Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, September 8, 2021

NGƯỜI ĐÀN BÀ THÁNG CHÍN – Thơ Trần Mai Ngân


 
                 Nhà thơ Trần Mai Ngân



NGƯỜI ĐÀN BÀ THÁNG CHÍN
 
Chào tháng Chín nồng nàn hương biển
Người đàn bà đi về phía không anh
Không gian lạ và những âm thanh
Trong gió, trong tiếng sóng và trong tận cùng tuyệt vọng...
 
Ở đâu, tìm đâu những ngày hoa mộng
Chẳng để làm gì chỉ để cố quên đi
Người đàn bà tháng Chín khép đôi mi
Giọt nước mắt lăn tràn lên má thắm
 
Tháng Chín về mà sao xa thăm thẳm
Một nghìn trùng một ngăn cách ngày xưa
Miên man nào... miên man mãi nụ hôn trưa
Người đàn bà khuỵu xuống... dấu chân trần bấu sâu vào cát...
 
Tháng Chín biển vỡ oà trong cơn khát
Áo mỏng khăn voan tất cả lạnh lùng
Người đàn bà cố níu kéo tương phùng
Nhưng như nước... trôi qua bàn tay lạnh
 
Tháng Chín ơi... về đâu không bất hạnh
Một cuộc tình cứ thế mãi mong manh
Biển nghìn năm con sóng khát an lành
Sao thương quá người đàn bà tháng Chín!
 
Trần Mai Ngân
 
READ MORE - NGƯỜI ĐÀN BÀ THÁNG CHÍN – Thơ Trần Mai Ngân

THƠ CỦA THIỀN SƯ (POETRY OF ZEN MASTER) - Nguyên Lạc



 
Lời phi lộ:
 
Trước khi vào bài, tôi xin bàn về chữ ZEN MASTER.
 
ZEN MASTER có bạn đã dịch là Tăng Sư, theo tôi nên dịch là Thiền Sư, vì nếu dịch ra Tăng Sư thì không chính xác lắm: Tăng Sư / Thầy Tu, thuộc giới Tăng Lữ, người đã xuất gia, gia nhập Tăng Đoàn/ Giáo Hội. Thiền Sư có thể tu tại gia (gọi là Cư sĩ), có thể xuấ́t gia tự mình tu Thiền nơi núi động nào đó, hoặc là gia nhập Tăng Đoàn tu tại chùa. Tăng Sư có thể không tu theo Thiền phái, mà tu theo các phái khác.

Cư sĩ thì như người thường, có vợ con, không cần ăn chay nếu muốn. Theo tôi hiểu, các nhà sư trụ trì Nhật Bản cũng có vợ con như Mục Sư bên Tin Lành.Còn về vấn đề ăn mặn, Phật Giáo chỉ khuyên nhưng không cấm. Các tu sĩ Nam Tông vẫn ăn thịt. Gần nhà tôi, Garland, Texas, các sư chùa PQ thường ra chợ ăn phở bò – thịt bò thật chứ không phải thịt bò chay – và hút thuốc, do các tín đồ biếu tặng. Các nhà sư Tây Tạng cũng ăn thịt, thịt con York, một loại dê núi; chắc vì khí hậu quá lạnh nên không trồng được rau.
 
Giờ xin mời các bạn tìm hiểu 2 Thiền Sư, 2 Zen Masters sau đây: một Nhật Bản, một Việt Nam.
 
THIỀN SƯ RYOKAN TAIGU
 
1. Tiểu sử
 
Ryokan Taigu ra đời trong năm 1758 (ngày chính xác không rõ), tại ngôi làng hẻo lánh ven biển Izumozaki, thuộc tỉnh Echigo, bây giờ gọi là Quận Niigata, Nhật Bản. Cha của Ryokan là Inan Taigu (1738—95), là người được kế thừa cha truyền con nối làm trưởng làng, và là một tu sĩ Thần Đạo. Inan Taigu cũng là một nhà thơ mà vài người ghi nhận là có liên hệ xa với trường phái thơ hài cú Basho. Dưới đây là một bài của ông Inan:
 
Liên tục cứ biến đổi,
Các đám mây hè lên lười biếng,
Cao trên các ngọn đồi
 
Tên thời thơ ấu của Ryokan là Eizo. Một cậu bé lặng lẽ, siêng năng, yêu thích sách, cậu ghi danh ở một trường Khổng Giáo khoảng năm lên mười, và nơi đó được nền học vấn căn bản của sách thánh hiền Trung Quốc và Nhật Bản. Vị thầy đầu tiên của Ryokan là Omori Shiyo (chết năm 1791), ông đã làm bài thơ – trích đoạn – cảm động này để tưởng niệm:
 
Một nấm mộ cũ nằm ẩn dưới chân đồi hoang vắng,
Tràn ngập bởi cỏ rậm năm này qua năm kia;
Không còn ai để chăm sóc ngôi mộ,
Và chỉ một bác tiều phu thỉnh thoảng đi ngang.
Một thời con là học trò của thầy, cậu bé có tóc tua tủa,
Học thâm sâu từ thầy bên Dòng Sông hẹp.
Một sáng, con khởi hành trên chuyến đi cô đơn
Và nhiều năm trôi qua lặng lẽ giữa thầy trò.
Bây giờ con về, thầy đã an nghỉ nơi đây.
Làm sao con tưởng niệm hương linh thầy?
Con rưới chút nước trong lên trên bia mộ thầy
 
Bản chất lương thiện và hoà giải, Ryokan không ưa tranh chấp, cực kỳ ngây thơ, sau khi trải qua một khủng hoảng tâm linh, chàng Ryokan 17 tuổi quyết định rời nhà và trở thành một nhà sư.
 
