TIN
Lại một NOEL nữa
Mấy mùa Giáng Sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
Thuơng về một khung trời
Chắc Ðà lạt vui lắm
Mimosa nở vàng                           
Anh đào khoe sắc thắm
Huơng ngào ngạt không gian
Mấy mùa Giáng Sinh truớc
Chỗ hẹn anh chờ hoài
Lần này không về đuợc
Hồi hộp đợi tin ai
Em biết chăng đời lính
Nắng sớm với sương chiều
Gió rừng rồi mưa núi
Ðã làm anh vui nhiều
Radio mở sẵn
Ðón thanh lễ truyền thanhXin CHÚA ban ơn xuốngCho em và cho anh
Cùng cầu cho thế giớiCho nhân loại hoà bình
Cho đôi ta gặp lại
Trong một mùa Giáng Sinh
Nhất Tuấn (1960) Anh Linh phổ nhạc


Tứ Thơ (cũng là Ý): Tâm tình của người lính ở đồn biên giới, mùa Giáng Sinh đến nhớ người yêu và những kỷ niệm ở thành phố quê nhà Đà Lạt, cầu cho thế giới hòa bình để được gặp lại nhau.
Niềm Tin được viết theo thể thơ Mới, ngũ ngôn trường thiên, gồm 6 đoạn mỗi đoạn 4 câu, vần bằng gián cách 2/4.

Đoạn Kết Tuyệt Vời
Chỗ hay nhất của bài thơ là đoạn kết. Tâm sự của người lính xa nhà, nhớ người yêu – dù được chuyên chở bằng ngôn ngữ đã vươn tới mức khá sang, khá đẹp - vẫn không có gì mới mẻ, độc đáo. Tuy nhiên, bài thơ thật bất ngờ bừng sáng ở 4 câu cuối:
Cùng cầu cho thế giới
Cho nhân loại hòa bình
Cho đôi ta gặp lại
Trong một mùa Giáng Sinh
Lời cầu nguyện cho hạnh phúc riêng tư của người lính đã được khéo léo ghép chung với – nhưng được khiêm tốn đặt ở phía sau - ước vọng hòa bình cho toàn thế giới. Trong không khí “đất với trời xe chữ đồng” (1) của mùa Giáng Sinh – lúc “Thiên Địa Nhân quy nhất” (2) - dòng cảm xúc chân thật, cao đẹp ấy đã thấm rất nhanh vào tâm hồn độc giả. Thi sĩ, một người trai thời loạn, đã chọn được cách hành xử tối ưu; ông không thể tự cởi bỏ chiếc áo lính nhưng đã rất tài tình đặt bên dưới lớp vải kaki một trái tim đầy lòng nhân ái. 

