(Nhân đọc Ca bình minh của Lý Phương Liên, Nhà xuất bản Văn học, 2011)
Điều đáng quý ở Lý Phương Liên đó là sự khiêm tốn, một sự
khiêm tốn đáng kính trọng, dù tên tuổi đã nổi tiếng một thời, thơ chị cũng đã
sống được và khẳng định giá trị đích thực của nó với thời gian nhưng chưa bao
giờ chị nhận mình là nhà thơ. Chị từng giãi bày: “Lý Phương Liên tôi, cha mẹ
mất sớm, thất học, vì thế thơ tôi chỉ là đôi ba hoa cỏ, ghi chép lại chính cuộc
đời mình, nào ngờ thành tiếng mõ cầu rung lên hỉ ái, và cũng là sấm sét nộ ố
những năm 1970 và dài theo nhiều năm sau đó”. Thi sĩ Lý Phương Liên cũng từng
khẳng định: “Thơ tôi chỉ là thơ học trò bình thường, nếu không muốn nói là tầm
thường, ăn may là do hoàn cảnh éo le đắng đời nên lấy được nước mắt của người
đọc mà thành thơ. Tôi trở nên nổi tiếng có lẽ là cơ may, vậy thôi! Có biết bao
nhiêu người tài hoa thời ấy, được học hành bài bản, được đào tạo qua các lớp
chuyên môn thì tôi làm sao dám sánh với họ”.
READ MORE - CA BÌNH MINH- GIỌNG CA NHÂN ÁI, GIÀU TÍNH TRIẾT LÝ VÀ MANG NHIỀU HOÀI NIỆM - Nguyễn Văn Hòa
Ca bình minh của thi sĩ Lý Phương Liên là một tập thơ mà nó
chất chứa biết bao tình cảm thiết tha,
nồng ấm. Cả tập gồm 46 bài, phần lớn là thơ tự do, chỉ có 14 bài lục bát nhưng
tôi đánh giá cao những bài thơ lục bát của chị bởi lối viết uyển chuyển, sáng
tạo và có sự cách tân. Dù số lượng thơ lục bát không nhiều nhưng nó làm nên
chất đằm thắm, dịu dàng, hồn nhiên, trong sáng của hồn thơ Lý Phương Liên. Việc
chị ưu tiên sử dụng thể thơ tự do trong sáng tác của chị cũng có cái lý của nó.
Phải chăng Lý Phương Liên chọn thể thơ ấy để dễ bày tỏ tình cảm, cảm xúc, thể
hiện một cách tận cùng sâu thẳm mọi cung bậc cảm xúc và mọi ngõ ngách của tâm
hồn. Điều đặc biệt ở Ca bình minh, đó là tất cả 46 bài thơ đều được chị viết
vào thời điểm những năm của thập niên 60, 70 của thế kỉ XX. Viết ở thời điểm ấy
mà chị có những cách tân và sáng tạo trong ý tứ, câu chữ, thể thơ như vậy thì
quả là điều đáng được ghi nhận.
Danh hiệu nhà thơ theo đúng nghĩa của nó vô cùng cao sang và
đáng trân trọng, càng đáng ghi nhận và tôn vinh hơn nữa nếu họ có những bài thơ
để đời sống mãi với thời gian. Lý Phương Liên xứng đáng là nhà thơ theo đúng
nghĩa của từ này. Chị đến với thơ khá sớm, ngay từ những năm chị mười tám đôi
mươi, chị làm thơ không phải với ý định muốn mình trở thành một nhà thơ tên
tuổi, thực thụ mà chị làm thơ để ghi chép lại những cảm xúc, những tiếng lòng,
những nỗi niềm gan ruột của cuộc đời mình. Có lẽ vì vậy mà thơ Lý Phương Liên
thực sự hay, thực sự có giá trị và sống được trong lòng bạn đọc. Dù rằng tên
tuổi của Lý Phương Liên xuất hiện chỉ vài năm rồi đột ngột im hơi lặng tiếng
trên thi đàn. Sự im lặng và vắng bóng của một giọng thơ lạ và tài hoa ấy nó
càng gây thêm sự tò mò, chú ý của những người yêu thơ và thực sự quan tâm đến
thơ suốt hơn 40 năm qua. Thơ chị viết ra là những cảm xúc chân thực, không hề
giả tạo, nó cứ dạt dào tuôn chảy theo dòng cảm xúc, nói bằng chính con tim,
bằng những gì chân thành và sâu thẳm nhất tận đáy tâm hồn mình chứ không hề có
sự đẽo gọt, trau chuốt chữ nghĩa một cách cầu kỳ, giả tạo. Nói thế không có
nghĩa là thơ chị không sử dụng ngôn từ độc đáo mà có chỗ chị dùng rất đắc địa.
