Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, February 3, 2023

NỤ CƯỜI THÁNG GIÊNG - Thơ: Quách Như Nguyệt - Nhạc Nguyễn Văn Thơ - Ca sĩ: Khánh Dũng



Tình yêu tháng Giêng 

 

Nụ cười tháng Giêng, em cười thật hiền
Tình yêu tháng Giêng, yêu em miên viễn
Năm mới tháng Giêng, em mĩm miệng cười

Em xinh, em tươi, trời đất ngã nghiêng  

*
Nhìn em, em ơi… thấy lòng ngây ngất
Tháng Giêng mơ màng nhẹ mưa lất phất
Tháng Giêng yêu em, tình yêu ngọt mật

Tháng Giêng yêu emthề với trời cao
*

Dẫu đời lận đận, vẫn ước vẫn ao

Dẫu tình lao đaovẫn yêu đậm đà
Loay hoay, loay hoay hết ngày, hết tháng!

Loanh quanh, loanh quanh trong cõi ta bà

*

Rồi qua tháng Hai, rồi đến tháng Ba....
...đến tháng Mười Hai, rồi 
sang năm mới

Yêu em năm nay, yêu em năm tới

Tiếp tục yêu em, tình chẳng nhạt phai

*

Người yêu, em ơi, yêu em mãi mãi
Yêu hết một đời
… quá khứ, vị lai


Quách Như Nguyệt

READ MORE - NỤ CƯỜI THÁNG GIÊNG - Thơ: Quách Như Nguyệt - Nhạc Nguyễn Văn Thơ - Ca sĩ: Khánh Dũng

NGÀY EM XA - Thơ - Phan Văn Vinh

 

Nhà thơ Phan Văn Vinh

NGÀY EM  XA 

 

Ngày em rời xa anh 

Trời trở lạnh đầu đông 

Nắng nghiêng buồn rơi vỡ 

Tình thơ trôi hư không 

 

Thôi, em đi nghìn trùng 

Nhạt nhòa trong mờ sương 

Anh lang thang lối cũ 

Thề xưa rụng cuối đường 

 

Biển đời chừng quá rộng 

Tìm người chốn phù hoa? 

Bên đồi, anh ôm mộng 

Tan dần vào xót xa 

 

Ngày em rời xa anh 

Xác lá đau âm thầm 

Đem dư âm ngày cũ 

Gửi tơ trời mong manh 

 

Nẻo đời sao nghẽn lối 

Tình mơ xanh chốn này 

Một lần xin gặp lại 

Vô tình mắt chợt cay.

 

 

PHAN VĂN VINH  

 

              Địa chỉ: Thị trấn Phước An, Krông Pắc, Đắk Lắk  

               <phanvinhnbk@gmail.com> 


READ MORE - NGÀY EM XA - Thơ - Phan Văn Vinh

PHIÊN CHỢ CHUỘT - Thơ - Võ Văn Hoa

 


PHIÊN CHỢ CHUỘT

 

Lụt trắng xóa bờ bao chiêm trũng

Cây sào tre khua nước lớn ròng

Anh bước vội sân chiều ngập ngụa

Dong bè đi bắt chuột trên đồng

*

Sau mùa lúa, chuột đồng béo ngậy

Lắc lư từ bụi rậm cành cây

Những khắc tinh của chuột là đây

Thọc, bắt cho đầy lồng sắt

 

*

Mai bày chợ Hải Hòa(1) sằn sặt

Các quán mồi đặc sản tung ra

Mừng đồng làng bớt hại nông gia

Khách nhậu cùng chén anh chén chú

*

Phiên chợ chuột mỗi năm vài lượt

Kể cũng vui trên bước đường đời

Bạn hãy về cùng mình đi phượt

Tranh Đông Hồ đâu phác một lần thôi!

 

VÕ VĂN HOA

 

(1) Hải Hoà thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

READ MORE - PHIÊN CHỢ CHUỘT - Thơ - Võ Văn Hoa

CHUYỆN NGƯỜI CAO TUỔI - Truyện ngắn - Nguyễn Khắc Phước


 

CHUYỆN NGƯỜI CAO TUỔI

Truyện ngắn

 

Vào chiều mùa hè, tôi thường ra công viên đi bộ thể dục cùng một nhóm bạn già. Tất cả họ đều từ 70 đến 80.

Một hôm, bác tên Tý nhưng người to cao, bụng bự nhất trong nhóm, hỏi tôi.

- Chú ăn uống cử kiêng hay răng mà nhỏ rứa?

- Sáng thường gạo lứt muối mè hoặc cháo gạo lứt cá cơm khô. Hai bữa còn lại ăn bình thường nhưng chỉ một chén cơm và cá, không ăn thịt bốn chân trừ khi đi nhậu hoặc ăn cưới.