Chữ “Vui” Làm Buồn Bài Thơ
Tôi đến với Niềm Tin đầu tiên qua giai điệu nhạc của Anh Linh trước khi biết bài thơ gốc của Nhất Tuấn. Nghe bài nhạc đến đoạn “đã làm anh vui nhiều” tự nhiên tôi thấy chối tai, cảm xúc trong tâm hồn đang trôi theo tiếng hát bỗng khựng lại. Lòng tự hỏi “Trong khung cảnh đó tại sao lại “vui” nhỉ? Mà lại “vui nhiều” mới lạ chứ! Đã từng là anh lính chiến, đóng quân ở rừng sâu, núi cao, tôi đã biết thế nào là
Nắng sớm với sương chiều
Gió rừng và mưa núi
theo đúng nghĩa đen của từng chữ. Tôi quen với khung cảnh ấy, sống trong hoàn cảnh ấy không phải vài ngày, vài tuần mà tháng này qua tháng khác. Những lúc ấy ngồi trong lều nhìn cảnh núi rừng - từ sĩ quan đến lính - mắt thằng nào cũng như đang lạc vào một cõi xa xăm, mặt thằng nào cũng dài thuỗn ra, buồn rười rượi. Dĩ nhiên đời lính ở rừng sâu núi thẳm cũng có những lúc vui - những niềm vui nho nhỏ do người lính tự tạo ra - để quên nỗi nhớ thương quay quắt và để … sống. Nhưng chỉ cần một cái gì đó rất nhỏ nhặt gợi lên kỷ niệm với người thân thì từ sâu trong tâm hồn của họ nỗi buồn chia xa đang đầy ắp sẽ trào ra như thác đổ.
Chữ “vui” trái khoáy đó làm tôi nghĩ đến một bài hát rất được lính tráng ưa thích mỗi lần Tết đến: Xuân Này Con Không Về. Theo truyền thống của người Việt Nam Tết là những ngày nghỉ lễ đầu xuân để gia đình sum họp, vui chơi. Con cái dù ở xa mỗi dịp Tết đều cố gắng đem cả gia đình riêng của mình về quây quần bên cha mẹ, ông bà. Cả những người đã chết cũng được long trọng mời về trong bữa cúng cơm rước ông bà chiều 30 Tết. Hơn nữa, là trai trẻ trước khi vào quân ngũ ai chả có một bóng hồng vương vấn trong tim. Thế mà 3 ông nhạc sĩ với cái tên ghép Trịnh Lâm Ngân (3) dám hạ bút viết:
Con biết không về mẹ chờ em trông
Nhưng nếu con về bạn bè thương mong
Bao lớp trai cùng chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm
mẹ ơi con xuân này vắng nhà.
thì quả là quá liều. Nếu đứng trước hàng quân mà hỏi “Tết này có ai muốn về phép thăm gia đình không?" thì chả có ai mà không giơ tay hét “Có”. Ngay cả những người lính “tứ cố vô thân” cũng muốn về thành phố để “rửa mắt”, ăn uống, nhậu nhẹt cho bõ những ngày kham khổ nơi rừng núi và giải quyết chút nhu cầu riêng tư của lính.Họ không về được không phải vì không nỡ bỏ bạn bè nơi chiến trường, tìm sự êm ấm cho riêng mình mà vì quân lệnh, vì tình thế bó buộc trong hoàn cảnh chiến tranh. Ai cũng biết là 3 ông nhạc sĩ xạo nhưng một số rất đông những người lính vẫn thích bài hát bởi nó gợi đúng vào nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình của con người mỗi độ xuân về, Tết đến.
Câu “Đã làm anh vui nhiều” khiến Niềm Tin đang là tâm tình của người lính xa nhà bỗng trở thành một bài thơ, bài hát “phải đạo” (politically correct). Lời thơ, tiếng nhạc đang là những cảm xúc chân thật của con người bất chợt biến thành những lời đầu môi chót lưỡi, dối người và tự dối lòng mình. 
Hơn nữa, xét về kỹ thuật thơ thì câu “Đã làm anh vui nhiều” là câu thơ “tréo cẳng ngỗng” lội ngược chiều với dòng chảy lững lờ buồn bã của tứ thơ.
Đúng là chữ “vui” đã làm buồn bài thơ.

Xa Nhau Đã Mấy Mùa Giáng Sinh?
Đọc đoạn đầu bài thơ:
Lại một Noel nữa
Mấy mùa Giáng Sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
Thương về một khung trời
người đọc sẽ hiểu ngay đây không phải là Noel đầu tiên tác giả xa người yêu. Dựa vào câu chữ thì ông đã có vài mùa giáng sinh (ít nhất là 2) không về Đà Lạt. Nhưng đến đoạn thứ 3:
Mấy mùa Giáng Sinh trước
Chỗ hẹn anh chờ hoài
Lần này không về được
Hồi hộp đợi tin ai
thì  ông lại nói “Lần này không về được” nhưng “Mấy mùa Giáng Sinh trước” thì có về và có đến chỗ hẹn để chờ người yêu. Sự bất nhất ấy khiến người đọc (như tôi) - muốn biết chiều dài của thời gian xa cách để ước chừng độ sâu, độ nồng của nỗi nhớ thương - cảm thấy hơi bối rối. Hy vọng đây chỉ là sự vô ý, bất cẩn của tác giả.

