Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, January 21, 2017

PHÍA SAU - Thơ Trần Mai Ngân



                             Trần Mai Ngân


PHÍA SAU

Tôi nhìn em từ phía sau lưng
Lặng thầm và lưng chừng không nói
Cho bốn mùa đi qua bối rối 
Rong rêu xanh bám chặt một tình yêu


Tôi nhìn em không nói lấy một điều 
Phía sau lưng là những gì đẹp nhất
Cứ vô âm trong muôn chiều tất bật
Tôi nhìn em từ một phía sau lưng!

                         Trần Mai Ngân

READ MORE - PHÍA SAU - Thơ Trần Mai Ngân

NẾP TRÁN NGÀY XUÂN - Phan Minh Châu


Ảnh tác giả


NẾP TRÁN NGÀY XUÂN

Đã cận ngày tết đang rút đến chân
Cả thành phố đang rộn ràng đón tết
Mai đang nở và mùa xuân đang đến
Rải tơ vàng lên thảm cỏ Nha Trang
Phố tưng bừng mừng lễ hội đêm xuân
Đèn sáng rực sắc hồng trôi ra biển
Khuya hăm ba nhà nhà lo đưa tiễn
Khói nhang thơm lừng lựng một khung trời...
Đâu biết rằng nơi ấy chẳng xa xôi
Lửa đã bén và khói ngùn ngụt cháy
Một xóm nhỏ chưa kịp mừng năm mới
Đã tan tành theo mồi lửa oan khiên
Bốn mươi ngôi nhà nuôi mấy chục sinh linh
Trong một thoáng đã chìm trong biển lửa
Giọt nước mắt đã chảy từ muôn thuở
Nay lại tràn trên khoé mắt em thơ
Một xóm nghèo rải rác ở triền sông
Làm cật lực không đủ ngày ba bữa
Đói lại đói cái đói dài muôn thuở
Lại màn trời chiếu đất với tang thương
Không cửa nhà không có cả mùa xuân
Chỉ có đó vết hằn lên mắt mẹ
Đêm tháng chạp mưa ướt đầu con trẻ
Em cuộn mình bên liếp ván đầu sông
Có còn không một chỗ để em nằm?
Mơ ước đó đã trôi vào dĩ vãng
Đôi mắt đó suốt một đời hoạn nạn
Đôi mắt em chưa kịp mộng ban đầu
Trời ơi trời mẹ khóc bởi vì đâu
Hết bão lụt lại vướng vào hỏa hoạn
Sống chăm chút từng đồng tiền lương thiện
Mẹ để dành trang trải những ngày xuân
Nào áo quần gạo thóc tựa phù vân...
Trong một thoáng đã thành mây thành khói....
Xuân đã đến tết chan hoà mọi ngã
Mà sao xuân gây thảm cảnh bao người
Ta ngập chìm trong sắc áo xuân tươi
Có nghĩ đến bao cảnh đời cơ cực?
Góp một chút mùa xuân vừa chín tới
Lên mảnh đời chưa trọn một đời xuân...
PHAN MINH CHÂU
Nha Trang


READ MORE - NẾP TRÁN NGÀY XUÂN - Phan Minh Châu

HỒNG TÂM - THƠ VÀ NGƯỜI - Phan Nam



Hồng Tâm



Phan Nam


HỒNG TÂM - THƠ VÀ NGƯỜI


Nỗi chung - riêng trong thơ luôn mang lại cho người đọc những cảm nhận nhất định. Và đối với tôi khi đọc những thi phẩm trong tập “Hồng Tâm - thơ và người” (NXB Hội nhà văn tháng 11 -2016), lòng tôi nghẹn ngào rưc rưng, một số bài thơ có thể chưa thật tròn trĩnh nhưng ẩn chứa trong đó là tiếng lòng và hồn thơ đầy đặn mang lại cho hồn tôi một nỗi niềm khác trào dâng, đó chính là: tình thơ.


