Cứ đến độ tháng bẩy tháng tám âm lịch, khi vụ lúa hè thu đang ngấp nghé trổ đồng là sấm giật trời. Mưa. Xối xả. Cơn thịnh nộ của chàng Thuỷ Tinh năm xưa đùng đùng giăng lên miền trung quê tôi một trời trắng xoá nước. Trong đó, tôi nghe được sự hân hoan của chàng Sơn Tinh và cái đập thình thịch của Mỵ Nương khi cuộc tân hôn chưa chạm về miền sơn cước. Ai đã khéo dựng lên truyền tích ấy cũng đáo để thật! Cái ghen tình là cái hận đáng sợ nhất, nhà Phật có câu "món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm" âu cũng vậy!
Người làng tôi khấp khởi mừng cơm mới mùa trước chưa xong thì đã phải thột lòng lo sợ thuỷ thần. Thuỷ hoả đạo tặc. Hạn hán và lũ lụt đã choàng lên mảnh đất miền Trung này cái khắc khổ tự bao đời. Mạ đang chạy chợ chiều, con đường mấy hôm mưa dội sục lên bùn dơ lấm vào gót chân. Nhìn cái dáng mạ hấp tấp vừa đi vừa bấm ngón trên đường làng, tôi hiểu một mùa lũ nữa lại về, tuần tự và đúng hẹn mỗi năm.
1. Ngày còn nhỏ, tôi được nghe nhiều cách nhận biết sắp có lũ. Mấy đứa con nít vẫn truyền nhau một bài vè khi nhìn thấy con "lẹm", tức là cái cầu vòng xanh đỏ vàng tím sau mưa. Câu vè rằng "lẹm dài thì lụt, lẹm cụt thì mưa, lẹm bưa bưa thì nắng". Chữ "lẹm" là một từ địa phương quen mồm mà gọi. Cũng có thể nó như cách nói chệch của chữ "lạm", hay là sự ăn phần đám mây, chéo xém một góc trời. Lẹm dài thường là một dải cầu vồng vắt ngang phía đông, đầu và đuôi con lẹm chạm khẽ đường chân trời. Sau những cơn mưa mùa hạ, chúng tôi thường kéo nhau ra xem lẹm và đoán thời tiết.
Có một điều đặc biệt là lẹm chỉ xuất hiện vào mùa hạ. Ngày xưa tôi không tự mình lí giải được điều đó, cứ đoán đại khái chắc lẹm cũng như lũ học trò chúng mình, đến hè rảnh rổi mới chạy đi chơi. Nhưng giờ thì đã biết một cách có căn cớ hơn, nó là môt hiện tượng quang học vật lý và sự vận dịch trái đất trên quỹ đạo một năm. Từ khi biết câu vè đoán trời đó, mỗi khi thấy có lẹm dài là lại sợ!
Ông nội có nói một câu thế này mà tôi nhớ hình như cũng là một cái tích có lưu truyền trong dân gian, rằng "mưa ba ngày liên tục thì lũ, mưa bảy ngày liên tục thì trời đất tan vỡ". Nghe vậy nên mỗi lần có mưa tôi đều nhẩm đếm. Một, hai, ba, thế là lũ.
Thằng bạn ở làng lại bày cho một cách nhìn tín hiệu lũ thiết thực hơn. Ở quê tôi có một cái cầu tục gọi là cầu Trấu. Ngày còn nhỏ mỗi lần đi học đều phải qua cầu Trấu, đi qua đó thì không quên nhìn những xoáy bọt cuộn lại giống hình chiếc bánh thuẫn. Những ngày thường, nước chảy qua cầu Trấu theo hướng đổ ra con rào của làng Trà Liên. Thằng bạn bảo, khi nào thấy nước chảy ngược lại là sắp có lũ. Cách nhận biết này chúng tôi truyền nhau để mỗi khi đi học mùa đông phải nhớ mà nhìn. Nếu thấy chảy ngược ngày thường thì xách cặp quay về nhà nghỉ. Cách mà thằng bạn chỉ thật hay và luôn luôn đúng vì một điều rất đơn giản: lũ miền trung do nước trên nguồn đổ về nên nước bên rào dâng cao, dĩ tất phải chảy ngược lại về phía làng. Tôi nhớ mãi thằng bạn đó với cái "mẹo" xem lũ rất khôn. Nó đã dạy cho tôi không chỉ một bài học mùa lũ, mà là cả bài học lớn về quê hương yêu thương.