Về Cái Tựa “Niềm Tin”
Dựa vào nỗi niềm thương nhớ sâu đậm của tác giả - một người lính xa nhà - đối với người yêu ở hậu phương Đà Lạt, có thể nói Niềm Tin là một bài thơ, một bản nhạctình. Tuy đoạn cuối có nhắc đến việc cầu nguyện:
Cùng cầu cho thế giới
Cho nhân loại hòa bình
nhưng mục đích chính vẫn là:
Cho đôi ta gặp lại
Trong một mùa Giáng Sinh.
Tạm giã từ giai điệu êm đềm, dễ thương của Anh Linh để trở về nguyên bản bài thơ của Nhất Tuấn tôi thấy khi phổ nhạc Anh Linh đã bỏ đi một đoạn:
Radio (Ra đi ô) mở sẵn
Đón Thánh Lễ truyền thanh
Xin Chúa ban ơn xuống
Cho em và cho anh
Việc bỏ đi đoạn thơ ấy làm bản nhạc hay hơn hoặc dở đi tôi sẽ bàn ở phần sau. Nhưng dù trở lại bài thơ nguyên gốc – có cả 2 đoạn cầu nguyện - Niềm Tin vẫn là bài thơ tình, nặng về nỗi nhớ thương của người lính với người yêu. Lời cầu nguyện không nhằm mục đích nhấn mạnh vào niềm tin tôn giáo mà chỉ tô đậm thêm cho chữ Tình của con người. Vì thế theo tôi, cái tựa Niềm Tin của bài thơ có vẻ hơi xa cách, hơi lạc với nội dung của tứ thơ.

Người Bỏ Kẻ Tiếc Một Đoạn Thơ
Tôi có vào “khu vườn riêng” được dành cho nhà thơ Nhất Tuấn trên trang web Hướng Dương (huongduongtxd.com) để đọc thơ và nghe nhạc phổ thơ của ông. Trong một video nhạc cảnh thực hiện rất công phu cho bản nhạc Niềm Tin (danh ca Duy Trác hát) đoạn thơ bị bỏ đi đã được xuất hiện lại dưới dạng chữ viết trên màn hình trong phần “nhạc dạo giữa bài”. Có lẽ tác giả (hay người thực hiện video) vẫn còn … tiếc đoạn thơ. Đành rằng những lời cầu nguyện riêng tư (cho anh và cho em) là rất thật, rất … người. Từ trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi cá nhân hạnh phúc của “tôi” (và gia đình) phải được đặt trước và trên cả nhân quần xã hội. Nhưng trên bề mặt, nhất là trong văn chương thi phú, đưa cái chung lên trước, lên trên vẫn được coi là cách ứng xử đẹp, cao thượng. Miền Bắc quê tôi vào mùa rét có câu “nằm giữa không mất phần chăn”. Lời cầu nguyện ở đoạn cuối - thế giới hòa bình, đôi ta gặp lại - đã cho “chung riêng vẹn cả đôi đường” thì giữ làm gì cái đoạn thơ riêng tư ấy cho “mất đẹp”. Hơn nữa, xét về mặt thế trận chữ nghĩa (cấu trúc thơ) thì nếu giữ lại đoạn thơ này thì 2 câu cuối của đoạn kết – 2 câu hay nhất, gói trọn hồn cốt của bài thơ - trở nên thừa thãi vì lập lại ý của đoạn trên. Và tất cả những cái hay quy tụ ở đoạn kết tự nhiên rã ra như cám. Mất cái “tuyệt vời” của đoạn kết, bài thơ sẽ rất bình thường.