Hồng Tâm, bút hiệu của một tác giả trẻ sinh năm 1980, tên thật Lý Thị Minh Tâm, hiện đang sinh sống và làm việc tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Cuộc hôn nhân đỗ vỡ khi đứa con đầu lòng ra đời bị dị tật bẩm sinh, thế là người đàn ông bỏ đi mãi mãi, để lại mái nhà với một người mẹ, người vợ mỏi mòn trông ngóng và một đứa con chỉ biết năm một chỗ. Nhưng cuộc sống không lấy hết của ai thứ gì, Hồng Tâm có thể mất gia đình nhưng không thể mất tấm lòng thủy chung son sắt với đời, và đứa con, tình thương của cuộc đời, tình bằng hữu chính là nguồn sống của chị trong những ngày khó khăn nhất. Vượt lên trên tất cả, chị đến với thơ, thơ như là nơi bám víu cuối cùng những ngày giông bão và thơ cũng chính là nơi để chị trút cạn bầu tâm sự. Như trong lời tựa, nhà thơ Nguyễn Thành viết: “Khi cất tiếng khóc chào đời, hầu như mỗi chúng ta ai cũng đều hấp thụ chất thơ từ những câu ca dao tục ngữ qua tiếng ầu ơ của mẹ hiền, những điệu hò ngân nga theo dòng sữa mẹ thấm vào huyết quản ẩn vào mạch ngầm rồi theo ta khôn lớn với thời gian”. Chất liệu “ca dao” trong thơ Hồng Tâm khiến ai mỗi lần đi qua, đều phải dừng lại cảm nhận, nhà thơ Tố Hữu từng cho rằng: “Thơ là chuyện đồng điệu” quả thật không ngoa. Ngày nay, với sự bùng nổ của mạng xã hội, người làm thơ ngày càng nhiều, thơ tuôn chảy như dòng sông và rộng như đại dương. Trong rất nhiều những bài thơ mới ra đời, có những “nốt lặng” trong thi ca đầy khắc khoải khiến cho lòng ai cũng phải thương cảm, chia sẻ. “Hồng Tâm - thơ và người” là một tập thơ trình bày có thể chưa đẹp, có một số bài thơ có thể chưa thật hoàn chỉnh nhưng vẫn cuốn hút chúng ta khám phá và đồng cảm. Rồi ai ai cũng phải lắng lại để đọc, để hòa vào dòng thơ chan cùng nước mắt: Cho con làn hơi ấm/ Tặng trăm ngàn nụ hôn/ Mẹ yêu con nhiều lắm/ Con à! Com biết không?/ Chín năm dài đằng đẵng/ Bố không về thăm con/ Mẹ buồn đau im lặng/ Gắng chăm con cho tròn” (Quà cho con). Mặc dầu chưa gặp chị ngoài đời lần nào, nhưng qua những chia sẻ của chị qua facebook, tôi tin đó hoàn toàn là những cảm xúc thật hòa quyện với tấm lòng yêu thương con vô hạn, mà ta có thể gặp bất kỳ nơi nào trên thế giới.


Thơ Hồng Tâm chân thật, giản dị đến mức mỗi người trong ta một lần bắt gặp cũng đều trăn trở, suy tư. Trên trang cá nhân, chị chia sẻ: “Một năm có bốn mùa : xuân - hạ - thu - đông, thời gian quay đều và mẹ con mình bên nhau tròn chín năm. Chín năm đó, có biết bao giọt nước mắt và mẹ chẳng đếm được bao nhiêu nụ cười, nhưng trong trái tim mẹ luôn có ngăn chứa đựng bóng hình con. Cuộc đời là một thước phim, nhưng mẹ chưa bao giờ bỏ cuộc, tự nhủ thầm trong lòng là phải biết vượt qua số phận nghiệt ngã. Bố và mẹ là hai vì sao lạc. Khi đến với nhau mẹ không tính toán và không biết được ngày mai mẹ là người độc hành (vừa làm cha, vừa làm mẹ)”. Trong cuộc đời mỗi người, tất cả mỗi người đều phải rơi nước mắt và khi đọc được những dòng này tôi thật sự không thể cầm lòng và tôi tin thơ chị được kết tinh từ những giọt nước mắt như vậy, giọt nước mắt tự rơi. Thơ nuôi dưỡng tâm hồn ta tự nhiên trong nhịp đập trái tim mình, thơ “rợp bóng ca dao” và thấm đượm hồn quê: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”/ Xa quê con nhớ mẹ nhiều/ Nhớ cây so đũa, hồ tiêu, giàn trầu (Nhớ Quê). Một mảng thơ đáng trân trọng của chị là mảng thơ thiếu nhi nhưng hơi tiếc khi chị xếp chung với các mảng thơ khác. Có thể kể đến những bài thơ rất thú vị như: mùa thu của bé, vũ điệu mưa, cún yêu, biển trong đôi mắt bé, buổi sáng của bé, ở nhà một mình, đêm hè... Với hình ảnh trong sáng, câu chữ mượt mà, tình cảm nhẹ nhàng, chị đã phác họa một thế giới tuổi thơ đầy hồn nhiên, trong sáng: Màn đêm vừa buông xuống/ Con đom đóm lập lòe/ Ngoài vườn cây lay động/ Râm ran tiếng hát ve/ Chị quỳnh hương vừa nở/ Hoa sứ rơi bên thềm/ Ánh đèn đường soi rõ/ Dịu dàng ánh mắt đêm (Đêm hè). Và tôi rất mừng khiết được, một số bài thơ thiếu nhi của chị được đăng trên báo Tây Ninh, đó cũng là những động viên cần thiết giúp chị vững tâm sáng tác. Khi được kết nạp vào chi hội VHNT huyện Bến Cầu, Tây Ninh, tác giả Hồng Tâm ngày càng vững chắc cây bút, khi những bài thơ vượt ra khỏi dòng nhật ký và hòa quyện vào cảm hứng quê hương đất nước:


