Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, January 26, 2024

TẦM HỒN NHƯ MỘT THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT qua bài thơ GIỌNG HUẾ của TÔ KIỀU NGÂN - Trương Công Hải

 


Nhà thơ Tô Kiều Ngân



TẦM HỒN NHƯ MỘT THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT

qua bài thơ GIỌNG HUẾ của TÔ KIỀU NGÂN

Trương Công Hải


Trước hết là câu chuyện của tôi và Huế.

Tôi, nội Quảng Trị, ngoại Huế, hiện ở Đà Nẵng. Như vậy con người tôi hai phần Quảng, một phần Huế, chưa kể trong suốt 30 năm trời, vì lý do công việc, mỗi tháng ở Huế hết mười mấy ngày, nên tôi với Huế đều thuộc lòng nhau. Gặp nhau hoài nên cứ êm êm rứa!

Thuở vào Đại học, xứ mưa dầm, thấm lâu rồi cũng vương. Người tôi hò hẹn nhan sắc không bằng tính tình, nên sau này, khi làm thơ thì khó tả về chân dung, tôi đành nói chung chung về cái tính Huế của cô ấy mà thôi.

Này em Huế,

“Em ở trong tôi nét u hoài trầm tích

Giọng nói nhu mì tóc rũ dáng kiêu sa

Chút ngây thơ đem che dấu điệu đà

Và khôn khéo,

Cái chi cũng đều sợ mạ”.

Rủ đi chơi đi chơi thì đi nhưng vừa đi vừa kêu sợ mạ. Còn tôi thì:

“Tôi ở trong em, chàng sinh viên non dạ

Tập truyện tình yêu chỉ mới lật trang đầu

Làm dáng vậy thôi, chứ em nhìn là ú ớ

Chẳng có lớp học nào dạy cách yêu nhau

Nếu có, thì bài đầu tiên

Học để thôi đừng lớ ngớ”

Sau đó, do hoàn cảnh di tản năm 1972:

“Quảng Trị mất

Tôi về nơi không định hướng

Mọi chuyện rồi như mây trắng giữa trời

Liệu là em có đi về méc mạ ?”

Tính nông nổi, được nước tôi tới luôn:

“Cứ méc đi thằng dấu hồn du đảng

Giả đò say để sinh sự tự tình

Giả ngu ngơ để làm câu thơ đểu

Ôi biết làm sao để khỏi tự dối mình!”

Câu chuyện của tôi là câu chuyện của kẻ ngoại đạo, trải nghiệm tình yêu một thời với người em xứ Huế.

Không phải là vô cớ, tôi viết ra như một minh họa thực tế về tính cách của cô gái Huế, người có nét tương đồng với nàng thơ trong bài Giọng Huế của Tô Kiều Ngân.

Và câu chuyện của tôi cứ xem như là một lời dẫn cho bài viết.


GIỌNG HUẾ

Ngắt một chút mây trên lăng Tự Đức

Thả vào mắt em thêm một dáng u hoài

Đôi mắt ấy vốn đã buồn thăm thẳm

Đem mây vào e tan nát lòng ai.


Anh quỳ xuống hôn lên đôi mắt đó

Bỗng dưng sao thương nhớ Huế lạ lùng

Hay tại bên anh em ngồi thỏ thẻ

Tiếng quê hương xao động đến vô cùng.


Hèn chi rứa, răng chừ, em sợ lắm

Mạ ngày xưa cũng từng nói như em

Anh mất mạ càng thương em tha thiết

Như từng thương câu hát Huế êm đềm.


Cám ơn em đã cho anh nhìn lại

Dòng sông Hương trên bến cảng Sài Gòn

Nước như ngọc in bóng thuyền lấp lánh

Mái chèo khua vương nhẹ nhánh rong non.


Nếu lại được em ru bằng giọng Huế

Được vỗ về như mạ hát ngày xưa

Câu hát Huế chứa chan lời dịu ngọt

Chết cũng đành không nuối tiếc chi mô.

Ngắt một chút mây trên lăng Tự Đức là lời nói phát ra từ mơ thức, đôi mắt vốn buồn của em qua lăng kính mơ thì trở nên đẹp u hoài, sâu lắng, vô cùng lãng mạn.