Do vậy, không khó để người đọc tìm ra những bài thơ hay, câu thơ hay, tứ thơ lạ
trong tập Ca bình minh. Nhiều bài thơ của chị đã được các chiến sĩ chép vào sổ
tay mang ra chiến trường trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, họ đọc
cho nhau nghe với một niềm yêu mến và kính phục. Có thể kể ra một số bài thơ để
lại ấn tượng sâu đậm, được nhiều người nhắc đến khi nói về thơ Lý Phương Liên
như: Ca bình minh, Trò chuyện với Thúy Kiều, Em mơ có một phiên tòa, Lời ru với
anh, Lời ru trong đêm, Chờ anh dưới cột đồng hồ, Xin phép mẹ đi lấy chồng …
Nhà thơ Lý Phương Liên |
Con đường đến với thơ của chị như một cơ duyên, chị mượn thơ
để nói lên tấm chân tình của mình, lấy thơ để ghi lại những gì xảy ra trong
cuộc sống của chính mình, quanh mình và của thời đại mình. Cũng chính vì thơ,
yêu thơ mà người thi sĩ họ Lý kia phải chịu bao hệ lụy đáng tiếc. Tai nạn nghề
nghiệp là cái rủi cho thi sĩ Lý Phương Liên và gia đình chị nhưng cũng là cái
may cho nền văn học nước nhà. Vì có được thêm một giọng thơ lạ và độc đáo.
Có thể nói rằng, chị đã quá may mắn khi được gặp Nguyễn
Nguyên Bảy và hạnh phúc khi phu-thê cùng Nguyễn Nguyên Bảy. Đời thơ, đời người
với bao thăng trầm, bao dâu bể, lên thác xuống ghềnh của Lý Phương Liên đều
liên quan và gắn liền với Nguyễn Nguyên Bảy. Có lẽ vì thế mà chị có rất nhiều
bài thơ viết về “anh”, nhắc đến “anh” với một niềm kính trọng và yêu thương da
diết (trong tập thơ Ca bình minh có khoảng 2/3 số bài thơ chị viết về Nguyễn
Nguyên Bảy). Cho nên chị có ước muốn: Em muốn anh như bàn tay/ Xòe ra là gặp. Dù
có đi đâu, làm gì, hình ảnh của “anh” vẫn luôn hiện hữu, vẫn luôn thường trực
trong trái tim của chị. Để rồi có lúc chị phải thốt lên: Xa anh nói nhớ làm
sao/ Chân đứng tổ kiến lòng chao gió cành/ Lẽ nào em buộc cánh anh/ Buộc cánh
anh/ Buộc cánh anh cũng chẳng thành tình yêu.
