Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 17, 2018

SỢ - Thơ Đình Xuân





SỢ

Sợ không đủ tiền về thăm quê
Sợ chân không vững qua nhịp tràng tiền
Sợ chợ Đông Ba chen người quá
Chân cầu Gia Hội sợ ma đêm

Sợ từ lăng tẩm đến đình đài
Sợ Từ Đàm sợ Linh Mụ
Sợ phố sang sợ quê nọ
Sợ không hoa để chào mừng

Sợ tô cơm hến
Sợ ly chè Cồn
Sợ nậm sợ lọc
Sợ dĩa bèo với chén mắm cay

Sợ không đủ tiền về thăm quê
Sợ không tư cách nhìn trăng Vĩ
Sợ kẻ hèn không một đóa hoa
Sợ tiếng chuông đêm nhòa

Sợ thâm cung rêu phong cỏ mọc
Sợ ngựa xưa vó mỏi đường chiều
Sợ sông Hương xua đời trôi mãi
Sợ người tình quên mã… mãi quên

                                   Đình Xuân

READ MORE - SỢ - Thơ Đình Xuân

CHÙM THƠ THIỀN 9 CỦA CHU VƯƠNG MIỆN






THỜI GIAN

mùa xuân hoa nở
mùa hè quá đầy cây
mùa thu lá rụng
mùa thu lá bay
mùa đông sương giăng đầy
hồi nhỏ đi học
lớn lên lấy chồng
có con rồi già
vèo vào hư không
gặp nhau một lần
xa nhau trọn đời
chả có gì đáng nói
ngoài hạt sương phai


DÃ TRÀNG

dã tràng xe cát biển đông
nhọc nhằn mà chả nên công cán gì ?
                                         (ca dao)

đêm về tựa cửa từ bi
cầu sao thoát khỏi sân si kiếp này
kiếp sau nguyện kiếp mây bay

-

QUÊN

trò chơi của con dã tràng
là ưa xây lâu đài trên cát
bổn phận cuả sóng là
làm cho bãi biển trơn tru
ta lang thang trên bãi biển
để quên những ưu tư
nhưng dã tràng cũng làm phiền
sóng dài cũng làm phiền
ta chầm chậm châm điếu thuốc
hút và quên


VÔ CHỪNG

nước khi lớn khi ròng
trăng lúc dầy lúc lép
bìm bịp bay lùm biếc
bỏ lại nỗi chờ mong
thuyền lửng lơ vàm láng
nước trôi dạt lục bình
thủy triều ngày đã cạn
rừng bần che khuất sông
ta chiếc phà nằm ụ
thân thiết cũng vô chừng

CHU VƯƠNG MIỆN

READ MORE - CHÙM THƠ THIỀN 9 CỦA CHU VƯƠNG MIỆN

CHIỀU NGHIÊNG CUỘC TÌNH PHAI - Thơ - Nguyễn An Bình


NGUYỄN AN BÌNH


CHIỀU NGHIÊNG CUỘC TÌNH PHAI


Nghiêng lòng rót chữ vào đêm
Tôi nghe nhịp sóng  ngỡ em tìm về
Bay trong mơ - Lọn tóc thề
Có người xanh tóc không về trong mưa.


Nghiêng tình nặng dấu hài xưa
Trong veo ánh mắt ban trưa đổ vàng
Nắng xuân thì -  Bước sang ngang
Cỏ trên bia mộ hàng hàng chợt đau.


Nghiêng vai nhớ ngọn trúc đào
Mòn chân ghế cũ khi nào đã quên
Đêm mù sương – Buốt ngọn đèn
Sầu hơn phiến lá mỏng lèn chăn phơi.


Nghiêng đời chờ hạt cúc rơi
Những năm tháng ấy mù khơi bóng người
Còn ai hát dạo bên đời
Đem tôi về thuở ngọt lời yêu thương.


Nghiêng chiều tiếng vạc kêu sương
Gọi chiêng trống giục đưa hồn qua sông
Trôi trong giấc mộng vô thường
Lỡ câu lục bát bụi đường đã phai.

