MỘT BÀI THƠ TRĂNG TRỐI CỦA PHẠM NGỌC THÁI
Lời bình VIỆT PHƯƠNG
CHẾT CŨNG CHỈ NHƯ GIẤC NGỦ
Không than vãn, lòng chẳng hề hối tiếc
Nắm tro tàn. Thôi thế, đã là xong
Cũng chỉ như giấc ngủ mơ màng
Đời sống vậy, đủ rồi ! Em yêu mến.
Nghiệp đã làm xong, chẳng còn chi vương vấn
Tình cũng tàn, năm tháng kiếp phôi pha
Thì em ơi ! Ta nằm xuống dưới mồ
Thanh thản chết, có gì đâu phải nghĩ ?
Hồn thi sĩ xin mang thơ gửi đời làm tri kỷ
Chốn trần gian sẽ ngợp áng thơ ta
Chỉ chia tay có thân xác thôi mà
Tình yêu ta còn muôn đời bất tử !
Cõi thế gian: Âu cũng kiếp đoạ đầy phận số
Tiếc làm chi ? Sống mãi chỉ mệt thân
Mãn nguyện rồi, cần chi nữa phân vân
Ta nằm xuống hoá mình vào “kinh thánh” !
Ta đã yêu em suốt đời trong hư ảnh
Dù có thời cũng sung sướng, đê mê
Nhưng tình em khác gì những chiếc lá bay kia
Để năm tháng dài… ta hoang ru nơi bến lạnh…
"Tình và tiền" !
Tiếng nói đó làm trái tim đàn bà hưng phấn
Phụ nữ cả thế giới này, họ quí như nhau !
Nhưng nếu ít tiền, tình cũng hóa cô liêu
Giọt lệ thi nhân,
Anh rỏ lên những trang thơ đời, làm liều thuốc ngủ…
PHẠM NGỌC THÁI
Trích tập “ Phạm Ngọc Thái . Cánh đại bàng của thi ca đương đại VN “,
Nxb Thanh niên 2019 )
LỜI BÌNH CỦA VIỆT PHƯƠNG:
- Một bài thơ trăng trối
Trước khi từ giã cõi đời ở Gành Ráng (Qui Nhơn), thi nhân Hàn Mặc Tử đã để lại những lời trăng trối:
Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
Còn em sao chẳng hay chi cả
Xin để tang anh đến vạn ngày
(Trút linh hồn)
Còn Xuân Diệu thì nhắn nhủ lại đời, rằng:
Hãy để cho tôi được giã từ
Vẫy chào cõi thực để vào hư
Trong hơi thở chót dâng trời đất
Cũng vẫn si tình đến ngất ngư
Thi hào Pushkin vĩ đại – mặt trời thi ca của nước Nga đã viết:
Nơi đàn thơ thiêng liêng ta không chết!
Hồn ta còn sống mãi chẳng tiêu tan
Và trên đời dù chỉ còn một thi nhân
Danh tiếng ta vẫn còn vang mãi mãi…
“Chết cũng chỉ như giấc ngủ” của Phạm Ngọc Thái cũng thuộc dạng một bài thơ trăng trối:
Hồn thi sĩ xin mang thơ gửi đời làm tri kỷ
Chốn trần gian sẽ ngợp áng thơ ta
Chỉ chia tay có thân xác thôi mà
Tình yêu ta còn muôn đời bất tử !
(đoạn thơ ba)
Thi nhân thản nhiên để chuẩn bị cho mình đi vào cõi vĩnh hằng. Bài thơ đạt đến sự chí lí về cả nghĩa và tình. Ngay mấy câu mở đầu, ta thấy tâm trạng nhà thơ coi cái chết rất nhẹ nhàng:
Không than vãn, lòng chẳng hề hối tiếc
Nắm tro tàn. Thôi thế, đã là xong
Cũng chỉ như giấc ngủ mơ màng
Đời sống vậy, đủ rồi ! Em yêu mến.