Có đau khổ, mất mát nào lớn hơn khi mà mình không còn bố,
không còn mẹ? Càng hụt hẫng và đau đớn gấp bội phần khi bố mẹ mình mất trong
thảm cảnh? Chị đã phải gánh chịu liên tiếp những nỗi đau chồng chất. Chị không
những đau nỗi đau riêng của gia đình mình mà còn thêm nỗi đau cho đất nước, cho
nhân dân; nỗi đau của một người dân sống trong cảnh chiến tranh tang tóc:
Tôi sinh ra giữa cơn lốc xoáy tròn đất nước
Một nghìn chín trăm năm mươi
Cả dân tộc đổ xuống đầu giặc Pháp
Cơn phẫn nộ muốn làm người
Gian nan chỉ thấy môi cười
Bao máu đỏ nhuộm nên cờ chiến thắng
Hai mươi năm không ai ngồi đếm ngày đếm tháng
Những ngày sáu chín bảy mươi
Chẳng có nơi đâu tuyệt diệu con người
Vai gánh nặng cuộc chiến tranh hủy diệt
Mỗi người dân đều nhận phần mất mát
Chia đều nhau bom đạn với cơm ăn
Khổ chẳng riêng ai nên khổ chẳng một mình
Chung số phận với nhân dân mà chiến đấu
Thúy Kiều ơi, thời tôi sống biết bao người đổ máu
(Trò chuyện với Thúy Kiều)
Đất nước những năm chiến tranh đã đặt ra cho con người không
ít những thử thách, đặc biệt là trong việc chọn lựa lẽ sống: Em tuổi hai mươi
như tất cả mọi người/ Chọn số phận ở thời mình đang sống.
Hoàn cảnh lịch sử không cho phép con người ngủ yên trong đời
chật mà phải ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và nơi họ gặp nhau
không đâu khác chính là nơi chiến trường. Họ ra đi vì nghĩa lớn nên có cùng
chung một mục đích, một lý tưởng, một con đường, một niềm tin vào tương lai là
đất nước sẽ được giải phóng, nhân dân sẽ được sống trong hòa bình: Đất nước
chiến tranh nhân dân còn cơ cực/ Khi cái chết vãi từ trên phản lực/ Bom chùm
bom lửa bom bi …/ Đời còn nhiều gian khổ phải qua/ Để đến được mùa hoa sai quả
trĩu/ Cơ thể của nhân dân cơ hàn đang phải chịu/ Số phận mình là số phận của
nhân dân.
Hiện thực đau thương trở thành động lực sống và khát khao về
một thế giới hòa bình, đất nước độc lập, nhân dân hạnh phúc là động lực để họ
vượt qua mọi nhọc nhằn, khó khăn của cuộc sống: Đường ra biển có thể dài năm
tháng/ Mất mát nhiều hơn gian khổ cũng nhiều hơn/ Nhưng một điều chắc chắn phi
thường/ Chúng tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp (Trò chuyện với Thúy Kiều).
Đế quốc Mỹ- kẻ cướp nước, làm những điều phi nghĩa, trái với
lương tâm đạo lý nên chắc chắn sẽ thất bại. Chân lý thuộc về lẽ phải, chính
nghĩa sẽ thuộc về ta. Cái chết bi thảm của người mẹ Lý Phương Liên và 50 con
người xấu số khác vào một buổi chiều định mệnh (Trong một chuyến đò ngang trên
con sông Hồng trong một trận bom Mỹ đánh phá cầu Long Biên vào năm 1966) là một
minh chứng cho tội ác tày trời của đế quốc Mỹ. Trước tội ác của giặc, chị lại
có ước mơ là sẽ có một phiên tòa mở ngay trong nhà chị để kết tội kẻ gây ra bao
tội ác. Để chúng hiểu rằng gia đình chị và biết bao nhiêu gia đình khác trên
nước Việt Nam này đã và đang gánh chịu không biết bao nhiêu nỗi đau do chúng
gây ra. Em mơ có một phiên tòa là một bài thơ đã làm lay động không biết bao
nhiêu con tim, đặt ra bao điều nhức nhối về lẽ sống, về lương tri, giá trị nhân
bản của con người và thời đại:
Bom và súng/ Giết một dòng sông/ Giết một con đò/ Có mẹ em
và năm mươi cuộc sống./Bom và súng/ Ai dạy mi giết người?/ Bầy giặc lái cúi đầu
im lặng/ Có khác chăng sông Hồng/ Dòng PôtôMác nước xanh/ Nước xanh nước hồng
đâu cũng nước dòng sông/ Nếu bom đạn Việt Nam đổ xuống dòng Pô Tô Mác?/ Em
trừng mắt nhìn lũ người làm giặc/ Chúng im lặng cúi đầu… / Chúng bắn dòng sông
Hồng/ Ta không bắn dòng sông PôtôMác/ Chúng đốt nhà ta/ Ta không đốt những vườn
nho của chúng/ Chúng giết mẹ ta/ Ta không giết mẹ chúng/ Chúng đến Tổ quốc ta/ Việt
Nam/ Ta không sang/ Nước Mỹ/ Không phải dài lời về chân lý/ Súng và bom/ Bom và
súng/ Chúng giết ta/ Thì ta tiêu diệt chúng…
Nhà thơ Hoàng Xuân Họa nhớ lại: “Hồi đó ở một cánh rừng già
biên giới miền Trung đầy bom đạn, cánh lính trẻ chúng tôi chụm đầu đọc cho nhau
nghe bài thơ trên. Nghe xong cả tiểu đội giàn giụa nước mắt, chẳng ai bảo ai,
tất cả đều phẫn uất cầm lấy súng hướng lên chốt giặc”.