Ryokan trong 10 năm sau đó tu tại chùa Entsu-ji. Lúc đầu khi thọ giới, sư được đặt tên là “Ryokan Taigu.” Chữ “Ryo” có nghĩa là “tốt lành, thiện” và “kan” nghĩa là “quảng đại” trong nghĩa rộng lượng và đại bi. Còn chữ “Taigu” nghĩa là “Đại Ngu” chỉ vào tính thơ ngây trẻ dại và thiếu vắng cái giả hình. Kokusen gợi tới các phẩm chất này trong tờ inka trao cho môn đệ hàng đầu của thầy. Năm 1790, khi 32 tuổi, Ryokan được bổ nhiệm làm thủ chúng tu viện này, và được trao tặng một inka (chứng nhận giác ngộ)
 
Vài năm sau đó, và Ryokan rời Entsu-ji để đi chuyến du phương dài, lang thang với mây và trôi với nước. Ryokan như dường hầu hết là ghé vào các miền quê trong suốt thời kỳ năm năm, ngủ trên các cánh đồng hay ngả lưng trong các căn lều dã chiến, và tránh các trung tâm đô thị và tu viện lớn.
 
Thi ca và thư pháp là trọng tâm Thiền của Ryokan, và thơ của sư được dùng làm các bài giảng Phật Giáo kín đáo. Về mặt kỹ thuật, Ryokan bị ảnh hưởng bởi kinh điển thi ca Trung Hoa và Nhật Bản, nhưng sư phần lớn viết những khi nào sư thích và nói chung thì bỏ lơ các luật về thơ.
 
Ai nói thơ ta là thơ?
Thơ ta không phải thơ.
Sau khi ngươi biết thơ ta không phải thơ,
Thì chúng ta có thể bàn về thơ!
 
Ryokan viên tịch sáng sớm ngày 6 tháng giêng, năm 1831. Tang lễ của sư, được làm lễ bởi các vị sư thuộc đủ mọi tông phái nhà Phật, được tham dự bởi mọi người trong làng và các làng kế bên.
 
Cái gì sẽ vẫn là di sản của ta?
Hoa mùa xuân,
Chim cu mùa hè,
Và lá đỏ
Của mùa thu.
 
Có nhiều câu chuyện lý thú kể về ông, nhất có lẽ là chuyện ông muốn tặng mặt trăng cho tên trộm.
Chuyện kể rằng:
 
Một buổi tối, Ryokan quay về túp lều ở dưới chân núi sau một ngày đi khất thực mệt mỏi, và ông nhìn thấy một tên trộm trong nhà. Nhưng căn nhà trống trơn không có gì để tên trộm lấy. Lúc đó, ông đã nói với hắn ta: “Bạn đã đi một quãng đường dài để đến thăm tôi, và bạn không nên trở về tay không. Hãy lấy quần áo của tôi làm quà.” Tên trộm ngơ ngác, vội vơ lấy quần áo rồi phóng đi.
Ryokan khỏa thân ngồi ngắm mặt trăng đang hiện ra bên khung cửa sổ. “Anh ta thật tội nghiệp” ông trầm ngâm, “Ước gì tôi có thể tặng anh ấy vầng trăng đẹp thế này”. Ngay sau đó ông đã viết một bài haiku:
 
The thief left it behind:
the moon
at my window.
 
Tạm dịch:
 
Tên trộm bỏ lại cho tôi:
– Vầng trăng
Ngay bên khung cửa.
 
Ryokan Taigu
 
(Nguồn: Thư Viện Hoa Sen)
 


2. Hai bài thơ thiền
 
Đây là 2 trong những bài thơ nổi tiếng của Thiền Sư Ryokan Taigu [Từ bản dịch tiếng Anh trong The Sky Above, Great Wind, The Life and Poetry of Zen Master Ryokan. Nguyên tác thơ của Ryokan Taigu (良寛大愚, Lương Khoan Đại Ngu, 1758-1831)].
 
THE PATH
 
The path is hidden
by snow
invisible
but thoughts of you
lead me onward
 
Nguyên Lạc phóng dịch:

CON ĐƯỜNG
 
Tuyết phủ con đường [*]
Hướng đi không thấy
Quán tưởng về Người
Dẫn tôi đi tới
 
………..
 
[*] Ý nghĩ riêng: Theo tôi chữ quan trọng nhất trong bài là The Path : CON ĐƯỜNG/ ĐẠO và chữ YOU: NGƯỜI/ PHẬT – tôi viết hoa.
 Snow là Vô Minh che lấp Con Đường/ Đạo, nhờ quán tưởng đến Người, nhớ “ngón tay” chỉ Trăng/ những lời dạy, ta biết phương hướng đi tới Trăng/ An lạc/ Giác ngộ…
 
DOWN IN THE VILLAGE
 
Down in the village
the din of
flute and drum,
here deep in the mountain
everywhere the sound of the pines.
 
Nguyên Lạc phóng dịch:

DƯỚI KIA NGỒI LÀNG
 
Dưới kia ngôi làng [*]
náo động sáo trống
sâu trong rừng thẳm [**]
Thông reo muôn nơi
 
………
 
[*] Theo người dịch, ý ngầm bài thơ như sau:
 Down in: Dưới kia/ ngoài kia/ ngoài ta là ta bà, nhân sinh ồn ào, bảt nháo đầy sân si
[**] Here deep in: Sâu đây/ trong tâm êm đềm, an lạc; ý nói hãy hướng vào trong thân tâm mình.
 
