Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, June 22, 2021

LỜI TÌNH BUỒN – Thơ Nhật Quang

 
 
       Nhà thơ Nhật Quang

 
Lời Tình Buồn
 
Cơn mưa chiều tháng Sáu
Cứ rơi nhanh rơi nhanh
Có tan đi nỗi nhớ
Có vơi đi nỗi buồn?
 
Giọt mưa chiều vẫn tuôn
Lơi rơi cành lá úa
Còn lạnh lùng trong ta
Con tim sầu tan tác
 
Mưa chiều rơi man mác
Mênh mang lời tình buồn
Có con chim nào hót
Để ta quên xót xa?
 
Chỉ còn lại nhạt nhoà
Tiếng mưa chiều ray rứt
Lời tình buồn tình buồn
Ta ngồi khóc, nhớ ai?
 
                  Nhật Quang
  
READ MORE - LỜI TÌNH BUỒN – Thơ Nhật Quang

CHÙM THƠ “ĐỊNH MỆNH” CỦA LÊ VĂN TRUNG


 


ĐỊNH MỆNH
 
Tôi sấp ngửa đời tôi những lá bài định mệnh
Như cuộc tình tôi sấp ngửa giữa tai ương
Em như mây như sương như nỗi buồn tôi chập chùng ẩn hiện
Như mùa thu tôi vàng úa mộng hoang đường
 
Tôi sấp ngửa đời tôi em sấp ngửa nỗi buồn
Con xúc xắc tung trăm lần vẫn rơi về hệ lụy
Em sấp ngửa tình tôi đồng xu cứ xoay hoài trên mặt đời lửa cháy
Tôi xoay tròn lảo đảo cuộc trăm năm
 
Ngọn gió oan khiên thổi suốt cuộc thăng trầm
Tôi úa lá rơi buồn trên mặt đất
Cuộc người kiếm tìm ngàn năm những cái còn cái mất
Nhát dao đời trăm vết chém dọc ngang
 
Tôi sấp ngửa đời tôi như tên lãng du phung phí những đam mê giữa giông bão điêu tàn
Em sấp ngửa cuộc tình tôi cứ đổ về quên lãng
Rơi mặt nào giữa hai màu tối sáng
Rơi mặt nào cũng tay trắng về không
Rơi mặt nào cũng thiên cổ phù vân
Dấu định mệnh in hằn trên lá bài sấp ngửa.
                                
 
ĐỊNH MỆNH THI SỸ (*)
(Thơ cho Cõi Lặng Im)
 
Này ngươi
Thi sỹ của mọi thời đại
Thi sỹ của những thi sỹ
Hãy nhận lấy vinh quang đời ngươi
Là nỗi khổ đau của nhân loại
Hãy nhận lấy hào quang đời ngươi
Là niềm thống hối đã Thánh hóa bằng phép rửa nhiệm mầu
Hãy nhận lấy ân huệ đời ngươi
Là những ly tan vỡ nát trong trái tim chuộc tội
Hỡi thi sỹ vĩ đại của thiên thu vĩ đại
Con đường hủy diệt đang chờ đợi ngươi
Sau bữa tiệc mừng phục sinh
Thơ ngươi sẽ ép thành rượu nho
Tưới lên những đóa hoa hồng
Trên cánh đồng Sự Sống
Mỗi nụ hoa là một nỗi khổ đau
Về một điều ước
Mỗi nụ hoa là một vì sao
Trong bầu trời Sự Thật
Này ngươi
Thi sỹ của Quê Hương Lưu Đày
Thi sỹ của Ngục Tù Nô Lệ
Của một chủng tộc đánh mất cội nguồn
Của ảo tưởng về một vỹ nhân
Của những lừa bịp nhân danh công lý
Nhân danh tự do và bánh mì
Hãy nhận lấy vòng hoa cuối cùng
Vòng hoa tang
Vòng hoa tang cho một Tổ Quốc bị bức tử
Hơn hai trăm năm
Như một Israel khác.