Kết Luận
Theo tôi thì bài hát Niềm Tin được nhiều người biết đến và yêu thích hơn bài thơ cùng tên được phổ nhạc. Trước hết, nhờ nhạc sĩ Anh Linh đã rất khéo bỏ đi đoạn thơ kế chót để làm nổi bật cái hay tuyệt của đoạn kết. Khi nhạc trổi lên người nghe có thể quên ngay cái tựa (hơi lạc với tứ thơ), không để ý đến sự bất nhất về số mùa Giáng Sinh xa cách (phải đọc kỹ mới thấy), và trong không khí tràn đầy yêu thương và hồng ân Thiên Chúa chữ “vui” rất gượng gạo của bài hát cũng được rộng lượng “cho qua”. Và nếu có ca sĩ nào khi hát, đổi chữ “vui” thành “mơ” (như tôi đã có lần được nghe) thì đó là một món quà tinh thần rất ý nghĩa, rất đẹp trong mùa Giáng Sinh.
                                                           05/2016
                                                      Phạm Đức Nhì
                                             nhidpham@gmail.com

CHÚ THÍCH
1/ Đêm Thánh Vô Cùng (Silent Night), nhạc: Franz Xaver Gruber, lời Việt: Hùng Lân
2/ Trời, đất và con người hợp nhất
3/ Tên ghép của 3 nhạc sĩ Trần Trịnh, Lâm Đệ và Nhật Ngân
Sẵn sàng đón nhận ý kiến, phê bình của độc giả.

READ MORE - "NIỀM TIN", NGHE NHẠC ANH LINH & ĐỌC THƠ NHẤT TUẤN - Phạm Đức Nhì

CHÙM THƠ VŨ QUANG TẦN



                         Tác giả Vũ Quang Tần



MÀ NHƯ LẠC LỐI...

có về bên ấy thì cùng
đò chiều chuyến chót đi chung đoạn đường

làng xa ngân thả tiếng chuông
mà như... lạc lối nhầm đường loanh quanh.

                                 Vũ Quang Tần


NÊN BIẾT "THUA" DÂN

là quan nên biết "thua" Dân
việc to việc nhỏ để Dân lợi phần

chính triều bền vững bởi Dân
thù trong sẽ hết ngoại xâm..sợ gì.

                     Vũ Quang Tần

READ MORE - CHÙM THƠ VŨ QUANG TẦN

CÂU CHUYỆN ĐÀ NẴNG: TỪ HIỆN THỰC ĐẾN SÁNG TẠO - Hồ Sĩ Bình

Câu chuyện Đà Nẵng là chuyện kể Đà Nẵng từ những năm cuối thập niên 80 cho đến năm 2000, cuốn tiểu thuyết kết thúc vào dịp đại lễ Kỷ niệm 25 năm Giải phóng Đà Nẵng. Trong những ngày vui đó, người dân Đà Nẵng trải qua những tâm trạng buồn vui lẫn lộn, mạnh mẽ và tàn nhẫn. Chập tối ngày đại lễ, Kỹ sư Văn Minh, Giám đốc công ty xây dựng cầu sông Hàn đã bị bắt. Ba Danh được một người bên Sở Công an cho biết Văn Minh đã khai với cơ quan điều tra đã hối lộ cho Chủ tịch thành phố nhiều lần, không thể nhớ nổi, có đến hàng tỷ đồng, trên cả mức án tử hình. Diễn biến vụ án rất xấu cho Ba Danh. Ba Danh im lặng trước người sĩ quan công an vài phút rồi nói: Đặt mình vào hoàn cảnh của Văn Minh, chắc tui cũng phải khai vậy. Người ta sẽ nói án ông là tử hình, nếu thành thật khai báo mới có căn cứ để giảm án, có thể chỉ xử lý hành chính. Phải thông cảm với Văn Minh… (tr.328-329).  Còn với Quí kỹ sư, cộng sự của Văn Minh thì Dự án đưa vợ con rong chơi sau khi khánh thành cầu Sông Hàn của Quí kỹ sư phá sản. Giám đốc bị bắt, công ty đang trên bờ vực tan nát thì vui chơi cái nỗi gì. Quí kỹ sư tiễn vợ con về Hà Nội, nhưng anh ở lại Đà Nẵng. Chẳng còn việc gì cho anh ở đây nhưng anh muốn hàng ngày được ngắm cây cầu và chiêm nghiệm sự trớ trêu của thân phận con người. Anh cũng muốn ở lại Đà Nẵng nếu công an có triệu tập thì đến làm việc ngay, chứ về Hà Nội, hoặc đi một công trường khác, khi có lệnh phải quay vào Đà Nẵng thì rắc rối quá. Anh cũng muốn nếu có điều kiện vào trại giam thăm Văn Minh cho trọn nghĩa. Cả hai điều đó đều không xảy ra. Người ta không cần triệu tập anh nữa còn Văn Minh đang trong quá trình điều tra không ai được vào thăm… (tr.327-328).
Bìa cuốn tiểu thuyết

