Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, April 2, 2015

Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng mời nghe: YÊU LÀ YÊU - Nhạc: Thanh Trang - Trình bày: Hiếu Tâm, Hiếu Thuận, Hiếu Phương và Hiếu Trang.






1. Nguời biết yêu cuộc sống
Yêu trời đất mênh mông
Chờ nắng mưa gọi xuống
Cho thắm tươi muôn lòng

Nguời đến trong cuộc sống
Có khi về với hư không
Một sớm mai lẻ bóng
Mơ ước duyên tình nồng

Ð.K.
Yêu là yêu là yêu khoảng trời ngát xanh
Yêu là là yêu là yêu chợt khi vắng anh
Yêu là khi gặp duyên hẹn ngày có nhau
Yêu là khi muộn duyên hẹn chờ kiếp sau !

2. Ngày tháng phai màu áo
Nên người dễ quên nhau
Tình ngắn hay tình sâu
Theo nắng mưa dãi dầu

Hỏi những tâm tình đó
Giữ trong đời đến bao lâu ?
Lời cuối anh thầm nói :
Yêu mỗi tâm tình đầu !

( Trờ lại Ð.K. )

3. Dù thiết tha là mấy
Cũng ngày bỗng chia tay
Người buớc đi một buớc
Sao vẫn quay trông lại ?

Hỏi chốn xưa nẻo ấy
Nhớ nhung gì bấy lâu nay
Lời cuối anh thầm nói :
Yêu mỗi phương trời này ! 

( Trờ lại Ð.K. )

4. Ngày tháng phai màu áo
Ai nguời dễ quên nhau ?
Tình chớm hay tình sâu
Qua nắng mua dãi dầu

Hỏi những duyên tình cũ
Giữ trong lòng đến bao lâu
Lời cuối anh thầm nói :
“Yêu mỗi trang tình đầu !”

( Trở lại ÐK. Và hết)

Theo: www.lyricafe.com
READ MORE - Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng mời nghe: YÊU LÀ YÊU - Nhạc: Thanh Trang - Trình bày: Hiếu Tâm, Hiếu Thuận, Hiếu Phương và Hiếu Trang.

NGÀY EM VỀ - thơ Trầm Mặc

Tác giả Trầm Mặc


Thơ Trầm Mạc (Nguyễn Thị Bê)

       Ngày Em Về         

Rồi một ngày em về
Ngập chìm trong biển mê
Giọt hờn theo năm tháng
Dòng sông Hoài đê mê 

Ta đi giữa trưa buồn
Nghe giọt nhớ giọt thương
Phố cũ chiều lặng lẽ
Lá vàng mãi vấn vương

Ôi! ngày em trở về
Mưa … mưa ...  dài lê thê
Gió u hoài than khóc
Chạnh lòng nỗi sơn khê

Mưa... vẫn rơi não nề
Ai bảo em hẹn về
Lời buồn sao nói hết
Anh phổ khúc hẹn thề 

Em!
Có biết chăng?
Ai đêm trường không ngủ
Cây trút lá vi vu
Trăng treo lưng chừng ngõ
Anh vời vợi khúc ru... 

Ơ  hờ! Em hẹn về ...
Ngày em về ...

Ôi!!
Còn đâu mắt môi?
Tình anh đơn côi
em còn hờn dỗi
Tình đầu xa xôi
mộng vàng trôi thôi
Người ơi đâu rồi?
Ơ hờ ... đâu rồi ... đâu rồi...

                                     Vỹ Dạ Huế

                                           2015
READ MORE - NGÀY EM VỀ - thơ Trầm Mặc

BIẾT ĐÂU CHỪNG ... - Chùm thơ Nguyễn Văn Gia


Tác giả Nguyễn Văn Gia















Chùm thơ Nguyễn Văn Gia

BIẾT  ĐÂU  CHỪNG ...

Biết đâu chừng ...
Rồi một ngày
Trời đất sẽ xanh hơn
Rộn rã tiếng chim
Hoa trái đầy vườn
Trẻ thơ đến trường
Tung tăng chân sáo
Nước sẽ mát lành
Vui con cá lội
Và con người
Lại biết sống yêu thương.


THÀ  RẰNG

Bầy
Đàn
Là cái chi chi
Thà rằng lặng lẽ mỗi khi
Đi
Về
Rảo quanh cái cõi u mê
Rong chơi dăm bữa mai về hư vô.