Tôi về thăm mảnh đất này
Xưa kia là chiến trường loang vết đạn
Đời dong ruổi trôi qua cùng năm tháng
Cố hết sức mình vượt thử thách chông gai


Lật từng trang lịch sử năm nào
Mảnh đất nghèo hứng những đợt mưa bom ào ạt
Tôi vào quân ngũ giữa thời loạn lạc
Quê hương mình từng tấc đất thiêng liêng
                                         (Sống mãi với thời gian)


Chặng đường sáng tác của chị dẫu không dài nhưng qua tập thơ đã cho tôi những cảm nhận sâu sắc buộc tôi phải dừng lại để cảm nhận nhiều hơn trong dòng đời đầy xô bồ. “Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim”, có lẽ câu nói này hoàn toàn đúng khi độc giả cầm trên tay tập thơ này. Bản thảo của tôi là những bài thơ/ Viết từ một giấc mơ/ Từ giọt nước mắt/ Nỗi nhớ khôn nguôi, những câu thơ chắt ra từ tận sâu thăm cõi lòng nhà thơ và bóp nghẹn trái tim bạn đọc. Gần đây, tôi còn được đọc truyện ngắn và tản văn ngắn của chị đăng trên blog và trang cá nhân. Rõ ràng tôi cảm nhận được những sự cố gắng của chị trong viết lách chữ nghĩa. Hy vọng, đóa hoa thơ Hồng Tâm sẽ ngày càng bung nở và để lại dấu ấn trong lòng người đọc, như cái cách mà chị đã chạm vào trong trái tim mọi người qua thi phẩm “Hồng Tâm - thơ và người”.
                                                                               
Đà Nẵng, những ngày cuối năm bính thân.               
PHAN NAM

READ MORE - HỒNG TÂM - THƠ VÀ NGƯỜI - Phan Nam

HOA BƯỚM MÙA XUÂN - thơ Trúc Thanh Tâm


  

 HOA BƯỚM MÙA XUÂN

 Em phơi tóc cho mùa đông bối rối
 Lối tình xuân lấp lánh hạt nắng hoa
 Mùi nhan sắc khó lòng mà quên được
 Trong mắt em ta thấy cả đậm đà

 Từ góc khuất không gian ngào ngạt gió
 Thương cuộc đời qua ngã rẽ hồn nhiên
 Trăng huyền ảo nhấp nhô bờ cổ tích
 Em có nghe tiếng sóng vỗ mạn thuyền

 Cánh thư tình của một thời vụng dại
 Theo thời gian đã hé những chồi thơm
 Ta hóa thân con bướm vàng ve vãn
 Hương trinh nguyên, hoa và lộc trong hồn.

 TRÚC THANH TÂM
 ( Châu Đốc )
READ MORE - HOA BƯỚM MÙA XUÂN - thơ Trúc Thanh Tâm

MƯA XUÂN / ÁNH MẮT - thơ Vũ Trầm Tư

Tác giả Vũ Trầm Tư

Vũ Trầm Tư
Mưa  Xuân


Người xa thì đã xa rồi
Chiều nay sao nhớ tiếng cười năm xưa
Ngoài trời rơi nhẹ hạt mưa
Trái tim tôi cũng mới vừa vỡ tan
Mưa Xuân rụng cánh mai vàng
Sao tôi chưa hết ngỡ ngàng với Đông
Áo ai phơ phất lụa hồng
Để tôi bên phố còn trông một người
Xuân về hoa nở màu tươi
Môi em son đỏ nụ cười còn đâu

VTT


Ánh Mắt

Ánh mắt em nỗi buồn dào dạt
Chợt long lanh như giọt sương đêm
Trên lá cỏ chập chờn hư ảo
Phía trời xa còn mảnh trăng nghiêng

Ánh mắt tôi vẫn nhìn đắm đuối
Em mãi là trăng sáng mười lăm
Dưới gốc đa mơ làm chú Cuội
Ngắm Hằng Nga thánh nữ đêm rằm

Ánh mắt em một miền hư ảo
Biển mênh mông xa lắc cuối trời
Đêm huyễn mộng có vì sao lạc
Về nơi đâu bước lỡ chơi vơi

Tôi đứng lại bên bờ kỉ niệm
Nghe tim mình dằn xé nỗi đau
Những chiếc lá chơ vơ mùa hạ
Ru hồn tôi một thuở lao xao