- Vậy là quá ít. Tui ăn tất, chẳng kiêng thứ gì mà có răng mô, vẫn mạnh như thường. Chỉ tội cái bụng hơi to.

- Bác có bao giờ xổ giun chưa?

- Chưa. Mắc chi mà xổ. Trâu bò ăn bậy còn chưa có giun huống chi mình ăn sạch sẻ. Chú có xổ à?

- Một năm hai lần như báo nói.

- Thôi đừng nữa. Tui không xổ có răng mô.

Bác Tý chuyển đề tài:

-Thằng bạn tui mới chuyển về gần nhà chú đó, chú biết hắn không?

- Bác mô, em không biết?

- Cái nhà ba tầng mới làm, có xe Toyota màu đỏ, cách chỗ chú mấy nhà đó.

- Vậy em biết rồi. Mới chuyển đến năm ngoái, em không quen họ bởi họ chẳng thèm làm quen với ai. Làm nhà bụi bặm ồn ào hơn bốn tháng mà chẳng thèm nói phải không với hàng xóm một tiếng.

- Hắn giàu quá nên chảnh lắm, tui chẳng dám đến thăm hắn.  Có ba đứa con ở nước ngoài gởi tiền về tiêu mệt nghỉ. Cũng tám mươi như tui, có lẽ hắn có tập thể dục ở nhà nên trông hắn còn sung sức lắm.

- Không rõ, nhưng chiều mô bác cũng đèo bà vợ đi chợ.

- Chợ cái con khỉ. Hắn chở vợ đi đánh bài đó.

- Cả hai vợ chổng đều đánh bài hả?

- Chỉ bà vợ thôi, còn hắn ra quán cà phê ngồi chờ và giúp bà nào cần xả xấu thì xả giúp.

- Nghĩa là răng?

- Bà nào đánh thua thì nói đi ra ngoài một tý nhưng lại đi đến quán cà phê tìm hắn, rồi hắn chở bả đi xả xấu.

- Nghĩa là  răng?

-Trời ơi, chú mày khờ quá! Hắn chở mấy bả đến nhà nghỉ hú hí rồi đưa tiền cho mấy bả vào đánh tiếp.

- Mẩy bà luôn hả?

- Bảy, tám bà chi đó, nhưng bí mật với nhau, chỉ trừ bà vợ hắn là không biết chi chuyện đó.

- Ngày mô cũng rứa?

- Quanh năm.

- Tiền mô mà ổng cho mấy bả nớ mãi rứa?

- Nghe nói mấy đứa con cấp cho vợ chồng hắn tiền tiêu hằng ngày. Ở Việt Nam, một người già như hắn tiêu 50 đô một ngày, mần chi cho hết.

- Mấy bà đó chắc bằng  tuổi vợ bác ấy mà còn ham chuyên ấy à?

- Trên dưới 70 hết. Chú mày khờ quá, cứ nghĩ ai cũng như vợ chú mày. Rõ là thày giáo!

 

NGUYỄN KHẮC PHƯỚC

READ MORE - CHUYỆN NGƯỜI CAO TUỔI - Truyện ngắn - Nguyễn Khắc Phước

NGŨ TRƯỢNG NGUYÊN, KHỔNG MINH GIA CÁT VŨ HẦU, TAM QUỐC – Tạp ghi và phiếm luận của Chu Vương Miện



Tụ tập tại nhà Tư Mã Thuỷ Kinh tiên sinh ở Tương Dương, cũng toàn là các lão gia xấp xỉ trên dưới bẩy mươi cả, người nào cũng được phép ngêu ngao câu “Thất thập cổ lai hy”.  Tên mục đồng ngày xưa thổi sao cưỡi trâu đón tiếp Lưu Hoàng Thúc dẫn vào gia trang, giờ cũng trên bốn mươi có vợ có con, có dâu có rể cả đàn cả lũ. Mấy lão hán ngoài chủ nhân ra là Thôi Châu Bình người Nhữ Nam, đến Thạch Quảng Nguyên, người Tế Châu, đến Mạnh Công Uy, bốn ngươì vừa nhai Phá Xáng, vừa nhậm thanh trà ngưu ẩm, vừa đàm đạo và chờ Từ Thứ (Đan Phúc) tới. Tư Mã Thuỷ Kính móc trong ngực ra một chiếc cẩm nang bằng túi gấm, còn gắn nguyên si, để ra bàn tròn cho các lão bằng hữu nhã giám. Mọi người còn chờ Từ Thứ tới mới dám bóc ra coi. Nhưng lão Tư Mã Thuỷ Kính nói:
 
- Các huynh đệ, mình cứ thay nhau đọc trước để nắm vấn đề đi. Rồi Đan Phúc tới thì mình bàn đóng góp thêm. Bớt một người hay thêm một người thì ngu mỗ nghĩ cũng không giúp được gì trong tình huống cảnh ngộ này.
 