HƯƠNG HẢI THIỀN SƯ
 
1. Niên đại và con người
 
Theo sách Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn, Hương Hải người làng Ấn Độ huyện Chân Phúc tỉnh Nghệ An sinh năm 1627, vốn là người thông minh xuất chúng, lịch lãm về nho học, đỗ Hương Cống (cử nhân) năm 18 tuổi, được chọn vào phủ Chúa Nguyễn. Sau đó cử nhận Tri Phủ huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Vào năm 25 tuổi ông rất hâm mộ đạo Phật, đã từng đàm luận với các vị Thiền Sư Trung Hoa đang hành đạo tại Quảng Trị.
Ba năm sau (1655) ông từ quan đi xuất gia với ngài Viên Cảnh thiền sư, ngài đặt cho pháp danh là Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự Minh Châu Hương Hải, ngày nay chúng ta thường gọi ngài là Hương Hải. Sau đó ngài ra vân du ở đảo Tiêm Bút La, cảnh trí nơi đây thích hợp cho việc tu trì nên ngài lập am để chuyên tu. Đạo hạnh của ngài cao thâm, quan dân thảy đều ngưỡng mộ. Có lần quan trấn thủ Thuần Quận Công thỉnh ngài về đất liền tụng kinh cầu an cho phu nhân, và cả gia đình quy y theo. Và quan Tổng thái giám Hoa Lệ Hầu cung thỉnh ngài về đất liền lập đàn sám hối, cầu cho hết bịnh mà quan Tổng đã mắc phải. Chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Chu 1691-1752) nghe tiếng bèn cử người ra cung đón, khi ngài về đến nội địa đích thân chúa Nguyễn ra đón tiếp, hỏi thăm, ủy lạo, rồi sau đó lập Thiền Tĩnh Viện ở trên núi Qui Cảnh để ngài ở. Các quan trong triều và đủ mọi tầng lớp nhân dân các tỉnh đến quy y học đạo rất đông.
Sau vì sự đối đãi kèm theo nghi kỵ của chúa Nguyễn, Hương Hải quyết chí ra Bắc. Năm 1682 Thiền Sư cùng với 50 đồ đề vượt biển ra Bắc đến trấn Nghệ An, thuyền ghé bến ngài đến trình diện ở đồn Trần Lao do Yên Quận Công Trịnh Gia trông coi. Sau đó ông mới tâu về triều Chúa Trịnh cho người đón tất cả về kinh hỏi han mọi việc. Sau đó chúa sai quan Trấn Thủ Sơn Nam lấy đất lập chùa mời ngài trụ trì ở đó.
Những tháng năm bập bềnh sóng gió đã trôi qua, ngài bèn dùng thời gian còn lại trong việc tu tập và nghiên cứu sáng tác, dịch thuật hơn 30 tác phẩm để lại cho đời. Trong số những tác phẩm bị thất lạc chúng ta chưa tìm ra đầy đủ.
 
Hương Hải Thiền Sư vốn đã uyên thâm về Nho học trước khi đi xuất gia, hầu hết lúc bấy giờ theo đường công danh cử nghiệp bút nghiên phải thông nho mới mong đỗ đạt. Hương Hải quan niệm sự dung hòa giữa Nho giáo và Phật giáo có thể bổ túc cho nhau trên phương diện trị an.
 
“Lên tận nguồn Nho trông bát ngát
Vào sâu biển Pháp thấy mênh mông”
 
(Nho nguyên đãng đãng đăng di khoát
Pháp hải trùng trùng nhập chuyển thâm)
 
Qua hai câu thơ trên, Hương Hải quả có cái nhìn muốn kết hợp hai tôn giáo lúc bấy giờ, đàng nào cũng có cái mênh mông bát ngát của nó, chúng ta chỉ là kẻ đứng ngắm sự rộng lớn nầy, không thể dùng con mắt mà đo lường được
Năm Ất Mùi 1715, sáng ngày 13 tháng 5, sau khi tắm xong thiền sư khoác y, đeo tràng hạt, đội mũ trang nghiêm ngồi kiết già tịch, hưởng thọ 88 tuổi. Đệ tử đắc pháp của ngài rất đông, có vị được phong chức Tăng Thống. (Nguồn : Thư Viện Hoa Sen)
 
2. Một bài thơ thiền
 
Đọc được bài thơ của Hương Hải Thiền sư hay quá, lòng đầy cảm xúc, tôi xin thoát dịch bài thơ:
 
NHẠN ẢNH
 
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý.
Thủy vô lưu ảnh chi tâm
 
(Hương Hải Thiền Sư – Trích “Kiến văn tiểu lục”- Lê Quý Đôn)
 
Nguyên Lạc phóng dịch
 
BÓNG NHẠN
 
Nhạn bay qua trời không
Bóng hiện lòng nước lạnh
Chim… đâu màng lưu dấu
Nước… giữ bóng chẳng mong
 
Nguyên Lạc
 
READ MORE - THƠ CỦA THIỀN SƯ (POETRY OF ZEN MASTER) - Nguyên Lạc

CAM LỒ - Thơ Tịnh Bình

 
            Nhà thơ Tịnh Bình

 
CAM LỒ
 
Lớp lớp người đi mãi
Giữa bao tiếng thét gào
Trần gian đành bỏ mặc
Bao hoài vọng khát khao
 
Giọt lệ nào rơi xuống
Lửa dữ bốc trời cao
Khúc ly ca ai oán
Nhân thế cùng nỗi đau
 
Van người đừng gục ngã
An trú nơi nguồn tâm
Dập đầu lạy ngọn cỏ
Sự sống hãy bật mầm
 
Bước tiếp và đi tiếp
Dẫu thu tàn đêm đông
Những trái tim bất tử
Rải tình thương ấm lòng
 
Hư không về lại hư không
Lửa tàn sót cánh sen hồng bao dung
Chuông từ bi
Trống đại hùng
Cam Lồ dõng mãnh phủ trùm tam thiên...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

READ MORE - CAM LỒ - Thơ Tịnh Bình

MỘT TƯ LIỆU QUÝ VỀ TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRI - Võ Văn Cẩm + VIDEO ĐỒ HỌA - Trương Quốc Hòa





MỘT TƯ LIỆU QUÝ VỀ 

TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ

 

   Cảm ơn KTS Trương Quốc Hòa, một đồng môn tài năng, tâm huyết, đã dành nhiều thời gian, trí tuệ để hoàn thành "VIDEO NGUYỄN HOÀNG NGÀY XƯA",  một tư liệu vô cùng quý giá và ý nghĩa dành cho ngôi trường Trung học đầu tiên và lớn nhất tỉnh: Trường Trung học Công lập NGUYỄN HOÀNG. Trường mang tên vị Chúa Tiên triều Nguyễn, năm 1558 ngài dừng chân dựng nghiệp ở Quảng Trị, mở mang bờ cõi Phương Nam, đến đời Vua Gia Long thì thống nhất đất nước từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau (1802).