14/9/2018
Nguyễn An Bình

READ MORE - CHIỀU NGHIÊNG CUỘC TÌNH PHAI - Thơ - Nguyễn An Bình

THỰC TẠI - Thơ - Đỗ Anh Tuyến


THỰC TẠI                              
                                                  Đỗ Anh Tuyến 

Góp nhặt những nỗi đau ta viết thành quá khứ
Đi về phía mặt trời mơ uớc một tương lai

Gió cuốn mây trôi ta thả hồn giữa biển trời thênh thang rộng
Xua vết thuơng lòng ta kết những vần thơ
Người hay nói rằng ta vẫn mộng mơ
Sao đêm xuống không chờ người chung buớc
Lặng lẽ mình ta, độc hành vạn dặm
Bỏng rát đôi chân lê lết những con đuờng
Xa tít ..
Cánh vuờn hoang vắng ngắt
Những bộ xuơng khẳng khiu chết lặng
Im lìm ...
Xào xạc rừng mưa lá đổ, ta đắm chìm trong nỗi hư vô
Vết thời gian hằn sâu đôi mắt
Nhắm lại ...


*.
ĐỖ ANH TUYẾN
Địa chỉ: Khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê,
huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình
Email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn 
READ MORE - THỰC TẠI - Thơ - Đỗ Anh Tuyến

Chùm ảnh LAN ÚC - Chu Vương Miện




READ MORE - Chùm ảnh LAN ÚC - Chu Vương Miện

VỀ PHAN THIẾT - Thơ - Hoàng Yên Linh


Tác giả Hoàng Yên Linh.


              
 
Về Phan Thiết
                             Hoàng Yên Linh*gởi VTCT.

Phan Thiết ơi! Cuối đời tôi trở lại
Những muộn phiền thương nhớ ngỡ phôi phai
Con phố buồn in dấu bước chân ai
Hàng phượng đỏ ngôi trường xưa ngói đỏ.

Phan Thiết ơi! Bao ân tình luyến nhớ
Của một thời trang vở chép tình thơ
Tôi ngậm ngùi tìm lại những giấc mơ
Ngày tháng cũ nhạt nhòa theo sương khói.

Phan Thiết ơi! Chiều bâng khuâng hoa nắng
Biển vẫn còn lộng gió bước lang thang
Có một người tóc úa bóng thời gian
Lòng tưởng tiếc những buồn vui quá khứ.

Phan Thiết ơi! Người đã quên hay nhớ
Xa lắm rồi ngày hai đứa chia tay
Có bao giờ trong hạnh phúc đắm say
Hình bóng cũ nhắc tình ai... lỗi hẹn.


Hoàng Yên Linh
READ MORE - VỀ PHAN THIẾT - Thơ - Hoàng Yên Linh

THAO THỨC - Thơ - Nhật Quang


Tác giả Nhật Quang

Thao Thức

Đêm nghe vì sao lạc
Rụng xuống đời mênh mông
Mảnh trăng gầy vỡ rạn
Nỗi cô đơn chất chồng

Ta mệt nhoài tay với
Người còn mãi xa xôi
Gối canh sầu trăn trở
Tim thổn thức bồi hồi…

Đêm loang màu nhung nhớ
Khóe mắt trào lệ cay
Sắt se từng nhịp thở
Đếm niềm đau tháng ngày

Mơ…người như sao lạc
Vô tình rớt đời ta
Dẫu chỉ là khoảnh khắc
Đong đưa giấc mặn mà…

                Nhật Quang

                 (Sài Gòn)

