Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, March 3, 2021

GIÊNG, NHỮNG ĐÊM ĐẦU THÁNG – Thơ Lê Phước Sinh


                      Nhà thơ Lê Phước Sinh


GIÊNG - NHỮNG ĐÊM ĐẦU THÁNG

 
Nằm trườn ra Cỏ ngắm Sao
này Em, này Tôi, này Bạn  bè...
chập chờn, nổi trôi vòng vô định
gió từ đâu đưa đẩy phận đời.
Đêm tháng Giêng, trời xanh trong.
 
                        LÊ PHƯỚC SINH

READ MORE - GIÊNG, NHỮNG ĐÊM ĐẦU THÁNG – Thơ Lê Phước Sinh

TRĂNG NGUYÊN TIÊU 2 – Thơ Nguyên Lạc

 


TRĂNG NGUYÊN TIÊU 2
 
Phố người lữ khách mồ côi
Nguyên tiêu trăng rạng trêu tôi bóng hình!
Hương trầm thân quế môi trinh
Vẳng khuya điệp khúc muôn trùng vọng âm
 
Mong manh sương khói mù không
Bóng hình yêu dấu xa xăm nghìn trùng
Nguyên tiêu huyễn mộng trăng chung
“Đào hoa nhân diện... ánh hồng nơi nao”? *
 
Nhớ câu thơ cổ buồn sao
“Khứ niên kim nhật”... Khi nào gặp đây?
Tôi và bóng...  rượu trên tay
Tôi và Nguyệt... nỗi tình hoài thiên thu!
 
                                            Nguyên Lạc
 
..........
 
* Ý thơ:
“Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong”
                                     Thôi Hộ
 
READ MORE - TRĂNG NGUYÊN TIÊU 2 – Thơ Nguyên Lạc

NGỒI VỚI BẠN BÊN VƯỜN THANH LONG | MỘT CHIỀU NGHE ĐÀN CA TÀI TỬ | ĐÊM KHẮC KHOẢI VÊ TRÒN NỖI NHỚ | SAO ĐI NGANG GÓC PHỐ NÀY EM BƯỚC VỘI - Thơ Lê Thanh Hùng

 

Nhà thơ Lê Thanh Hùng

Ngồi với bạn bên vườn Thanh Long


Ơ kìa! Nắng đổ trên tay

Đắn đo đứng giữa vườn cây cuối mùa

Chuyện đời khi được, khi thua

Ở đâu quyết giá bán mua trái này

Rợp trời sắc đỏ phơi bày

Lung linh như thể giữa ngày đưa dâu

Ngẩn ngơ nắng, quyện cơ cầu

Được mùa, rớt giá chạm sâu nỗi buồn

Chênh vênh vòng xoáy quay cuồng

Biết rồi, sao mãi nói suông suốt mùa

Nỗi trôi giá, cứ phân bua

Thị trường như cứ trêu đùa nông dân

Đẩy đưa ngày tháng xoay vần

Nợ, vay, vay, trả lúc gần, khi xa

Nông dân xưa, vốn thật thà

“Đừng cho ai gạt, chớ hề gạt ai”

Bây giờ nết cũ nhạt phai

Chăm chăm khôn vặt, mạnh ai nấy làm

Theo chiều kết nối tạp nham

Đắng cay bị gạt càm ràm không thôi

Nhịp đời lặng lẽ chìm trôi

Vườn xanh vã đẫm mồ hôi người trồng

Vững tin sẽ được khơi dòng

Chuỗi giá trị, mớ bòng bong được mùa ...

