Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, February 8, 2022

XUÂN XƯA - Nhạc: Mai Hoài Thu - Thơ: PhamPhanLang - Ca sĩ: Diệu Hiền



Xuân xưa
Xuân ấy em mười một Anh cũng độ mười ba Hai đứa ở gần nhà Chỉ cách nhau con ngõ Mồng một em áo đỏ Đầu thắt chiếc nơ xanh Tung tăng đi tìm anh Đưa em đi hái lộc Anh dìu em lên dốc Chùa nhỏ ở trên cao Anh hái em cành đào Và cài hoa lên tóc Trong chùa hương ngây ngất Phật nhìn em mỉm cười Dâng Phật cành hoa tươi Cầu xin Ngài phù hộ Bỗng dưng trời mưa đổ Hai đứa chạy về nhà Vội vàng em vấp ngã Rơi mất cánh hoa cài Dỗi hờn em khóc mãi Anh dỗ dành không thôi Bắt đền hoa cúc mới Em lắc đầu không ưa Xuân này nhớ Xuân xưa Anh nay không còn nữa Thương nhớ nói sao vừa Chuyện những ngày thơ ấy... phamphanlang  

READ MORE - XUÂN XƯA - Nhạc: Mai Hoài Thu - Thơ: PhamPhanLang - Ca sĩ: Diệu Hiền

HOÀI ĐÔNG - Thơ Nhật Quang

 

Photo: Nhật Quang

HOÀI ĐÔNG


Hanh hao nắng mùa đông

Rơi trên bờ vai nhỏ

Long lanh mềm lá cỏ

Nhẹ bước lòng bâng khuâng


Lao xao gió muà đông

Mơn man vờn mái tóc

Tình trao qua ánh mắt

Ngỡ đắm miền xa xăm


Chiều đông ngát hương thầm

Lối xưa giờ quạnh vắng

Hoàng hôn phai vạt nắng

Sương giăng sầu mênh mang


Em gót sầu miên man

Nơi phương trời xứ lạ

Nghe chuông trầm vội vã

Hắt hiu lời tháng năm.


                           Nhật Quang

                nhatquang18@gmail.com

  

       


READ MORE - HOÀI ĐÔNG - Thơ Nhật Quang

QUÊN - Truyện ngắn Vũ Hùng

 

Nhà văn Vũ Hùng

QUÊN

Truyện ngắn

Vũ Hùng

 

Lão Phó về hưu cuối năm 2020. Lão có vẻ buồn, thường cáu gắt vô cớ những chuyện không đâu. Chỉ quanh quẩn trong nhà rồi ra ngoài vườn. Lão hay cởi trần như cố ý phô cái ngực lép kẹp tựa con nhái chết khô với mấy cái xương sườn khẳng khiu đang cố sức chống đỡ mảng da bên ngoài nhăn nheo đến tội nghiệp. Người ta không còn thấy lão cùng với lão Đường, lão Nhộng ngồi ngất ngưởng tán chuyện tầm phào ở quán cà phê Vô Thường hay Bến My Lăng thuộc thị xã An Nhơn, gần cả buổi sáng chủ nhật hay những ngày nghỉ, khiến mụ Nhọt, vợ của lão kêu trời, kêu đất. Vậy mà nay bỗng quay ngoắt 180 độ khiến mụ Nhọt đâm ra lo lắng, thấy có lạ không?