 

 Ngôi trường Nguyễn Hoàng chỉ tồn tại được 25 năm thì mất tên (1951-1975).


 Khi chiến tranh không còn, thì ngôi trường ấy có tên khác: Trường cấp 3 Triệu Hải. Mấy năm sau đối thành trường THPT Thị xã Quảng Trị cho đến nay.

 

   25 năm không dài nhưng đã đào tạo nhiều thế hệ học trò thành danh. Dù tên trường đổi khác nhưng mảnh đất học ấy đã sản sanh nhiều thế hệ trò ngoan thầy giỏi, nhiều tài năng vượt trội.


 Những năm đầu thập niên 1970, chiến tranh lan rộng, học trò NH phải di tản nhiều nơi.  Khi hòa bình lập lại thì học trò Nguyễn Hoàng tứ tán khắp năm châu bốn bể.

 

  15 năm lưu lạc, cuộc sống tương đối khá hơn, học trò NH tìm gặp nhau như đàn chim tìm về tổ, tìm một nơi chốn để quay về, có dịp ôn lại những kỷ niệm của tuổi học trò, tìm lại những dấu ấn khó phai thời niên thiếu ở quê nhà.

 

  Năm 1992 lần đầu tiên Cựu HSNH Quảng Trị tại Sài Gòn gặp mặt, một thời gian sau sân chơi này được lan rộng nhiều nơi trong và ngoài nước. Sinh hoạt đa dạng và phong phú với tinh thần: ĐOÀN KẾT, THƯƠNG YÊU và CHIA SẺ.

 

 Sân chơi Cựu HSNH có những hoạt động vô cùng ý nghĩa như:

  * Trợ cấp gần 2000 suất học bổng cho con em Cựu HSNH học giỏi, khó khăn, do các nhà hảo tâm và Mạnh Thường Quân, đặc biệt có Cựu HSNH khá giả tài trợ. Quỹ Học bổng ấy đến nay vẫn tồn tại.

  * Giúp hàng trăm trường hợp Cựu HSNH và bà con đồng hương gặp khó khăn, tai nạn, bệnh tật. Có trường hợp Cựu HSNH trong và ngoài nước chung tay chia sẻ lên đến 150 Triệu/người. 

  * Kịp thời động viên, khuyến khích những tài năng trẻ con Cựu HSNH và các cháu quê nhà có thành tích xuất sắc, đạt giải cao trong các cuộc thi. 

 

  Nơi mảnh đất thân yêu của trường, Cựu HSNH Quảng Trị từ mọi miền đất nước  và nước ngoài, đã 6 lần quay về tụ hội, quây quần bên nhau, nhìn ngôi trường cũ mà quặn lòng thương nhớ.

 

  Vào những năm của thập niên 1990, một số Cựu HSNH Quảng Trị tại Sài Gòn như anh Nguyễn Bảo, chúng tôi và quý thầy Phan Cung hiệu trưởng trường cấp 3 Triệu Hải, Thầy Hoàng minh Long nguyên hiệu trưởng trường THPT Thị Xã Quảng Trị đã ký thỉnh Nguyện thư xin lại tên trường Nguyễn Hoàng. Nguyện vọng chính đáng ấy đến nay chưa được giải quyết. Chúng ta vẫn kỳ vọng về yêu cầu mà tất cả Cựu HSNH mong muốn, chỉ còn lại thời gian?

 

   Hoạt động Cựu HSNH không có tính kế thừa, có lẽ vì thế mà sinh hoạt của đồng môn gắn bó, keo sơn. Sinh hoạt càng ngày càng đông vui và nhiều chương trình hấp dẫn, dù ở trong hay ngoài nước. Những buổi họp mặt dù ở Mỹ, Canada hay Việt Nam đều quy tụ rất đông Cựu HSNH nhiều nơi về dự.


 Gần đây nhất khi dịch Vũ Hán tái phát, quê hương Quảng Trị bị ảnh hưởng. Cựu HSNH phát động chương trình "Vì quê hương" được Cựu HSNH trong và ngoài nước tiếp sức, đem lại hiệu quả cao, thể hiện tinh thần, truyền thống, sức mạnh đoàn kết, thương yêu, chia sẻ của Cựu HSNH đã hoạt động từ lâu nay.

 

  Chúng ta hãy ngoái đầu nhìn lại, có hàng trăm đầu sách của nhiều vùng miền trong và ngoài nước, ghi lại những kỷ niệm của nhiều thế hệ học trò, thầy cô  Nguyễn Hoàng như:

  * Kỷ yếu Nguyễn Hoàng Quảng Trị ở Mỹ.

  * Nhiều tập đặc san của của Cựu HSNH kỷ niệm họp mặt hằng năm ở nhiều Bang Mỹ, Canada,

  * 12 tập Nguyễn Hoàng Chân dung và Kỷ niệm, có gần 7000 trang sách, hình ảnh và hàng ngàn bút tích kỷ niệm, cùng nhiều câu chuyện thú vị về ngôi trường, đặc biệt có danh sách hàng ngàn học sinh và cô thầy 25 năm Nguyễn Hoàng tồn tại, do Cựu HSNH tài năng tâm huyết Võ thị Quỳnh ở Huế biên soạn. Quỳnh đã kính tặng ông Nguyễn Thiện Nhân Bộ trưởng Bộ Giáo dục với tham ý xin lại tên trường.

