Có phải Gió Thu lay
để cho Anh dậy sớm
giọt Mưa phơn phớt bay
càng làm thêm diễm ảo...
Lê Phước Sinh
TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Nhà văn Vũ Hùng |
ĐI HỌ
Truyện ngắn
Vũ Hùng
Ông giáo hổm rày bị đau
dạ dày. Bụng cứ râm ran, anh ách vùng thượng vị rất khó chịu. Uống thuốc bảo
hiểm y tế đã mấy ngày rồi mà không hề thuyên giảm. Uống hết toa thuốc này
chắc phải xuống Quy Nhơn nhập viện như cái đận năm 2019 quá? Nhưng cũng chưa
thể được vì bốn bữa nữa phải đi họ cho thằng Ét, con ông anh Cả.
Ông giáo có ý chối từ vì
bị bệnh nhưng ông Cả một hai vẫn không chịu.
- Trong họ nhà ta chỉ có
chú là được học hành tới nơi tới chốn, hiểu chút lễ nghi, biết ăn nói. Chứ anh
đây lúc nhỏ ham chơi, ít học, làm sui mấy bận nhưng có thông tỏ gì đâu, tất tần
tật đều do chú làm cố vấn, lo liệu, còn chú Chín Gà Rừng chỉ giỏi đốp chát của
dân giang hồ chợ búa, rồi chú Mười Trình chỉ hay chuyện làm ăn chứ đâu thạo
việc họ hàng?
- Dạ, vâng thưa anh! -
Ông giáo đáp - nhưng nó ưng đứa nào?
- Con Thuyền con gái của
mụ Bến làng mình chứ đâu?
- Sao khi nảy không báo
cho em hay?
- Con nó ưng đâu thì
mình cưới đó chứ biết làm sao?
- Có phải con Thuyền là
chị con Ghe, người thấp lùn, tóc đỏ quạch như đuôi ngựa? Tết rồi về quê mặc áo
hở cái rốn tổ chảng có hình xăm hoa hồng? Nghe người làng kháo nhau ông giám
đốc công ty người Indonesia cao to là cha nuôi của nó?
- Cũng nghe thằng Ét nói
vậy?
Ông giáo có vẻ lo lắng.
- Em cảm thấy có chút gì
không an tâm! Đồng ý là thằng Ét nhà mình là kỹ sư xây dựng đi làm mấy năm
trong Sài Gòn nhưng vẫn còn lơ mơ lắm! Với lại dính vào anh em nhà Lão Gà em
thấy rắc rối vô cùng?
- Thôi, vì con cháu đi
chú! Mình còn sống bao lăm nữa đâu chú giáo?
Suốt mấy đêm liền ông
giáo ngủ không yên. Cứ chập chờn, chập chờn chẳng tròn giấc. Không hẳn do cái
bụng râm ran mà vì cái lễ hỏi sắp tới. Thằng Ét cháu ông sẽ trở thành người
nhà, con cháu của lão Ga, mụ Bến và lão Bãi, những người chỉ biết có tiền,
không cần nhân nghĩa, những người nhiều tai tiếng nhất mà cả làng đều xem
thường, đàm tiếu!
Ngày đi họ đã đến!
Từ nhà ông anh Cả
đến nhà mụ Bến không quá trăm mét, chỉ cần đi bộ chừng vài ba phút là tới, vậy
mà chẳng hiểu sao ông anh Cả thuê luôn hai chiếc xe con màu trắng bóng loáng,
loại bảy chỗ ngồi thật sang trọng, trông oách lắm! Trước tấm kính có trang trí
hoa giấy và chữ song hỷ đỏ chói!
Ông giáo ghé tai ông anh
Cả hỏi nhỏ:
- Đường gần có mấy bước
mướn xe chi cho tốn? Anh giàu có gì đâu? Thiên hạ người ta cười cho?
- Thằng Ét nó lo chứ anh
đâu có tiền? Nó nói đi xe như vầy mới đẳng cấp! Dù gì nó cũng là kỹ sư, vợ nó
là trợ lý và là con gái nuôi của giám đốc Indonesia chứ có phải xoàng đâu? Nó
còn thuê cả đám thợ quay phim chụp hình nữa đó chú giáo?
Ông giáo thở dài không
nói, mắt đăm chiêu, nghĩ ngợi ghê lắm!