“Đôi mắt ấy vốn đã buồn thăm thẳm

Đem mây vào e tan nát lòng ai”

Chữ “e tan nát lòng ai” đưa nghĩa câu thơ vào thế lấp lửng. Sự e thẹn, ngại ngùng trong ánh mắt, sự lấp lửng trong ý tứ luôn là đặc sản bước đầu trong tình yêu của em Huế. Chữ “e” đó đâu có khác gì chữ “e” trong câu Kiều: “Tình trong như đã / Mặt ngoài còn e”, và cũng chẳng khác gì hình ảnh hai vạt tà áo dài bay của người con gái Huế khi đi ngược gió như trong thơ của Phạm Thiên Thư:

“Áo em vạt tím ngàn sim

Nửa nào nức gọi nửa im đợi chờ

Yêu nhau tự thuở bao giờ

Gặp đây giả bộ hững hờ mây bay”

Vạt sau tà áo tung bay như nao nức gọi, vạt trước gió ép vào thân như im lặng đợi chờ. Con gái Huế là vậy đó, kiểu nói thôi nhưng phải hiểu là thôi nữa!

Em Huế với dáng u hoài và mắt buồn sâu thẳm là hóa thân của những hoài mong, mơ màng, tiếc nuối về một vương triều Nguyễn đã lụi tàn nhưng cái cụ thể còn lại muôn đời vẫn là giọng Huế.

Chế Lan Viên đã từng cho rằng: ”Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” và Tô Kiều Ngân cũng như thế:

“Anh quỳ xuống hôn lên đôi mắt đó

Bỗng dưng sao thương nhớ Huế lạ lùng

Hay tại bên anh em ngồi thỏ thẻ

Tiếng quê hương xao động đến vô cùng.”

Nếu cho rằng tiếng nói là linh hồn của một dân tộc thì giọng Huế chính là hồn của Huế.

“Hèn chi rứa, răng chừ, em sợ lắm

Mạ ngày xưa cũng từng nói như em

Anh mất mạ càng thương em tha thiết

Như từng thương câu hát Huế êm đềm.”

Một số hư từ, đặc ngữ của Huế như “mạ, hèn chi rứa, răng chừ” cũng như câu cuối cùng: “Chết cũng đành không nuối tiếc chi mô”, tất cả như một hương vị đặc trưng của Huế, lan tỏa, thấm đều trên trang thơ, ngấm vào từng câu chữ, cho ta cảm giác đọc bài thơ như đọc giọng Huế vào lòng.

Qua người em Huế, dòng Hương được gợi nhớ, hiện lên trên bến cảng Sài Gòn với một hình ảnh đẹp lãng mạn vốn có.

“Cám ơn em đã cho anh nhìn lại

Dòng sông Hương trên bến cảng Sài Gòn

Nước như ngọc in bóng thuyền lấp lánh

Mái chèo khua vương nhẹ nhánh rong non”

Một dòng sông mộng, nước chảy là đà đã được nhìn chồng lên con sông cuồn cuộn sóng, nước đục lờ đờ trên bến cảng Sài Gòn, đó là khi cảm xúc dâng cao đến nao lòng thì nhà thơ bị đưa đi từ cõi mơ đến mớ.

Khổ thơ cuối cùng đã đánh thức một hoài vọng về Huế và em, đã khơi dậy một hồi ức thời thơ ấu trong vòng tay mẹ, cùng âm vang chứa chan lời dịu ngọt của câu hát Huế.

“Nếu lại được em ru bằng giọng Huế

Được vỗ về như mạ hát ngày xưa

Câu hát Huế chứa chan lời dịu ngọt

Chết cũng đành không nuối tiếc chi mô”

Người ta thường ca ngợi văn hóa Huế với những di sản vật thể. Ngoài Nhã Nhạc Cung Đình còn có giọng Huế, chất giọng của ngâm thơ, của dân ca hay của điệu hò mái nhì, mái đẩy. tất cả đều thuộc về phần văn hóa phi vật thể thì ít được ai đề cập đến .