Thôi Châu Bình đặt bát trà xuống mặt bàn ung dung nói:
- Huynh nói thật là đúng, nhưng theo đệ nghĩ thì vấn đề tối mật chứa trong cẩm nang này chỉ phù hợp vơí người như Từ Thứ, còn chúng mình có đọc thì cũng vô ích, nước chẩy lá khoai, chuyện quân cơ, điều binh khiển tướng, không phải ai cũng thấu ai triệt, ai cũng rành rẽ.
 
Thạch Quảng Nguyên sợ làm trái lời Tư Mã Thuỷ Kính gia chủ, nên xé túi cẩm nang ra mà đọc rất chậm. Tất cả gồm có ba trang giấy ngắn, tờ to tờ nhỏ, tờ ngắn tờ dài, ho một tiếng lấy giọng bắt đầu đọc:
 
[Tờ Một]
 
- Mưu việc ở người, nên việc ở trời, không thể nào làm miễn cưỡng được!
 
Người sau có thơ rằng:
 
Cửa hang vô cớ nổi cuồng phong
Trời đẹp sao mưa trút lạ lùng?
Mẹo thánh Vũ Hầu mà hiệu nghiệm
Nỗi nào triều Tấn chiếm non sông!
 
Nguyên văn:
 
Cốc khẩu phong cuồng liệt diệm phiêu
Hà kỳ trảo vũ giáng thanh tiêu?
Vũ Hầư diệu kế như năng tựu
An đắc sơn xuyên thuộc Tấn triều
 
[Tờ hai]
 
- Tư Mã Ý chiu nhận đồ khăn yếm, xem xong lá thư cũng chẳng thấy tức giận gì cả. Hắn chỉ hỏi xem thừa tướng ăn ngủ, lo công việc khó nhọc ra sao. Tuyệt không đả động gì đến việc quân lữ. Nghe tôi trả lời hắn có nói rằng: “Kém ăn kém ngủ lại lo lắng nhiều thì khó mà thọ lâu được”.
 
Khổng Minh thở dài than rằng:
- Hắn biết rõ đến tâm tư ta!
 
Quan chủ bạ Dương Ngung khuyên rằng:
“Tôi thấy thừa tướng mất công xem xét hết thẩy sổ sách, thiết nghĩ chẳng cần phải thế. Vì đạo trị nước có thể thống, người trên kẻ dưới không xen lẫn vào công việc cuả nhau. Cũng ví như phép trị nhà, ắt phải để đầy tớ trai đi cày, tớ gái nấu nướng, việc đâu có đó, không ai trễ biếng, cần đến gì có ngay. Chủ nhà cứ thong dong mà ngồi, gối đầu nghỉ ngơi, cơm nước đến miệng. Chứ nếu Chủ cũng lăn lưng vào đủ mọi việc, thì thân thể nhọc nhằn, tinh thần bải hoải, kết cục chẳng được việc gì. Đó không phải trí Chủ kém đầy tớ, mà chính vì không giữ đúng phận sự người Chủ vậy. Cho nên cổ nhân bảo rằng “Ngồi mà luận đạo, ấy là Tam công. Đứng ra mà làm, là chức Sĩ Đại phu”. Ngày xưa Bình Cát chỉ lo con trâu thở xuyễn, mà quên hỏi đến người nằm giữa đường. Trần Bình làm quan chủ bạ, mà không biết rõ trong kho có bao nhiêu quan tiền, hộc thóc. Đó là đã có sự phân công, có người coi riêng từng phần việc vậy! Nay thừa tướng thân coi sóc cả đến những chuyện tỉ mỉ, mồ hôi đầm đìa suốt ngày, lao tâm lao lực biết bao ! Tư Mã Ý nhận xét rất là đúng . Mong thừa tương thu xếp lại ……
[Tam quốc Chí diễn nghiã quyển 2 trang 1862-1863-Tử Vi Lang dịch]
 
[Tờ Ba]
 
-Ông vái lậy làm lễ rồi khấn rằng:
“Lượng sinh vào thời loạn, cam chịu chết già nơi suối rừng. Nhưng chiụ ơn Chiêu Liệt Hoàng đế ba lần cầu đến, lại phó thác con côi cho rất nặng, nên phải đem hết sức khuyển mã ra đánh quốc tặc. Không ngờ tướng tinh sắp rụng, số thọ hầu tàn. Vậy xin viết tờ lụa trắng, kêu với trời cao, cúi mong Thượng đế rủ lòng thương, ban thêm cho ít tuổi nữa, để trên báo ơn chúa, dưới cứu mạng dân, lấy lại cơ đồ cũ, giữ cho hương khói nhà Hán lâu dài. Không dám vị kỷ xin càn, thực bởi đạo làm tôi ân tình tha thiết”
(Tam quốc Chí diễn nghĩa, quyển 2 trang 1866, Tử Vi Lang dịch)

