Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, January 11, 2017

TÌM HIỂU MỘT VÀI DANH XƯNG SÓT LẠI TRONG CỘNG ĐỒNG TỪ QUÁ KHỨ - Tùy bút của Hoàng Đằng


            
                        Tác giả Hoàng Đằng

 
         TÌM HIỂU MỘT VÀI DANH XƯNG SÓT LẠI 
               TRONG CỘNG ĐỒNG TỪ QUÁ KHỨ

Một người bạn vong niên của tôi trên 60 tuổi tới thăm. Chuyện trò miên man, chuyện đưa đến công việc các vị bô lão trong làng xưa và nay, tự dưng bạn ấy hỏi:
- Sao người ta phải nói từ “xạ” trước tên ông ấy?
Tôi có lớn tuổi hơn, trải nghiệm nhiều hơn và chịu khó đọc sách báo hàng ngày nhiều hơn bạn ấy; đối với tôi, những “kiến thức” loại đó là bình thường, nhưng bạn tôi vẫn thắc mắc vì chưa hiểu.
Tôi đã có giải thích cho bạn ấy rồi; bây giờ, tôi nảy ra ý định viết đôi dòng về một vài danh xưng sót lại từ quá khứ. Biết đâu những gì tôi viết ra cũng có ích cho số bạn đọc nào đó!
Tôi chỉ gói gọn vào những danh xưng trong cộng đồng tôi sống và xin nói rõ đây không phải là một bài biên khảo mà chỉ được xem như một bài tuỳ bút.
Tôi xin bắt đầu:
Ông Xạ: xạ do từ “xã” mà ra, ông Xạ là người đứng đầu chính quyền một làng, còn gọi là lý trưởng (lý: làng); trước đây làng gọi là xã – đơn vị hành chánh cơ sở.
Ông Bộ: tức hương bộ - vị hương chức giữ sổ sách của một làng (xã), dưới quyền ông Xạ (lý trưởng)
Ông Kiểm: tức là hương kiểm – vị hương chức giữ an ninh trật tự của làng, dưới quyền ông Xạ (lý trưởng).
Ông Hội: tức là hội chủ, người được dân làng bầu lên để làm chủ tế trong các dịp làng cúng tế, hội hè; danh xưng này không thuộc hệ thống chính quyền mà chỉ là một danh xưng trong tín ngưỡng dân gian truyền thống.
Ông Diêu (hay Dao): tức là miễn diêu (hay miễn dao), danh xưng dành cho những người trong cộng đồng được miễn nghĩa vụ tạp dịch; có được chức danh này hoặc do bỏ tiền ra mua, hoặc do có công trạng đặc biệt với cộng đồng.
Ông Tổng: tức là cai tổng, người đứng đầu chính quyền một tổng. Một tổng có nhiều xã (làng), một huyện (hay một phủ) có nhiều tổng.
Ông Huyện hay ông Phủ: tức là tri huyện hay tri phủ, người đứng đầu chính quyền một huyện hay một phủ. Huyện và phủ đều trực thuộc tỉnh; phủ hoặc có địa bàn rộng hơn huyện, hoặc đông dân hơn huyện, hoặc kinh tế phát triển hơn huyện ... Vì vậy, tri phủ có phẩm trật và lương bổng lớn hơn tri huyện. Một huyện hay một phủ có nhiều tổng.
Ông Đốc: danh xưng này có thể dùng chỉ một người có bằng bác sĩ y khoa (docteur), có thể dùng chỉ vị quan coi việc học trong một tỉnh (đốc học), có thể dùng chỉ một vị quan giám sát một công trình xây dựng lớn (đốc công).
Ông Binh: danh xưng dành cho những người có đi lính phục vụ cho Pháp trong Thế Chiến I (1914 – 1918)
Ông Cai: danh xưng dành cho người đứng đầu một nhóm thợ trong một công trường hay công xưởng hoặc là người đi lính có lên được chức hạ sĩ trước năm 1945.
Ông Đội: danh xưng dành cho những người đi lính có lên được chức trung sĩ trước năm 1945.
Ông Quản: danh xưng dành cho những người đi lính có lên được chức thượng sĩ trước năm 1945.
Ông Trợ: tức là trợ giáo, danh xưng dành cho những giáo viên dạy bậc sơ học (cours enfantin, cours préparatoire, cours élémentaire – lớp 1, lớp 2, lớp 3 bây giờ) trong nền học chánh Pháp – Việt trước năm 1945.
Ông Khoá: tức là khoá sinh; danh xưng dành cho học trò ngày xưa theo Hán học đã đỗ kỳ thi sát hạch hàng năm của quan Đốc Học (chức quan coi việc học trong một tỉnh), được chứng nhận đủ điều kiện đi thi Hương. Thi Hương là kỳ thi tổ chức thành nhiều cụm trên lãnh thổ quốc gia 3 năm một lần, trong khi thi tuyển khoá sinh thì năm nào cũng tổ chức ở tỉnh; vì vậy, có khoá sinh đi thi Hương, có khoá sinh không đi; ai đỗ khoá sinh mà có đi thi Hương, dù trúng hay trật, được gọi là thí sinh.