Vũ Trầm Tư
READ MORE - MƯA XUÂN / ÁNH MẮT - thơ Vũ Trầm Tư

GIANG ĐẦU - thơ Chu Vương Miện

Tác giả Chu Vươnhg Miện

GIANG ĐẦU
Chu Vương Miện


ngồi không ở bến nước giang đầu
con lạch dẫn vào vụng Tô Châu
Hàn San cổ tự Phong Kiều Trấn
Hàng phong thu nhuộm đỏ một mầu
một con thuyền nhỏ neo nơi bến
lửa chài le lói giữa đêm thâu
hồi chuông thong thả rơi từng tiếng
sóng vỗ nghe buồn mé thuyền câu
giấc mơ hồ điệp còn đâu đó
sầu miên không rõ ở phương nào?

CVM






READ MORE - GIANG ĐẦU - thơ Chu Vương Miện

TẾT TRONG MƠ - Thơ Trương Đình Đăng



        Tác giả Trương Đình Đăng



TẾT TRONG MƠ

Tết đến em ơi! Tết đến kìa
Những người xa xứ sống li quê
Ba lô túi xách dìu con vợ
Lũ lượt bầu đoàn kín bến xe.

Đêm qua thiếp ngủ giấc mơ đến
Thấy Tết nhà ta cũng rộn ràng
Em soạn lá dong, nhân, thịt, nếp...
Anh ngồi gói bánh xếp vào soong.

Bập bùng ngọn lửa mình canh giữ
Nồi bánh sục sôi, lửa dậy cười
Lửa bếp bừng lên và ngọn lửa
Tim mình luôn giữ lửa sinh sôi.

Hương bánh ngát thơm mùi quá khứ
Đậu vào mái tóc, thịt da em
Lửa bừng tươi sáng hồng môi má
Sáng một góc trời trong bóng đêm !

Anh với tay mình ve vuốt tóc
Chợt nghe lành lạnh phía không người
Giấc mơ bừng tỉnh, lòng chua xót
Lại một Tết về – Em... xa... xôi !...