Việc Văn Minh bị bắt đúng lúc khánh thành cầu Sông Hàn với 2 bằng khen, một của chính phủ, một của thành phố thật là oái oăm, đến nỗi bà Phó Chủ tịch nước phải thốt lên: Mời khách về dự tiệc lớn, tiệc chưa kịp tàn chủ nhà lôi con ra đánh... (tr.326).
Lấy Đà Nẵng làm bối cảnh cho tiểu thuyết của mình, nhà văn Thái Bá Lợi muôn xây dựng những nhân vật trên cơ sở hiện thực hòa trộn với chất liệu văn học hư cấu huyền ảo, từ những nguyên mẫu trong cuộc sống bước vào trang sách đã trở thành những nhân vật ấn tượng bộc lộ một cách mạnh mẽ tính cách với sự quyết liệt trong khát vọng đổi mới và hành động. Một Ba Danh, Chủ tịch thành phố với những hành vi suy nghĩ cho thấy đó là một người của hành động, giàu khát vọng, ác cảm với sự trì trệ và thói quen thiếu trách nhiệm, một người thương dân nhưng đầy lý tính. Con người ấy vẫn tiềm ẩn những điểm yếu là nôn nóng, độc đoán, tham lam quyền lực, đôi chút mị dân… nhưng dưới ngòi bút của Thái Bá Lợi dù không hiển thị trực tiếp nhưng ẩn dụ bàng bạc đâu đó nghịch lý, đôi khi những điểm yếu ấy tạo nên sức đẩy góp phần vào quá trình đổi mới cho địa phương. Nhân vật Ba Danh thể hiện là mẫu người thông minh và khôn khéo nhưng cũng rất thực tế, không ngại bộc bạch, nói thẳng ra những điều mà không ít cán bộ cùng thời không ai dám nói: Xã hội bây giờ có người làm mười ăn mất bảy, có người không làm được việc gì cụ thể cho dân cũng ăn. Tui xin hứa với bà con là phải làm hết sức, nếu có ăn thì phải ăn chính đáng bằng công sức của mình, vậy có sòng phẳng không? (tr.243). Bên cạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị, nhân vật Ba Danh đặt mối quan tâm hàng đầu để nâng cao đời sống của mọi người, đặc biệt với người nghèo. Xây cầu qua sông Hàn là hướng phát triển của thành phố theo hướng biển, nhưng sâu xa hơn nhằm phá bỏ khoảng cách chênh lệch cuộc sống đôi bờ của người dân, xóa bỏ xóm nhà chồ nhức nhối bên sông. Con người ấy xem công việc là niềm vui, và trong những giai đoạn gặp nhiều trở ngại, bức xúc thì: Chỉ có công việc, mà công việc ích nước lợi dân thì con người sẽ quên bớt đi tính toán cá nhân, những mưu mô bè phái, những tham vọng quyền lực… (tr.193). Có lẽ, Giám đốc Văn Minh là nhân vật mà tác giả đã dành rất nhiều thương cảm. Đó là người đã tận hiến hết tinh lực và thời gian