TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Saturday, July 30, 2022
VỜI VỢI KHOẢNG TRỜI XƯA - Thơ Nguyễn Trung Giang
Nhà thơ Nguyễn Trung Giang |
Vời vợi khoảng
trời xưa
Ta như con
gió say nguồn cội
Lay lắt triền
sông lât ngọn nồm
Tóc nắng chần
trần mê đồng nội
Nhẹ nhàng
như sương khói chiều hôm
Khoảng trời
xưa trong ngần như nắng
Tha thiết...
thơm tho giữa khó nghèo
Mơ ước bay
theo làn mây trắng
Cây trái lên
mùa toả thương yêu
Bờ tre trải
bóng êm đềm mộng
Bến nước mơ
màng con sóng xô
Cánh diều thơ ngây vờn gió lộng
Aó trắng
tinh khôi tuổi học trò
Bỏ lại sau
lưng một khoảng trời
Nghìn trùng
nhớ lắm cố hương ơi !
Ăm ắp trong
tim màu kỷ niệm
Thành giọt
tương tư nhỏ xuống đời
Nguyễn Trung Giang
MÌNH ĐÃ GIÀ THẬT RỒI - Chùm thơ Lê Thanh Hùng
Nhà thơ Lê Thanh Hùng |
Mình đã già thật rồi
Rồi chúng ta cũng sẽ già
Cả thể chất và trí tuệ đều lộ ra những khiếm khuyết
Với những ý kiến trái chiều, mờ dần kỹ năng phân biệt
Khi cánh cửa cơ hội, mỗi ngày mỗi xa
Chỉ còn lại sự hào phóng trong những lời khuyên
Không bao giờ sai, nhưng cũng không có nghĩa là đúng
Dẫu không có gì thô vụng
Mà sao lướng vướng, băn khoăn một chút muộn phiền
Con đường nào cũng có những bước đầu tiên
Đứng trước sự lựa chọn,
mình đã chọn sự không lựa chọn
Thì đừng có than vãn gì, mà giang tay mở đón
Một sự thật hiển nhiên
Chúng ta già rồi, giữ mãi trong lòng
những điều thất vọng làm chi
Còn lấy cái rêu phong để làm đồ trang sức
Dù đã biết thời gian cũng xói mòn các chuẩn mực
Năm tháng chất chồng lên tuổi tác,
sao như còn vướng bận điều gì?
Mình đã già thật rồi, khi không còn những ước mơ
Cứ quanh quẩn trong đôi hồi sáng tối
Mà “Người hoàn thiện nhất là người hữu ích nhất
cho xã hội”.(*)
Dù năm tháng trôi qua, dĩ vãng đã hoen mờ
Vẫn niềm tin nguyên vẹn thắm tươi
Thế hệ chuyển giao, mùa theo mùa tiếp nối
Mặc cho bão giông, mưa tuôn nắng dội
Những góc cạnh xa xăm,
những vọng tưởng cuộc người…
_____
(*) Kinh Coran
Tiếng chim bên đường
Chim cút kêu nhịp đôi bên kia đồi
Nghe sâu lắng, xa xôi trong chiều xuống
Vạt mây xám cuối chân trời xoáy cuộn
Con suối nhỏ, hồn nhiên mãi miết trôi
*
Trời se lạnh, hoàng hôn nắng lưa thưa
Đường lên rẫy ngược dòng suối cạn
Buông thả mái tóc dài chểnh mảng
Đâu mất rồi, một dáng vẽ ngày xưa
*
Chập chờn rơi, rối lẫn nét thu không
Chiều mắc cạn bên nhánh đời sáng tối
Buổi tàn ngày, sao em không bước vội
Mà nhẩn nha, cho gờn gợn sóng lòng
*
Ngọn bấc cầu tài, vụng về mơn man
Hàng lau lô xô, dập dờn đánh võng
Bao năm tháng, nét xuân thì khê đọng
Bạc phếch thời gian, đổ xuống phủ phàng