*
Nghe đọc xong ba bức thư trong túi cẩm nang, Mạnh Công Uy noí như nói với mình:
- Sống chết có mạng, phú quí tại thiên. Ngày trước Tần Thuỷ Hoàng sai người đi tìm thuốc Trường Sinh bất tử để muôn năm trường trị thống nhất giang hồ, đã là một chuyện đại hồ đồ lưu truyền tiếng cười chê trong dân gian. Bây giờ Gia Cát Lượng lão huynh lại cầu đảo để sống thêm một kỷ (12 năm nữa), đúng là lại vẽ rắn thêm chân một chuyện đại hồ đồ nữa!
 
Thôi Châu Bình tiếp lời:
- Theo như  bản án xét lại của Tư Mã Trọng Tương  (tiền thân cuả Tư Mã Ý bây giờ) thì mọi người đã chấp nhận và hoan hỉ đi đầu thai. Phượng Sồ Bàng sĩ Nguyên kiếp trước là một anh thầy bói. Bói cho Hàn Tín (tức Hoài âm Hầu) hưởng thọ đến 74 tuổi, nhưng cuối cùng chết vào năm 34 tuổi. Hàn Tín có hỏi lại thì được phán quan dưới âm cung lục sổ cho coi.

- Giết chết tiều phu chỉ đường vào Ba Thục, giảm 10 năm
- Giết chết oan Lịch Sinh giảm 10 năm.
- Giết chết oan Chung Ly Muội giảm 10 năm.
- Giết chết 1 triệu quân cuả Sở ở chiến trường Cai Hạ giảm 10 năm.
 
Bàng sĩ Nguyên (Phượng  Sồ) khi cầm quân vào Tây Xuyên, đi qua dẫy núi, thì thấy tâm hồn bứt rứt, lòng dạ như thiêu đốt, bèn hỏi lính thì biết là Đồi Lạc Phượng, sau đó thì biết là mình đã được gọi về chầu tiên tổ. Phượng Lạc đúng vào năm 34 tuổi.
*
Đến trễ, nên tuy biết không đựợc mục đích yêu cầu rõ ràng, nhưng Từ Thứ (Đan Phúc) cũng đóng góp ý riêng tư của cá nhân mình như sau:
 
- Trời sinh voi tất trời sinh cỏ, loạn bao nhiêu năm thì bình? Bình bao nhiêu năm thì loạn. Loạn Tam Quốc tính tới bây giờ là 67 năm rồi, thiên hạ chia làm ba, cuộc chiến cũng quá kéo dài, “nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Kết thúc trận chiến thời Tây Hán, đến giờ gần bốn  trăm năm. Con người sinh ra vốn là được sống để làm con người, chứ không phải để làm con vật.  Nhưng những chính trị da, chiến lược da, những mưu bá đồ vương giết hại con ngươì nhiều quá, đa số chết oan uổng chết vô ích. Theo lịch số chia ba thiên hạ, thì Khổng huynh vốn là Khoái Triệt (Khoái Thông đời trước) kiếp này được thoả mãn chia ba thiên hạ (một đỉnh trong ba chân vạc) nhưng không phát triển được và chỉ làm mưa làm gió trong cõi Tứ Xuyên (Ba Thục) mà thôi. Tài năng đức độ có chừng đó, thôi thì một mảnh Ích Châu cũng là tạm đủ làm điạ bàn dung thân, và Tư Mã Ý cũng hết lòng nuông chiều đãi ngộ (không dám làm khó dễ gì nhiều).
Lịch trời có hạn, dân số tăng trưởng cũng vừa phải, đâu có ai tuỳ tiện mà bắt dân đi lính đánh nhau để chết dài dài. Biết được lòng Trời là biết được lòng người, số dân Hán (hay Ba Thục) nếu Khổng Minh sống thêm một kỷ nữa, thì đúng là số con rệp, đánh vô tích sự vung tán tàn thêm 12 năm vớ vẩn nưã làm cái gì cơ chứ? Trước đây ba mươi năm nơi gò Long Trung, Gia Cát Khổng Minh ngồi soạn quyết sách chia ba thiên hạ, đúng là một đại hào kiệt. Bây giờ làm đơn xin thượng đế cho sống thêm một kỷ (12 năm) để quyết ăn thua đủ với Tư Mã, kéo dài chiến tranh cho bá tánh lầm than chết chóc thêm nữa. Ôi thôi hỡi đại anh hùng, ơi là đại anh hùng!!!
 
chuvươngmiện
 
READ MORE - NGŨ TRƯỢNG NGUYÊN, KHỔNG MINH GIA CÁT VŨ HẦU, TAM QUỐC – Tạp ghi và phiếm luận của Chu Vương Miện