Lê Văn Trung
 
(*) Chữ của Kahlil Gibran

  

READ MORE - CHÙM THƠ “ĐỊNH MỆNH” CỦA LÊ VĂN TRUNG

CHỈ LÀ GIẤC MƠ – Thơ Vĩnh Thuyên

 
 
                              Nhà thơ Vĩnh Thuyên


CHỈ LÀ GIẤC MƠ
 
Những con đường đã đi qua
Không làm sao nhớ nổi
Mỗi một con đường
Nhiều quanh co khúc khuỷu
Không thể nào quên được
Là con đường trở về
 
Nhiều đêm mong mỏi dù một lần
Vì em đã dậy trưa nên không bao giờ nhìn thấy
Những giọt sương khóc với cành mềm
 
Và nếu không có ngày trở về
Làm sao biết được
Bạn bè tôi đứa còn đứa mất
Đứa ở thật xa đứa ở cũng gần
Vì cơm-áo nên xa dần tình nghĩa
 
Nếu có ngày trở về
Dù đong đầy bạc tiền và nước mắt
cũng không đổi được thời gian
Không còn lại gì…
Còn một giấc mơ!
 
VĨNH THUYÊN
 
*
 
Tên thật: Dương Văn Thạnh
Email: duongvnhthuyen@gmail.com
Long Thành, Nam Hòa Thành, Tây Ninh
 
READ MORE - CHỈ LÀ GIẤC MƠ – Thơ Vĩnh Thuyên

THÁNG SÁU... MỘT THOÁNG XA XĂM, NÀY ANH – Thơ Đan Thuỵ



 
THÁNG SÁU... MỘT THOÁNG XA XĂM
 
Chạy dọc niềm tin anh lặng lẽ tìm…
khi hè về tháng sáu
Người thiếu nữ có trái tim nhân hậu
Con phố hồn nhiên, chiều rong duổi
Lơ đãng bâng quơ, khuấy động nỗi niềm
 
Anh cúi nhặt tiếng cười em trong gió
Hoa bằng lăng tím góc phố chiều nay
Con đường nhỏ nắng trải đầy thương nhớ
Dưới chân mình xào xạc tiếng lá reo
 
Tháng sáu
bầu trời xanh hơn, cao hơn
Những tia nắng len mình qua tán lá
Ghé chạm cánh phượng hồng mềm mại
Nồng nàn như mùa hạ mênh mông
 
Tháng sáu đến rồi! qua rồi
em có về không?
Nơi riêng anh với Loa Kèn vẫn đợi
Năm tháng trôi vô tình như gió
Cố nhặt lại mình trong nốt lặng tiếng ve
 
Anh trở về tìm nỗi nhớ mông mênh
Thương se sẻ trên cành xanh đợi bạn
Nơi bối rối...
không lời yêu vội vã
Một thoáng xa xăm...
tháng sáu vô tình
 
 
NÀY ANH...
 
Nắm chặt tay nhau đi anh
cùng viết nên vần thơ sau những nụ cười
để nghe tiếng chiều rơi thầm lặng
đừng buông tay khi dòng thơ im vắng không lời
 
Những ngày xa em
anh bảo tim mình trống vắng
thiếu tiếng cười anh vô tình làm rơi nơi hò hẹn
em bối rối cố tình giữ chặt làm tin
như tình yêu thầm thì ủ kín đóa hồng gai...
 
Bàn tay em vô tình chạm vào kí ức
sợ làm đau kỉ niệm nhiệm màu
lặng lẽ gửi anh lời yêu dấu kín
trên câu thơ ngắn- dài như màu nắng trên cao
 
Có một ngày
giữa khoảng lặng mênh mang
bóng hoàng hôn như lời anh gọi thầm tên em
trong tiềm thức tự ru mình bằng nỗi nhớ
sẽ hiểu tình em giành cho anh là mãi mãi
câu thơ ngắn- dài vô tận những niềm đau
 
Có một ngày
mây trắng về giăng mắc mái tóc nhau
anh bảo ước mơ của anh đã dần đầy
cho dẫu ước mơ cũng chỉ là mơ ước
hoà quyện khát khao không có dáng hình
em vẫn nghe tim mình ấm- nóng một vòng tay...
 