Lê Thanh Hùng


 

Một chiều nghe đàn ca tài tử


Giọt đàn kìm, loang trong không gian

Tiếng xề rơi vạt nắng hoe vàng

Em vén tóc, giọng ngân đằm thắm

Đâu hay là mùa xuân đã sang

                    *

Điệu Khốc hoàng thiên như ai oán

Ngoài kia đường nắng chảy lung linh

Xa lắm rồi một thời tao loạn

Ngọn gió reo trên những công trình

                    *

Hát lại đi em, khúc Nam xuân

Có gì đâu mà lại tần ngần

Hay hát khúc Xuân tình cũng được

Để anh còn nhớ tuổi trầm luân

                   *

Sao lại hát Phi vân điệp khúc

Tiếng đàn kia muốn nói điều gì?

Mà buông thả tiếng trầm, tiếng đục

Để có người rót rượu tràn ly

                    *

Dây hò rung, bóng nắng đổ dài

Điệu xàng xê, biết tỏ cùng ai

Anh hát Lý kéo chài, tiễn bạn

Rượu cạn rồi, ngày cũng đã phai ...

Lê Thanh Hùng



Đêm khắc khoải vê tròn nỗi nhớ


Của những ngày xa cũ, váng hoàng hôn

Đã từng có một ước mơ dang dỡ


Gió trăm năm đổ nhịp lạc hồn

Còn nguyên đó, sắc hoa màu nhớ

Sáng bừng lên một góc vườn đêm ...

Lê Thanh Hùng



Sao đi ngang góc phố này em bước vội


Lại không chịu nhìn chùm hoa giấy đong đưa

Bóng nắng dội khoảng không mờ tối


Hoen mờ nghiêng, giậu đổ hiên thưa

Bước hối hả, sao chừng như bối rối

Trời, kỷ niệm còn nguyên những dấu xưa

Lê Thanh Hùng

    Bắc Bình, Bình Thuận


READ MORE - NGỒI VỚI BẠN BÊN VƯỜN THANH LONG | MỘT CHIỀU NGHE ĐÀN CA TÀI TỬ | ĐÊM KHẮC KHOẢI VÊ TRÒN NỖI NHỚ | SAO ĐI NGANG GÓC PHỐ NÀY EM BƯỚC VỘI - Thơ Lê Thanh Hùng

Đọc sách: MƯU LƯỢC GIÀNH CHIẾN THẮNG - Nguyễn Hữu Dy

 



Đọc sách: 

MƯU LƯỢC GIÀNH CHIẾN THẮNG

*

Trong 6 tác phẩm mà Đặng Xuân Xuyến đã cho ra mắt bạn đọc, tôi rất tâm đắc cuốn MƯU LƯỢC GIÀNH CHIẾN THẮNG.

Tác giả là một doanh nhân trẻ, năng động và tháo vát, có đầu óc về “cái nhìn chiến lược”. Nhưng cái quý là anh không giấu diếm những kinh nghiệm, những suy nghĩ được đúc kết từ công việc của mình. Tác giả đã cởi mở những hiểu biết và kinh nghiệm của mình để chia sẻ với những ai đã, đang và sẽ bước vào lĩnh vực này.

Mục đích của cuốn sách rất rõ ràng, ngay từ lời nói đầu, tác giả đã viết: “Tôi viết cuốn sách này không ngoài mục đích: Cùng trao đổi với bạn về một số vấn đề mà người viết cho là rất đơn gian nhưng lại thật cần cho bất kỳ nhà doanh nghiệp trẻ nào muốn giành chiến thắng trong cuộc chạy đua tới đích cuối cùng giữa các doanh nghiệp....”, và nếu người đọc trân trọng, coi đây là những bài học cho mình thì đó cũng là niềm vui của tác giả: “...Bạn sẽ tìm được một vài điều bổ ích cho hoạt động kinh doanh của bạn. Thế là đủ! Thế là những trăn trở, nghĩ suy của người viết không uổng!”