TƯỞNG  BỞ

Trái đất quá mong manh
Lắm phen ta tưởng bở
Chẳng có gì muôn năm
Giữa trùng trùng dâu bể.


                        Nguyễn Văn Gia
READ MORE - BIẾT ĐÂU CHỪNG ... - Chùm thơ Nguyễn Văn Gia

ĐỌC “XIN LỖI” THƠ VĨNH THUYÊN - Châu Thạch

Nhà thơ Dương Vĩnh Thuyên



ĐỌC “XIN LỖI” THƠ VĨNH THUYÊN
   Châu Thạch

XIN LỖI
Cảm ơn em
Cảm ơn hết mọi người
Đã cho tôi
Một lần xin lỗi
Trời sinh tôi
Sinh thêm lắm tội
Lời nói đầu
Tôi XIN LỖI tôi

Phà Cổ Chiên
Tháng ngày mấy lượt
Đưa tôi đi
Và đón tôi về
Cầu Cổ Chiên xây xong
Ai tiễn
Phà về đâu
Tôi biết đâu tìm

Ao Bà Om
Chiều hôm còn đợi
Đợi điều gì
Không hẹn chưa quen
Gió đã nói
Lời như trách móc
Tôi đã thua lần nữa
Mấy lần

                   Vĩnh Thuyên


Lời Bình:  Châu Thạch

Có người nói với tôi Vĩnh Thuyên thiếu chữ để diễn tả ý thơ mình. Tôi cười không trả lời nhưng tôi biết không phải như thế vì Vĩnh Thuyên muốn nói ít để người ta hiểu nhiều. Thơ Vĩnh Thuyên không bao giờ tối nghĩa nhưng đọc thơ Vĩnh Thuyên thì trước hết phải trang bị cho mình con mắt thẩm mỹ để cảm nhận  vẽ đẹp một cách khái quát như thoáng nhìn một bức tranh lập thể, sau đó từ từ chiêm nghiệm.

Đọc bài thơ “Xin Lỗi” ta cũng dễ ngỡ ngàng vì gặp ngay những lời khô khan vào đề:

Cảm ơn em
Cảm ơn hết mọi người
Đã cho tôi
Một lần xin lỗi

Xin lỗi và cảm ơn là hai câu nói ở đầu cửa miệng người Âu Mỹ . Vĩnh Thuyên tiến bộ hơn họ ở chổ vừa xin lỗi xong, lại cám ơn tiếp vì người ta nhận lời xin lỗi của mình. Đây là một phong cách thơ có mục đích nhấn mạnh thêm lỗi của nhà thơ nặng nề, trầm trọng hơn những lỗi trong sự va chạm bình thường ngoài đời.
Ta cũng ngỡ ngàng thêm vì không biết nhà thơ có tội chi mà xin lỗi nhiều như thế. Đọc tiếp hai câu thơ sau ta thấy Vĩnh Thuyên mặc dầu xin lỗi nhưng cái lỗi chính lại là cái Tôi cuả mình.

Người theo đạo Chúa thường đấm ngực xưng tội mình nhưng họ nói “lỗi tại tôi mọi bề” chớ chẳng khi nào đổ tội cho Trời và xưng tội với người. Người theo đạo Phật thì lại càng tự nhận lỗi về mình tất cả để tu tập trên con đường Diệt Đế . “Trời sinh ra tôi-Sinh thêm lắm tội” nhưng tại thâm tâm mình nhà thơ cũng ý niệm được “lỗi tại tôi mọi bề” nên ông lại tự xin lỗi chính mình. Điều đó cũng xác nhận được nhà thơ tự cảm nhận được trong thể xác mình có hai bản thể con người. Một bản thể mang tội lỗi và một bản thể là công chính, không tội:

Lời nói đầu
Tôi XIN LỖI tôi

Vế thơ cho ta thấy Vĩnh Thuyên vạch ra một vấn đề nam giải. Đó là nguyên nhân của tội lỗi. Câu hỏi tội lỗi từ đâu mà có? Tội lỗi từ trời hay tội lỗi từ tôi? Nhà thơ đưa ra nan đề và nhà thơ không trả lời. Những lời cảm ơn em và cảm ơn mọi người đã cho nhà thơ một lần xin lỗi chẳng phải là chân thành đâu vì ai đâu biết tác giả có lỗi gì mà tha thứ. Đó chẳng qua là ngón đòn tâm lý đánh thức tư duy của em và của mọi người để tự giải bài toán khó giải kia, để giải một nan đề thuộc về một triết lý cao sâu.  Phần đáp án phải do mỗi người trong chúng ta, những ai đọc bài thơ “Xin Lỗi”, hoặc nó là một sự phi lý sẽ treo lơ lửng muôn đời không ai giải được.