2. Ở làng, kẻng đội là dụng cụ báo tín hiệu phổ biến hơn cả. Kẻng báo đi gieo vụ, kẻng báo trỉa ngô, còn đến mùa này thì kẻng báo lũ. Khi bác trưởng thôn đi ngoài đường rung kẻng tức thì lo liệu sắp xếp đồ đạc để đón lũ. Người đi làm xa xa cuống quýt chạy về kịp ngồi nhìn nước cùng nhau. Mạ chạy chợ bán chưa hết mớ rau, tất tưởi đi về dưới cái nón mê cũ kĩ che cơn mưa đang làm dữ.
Việc cần thiết nhất là đi xay lúa. Ngày lũ lạnh, phải cần có cái ăn vào bụng mới chịu nổi. Hai chiếc máy xát lúa ở làng căng dây cu-roa ra mà chạy. Mạ vừa gánh thúng gạo mới xát xong về tới thì nước cũng chạm ngõ. Cả nhà xúm vào kê đồ đạc. Nhà quê xong mùa thường trữ lúa cất lại ăn khá nhiều nên phải chồng lên thật cao chứ nước vào đụng phải thì ra giêng đói là cái chắc. Khổ nhất là phải bắc chuồng cho lợn và vịt. Thứ nhất vì đó cũng là cơ nghiệp làm ăn, thứ hai không thể để nó chết lạnh được. Thường thì người ta dỡ cửa ra, kê lên ngang cửa sổ rồi thả lợn vào trong. Gà thì không cần phải làm chuồng, tự chúng sẽ đậu trên cái chuồng heo mới dựng đó.
Dọn dẹp vừa xong thì lũ đã mấp mé ngoài sân, bây giờ chỉ còn ngồi đợi xem nước. Khấc báo mức lũ năm trước chưa nhạt đi hết thì lũ năm nay đến. Cái khấc đó cũng như cái khắc khổ của cuộc đời vậy, cứ chồng tiếp lên nhau dìm con người quê tôi vào đắng cay. Làng tôi nằm trong vùng chịu lũ đồng bằng Quảng Trị. Lũ về ngâm khoảng một tuần mới chịu ra hết. Một nửa số nhà dân trong làng được lũ ghé vào nền, cao thì cỡ đầu gối, thấp thì tráng qua đủ để lại một vết báo cuối chân tường.
Ăn uống ngày lũ đơn giản thôi. Như câu cửa miệng người quê tôi hay nói, "ngày lũ ăn chi cũng thấy ngon!". Quả đúng như vậy! Bên ngoài thì nước, gió, lạnh, trong bụng lại thấy đói, chỉ cần nấu nồi cơm lên rồi nhón ít muối trắng với tiêu ăn còn ngon hơn những ngày thường. Ngày lũ, mạ tôi hay làm muối mè. Đậu phộng thu hoạch từ mùa đem ra rang lên, giã nhỏ rồi trộn với muối và đường. Mè đậu ăn với cơm gạo dẻo trong mùa lũ vừa chắc bụng vừa giữ ấm được.
Mùa lũ. Ông nội hay nhen một đống lửa giữa nhà ngồi sưởi ấm. Tôi nhớ mắt ông liu riu nhăn theo làn khói xông lên, hai bàn tay ông huơ ra trước lửa. Trông ông lúc ấy thật đẹp lão và hồn hậu đến lạ. Trên bếp lửa, ông tôi nhủ bắc lên đó một nồi xôi khoai. Cả nhà ngồi quanh nói chuyện chơi đợi xôi chín. Xôi ngày lũ trộn thêm khoai, ăn với muối tiêu. Ông bảo, ăn xôi phải vắt tay mới ngon. Nắm một cục vừa tay rồi nắn cho xôi dẻo, khi những hạt nếp đã bẹ ra sệt lại với nhau dẻo quánh như chiếc bánh giầy ăn thích lắm. Mà xôi, nhất quyết phải nấu lửa củi mới đúng bài. Nước trong nồi vừa cạn xuống là dập lửa ngọn, chỉ còn than hồng ủ ấm để xôi chín hơi. Phần chín hơi rất quan trọng, làm xôi và khoai không bị sượng. Xôi để trên than củi còn có được lớp cháy dính dưới đáy nồi, ăn vừa giòn vừa dẻo. Có năm nhà tôi trồng khoai lang, đến ngày lũ cứ bắc khoai trên lửa ăn suốt ngày. Ăn khoai, uống nước chè, kể chuyện ngày lũ ấm áp lắm!
