Dịch giả Đoàn Mạnh Thế
KỈ
NIỆM VỚI ĐẶNG XUÂN XUYẾN
(Trích
từ: TÔI TRỞ THÀNH DỊCH GIẢ của Đoàn Mạnh Thế)
Giữa lúc chán nản nhất thì tôi nhận được điện thoại của
nhà thơ Đoàn Mạnh Phương, anh báo tin: - “Sách
đã về đến cửa hàng rồi. Anh đến Nhà sách Bảo Thắng, ở 276 phố Huế, gặp anh Đặng
Xuân Xuyến để nhận sách biếu, rồi đến nhà xuất bản để nhận tiền nhuận bút.”
Anh Phương còn dặn đi dặn lại: - “Anh đến
nhận sách biếu, ký nhận rồi đến em nhận nhuận bút, không chuyện a chuyện b gì với
Đặng Xuân Xuyến đấy.”. Tôi mừng quá, cám ơn Đoàn Mạnh Phương rồi vội đạp xe
đạp đến gặp anh Đặng Xuân Xuyến.
Đó là vào giữa năm 1999, lần đầu tiên tôi gặp Đặng
Xuân Xuyến tại Nhà sách Bảo Thắng ở 276 phố Huế, Hà Nội. Cảm giác ban đầu, đập
ngay vào mắt tôi: Cửa hàng bày biện rất khang trang, rất nhiều sách, nhiều chủng
loại... Và ông chủ Nhà sách là một chàng trai trẻ, điển trai, chỉ trạc tuổi con
trai lớn của tôi, tiếp tôi rất niềm nở. Qua trò chuyện, tôi cảm nhận được sự
trung thực, tử tế ở con người Đặng Xuân Xuyến.
Hơn một tiếng đồng hồ, ngồi đợi Đặng Xuân Xuyến tiếp
khách: Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, nhà thơ Ý Lan, Đạo diễn Doãn Hoàng Giang, họa
sỹ Trần Đại Thắng... tôi mới biết anh còn là tác giả của gần chục đầu sách nên
tôi hy vọng anh có thể giúp đỡ tôi trong lĩnh vực xuất bản sách. Đối với tôi,
đây là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và bỡ ngỡ. Tôi giở hết kinh nghiệm học được từ
những bản dịch về tướng thuật mà tôi đã dịch cho khách, lặng lẽ ngồi “xem tướng”
Đặng Xuân Xuyến. Và căn cứ vào những nét tướng của anh thì anh là người trọng
tình trọng nghĩa, sống trung thực và tử tế. Tôi tin tôi đã tìm được người thực
sự sẽ giúp đỡ mình. Quả nhiên, tôi dự đoán chính xác. Sau này, nhờ sự giúp đỡ của
Đặng Xuân Xuyến, tôi đã ra khá nhiều đầu sách (27 đầu sách) và tiền nhuận bút
trở thành nguồn sống khá sung túc của tôi ở đất Hà Thành.
Hôm đó, gặp nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, tôi rất vui,
nhất là khi biết chị cũng đang công tác ở nhà xuất bản Thanh Niên nên tôi mạnh
dạn đến làm quen và nhờ chị giúp đỡ. Chị bảo tôi: - “Bên em chỉ cấp giấy phép, còn ra sách, phát hành sách... là bên đối
tác nên bản thảo, anh chuyển đến nhờ cậu Xuyến ra sách là hợp lẽ nhất. Xuyến ít
tuổi nhưng sống đàng hoàng với bạn bè lắm. Khi đã nhận lời giúp ai việc gì, cậu
ấy sẽ tận tâm tận lực nên anh nhờ cậu ấy là đủ rồi.” Tôi thầm cám ơn cơ
duyên trời đất đã cho tôi gặp Đặng Xuân Xuyến.
Ngồi nói chuyện với Đặng Xuân Xuyến, tôi càng cảm nhận
được sự thẳng thắn ở con người anh. Không rào trước đón sau, Xuyến bảo: - “Cách đây ba tháng, anh Đoàn Mạnh Phương
chuyển đến 4 bản thảo nhờ em ra sách nhưng em từ chối vì mảng đề tài này bên em
ra nhiều rồi, e sách sẽ khó bán, nhưng anh Phương nói anh là người bà con của
anh ấy nên em đành nhận lời. Nhuận bút em đã chuyển đủ 10 triệu theo đề nghị của
anh Phương. Còn sách tác giả thì theo thỏa thuận, mỗi tác phẩm em gửi anh 10 cuốn
nhưng đây là 4 tác phẩm đầu tay của anh nên em biếu thêm mỗi tác phẩm 15 cuốn để
anh tặng bạn bè cho thoải mái. Nếu anh em mình có duyên cộng tác tiếp thì nhuận
bút sẽ thỏa thuận cụ thể theo từng bản thảo”. Tôi cám ơn Đặng Xuân Xuyến rồi
đạp xe đến nhà xuất bản Thanh Niên để nhận nhuận bút. Số tiền nhuận bút (10 triệu),
tuy không lớn nhưng theo mệnh giá tiền lúc bấy giờ thì 10 triệu đó đủ cho tôi
trang trải cuộc sống trong vòng 4 hoặc 5 tháng nên tôi rất phấn chấn.