Từ ý tưởng ấy, đi vào từng phần, bạn đọc sẽ thấy được cái hay trong cách đặt vấn đề, cái sâu sắc trong cách phân tích, cái bao quát trong cách nhìn nhận của tác giả. Ngay từ câu chuyện mở đầu trong mục đầu tiên Chọn nghề cho kỹ cũng đã là sự bắt đầu cho sự phân tích các vấn đề về sau. Những lời khuyến nghị ở đây rất đơn giản nhưng lại rất bổ ích và lý thú. Tác giả nói “Đừng bắt chước người” là hàm ý nói rằng có bắt chước thì phải “bắt chước một cách sáng tạo”, “biến cái hay của người thành cái sáng tạo của mình” thật linh hoạt, tùy cơ ứng biến, không giáo điều rập khuôn. Muốn thành công rất cần sự say mê với nghề nghiệp của mình.

Có những điều tác giả đặt ra, lúc đầu ta tư tưởng như là nghịch lý, là vô lý, nhưng ngẫm kỹ, ta sẽ thấy đó là logic như Kiếm tiền thì dễ, tiêu tiền mới khó, và không chỉ với kinh doanh mà trong cuộc sống thì Tiền không phải là tất cả. Ở đây, tác giả đã bộc bạch qua trang viết những suy nghĩ rất chân thực của mình. Đọc, ta vỡ ra những điều mà người chưa kinh doanh không nghĩ đến: “Kinh doanh, thực chất là nghệ thuật củng cố niềm tin với khách hàng.

Một mục nữa khá hay: “Mượn gió đưa thuyền”. Từ câu chuyện Tam Quốc nói về đấu trí giữa các chính khách, tác giả liên hệ tới việc kinh doanh đầy linh hoạt và thông minh của vị giám đốc nhà máy dệt Song Hải (Tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc). Rồi từ chuyện này, anh dẫn dụ, phân tích sự thành đạt của tập đoàn kinh doanh Nissan nổi tiếng của Nhật Bản với chiến lược toàn cầu. Từ đó, sẽ rút ra được những kết luận bổ ích cho bạn đọc.

Tác giả đã phân tích vai trò chủ đạo hết thảy mọi thành bại trong kinh doanh: CON NGƯỜI! Cụ thể là phải đầu tư vào chất xám của con người phục vụ sản xuất, kinh doanh. Từ việc lớn đến việc nhỏ, từ các vấn đề cao xa đến những sự việc bình thường, thậm chí có vẻ như là nhỏ nhặt... tác giả đã dẫn giải khá lý thú, làm cho người đọc thoải mái và thu nhận được nhiều điều bổ ích.

Ở mục cuối: “45 điều với bạn”, tác giả đã đưa ra 45 khuyến nghị rất cụ thể và thiết thực. Tất cả 45 vấn đề được viết rất ngắn gọn, dễ hiểu trong 196 trang sách nhưng giá trị lại không hề nhỏ, nếu người đọc vận dụng được cho mình trong từng công việc cụ thể.

Thiết nghĩ, có thể coi đây là một cuốn sổ tay rất cần thiết cho các bạn trẻ bước vào lập nghiệp.

*.

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 1998

NGUYỄN HỮU DY

(Giảng viên Trường Đại học Giao Thông Vận Tải)

READ MORE - Đọc sách: MƯU LƯỢC GIÀNH CHIẾN THẮNG - Nguyễn Hữu Dy

NHỮNG “DÂN CHƠI” DƯỚI DẠNG TẦM GỬI - Vũ Thị Hương Mai



 NHỮNG DÂN CHƠI DƯỚI DẠNG TẦM GỬI

Vũ Thị Hương Mai

 

Trong giới ăn chơi còn xuất hiện một hạng người chuyên sống dưới dạng "tầm gửi". Họ sống vật vờ hàng đêm ở những vũ trường chỉ nhằm bắt quen với các "đại gia" để kiếm ly rượu chùa hoặc "chơi ké", nhưng lại không phải là "call girl" (gái gọi) như mọi người vẫn nghĩ. Các cô gái này thường không thuộc  hẳn vào một nhóm chơi nào nhưng bất cứ một "đại gia" nào đều khó qua mắt họ. Bản thân họ không nhiều tiền để có thể thoải mái ăn chơi nhưng những chốn nhạc chát chúa và ánh đèn xanh đỏ lại luôn cuốn hút họ.