Hai chiếc xe con chở
mười hai người họ nhà trai cùng chú rể và thằng nhóc đệ tử mặt búng ra sữa chạy
lòng vòng, từ từ quanh làng. Chạy trước hai chiếc xe con là chiếc xe máy SH chở
anh chàng cao kều ốm nhách như thằng nghiện hút ngồi đối lưng với gã lái xe,
tay điều chỉnh máy quay phim trông ra dáng chuyên nghiệp lắm.
Mấy con chó thấy lạ hùa
nhau chạy ra vểnh mỏ sủa inh ỏi váng cả làng, cả xóm
Người làng cũng túa ra
đứng xem, bình phẩm đủ điều.
Thằng Tửng con mụ Tưng
nhặt ve chai cũng đứng lẫn với đám nhỏ, vẫn trần truồng, đen nhẻm, mũi dãi thò
lò như mọi khi, cười hì hì.
- Sướng quá! Chút nữa
mình có ăn rồi!
Diễu quanh làng chừng
nửa tiếng, xe dừng lại trước cổng nhà mụ Bến.
Bảy giờ bốn mươi lăm
phút họ nhà trai nhập gia.
Họ nhà gái cũng mười hai
người đứng thành một hàng dài từ cửa nhà ra đến cổng. Họ gật đầu chào nhau và
bắt tay từng người một.
Thoạt nhìn hai họ
khi đứng đối diện nhau trước khi an tọa trông giống như hai câu năm và
câu sáu của bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú khiến người ta phải phẩm bình.
Bên họ nhà trai nam nữ đều cao lớn, ăn vận áo vét, áo dài rất gọn gàng bắt mắt,
trong khi đó họ nhà gái đều thấp bé mặt mũi hom hem, chỉ trừ mụ hoa hậu vợ lão
Gà có khuôn mặt góc cạnh như con bọ ngựa, cao quá cỡ thợ mộc chẳng khác nào chữ
đó phải là thanh bằng bỗng dưng viết bậy thành thanh trắc, tuy không thất niêm
nhưng nghe cứ tức anh ách trong bụng, còn khó chịu hơn hóc xương cá liệt? Cứ nhìn
hai anh em lão Gà, lão Bãi mặc chiếc áo vét chẳng khác nào mấy anh nông dân mặc
áo bảo hộ rộng xùng xình dài gần tới đầu gối, để phun thuốc trừ sâu mà
không khỏi nhanh tay che miệng cười phì vì lỡ văng nước miếng vào mặt họ
thì phải tội!
Sau khí an vị theo lối
nam tả, nữ hữu, hai họ không nói gì chỉ nhìn nhau như dò xét và tằng hắng liên
tục như bị viêm họng mãn tính bị nhờn thuốc kháng sinh vậy!
Đúng 8 giờ lễ hỏi hay lễ
vấn danh bắt đầu. Lễ vật gồm hai cặp trà, hai cặp rượu được đặt lên bàn trước
mặt hai họ.
Ông cả đứng dậy mở gói
giấy bóng màu đỏ đựng chín miếng trầu têm cánh phượng và chín miếng cau bổ xiên
rồi đặt lên chiếc nắp hộp thau bằng đồng, sau đó rót bốn ly rượu trắng trên
chiếc khay khảm xà cừ. Ông Bến lễ mễ bưng hai chén rượu dâng lên bàn thờ gia
tiên.
Thằng Ét đứng khép nép
cạnh cánh cửa ra vào, hai tay bắt chéo trước bụng.
Ông Cả đằng hắng hai
tiếng rồi trịnh trọng:
- Kính thưa lưỡng tộc,
sau thời gian thằng Ét nhà tui và cháu Thuyền con anh Bến tìm hiểu ở Sài Gòn,
được sự thống nhứt của hai gia đình, hôm nay ngày lành tháng tốt , nam tộc
chúng tôi...
Ông dừng lại tằng hắng
mấy tiếng rồi nói tiếp cái lý do họ đàng trai đến nhà gái để trình lễ hỏi theo
truyền thống của cha ông.
Sau màn giới thiệu hai
họ không khí có vẻ đỡ căng thẳng hơn, ông Cả đi vào việc thưa lễ gọn gàng,
chóng vánh.
Ông Bến đứng lên nói lắp
bắp, lòng vòng chẳng ra đầu ra đuôi gì cả.
- Thưa lưỡng tộc, thưa
hai họ nhà gái, coi như lễ hỏi là coi như tui chấp nhận lễ hỏi của anh Cả, của
họ nhà trai....coi như từ nay...
Lão Gà nhìn ông Bến, rồi
liếc xéo qua ông Cả.
