Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, September 19, 2021

MÙA TRĂNG THU BUỒN - Thơ Nhật Quang

 


MÙA TRĂNG THU BUỒN



Thu xưa Nguyệt toả ánh vàng

Hằng Nga mơ mộng…dịu dàng dễ thương

Đàn em nhỏ khắp bốn phương

Rước đèn, vui hát trên đường múa lân


Đêm Thu ánh ngọc trong ngần

Trẻ, già phá cỗ ngoài sân tươi cười

Mùa trăng sáng đẹp tuyệt vời

Toả hồng mơ ước…đất trời bao la


Thu nay Côvid  tràn qua

Chị Hằng mắt lệ nhạt nhoà mưa bay

Phố buồn quạnh vắng ngủ say

Giật mình còi hú*…đắng cay cõi lòng


Trẻ thơ tan giấc mơ hồng

Không quà, không bánh, đèn lồng hát ca

Bé ngồi nhìn hạt mưa sa

Bóng trăng hun hút, cây đa khuất mờ


Bé chắp tay nguyện ước mơ…

Quê hương, đất nước bến bờ an vui

Xua tan dịch bệnh qua rồi

Đón mùa Thu đến bé cười rước trăng.


                                        Nhật Quang

nhatquang18@gmail.com


* (tiếng còi xe cứu thuơng)




READ MORE - MÙA TRĂNG THU BUỒN - Thơ Nhật Quang

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM | CHÙA CỔ TRẤN QUỐC | CHIỀU HỒ GƯƠM | THAM QUAN CHÙA MỘT CỘT - Chùm thơ Nguyễn Văn Trình

 

 



Văn Miếu - Quốc Tử Giám (1)

                     Nguyễn Văn Trình

                          

Văn Miếu - Quốc Tử Giám

trường đại học đầu tiên

của Nước Nam văn hiến

bốn ngàn năm dựng nước

mãi trường tồn lưu danh

bước qua cổng tam quan

có ba cửa ra vào

Đại Trung Môn ở giữa

hai bên là tả hữu

cửa Thành, Đạt khoa cử (2)...

 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám

đến thăm Khuê Văn Các

chân đế bốn khối trụ

xây bằng gạch vồ vuông

bàn đỡ gác Khuê Văn

kết cấu toàn bằng gỗ

gác có bốn cửa tròn

ngắm nhìn ra bốn hướng

Đông Tây và Nam Bắc

hàng lan can con tiện

mái ngói chồng hai lớp

cổ kính và rêu phong

gác Khuê được công nhận

biểu tượng của văn hóa

Hà Nội thủ đô ta

danh hiệu vì hòa bình…

 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám

trước gác Khuê Văn Các

là hồ Thiên Quang Tỉnh

giếng soi ánh mặt trời

gột rửa những bụi trần

xây nhân cách sạch trong

hai bên hồ, bia tiến sĩ

chất liệu làm bằng đá

ghi danh người đỗ đạt

sau các kỳ khoa cử (3)

làm rạng danh nước nhà…

 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám

ghé thăm hai tòa nhà

Bái Đường và Thượng Cung

nơi thờ phụng Khổng Tử

và các vị Tứ Phối (4)

đề cao nền Nho học

đến khu nhà Thái học

và Tiền Đường, Hậu Cung

thờ các Vua thời Lý

Tư Nghiệp Quốc Tử Giám

thầy giáo Chu Văn An…

 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám

trường đại học Nước Nam

ngọn lửa luôn soi sáng

cho học vấn nước nhà

xây nên nền văn hiến

đất Việt bốn ngàn năm

trường tồn và phát triển…

 

                       NVT

               Hà Nội, 2019               

 

(1) Văn Miếu - Quốc Tử Giám : Xây dựng năm 1070 dưới thời Vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ tự Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối. Đến năm 1076 Vua Lý Nhân Tông cho lập thêm Quốc Tử Giám, bên cạnh trường đại học dành riêng cho con Vua và các gia đình quý tộc đến đây tu tâm, luyện tài. Sang thời hậu Lê, đời Vua Lê Nhân Tông bắt đầu cho dựng bia tiến sĩ, để ghi danh những người đỗ đạt cao trong khao cử, nhằm khuyến khích, đề cao việc học hành thi cử.

(2) Hai cửa tả hữu có tên là: Thành Đức Môn và Đạt Tài Môn, với ý nghĩa đi vào đây là để đỗ đạt thành tài. Vừa là người có đức, vừa là người có tài để sau này phụng sự đất nước.

(3) Khoa cử thời phong kiến gốm có ba kỳ thi: Thi Hương, thi Hội, thi Đình. Kỳ thi Đình là bậc thi cao nhất để chọn người tài đức, học rộng tài cao để ra làm quan gánh vác trách nhiệm quốc gia, có hiệu quả cao nhất.

(4) Thờ Tứ Phối là gồm thờ bốn vị: Nhan Tử,Tăng Tử, Tư Tử và Mạnh Tử.