*
Rối bước chân, em chầm chậm lối về
Tiếng chim cút bên đồi, kêu khắc khoải
Như nhắn gửi một điều gì muốn nói
Vạt nắng hanh vàng, xao động đam mê …
Lời đã cạn, vội vàng tin nhắn
Sao lại thăm dò nhau bằng một dấu chấm câu
Như chờ sẵn một nỗi buồn tĩnh lặng
Trong không gian im vắng
Thiệt tình không biết mình đang ở đâu
Dốc hết tình xa, trong một cuộc truy cầu
Em bước qua nỗi đau buồn mùa Covid
Cứ âm thầm day trở lắng vào trong
Đời đâu phải cái gì mất, rồi cũng sẽ tìm lại được
Em đứng lơ ngơ, tan nát cõi lòng
Bạn bè đến chia buồn, rụt rè từng bước
Vững bước lên em, đi trong nước mắt lưng tròng…
Lê Thanh Hùng
Bắc Bình, Bình Thuận
Truyện ngắn THẦY HỬNG - Vũ Hùng
Nhà văn Vũ Hùng |
Truyện ngắn
THẦY HỬNG
Để được người ta gọi là thầy dù là thầy gì đi nữa một cách tâm phục khẩu phục không phải dễ đâu nha?
Đấy nhà sư Bửu Đài, trú trì chùa làng Đông Trạch đã sáu mươi mấy tuổi, hơn bốn mươi năm tu hành khổ hạnh với rau dưa chấm với xì dầu, dù kinh kệ có tinh thông, trên đầu có sáu chấm hẳn hoi như ai nhưng vẫn bị gọi là Sư Dài chứ có ai gọi là thầy Đài, hay Thượng toạ Đài đâu? Vì mỗi lần có đạo hữu đại gia nào tới cúng dường là Sư cứ: A Di Đà Phật dài lắm, chẳng khác nào anh kép cải lương hụt hơi khi xuống câu vọng cổ vậy!
Còn thầy Ga, thầy Tam Tam... lúc đang dạy học cũng như lúc về vườn, người làng cứ gọi xếch mé là lão Gà, lão Vịt. Còn thầy Dũ dạy Ngữ Văn nổi tiếng cả vùng, da dẻ đen điu, mắt lồi, răng vẩu, chuyên viết thơ Đường luật, bị mụ vợ học đển lớp hai bình dân học vụ sau 1975 ghen dữ dội, bắt phải bỏ thơ Đường ngang xương và chuyển sang viết truyện ngắn, người làng cứ gọi là ông Dũ là phúc tổ lắm rồi vì có mụ vợ hung dữ và hỗn hào quá! Chỉ có ông giáo với cái biệt danh gắn liền với cửa miệng người làng là không hề thay đổi đến nỗi tên thật ông ấy là gì lắm lúc người ta cũng quên khuấy? Có khoảng năm bảy cụ tuổi hàng tám, hàng chín như cụ Trình Tẹo, cụ Trình Quà, cụ Tứ Ảy, cụ Hân Cài... gọi ông giáo bằng giáo sư. Gọi thiệt tình chứ không phải đùa đâu? Những lúc như vậy ông giáo đều khoả tay:
- Ấy chết! Các cụ hiểu cho giáo đây chỉ là giáo làng, là hương sư chứ không phải giáo sư đâu?
Duy chỉ có lão Chưng Văn Hửng ở cách nhà ông giáo chừng mười cái nóc nhà là có phần hơi đặc biệt. Không chỉ người làng từ lớn chí bé mà một số nơi ngoài tỉnh nhất là ở Tây Nguyên đều gọi lão bằng thầy một cách nể phục. Phục sát đất luôn!
Lão học hành có bao nhiêu đâu. Chỉ học lỡ cỡ lớp Đệ thất trường Trung học công lập Đào Duy Từ thì giải phóng và ở nhà luôn.