 * 10 tập Hương Quê Nhà do Cựu HSNH Quảng Trị tại Sài Gòn biên tập.

  * Đặc san kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường Nguyễn Hoàng do Cựu HSNH QT tại Huế chủ biên.

  * Nhiều đặc san của Cựu HSNHQT tại Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Đà Nẵng, Huế và nhiều đặc san của khối, Lớp, Nhóm và cá nhân.

  Tất cả bài viết do Cựu HSNH trong và ngoài nước gồm: văn, thơ, nhạc, hình ảnh của thầy trò liên quan đến trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị.

  * Ngoài ra Bao Lam, một Cựu HSNH có tham vọng làm một trang sách mạng, ghi lại những kỷ niệm, bút tích, hình ảnh, bài viết, những sinh hoạt Cựu HSNH, học sinh Liên trường Quảng Trị trong và ngoài nước. Đặc biệt là danh sách Thầy cô, cán bộ, Nhân viên và Cựu HSNH từ 1950 đến 1975. Tôi kỳ vọng đây là một tư liệu bổ ích cho Cựu HSNH trong  nước và ngoài nước tìm kiếm nhau và tham khảo. Đang chờ mong sáng ý ấy sớm trở thành hiện thực.

  * Gần đây có một Cựu HSNH tài năng trí tuệ, tâm huyết,  một Cựu HSNH thành đạt: KTS Trương quốc Hòa (Hoa Trương). Chính anh tự sưu tập tư liệu, hình ảnh về ngôi trường mà anh đã học, nhờ kiến thức chuyên ngành đồ họa Kiến trúc, anh mày mò tham khảo bạn bè, thầy cô, vì anh là thế hệ sau cùng, do chiến tranh lan rộng, thời gian theo học quá ít, nên những hình ảnh, dấu ấn về ngôi trường không được nhiều.

 

  Năm 1972 ngôi trường không còn dấu tích do chiến tranh tàn phá, thành phố Quảng Trị chỉ còn lại những đống gạch loang lổ. Trong anh những hình ảnh không nhiều, nhưng để có tư liệu trong video anh thực hiện, nhờ kiến thức chuyên ngành mỹ thuật đồ họa, am hiểu sâu về photoshop, kiến thức ấy giúp anh dễ dàng biến những ý tưởng, những hình ảnh cũ của trường thành tư liệu quý giá. 


 Quan trọng là những phần chính của ngôi trường, cần độ chính xác cao.

 

 Tôi được xem video mà anh gọi là chưa hoàn chỉnh và sẵn sàng đón nhận những đóng góp của thầy cô và tất cả Cựu HSNH trong và ngoài nước, anh mong tư liệu lưu lại phải chuẩn xác và đồng thuận.

 

  Xem xong tôi rất thán phục tài năng, tâm huyết, cùng sự quý mến của thầy cô, bạn bè và đặc biệt là những ân tình, dấu ấn ở ngôi trường thân thương, anh đã tham gia nhiều buổi sinh hoạt, nhất là qua 6 lần hội ngộ trên mảnh đất mà anh đã hoc, đã về dự.

 

 Với tư liệu quý giá này ít người làm được, tôi nghĩ như thế, vì đây thuộc lãnh vực công nghệ cao, chuyên ngành. Đòi hỏi người làm phải có tâm huyết, đam mê, yêu thích công trình mình thực hiện, phải am hiểu đồ họa, kiến trúc, mỹ thuật, xử dụng vi tính thành thạo. Phải có điều kiện kinh tế, thời gian, phương tiện và có mối quan hệ tốt, một việc làm hoàn toàn tự nguyện và không mưu cầu một quyền lợi nào.

 

  Khi xem xong, tôi có đôi điều trăn trở, với tâm niệm của một Cựu HSNH đi trước, tôi mạnh dạn góp ý:

 

 Với nội dung và hình thức của Video tôi không chê vào đâu được, hơn nữa chính tôi cũng không nhớ rõ quang cảnh của trường thời tôi học. Tôi không tài nào nhớ được khi tuổi còn quá nhỏ của một học sinh nhà quê.

 

  Nhưng xem những đoạn Video, với màu sắc quá đẹp, với không gian của trường quá hiện đại, quy mô, những phần hư cấu quá tuyệt vời, kỹ thuật chọn lựa màu sắc quá tinh túy, khiến người xem, ngay cả người trong cuộc cũng khó nhận ra hư thật?.

 

 KTS Trương Quốc Hòa biến quang cảnh ngôi trường NH tôi học thời ấy không kém gì ngôi trường đạt chuẩn hiện nay.  Hình ảnh và sắc màu làm tôi thấy có cái gì đó khác khác   với ngôi trường tôi học?. Không biết tôi có chủ quan không?.

 

  Một tư liệu thì phải thật, không khác biệt quá nhiều với hiện hữu, dù tư liệu ấy cũng cần những hư cấu. Video này dựng lại là một điều tất yếu, vì chiến tranh xóa mất không để lại một dấu tích nào của trường.

 

  Trước năm 1972, Miền Nam Việt Nam phim ảnh chưa có màu, chí có máy hình Polaroy, chụp lấy liền là có màu.


  Hình ảnh trong Video quá sắc sảo, màu sắc quá tuyệt. khi xem xong tự nhiên trong đầu tôi có một sự so sánh?. Tôi thấy lạ lạ, có phải trường mình không?. Nhờ bảng tên cổng trường, nhưng cảnh trường tôi không tài nào hình dung ra?

 

 Tôi đề nghị nên dùng phim trắng đen làm tư liệu, làm cho người xem không có khái niệm nghi ngờ thật giả?. Trường NH đẹp vậy ư?. Có thể cảnh trường ấy được xây dựng, tu tạo khí tôi rời xa trường?