Qua phần thứ hai của bài thơ tưởng như lạc lỏng với vế thơ đầu. Phần nầy tác giả nói về việc cây cầu Cổ Chiên xây xong đã làm cho con phà Cổ Chiên biến mất. Phà cổ Chiên là hình ảnh thân thương trong quá khứ đối với tác giả và đối với nhiều người.Khi người qua sông có phà đưa đón. Phà Cổ Chiên không còn  ai sẽ  tiễn  phà đi để nhà thơ phải ngẫn ngơ mà thốt lên:

Ai tiễn
Phà về đâu
Tôi biết đâu tìm

Phà cổ Chiên và cầu Cổ Chiên có liên quan gì đến chủ đề bài thơ là “Xin lỗi”? Tại sao tác giả đặt phà và cầu vào trong bài thơ nói về tội lỗi? Bến phà biến đi làm mất theo luôn cảnh nhộn nhịp của người qua lại, của sự trao đổi bán mua. Cây cầu hiện ra là một hình ảnh mới, một sinh hoạt mới  gọn hơn và nhanh hơn trước. Thâm tâm nhà thơ có sự ray rức vì tưởng như quá khứ có linh hồn và linh hồn đó đã chết. Tác giả tự chuốc vào mình cái lỗi của sự từ giả một nếp sống thân thương mà mình quyến luyến. Nhà thơ nghe tiếng than thở oán trách của linh hồn quá khứ trong linh hồn của nhà thơ. Vì thế tác giả  mới phân bua trước mọi người như là người ta đang chất vấn mình: “Ai tiễn/Phà về đâu/Tôi đâu biết”.

Vế thơ cho thấy quan niệm những thay đổi trong cuộc đời dầu là thay đổi tốt hơn nhưng không biết trân trọng quá khứ cũng là một tội lỗi. Chiếc áo mới thay chiếc áo cũ, ngôi nhà mới thay ngôi nhà cũ, cây cầu mới thay bến phà cũ là ta vất bỏ chính ta của một quá khứ gắn bó, nương cậy, chuyên chở…đời ta mà với quan niệm về chữ “chấp” của nhà Phật, có thể ta cho chính đó là ta. Vậy thì lỗi hay tội lỗi nó nằm trong mọi hành vi, mọi giao tiếp của tôi với đời mà nó từ đâu đến, không phải do tôi vì “Ai tiễn/Phà về đâu/Tôi biết đâu tìm” nhưng tôi phải đau khổ như chính tôi là thủ phạm vì kỷ niệm ấy tôi sẽ giết chết lần trong ký ức của tôi. Từ đó tôi phải xin lỗi cuộc đời .- Đó là một nan đề.

Vế thứ ba của bài thơ tác giả đem mình vào trong huyền thoại đất Trà Vinh:


Ao Bà Om 
Chiều hom còn đợi 
Đợi điều gì         
Không hẹn chưa quen         
Gió đã nói         
Lời như trách móc         
Tôi đã thua lần nữa       
Mấy lần
  
Chuyện kể ngày xưa tại đất Trà vinh có xảy ra cuộc tranh tài đào ao giữa nam và nữ. Bên nam vì ỷ lại và ham vui nên bị bên nữ lừa phải thua cuộc. Người lảnh đạo bên nữ là bà Om bày kế múa hát cho phía đàn ông mê mẩn quên đi trách nhiệm của mình.

Huyền thoại nầy cũng tưởng như không liên quan gì với chủ đề “Xin Lỗi” ở trên nhưng, đọc lời thảo luận của nhà thơ Hoài Huyền Thanh cho ta ý niệm về vế thơ nầy:

“Tình sương khói cho đời thêm mộng mị
Được chào thua người là hạnh phúc cho thơ”

“Chào thua” như Hoài Huyền Thanh nói hay xin lỗi cũng là một cử chỉ biểu hiện sự thua cuộc hay sự nhân nhượng chịu là mình thua cuộc. Từ thời xa xưa người nam đã vì sự yêu thích người nữ mà chào thua trong câu chuyện Bà Om. Ngày nay thi nhân chờ đợi sự thua cuộc đó trong đời mình. Mặc dầu “Gió đã nói/ Lời như trách móc”  nhưng người thơ vẫn “Cảm ơn em/Cảm ơn hết mọi người” đã nhận của tôi một lời xin lỗi hay nói đúng hơn, nhận sự thua cuộc của tôi với em, với hết thảy mọi người. Người đời thua cuộc thì sinh hận thù. Thi nhân thua cuộc có khi là hạnh phúc, giống như con kén tự rúc vào cái bọc mình làm ra để thua cuộc, và khi kén chết tức là thua cuộc thì tơ tằm đem ra làm đẹp cho đời. Những sự thua cuộc đó chính là “Được chào thua người là hạnh phúc cho thơ “.