21/1/2017 - 24/ tháng Chạp, Bính Thân.
Lão Phương Ngữ - Trương Đình Đăng

READ MORE - TẾT TRONG MƠ - Thơ Trương Đình Đăng

30 PHÚT VỚI ÔNG HÀNG XÓM BÊN ‘TRANG ĐẶNG XUÂN XUYẾN’ - Nguyễn Bàng


30 PHÚT VỚI ÔNG HÀNG XÓM BÊN 
‘TRANG ĐẶNG XUÂN XUYẾN’

Y hẹn, chiều 23 tháng Chạp, tôi sang nhà ông hàng xóm để cùng ông đem thả cá chép cúng ông Táo.  
Vốn đã rất thân quen, tôi không bấm chuông mà nhẹ đẩy cánh cổng bước vào mảnh sân trước phòng khách nhà ông và thật ngạc nhiên khi thấy ông vẫn đang cắm cúi vào màn hình cái máy tính bàn như không biết có tôi đã sang.
- Xem gì mà mê say thế hả ông bạn? - Tôi cất tiếng hỏi khi đã đặt chân vào cửa phòng khách, bấy giờ ông hàng xóm mới giương cặp kính lão lên nhìn tôi:
- Xin lỗi ông nhé! - Ông nói và kéo ghế mời  tôi ngồi bên - Tôi đang ngắm các gương mặt trong bức ảnh Nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ các cây viết đình đám trong văn chương Việt Nam đương đại xem mình biết được mấy cái tên trong các vị đình đám ấy.
Tôi lướt nhìn tấm ảnh trên màn hình máy tính và nhận ra trang mạng ông đang xem: TRANG ĐẶNG XUÂN XUYẾN.
- Ông cũng thích vào trang này?
- Vâng, mỗi tuần mở đọc một đôi lần.
 (Từ đây, để cho dễ đọc, tôi xin ghi rõ lời của tôi (NGUYỄN BÀNG) và lời của ông hàng xóm (ÔNG HÀNG XÓM) )
NGUYỄN BÀNG: Thế là nhiều đấy. Tôi là người thi thoảng cũng được chủ trang ưu ái đưa lên bài viết  nhưng mắt tôi chóng mỏi nên có khi cả tuần mới ghé thăm được một lần. Vậy ông thấy trang này thế nào?
ÔNG HÀNG XÓM: Rất đáng đọc, ông ạ! Một trang web khá phong phú bài vở mà xem ra chủ trang cũng là một người rất hào hoa. Tôi nói hào hoa không hoàn toàn như nghĩa của câu Kiều "Vào trong thanh nhã, ra ngoài hào hoa" mà chỉ có ý là rộng rãi và lịch sự trong cách cư xử, giao thiệp. Ông thấy đấy, Trang Đặng Xuân Xuyến đã mời gọi được cả trăm tác giả gửi bài viết về, từ những tác giả đã thành danh đến những tác giả mới viết, từ những nhà văn nhà thơ lão thành đến những cây bút còn trẻ măng ở khắp vùng miền đất nước: Hưng Yên, quê nhà của chủ trang, có; Thủ đô Hà Nội và thành phố lớn nhất cả nước Sài Gòn, có; Các tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa…, có; các tỉnh miền Trung như Bình Định, Phú Yên…, có; các tỉnh miền Nam như Vũng Tàu, Đồng Nai, Bến Tre…cũng đều có cả. Không những thế, còn có cả bài của các tác giả từ Hải ngoại gửi về như từ Hoa kỳ, Pháp, Đức…Mới chỉ từ tháng 08/2015 đến nay, cây viết chính là chủ nhân đã có tới gần 300 bài, một số tác giả khác như nhà thơ Nguyễn Khôi có hơn một trăm, nhà thơ kiêm nhà ứng dụng kinh dịch Nguyễn Thanh Lâm thì non một trăm, những người khác đều dăm bẩy hoặc dăm ba chục, người ít nhất cũng 3 bài và số người đọc đã có tới trên 1,2 triệu lượt; một con số thật đáng nể.
NGUYỄN BÀNG: Về nội dung, ông thấy trang này ra sao?
ÔNG HÀNG XÓM: Nhìn vào Menu ta thấy khá đầy đủ các món ăn tinh thần, từ Thơ, Văn, Lý luận, Biên khảo rồi Suy ngẫm lại thêm cả Tín ngưỡng, Tướng thuật, Tử vi, Phong thủy và không quên cả món Thư giãn. Xem ra chủ nhân là người khá tinh thông nghề làm báo mạng.
NGUYỄN BÀNG: Ông thích nhất món nào trong cái menu ấy?
ÔNG HÀNG XÓM: Đã gọi là món ăn tinh thần thì món nào cũng nên nếm náp cho biết đủ mùi vị nhưng thích nhất vẫn là món Văn Thơ.
NGUYỄN BÀNG: Tôi thấy món Tín ngưỡng, Tướng thuật, Tử vi, Phong thủy rất nhiều bát đĩa, ông nếm náp thấy sao?
ÔNG HÀNG XÓM: Tôi có đụng đũa vào một vài bát xem các thầy dọn cỗ ra sao nhưng gắp phải các thuật ngữ về khoa này tôi thấy khó nhai quá nên dừng ngay đũa. Vả lại, tôi nghĩ không ai quyết định được cuộc đời của mình ngoại trừ bản thân mình. Tận nhân lực mới tri thiên mệnh, mà ông!
NGUYỄN BÀNG: Vâng, tôi cũng nghĩ  thế. Giờ ông cho tôi hỏi cảm nhận của ông về hình thức Trang Đặng Xuân Xuyến?