 

 Tôi cũng như mọi người đều đồng ý  video màu đẹp hơn video đen trắng.  Nhưng đây là tư liệu, không cần quá đẹp,  khiến người xem có sự so sánh. Người xem không nhận ra nơi mình từng học?

 

  Trước đây Hòa, Trạn, tôi, có cả Bao Lam,  nhiều lần bàn luận, kể cả cái cổng trường mà anh Thăng và Bùi Phước Vĩnh mượn từ cổng trường Ngô Quyền Biên Hòa chế tác lại thành cổng trường NH mà ta dùng lâu nay.

 

 Không bàn nữa, chúng tôi tôn trọng mọi ý kiến và có quyền bảo lưu quan điểm của riêng mình.

 

  Nên trong Video phiên bản cuối cùng, tác giả dành tặng cho tôi video trắng đen "Trường trung học Nguyễn Hoàng xưa", đúng tâm ý của tôi và tôi chủ quan cho tư liệu này mới chuẩn mực.

 

  Xin cảm ơn Hoa Truong. Chính món quà mà Hòa tặng là câu trả lời cho bạn bè gởi thư hỏi tôi "Tại sao Tác giả ưu ái tặng tôi Video đen trắng mà tôi thích?".


 Tất cả những tư liệu trên trở thành tài sản Vô giá của Trường Trung học đệ nhất và Nhị cấp Nguyễn Hoàng Quảng Trị.

 

     Sài Gòn 8/9/20.

      Võ văn Cẩm


READ MORE - MỘT TƯ LIỆU QUÝ VỀ TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRI - Võ Văn Cẩm + VIDEO ĐỒ HỌA - Trương Quốc Hòa

KHÁI NIỆM ĐÊM # 2 – Thơ Khaly Chàm

 
 
                         Nhà thơ Khaly Chàm

 
khái niệm đêm #2
 
nhảy múa thét gào
hàng tỉ vi trùng hỗn loạn
trong vuông ngực thời gian
huyễn hoặc lời mật niệm
một thế giới chúng sinh
luôn với nỗi khát thèm
ảo ảnh lấp lánh màu địa ngục
 
đêm móng vuốt
thè lưỡi toả sáng giấc mơ ẩn dụ
những bóng dục tình sinh sản
em loài ngựa bí ẩn quyến rũ hạnh phúc
hí vang theo nhịp cuồng hoá lửa
tôi đã thay đổi dáng hình
 
khuôn mặt của sợ hãi
mắt hố thẳm quá khứ ám ảnh niềm tin
bàn tay co rúm lời trối trăng
con chữ ngửa mặt khinh bỉ tư duy
trong tâm thức nụ cười vang âm mũi nhọn
hơi thở nơi đâu chẳng kịp về
báo hiệu cho chúng ta ngày cứu rỗi
 
tptayninh hè 2015
khaly chàm
 
READ MORE - KHÁI NIỆM ĐÊM # 2 – Thơ Khaly Chàm

TÌM VỀ LỜI CHÚC: THIÊN HẠ THÁI BÌNH - Lê Quang Thái

 

Nhà giáo Lê Quang Thái

Tìm về lời chúc: Thiên hạ thái bình

Lê Quang Thái

 

Chữ Hán, chữ Nôm thể hiện thần thái thánh hiền qua nét viết. Một khi lên bút mà sảng khoái tinh thần thì viết chữ có thần lực. Đồ chữ lại cho đậm nét khiến cho chữ viết mất thần, còn gì là nghệ thuật nữa. Cứ xem nét chữ thì biết được tính khí, nhân cách, thậm chí vận mệnh của người viết biểu cảm bằng ý nghĩa và nội dung của bài viết.


Tiêu biểu chọn thành ngữ gồm 4 chữ đúc: THIÊN HẠ THÁI BÌNH, viết là 天下太平. Viết sao cho cân phân, cho đẹp còn là nghệ thuật làm cho chữ nghĩa thăng hoa.

 

I. Tìm về căn nguyên

 

Còn gì hạnh phúc bằng được sống trong cảnh tượng thái bình. Không phải chỉ ở chốn cung đình, chốn tao đàn người xưa mới nói đến ý nghĩa cao đẹp của thành ngữ “THIÊN HẠ THÁI BÌNH” mà ở chốn hương trung cư dân vẫn dùng thành ngữ ấy trong tế tự, lời chúc phúc đầu năm mới hoặc lễ hội.

 

Năm Trùng Hưng thứ 4 (1288) đời vua Trần Nhân Tông, quân dân nước Đại Việt chiến thắng giặc Nguyên, nhà vua ban chiếu đại xá thiên hạ, mở tiệc ăn mừng 3 ngày, gọi là “THÁI BÌNH DIÊN YẾN”. Ở kinh đô Thăng Long và các phố thị đều treo cờ kết hoa, bày các trò múa hát, đua thuyền và đốt pháo bông cho thần dân vui vẻ hưởng cảnh đất nước thanh bình.

 

Tháng 9 năm 1924, lễ tứ tuần đại khánh vua Khải Định khắp hai bên đường ở kinh thành Huế, thiết dựng những khải hoàn môn, kết lá xanh tươi, dán chữ Thọ và chữ Phúc bằng hoa rực rỡ. Ở trên kỳ đài và những cột cờ bên vệ đường đều treo cờ Rồng Vàng lẫn với cờ ngũ hành, cờ đuôi nheo, cờ long phượng nhật nguyệt.

 

Quốc sử đã từng ghi chép việc tổ chức yến tiệc lớn bằng thuật ngữ diên yến. Ở phương Đông, thời cổ đại đã định rõ 8 thứ đồ ăn quí ở cung vua gồm: 1- Gan rồng, 2- Tỹ phượng, 3- Thai báo, 4- Đuôi cá gáy, 5- Chả thịt cú, 6- Môi đười ươi, 7- Bàn tay gấu, 8- Nhương heo non (tức lợn con quay).