Đan Thụy
 
*
Bút danh: Đan Thụy
Tên thật: Đàm Thị Hải
Công ty Tây Ninh CoSinCo
KM27, QL22B, Long Thành Nam
Hoà Thành - Tây Ninh
Email: damhaitn@gmail.com
 
READ MORE - THÁNG SÁU... MỘT THOÁNG XA XĂM, NÀY ANH – Thơ Đan Thuỵ

GIẤC CHIÊM BAO QUÊ NHÀ, CUỐI MÙA PHƯỢNG BAY... – Thơ Tịnh Bình

 
               Nhà thơ Tịnh Bình


GIẤC CHIÊM BAO QUÊ NHÀ
 
Khoảng trời xanh vời vợi
Triền đê cọng cỏ gà
Viên bi vờ lẻn trốn
Mùa gió...
          bướm cùng hoa...
 
Thả lên trời diều giấy
Chấp chới giữa bao la
Giấc hồn nhiên thơ bé
Mơ về phương trời xa...
 
Rồi một ngày ta lớn
Xa vòng tay mẹ cha
Chuyến đò chiều rời bến
Sông đỏ mắt phù sa
 
Bụi thị thành vương mắt
Xốn xang lòng quê xa
Tiếng gà trưa ảo vọng
Giấc chiêm bao quê nhà...
 
 
CUỐI MÙA PHƯỢNG BAY...
 
Lấy gì đong tiếng ve trưa
Màu hoa thầm nhắc mùa xưa dại khờ
Học trò áo trắng ngây thơ
Mùa xa hư ảo đã mờ khói sương
 
Chia tay lưu bút vấn vương
Đành thôi giã biệt mái trường phong rêu
Tùng tùng trống đổ mà yêu
Nồng nàn khúc hạ ve kêu cháy lòng
 
Bướm hồng cánh phượng hoài mong
Tình thư một thuở trắng trong buổi đầu
Xếp vần thơ vụng đôi câu
Nằm im trong cặp úa màu thời gian
 
Lấy gì đong tiếng ve ran
Người tìm dư ảnh cũ càng hạ xưa
Con đường nắng
Con đường mưa
Rắc trời tiếc nhớ cuối mùa phượng bay...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)
 
READ MORE - GIẤC CHIÊM BAO QUÊ NHÀ, CUỐI MÙA PHƯỢNG BAY... – Thơ Tịnh Bình

TỰ TRÀO – Thơ Nguyên Lạc


                     Nhà thơ Nguyên Lạc
 

Nhân ngày Father's Day - chủ nhật 20 tháng 6, tôi post lại bài "Tự Trào" cho vui cửa vui nhà và... buồn mình.
Ở đời, điều khả thi nhất, không sợ "vỡ đầu xức trán" là tự châm biếm, tự chế giễu, tự nói xấu mình. Tôi cũng "tự trào" chắc không ai phiền, phải hôn?
 
I.
TỰ TRÀO CỦA NGƯỜI XƯA
 
Tự trào là tự châm biếm, chế giễu bản thân.
Này nhé:
 
1.
Thiên hạ sinh ra chán vạn nghề
Làm thầy làm thợ lại làm thuê
Có ai làm được như ông nhỉ?
Sáng vác ô đi, tối vác về.
(Tự trào của Trần Tế Xương)
 
2.
Nghĩ mình mà gớm cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng.
(Tự trào của Nguyễn Khuyến)
 
Rõ ràng cả hai ông thi bá này đều buồn về bản thân mình nên  đành châm chọc lấy mình cho đỡ buồn.
Bắt chước tiền nhân, tôi cũng tự chế giễu, tự nói xấu mình xem sao:
 
II.
TỰ TRÀO BẢN THÂN
 
TỰ TRÀO
 
Lão rồi chỉ thích nghĩ vu vơ
Tóc đã tuyết sương mặt thẫn thờ
Vương tửu bốn thang sao cũng hỏng? *
Vai-rờ hai vỉ vẫn im rơ **
Đào tơ cũng chịu làm sao mó?
Gái đẹp đành thua hổng dám sờ
Ấm ức? Tức đi đời thế đó
Ngưng thôi! Đừng tiếc thuở "ba giờ"!
 
Nguyên Lạc
............
 