Lão Hửng to con, vạm vỡ lắm.
Có điều là chưa được bảnh trai và lười biếng là số dách khó ai địch nổi. Trẻ con ngang bướng, khóc nhè, vòi vĩnh chỉ cần nhắc tên lão Hửng là im re.
Cái mặt của lão từa tựa như cái bánh bèo úp sấp bị bán ế đến mấy ngày. Nhìn có vẻ hơi hóm hỉnh, lất khất pha chút dữ dằn nhưng lão hiền khô chẳng hà hiếp ai bao giờ?
Với bộ dạng như vậy, con gái nào dám yêu? Vậy mà đến năm ba mươi hai tuổi, lão cũng được con bé Khạo ít hơn ba tuổi, người nhỏ nhắn có khuôn mặt bánh bao chiều không nhân, con mụ Khờ xóm Lạch đem lòng yêu thương và nên duyên chồng vợ.
Cũng pháo nổ đì đoàng trước ngõ đón cô dâu!
Cũng cỗ bàn ít mâm đơn sơ vài món rau củ gọi là với vài lít rượu trắng đãi họ hàng!
Thời bao cấp khó khăn lắm!
Đầu năm sinh con gái đặt tên là Chang. Cuối năm sinh con trai đặt tên là Hảng .
Nhà nghèo khô nhưng lão Hửng chẳng làm việc gì cả. Việc to, việc nhỏ đều do mụ Khạo gánh vác, từ việc đồng áng, công điểm đến cơm nước, con cái, giặt giũ. Còn lão thì ngày này qua ngày khác cưỡi chiếc xe đòn dông gỉ sét đến chỗ nào có người để tán dóc và đánh cờ tướng.
Có điều đáng ngạc nhiên là lão Hửng có gan làm những chuyện tào lao đến khó tin, đố ai dám làm, nhưng trúng phóc mới chết chứ?
Chuyện cũng hơn mười năm rồi, trong lúc đang trưa lão Hửng ngồi hóng mát một mình dưới gốc đa đầu làng thì có gã thanh niên gầy gò, da rám nắng trạc ngoài bốn mươi tuổi trông lạ hoắc mặt rầu rĩ đến hỏi thăm:
- Nhà thầy Xoàng ở đâu vậy chú?
Lão Hửng hỏi lại:
- Để làm gì vậy? Chú mày ở đâu?
- Dạ, ở cây số 82. Trước khi cha cháu mất có dặn là phải xuống làng Đông Trạch nhờ cho bằng được Thầy Xoàng coi ngày giờ tẩm liệm và chôn cất... Thầy Xoàng giỏi lắm, uy tín lắm!
- Thế chú mày đã gặp Thầy Xoàng chưa?
- Dạ chưa!
Lão Hửng suy nghĩ một lát hơi lâu về cái thằng cha Thầy địa Xoàng ba xạo, lẻo mép ở xóm Chuối, rồi nói:
- Thầy Xoàng đang ở trước mặt chú mày đây?
Người thanh niên mừng rỡ nắm tay lão khẩn khoản:
- Nhờ quý nhơn phù trợ, con gặp được Thầy Xoàng...
Lão Hửng hỏi ông cụ chết lúc mấy giờ, ngày nào, tuổi tác từng người trong gia đình, rồi xòe ngửa bàn tay củ gừng năm ngón ra bấm từng đốt một, không sót đốt nào, miệng lẩm nhẩm Tý Sửu Dần Mẹo như một gã tâm thần. Lão rút tờ giấy vở đã nhàu định để cuốn thuốc rê hút trong túi ra rồi cắm cúi ghi chép khá cẩn thận. Xong lão đưa tờ giấy cho gã thanh niên và dặn dò rất kỹ:
- Cứ theo những điều ghi trong giấy mà làm nghen.
Gã thanh niên cám ơn rối rít rồi vội vã lên đường cho kịp chuyến xe và cũng không quên tạ lão Hửng một bì thư dày cộp những tờ tiền năm chục ngàn đồng.