 



Chùa cổ Trấn Quốc (1)

                  Nguyễn Văn Trình

              

Trấn Quốc ngôi chùa cổ của Thăng Long

tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ

nằm ở phía Đông của Tây Hồ

có vẻ đẹp thâm nghiêm, cổ kính

có nét nên thơ và nhã nhặn

có vườn cây cổ thụ tươi xanh

xung quanh chùa, hồ nước mênh mông

chùa ghi danh, đẹp nhất thế giới (2)

là nơi phật tử thường lui tới

du khách thập phương

ngưỡng vọng vãn cảnh chùa…

 

Trấn Quốc ngôi chùa cổ của Thăng Long

thuộc hệ phái phật giáo Bắc Tông (3)

chùa xây theo kết cấu chữ “ Công ”

gồm Tiền Đường, Thiêu Hương, Thượng Điện

mỗi tòa nhà lại có kiến trúc riêng

tiếp sau nhà Tam Bảo tâm linh

hai dãy hành lang, song song

nhà Thiêu Hương và nhà Thượng Điện

tháp chuông sừng sững, tiếp liền phía sau

tiếng chuông vang vọng mặt hồ

nghe trong thanh tịnh, tâm linh

bâng khuâng đứng lặng, chốn Phật thiền…

 

Trấn Quốc ngôi chùa cổ của Thăng Long

ghé thăm vườn tháp, đượm mùi khói hương

có Bảo Tháp lục độ đài sen

xây cao mười một tầng vững chãi

mỗi tầng tháp, đặt một pho tượng Phật

A Di Đà làm bằng đá quý

trên đỉnh có tháp sen chín tầng

tạc bằng đá cẩm thạch rất uy nghi…

đối diện tháp là cây bồ đề (4)

chiết từ cây đại bồ đề Đạo Tràng

nơi Đức Phật Thích Ca xưa kia hành đạo

trời Hồ Tây xanh cao lồng lộng

dưới gốc bồ đề, của cây xứ Phật

nghe lòng thanh tịnh, bụi trần vơi tan…

 

                                    NVT

                              Hà Nội, 2019

                             

(1) Chùa Trấn Quốc là ngôi chùa cổ có hơn 1500 tuổi. Ban đầu Chùa có tên là chùa Khai Quốc, được xây dựng từ năm 541 thời tiền Lý. Sau nhiều lần thay đổi, do biến cố của thiên nhiên và chiến tranh, chùa dời vị trí và đổi tên thành Chùa Trấn Quốc vào đời vua Lê Hy Tông ( 1681-1705). Xưa Chùa Trấn Quốc là trung tâm phật giáo của thành Thăng Long.

(2) Chùa Trấn Quốc được trang Thrillist uy tín quốc tế bình chọn là ngôi chùa đẹp nhất thế giới.

(3) Phật giáo Bắc Tông là phật giáo Ấn Độ được truyền sang các nước phía bắc, nên gọi là Bắc Tông. Sư Bắc Tông không đi khách thực, mà tự nấu chay ăn, khác với các vị sư Nam Tông thường đi khách thực.

(4) Cây bồ đề: Do tổng thống Ấn Độ tặng năm 1959 trong chuyến ông sang thăm Hà Nội. Cây bồ đề được chiết từ cây Đại bồ đề Đạo Tràng, nơi khi xưa Đức phật Thích Ca ngồi tu thiền hành đạo.

 

 


Chiều Hồ Gươm (1)

           Nguyễn Văn Trình

 

Chiều Hồ Gươm quá đổi thân thương

chân dạo bước trên đường diễm phố

Hàng Khay nét cổ đẹp mê say

thả hồn hóng mát theo ngày gió

lòng vui cảnh sắc đất Thăng Long

Hồ Gươm xanh, giữa trái tim hồng

Hà Nội văn minh Sông Hồng đỏ

ngàn năm dấu tích vẫn còn đây

gươm báu thiêng, trả lại Rùa Vàng

xây độc lập, rạng ngời Nước Nam …

 

 

Chiều Hồ Gươm điểm hẹn bốn mùa

xuân về, sắc hoa đào rực rỡ

lễ hội tưng bừng truyền thống

mùa hạ đến, gió lồng lộng thổi

xua tan đi cái nóng oi nồng

thu sang, lấp loáng lá vàng rơi

bời bời những cành cây liễu rũ

ven hồ nhìn tựa dáng tóc tiên

màn sương mơ hồ, thêm huyền ảo

mùa đông, lất phất giọt mưa phùn

mưa như níu bước chân quên về…

 