Ông Tú: tức là Tú Tài, danh xưng dành cho những ai theo Hán Học có thi Hương, được lấy vào hạng đỗ Tú Tài.
Ông Cử: tức Cử Nhân, danh xưng dành cho những ai theo Hán Học có thi Hương, được lấy vào hạng đỗ Cử Nhân. Như vậy, Tú Tài và Cử Nhân có chương trình học như nhau; nhưng hoặc do “học tài thi phận”, hoặc do trình độ tiếp thu hơn – kém dẫn đến bài thi nhiều hay ít điểm, có người đỗ Tú Tài, có người đỗ Cử Nhân đó thôi. Bây giờ thì khác rồi, từ Tú Tài (bậc trung học) qua Cử Nhân (bậc đại học), sinh viên phải học chương trình cao hơn với thời gian thêm 4 năm.
Ông Nghè: danh xưng dành cho những ai theo Hán Học, sau khi đỗ Cử Nhân, tiếp tục thi Hội (thi tập trung ở kinh đô) và thi Đình (thi trước điện vua, chỉ dành cho những ai vừa trúng tuyển thi Hội). Vì sao gọi là ông Nghè? Theo học giả Chu Thiên Hoàng Minh Giám (1904 - 1995), người đỗ tiến sĩ được gọi là Ông Nghè vì người đỗ tiến sĩ, trước khi vào chầu vua, phải ngồi chờ ở mái hiên Hoàng Cung mà mái hiên Hoàng Cung gọi là cái nghè. Ở một số làng quanh Đông Hà – quê tôi, người đỗ Tú Tài vẫn gọi ông Nghè, tôi đoán mấy ông đó giàu có, uy quyền trong làng, dân làng gọi vậy như một hình thức tâng bốc, nịnh bợ; cũng có thể người ta gọi họ là ông Nghè vì ở địa phương, về học vấn không ai bằng họ nữa; cũng có thể người ta muốn chế giễu thói cường hào ác bá của mấy ông ấy qua hình ảnh ông nghè trong bài ca dao :
Em là con gái đồng trinh,
Em đi bán rượu qua dinh ông Nghè.
Ông Nghè sai lính ra ve.
-Trăm lạy ông Nghè tôi đã có con.
-Có con thì mặc có con,
Thắt lưng cho giòn mà lấy chồng quan.
- Ông Cửu, ông Bát, ông Thất ... danh xưng dành cho những người được ban phẩm hàm hoặc do bỏ tiền ra mua, hoặc do có công trạng, hoặc do hưởng tập ấm, phong tặng của thân nhân làm quan. Xin mở ngoặc: Tập ấm là cha làm quan có phẩm trật thì con cũng được cấp phẩm trật làm quan, ví dụ triều Nguyễn (1802 – 1945), cha có phẩm trật Chính Nhất Phẩm, con được tập ấm Tùng Lục Phẩm. Phong tặng là con làm quan thì cha mẹ, nếu còn sống, được phong, nếu mất rồi, được tặng phẩm trật, ví dụ dưới triều Nguyễn, cha mẹ được phong tặng phẩm trật chỉ thua người con đương làm quan một trật, con làm quan Chánh Tam Phẩm thì cha mẹ được phong tặng tùng tam phẩm ...
Đời xưa, chức tước phẩm hàm được trọng vọng lắm. Khi người có chức tước phẩm hàm chết thì chức tước phẩm hàm được ghi vào lá triệu (minh sinh) dẫn đầu đám đưa tang. Người có chức tước phẩm hàm có chỗ ngồi phân định rõ ràng trong hội hè đình đám; tiếng nói của họ có trọng lượng đối với cộng đồng. Họ còn được miễn nhiều khoản sưu dịch. Vì thế, ai cũng mong trong đời sống có một chức tước phẩm hàm gì đó.
Trong một địa phương, người có chức tước phẩm hàm không nhiều, thành thử có khi chỉ cần nói ra chức, tước, phẩm, hàm là người ta đã biết đó là ai, khỏi cần nói tên; lại thêm, ngày xưa, xã hội có tập quán cữ tên. Hậu quả là hiện thời ở nhiều làng, nhiều dòng họ, lúc trước có vị làm quan đến chức này, chức nọ, nhưng không biết tên thật vị quan ấy là gì. Rối rắm chưa!
Có lẽ do thấy được khuyết điểm của người xưa và cũng do số lượng người làm quan nhiều, để tránh nhầm, lộn, hiện thời sau chức tước, danh hiệu, học hàm, học vị ... người ta ghi rõ tên họ người liên quan đi kèm, ví dụ: UV/TƯĐ - Giáo Sư - Tiến Sĩ – Nhà Giáo Nhân Dân – Nghệ Sĩ Nhân Dân - Bộ Trưởng Nguyễn Văn  A, B ...