Ban đêm, lũ chim bay về đậu nhiều trên bãi tha ma. Những ngày ấy đi săn chim rất dễ. Chim trời lạnh rụt cánh nhác bay. Ba tôi cùng mấy chú trong xóm căng vải mùng lên làm bẫy đi đơm Dạt. Dạt là một loài chim thường xuất hiện nhiều vào mùa đông, chúng hay bay dạt về làng vào ngày lũ. Phải vì thế mà người ta đặt tên cho nó là "Dạt"? Đi đơm Dạt cầm thêm cây đèn pin, cái sào dài nối bẫy là đủ. Đi một hồi, ba tôi xách về vài con Dạt vừa kiếm được. Vặt lông nướng lên, chén nước mắm và chai rượu đế trắng. Vậy là có một bữa nhậu thật sang. Trong gian khổ, người Quảng Trị vẫn biết cách làm cho cuộc sống của mình thi vị!
3. Con nít ở làng đến lũ thì mừng rơn vì được nghỉ học và chèo bè. Ký ức trong tôi còn lại về mùa lũ đầu đời cũng gắn với chiếc bè chuối cây ấy. Khi nước về, thêm gió tạt mạnh làm những thân chuối lâu năm bưng gốc mà bổ nhào xuống, chúng tôi đem dao phay ra chặt làm bè. Nếu không có chuối bị bổ thì kiếm mấy cây đã trổ rồi. Cây chuối chỉ cho một lần hoa kết một lần quả. Vậy nên những cây đã trổ rồi chặt đi cũng không phải là tiếc. Thường thường người ta dùng chuối trổ này để thái nhỏ cho lợn ăn.
Kiếm độ năm cây chuối, xếp chúng kề nhau rồi dùng ba thanh tre xuyên ngang là được một chiếc bè. Lắp chuối thì phải so le trở đầu để chiếc bè cân đối. Khi bè vừa vào đai tre xong thì nước cũng vừa quệt mông cái sân phơi. Mấy đứa cùng nhau đẩy chiếc bè ra nước, tìm thêm cái sào chèo và bắt đầu đi du ngoạn. Chèo bè dễ hơn chèo đò vì nó vốn đã cân bằng trên mặt nước rồi, chỉ cần đứng trên đó phải định tâm một tí là ổn cả. Ngày nhỏ thích chèo bè nhưng lại sợ nước, khi đứng trên bè rồi nhìn xung quanh đục ngầu mênh mông lũ thì sợ. Mà chiếc bè kia cũng như con đỉa vậy, ai mà sợ thì nó càng chọc khoé. Đứng trên bè chuối, chân trần rất dễ trượt, nếu không đứng vững là ngã nhào xuống nước ngay. Lũ con nít chúng tôi thường chỉ chèo loanh quanh nhà, hoặc chỗ nào nước lặng chứ không dám lân la tới những vùng nước chảy xiết. Ngày tôi còn nhỏ, ông nội thường đóng bè cho anh em chèo quanh sân. Khi học lên cấp hai rồi thì anh em chúng tôi tự đóng bè mà chơi. Có năm, ba chèo chiếc bè chở tôi băng cánh đồng làng đi kiếm mắm cà. Giữa dòng nước lớn tôi khóc ré lên còn ba thì cười. Ba bảo, con trai làng mà sợ nước lũ thì làm sao lấy được vợ? Và cái cười của ông hoác lên thu lấy cả bầu trời ngày mưa.