Sau này nghe dân trên cây số 82 kể lại khi gã thanh niên đem tờ giấy của thầy Xoàng về mấy ông thầy địa trong vùng xúm lại xem để học hỏi đều lắc đầu, lè lưỡi vì giờ giấc sai bét, hạ huyệt nhằm ngày thọ tử, tổn hại đến con cháu.
Vậy mà chẳng hiểu sao nhiều năm liên tiếp gia đình, dòng họ gã thanh niên kia trúng mùa cà phê, tiền vào như nước, con cháu học hành tấn tới khó ai bì kịp.
Tiếng tăm thầy Hửng nổi như cồn. Dân Buôn Hồ, cây số 82, Hà Tam, An Khê...hễ có đám ma, đám cưới, xây nhà, mua xe, mua đất... là đến làng Đông Trạch một thưa thầy Hửng, hai cũng thưa thầy Hửng làm ơn làm phước giúp cho.
Thầy được trọng vọng như một vị thánh. Bạc tiền trong túi luôn rủng rẻng, cửa nhà đâu kém cạnh ai? Mụ Khạo được rảnh tay rảnh chân, giờ tròn quay như hạt mít.
Nhưng người làng Đông Trạch không phục cứ gọi bằng lão Hửng một cách xếch mé! Chỉ đến khi cái chuyện sanh con trai của thằng Long thợ hồ thì cách nhìn của dân làng đối với lão có phần nể nang hơn một chút!
Băt đầu từ chuyện thằng Long ba mươi tám tuổi có con vợ tên là Thị Đong sanh tì tì bốn đứa con gái, mang gói trà và một trăm ngàn đồng chẵn gọi là chút lễ mọn đến cậy nhờ lão Hứng bấm quẻ giúp cho sanh con trai nối dõi tông đường.
- Chuyện nhỏ như con thỏ!
Lão cười cười, hỏi tuổi tác rồi xòe bàn tay như củ gừng ra bấm từng đốt một không sót đốt nào đến mấy bận. Vẫn lẩm nhẩm câu Tý Sửu Dần Mẹo... như một gã tâm thần
- Rồi, OK sẽ sanh con trai như ý muốn!
- Thưa thầy vậy khi nào gần gũi vợ được? ,Thằng Long thắc mắc.
- Ngay hôm nay, mười bảy giờ là OK!
Khoảng mười bảy giờ mười lăm phút ngay chiều hôm đó thằng Long mặt mày trầy xước dọc ngang như mèo cào đầy máu, vác dao phay sáng choang xông vào nhà lão Hửng.
- Lão Hửng đâu? Lão Hửng đâu? Có phải lão chơi xỏ tui hông? Già đầu mà ngu như bò bày chuyện dại...
Lão Hửng tái mặt, nhìn chằm vào chiếc dao phay nhọn hoắt, giọng nhỏ nhẹ:
- Bình tĩnh đi Long! Chuyện đâu còn có đó! Bỏ dao xuống nói rõ ràng sự thể ra sao để có hướng giải quyết?
Thằng Long vứt chiếc dao phay xuống nền nhà đánh cộp một tiếng khô khốc nghe phát rợn người!
Nó hổn hển kể lại cảnh lúc con vợ đang lom khom cho heo ăn chiều vừa đúng mười bảy giờ thì bị lôi lên giường.Nó la hét chống cự quyết liệt, hai tay cào vào mặt Long rồi vùng bỏ chạy ra ngoài
- Ông điên à? Không sợ con cái, làng xóm chê cười á? Hứng chi mà bất tử vậy?
Lão Hửng cố nhịn cười.
- Vợ chống cự và chửi bới, cào cấu là điềm tốt. Cứ như vậy là sanh con trai đó!
- Vẫn mười bảy giờ chứ?
Lão Hửng gật đầu.
Thằng Long cầm dao lủi thủi ra tới cổng còn ngoái đầu lại.