Ba vế thơ trong “Xin Lỗi” tưởng như nói về ba vấn đề riêng biệt nhưng thật tình nó liên kết nhau trong một chủ đề, lật cho người đọc thấy như bức tranh về sự ngang trái  của cuộc đời và những nan đề đặt ra cho triết lý nhân sinh như nhà thơ Lê Hào đã thảo luận.

Tôi nghĩ bài thơ nầy nếu thêm 1 khổ nữa thì tròn trịa biết bao

Viết về bài thơ nầy, nếu viết ngắn thì không hết ý, chỉ nói loanh quanh mà viết dài thì mõi mắt người xem.

Xin dùng lời cảm ơn của Vĩnh Thuyên để gởi đến mọi người nhận cho tôi một lần xin lỗi vì sự nông cạn của mình nhưng yêu thơ Vĩnh Thuyên nên tỏ bày vài hàng thô thiển./.
                                                              Châu Thạch








READ MORE - ĐỌC “XIN LỖI” THƠ VĨNH THUYÊN - Châu Thạch

TRĂM NĂM MỘT CUỘC TÌNH - thơ Hồng Tâm


Tác giả Hồng Tâm


TRĂM NĂM 
MỘT CUỘC TÌNH

Một ngày em vắng anh
Là ngày em héo hắt
Giọt nước mắt tuôn rơi
Thấm đầy mi gối chiếc

Một ngày em xa anh
Là bao niềm nhung nhớ
Bài thơ tình viết dỡ
Trang giấy cũng nhuộm sầu

Nếu mai nầy xa nhau
Trong ta còn tiếc nuối
Thời gian không chờ đợi
Nhịp tim đau rã rời

Vòng tay đừng buông lơi
Mình yêu hoài anh nhé
Em - người yêu nhỏ bé
Trăm năm một cuộc tình

Hồng Tâm 
(Lý Thị Minh Tâm - Bến Cầu - Tây Ninh)

Email: lyminhly456@gmail.com
READ MORE - TRĂM NĂM MỘT CUỘC TÌNH - thơ Hồng Tâm

HÔM NAY NGÀY MAI - thơ Chu Vương Miện

Tác giả Chu Vương Miện












thơ chu vương miện

hôm nay ngày mai

hôm nay em nói vầy
ngày mai em nói khác
em khôn hơn con vịt
mồm luôn kêu cạp cạp
con suối nhỏ hiền hòa
bỗng dưng thành con thác 

*

hoa tới giờ đua nở
ong tới giớ tới nơi
giờ này em chưa dậy
làm anh chờ hoài hơi 
chiều tới giờ hoa tàn
ong về tổ vội vàng
anh uống vội tô nước
đi ngay sợ chiều tan 

*
câu cá cứ câu cá
luồn trôn cứ luồn trôn
có mỗi mình Hàn Tín
thắng được Sở bá Vương
còn lại cứ câu cá
còn lại cứ luồn trôn
thời thế nay đã khác ?
đâu Hán Sở tranh hùng ?

*

đời bình thường trôi qua
ngày tầm thường trôi qua 
kiếp người giống kiếp gà 
sáng gáy tới đi ngủ
kệ con người con ma
đồng lúa hay đồng cỏ
người trẻ hay người già
khóc thầm hay tiếng loa