Dù phải gánh chịu bao nỗi đau, nhưng những điều đó không làm
cho chị gục ngã, chị vẫn sống, vẫn cố gắng vươn lên, hướng đến một ngày mai,
một tương lai tươi sáng: Tôi cứ đi chuyên cần bền bỉ/ Trông xa về phía trời
hồng.
Trong những lúc đi làm ca ba tại nhà máy điện Hà Nội, Lý
Phương Liên vẫn hăng say, nồng nhiệt, vui vẻ và gọi ca ba đó là ca bình minh:
Em đi làm ca ba/ Đêm buông dày đường phố/ Hà Nội vào giấc
say trẻ nhỏ/ Em đi giữa lòng đường/ Hát khẽ …/ Tuổi ca ba rất trẻ/ Đêm ca ba
lại dài/ Mười tám, đôi mươi/ Tuổi như em khỏe ăn khỏe ngủ/ Bạn bè em có nhiều ý
lạ/ Khi nói tới ca ba/ Ca của những đêm hè trời đầy sao hoa/ Ca của những đêm
đông bập bùng ánh lửa/ Còn em với niềm vui bé nhỏ/ Em gọi ca ba là ca bình minh
(Ca bình minh).
Từ lời ru của mẹ thuở nào gợi lên trong chị bao suy ngẫm về
cuộc đời, về những tháng ngày khó khăn cơ cực, về những hụt hẫng, niềm đau xót
đến tận cùng gan ruột. Để rồi có lúc chị lại tự vấn bằng những lời nghe ai oán,
não ruột làm sao: Có lẽ nào những lời ru của mẹ/ Hóa những lời tiên tri/ Cò cha
cò mẹ bay đi/ Cò con côi cút lấy gì nuôi nhau… Bằng cách nói ẩn dụ : “cò cha”, “cò
mẹ”, “cò con” gợi lên cho người đọc bao thương cảm, xót xa.
Mới tám tuổi đầu/ Cha mất/ Mẹ lặn lội thân cò phố chợ bến
sông…(Từ lời ru của mẹ).
Bằng nghị lực, niềm tin, sự yêu thương đùm bọc của bà con
hàng xóm- đặc biệt là “những bà mẹ láng giềng”, đã giúp chị và gia đình chị
vượt qua thảm cảnh: Nào ngờ thuyền chúng con bị cuốn vào bão lớn/ Năm chị em ôm
nhau/ Mẹ mất/ Lời tiên tri đúng thật/ Con là cây buồm mười tám tuổi chông
chiêng/ Ôm chúng con là những bà mẹ láng giềng/ Rá gạo mớ rau/ củi lửa/ Con
thuyền xô nghiêng, con thuyền xô ngửa/ Cả xóm chung tay không để thuyền chìm...
(Từ lời ru của mẹ).
Từ cuộc đời với những tháng ngày nếm trải bao tủi hờn, cơ
cực- Lý Phương Liên nghiệm ra rằng:
Cái nghèo chẳng dễ hiểu đâu
Xa sâu như tiếng đàn bầu trong khuya
Linh thiêng lời mẹ dặn dò
Kiếp người là một gánh lo hãi hùng
Tình yêu mà chị dành cho người yêu của mình cũng có nhiều
điều đặc biệt, thể hiện sự bao dung, nhân ái, hiếm có của một người đang yêu.