- Vậy thì hai sui gia
nâng ly uống cạn nghen!
Ông giáo mỉm cười rồi
nhắc mấy đứa phục vụ:
- Từ từ! Rót rượu đều
các ly, cẩn thận kẻo tràn ra ngoài đó cháu?
- Xin mời hai họ!
- Uống cạn nghen! Trăm
phần trăm nghen!
Hai họ đều nâng ly và
đồng loạt một tiếng khà đầy hoan hỉ. Chỉ có ông Giáo là chạm môi rồi đặt ly
xuống bàn.
Lão Gà thắc mắc.
- Sao ông Giáo không
uống?
- Bịnh dạ dày! Thông
cảm!
Lão Gà chỉ nhếch mép
không nói gì.
Sau khi trao nhẫn đính
hôn, thằng Ét được vợ chồng lão Bến cho phép gọi bằng cha mẹ ngay sau đó. Rồi
hai họ tiếp tục nâng ly chúc mừng, vẻ mặt đầy hoan hỉ!
Và để cho phần định sính
thông qua được suôn sẻ, ông Cả lại đằng hắng hai tiếng rõ dài, tay rót đầy hai ly
rượu trong khay.
- Thưa lưỡng tộc, hôm
trước hai gia đình đã bàn bạc, thống nhất....
Lại đằng hắng hai tiếng
nữa.
- Thưa lưỡng tộc...
- Sao cứ thưa hoài vậy
anh Cả? - lão Bãi nhăn nhó tỏ vẻ không hài lòng - anh cứ báo những điều mà anh
và chị tui đã giao hợp bữa trước là vàng mấy cây, tiền nát là bao nhiêu? Thế là
OK!
Cả phòng bỗng cười ồ,
anh chàng quay phim suýt đánh rơi máy. Chỉ có ông giáo hơi nhíu mày và đưa ngón
tay út ngoáy nhẹ lỗ tai, còn lão Bến thì ngơ ngác chưa kip hiểu điều gì đã xảy
ra.
Ông Cả lại đằng hắng.
- Thưa lưỡng tộc, dạ
sính lễ trong ngày đại nạp gồm 5 lượng vàng y và 20 triệu đồng...
Ông Cả ngừng nói, đưa
tay lau mồ hôi trán, rồi lại đằng hắng rõ to.
- Còn hàng giẻ thì sao
thưa anh Bến, hôm trước chưa bàn đến việc này, hôm nay cho ý kiến luôn...
Lão Gà chưa đợi hết câu
bỗng đứng bật dậy.
- Ông Cả khinh người vừa
phải thôi! Sao lại phải là hàng giẻ. Hàng giẻ để lau chân à?
Cả phòng bỗng im phăng
phắc.
Ông Cả nhìn sang ông
giáo với ánh mắt đầy lo lắng. Ông giáo đứng dậy, giọng từ tốn:
- Thưa lưỡng tộc! Công
việc hệ trọng hôm nay của hai họ là vun vén cho cháu Ét con trai của anh chị Cả
nhà tui và cháu Thuyền con của anh chị Bến nên duyên chồng vợ, ăn đời ở kiếp
với nhau, sanh con đẻ cái biết trọng nhân nghĩa, biết điều hay lẽ phải của cuộc
đời. Trong khi trình bày, lời ăn tiếng nói của hai họ đôi khi cũng có sự
va vấp, sai sót ngoài ý muốn. Chúng ta cũng nên niệm tình bỏ qua. Ý kiến của
tui như vậy có đúng không thưa nữ tộc?
Lão Bến cười nhạt, giọng
cố chấp:
- Sao phải bỏ qua? Nói
như ông giáo thì họ nhà gái chúng tôi cũng nói bậy à? Ông phải chỉ rõ họ tôi
nói bậy chỗ nào?
- Có nên như vậy không?
- Ông giáo giọng nhỏ nhẹ - Xin anh Bến thông cảm cho qua!
Ông Bến chưa kịp trả lời
thì lão Gà xẵng giọng:
- Không thể cho qua!
Ông giáo nghiêm giọng:
- Vậy thì cũng xin nói
luôn hồi nãy anh Cả nhà tui nói từ hàng giẻ là đúng hay sai, khinh hay trọng sẽ
trình bày sau. Còn bây giờ không phải là tui bắt bẻ mà là chỉ ra những sai sót
như ý các anh muốn thấy. Thứ nhất đã thưa lưỡng tộc rồi cần gì phải kèm thêm
hai họ nữa hả anh Bến?