ÔNG HÀNG XÓM: Một trang web đẹp! Trang bìa rất trang nhã: Một cái cổng làng bên cái ao với gốc si cổ thụ thấp thoáng mấy người qua lại hoặc đang đứng ngắm cảnh. Đó là cổng làng Đá, còn gọi là là Đỗ Hạ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, quê hương của chủ trang. Nhưng tôi không nghĩ khi chọn hình ảnh này cho trang bìa blog, Đặng Xuân Xuyến chỉ để gửi gắm tình yêu quê nhà của mình mà còn  hàm ý rằng, Trang Đặng Xuân Xuyến là một cái LÀNG VĂN chung của những ai đồng cảm với chủ trang. Mà quả thật, chủ trang đã không chỉ khéo mời gọi các tác giả gửi bài về mà còn xin được cả ảnh của họ để giới thiệu cùng bạn đọc khiến người đọc được thấy những gương mặt trên cái chiếu của Làng Văn này và giảm bớt đi cái ý niệm “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình ”, chỉ nghe tên mà chưa gặp mặt.
NGUYỄN BÀNG: Ông nói làm tôi nhớ tới bộ NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI đồ sộ của cụ Vũ Ngọc Phan. Cụ Vũ cũng có đầy đủ chân dung các tác giả mà cụ biên khảo, tóm tắt phẩm bình, trích dẫn các tác phẩm của họ, từ các nhà văn tiên phong đến lớp nhà văn lớp sau khiến độc giả rất hứng thú thấy được cả văn cả người của họ. Đọc NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI đã hơn 60 năm mà đến nay trong trí óc tôi vẫn còn in rõ hình ảnh một số các nhà văn trong đó đậm nét nhất với tôi là chân dung Thế Lữ, người khai sáng phong trào Thơ Mới mà ẩn sau bức chân dung ấy, tôi thấy hiện lên hình ảnh lãng mạn của cả một lớp người Việt Nam hiển hách đang rơi vào cảnh xiềng xích bi đát:
        Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
        Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa…
ÔNG HÀNG XÓM: Vậy thì, Đặng Xuân Xuyến đã làm được một phần việc như cụ Vũ Ngọc Phan rồi. Thật đáng khích lệ!
Nhưng trong cái được ấy cũng lại có cái mất. Đó là chủ trang đã hơi dễ tính khi thay vì chỉ cần đưa lên chân dung tác giả thì lại đưa lên tấm ảnh chụp chung tác giả với bà vợ hoặc ngược lại tác giả với ông chồng và giới thiệu dưới những bức ảnh đó là Tác giả và phu nhân hoặc Tác giả và phu quân. Nhìn họ trong ảnh rất đẹp đôi, thì tất nhiên có đẹp  người ta mới chọn ra gửi về trang web. Nhưng người gửi đã nhầm địa chỉ và chủ trang cũng đã treo nhầm vị trí. Bởi lẽ chỗ đặt đúng của những bức ảnh ấy là ở một không gian riêng trong gia đình của các ông, bà tác giả ấy chứ đâu phải chỗ trên Trang Đặng Xuân Xuyến đã có cả trên triệu lượt người đọc.
NGUYỄN BÀNG: Ông nói thật chí lý và lại làm tôi nhớ tới nhạc sĩ thiên tài và đa tài Văn Cao. Hn ông cũng biết, sau vụ Nhân văn Giai phẩm, cụ Văn Cao đã phải kiếm sống bằng nhiều công việc, như viết nhạc không lời cho các truyện phim và truyện kịch, trang trí sân khấu cho các đoàn kịch, vẽ minh họa các báo, làm bìa sách, vẽ nhãn diêm... Do túng thiếu, cụ đã phải bán rẻ mấy bức tranh quý cho các nhà sưu tập, buôn tranh. Duy bức vẽ chân dung người vợ (bà Nghiêm Thúy Băng) áo dài tím hồng, ai mua cụ cũng không bán. Đến nhà cụ, ai cũng bị thu hút bởi bức tranh ấy treo trên tường phòng khách trong căn nhà tồi tàn mà cụ Văn Cao kể, đi cầu ngồi lâu nóng quá…Tuy thế, tôi nghĩ, nếu cụ Văn Cao bán bức tranh ấy đi và ai đó mua được về treo trên tường phòng khách sang trọng của họ thì, không những không làm bức chân dung đẹp hơn lên mà còn làm mất đi vẻ đẹp chân chất của nó khi nó được đặt trong căn nhà tồi tàn kia của gia đình cụ Văn Cao.
ÔNG HÀNG XÓM: Ông nói đúng quá nhưng nghe ra cũng đắng cay quá! Những phòng khách sang trọng trong những ngôi nhà tráng lệ đâu đã  phải là nơi cho âm nhạc của thần tiên bay bổng (1)!.