Chiều Hồ Gươm lòng thấy bồi hồi

ghé tham quan hai hòn đảo nổi

giữa lòng hồ thanh tịnh, tâm linh

Đảo Ngọc nằm ở phía bắc hồ

cầu Thê Húc cong cong uốn nhịp

nối bờ ra đảo, sắc tươi hồng

trên đảo có, đền thiêng Ngọc Sơn

là nơi thờ phụng thần Văn Xương

ngôi sao sáng, văn chương một thời

có đền thờ Thánh Trần hào kiệt (2)

anh hùng dân tộc chống ngoại xâm

giữa hồ có một hòn Đảo Rùa

trên đảo là ngọn tháp trầm tư

kiến trúc kết hợp Đông và Tây

ngọn tháp cao ba tầng vững chãi

biểu tượng tinh thần của Thủ Đô…

 

Chiều Hồ Gươm quá đổi thân thương

lòng háo hức về đây chiêm ngưỡng

ngọn Tháp Bút, Đài Nghiên sừng sững

tháp cao năm tầng, hiên ngang đứng

trên đỉnh tháp có hình ngọn bút

hướng thẳng bầu trời xanh cao vút

Đài Nghiên, đứng trên ba cóc đá

kiên gan trụ vững với thời gian…

Tháp Bút, Đài Nghiên “ Thế bút chống trời ”

nhằm đề cao vai trò ngọn bút

truyền thống hiếu học của cha ông

anh hùng hào kiệt, danh thơm mãi

“con Lạc, cháu Hồng” dân Nước Nam …

 

                               NVT

                         Hà Nội, 2019

                            

(1) Hồ Gươm nằm ở giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, được bao quanh bởi ba con phố chính: Hàng Khay, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng. Hồ Gươm gắn liền với sự tích trả gươm báu cho Rùa vàng của Vua Lê Thái Tổ, sau khi đánh tan quân xâm lược phương Bắc, thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt. Một dân tộc hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình. Nên Hồ Gươm còn có tên gọi khác là Hồ Hoàn Kiếm.

(2) Đền thờ Đức Thánh Trần, là đền thờ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, người có công đánh thắng giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại nền độc lập cho nước nhà.

 

 


Tham quan Chùa Một Cột (1)

                    Nguyễn Văn Trình

                

Chiều thăm Chùa Một Cột

biểu tượng của văn hóa

Hà Nội thủ đô ta

hơn ngàn năm văn hiến

thành phố vì hòa bình

có công trình Phật giáo

mang tính thẩm mỹ cao

qua nghệ thuật tạo hình

“Đài liên hoa” trên nước

nằm giữa hồ Linh Chiểu

có tường bao quanh hồ

nhìn đẹp tựa đài sen

giữa lòng hồ kiêu sa…

 

Chiều thăm Chùa Một Cột

ngắm nhìn lên mái chùa

được lợp bằng ngói Vảy

truyền thống màu đỏ gạch

phủ lớp bụi thời gian

mái chùa có cấu trúc

hình uốn cong đầu đao

cao vút hướng lên trời

trên đỉnh của mái chùa

có “ Lưỡng long chầu nguyệt ”

đây là nét kiến trúc

của đình, chùa Việt Nam

càng thêm yêu tinh hoa

Nước Việt mình văn hiến…

 

Chiều thăm Chùa Một Cột

bước lên “ Đài liên hoa”

có hình vuông mỗi cạnh

dài chừng khoảng ba mét

chắn song bao xung quanh

phía dưới dầm, sàn gỗ

đỡ bằng một trụ đá

một cách rất vững chắc

“ Đài liên hoa” uy nghiêm

kiêu hãnh giữa lòng hồ…

 

Chiều thăm Chùa Một Cột

vào trong “ Đài liên hoa”

bài trí rất lộng lẫy

có án thờ bên trên

thờ Phật bà Quan  m

có nghìn mắt, nghìn tay

bàn thờ được sơn son

thiếp vàng rất sang trọng

trang trí bằng họa tiết

hình vân mây màu vàng

phía trên đặt hoành phi

ghi ba chữ đại tự

“ Liên hoa đài” màu vàng

trên bảng nền màu đỏ

khung cảnh thật nghiêm trang

nơi cõi thiền, cửa Phật…

 

Chiều thăm chùa Một Cột

biểu tượng của văn hóa

Hà Nội thủ đô ta

hơn ngàn năm văn hiến

về cửa Phật linh thiêng

cầu trí tuệ viên mãn

cầu sinh khí tràn đầy

cầu quốc thái dân an

giang sơn gấm vóc Việt

vững bền mãi ngàn sau…

 

                       NVT

               Hà Nội, 2019

                

(1) Chùa Một Cột được xây dựng năm 1049 dưới triều đại nhà Lý, là một trong những biểu tượng tiêu biểu của thủ đô Hà Nội, bên cạnh Tháp Rùa, Khuê Văn Các... Đây cũng là một địa chỉ du lịch hấp dẫn của du khách khi về với Hà Nội ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình.

 

READ MORE - VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM | CHÙA CỔ TRẤN QUỐC | CHIỀU HỒ GƯƠM | THAM QUAN CHÙA MỘT CỘT - Chùm thơ Nguyễn Văn Trình