Tâm lý thường tình của những người con gái đang yêu khi hẹn hò, chờ đợi người
tình của mình đến nếu không đúng giờ thì hay dỗi hờn, trách móc; thậm chí còn
có những lời lẽ không hay, xúc phạm đến người yêu. Với chị, chị có một thái độ
bao dung hiếm có. Lý Phương Liên tin rằng “anh” sẽ không lỡ hẹn, và nếu có lỡ
hẹn đi chăng nữa âu đó cũng là chuyện bất đắc dĩ mà thôi. Biết vậy nên chị đã
cố gắng và kiên trì đợi chờ “anh” mãi …
Điệp khúc “Anh không nhỡ hẹn bao giờ” trong bài “Chờ anh dưới cột đồng hồ” được
lặp lại 4 lần, đã cho thấy sự tin tưởng tuyệt đối và lòng vị tha của chị .
Anh không nhỡ hẹn bao giờ/ Chẳng giận anh đâu/ Chỉ muốn vặn
lại kim đồng hồ (Kim ngắn chỉ vào số bảy/ Kim dài chỉ số mười hai …) / Để anh
khỏi áy náy/ Để anh khỏi xin lỗi em (Chờ anh dưới cột đồng hồ).
Có lắm lúc, chị thật hồn nhiên trong tình yêu. Cách yêu của
chị cũng khiêm tốn, chậm rãi, không phải vội vàng, hời hợt. Lời lẽ dịu dàng,
nhẹ nhàng, đằm thắm và sâu sắc lắm: Anh hay bỏ quên đồ đạc/ Em muốn khuyên anh/
Em lại muốn khuyên anh/ Đừng bỏ cơm nhỡ bữa/ Ăn vội mẫu bánh mì quanh phố/ Em
lại muốn khuyên anh/ Trà chén năm xu đừng nghiện/ Chuyện ngồi lê đôi mách đừng
nghe/ Em lại muốn khuyên anh ngủ sớm/ Đêm đông đừng lấy rượu làm bạn/ Đêm hè
đừng đốt thuốc tàn canh... (Bài thơ về những điều khó nói). Nhưng cũng có lúc
tình yêu và nỗi nhớ trong chị trào dâng một cách nồng nàn, mãnh liệt: Biết anh
vắng nhà/ Sao em vẫn đến/ Bởi trong lòng em/ Lửa nhớ đã chín/ Biết anh vắng nhà/
Sao em vẫn đến/ Tình chẳng muốn xa/ Nên lòng cứ hẹn … (Hẹn).
Lòng em như bãi cỏ khô
Tình anh gieo lửa đốt cho mỡ màu
Và từ ngày ấy yêu nhau
Cây đời đã nẩy lộc đầu non xanh
(Bài lục bát nháp dưới lá thư anh)
Lòng em như cốc nước đầy
Cốc nước đầy để trên bàn nhỏ
Cuộc địa chấn yêu rung từng nhịp thở
Sóng sánh nước tràn ra
…………………………
Anh ùa vào đời em như gió như hoa
Như cánh buồm nâu ùa ra cửa biển
Ngoài cửa sổ đôi cánh chim chao liệng
Trên bàn yêu một đĩa sấu chín vàng
(Đôi ta)
Biết bao gánh nặng áo cơm đè lên đôi vai gầy của Lý Phương
Liên, một người con gái mà cả tuổi thơ phải gánh chịu bao nhọc nhằn, cay đắng.
Sinh ra trong gia đình đông em và trong thời buổi loạn lạc, bố mẹ lại mất sớm.
Cứ nghĩ rằng người con gái chân yếu tay mềm ấy sẽ khó vượt qua. Nhưng với nghị
lực phi thường, tình thương và niềm tin đã giúp chị vượt qua mọi thách thức,
mọi khắc nghiệt của cuộc đời.