                    chuvươngmiện


READ MORE - HÔM NAY NGÀY MAI - thơ Chu Vương Miện

ĐỊA CHỈ CỦA NHỮNG NGƯỜI LUÂN LẠC - Truyện ngắn Nguyễn Bá Trình

  
Tác giả Nguyễn Bá Trình

Địa Chỉ Của Những Người Luân Lạc 
Truyện ngắn Nguyễn Bá Trình

Bước vào thế giới mạng bạn sẽ gặp vô vàn những trang web, cá nhân, hoặc tập thể. Những trang văn chương, nghệ thuật, những trang giao dịch, mua bán… Nhưng bạn cũng sẽ gặp một trang web khá lạ lùng, trong đó, những bản cáo phó, những lời chia buồn gần như lấp kín trang.
Tất nhiên trang web đó cũng có tên miền như mọi trang khác, nhưng tôi lại thích gọi nó là Địa Chỉ Của Những Người Luân Lạc. Những người có tên trong trang web hầu hết đều có tuổi đời gần sáu mươi trở lên. Đó là những người có tuổi thơ gắn bó với nhau dưới một mái trường trung học.Thế rồi chiến tranh đã tàn phá ngôi trường thân yêu của họ, đã cướp mất tuổi thơ của họ. Mỗi người phiêu bạt một nơi.
Họ giống như những con chim non trong cùng một chiếc tổ bị bão táp xé nát tan tành. Những con chim non sống sót thì chẳng biết tìm nhau. Còn họ thì suốt đời tìm kiếm. Để bắt liên lạc, họ đã lập lên một trang web lấy tên miền là tên ngôi trường trung học thời niên thiếu của họ. Và họ tìm đến với nhau để an ủi động viên nhau vượt qua những căm go trong cuộc sống vào buổi xế chiều.
Với cái tuổi của họ, đã có nhiều người lần lượt ra đi. Thế nên trong trang web ấy, những dòng chia buồn, tiếc thương cứ thế mà tiếp nối…
Rồi một lần tôi nhận ra  trang web ấy và tìm đến cùng họ…Và câu chuyện tôi kể cũng được bắt đầu từ trang Web ấy.