READ MORE - THAO THỨC - Thơ - Nhật Quang

Đọc “MỢ HỮU” CỦA TRẦN NHUẬN MINH - Đặng Xuân Xuyến

Nhà thơ Trần Nhuận Minh

Đọc “MỢ HỮU
CỦA TRẦN NHUẬN MINH

Đặng Xuân Xuyến

MỢ HỮU
.
Cậu xây xong nhà ba tầng
Người cứ dần dần héo quắt
Thế rồi một sớm tinh mơ
Cậu cứ lặng im mà mất
.
Cô bác từ quê ra viếng
Thấy mợ dịu dàng mảnh mai
Mà nhà thì to đẹp thế
Biết rồi sẽ về tay ai?
.
Em chồng mắt lườm miệng nguýt
Vô tâm mợ có thấy đâu
Thương cậu, mợ không biết khóc 
Thỉnh thoảng lại hờ một câu
.
Mợ khổ từ hồi tấm bé
Mong chi lầu trắng gác xanh
Cậu chết mợ thành người lạ
Bơ vơ trong chính nhà mình
.
Chẳng thiếu kẻ đe người ướm 
Nhà xinh mợ lại càng xinh
Như con thuyền nan không bến 
Lênh đênh trong chính phòng mình
.
Khách khứa dập dìu lá gió
Đêm đêm chớp bể mưa nguồn
Mắt mợ dần dần hoang vắng
Họ hàng mợ cứ quên luôn
.
Mợ đáng thương hay đáng trách
Trời ơi! Tách bạch làm chi
Dòng sông muôn đời vẫn thế 
Đục trong thì vẫn trôi đi
*.
Hải Phòng, năm 1990
TRẦN NHUẬN MINH