Gặp nhà thơ Đoàn Mạnh Phương ở cổng nhà xuất bản, tôi
mừng lắm, chưa kịp rủ anh đi ăn trưa để cám ơn thì nhà thơ đã nói: - “Giờ em có việc đột xuất nên không lên phòng
làm việc với anh được. Anh ký xác nhận đã nhận đủ tiền nhuận bút vào tờ giấy
biên nhận này. Khi khác rảnh, mời anh đến phòng em nói chuyện nhé”. Cầm 5
triệu Đoàn Mạnh Phương đưa, tôi thắc mắc: - “Anh
thấy cậu Xuyến bảo đã chuyển cho Phương đủ 10 triệu nhuận bút rồi, sao Phương
chỉ đưa anh có 5 triệu?”. Đoàn Mạnh Phương cười cười rồi vỗ vai tôi: - “Đúng là cậu ấy có đưa cho em 10 triệu nhưng
tiền nhuận bút của anh chỉ có 5 triệu thôi. Còn 5 triệu, em chi cho biên tập
viên đọc bài, sửa bài, nhiều khoản phải chi lắm...”. Cầm 5 triệu Đoàn Mạnh
Phương đưa, tôi buồn vì niềm vui của mình bị giảm mất một nửa.
Mấy hôm sau, tôi mang tập bản thảo Thiên Nhiên Những
Điều Kỳ Bí, số trang tương đương như các bản thảo trước, đến gặp Đặng Xuân Xuyến.
Cầm bản thảo, anh cặm cụi đọc khoảng nửa tiếng rồi nhận lời sẽ ra sách giúp
tôi. Anh hỏi tôi có cần ứng nhuận bút không? Hay đợi sách ra rồi nhận nhuận bút
cả thể. Tôi thật thà hỏi: - “Cuốn này chú
cũng lấy giấy phép xuất bản bên chỗ nhà thơ Đoàn Mạnh Phương à?”. Xuyến bảo:
-“Vâng!”. Tôi mạnh dạn hỏi: - “Nhuận bút cuốn này anh được bao nhiêu?”.
Xuyến cầm tập bản thảo, ngó số trang, bấm máy tính rồi trả lời: - “Cuốn này có thể em để giá bìa 30.000đ. Anh
nhân 10% của 1.000 cuốn với giá bìa 30.000, là 3 triệu tiền nhuận bút. Ngoài tiền
nhuận bút, anh nhận thêm 15 cuốn sách tác giả.”. Tôi vội hỏi: - “Mấy cuốn trước Xuyến trả nhuận bút cho anh
bao nhiêu?”. Xuyến trả lời: - “Em đã
chuyển đủ 10 triệu nhuận bút cho anh Đoàn Mạnh Phương khi nhận bản thảo. Anh
chưa đến nhận nhuận bút chỗ anh Đoàn Mạnh Phương à?”. Tôi liền hỏi: - “Thế còn tiền chi cho biên tập viên đọc bài,
sửa bài và các chi phí khác thì thế nào?”. Xuyến bảo: - “Đọc bài, sửa bài là công việc của biên tập
viên, đã có nhà xuất bản trả lương. Còn chế bản, in ấn, nộp quản lý phí xuất bản,
nộp lưu chiểu và phát hành là việc của bên em.”. Để chắc chắn, tôi hỏi lại
Xuyến tiền nhuận bút 4 cuốn trước của tôi có đúng là 10 triệu không? Xuyến cười,
bảo: - “Anh cứ đến gặp anh Đoàn Mạnh
Phương. Anh ấy sẽ giao đủ cho anh 10 triệu.”. Cảm giác lúc bấy giờ của tôi
thật hẫng hụt, chua xót. Tôi không ngờ Đoàn Mạnh Phương lại cư xử với tôi như
thế. Tôi đã thật lòng kể gia cảnh của tôi và nhờ người anh em cùng họ giúp đỡ.
Tôi cũng đã rất tin tưởng và cảm thấy mình thật may mắn khi gặp được người anh
em cùng họ, sống tình cảm, chân thật và rất thương người như Đoàn Mạnh Phương
đã nói, vậy mà sự thật lại bẽ bàng thế này... Thấy thái độ của tôi khác lạ, Xuyến
ái ngại: - “Anh bị sao thế? Em thấy thần
sắc anh lạ lắm, hình như là anh đang buồn phiền, bực tức một chuyện gì đó?”.