với ước nguyện xây cầu Sông Hàn, một người đã có nhiều công trình xây dựng từ Bắc vào Nam nhưng đã chọn xây cầu Sông Hàn chỉ với mong muốn làm một cái gì đó cho quê hương nhưng kết thúc cho bao năm tháng vất vả ấy là sự tù đày. Ngay cả trước thời khắc bị bắt giam, oái ăm thay Văn Minh biết vậy nhưng anh chưa sẵn sàng chuẩn bị đối phó vì anh nghĩ công lao anh lớn hơn nhiều so với những sai sót anh có thể mắc phải mà anh chưa lường hết được… (tr.257).
Văn chương của Thái Bá Lợi luôn được khởi nguồn bởi sự ám ảnh và đa tầng, đa nghĩa. Anh chỉ thủ thỉ kể câu chuyện Đà Nẵng bằng sự bình tâm, chẳng nặng nề phán xét một ai kể cả những nhóm người khác phe đổi mới, thế nhưng ẩn hiện trong đó bằng một ẩn ức có tính nhân văn, sự công bằng đối với nhân vật, cuộc sống. Bạn đọc có thể nhận ra có cái gì mong manh, phảng phất bằng sự thương cảm về số phận của các nhân vật kể cả đối với vị Chủ tịch thành phố len lỏi se buốt suốt những trang sách. Ám ảnh lớn nhất của tác giả là những câu hỏi được đặt ra: Nếu như Đà Nẵng không bắt đầu từ một đêm gặp gỡ giữa Bí thư tỉnh và Chủ tịch Đà Nẵng ở một huyện miền núi; ước ao được gặp chính phủ cho biết, giữa Chủ tịch thành phố và Thủ tướng Võ Văn Kiệt thành hiện thực, nếu như không có sự xuất hiện của Ba Danh thì Đà Nẵng sẽ phát triển ra sao. Nhà văn khi đánh giá cán bộ, nhà quản lý cao cấp với quan điểm đúng - sai trong cái thang điểm thử xem họ đã thực hiện được những gì có lợi với dân sinh, cộng đồng, người dân so với những gì mà cá nhân thụ hưởng…
Câu chuyện Đà Nẵng không chỉ có các nhân vật kể trên, đặc biệt là Ba Danh mà tác giả lấy cảm hứng từ con người đặc biệt Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch thành phố thời đó mà còn nhiều nhân vật khác. Một Trần Dạ, dân phong trào đô thị làm Bí thư phường xin nghỉ việc ở nhà dạy tiếng Anh để có tiền nuôi mẹ ốm nặng cùng vợ và 3 con, thế nhưng đó là người dám góp ý phản biện buộc Chủ tịch thành phố phải lắng nghe. Đó là một nhân vật hư cấu chiếm đa phần nhưng được xây dựng với tính cách, nghĩ suy đầy trăn trở và sâu sắc, trở thành hình tượng nhân vật điển hình đi qua cuộc đời bằng một thần thái nhẹ nhàng, một tâm hồn trong sáng và trung thực. Một nhà thơ Xuân Thống tưng tửng, hóng hớt, giỡn cợt, tào lao mỗi lần xuất hiện với những thông tin nửa đúng nửa sai, tưởng như một ca sĩ loại 2, loại 3 để khỏa lấp khoảng trống ở các chương trình đại nhạc hội nhưng sự xuất hiện của người tự xưng là thi sĩ đã làm cho câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn, khơi gợi nhiều cảm xúc.