Họa hoằn lắm ta mới nghe Trịnh Công Sơn nhắc đến: “Một ngày chợt nghe quê quán tôi xưa / Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì”.

Tô Kiều Ngân là người con của của Huế sống tại Sài Gòn, là một nhà thơ, một tay sáo nỗi tiếng trước 75 đồng thời cũng là nhà diễn ngâm thơ bằng giọng Huế, thì việc cảm xúc chất giọng để thả vào thơ một linh hồn Huế chẳng có gì là lạ.

Người em Huế trong thơ là cái cớ để nhà thơ trút nỗi niềm về cố quận, ta xem đây như là tiếng lòng của một người trong cuộc nhớ thương về nguồn cội của mình.

Bởi là tiếng lòng nên tự nó đã có chất thơ mà không cần phải gia cố vần vận, cả bài thơ chỉ có 2 vần, không nhất thiết phải liền mà là cách vận như ở khổ 2 và 4 đều nằm ở câu thứ 2 và thứ 4.

Lời thơ thì chan chứa, dạt dào, tự nhiên như âm sắc giọng Huế và dặt dìu như tiếng sáo của Tô Kiều Ngân thổi vào từng thi khúc.

Mặt khác, nhà thơ cũng không cần phải dụng công vào một biện pháp nghệ thuật nào cả để xây dựng hình ảnh, bởi hình ảnh vốn có về Huế đã nằm sẵn trong ký ức khi xúc cảm tuôn trào thì nó đã tự lôi ra để đặt vào trang thơ.

“Hèn chi rứa, răng chừ em sợ lắm

Mạ ngày xưa cũng từng nói như em

Anh mất mạ càng thương em tha thiết

Như tình thương câu hát Huế êm đềm

Nếu lại được em ru bằng giọng Huế

Được vỗ về như mạ hát ngày xưa

Câu hát Huế chứa chan lời dịu ngọt

Chết cũng đành không nuối tiếc chi mô.”

Tận cùng của sự đánh cược cho một tình yêu cao quý nhất trong đời mình là cái chết. Chỉ có tình yêu của đất và người mới

Khiến nhà thơ nói được điều đó vì ông đã yêu Huế bằng một tình yêu đẳng cấp tới mức thượng thừa.

Có thể không sai khi cho rằng Tô Kiều Ngân đã dùng chính tâm hồn ông như một thủ pháp nghệ thuật để viết nên bài Giọng Huế . Giọng Huế là hồn của Huế, nên chỉ có tâm hồn người trong cuộc mới dễ lột tả được hết bản sắc văn hóa Huế mà thôi.

TRƯƠNG CÔNG HẢI

Những ngày cuối đông nhớ Huế 1/2024.


____________________________________________________

GIỌNG HUẾ

Thơ Tô Kiều Ngân

Đăng trên https://www.thivien.net/


GIỌNG HUẾ, thơ TÔ KIỀU NGÂN
READ MORE - TẦM HỒN NHƯ MỘT THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT qua bài thơ GIỌNG HUẾ của TÔ KIỀU NGÂN - Trương Công Hải

DÒNG SÔNG CŨ – Thơ Lê Văn Trung


  

 
DÒNG SÔNG CŨ
(Gửi một thời tắm nước sông Vu Gia)
 
Người về tắm lại dòng sông cũ
Con nước ngày xưa đã đổi màu
Thầm hỏi lòng mình hay trời đất
Mất còn gì sau cuộc binh đao
Người ngồi soi bóng mình trong nước
Chỉ thấy mây bay trắng cả chiều
Thầm hỏi mà lòng không giải được
Bao giờ trăm họ hết thương đau
Ngồi nhẩm thời gian tính tuổi đời
Năm mươi năm vật đổi sao dời
Sá gì duyên nợ nghìn năm cũ
Hà tất vì đâu mà ngậm ngùi
Người về tắm lại dòng sông cũ
Nước có còn xanh màu áo xưa
Hỏi lòng là hỏi niềm quên lãng
Hỏi để mà ươm nỗi đợi chờ.
 
                      Lê Văn Trung

READ MORE - DÒNG SÔNG CŨ – Thơ Lê Văn Trung