Ai cũng nghĩ khi về hưu lão Phó sẽ dạy kèm mươi đứa học trò trong xóm cũng là để tạo niềm vui và kiếm bậy ít đồng lẻ cà phê cà pháo. Nói vậy không có nghĩa là lão thiếu hụt tiền bạc gì đâu. Lương hưu của lão cao nhất huyện, chưa ai qua mặt nổi. Từ ngày mụ Nhọt về làm vợ, chưa hề ngửa tay cầm nửa xu tiền lương của lão. Nghe lão Nhộng kể: Lương của lão Phó đều đem sắm vàng tính đến nay dễ chừng cũng ba thúng cái to đùng đầy ắp. Cho nên lão đâu cần tiền. Nghỉ hưu chừng một tháng, lão mở võ đường dạy võ cổ truyền. Đầu tiên lão mướn mấy thằng thợ mộc thất nghiệp nằm ngáp ngắn ngáp dài ở thị trấn Cầu Đỏ do lão Nhộng giới thiệu, về nhà tháo mười bộ bàn ghế để dạy học thêm trước đây và dỡ luôn chuồng bò một cách không thương tiếc để dựng lên một  sàn đấu võ đài chắc chắn ở góc vườn sau. Rồi vội vã mướn xe lên Buôn Mê Thuột đến nhà của cha lão chở về một đống nào gươm, đao, giáo, bát xà mâu, búa sắt, chùy đồng... treo lủng ca lủng củng đầy nhà trên nhà dưới khiến kẻ yếu bóng vía thoạt nhìn cũng hồn bay phách lạc vãi đái ra quần chứ chẳng chơi?

Mà cũng lạ, thầy nào trò nấy ốm nhom ốm nhách khoảng tám đứa, tuổi chừng mười lăm mười bảy như vừa qua một trận dịch thập tử nhất sinh, da xanh lướt khác nào tàu lá chuối non. Cứ nhìn đám đệ tử của lão  múa bài Ngọc Trảng  quều quào, lả lướt trên sàn đài giống như mấy con cá bảy màu thảnh thơi rỉa mồi trong hồ kính mà mắt cứ lim dim buồn ngủ đến lạ!

Về hưu lão hay quên lắm!

Tui mượn lão mười hai triệu để sửa nhà, trả từ hồi năm ngoái, vậy mà cứ nhắn tin đòi mấy bận. Khi nghe nhắc lại là đã trả rồi, lão cười hè hè:

- Tao quên! Tao quên!

Có những cái quên đã khiến lão phải trói chân lảng xẹt ở Sài Gòn gần nửa năm khác nào như ngồi tù. Chả là khi về hưu được vài tháng, đôi mắt lão bỗng dưng nhức nhối như kim đâm, nước mắt chảy ròng ròng. Mụ Nhọt hối lão đi bệnh viện.  Lão ừ hử rồi chẳng đi. Mụ vợ nhắc, lão gắt;

- Tui quên! Tui quên!

Mãi đến cuối tháng 4 năm vừa rồi đau chịu không nổi nữa lão Phó mới mò xuống Quy Nhơn khám mắt. Không biết bác sĩ tư vấn thế nào mà vợ chồng lão hốt hoảng, vội vã bay vào Sài Gòn ngay chiều hôm đó. Và bị kẹt lại thành phố do dịch Corona. Vợ chồng lão ở khách sạn gần một tháng rồi phải chuyển ra nhà trọ bình dân ở Bình Thạnh may ra mới trụ được lâu dài. Lão ăn mì gói đến nhọn miệng. Thèm rau, thèm cá muốn chết! Ngày nào lão cũng điện thoại cho tui. Hết than thở chuyện thiếu thốn chuyển sang chê bai đạo đức nhà giáo, cán bộ. Rồi khen bà Phương Hằng vợ Dũng Lò Vôi can đảm dám vạch mặt Võ Hoàng Yên lang băm cùng đám nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện . Rồi khen vợ chồng lão Được bỏ dạy, có phước sang Mỹ làm giàu. Một tháng lương vác thịt heo của Được bằng cả năm lương của lão.Cạn chuyện, lão quay sang chê bai tui là thằng nhát gan sợ chết, trốn Covid như rắn trốn mồng năm...

Mà đúng là tui nhát thiệt. Từ ngày có lệnh dỡ bỏ các chốt chặn đến nay tui chưa ra khỏi làng. Chiếc xe Vespa khô nhớt, hư bình ac quy cũng không dám đưa xuống Quy Nhơn để sửa. Cho nên khi nghe Lão Phó báo tin về nhà, trong tui xảy ra hai cảm xúc trái ngược là vừa mừng vừa lo. Mừng vì bạn khỏe mạnh, đôi mắt vẫn như thường, vẫn dạy võ ngon lành. Lo vì sợ lây bệnh. Trằn trọc mãi mấy đêm liền.