Sông Hồng là đối tượng mà chị cũng thường hay nhắc đến. Có
lẽ chính con sông này đã gắn với bao ký ức niềm thương, nó cũng là chứng nhân
lịch sử, nó cũng bao dung, nhân hậu, cũng đau đớn trước cảnh tan tác đau
thương. Bằng cách dùng thủ pháp nhân hóa, Lý Phương Liên đã cho người đọc thấy
rõ điều này:
Chào sông Hồng/ Sao mỗi lần gặp em mặt sông rầu rĩ thế?/ Em
hát cho sông nghe lời ru của mẹ/Dẫu gian khổ mấy đừng buồn …/ Sông Hồng ơi cái
nắng buổi mai
………………………
Em yêu con sông bởi lẽ chân thành/ Sông là bạn của mẹ em sớm
khuya vất vả/ Mẹ thường kể: sáng nay sông êm ả/ Chiều qua sông giận dữ ầm ào …/
Mẹ sang sông về sông không bỏ buổi làm nào/ Sông thương mẹ vẫn cặp đò đúng bến.
Thế rồi một buổi chiều định mệnh, cũng chính từ nơi con sông
Hồng phù sa đỏ nặng ấy, mẹ chị lại vĩnh viễn ra đi:
Một buổi chiều sắc tím/ Buổi chiều này có thật hay không?
Cái chết thảm khốc của người mẹ là một sự mất mát quá lớn
lao và đột ngột nên chị nấc nghẹn trong một câu hỏi đầy nghẹn ngào:
Buổi chiều này có thật hay không?
Mẹ trôi sông
Gió khản hơi đuổi hoài bóng mẹ …
Những quả bom giặc Mỹ
Để lại cho đời bao trẻ mồ côi
Sông Hồng ơi! Sông Hồng ơi!
Khóc lóc bao nhiêu cũng chỉ là nước mắt
Phù sa đỏ hãy vì đời bồi đắp
Mẹ hồi sinh trong cuộc sống mỡ màu
Qua mất mát này chúng ta thêm yêu nhau …
Lý Phương Liên tin tưởng và hy vọng rằng: “Mẹ sẽ hồi sinh”,
mẹ sẽ sống, mẹ sẽ luôn dõi theo từng bước trưởng thành của chị và các em của
chị.
Những triết lý về cuộc đời, về lẽ sinh tử, mất còn được nhà
thơ nói đến một cách sâu sắc. Chị nghiệm ra rằng: Khóc lóc bao nhiêu cũng chỉ
là nước mắt. Cái quan trọng nhất bây giờ là phải sống, phải sống sao cho đúng
nghĩa, sống sao cho thực sự giá trị người. Chị đã ý thức như vậy nên khi bố mẹ
không còn trên cõi đời này nữa, cô gái trẻ Lý Phương Liên vẫn nhớ như in những
lời mẹ dặn, về niềm tin và lẽ sống: Đời con còn đó mai sau/ Sống là điều mẹ
nguyện cầu cho con; Em đón nhận đời em sau một thoáng hãi hùng/ Chôn mẹ nuôi
đàn em thơ dại/ An phận ư? Mơ hồ sợ hãi/ Sống vẫn là lời mẹ dặn thiêng liêng
(Trò chuyện với Thúy Kiều).
Ngày người em trai duy nhất lên đường ra mặt trận, để động
viện, tiếp thêm sức mạnh, ý chí và niềm tin cho em, Lý Phương Liên đã dặn dò em trai của mình bằng những lời lẽ
cảm động, sâu sắc và mang nhiều ý nghĩa: Nhà ta có mình em ra trận/ Chị nhắc
lại điều này vì chị muốn như em/ Thành tầm bay của những mũi tên/ Nhưng chị đã
thành trụ cột gia đình ta mồ côi cha mẹ/ Em hãy coi chị như người chiến sĩ/ Dù
gia đình ta mình em được lên đường…
Lý Phương Liên dặn em trai rằng: Em sẽ lên đường và chiến
đấu, vì mẹ vẫn luôn ở bên em, mẹ cũng sẽ “về” để đưa em lên đường ra mặt trận.