Mặc dù nhà thơ viết: Nắm tro tàn. Thôi thế, đã là xong /- Nghe có vẻ như rũ bỏ ? Nhưng không phải. Sở dĩ lòng Người sẵn sàng ra đi thanh thoát vậy, ở trong đoạn thơ hai đã giải thích:
Nghiệp đã làm xong, chẳng còn chi vương vấn
Tình cũng tàn năm tháng kiếp phôi pha
Thì em ơi ! Ta nằm xuống dưới mồ
Thanh thản chết, có gì đâu phải nghĩ.
Vâng, thêm một lần nữa ta thấy Phạm Ngọc Thái đón nhận cuộc ra đi vĩnh cửu… thật ung dung. Bởi, anh biết sự nghiệp thi ca cùng tên tuổi anh để lại cho đời cũng như nền văn học nước nhà, sẽ không bao giờ chết. Dù anh có nằm xuống dưới mồ, vào cõi thiên thu… thì đâu có phải thế là kết thúc ? đâu phải “tất cả đã là xong” ? – cũng như nhà thơ Nga Pushkin từng nói:
Nơi đàn thơ thiêng liêng ta không chết!
Thi nhân coi cuộc ra đi đó chỉ như là một giấc ngủ mơ màng. Bài thơ còn đi sâu lý giải về… đời, như kinh phật nói là “cõi tạm”:
Cõi thế gian: âu cũng kiếp đọa đầy phận số
Tiếc làm chi ? Sống mãi chỉ mệt thân
Mãn nguyện rồi, cần chi nữa phân vân
Ta nằm xuống hoá mình vào “kinh thánh” !
(đoạn thơ thứ tư)
Một quan niệm phật giáo. Nói về hai chữ “kinh thánh” – Trong bài “Khúc xuân tuổi bảy mươi”, tác giả cũng viết hai câu thơ:
Đi giữa mùa xuân,
đã thấy vĩnh cửu ở trên đầu
Cõi Phật rước ta về đất thánh…
Nghĩa là, cuộc đi này của thi nhân không phải để… chết, mà Người hóa mình vào “kinh thánh” đó thôi !
Cuộc đời gồm cả “tình yêu và cuộc sống” – Bài thơ tràn sang lĩnh vực “tình”:
Ta đã yêu em suốt đời trong hư ảnh
Dù có thời cũng sung sướng, đê mê
(câu 17-18)
Trong đời thường từ tư tưởng, tình cảm đến đời sống thực - Ai cũng quan tâm đến tiền bạc. Nhưng với người phụ nữ thời hiện đại thì tiền bạc chỉ đạo họ về mọi phương diện: kể cả lĩnh vực tình ái !? Cái quan niệm “một mái nhà tranh, hai trái tim vàng” là cổ xưa lắm rồi ! Thời nay, tuy cũng có nhưng rất hiếm.Tình thì tình, nhưng họ yêu trước hết phải là… tiền ! “tiền” gần như là một chủ nghĩa, một lý tưởng sống của người phụ nữ bây giờ. Bởi vậy, những chàng thi sĩ với tâm hồn lãng mạn, mộng mơ… chỉ giàu tình mà nghèo tiền, rất dễ bị rơi vào “bến cô liêu” ! Thi nhân viết:
"Tình và tiền" !
Tiếng nói đó làm trái tim đàn bà hưng phấn
Phụ nữ cả thế giới này, họ quí như nhau !
Nhưng nếu ít tiền, tình cũng hóa cô liêu…
Tức là, những tình yêu chỉ xây dựng trên nền tảng theo “tiếng gọi của trái tim” như của các nhà thơ, hầu hết trước sau cũng… tan vỡ ! Nên Người mới than:
Nhưng tình em khác gì những chiếc lá bay kia
Để năm tháng dài ta hoang ru nơi bến lạnh…
(câu 19-20)
Thơ tình Phạm Ngọc Thái phần lớn được sáng tác từ các mối tình xưa. Nhà thơ sống lại trong thơ bằng những kí ức của tình yêu.