                                                              *

Dù đã ở thành phố nầy gần một năm nay nhưng tôi mới có thông tin về sinh hoạt của nhóm đồng môn cách đây gần một tháng do một anh bạn cũng là một đồng môn mà tôi gặp tình cờ trong một quán cà phê cung cấp. Đặc biệt trong thông tin có một chi tiết rất thú vị: Có một người bạn cũ muốn gặp tôi. Là ai thì anh ấy không rõ. Anh nói trong buổi sinh hoạt lần trước, ban tổ chức có gọi tên tôi và nhắn là có người muốn gặp. Nhưng tôi không có mặt. Tôi đinh ninh lần sinh hoạt nầy người đó chắc chắn sẽ lại tìm tôi.                                                         
  Về nhà, theo lời giới thiệu của anh bạn, tôi mở trang web, tìm địa chỉ, thời gian và chương trình sinh hoạt của nhóm. Buổi họp mặt nầy sẽ được tổ chức tại một quán cà phê. Theo lời giới thiệu của ban tổ chức, đó là địa điểm rất thơ mộng. Theo chương trình, đúng tám giờ mới khai mạc, nhưng bảy giờ ba mươi tôi đã có mặt. Vậy mà đã có một vài anh chị đến sớm hơn, tất cả đều xa lạ. Điều nầy là tất nhiên thôi, bởi xa nhau chừng ấy năm, dù trước đây có quen thân cũng khó mà nhận ra. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế đá trước sân quán. Phía trái tôi, cách chừng mươi mét có hai đồng môn đang đứng trò chuyện. Người đàn ông tóc trắng như cước, ăn mặc giản dị. Người đàn bà thì tóc còn đen, ăn mặc sang trọng, tay cầm một cuốn sách. Họ cũng như tôi, nói chuyện nhưng mắt cứ đảo quanh. Tất cả đều có chung một tâm trạng bồi hồi xúc động và cố tìm nét quen trên những khuôn mặt của những người mới tới. Đã có thêm vài ba người mới vào. Cặp bạn bên trái tôi nói chuyện với nhau nãy giờ đã chia tay. Người đàn ông tìm đến một ông bạn khác, hình như họ đã nhận ra nhau từ những lần họp mặt trước. Người đàn bà nhìn tôi một lát rồi bước về phía tôi. Tôi mỉm cười chào và người nữ đồng môn vui vẻ chào lại.
-Chị ngồi xuống đây cho đỡ mỏi. Tôi mời và nói: Còn đến hơn nửa giờ nữa mới khai mạc.
Tôi ngồi xích sang một bên nhường phần ghế đá cho đồng môn nữ.
Nhìn kỹ, tôi thấy bạn đồng môn nữ còn trẻ, có lẽ sau tôi cũng vài khóa.
Chúng tôi hỏi nhau về khóa học
-Chị học khóa nào?
-Em khóa …. Còn anh?
Nghe tên khóa của bạn nữ đồng môn tôi mừng quá nên  chưa kịp trả lời mình khóa nào và cũng quên hỏi chị ấy tên gì mà lại hỏi:
-Vậy chị học cùng lớp với Lệ Hồng?
-Dương Lệ Hồng phải không?
-Đúng rồi. Dương thị Lệ Hồng. Tôi lặp lại cho chính xác.
-Chỉ cùng khối thôi. Lệ Hồng học ban C còn em ban A.
-Chị có biết giờ Lệ Hồng ở đâu không?
-Nghe nói cô ấy ở bên Canada.
-Chị còn giữ liên lạc với Lệ Hồng ằng kho6ngHa8ng2 Hhh
không?
-Dạ không. Em chỉ biết thôi. Xin lỗi anh tên gì học khóa mấy? Anh là gì của Hồng? Nếu anh muốn biết rõ Lệ Hồng thì lát nữa em giới thiệu cho một người. Cô nầy biết rất rõ về Hồng.
Tôi nói tên và khóa học của mình. Nghe nói có người biết rõ Lệ Hồng tôi mừng đến đỗi một lần nữa lại quên hỏi tên của bạn nữ đồng môn mà chỉ nói về Hồng:
 -Hồng là bạn thân thời trung học. Mấy chục năm nay tôi vẫn có ý tìm nhưng không bắt được một tin tức gì về Hồng cả.
Người đàn bà không dấu vẻ xúc động:
-Gần hết một kiếp người rồi còn gì phải không anh?
-Đúng là như vậy. Cũng may mà giờ nầy lại được tin Lệ Hồng còn sống. Người mà chị định giới thiệu để tôi hỏi thăm Lệ Hồng là ai vậy? Bây giờ người ấy đang có mặt ở đây không?
-Cô bạn mà tôi nói cũng là đồng môn với chúng ta. Lát nữa cô ấy đến.
-Chị đã dự buổi họp mặt nào trước đây chưa?
-Dạ đây là buổi thứ hai. Còn anh?
-Tôi mới dự buổi đầu.
-Sao ở thành phố nầy mà bây giờ anh mới đi dự?
-Tôi ở tỉnh khác chuyển về. Mới biết được sinh hoạt của đồng môn cách đây không lâu. Trong buổi họp mặt trước, có người tìm gặp tôi nhưng lúc đó tôi chưa đi. Tôi nghĩ rằng lần nầy thế nào người ấy cũng đến tìm tôi. Thú thực với chị trong lòng tôi cứ nghĩ người ấy là Lệ Hồng. Hay là…
Tôi nhìn người bạn nữ đồng môn ngờ vực. Nhưng chị ấy mỉm cười:
-Anh nghi người tôi sắp giới thiệu là Lệ Hồng chứ gì. Người đàn bà lại cười buồn:
-Không phải đâu. Mà biết đâu cô Lệ Hồng giờ nầy đã quên anh rồi thì sao?
-Điều ấy đối với tôi không quan trọng. Tôi chỉ mong gặp được cô ấy và thấy được cô ấy còn khỏe thế là đủ rồi. Đã mấy mươi năm. Hồng giờ nầy cũng đã có cháu nội cháu ngoại như tôi. Quên nhau cũng là chuyện thường tình thôi.
Tôi định hỏi tên, nơi ở và cuộc sống hiện nay của nữ đồng môn nhưng chị đã hỏi trước:
-Hai người thân nhau trong trường hợp nào?
Nghe bạn nữ hỏi, có người để chia sẻ, tôi đã kể ngọn ngành những tâm sự dấu kín trong lòng mấy chục năm nay chưa được cùng ai bộc bạch như tự mình ôn lại những kỷ niệm đẹp đẽ của cái thời đầy thơ mộng đã trôi qua không bao giờ còn gặp lại.