 

Về sau thường đổi ra 8 thứ: 1- Yến sào, 2- Hải sâm, 3- Bào ngư, 4- Hầu xỉ, 5- Lộc cân, 6- Cưu không, 7- Tề bì, 8- Hùng chưởng.

 

Còn việc treo cờ trên kỳ đài và những cột cờ bên đường phố được quy định thành điển lệ khác nào pháp lệnh đã trở thành truyền thống của kỷ cương phép nước. Ngày nay thường lạm dụng việc treo cờ truyền thống dân tộc ở những nơi không đúng cách, xét thấy cần chấn chỉnh để tránh được lời nói ra, kẻ nói vào.

 

II. Thiên hạ thái bình

 

Dựa theo cấu tạo từ mà phân tích từng con chữ một của thành ngữ chữ Hán lung linh ấy, đó là một cái thú vị khi nhìn các loại thần kỳ tung bay trước gió. Thật khó tìm cho được 4 từ thuần Việt mạch dịch ra Việt ngữ thành ngữ ấy đã sống mãi và sống mạnh với thời gian xưa nay. Tiện nhất là đọc hoặc viết y nguyên mà người nào cũng hiểu, cũng cảm được. Bất câu là việc gì, nghề gì; giữ chức phận nào trong gia đình và ngoài xã hội nếu thiên hạ nghiêm cẩn mà tưởng nghĩ đến 4 chữ đúc cao sang và thiêng liêng ấy.

 

Kinh doanh để sinh lợi, hái ra tiền; quảng cáo để bán chạy hàng; dạy học để đào tạo nhân tài chắc rằng không nên để cái lợi đè cái nghĩa. Nghĩa với đồng bào Tiên Rồng là nghĩa đẹp nhất, cao cả nhất, linh diệu nhất.

 

1. Chữ “THIÊN” (天): trời, bầu trời, ông trời, ngày, thời tiết, cái không thể thiếu được, cái lớn nhất: Nhất đại chi vị thiên (cái lớn nhất trong thiên hạ là trời).

 

2. Chữ “HẠ” (下): dưới, bề dưới (trái nghĩa với bề trên); xuống, từ trên xuống dưới; cuốn lại (hạ kỳ hoặc há kỳ), hạ duy (cuốn màn lại).

 

Từ ghép “thiên hạ” có nghĩa là “thế giới”, có khi hiểu là “bốn biển”, chẳng hạn nói “Tứ hải giai huynh đệ”. Người Trung Quốc cổ đại gọi “thiên hạ” có nghĩa là “chung cả đất nước”. Ngày nay người Việt Nam dùng hai tiếng “thiên hạ” để chỉ người khác. Tùy theo văn cảnh mà hiểu ý người nói: Thiên hạ quên hết rồi. Và khi đang nói chuyện với người thân mà dùng từ ghép “thiên hạ” để trách móc hoặc nói khoáy.

3. Chữ “THÁI” (太): có khi viết như chữ “Đại” (大), không có dấu chấm (.) hoặc viết thành nhiều nét như chữ “thái” (泰) có nghĩa là “thịnh”, “thịnh vượng”, “thịnh trị”. Đền Xã Tắc thờ thần “Thái xã” và thần “Tái tắc”.

 

4. Chữ “BÌNH” (平): yên lặng, vô sự; còn có nghĩa “bình an”, “thái bình”, “Hòa Bình”. Nhà Phật gọi là “an lạc”. Ở kinh thành Huế có lầu Tứ Phương Vô Sự gần cửa Hòa Bình.

 

Gom ý lại “THÁI BÌNH” có nghĩa là “rất bình yên” hoặc “đời thịnh trị”. Đời thái bình cửa thường bỏ ngõ; chợ không bán hai giá, không hề có cảnh “treo đầu heo mà bán thịt chó” bao giờ.

 

III. Thiên hạ thái bình là hạnh phúc lớn nhất cho quốc dân

 

Gom ý lại cho dễ hiểu, “thái bình” có nghĩa là “rất yên bình”. Người Pháp bám sát kinh điển phương Đông dịch là “paixprofonde”. Họ thêm chữ “profonde” có nghĩa là “có chiều sâu”, “lâu dài”, “thâm hậu”. Phải có sáng tạo trong dịch thuật mới dịch chuẩn mực như thế. Đồng nghĩa với “thái bình” có từ ghép “thăng bình”. Người Việt dùng các thuật ngữ như “THÁI BÌNH”, “HÒA BÌNH”, “THĂNG BÌNH” để trên đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện mà thanh thoát nâng cao lũy tiến để nói được cảnh đất nước thái bình thịnh trị như ý nghĩa của câu đối cổ:

 

HOA ĐỘNG NHẤT THÀNH XUÂN NIỂU NA

CA HÀM VẠN HỘ QUỐC THĂNG BÌNH

 

Dịch là:

 

Hoa nở khắp nơi xuân lả lướt

Hát mừng vạn hộ nước thái bình

 

“Niểu” có nghĩa mềm mại, dịu dàng như sợi tơ, như thiếu nữ đẹp đẽ, nết na và thùy mỵ. Một lối sp sánh, ví von thật đồng tình, đồng điệu, giàu sinh khí.

 

Biểu thái ngữ nghĩa có từ “thái bình” theo tiến trình tăng tốc lũy tiến: Hòa bình, Thái bình, Thanh bình, Thăng bình. Ngôn từ Việt - Hán thật phong phú, đa thể, đa dạng. Người nước ngoài học tiếng Việt ngán nhất là phát âm một cách tự nhiên theo đúng 5 dấu giọng; cái thứ hai là diễn nghĩa, dịch nghĩa tương đồng giữa hai ngôn ngữ khách - chủ bằng cách “dựa vào tích để dịch ra tuồng”.