Em có nghe hình như đâu đây vẫn còn những tiếng kêu thương thảm thiết của mẹ
dưới làn bom của Mỹ?
Hãy lên đường em nhé/ Yên tâm/ Đành là chị ở nhà phải gánh
phần vất vả/ Nhưng vất vả nhất là nơi bom lửa/ Nơi ngày mai em tới đạn lên
nòng…/ Hãy hoàn thiện đàn ông bằng đời chiến sĩ/ Và nhất định phải trở về… (Dặn
em trai).
Cái đáng yêu của Ca bình minh là những cảm xúc tinh tế, nhẹ
nhàng, nhiệt thành mà hồn hậu, những ký ức tuổi thơ, tình cảm với quê hương,
người thân, những người ở nơi xóm nhỏ, anh thợ kính, chị tráng bánh đa nem, bà
bán cau, bác thợ điện… lần lượt ùa về, gợi lên cho người đọc bao nỗi niềm ray
rứt.
Chị viết về người cha đã khuất của mình bằng những lời thơ
tha thiết, nằng nặng nỗi niềm thương nhớ; hình ảnh người cha như ẩn hiện đâu
đây: “Con nhớ dáng ngồi lặng lẽ của cha”, “Khi mắc dây cha thường huýt sáo”,
“Bàn tay cha săn như gọng kìm”… Cha của chị dù ra đi đã lâu nhưng bà con vẫn
còn nhắc hỏi, bởi vì: Cha em là công nhân sở điện Bờ Hồ/ Điện là bạn của người
dân Hà Nội/ Nên cha em vắng lâu rồi bà con còn nhắc hỏi (Về người cha đã
khuất).
Nghệ thuật cũng là một cách lý giải cuộc sống. Thay vì dùng
một chuỗi luận lý để tìm cách chứng minh, thuyết phục. Lý Phương Liên đã dùng
những từ ngữ, lời lẽ, hình ảnh, cảm xúc chân thành, giản dị từ chính trái tim
mình- giống như lời trò chuyện, lời thủ thỉ, giãi bày mọi ngõ ngách tâm hồn
mình. Vì thế mà thơ chị việc dùng điệp từ, điệp ngữ lặp đi lặp lại với tần số
cao và hầu như bài nào cũng có. Phải chăng đó là một trong những nét riêng của
thơ Lý Phương Liên và đó là sự thành công của chị trong việc tạo ra những vần
thơ êm ái dễ đi vào lòng người, tăng sức biểu hiện, tăng nhạc tính của câu thơ.
Nghệ thuật điệp có tác dụng nhấn mạnh ý, vừa tạo ra những điệp khúc độc đáo:
Nuôi con suốt đời là dòng máu đỏ/ Gia tài của mẹ của cha/ Nuôi con suốt đời là
dòng sữa mẹ/ Con đi hết đường xa …/ Dòng máu đỏ của mẹ cha/ Không phải là sắc
màu tưởng tượng/ Không phải là thứ gì dễ trộn/ Chắt từ sắc đỏ của dòng sông/ Từ
vị ngọt của lúa thơm/ Từ hương mát của hoa trái/ Từ sức gió chạy trên đồng
hoang dại/ Từ bong bóng mưa tháng năm (Cội nguồn).
Cảm thức thời gian cứ trôi chảy cùng cảm thức về đời người,
những hoài niệm về quá khứ đã trở thành nỗi khắc khoải, lo âu và cả sự đau đớn,
nghẹn ngào: Lịch sử đã bao lần lặp lại/ Một dòng sông xâm lược một dòng sông/
Sông trời thác dữ mênh mông/ Sông quê em ngược lên chống giặc (Viết cho sông Kỳ
Cùng).
Trong những bài thơ đặc sắc của Lý Phương Liên, chị đã có
những suy nghĩ, khái quát có tầm triết lý về số phận con người, về quá khứ,
hiện tại, về sự sống và cái chết, về vẻ đẹp của thời đại và con người Việt Nam.