Câu chuyện Đà Nẵng có cấu trúc như tiểu thuyết chương hồi nhưng lối viết, kỹ thuật dựng truyện rất là hiện đại với những tuyến nhân vật tiêu biểu cho nhiều hạng người: những anh Ba, Nhì, Lệ xay nước đá ở bến Phà Đen (lao động), trí thức như Trần Dạ, nhà Quảng học GS. Hạ, các văn nghệ sĩ như nhà thơ Vũ Hữu Định, các chuyên gia như Kiến trúc sư người Ba Lan Kazik, Văn Minh, kỹ sư Quí… mỗi người mỗi công việc, số phận, trình độ, hoàn cảnh sống khác nhau nhưng có cùng một mẫu số chung là ủng hộ sự đổi mới, mong muốn sự vực dậy thành phố của họ. Ngay cả nhóm công nhân xay nước đá ở bến Phà Đen khi hay tin làm cầu Sông Hàn, chân cầu sẽ nằm ngay nơi làm việc của họ, việc ấy đồng nghĩa sẽ lấy đi miếng ăn của cả 3 gia đình nhưng vẫn nhiệt tình nộp tiền xây cầu. Là người lao động họ nhận biết xây cầu là việc làm đúng, việc làm mà mấy trăm năm chưa có ai làm được.
Câu chuyện Đà Nẵng, chứa đựng những xung đột cao trào nhưng vẫn được kể lại bằng sự bình tĩnh, tránh được những phấn khích bằng một lối viết tinh tế nhưng hóm hỉnh được lấp đầy những tình tiết đầy sức hút với người đọc. Thái Bá Lợi là người hơn 40 sống và làm việc tại Đà Nẵng và gần gũi duyên nợ với những nguyên mẫu. Những trải nghiệm đa đoan ấy đã giúp cho câu chuyện Đà Nẵng với nhiều chi tiết đắt giá, những lớp cắt hiện thực, những tư liệu quý để những nhân vật được xây dựng một cách sống động.
Nên nhớ Đà Nẵng những năm đầu thập niên 1980 chỉ là một đơn vị hành chính ngang cấp huyện (tr.58)với kinh phí hoạt động chưa bằng kinh phí của công ty vệ sinh Hải Phòng dù cả hai là thành phố cảng có tiềm lực kinh tế ngang nhau… Thử nhìn lại, không có những người như Ba Danh, không có sự đồng lòng của lãnh đạo và người dân thì  Đà Nẵng ngày nay sẽ như thế nào…
Hồ Sĩ Bình
---------------------------
(*) Câu chuyện Đà Nẵng - Tiểu thuyết của nhà văn Thái Bá Lợi. Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2016
(Nguồn: Văn học quê nhà, Báo Điện tử Tổ Quốc)
READ MORE - CÂU CHUYỆN ĐÀ NẴNG: TỪ HIỆN THỰC ĐẾN SÁNG TẠO - Hồ Sĩ Bình