                                                                  *

Hồi ấy…
Học hết trung học đệ nhất cấp ở quê, tôi lên thị xã để theo học đệ nhị cấp. Cạnh ngôi nhà tôi ở dạy kèm ở đường Phan Đình Phùng là một biệt thự thuộc loại kín cổng cao tường. Gia đình nầy không có quan hệ gần gũi với xóm giềng nên có lẽ cũng chẳng ai biết được gì về những người sống bên trong ấy. Nhà tôi ở trọ và ngôi biệt thự cách nhau một con hẻm trải nhựa khá rộng. Khúc hẻm cũng là sân bóng của tôi và mấy đứa trẻ cùng xóm, sau nầy trở thành không gian thơ mộng thời học trò. Thế rồi có một lần đá bóng với mấy thằng bạn, trái bóng tung lên khỏi tường rào và rơi vào trong khuôn viên biệt thự. Tất nhiên không đứa nào dám nghĩ đến chuyện leo tường rào. Vì trên tường cao mấy mét còn giăng mấy lớp kẽm gai. Có đứa nào dám xin vào nhặt trái bóng không bây? Đùn qua đẩy lại cuối cùng thì thằng Thanh, thằng nhỏ con nhất trong đám nhưng rất chì. Hắn bảo: Để tao đi. Cổng chính biệt thự cũng hướng ra đường Phan Đình Phùng. Thanh chạy vòng ra đường để đến cổng. Một lát Thanh chạy lại nhưng không thấy hắn ôm quả bóng.
-Không cho vào hả?
-Không. Tụi bây ơi!
 Mặt Thanh có cái vẻ gì đó hóm hỉnh thật khó tả.
-Cái gì vậy?
-Trong biệt thự nầy có con bé đẹp lắm!
Cả bọn cười ha hả.
-Bảo mầy đi nhặt bóng, ai bảo mầy đi cua gái.
Thanh vẫn giữ vẻ mặt trông đến tức cười. Hắn lại nói:
-Thật đấy. Con bé đẹp lắm! Nó ngồi ở xích đu đọc sách. Tao nhờ nó nhặt giùm trái bóng nhưng nó lắc đầu. Dáng kênh kiệu lắm.
-Thằng ngốc. Ai bảo mầy sai nó nhặt làm gì, xin nó mở cổng để vào nhặt chứ mầy.
-Nó không cho đâu. Thanh quả quyết. Đứa nào giỏi thì đến xin nó đi.
Biết có người trong nhà lại là một cô gái, lí gì xin vào nhặt trái bóng mà cô gái không cho. Thằng Thanh nó nói sao đấy chứ. Nghĩ thế tôi nói:
-Để tao đến xin thử xem.
Tôi đến trước cổng nhìn vào. Đúng là có một cô gái mặc bộ đồ mầu hồng đang ngồi đọc sách ở chiếc xích đu trước hiên nhà. Cách chỗ tôi  đứng phía ngoài cổng chỉ vài mét. Cô gái chợt ngừng đọc sách nhìn ra. Đôi mắt cô gái đen nhánh, to tròn, nhìn tôi không chớp.
-Cho tôi vào nhặt trái bóng.  Tôi mạnh dạn nói lớn.
Cô gái vẫn nhìn tôi chăm chăm rồi đứng dậy nhìn quanh như có ý tìm trái bóng và mỉm cười. Tôi không nhớ lúc đó mình như thế nào. Có lẽ tôi đứng trân ra như phổng. Đến đổi cô gái phải nhắc:
-Thì cứ vào nhặt đi. Cổng có khóa đâu.
Tôi hé cánh cửa cổng bước vào, đã thấy trái bóng nằm dưới một gốc cau cách chân cô gái không xa. Nó giúp tôi lấy lại tự nhiên. Tôi chạy đến nhặt trái bóng, rồi tức tốc ôm bóng chạy ra. Như một thằng lố bịch, chẳng biết cảm ơn là gì. Thế nhưng khi ra khỏi cổng tôi lại còn nhớ để làm cái việc lịch sự tối thiểu, đó là khép cánh cổng lại và tranh thủ nhìn cô gái lần cuối. Vẫn là nụ cười mỉm duyên dáng và đôi mắt đen láy ấy nhìn tôi. Chính cái mỉm cười nầy đã giúp tôi yên tâm trong những ngày sau đó rằng cô gái đã không giận mình. Quan trọng hơn cô không chê mình là thằng con trai không có văn hóa, một lời cảm ơn cũng không biết.
Những phút đấu bóng còn lại tôi không quan tâm đến sự hơn thua. Trong đầu tôi không còn hình ảnh quả bóng nữa mà chỉ có hình ảnh cô gái với đôi mắt to tròn đen nhánh chăm chăm nhìn tôi. Đến đỗi có lúc bóng gần chạm vào mặt và tôi chỉ còn một việc là né tránh. Khiến cả bọn cười òa.
Tìm hiểu, tôi biết cô gái tên Lệ Hồng, học sau tôi hai lớp. Tôi tự hỏi và lấy làm lạ, sao cô gái đến lớp chung đường với tôi mà hai năm nay tôi chưa giáp mặt lần nào. Trong lúc những cô gái cùng đường tôi đều quen mặt cả, dù không biết tên và không biết lớp. Việc tôi không biết tên cô gái nào cũng dễ hiểu, bởi hồi đó tôi là cậu con trai nhát gái.
Thế là sau buổi chạm mặt với cô gái trong ngôi biệt thự kín cổng cao tường kia, mỗi lần đi học tôi thường ra đứng trước ngõ sớm hơn mọi khi, để đợi cô gái đi qua. Không phải để cùng đi mà chỉ để nhìn khuôn mặt cô gái giây lát thôi. Và hình như cô gái cũng  biết  nên mỗi lần đi qua trước mặt nhà tôi trọ, bao giờ cô gái cũng nhìn vào. Tất nhiên lúc nào  cũng bắt gặp ánh mắt của tôi. Đợi cô gái đi được một đoạn tôi mới bắt đầu bước ra đường. Cho đến giờ nầy cái hình ảnh: Em đi dịu dàng\Bờ vai em nhỏ  vẫn không xóa nhòa trong tâm trí tôi.
Cuối cùng thì cơ hội đã đến. Cũng vào một sáng trên đường đến trường. Phía trước tôi cô gái đang thong thả bước chợt cô dừng lại và cúi xuống như đang nhặt một cái gì đó dưới chân. Không phải. Hình như cô đang sửa chiếc giày. Tôi mạnh dạn tranh thủ đi nhanh hơn. Đến nơi thì cô gái vừa đứng lên nhìn tôi bẽn lẽn.
Tôi hỏi:
-Giày sao vậy?
-Cái quai nó bị…
-Còn đi được nữa không?
-Được.
Vậy là chúng tôi song hành được một đoạn đường rất ngắn. Bởi vì tôi là thằng con trai nhút nhát nên trên quảng đường ngắn ngủi đó tôi không mở miệng nói được lời nào. Chỉ nghe lòng rộn lên một cảm xúc khó tả!
Những lần đến trường sau đó, tôi đã mạnh dạn hơn. Chúng tôi đã chờ nhau cùng đi và trò chuyện. Tất nhiên chỉ là những chuyện vu vơ.
Như mọi người thường nói, thời gian đẹp nhất của tuổi học trò quá ngắn ngủi. Chúng tôi thân nhau được một thời gian thì xẩy ra biến cố Mậu Thân. Lúc đó tôi đã lên học năm thứ nhất ở Huế và Lệ Hồng thì học lớp đệ nhị ở trường cũ. Sau biến cố tôi tìm đến nhà Lệ Hồng nhưng gia đình Hồng không còn ở đó nữa. Ngôi biệt thự đóng kín cổng. Tôi nhìn vào nhà, chiếc xích đu vẫn im lìm ở đó. Cây cau nơi quả bóng lăn vào năm nào đã bị mảnh bom chặt ngang thân. Biểu tượng của một cái chết tức tưởi làm tôi bàng hoàng đau đớn khi nghĩ đến Lệ Hồng. Giờ nầy Hồng ở đâu? Còn sống hay đã chết?
                                               