Bên cạnh những thành công, Ca bình minh của Lý Phương Liên
cũng có những điểm hạn chế nhất định. Vì viết theo mạch cảm xúc, lời thơ giống
như lời trò chuyện, lời nói hằng ngày nên ở một vài bài chị còn kể lể dài dòng,
từ ngữ không được đẽo gọt nên dễ gây cảm giác nhàm chán đối với người đọc.
Đời thơ của chị phải trải qua sóng gió, sau sự kiện bài thơ
Nghĩ về Thúy Kiều (sau này đổi tên là Trò chuyện với Thúy Kiều) đăng trên Báo
Văn nghệ năm 1970, chị bị phạt “lên ruộng,xuống bờ”. Thế là hồn thơ tài năng Lý
Phương Liên từ đó bỗng dưng biến mất. Gia đình chị phải chịu bao hệ lụy vì nó.
Cũng chính từ đó chị có lời nguyền không làm thơ, không công bố thơ, thậm chí
cả những người thân yêu nhất như Nguyễn Nguyên Bảy- chồng chị, chị cũng chẳng
dám đưa thơ mà đọc. Dù trong tâm can, huyết mạch chị thơ vẫn âm ỉ và dạt dào
tuôn chảy:
Thỉnh thoảng buồn em vẫn ghi thơ
Trôi trên giấy điệu vần thương nhớ
Ạ ơi những lời ru cũ
Cánh cò chít trắng tang mây …
Chẳng dám chép tặng anh sợ rồi lại vạ
Thơ thương ta thơ đừng làm anh khổ
Em đơn chiếc một cánh cò
Mà trời bao la quá
Em chép lại đôi ba bài thơ nhỏ
Chỉ để nhớ để thương thơ …
Thật đáng tiếc cho hồn thơ tài năng Lý Phương Liên đã không
gặp thời, để rồi lại phải im lặng trong suốt hơn 40 năm qua. Điều đáng mừng là
qua sự sàng lọc, kiểm chứng của thời gian những gì thuộc về giá trị đích thực
của văn chương đã được thừa nhận và trả về vị trí xứng đáng của nó. Ca bình
minh ra đời năm 2011 không chỉ là niềm vui riêng của Lý Phương Liên và gia đình
chị mà đó còn là niềm vui cho những người yêu thơ chân chính nước nhà.
Một ngày mùa thu tháng tám năm 2012, tôi có dịp ghé thăm nhà
người em gái thứ tư của chị, tại số 1 Quán Thánh, Quận Ba Đình, Hà Nội. Tôi mới
hiểu và biết nhiều điều hơn về Lý Phương Liên. Em gái của chị kể trong lời
nghẹn ngào, xúc động về người chị gái thân yêu của mình. Tôi cũng được trực
tiếp xem bức ảnh mà gia đình chị đã vinh dự chụp chung với Bác Hồ, khi Bác về
thăm gia đình Lý Phương Liên vào 19h tối
30 Tết Nhâm Dần - 1962.
Thời gian đã qua đi, cô gái trẻ Lý Phương Liên thuở nào giờ
đây mái tóc đã nửa xanh nửa bạc, và dù đã xuất hiện những nếp nhăn, nhưng trên
gương mặt chị vẫn mang nét thanh tú, lịch lãm của một người con đất Hà thành.
Dù đã xa Hà Nội mấy chục năm nhưng trong tâm can chị vẫn nhớ về nơi đất Bắc,
nơi gắn với bao ký ức, niềm thương và cả những nỗi đau xót đến tận cùng.
Ca bình minh được in vào năm 2011 cũng là dịp để Lý Phương
Liên trở lại với thơ, trả ơn những nguời yêu mến thơ chị một thời và đó cũng là
dịp chị được thăm lại những người bạn vong niên; được gặp gỡ, được trao đổi,
thông tin với những người đã từng yêu mến thơ mình trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Ca bình minh của Lý Phương Liên, Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2011 thực sự
là một tập thơ mang nhiều ý nghĩa và có giá trị đặc biệt.
Điện thoại: 0984.833.247
NGUYỄN VĂN HÒA
Giáo viên Trường phổ thông cấp 2-3 Xuân Phước
huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên
Email: nguyenvanhoaphuyen@gmail.com