Tôi đành kể lại chuyện nhận nhuận bút chỗ nhà thơ Đoàn
Mạnh Phương. Xuyến lặng người một lúc rồi hỏi: - “Em thấy anh Phương nói anh với anh ấy là anh em bà con mà?”. Tôi kể
cho Xuyến nghe gia cảnh của tôi và mối quan hệ của tôi với Đoàn Mạnh Phương chỉ
là người chung họ chứ không có họ hàng. Xuyến không nói gì. Một lúc sau, Xuyến
bảo tôi: - “Theo em, chuyện của anh với
anh Đoàn Mạnh Phương cũng không nên nhắc lại nữa. Bản thảo này và các bản thảo
sau của anh, em sẽ đăng ký ở nhà xuất bản khác cho tiện.”.
Khoảng tháng sau, tôi mang đống bản thảo đã dịch từ dưới
Hải Phòng đến nhờ Xuyến ra sách. Nhìn đống bản thảo (15 cuốn), anh lắc đầu, nói
mảng đề tài này bên anh ra sách đã nhiều nên giới thiệu tôi đến các nhà sách
khác để chào bản thảo. Anh ghi rất cẩn thận địa chỉ, điện thoại từng nhà sách
và mong tôi sẽ được những nhà sách đó cộng tác. Lần theo địa chỉ, tôi đến cô
Mão ở Đinh Lễ, cô Miên ở Hàn Thuyên, anh Dũng ở Lý Thường Kiệt, anh Dương Tất
Thắng ở Hàng Chuối, cô Chung ở Bà Triệu... ai xem bản thảo cũng khen hay nhưng
đều lắc đầu vì không hợp với mảng sách nhà sách nên không giúp tôi được. Chán
chường, tôi quay lại gặp Xuyến, nói thật sự việc để mong anh giúp ít nhiều. Có
lẽ thấy bộ mặt tôi thiểu não quá nên Xuyến nhận lời giúp tôi 5 bản thảo. Anh
khuyên tôi nên tóm tắt nội dung cuốn sách sẽ dịch đến chào các nhà sách, khi có
khách hàng rồi thì hãy dịch để đỡ tốn công sức, vật chất. Tôi làm theo lời
khuyên của anh, và đã dịch cho nhà xuất bản Giáo Dục được 5 bản thảo, dịch cho
anh Dương Tất Thắng ở Hàng Chuối 6 bản thảo...
Sau nhiều năm làm việc với Đặng Xuân Xuyến, chúng tôi
trở nên thân thiết như anh em. Tôi rất cám ơn Đặng Xuân Xuyến đã giúp tôi xuất
bản nhiều (27) đầu sách: Có loại sách phổ biến kiến thức khoa học, sách tham khảo,
sách chính trị, sách thâm cung bí sử... có loại sách về văn hóa tâm linh như
phong thủy, tướng số... Càng làm việc với Xuyến, tôi càng khâm phục Xuyến. Anh
thật sự là một người có vốn kiến thức sâu rộng. Có lần đọc bản thảo về phong thủy
tôi soạn, anh góp ý: - “Chỉ vì hướng cửa
phòng vệ sinh ở buồng ngủ không tốt cho cung Tử Tức mà anh tư vấn đập bỏ phòng
vệ sinh là không ổn. Thứ nhất sẽ ảnh hưởng tới kết cấu ngôi nhà, thứ 2 sẽ gây
lãng phí về vật chất, thứ ba sẽ bất tiện cho sinh hoạt hàng ngày. Trường hợp
này, anh nên tư vấn treo một bức tranh phong cảnh, che kín phòng vệ sinh là được.”
Hay như khi đọc bản thảo về tướng thuật, anh góp ý: - “Theo năm tháng, con người sẽ thay đổi, già
đi và khuôn mặt cũng khác đi nhiều nhưng ánh mắt, nụ cười, nhất là ánh mắt thì
thay đổi rất ít, cực ít. Để nhận ra người lâu năm mới gặp lại thì phải căn cứ vào
ánh mắt, nụ cười chứ không thể căn cứ vào khuôn mặt, giọng nói. Xem bàn tay
cũng vậy. Dù có những điểm chung nhưng vẫn có sự khác biệt giữa tay con trai và
tay con gái nên khi soạn, anh phải chỉ ra những khác biệt đó, cứ chung chung
như thế này thì không được vì sẽ sai, sẽ không chính xác.”
Đáng tiếc, sau này công nghệ thông tin phát triển mạnh,
điện thoại thông minh, Aipel, máy tính xách tay... ra đời. Văn hóa đọc bị lấn
át, nhiều nhà sách, nhà xuất bản phải đóng cửa. Để bảo toàn đồng vốn, năm 2011,
Xuyến quyết định sẽ giã từ nghề sách, từ đó, tôi mất đi nguồn thu “ngân sách”
cho tuổi già.
Hà
Nội, ngày 18 Tháng 11.2015
Dịch giả Đoàn Mạnh Thế
Địa chỉ: Số nhà 12 Ngách 32 Ngõ 133 phố Hồng Mai, quận
Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.