- Phen này mà đẻ con gái tui chém lão thiệt đó? Ở tù cũng được!
- Còn sanh con trai thì sao?
- Thì tui gọi ông bằng Thầy, bằng sư phụ chớ sao? Tui dâng ông cái đầu heo và mười triệu đồng, không thiếu một xu?
Chín tháng mười ngày sau mụ Đong sanh được đứa con trai bụ bẫm gần bốn ký tại bệnh viện đa khoa Quy Nhơn. Giữ lời thằng Long mang đầu heo và mười triệu đồng đến tạ ơn lão Hửng . Lão chỉ nhận chiếc đầu heo còn tiền thì lui lại. Thằng Long quỳ sụp xuống đất lạy hai lạy và bái hai bái.
- Sư phụ! Con có người nổi dõi tông đường rồi, ơn này ngàn đời không phai!
- Vẽ chuyện! Cái việc chú mày quậy bữa trước làm tao không vui, mất mặt với làng xóm quá! Chuyện sanh con trai từ nay trở đi tao không dính vào ai nữa đâu? Tao thề đó!
- Mong sư phụ bỏ qua! Dạ sư phụ đặt tên cho cháu bé luôn ạ!
Suy nghĩ một lát, lão Hửng cười hóm hỉnh:
- Nguyễn Văn Mười Bảy!
- Dạ, đa tạ Sư phụ! Đa tạ Thầy!
Sau vụ con mẹ Thị Đong sanh con trai đã có vài chục người trong làng gọi lão Chưng Văn Hửng là Thầy. Chỉ có lão Gà và lão Tam Tam là ra mặt chê bai.
- Cái thứ nói dóc gặp thời như cò ỉa trúng lỗ chai! Thầy bà gì lão? Thầy, Thầy cái con... khẹt!
Rồi cũng từ cái vụ con mẹ Phương Hề bắt đầu lai chim tố cáo lão Võ Nằm Yên lừa đảo, trị bệnh câm điếc không khỏi chứ chưa đụng chạm đến những nghệ sĩ với tiền tỷ từ thiện cứu trợ đồng bào bão lụt miền Trung thì lão Hửng đã tiên đoán như đinh đóng cột tại quán cà phê Chòi Lá ở giữa làng:
- Cái kiểu này sớm muộn gì con mẹ Phương Hề cũng bị nắm đầu vào nhà đá!
Lúc đó lão Gà, lão Tam Tam và rất nhiều người đều nghe rõ mồn một lão Hửng nói những lời bá láp ai mà tin nổi.
Lão Gà bĩu môi
- Thầy bà gì cái cái lão Hửng dự báo tào lao. Tố cáo cái xấu, cái sai mà bị tù à?
Lão Hứng vẫn tỉnh bơ.
- Vậy mới hay chớ!
- Ông dám cá với tui không?
- Cá như thế nào? - lão Hửng hỏi lại.
- Nếu trong vòng một năm mụ Phương Hề bị bắt thì tui với ông Tam Tam đây sẽ thua ông năm chục triệu và gọi ông bằng thầy suốt đời ngược lại bà Phương Hề không bị bắt, ông chỉ mất một triệu đồng bao cà phê cho cả làng thôi và bị gọi bằng thằng muôn đời? OK chưa!
Lão Hửng bằng lòng và cuộc nói chuyện được quay clip lại rõ ràng, có người làm chứng hắn hoi!
Sau khi mụ Phương Hề bị bắt giam, quán cà phê Chòi Lá đông nghẹt người làng ra uống cà phê mà không bỏ một xu.
Lão Chưng Văn Hửng được mọi người công nhận là tài giỏi thiệt và gọi là Thầy Hửng một cách tâm phục. Còn lão Gà, lão Tam Tam không biết độn thổ trốn đi đâu mất tiêu?
Bằng chứng clip còn đây, có mà chạy đằng trời!
Bình Định,28.07.2022
Vũ Hùng