Anh trở về như Na-pô-lê-ông
Đi tù ngoài hoang đảo
Ông dành thời gian viết hồi kí thuở tung hoành
Anh lấy tình xưa xây giấc mộng thi nhân
Chỉ tiếc nuối tình sao ngắn ngủi.
(Vĩnh biệt cuộc tình)
Anh đã nói như vậy. Cái thời mà người chồng là một nhà thơ nghèo, được bà vợ vẫn thủy chung như vợ của Tú Xương và Nguyễn Khuyến, là chuyện xửa xưa… Thưở ấy, Tú Xương từng tự sự trong bài thơ “thương vợ” nổi tiếng của ông rằng:
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mươi mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không !
Giờ, xin phân tích đôi nét về quan hệ giữa đời sống thực của Phạm Ngọc Thái với thi ca - Tôi không biết nhiều đến hoàn cảnh gia đình trong mối quan hệ vợ chồng của anh ? Nhưng xét nghĩ, với một con người đam mê văn chương, nhất là thơ ca như anh… để có được một gia đình yên ấm ở xã hội hiện đại này, quả thật là khó !? Nghe nói, sau này hai người cũng không tránh khỏi lúc này,khác xích mích nhau về chuyện tiền nong - Mặc dù cũng có giai đoạn tác giả sống rất êm ái, yên ấm với gia đình. Chẳng thế, thời kì đó anh đã sáng tác cả một tập thơ nói về vợ con ! Đó là tập “Có một khoảng trời”, xuất bản năm 1990 khi công tác ở Đức về. Có những bài thơ rất hay nói về người vợ trẻ của mình, như bài Tiếng Hát Đời Thường:
Trong một phố nghèo có người vợ trẻ
Vẫn đón con đi, về... như thường lệ
Vóc em thanh cũng thể mùa xuân
Đôi mắt em: đôi mắt ấy màu đen.
Hay là:
Miền đã theo tôi vào cuộc Trường Sơn
Hành quân rừng già, võng treo sườn gió...
Ai biết chiều nay người vợ trẻ
Đứng mong chồng bên đứa con thơ
Giọt lệ cháy xót lòng mang sắc xanh thu!
Rồi bài “Có một khoảng trời”:
Cái khoảng trời khi anh và em đã cách xa
( xa thật đấy mà cũng gần thật đấy )
Trong đau đớn anh hoá bờ cát cháy
Thổi về phương em giữa chiều gió nổi
Hạt vô tư còn lại… những tàn tro !
Tình cảm của nhà thơ với gia đình, quê hương - Đặc biệt với người vợ, rất đẹp ! Anh không ngớt lời ca ngợi qua một số bài khác nữa: Nỗi trăn trở người đi tìm vàng, Bài ca xứ sở, Trăng quê, Mùa tuyết quê người…
Song cũng phải nói: giai đoạn này tác giả còn đang công tác ở ngành ngoại thương, lại đi nước ngoài - Cuộc sống chắc cũng khá ! Chưa bị mối quan hệ về tiền bạc chi phối nhiều ( như khi anh đã lao hết mình vào sự nghiệp thơ phú, văn chương ).
Mảng sáng tác duy nhất anh nói về người vợ, chỉ ở mỗi tập thơ “có một khoảng trời” đầu tay ấy ! Còn cả một khối lượng hàng trăm bài thơ tình viết sau này, không thấy có bài thơ nào Phạm Ngọc Thái nói về người vợ của mình nữa. “em” trong các bài thơ tình của anh, toàn là em của cái thuở mộng mơ xưa, hoặc cảm xúc với một người nào đó… chứ không phải là vợ.
Thí dụ như bài “Người đàn bà trắng”:
Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu
Anh cũng không làm chàng Trương Chi
suốt đời chèo sông vắng
Ta không đi theo Con Đường Lông Ngỗng Trắng
Dẫu hình hài khắc mãi tim nhau.