                                                             Hoàng Đằng
                                                       11/01/2017 (14/12/Bính Thân)

READ MORE - TÌM HIỂU MỘT VÀI DANH XƯNG SÓT LẠI TRONG CỘNG ĐỒNG TỪ QUÁ KHỨ - Tùy bút của Hoàng Đằng

NHỚ HỌA SĨ PHẠM TĂNG - Thơ Nguyễn Khôi



                            Họa sĩ Phạm Tăng


Lời dẫn :
Ngày 29/7/2007 Nguyễn Khôi cùng con trai đến thăm họa sĩ Phạm Tăng ở Paris, thấm thoát đã sắp 10 năm, vừa nghe tin Cụ đã từ trần ngày 9/1/2017 tại Bệnh viện Charles - Foix, Lvry-Sur- Seine (vùng Paris- nước Pháp) thọ 92 tuổi. 
  Họa sĩ Phạm Tăng (1925-2017) là hậu duệ quan tướng nhà Nguyễn chống Pháp nổi tiếng Hiệp biện Đại học sĩ Phạm Thận Duật (1825-1885), quê Yên Mô, Ninh Bình: có ai còn nhớ Yên Mô / sông Càn, núi Bảng bây giờ còn không?
  Năm 1945 Phạm Tăng, tham gia kháng chiến một thời gian, rồi vì một mối tình sét đánh, đã "dinh tê" một mạch sang tới Paris, thân lập thân từ 2 bàn tay trắng, rồi trở thành một họa sĩ nổi danh trên thế giới: năm 1967 được Giải nhất của Unesco trao ngay tại Roma (ý). Ông có bức tranh "Vũ Trụ" rất độc đáo, vẽ để "lưu hồn" :
            Trông lên thân thể bao la
       Nhìn vào sâu thẳm trong ta mịt mùng
            Xác thân : vạch lối đôi vùng
       Khoát tay một nét : cuộn tròn càn khôn
           Đất trời , mở rộng tay ôm
      Phút giây xuất ngã, bền hơn cuộc đời.
Họa sĩ Phạm Tăng, còn là một Nhà thơ rất "hồn Việt", cụ tự bạch :
           Lang thang khắp mặt Địa cầu
     Thịt xương : áo đã ngả màu hoàng hôn
          Lợi danh chẳng quản mất còn
     Hành trang : đến cả linh hồn cũng dư.
                    