Mà thôi, giờ tôi nói thêm một công sức nữa của Trang Đặng Xuân Xuyến. Ấy là việc tìm chọn những tranh ảnh để minh họa cho các bài viết, một công việc tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra không dễ mà còn tốn kém rất nhiều thì giờ. Bởi lẽ, muốn có tranh ảnh minh họa cho một bài đăng thì phải đọc bài ấy rồi phụ thuộc vào nội dung của tác phẩm mà tìm tòi xem tranh ảnh nào biểu cảm nhất cho nội dung ấy mới đưa lên thành minh họa. Vậy mà cả nghìn bài đã đăng trên trang Đặng xuân Xuyến, không bài nào không có tranh ảnh minh họa đem thêm rất nhiều cảm xúc cho người đọc.
NGUYỄN BÀNG: Thời còn trẻ, tôi rất mê tranh minh họa báo chí. Thời ấy, cả nước gần như chỉ có ba tờ báo dùng đến tranh minh họa thường xuyên: Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Thiếu niên tiền phong nhưng tờ Văn nghệ là tờ báo sang trọng nhất. Tôi mê báo Văn nghệ đến mức tiêu gì thì tiêu nhưng phải cố để riêng ra mấy  đồng bạc còm để mỗi tuần có được một số. Và mỗi khi cầm tờ báo trên tay, tôi thường xem các tranh minh họa trước rồi mới đọc thơ truyện sau. 
ÔNG HÀNG XÓM: Tôi cũng vậy. Thế ông thích nét vẽ minh họa của các họa sĩ nào trên báo Văn nghệ hồi đó?
NGUYỄN BÀNG: Hồi ấy, tờ Văn nghệ luôn có được những tranh minh họa với những tên tuổi lẫy lừng của hội họa Việt Nam là Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Sĩ Ngọc. Phải nói đó là diễm phúc của tờ báo và có được diễm phúc ấy là nhờ bấy giờ là thời bao cấp, tranh không bán được, nghèo khổ khiến các cây đại thụ của giới mỹ thuật ấy phải vẽ minh họa trên các báo để có chút nhuận bút nhỏ nhoi chi cho tiền chè thuốc. Mặt khác do hệ lụy của vụ án Nhân văn giai phẩm, một số trong các tài năng trên như Văn Cao, Sỹ Ngọc là nạn nhân bị đàn áp, họ chỉ có thể được làm những công việc ấy thôi. Tôi nhớ, cụ Sỹ Ngọc vẽ trên báo Văn nghệ nhiều nhất và tôi thích tranh minh họa của  cả 4 cụ trên. Giờ nhắc nhớ tới các cụ bỗng thấy đau lòng quá. May là ngày cuối năm chứ vào ngày vui Tết chắc còn đau lòng hơn nữa. Mà hình như chúng ta đang đi lạc đề rồi, đang nói về Trang Đặng Xuân Xuyến cơ mà?
ÔNG HÀNG XÓM: Đúng là lạc đề nhưng lạc đề cũng có cái hay của lạc đề ông ạ. Tôi đang nói, những tranh ảnh minh họa cho các bài đăng trên Trang Đặng Xuân Xuyến hầu hết đều biểu cảm rất tốt cho nội dung chính của bài viết. Lấy ví dụ mấy bài tôi vừa đọc gần đây:
Để minh họa cho bài TÀI NHÂN THƯỢNG QUAN UYỂN NHI, Đặng Xuân Xuyến đã tìm tòi trên tờ Baike hàng loạt tranh ảnh và rút ra rất trúng bức tranh Thượng quan Uyển Nhi, một cô gái tài sắc đã làm tới chức nữ Tể tướng nhà Đường, một trong số ít người đàn bà quyền lực làm nên một đoạn lịch sử truyền kỳ của cung đình Trung Hoa.
Khi đăng bài QUÊ NGHÈO, NGHÈO ĐẾN XÓT XA CÕI LÒNG của ông, Đặng Xuân Xuyến đã minh họa bằng bức ảnh đen trắng một ngôi nhà lá xác xơ ở một vùng quê tiêu điều, đứng trước nhà là một bé trai chỉ vận mỗi chiếc quần cộc đen, tay phải duỗi thẳng, tay trái đặt lên rốn trên một cái bụng của một thân hình gầy còm. Tấm hình minh họa đắt giá này đã góp phần nhân thêm nỗi xót xa trong cõi lòng người đọc.
Hay minh họa cho bài thơ VỚI CÚC HỌA MI của ông Nguyễn Khôi, chủ trang đã chọn lọc trong cả trăm bức ảnh cúc họa mi trên Google để rồi đưa lên một tấm ảnh tuyệt đẹp: Một thiếu nữ thanh tân trong một vạt rừng hoa cúc họa mi cánh trắng ngần, nhụy vàng tươi làm bật lên hồn cốt của câu thơ hay nhất trong bài thơ:
        Cúc một rừng. Em một em
NGUYỄN BÀNG: Tôi có đọc bài thơ và xem bức tranh minh họa ấy. Đúng là thơ đã hay lại thêm minh họa đẹp khiến tôi nhớ tới một bộ phim tình cảm hay và rất lãng mạn của Trung Quốc. Trong phim có kể, một cô ca sĩ trẻ được một chàng trai quen biết ở ngoài đường nhưng chưa biết tên đem lòng yêu mến. Chàng trai đã tìm cách gặp cô gái và tặng cô một chậu nhỏ cúc họa mi xinh đẹp. Cô ca sĩ đem chậu hoa ấy về phòng trang phục của nhà hát, đặt lên bàn trang điểm rồi ngồi vừa ngắm vừa ngửi hương thơm của hoa cúc. Thấy thế, một cô bạn thân bảo: “Thông thường đàn ông chọn hoa hồng tặng cho người phụ nữ mà người ta ưa thích. Anh ấy lại tặng hoa cúc chẳng có chút lãng mạn nào”.