* Vương tửu/ Minh Mạng tửu: "Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử"
** Vai-rà / Vai- rờ: phát âm của Dược vương Viagra

READ MORE - TỰ TRÀO – Thơ Nguyên Lạc

ĐỌC “DẠ CA” THƠ NGÃ DU TỬ - Châu Thạch

 

 
                      
DẠ CA
 
Ngựa mỏi vó nằm bên chuồng gợi nhớ 
chốn bụi hồng hun hút tận non xa 
và tráng sĩ còn mài gươm đêm lạnh
lời nguyền xưa về thức suốt canh tà 
                                 
Ngã Du Tử
 



ĐỌC “DẠ CA” THƠ NGÃ DU TỬ
                                        Châu Thạch
 
Đọc bài thơ “Dạ Ca” của Ngã Du Tử, nếu ai còn nhớ bài thơ “Thuật Hoài” của Đặng Dung thì sẽ có một sự liên tưởng thú vị.
 
“Thuật Hoài” là bài thơ tự sự của Đặng Dung khi ông đem quân giúp vua Trùng Quang Đế của nhà Hậu Trần, nhưng do lòng người ly tán, quân binh ít ỏi, lương thực thiếu thốn nên cuối cùng đã thất bại. Bài thơ thể hiện ý chí sắt đá của một người anh hùng nhưng không may là không gặp thời thế, công việc chưa xong thì tuổi đã già.
 
 THUẬT HOÀI
 
Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỉ độ long tuyền đới nguyệt ma
 
ĐẶNG DUNG

 
Bản dịch của Phan Kế Bính 
 
Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
 
Từ xa xưa có những tráng sĩ, những danh tướng chỉ để lại cho đời một vài bài thơ mà được người đời sau ca tụng. Những bài thơ của Lý Thường Kiệt, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư nằm trong trường hợp này. Lý Thường Kiệt với bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” có câu “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, Trần Quang Khải có “Đoạt sáo Chương Dương độ”, Trần Khánh Dư có bài Bán Than. Đó là những danh tướng lẩy lừng có hùng thi để lại cho đời.
 
Đặng Dung ngược lại, không phải là một danh tướng có chiến công lẫy lừng. Đặng Dung chỉ là một vị tướng trong sử sách, ông để lại cho đời chỉ có một bài thơ duy nhất, đó là bài Thuật Hoài (hay Cảm Hoài). Với “Thuật Hoài” tên Đặng Dung đã vào văn học sử, và người đời sau khi đọc bài thơ, không ai không thấy cảm hoài...
 
Đọc “Thuật Hoài” lòng ta sẽ cảm động thấy tác giả là một nhà ái quốc, một dũng tướng, một tráng sĩ, mang nỗi sầu triền miên bất đắc chí. Hai câu thơ cuối đem đến cho ta nỗi xót xa, gợi cho ta thấy hình ảnh đẹp tuyệt vời của người tráng sĩ mài gươm dưới nguyệt.
  
Sở dĩ người viết bài nầy nhắc nhiều đến “Thuật Hoài” của Đặng Dung vì “Dạ Ca” của Ngã Du Tử mang đầy đủ hình ảnh của một tráng sĩ mài gươm dưới nguyệt như Thuật Hoài của Đặng Dung mà còn hơn thế nữa, Ngã Du Tử phát họa vào bức tranh “Dạ Ca” toàn cảnh quê hương híu hắt, đến cả nỗi sầu cũng thể hiện trong dáng nằm của con tuấn mã.
  
Hãy đọc câu thơ đầu tiên để nhìn con tuấn mã của Dạ Ca: “Ngựa mỏi vó nằm bên chuồng gợi nhớ”.
    
Bây giờ hãy mời nghe ca từ trong bài hát “Dấu Chân Địa Đàng” của Trịnh Công Sơn để ta đồng cảm với nhà thơ Ngã Du Từ khi nhìn hình ảnh con ngựa “buông vó chùng chân” “nằm bên chuồng gợi nhớ”:
 
“Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
Một đời bỏ ngõ đêm hồng
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em
...........................

Ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vùi
Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền
để người về hát đêm hồng
địa đàng còn in dấu chân bước quên.”
 