         Trước sau cũng một lối về
     Giữ sao cho trọn lời thề với Thơ.                     
  Nhân ngày tang lễ Họa sĩ Phạm Tăng, Nguyễn Khôi ở xa, xin đăng lại bài thơ viết ở Paris hôm đến thăm họa sĩ, coi như một nén nhang kính viếng họa sĩ:

   
                         Nhà thơ Nguyễn Khôi



  NHỚ HỌA SĨ PHẠM TĂNG
            (Tặng con trai)
                     
Chàng Họa sĩ một thời đi Kháng chiến
Vướng duyên Nàng...chàng "biến" tới Paris
Vung cây "cọ" những kiếp người ẩn hiện
Thả tình đời lưu dấu hồn quê...
                      
Như Quang Dũng nỗi đau kia ai biết ?
Đời tươi như xuân nữ thịt da nâu
Như "Vũ Trụ" đối hai đầu vô cực
Mà tâm hồn phơi phới ngọn cờ lau...
                      
Chao, sức sống Việt Nam kỳ diệu
Ở Roma "tranh Phạm" lên ngôi
Xin mô Phật - là "Tăng" trong giới "Phạm"
Để thi trung hữu họa rạng thiên tài.
                     Paris 29/7/2007
                  Hà Nội 11/1/2017
Nguyễn Khôi (Nhà văn Hà Nội) - kính viếng...

READ MORE - NHỚ HỌA SĨ PHẠM TĂNG - Thơ Nguyễn Khôi

CHIỀU MƯA PHỐ - Thơ Thủy Điền





CHIỀU MƯA PHỐ

Chiều mưa phố con đường dài vắng khách
Hàng me già lặng lẽ đứng im hơi
Chỉ mình ta đang lạc lõng giữa trời
Chiếc ô mỏng gió lùa trơ mái tóc

Chiều mưa phố ta thèm ngồi bên góc
Ăn ly chè, uống tạm cốc trà thơm
Ngồi bên ai nhìn ngắm giọt nước buồn
Đang lẩy nhẩy tung tăng trên đường phố

Chiều mưa phố một mình ta thả bộ
Lạnh rét người ướt đẫm cả châu thân
Chiếc áo len hở ngực thấm lưng trần
Vẫn ao uớc một bàn tay sưởi ấm

Chiều mưa phố ta đi trong thầm lặng
Chẳng một lời mặc gió thổi vi vu
Chẳng thèm nhìn giọt nước gợi lời ru
Cứ cắm cúi qua từng con phố nhỏ

Chiều mưa phố ai nhìn cô áo đỏ
Chắc thương thầm số phận quá lẻ loi
Giữa cơn mưa thiếu vắng một bóng người
Đi bên cạnh lau nhanh từng giọt nước.

Chiều mưa phố mùa nầy vào năm trước
Có hai người qua phố cũng mưa rơi
Tay bên tay miệng luôn nở nụ cười
Trông ấm áp và tràn đầy hạnh phúc.

                                   Thủy Điền
                                  09-01-2017

READ MORE - CHIỀU MƯA PHỐ - Thơ Thủy Điền

CÓ NHỮNG CON ĐƯỜNG - Thơ Nguyễn Ngọc Kiên


        Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên



CÓ NHỮNG CON ĐƯỜNG                        

Có những con đường giữa thủ đô
Vỉa hè uốn lượn tựa sóng xô
Những nhà siêu mỏng cùng siêu méo
Ngàn năm văn vật … đến bây giờ!

Có con đường chạy rất êm đềm
“Cong cong mềm mại” (1) tựa dáng em
Thướt tha như thưở đương mười tám
E ấp chờ anh ở trước thềm.

Có con đường tựa chiếc ghi đông
Chưa mưa đã ngập hệt như sông
Cà phê, bia cỏ tràn ra phố
Hút mắt nhìn theo những bóng hồng!