Cô ca sĩ trẻ nhớ lại lời chàng trai đã nói với cô lúc tặng hoa liền đem lời nói đó để trả lời cô bạn: ““Thật ra loại cúc này là hiện thân của vị thần La Mã gì đó thời cổ đại đấy” rồi nói thêm: “Hoa hồng mà cô nói quá bình thường. Người ta đâu phải tầm thường. Đây là hoa mà anh ấy thích nhất cũng là hoa mà tôi thich đấy
ÔNG HÀNG XÓM: Cô gái nói hay quá! Vậy, bài thơ của ông Nguyễn Khôi cùng bức ảnh Đặng Xuân Xuyến chọn minh họa đã rất tương xứng nhau khiến cho trí tưởng tượng của bạn đọc là ông được thăng hoa, được mở rộng nên ông mới nhớ ra cả cái đoạn phim hay đó. Vì thế tôi nói, công sức chọn tranh ảnh minh họa của Đặng Xuân Xuyến cho các bài đăng trên trang nhà mình thật đáng trân trọng.
Nhưng công đôi khi cũng đi với tội. Đặng Xuân Xuyến không phải là không có khiếm khuyết khi chọn đưa tranh ảnh minh họa. Có những sai sót rất sơ đẳng như:
Bài thơ ĐÊM THĂNG LONG của Phạm Ngọc Thái, chính Đặng Xuân Xuyến khi biên tập đã tách ra mấy câu đặt riêng lên đầu trang như một cách nhấn mạnh những câu thơ đó:
        Đêm Thăng Long đây đó ánh đèn
        Đôi trai gái bên hồ khe khẽ ngủ…
Ấy vậy mà  lại minh họa cho nó bằng hình ảnh Hồ Gươm với tháp Rùa thấp thoáng sau chùm hoa phượng đỏ la đà trên mặt  nước giữa thanh thiên bạch nhật (!).
Nhưng nặng nề nhất là, bị cuốn hút bởi công nghệ hiện đại về tranh ảnh trong thời đại kỹ thuật số, Đặng Xuân Xuyến nhiều lúc đã rất say mê với những tấm ảnh phương Tây, đặc biệt là những hình ảnh động nên đã không ngần ngại chọn một số hình ảnh rất Tây ấy minh họa cho các bài viết đặc Việt Nam hay Á Đông khiến minh họa chệch khỏi nội dung bài viết, chả khác gì hồn Trương Ba da hàng thịt. Chẳng hạn:
Bài thơ RƯỢU ƠI của Nguyễn Thanh Lâm, có câu Đặng Xuân Xuyến đã tách ra để nhấn giọng:
        Uống một mình nhắm cô đơn
Nhưng hình ảnh minh họa được đưa lên lại là tấm ảnh động hai ông Tây, mỗi ông một chai rượu đầy đưa ra đưa vào chạm nhau coong coong thay vì cụng ly canh cách.
Bài thơ ÁO MƯỜNG của Hoàng Xuân Họa cũng với hai câu nhấn giọng:
        Váy chàm quét mướt triền đê
        Cỏ vô phong (*) bỏ bùa mê tôi rồi
Thì được minh họa bằng tấm ảnh một đôi trai gái không rõ Ta hay Tây đang vờn yêu nhau lấy từ nguồn beyondthegobliny. Chàng trai áo sơ mi hai túi nắp ngực, cô gái áo sơ mi cộc tay với chiếc quần cũng cộc và không thể cộc hơn để hở ra đôi chân trần sát lên tới bẹn.
Nhiều bài văn xuôi cũng thế, như bài Kiến thức tử vi: MẪU NGƯỜI CỰ CƠ MÃO DẬU của tác giả Lưu Xuân Thanh thì được minh họa bằng hình ảnh động cắt từ Youtube mô tả hai nhân vật hoạt hình mũi lõ mắt xanh đang liến láu lừa nhau những nước cờ vua.
Thật đúng là râu ông nọ cắm cầm bà kia, vừa buồn cười vừa nhức mắt. Và thật đáng tiếc, càng những bài gần đây càng thấy nhiều tranh ảnh minh họa kiểu Tây Ta cựa quậy như vậy.
Ông hàng xóm của tôi vừa chăm chú rê chuột trên cái màn hình máy tính vừa nói một hơi dài tựa  như ông đang nói chuyện với chủ Trang Đặng Xuân Xuyến chứ không phải với bạn hàng xóm là tôi. Và tôi đang tưởng ông đã dứt lời thì ông lại tiếp:
- Nói ra những sai sót về tranh ảnh minh họa này, tôi không có ý chê trách gì Đặng Xuân Xuyến mà chỉ thực lòng mong ông ấy cẩn trọng hơn để cái Làng Văn nhỏ bé do ông ấy có công dựng cổng sẽ  đẹp từ cổng làng đẹp vào khắp đường thôn lối xóm.
Rồi như bất chợt nhớ ra, ông tắt vội máy tính. Và bây giờ thì ông mới nhìn tôi mà nói:
- Ta đi phóng sinh cá chép thôi kẻo ông Công ông Táo hai nhà chúng ta trễ giờ lên Trời mất.

*

Tối 23 tháng Chạp năm Bính Thân.
(20 tháng 01 năm 2017)
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn     

.........................

(1): Trịnh Công Sơn

READ MORE - 30 PHÚT VỚI ÔNG HÀNG XÓM BÊN ‘TRANG ĐẶNG XUÂN XUYẾN’ - Nguyễn Bàng