LỜI BÌNH:
Gần 20 năm viết sách và kinh doanh sách kiếm tiền, tôi không mặn mà tới mấy chuyện thơ văn nên khi dàn trang đưa bài “Trần Nhuận Minh - Thi Nhân “Sĩ Phu Bắc Hà”” lên trang blog Đặng Xuân Xuyến, tôi mới biết Trần Nhuận Minh là nhà thơ tài hoa. Chả trách, nhà thơ Chu Vương Miện ở tận Hoa Kỳ “say” ông đến “mê mẩn”.
Và cũng từ vô tình đó mà tôi biết, rồi thích bài thơ MỢ HỮU của ông.
Vâng. Tôi thích bài thơ Mợ Hữu đậm chất tự sự của Trần Nhuận Minh.
Mở đầu bài thơ, là lối kể chuyện chầm chậm, nhẩn nha, như để nén những cảm xúc sẽ ùa về, sợ sẽ làm vỡ chuyện về người cậu, người em của mẹ. Bốn câu thơ ở khổ thơ kể về người cậu thật giản dị, mộc mạc, hệt lối nói dân dã, chân chất của người chân quê. Chỉ thế thôi mà người đọc thấy được “Cậu” của nhà thơ là người “một nắng hai sương”, chỉn chu, căn cơ, chất phác. Từ “cứ” được sử dụng như một điệp từ, lặp 2 lần trong 4 câu thơ của khổ thơ như nhấn thêm, xoáy sâu thêm vào sự bất lực, xót xa trước sức khỏe có chiều hướng xấu đi trông thấy của người cậu. Hai từ “Thế rồi” ở câu thứ 3 thốt ra thật nhẹ, nghe như buông xuôi, như tuyệt vọng mà sức nặng ngàn cân:
Cậu xây xong nhà ba tầng
Người cứ dần dần héo quắt
Thế rồi một sớm tinh mơ
Cậu cứ lặng im mà mất
Sau khổ thơ tự sự thật nhiều cảm xúc về người cậu, nhà thơ bắt đầu kể về người mợ, bằng cách đặt hình ảnh “Thấy mợ dịu dàng mảnh mai” bên cạnh “Mà nhà thì to đẹp thế” để đẩy lên nỗi xót xa của “cô bác”, của những thân bằng quyến thuộc, dành cho người vừa mất: tài sản làm ra mà không được hưởng. Câu nghi vấn, cũng là câu cảm thán, của lối suy diễn bạc bẽo và đố kỵ của thói đời: “Mà nhà thì to đẹp thế/ Biết rồi sẽ về tay ai?”. Nghe sao mà chua xót!
Nỗi đau đời được Trần Nhuận Minh đẩy cao thêm: “Em chồng mắt lườm miệng nguýt”, làm đau hơn cái thế thái nhân tình bị sức mạnh vật chất chi phối. Thì ra, người ta đến đám tang người thân phần ít là vì đau xót, mà phần nhiều là vì ấm ức, đố kỵ, là ngóng kiếm chác từ khối tài sản kếch xù của người vừa mất, xác vẫn còn đang nằm trong quan tài giữa nhà. Thật là tàn nhẫn, bỉ ổi!
Hình ảnh “Em chồng mắt lườm miệng nguýt” làm ta nhớ tới mối quan hệ “chị dâu em chồng” vốn đã được mặc định chả tốt đẹp gì trong tiềm thức dân gian. Chỉ câu “Em chồng mắt lườm miệng nguýt”, Trần Nhuận Minh đã khắc họa mối quan hệ giữa “Mợ” và “Em chồng” rõ đang ở thế gầm ghè, căng thẳng, sắp chực trào vì sức hút của kim tiền, khiến ta chạnh lòng thêm về hình ảnh người mẹ rất thực dụng trong ca dao: “Em đã bảo mẹ rằng đừng/ Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào.”.
Gia đình chồng (cô bác) thì như thế. Em chồng thì như vậy. Tất cả đều ghé mắt vào khối tài sản “Cậu” để lại mà hậm hực, mà đố kỵ. Còn “Mợ” thì sao? Nếu ở khổ thơ trước, Trần Nhuận Minh kể “Mợ” của ông đẹp về hình thức “Thấy mợ dịu dàng mảnh mai”, thì ở những khổ thơ này, ông kể về bản chất thật thà, chân chất của người mợ: “Vô tâm mợ có thấy đâu/ Thương cậu, mợ không biết khóc/ Thỉnh thoảng lại hờ một câu.”.
Và ông trần tình thêm về người mợ:
Mợ khổ từ hồi tấm bé
Mong chi lầu trắng gác xanh
Cậu chết mợ thành người lạ
Bơ vơ trong chính nhà mình
Đến đây, người đọc thấy nhói lòng, đau xót quá.
Câu ca dao “Cậu chết mợ ra người dưng” đã phũ phàng, đen bạc chốn dân gian nhưng qua sự kế thừa của Trần Nhuận Minh, ông đẩy sự tàn nhẫn, đen bạc đó cao lên thêm một bậc: “Cậu chết mợ thành người lạ”, bởi “người dưng” chỉ người ngoài, người không có quan hệ họ hàng, thân thích, còn “người lạ” chỉ người không hề quen biết, khiến hình ảnh người mợ “bơ vơ trong chính nhà mình” càng tăng thêm ám ảnh, đau xót.
Dường như quá bất bình với những đố kỵ, hẹp hòi từ những kẻ mượn danh người thân hòng sang đoạt tài sản của người mợ, từ những toan tính trục lợi của những kẻ cơ hội, nhà thơ đã chua xót lật tẩy thói đời khốn nạn của những kẻ lòng dạ nhơ bẩn, đau đáu vì tiền: “Chẳng thiếu kẻ đe người ướm/ Nhà xinh mợ lại càng xinh”; và cảm thán sự bất lực, lẫn cả sự bất hạnh của người mợ chân chất, hiền lành trước lũ người gian manh, đểu cáng khi mà người phụ nữ “chân quê” đó chỉ mong có được sự bình yên nhỏ nhoi với một hạnh phúc bình dị, giản đơn cũng không có được: “Như con thuyền nan không bến/ Lênh đênh trong chính phòng mình.
Nhà thơ tiếp tục đau xót với nỗi cảm thương cho người mợ bằng những dòng thơ viết về tận cùng nỗi cô đơn: “Khách khứa dập dìu lá gió/ Đêm đêm chớp bể mưa nguồn”; về nỗi đau âm ỉ của niềm tin, của tình nghĩa đã cạn kiệt, héo rũa: “Mắt mợ dần dần hoang vắng/ Họ hàng mợ cứ quên luôn”. Từ “cứ” lần nữa được nhà thơ sử dụng, như thêm một mặc định tất nhiên để cảm thông cho người mợ.
Rồi nhà thơ tự hỏi, tự vấn lòng mình: “Mợ đáng thương hay đáng trách”? Và kêu lên tiếng than, nửa như tự trách mình, nửa như trách cứ người đời: “Trời ơi! Tách bạch làm chi.”, để tiếp tục lại tự trấn an mình bằng triết lý có phần an phận, chấp nhận xuôi theo thói đời vô cảm như đã thành thông lệ, thành chân lý của dòng đời: “Dòng sông muôn đời vẫn thế/ Đục trong thì vẫn trôi đi.”
Bài thơ khép lại với một tiếng thở dài.
*
Hà Nội, chiều 07 tháng 09 năm 2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
READ MORE - Đọc “MỢ HỮU” CỦA TRẦN NHUẬN MINH - Đặng Xuân Xuyến