Anh Trần Đức - Nguyên CB Viện ngôn ngữ & Văn hoá dân gian, khi bình bài này đã phân tích:
“Đoạn thơ đã triết lý về những mâu thuẫn giữa tình yêu và cuộc sống của nhà thơ với Người Đàn Bà Trắng. Đó cũng là một nghịch lý cuộc đời: Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu /- Còn anh cũng không đầy mình để làm mãi cái anh chàng Trương Chi suốt đời chèo thuyền trên con sông quạnh vắng, cô đơn ! Rồi tương tư nàng Mỵ Nương mà chết. Hay cái con-đường-lông-ngỗng-trắng mà nàng Mỵ Châu đã rắc cho chàng Trọng Thủy theo tìm - Thần tượng thì rất đẹp, nhưng để cuối cùng chàng cũng nhảy xuống biển mà chết, hoá thành ngọc trai giữ tình son sắt với nàng. Nó bi ai quá !
Cái hay của khúc triết lý trong bài thơ Người Đàn Bà Trắng là đã được viết như đời. Dẫu mối tình bị tan vỡ phải chia lìa năm tháng, nhưng tình thơ không kết thúc bằng sự bi thảm. Đôi trai gái vẫn phải sống và tồn tại, dù là theo chiều gió cuốn cuộc đời. Phải chăng, đó cũng là một cuốn tiểu thuyết "cuốn theo chiều gió" như bao bi kịch tình-đời trên bờ bến nhân gian?”.
Nghĩa là, bài thơ được tác giả cảm xúc sáng tác cũng xuất phát từ trong cuộc tình đời của mình? nhưng chưa phải là giai đoạn tiến đến hôn nhân gia đình - Như thi sĩ Xuân Diệu từng viết:
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở…
Mối quan hệ cuộc sống và thi ca của nhà thơ vẫn ở trong một thế giới tưởng tượng, đẹp như mơ… chứ chưa vấp phải cái mâu thuẫn giữa “tình và tiền” !
Tôi thí dụ thêm bài nữa:
Tình để lại vết thương không lành được
Soi mặt hồ in mãi bóng thời gian
Em hiền dịu trái tim từng tha thiết
Người con gái anh yêu nay hóa khói sương tan.
(Anh vẫn ở bên Hồ Tây)
Đấy, tuy bị lỡ dở nhưng họ vẫn tha thiết với nhau như thế. Đến mức vì “tình” trái tim có thể tan vỡ ! Thì đâu có phải vì tiền ? Nhà thơ kết luận:
Thế đó, em ơi ! Tình qua không trở lại
Xế chiều rồi mà máu tim chảy mãi không thôi
Em có nghe gió Tây Hồ đang thổi
Anh ở đây, vẫn bên Hồ Tây mây trôi...
Bởi vậy, thơ tình Phạm Ngọc Thái hoàn toàn xuất phát từ sự rung động trái tim (ngoài phạm trù tiền)… có thể chỉ trong khoảnh khắc mà cảm xúc thành thơ, hoặc của một mối tình dang dở, xa nhau lòng vẫn tha thiết nhớ về nhau. Tan vỡ mà vẫn đẹp !
Giờ xin quay trở lại với bài “Chết cũng chỉ như giấc ngủ”: Nó không chỉ còn là tự sự bản thân nữa, mà đã mang cả ý nghĩa thời đại, trong mối quan hệ giữa tiền bạc với đời sống xã hội… để phản án nhân sinh quan tác giả.
Bài thơ ôm trùm rất nhiều mặt của cả riêng tư và tính hiện thực xã hội trong đó, súc tích và sâu sắc. Không ít chỗ khúc triết và hay, đột biến có câu thơ thật xuất sắc, như:
Ta nằm xuống hoá mình vào “kinh thánh”!
Huyền bí và hiển linh. Hai câu thơ cuối bài là hay:
Nhưng nếu ít tiền, tình cũng hóa cô liêu!
Giọt lệ thi nhân,
Anh rỏ lên những trang thơ đời làm liều thuốc ngủ.
Bài thơ đã được kết ở đó !
Việt Phương