TẠ LỖI - hai bài thơ Phan Nam


Phan Nam


TẠ LỖI

Bầy sâu đang ăn dần chiếc lá
Chúng gặm nhấm mầm xanh hi vọng
Khoảng trời thừa thải như xát muối cõi lòng
Chúng đang dần lớn lên

Chiếc lá mong chờ điều gì
Đường gân hoang hoải chợt rụng
Tôi cố trốn tránh khi giấc mơ lìa cành
Trong viền xanh trống rỗng

Chiếc lá đang hình dung về sự sống
Quanh co cắm sâu vào lòng đất
Khi đường đi vươn về phía mặt trời
Chúng phải đấu tranh cho sự sinh tồn

Có một ngày bầu sâu thoát xác
Còn chiếc lá rơi về cội nguồn
Tôi đau đớn rời xa nhân thế
Những khoảng trống yêu thương đâu còn…


CHỜ NGÀY BÌNH YÊN

Bỗng một ngày khoảng trống thôi mệt mỏi
Bàn chân người quên những cuộc rong chơi
Quên khắc ghi hoài cảm xa ngái
Quên đi tìm bến đỗ bình yên

Một chút ồn ào thăng hoa phía thượng nguồn
Như bụi phấn nhạt nhòa theo tiếng gió
Như cánh buồm cất tiếng ca muộn màng
Chỉ còn mình ai vỗ nhịp sóng chơi vơi

Nơi cập bến chưa chắc gõ nhịp cầu
Cả miền hư vô ruổi rong vẫy gọi
Có lúc gối đầu lên nỗi nhớ
Định mệnh đổi thay những kiếp người

Bình yên dịu nhẹ khi ta đánh vần từng cơn
Như ô cửa khép mở trên suy nghĩ
Hạnh phúc tuyệt tình có lúc giản đơn
Như mưu sinh chạm đáy tâm hồn.

PHAN NAM


READ MORE - TẠ LỖI - hai bài thơ Phan Nam

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư..." - thơ Phạm Hòa Việt

Phạm Hòa Việt



Tôi hãnh diện làm người dân Việt
Một giống nòi nối tiếp chiến công
Xưa
Ta đã có những nữ tướng anh hùng
Thét tiếng căm thù trên voi
Bà Triệu bà Trưng đuổi giặc
Đây Lam Sơn
Quân Minh tan tành giáp sắt
Đây chiến hào
Vó ngựa giặc nằm im
Và kính cẩn gọi tên
Trần Hưng Đạo, Quang Trung
Ta sẽ nghe rộn trong tim
Ngàn ngàn chất thép
Ôi những lưỡi gương thiêng
Tự bao giờ vẫn đẹp
Sáng như mặt trời mùa hạ mùa xuân
Tôi đã nghe tiếng hát bốn ngàn năm
Cất thật cao
Sóng Hồng phù sa cuồn cuộn
Rừng chiến thắng ào ào gió cuốn
Chín năm dạn dày ta có Điện Biên...

Nay
Non sông ta ba miền hoà quyện
Từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu
Cả Trường Sơn biển đảo xanh màu
Hoàng Sa, Trường Sa đi vào lịch sử
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư..."
Bản Tuyên ngôn vang lừng năm châu bốn bể
Obama cũng ghi nhận
Chân lý tuyệt vời
Sao ai còn lắm lúc buông lơi...
Để chuột chù gặm đất gặm đá
Để tắc nghẽn dòng sông đục lòng biển cả
Để môi trường nhện ổ giăng tơ
Để người dân phải sống dật dờ
Để tiếng thét vọng cao ra mấy tầng hải đảo
Không phải muôn dân chỉ vì cơm áo
Mà chập chùng tổ quốc thiêng liêng...

Phạm Hoà Việt  
READ MORE - "Nam quốc sơn hà Nam đế cư..." - thơ Phạm Hòa Việt

MAI XA RỒI PHAN THIẾT - thơ Hoàng Anh 79


Hoàng Anh 79


MAI XA RỒI PHAN THIẾT

Chiều ta về với biển
Biển vẫn xanh muôn trùng
Sóng xô bờ lặng lẽ
Chút tình buồn mông lung

Con đường xưa bụi đỏ
Mịt mùng gót chân son
Không mùa thu lá khóc
Sao sương lạnh buốt hồn

La Gi  hoàng hôn tím
Còn không đồi dạ lan
Hay như trăng muôn thuở
Sầu treo Lầu Ông Hoàng

Em có về Mương Mán
Thương con tàu đi xa
Ta chim trời  bạt gió
Tìm đâu một sân ga

Chiều tàn trên phố nhỏ
Quán cũ giờ không em
Một mình ly rượu nhạt
Tình xa càng xa thêm

Mây bay bay viễn xứ
Em sợi khói bên trời
Ta một đời say ngủ
Chiêm bao tận ngàn khơi

Mai xa rồi Phan Thiết
Biển vẫn xanh êm đềm
Như chiều trôi biền biệt
Tình em kiếp nào quên ?

Ngày 5/4/2016
HOÀNG ANH 79


READ MORE - MAI XA RỒI PHAN THIẾT - thơ Hoàng Anh 79