Con ngựa của Ngã Du Tử mỏi vó nằm bên chuồng để nghe tiếng dạ ca là tiếng ca của đêm. Con ngựa của Trịnh Công Sơn buông vó nằm nghe “lời ca dạ lan” và nghe cả lời “loài sâu hát lên” lúc nửa đêm. Con ngựa của Ngã Du Tử nằm bên chuồng “gợi nhớ”. Con ngựa của Trịnh Công Sơn nằm nghe hát để “ru mình trong giấc ngủ vùi”, để quên bước chân mình còn in dấu trên địa đàng. Cả hai con ngựa đều có linh hồn, đều biết thương nhớ và đều mang tâm sự của chủ nó. Khác chăng là con ngựa của Ngã Du Tử không nhớ những điều viễn vông, chỉ nhớ “Chốn bụi hồng hun hút tận non xa” là nhớ những tháng ngày oanh liệt theo chủ mình, một kỵ sĩ đi làm việc lớn chăng?
 
 Với câu thơ thữ hai “chốn bụi hồng hun hút tận non xa” Ngã Du Tử dời hình ảnh con ngựa đang yếm thế, đang mỏi vó về một qúa khứ hào hùng, lồng bức tranh bụi hồng, non xa trong bức tranh yên nghĩ, đã nâng giá trị con ngựa, đã làm sống động hình ảnh, tạo thêm  ý nghĩa cho thơ, và đưa thơ vào một hình ảnh khác mạnh hơn, đẹp hơn, ý nghĩa cao vời hơn nứa. Đó là hình ảnh của “Cảm Hoài”, hình ảnh người tráng sĩ mài gươm dưới nguyệt:
   
và tráng sĩ còn mài gươm đêm lạnh       
lời nguyền xưa về thức suốt canh tà 
 
Dạ Ca của Ngã Du Tử khác với “Thuật Hoài” của Đặng Dung, Đặng Dung luận về chuyện đời ở những câu thơ trên, rồi hai câu thơ cuối đột nhiên đưa hình ảnh nổi bậc, thấm dậm nỗi đau nhức nhối của người anh hùng thất thế. Ngã Dũ Tử trong Dạ Ca không thổ lộ tâm tư, không bình luận việc phải trái của đời, nhà thơ chỉ vẽ một bức  tranh “Ngựa Và Người” trong bốn câu thơ đủ nói lên tất cả. 
 
Ngã Du Tử dùng hai câu thơ đầu, nói về ngựa để bộc lộ những hoài niệm, những nhớ thương chất chưa trong lòng tráng sĩ. Ngã Du Tử dùng hai câu thơ sau, nói về người để bộc lộ tư thế hiên ngang, bộc lộ chí khí của người tráng sĩ cùng vận mạng non nước mà người chí sĩ canh cánh bên lòng. Dạ Ca của Ngã Du Tử là một bài thơ Thuật Hoài kiểu mới, đưa tâm sự vào tranh, đưa nỗi lòng vào trong ẩn dụ của thơ, không than van không kể lể dông dài.
 
Ngã Du Tử đặt tựa đề bài thơ là “Dạ Ca” rất hay. Dạ ca là tiếng ca của đêm, đêm ở đây không phải chỉ là đêm để con ngựa “nằm bên chuồng gợi nhớ”, không chỉ là đêm “tráng sĩ mài gươm”, mà còn là đêm rất dài của thời cuộc, của bóng tối trùm lên non nước. Đêm ở đây có thể là “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu/Một trăm năm đô hộ giặc Tây”, nghĩa là đêm của Dạ Ca không chỉ là đêm vật lý mà còn là đêm tâm lý của mỗi con người có tấm lòng khi dất nước chìm trong nghịch cảnh.
 
Đọc Dạ Ca của Ngã Du Tử, ta nghe tiếng ca đó vọng từ ngàn năm, qua bao thế hệ. Khi tổ quốc bình an, đất nước yên vui, không có ai phải mài gươm dưới nguyệt thì tiếng ca đó vẫn tiềm ẩn trong đêm, bởi vì “Lời nguyện xưa” của cha ông chúng ta, của tổ tiên chúng ta vẫn còn “về thức suốt canh tà” để nhắc nhở mỗi chúng ta không bao giờ quên giữ nước. 
                                 
Châu Thạch
 
READ MORE - ĐỌC “DẠ CA” THƠ NGÃ DU TỬ - Châu Thạch