Ngoài bè chuối mà lũ con nít hay chơi thì còn có những chiếc đò, chiếc nôốc nhỏ của dân vạn chài. Làng tôi không sông không biển nên không có nghề đánh cá. Tuy nhiên, có một nhà cũng đóng chiếc ghe nhỏ để lũ chèo đi giăng lưới. Trận đại hồng thuỷ cuối thế kỉ (1999), chú tôi mượn chiếc ghe đó chèo qua vũng nước xoáy mạnh nối xóm trên và xóm dưới. Cái vùng trũng ấy chính là bãi tha ma có tên Cồn Sanh. Nhìn chú tôi một mình chèo qua đó mà cả làng phát hoảng, riêng chú vẫn an nhiên không sợ sệt gì. Chú tôi mệnh lớn, người thuộc dạng vạm vỡ giang hồ, những trận nước lớn chưa hề dám đụng đến cái lông chân chú. Vậy mà sau mùa lũ thế kỉ đó, chú tôi mất vì bạo bệnh. Nghĩ, sóng to gió lớn không bằng đau đớn bệnh tật.
4. Lũ miền trung, trắng một màu tang tóc. Cứ mỗi mùa lũ về lại nhấn chìm bao nhiêu nhà cửa phận người. Những nóc nhà ngập trong nước, mái tranh chơm chớp bị tớp bởi lưỡi thuỷ thần. Tôi từng chứng kiến những cái chết lũ đau đớn, mỗi lần mường tượng về cái xác vớt lên bầm dập lại phát sợ. Trận lũ cuối thế kỉ, chính nơi cái bãi trũng cồn Sanh mà chú tôi băng ghe qua đó, ngờ đâu hôm nước sắp rút hết lại xẩy ra một chuyện buồn kinh hãi. Hôm đó nước đã rút gần hết rồi. Ở chỗ đường cái lớn, nước chỉ còn ngang cái thắt lưng quần, mọi người đã có thể lội băng qua mà đi họp chợ. Một cặp trai gái ở làng rủ nhau đi chợ chơi rồi vô tình trượt chân, nước kéo cả hai trôi xuống phía cánh đồng Bàu. Mấy hôm sau, cả làng kéo nhau lội đi tìm xác.
Người chết lũ không đưa về làm đám trong nhà mà phải dựng trại ở ngoài bãi đất cồn. Thầy cúng căng một tấm phan vải trên ngọn tre cao làm lễ gọi hồn về. Theo quan niệm dân gian thì những cô hồn này đang ở một phương nào đó xa xăm, có thể theo con nước trôi ra biển, cần làm lễ để khiển cầu quay về. Sau trận lũ đó, tôi bước sang tuổi mười bốn, lớn hơn một tí. Mỗi lần mùa lũ đến không còn háo hức chèo bè chuối như xưa mà thay vào đó là một nỗi hoang mang lo sợ. Ám ảnh một cái chết mùa cũ.
Đặc trưng địa lí mỗi vùng qui định tính chất con nước lũ và triều cường. Lũ miền trung thường lên chậm và xuống chậm. Mỗi trận lũ nước vào ngâm làng cỡ một tuần lễ. Nước vừa ra, cả nhà lại cầm chổi mà "đuổi" bùn non ra theo. Cái thứ bùn non này mùa lũ nào cũng đóng một lớp trên sân. Rồi còn bèo và rác rưởi mắc kẹt lại quanh nương.
Sau lũ, nhìn vườn rau vườn cải mà thương. Ngọn khoai nhúng trong nước giờ thẫm màu đi, bao nhiêu cải cũng bét nhèo hết. Chính vì thế mà chợ họp là rau cải thành món hàng đắt nhất. Ai dám bảo rau không có giá nào?! Mạ tôi thường đi chợ sớm, là bởi cái tần tảo trong người phụ nữ ấy mấy chục năm chưa biết chồn chân đợi chờ. Ngày họp chợ đầu tiên sau lũ, tôi theo mạ ngúng ngoảy ra chợ, dọc đường có dăm chỗ nước chưa kịp xuống hết, lội bì bõm. Ra tới chợ, bà con ai cũng kêu ở chi quê miềng mà cực như ri. Mạ nói: "Ngó thì cực ri đây. Nhưng ai đi xa rồi cũng muốn về!".
Minsk, những ngày xa quê
HOÀNG CÔNG DANH