Lão Gà cười khẩy.
- Tưởng gì ? Nói thừa
một chút có sao đâu? Rồi còn sai gì nữa kể tiếp đi!
- Hai là họ
nhà trai đến đây trình lễ là thật mà ông chủ hôn của nhà gái khi nhận lễ nói
coi như là... Chẳng lẽ lễ hỏi hôm nay là giả à?
Lão Gà sượng mặt nói
kháy một câu nghe rất chói tai đầy thách thức
- Ông giáo vạch lá tìm
sâu giỏi thiệt! Nhưng còn lỗi nào của họ nhà gái nữa ông nói ra luôn đi để họ
nhà gái tui rút kinh nghiệm?
- Còn chớ nhưng không
muốn nói nữa vì điều này rất tế nhị, khó nghe lắm?
Lão Bãi nãy giờ ngồi im
liền lên tiếng:
- Cần gì tế nhị? Ông
giáo cứ nói đi phải không anh Ga, anh Bến?
Lão Ga và lão Bến gật
đầu.
- Đúng rồi, ông giáo nói
đi, đừng bịa đặt, vu cáo là được?
Ông giáo lưỡng lự một
lát rồi nói chậm rãi:
- Lúc nãy, anh Bãi có
nói là bữa trước anh Cả nhà tui đã giao hợp với chị Bến và thống nhất ...Sao
lại giao hợp? Phải là giao kèo, giao ngôn, giao kết chứ?- Ông giáo nhìn anh
chàng quay phim nhắc nhỏ - Cháu nhớ cắt đoạn anh Bãi nói lúc nãy nhé, không hay
đâu?
Lão Bến, lão Bãi ngồi
chết lặng, mặt tái mét, lão Gà đầu cúi xuống không nhìn ai.
Ngoài cửa thằng Tửng
đứng lấp ló và gãi đầu
- Sao mấy ông cứ nói
hoài? Chừng nào mới ăn đây?
Ông giáo chắp tay trước
ngực và đầu khẽ cúi xuống như có vẻ lấy làm tiếc về những điều vừa rồi và nói
tiếp:
- Thưa lưỡng tộc! Cụm từ
hàng giẻ mà anh cả tui nói lúc nãy không có gì sai. Giẻ có nghĩa là miếng vải
nhỏ. Có thể để lau chùi. Nhưng đây là cách nói đầy khiêm tốn được truyền miệng
từ xưa đến giờ. Có lẽ do anh Ga ít để ý nên cảm thấy bị sốc mong anh hiểu
cho? Và lúc nãy anh Bãi có nói đến cụm từ tiền nát. Chẳng lẽ đó là tiền
rách vụn hay sao? Ấy cũng là cách nói khiêm tốn như miếng trầu héo, ly rượu
nhạt... Sự tinh tế của các cụ ngày xưa thông qua những ngôn từ ẩn chứa những
hình ảnh bình thường mà ý nghĩa biết bao?
Mong rằng sau những bất
đồng ý kiến không đáng có này chúng ta hãy nên vì hai cháu là tốt nhất!
Sau khi giải lao chừng
mười lăm phút, hai họ được mời vào bàn tiệc.
Lúc đầu họ hàng hai bên
ăn uống khá chậm rãi, dè dặt, giữ kẽ. Bia rót cầm chừng. Nhưng đến ly thứ bảy,
thứ tám thì chuyện nổ như bắp rang. Tha hồ nói chuyện trên trời dưới biển. Lão
Gà vẫn đem cái giàu tiền tỷ của mình ra khoe. Rồi đến chuyện con gái mua nhà ba
tầng ở Hà Nội... Nghe hay không nghe cũng được. Mặc kệ! Lão cứ kể, kể cho
sướng cái miệng!
Nhưng lão vẫn không quên
nài ép ông giáo ngồi kề phải uống cho bằng được.
- Ông giáo kỹ lắm nghen!
- Kỹ điều gì?- Ông giáo
hỏi lại.
- Sợ chết không dám uống
bia? Trùm kỹ đấy!
Ông giáo im lặng...
Đến ly thứ mười, lão Gà
đầu lắc lư mặt bầm tím.
- Mời ông giáo uống cạn
ly này?
- Tui đã nói là tui bị
bịnh không uống được!
- Chẳng lẽ tui uống tui
say còn ông tỉnh à? Không công bằng ! Tui cũng bị bịnh, tui không uống nữa?
Ông giáo cười nhếch mép:
-Tui có mời, hay ép anh
đâu? Uống hay không là quyền của anh mà?