 

Tết Nguyên tiêu năm Tân Mão, 2011 có một số nhà tân học đồng tình cho rằng năm Tân Mão là năm con Mèo và trong ngôn ngữ cổ điển của Việt Nam không có từ ghép “HẠNH PHÚC”. Hạnh phúc là từ mới chỉ xuất hiện đầu thế kỷ 20 nhờ các nhà dịch thuật tiền bối dịch từ chữ “Bonneur” của tiếng Pháp ra tiếng Việt.

 

Nghe ra không phải vậy. Có “cái hạnh”, “điều hạnh”; có “cái phúc” cho mỗi cá thể thì cũng phải có “cái hạnh”, có “cái phúc” cho nam thanh nữ tú nguyện sống chung, kết tóc xe tơ. Hôn nhân mở đầu cho việc xây dựng gia đình. Theo các sách Chu lễ và Lễ ký đã từng ghi chép câu: “Phối thất chi tế, vạn phúc chi nguyên”. Dịch là: “Việc hôn nhân là gốc của muôn hạnh phúc” và sách lại ghi rõ: “Lục lễ bất bị, trinh nữ bất xuất”. Vậy thì hạnh phúc trong cưới hỏi, lập gia đình đâu chỉ là chuyện của đôi nam nữ, cô dâu và chú rễ. Cheo làng cưới họ còn đó. Truy cứu hai từ hôn nhân mới thấy rõ điều này: “NHÂN” là nhà chú rễ, “HÔN” là nhà của người vợ. Học giả Đào Duy Anh đã giải thích rằng: Hôn nhân là: hai nhà kết hôn. Tình thông gia (mariage, alliance).

 

Gia đình có hạnh phúc thì giòng tộc hưởng được phúc ấm, xã hội bình an, đất nước tự chủ và thịnh trị theo quy trình liên hoàn mà cũng là phương châm: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Trong hạnh phúc gia đình như đã tiềm ẩn, chớm nở hạnh phúc giòng tộc, hạnh phúc cho làng xã và cho đất nước. Nghĩa hai từ vạn phúc thoáng rộng hơn từ ghép hạnh phúc, có hạnh phúc riêng tiềm tàng và được bao bọc, che chở của hạnh phúc chung để được mỗi người, mỗi gia đình được an hưởng cảnh thái bình.

 

Trong “hạnh” đã có mầm sống của “phúc” và trong “phúc” đã tiềm tàng, chở che “cái hạnh”. Minh triết dân gian dạy rằng:

 

Ta trồng cây hạnh mà chơi

Người trồng cây phúc để đời cho con

 

Từ trong cảo thơm, chúng tôi nhặt ra được các từ ghép: ngũ phúc, thiên phúc, vạn phúc. Làng Vạn Phúc ở tỉnh Hà Đông nổi tiếng với nghề dệt lụa để may áo cho thiếu nữ. Sản phẩm được tiến vào tận cung vua để may áo cho hoàng hậu, cung phi và công chúa. Ở thủ đô Hà Nội có chùa cổ Vạn Phúc.

 

Nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan (1932-1998) đã viết trong bài “Áo lụa Hà Đông”:

 

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

 

“Áo lụa Hà Đông” là một trong 100 bài thơ tình hay do Hội Nhà văn bình chọn năm 2007 tại Hà Nội.

 

Chúng tôi đã cất công đi tìm những câu đối cổ viết bằng chữ Hán mà các tác giả đã tận dụng và vận dụng vào thủ pháp chỉnh đối của thể tài văn học về đối liễn. Xin nêu vài, trên vài dẫn chứng tiêu biểu để minh họa làm sáng tỏ, nhằm phản biện lại luận cứ “trong văn chương cổ điển của nước nhà không tìm thấy hai từ “hạnh phúc”.

 

- Câu đối thứ nhất:

 

Thiên thu đại nghiệp tòng kim nhật tố khởi

Vạn đại hạnh phúc song phủ đoạt lai

 

Trong tác phẩm công trình biên khảo “CÂU ĐỐI HOÀNH PHI CHỮ HÁN TINH TUYỂN” xuất bản năm 2006, tác gia Công Sĩ đã dày công sưu tầm và dịch thuật như sau:

 

Đại nghiệp thiên thu từ hôm nay gây dựng

Hạnh phúc muôn đời bằng đôi tay đoạt về

 

- Câu đối thứ hai:

 

Hạnh phúc hoa khai nghênh bách phúc

Cát tường điểu xướng báo thiên tường

 

Dịch là:

 

Hạnh phúc hoa nở đón trăm phúc

Vận may chim hót báo ngàn may

 

- Câu đối thứ ba:

 

Thụy tiết phô hình phú dụ lộ

Xuân phong xuy khai hạnh phúc môn

 

Dịch là:

 

Tuyết tốt trải bằng đường giàu có

Gió xuân thổi mở cửa hạnh phúc

 

- Câu đối thứ tư:

 

Đồng tẩu hạnh phúc lộ

Cộng hưởng thái bình niên

 

Dịch là:

 

Cùng đi đường hạnh phúc

Chung hưởng năm thái bình

 

Mừng xuân mới năm Nhâm Thìn, 2012, kính chúc mọi người, mọi giới hưởng trọn niềm hạnh phúc chung của dân tộc Việt cùng với các dân tộc anh em vượt qua cảnh ngộ, hoàn cảnh để tận hưởng hạnh phúc chung:

 

LONG NIÊN TRÌNH LONG THỤY

XUÂN TIẾT DẬT XUÂN QUANG

 

Tạm dịch:

 

Năm Rồng hiện điềm Rồng

Trời Xuân ngập ánh Xuân.

 

L.Q.T

Nguồn: lieuquanhue, 31/01/2012.

READ MORE - TÌM VỀ LỜI CHÚC: THIÊN HẠ THÁI BÌNH - Lê Quang Thái