                        Nguyễn Ngọc Kiên
                        Hà Nội, 15/4/2014
…………………


(1) Đường Trường Chinh (đường Chiến thắng B52 cũ), còn có tên gọi là “Đường cong mềm mại”.

READ MORE - CÓ NHỮNG CON ĐƯỜNG - Thơ Nguyễn Ngọc Kiên

VÀI CẢM NHẬN VỀ “MƠ ĐÊM” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Lời bình thơ của Duy Toại



             Nhà giáo Duy Toại


VÀI CẢM NHẬN VỀ “MƠ ĐÊM” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Thực ra bài thơ MƠ ĐÊM không hay bằng một số bài thơ tình khác của Đặng Xuân Xuyến. Tuy nhiên, tôi thích cách cấu tạo tứ và sự ngắn gọn súc tích của bài thơ này!
Thơ Đặng Xuân Xuyến thường cô đọng, súc tích, cảm xúc dồn nén, tứ thơ mới, ngôn ngữ giàu hình ảnh so sánh. Bài MƠ ĐÊM là một ví dụ. Chỉ vỏn vẹn có 37 chữ mà bài thơ khái quát được tâm trạng vô thức (MƠ) giữa cái trống trải cô đơn và niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi mãnh liệt ...
Từ ĐÊM ở đầu bài thơ được tách ra đứng một mình như báo hiệu một sự cô đơn của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Đêm vừa là thời gian vừa là không gian mà ở đó con người có thể ngủ một giấc bình yên và mơ những giấc mơ đẹp. Và cũng có thể là nỗi trằn trọc không ngủ được với bao tâm trạng suy tư ... Ở đây, nhân vật trữ tình trong trạng thái vô thức đang mơ về một cuộc tình đầy mãnh liệt: "Cuống cuồng vòng tay ghì hơi ấm". "Hơi ấm" ở đây là chủ thể thứ hai, là EM. Câu thơ đi giữa hai làn gianh rất dễ rơi vào chủ nghĩa tự nhiên nhưng nhà thơ đã rất ý nhị ... Nhưng rồi giấc mơ ấy, sự vội vã, niềm cháy bỏng và mãnh liệt ấy vụt tan biến khi "giật mình" thức tỉnh. Giờ thì chỉ còn lại có đêm và gió hú. Cái "ánh mắt nửa đêm" ấy chính là ánh mắt mở to của kẻ vừa mất đi giấc mơ hạnh phúc. Giờ chỉ còn lại sự cô đơn trống trải với đêm hoang vắng nơi đại ngàn chỉ có gió ...và gió ...
Đêm ... bây giờ thì không ngủ được. Trạng thái cô đơn trống trải dường như được thay thế bằng niềm khát khao có thật ở cuộc đời. Sự mãnh liệt của tình yêu, của hạnh phúc lứa đôi được so sánh như những "trận cuồng lũ", như "ngấu ải chờ mưa", chỉ có khát và khát ...
Kết thúc bài thơ lại trở về với đêm, nhưng bây giờ là đêm yên ả. Dường như sau giấc MƠ ĐÊM quá xáo trộn với tâm trạng đầy biến động, một giấc ngủ bình yên đến với nhà thơ.
Và biết đâu niềm khát khao hạnh phúc sẽ trở thành hiện thực?
*.
Sài Gòn, ngày 09.01.2017
Nhà thơ, nhà giáo DUY TOẠI
Địa chỉ: Trường THPT Nguyễn Du
Phường 15. Quận 10. tp Hồ Chí Minh.      
   



MƠ ĐÊM

Đêm!
Trở mình
Cuống cuồng vòng tay ghì hơi ấm
Giật mình
Ánh mắt nửa đêm
Hun hút đại ngàn gió hú...

Thèm trận cuồng lũ
Dào dào ngấu ải chờ mưa...
Khát...

Cong đêm...
Yên ả.

Hà Nội, đêm 28 tháng 12.2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - VÀI CẢM NHẬN VỀ “MƠ ĐÊM” CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Lời bình thơ của Duy Toại