Chiều nay tui trang bị cho mình bộ đồ chống dịch cộng thêm tấm kính chắn mặt và đôi găng tay kín mít không khác gì bộ đội hoá học ra trận để đến thăm lão Phó mà cứ nơm nớp lo sợ. Giữ đúng cự ly mà nói chuyện vẫn cứ e dè. Khi ra về, vừa leo lên xe chưa kịp nổ máy bỗng giật thót mình, tim nhảy thình thịch như muốn bắn ra ngoài vì bàn tay lão Phó bấu vào vai tui:

- Trả mười hai triệu mượn sửa nhà đây chứ mày?

- Tui trả rồi mà! Đây là lần đòi lần thứ mấy mày còn nhớ hông?

Lão hơi đớ người ra một chút, rồi vẫn cái giọng cười hè hè:

- Tao quên! Tao quên!

 Và tui cũng muốn quên hết chuyện dịch bệnh, để bước xuống xe ôm chầm lấy lão - một thằng bạn chơi với nhau từ lúc mới biết mặc quần cho đến nay khi tóc bạc lưng còng với biết bao thương nhớ! Nhưng sao mà khó quá!

Lão buông vai tui ra, lùi lại mấy bước và nhìn tui không chớp:

- Nếu không có mày chắc vợ chồng tao ly dị lâu rồi! Cám ơn mày nha! He ... he.....

- Do mày quên thiệt hay giả ai mà biết? 

Lão lại cười hề hề:

- Quên thiệt! Quên thiệt!

Nắng chiều nhàn nhạt vắt ngang lũy tre sau làng. Tui bần thần chợt nhớ lại những cuộc điện thoại đầy nước mắt của mấy đứa con của lão:

- Chú giáo ơi! Ba mẹ con sắp ly dị rồi!

Tui hớt hải, cấp tốc chạy qua làng Tây Trù. Vợ chồng lão chào tui rồi ai nấy lẳng lặng bỏ đi. Gặng mãi mụ Nhọt mới cho biết là đã gửi đơn lên tòa án rồi. Tòa hoà giải hai lần bất thành, chỉ chờ ngày ly dị thôi!

- Tui ghét lắm chứ! Chuyện mới đó cũng quên?

- Tuổi cao quên là thường. Đó, tiền tui trả rồi mà đòi hoài, có sao đâu?

Rồi mụ khẽ khọt kể lại cái chuyện kia kìa nghĩa là chuyện chăn gối ấy. Mới vừa xong chừng mươi phút, đang thiu thỉu ngủ lão lại đòi nữa. Tui nhéo vào hông lão:

- Đồ phải gió, mới đó mà quên rồi à?

 Khi nheo mắt nhìn những tàn tích còn bộn bề trên giường, lão cười hề hề:

- Tui quên! Tui quên!

Ban đầu thì thích lắm nhưng mà cái kiểu quên hoài, liên tục nhiều ngày, nhiều tháng, tuổi cao, ai mà chịu thấu. Sinh ra cự cãi, không ai chịu ai, mới ra cơ sự như vầy đó chú giáo ơi! Chứ thiệt tình tui còn thương lão lắm! Ly dị lão xong chắc tui nhảy xuống biển Nhơn Lý tự tử liền!

Nói xong mụ òa khóc nức nở như một đứa con nít! Nước mắt, nước mũi chảy lòng thòng.

Tui bỗng giật mình chẳng lẽ thẩu thuốc Ama Kông 30 lít rượu ngâm toàn lá rừng màu nâu có mùi ngai ngái của lão Khái ở Tây Sơn tặng nhưng tui không uống bèn cho lão Phó lại công hiệu đến vậy sao?

Đúng là người có tuổi hay quên thiệt!

 

Bình Định, 26.01.2022.

Vũ Hùng

hutazox@gmail.com

 


READ MORE - QUÊN - Truyện ngắn Vũ Hùng