Lão Gà hậm hực
- Đù mẹ, chỉ giỏi lý sự.
Sợ ai mà tao không uống?
Rồi gã ngửa cổ tu một
hơi, ly bia cạn sạch ra vẻ đắc ý lắm.
- Đù mẹ, cái thứ đái
ngồi như đàn bà. Nam vô tửu như kỳ vô phong.
Thằng Tửng đứng xớ rớ,
mắt chăm chắm nhìn vào đĩa thịt gà quay vàng hươm đặt giữa bàn khi nghe câu nam
vô tửu...nó chợt nhớ câu chửi lại chồng hay say rượu thường ngày của bà Nị bán
bánh xèo đầu xóm, nó bỗng hét to:
- Chửu nhập châm như cẩu
cuồng tại xị!
Cả bàn họ đang bưng ly
bia thứ mười một chuẩn bị trăm phần trăm đều đồng loạt đặt xuống bàn, ngạc
nhiên cực độ.
Lão Gà tức giận quát
lớn
- Đù mẹ, sao để thằng
khùng vô đây nói bậy thế? Đuổi nó ra chỗ khác!
Thằng Tửng bị người nhà
của mụ Bến tống cổ ra ngoài còn hăm dọa bắt nhốt nên nó sợ không dám bén mảng
vào trong đó nữa. Nó buồn bã ngồi một mình bên bờ tường thèm miếng thịt gà quay
vàng hươm chưa kịp bốc trộm!
Trong nhà ông giáo vẫn
ôn tồn:
- Anh không nên nói nó
khùng, đó là một đứa trẻ bất hạnh đáng thương!
Lão Gà hùng hổ đứng dậy
thộp cổ áo ông giáo.
- Đáng thương à? Thằng
khùng nó nói vậy mà ông giáo bảo là đáng thương à?
Ông giáo nhắc nhở
- Anh bỏ tay ra, hôm nay
là ngày vui của cháu anh đó? Dù gì tui với anh cũng từng là đồng nghiệp, nay là
thông gia với nhau rồi?
Lão Gà vênh mặt
- Thông gia cái con
khẹt! Không bỏ tay ra thì sao? Mày có giỏi thì...
Lão Gà chưa nói hết câu
thì ông giáo vụt đứng dậy xoay người thật nhanh. Lão Gà bị văng ra xa nằm sóng
soài trên sàn nhà lổn nhổn xương gà, xương heo và vỏ lon bia lăn lóc khắp nơi!
Còn cổ áo ông giáo bị rách toạc một mảng lớn!
Sự việc xảy ra quá bất
ngờ không ai lường trước.
Lão Bãi cùng ba bốn
người họ nhà gái xô bàn hùng hổ xông tới chỗ ông giáo nhưng bị chú Chín Gà Rừng
họ nhà trai giang tay chặn lại.
- Các anh muốn làm gì?
Đánh nhau à? Có biết hôm nay là ngày gì không? Khi nãy trình lễ các anh đã gây
khó dễ, bắt bẻ đủ điều, ăn nói chẳng đâu vào đâu, bây giờ lại gây sự nghĩa là
sao? Không sợ dân làng Đông Trạch này cười thúi đầu à?
Buổi tiệc tàn chóng
vánh. Bàn ghế ngổn ngang chén đũa, thức ăn vương vãi tứ tung, ruồi bay loạn xạ.
Họ nhà trai ra về chẳng
có cái bắt tay, chẳng ly rượu tiễn.
Lão Gà áo quần xộc xệch,
tóc tai bù xù vẫn ngồi ủ rũ dưới sàn nhà, giọng lè nhè:
- Ông giáo, mày dám chơi
tao à? Hãy liệu hồn đấy!
Chỉ tội cho thằng Ét và
con Thuyền quá đỗi? Tội nhất là mười ngày sau, đám cưới không thể diễn ra được
vì thằng Ét bị tai nạn giao thông gãy chân phải nằm điều trị ở bệnh viện Quy
Nhơn.
Sáu tháng sau, con
Thuyền cũng chuyển dạ và hạ sanh một bé trai bụ bẫm ở bệnh viện Từ Dũ. Đứa bé
chẳng giống cha Ét hay phía nội chút nào mà giống ông ngoại như đúc, ông ngoại
người Indonesia, da đen nhẻm, tóc xoăn, mắt lồi trắng dã và đôi môi dày như hai
con đỉa trâu!
Bình Định, 10.07.2022
Vũ Hùng