Tôi vừa ngừng chuyện kể thì bạn đồng môn nữ chợt đặt bàn tay lên bàn tay tôi và nói:
-Trong câu chuyện anh kể, chỉ một chi tiết thôi khiến tôi hiểu vì sao hai người lại xa nhau. Chi tiết nào anh biết không?
Tôi sững sờ nhìn nữ đồng môn.
-Khi cô gái cúi xuống sửa đôi giày, nếu tinh ý anh sẽ thấy đôi giày cô gái không bị hỏng chỗ nào cả. Bằng chứng là sau đó cô ta vẫn bước đi bình thường phải không?
Tôi chưa kịp nghĩ gì thì bạn nữ đồng môn nói tiếp:
 -Anh biết vì sao không? Cô gái đã tìm cách đứng lại để chờ anh đấy. Nhưng anh đã không nói với cô ấy một lời nào. Cả những ngày tháng sau đó cô ấy vẫn chờ anh. Và cuối cùng thì câu nói mà cô ta mong chờ, anh vẫn chẳng bao giờ nói ra với cô ấy cả. Đúng vậy không anh?
Tôi buột miệng gọi trong thảng thốt:
-Lệ Hồng!

                       Sài gòn những ngày cuối mùa mưa 2013
                                         Nguyễn Bá Trình


READ MORE - ĐỊA CHỈ CỦA NHỮNG NGƯỜI LUÂN LẠC - Truyện ngắn Nguyễn Bá Trình