Cũng vì lẽ đó mà chúng tôi đã chẳng khó khăn gì khi tiếp cận được một cô gái đang ngồi nhâm nhi cốc rượu bên cạnh quầy bar của một sàn nhảy. Đó là Thảo, cô gái 21 tuổi, đã nghỉ học được 3 năm, không nghề nghiệp, đêm nào cũng có mặt ở đây để ăn chơi, nhảy nhót tới tàn đêm. Qua nói chuyện, tôi được biết gia đình cô không giàu mà chỉ ở mức trung bình và hiện đang sống ở thành phố. Cô không được bố mẹ chu cấp tiền chơi đêm nhưng lại được buông lỏng về thời gian, vì thế nên cô chỉ mang theo cái ví "rỗng" đến các cuộc chơi.

Thời gian đầu còn bỡ ngỡ nên Thảo còn cố xoay tiền để vào cửa, nhưng sau quen bảo vệ họ cũng chẳng hỏi nữa. Đêm nào cô cũng bắt quen một cách "ngẫu hứng" với một nhóm chơi nào đó và sẵn sàng chơi hết mình. Thậm chí, nếu hăng có khi chỉ cần một ly rượu ngoại cô cũng có thể overnight miễn phí ngay.

Bên cạnh Thảo còn có nhiều "dân chơi dởm" sẵn lòng và mong muốn như vậy, được chơi tới bến mà không phải mất một xu. Họ đâu cần nghĩ đến thể diện và danh dự, chỉ cốt được vui vẻ, thỏa thê trong chốn "thiên đường" ấy là đủ.

Còn một kiểu sống "tầm gửi" khác của giới chơi đêm là "tầm gửi mạng" - một kiểu chơi khá mới mẻ. Chỉ có thể có ở thời đại @. Bình thường chúng ta sẽ không thể nghĩ được rằng  họ còn có thể làm gì trên mạng vào những giờ ấy nữa.

Tiếp cận gần quán cà phê ở quận Thanh Xuân - Hà Nội, sau 11h đêm khách đã vãn, nhưng vẫn còn lại vài ba cô gái trẻ đang mải miết gõ lách cách trên bàn phím. Thấy chủ quán lặng lẽ dọn xe vào trong và kéo cửa lại, tôi nghĩ rằng đây là những vị khách đêm thường xuyên của quán. Phải đến 2 - 3h sáng, cánh cửa quán mới được kéo ra, mấy vị khách có lẽ tuổi chưa quá 20 "ngáp ngắn ngáp dài" bước ra đường, ở ga đứng chờ sẵn mấy thanh niên trên những chiếc xe ga đứng chờ sẵn. Như vậy là buổi sáng thay vì đến trường học hay trở về nhà thì các "cô chiêu" ấy lại phiêu phạt đến các nhà nghỉ, khách sạn nào đó.  Theo lời của mấy người nghiền mạng thì với những cô nàng chát đêm như thế nếu đã đến mức "kêu cứu" thì có nghĩa là chỉ cần vài chục nghìn, quá lắm lên đến tiền trăm là có thể rủ đi bất cứ đâu và làm bất cứ điều gì. Chính điều đó là làm cho ranh giới giữa chơi đêm và mại dâm thật là mong manh.

Có lẽ sống "tầm gửi" theo kiểu "vợ bé" lúc này mới thực sự là mốt. Đối với các nữ sinh viên ngoại tỉnh thì việc có được một chỗ trú an toàn, đầy đủ thì còn gì bằng. Vì lý do ấy mà nhiều "cô chiêu" đã mạnh dạn bất chấp tất cả để cặp bồ với những người đàn ông lớn tuổi ở thành phố.

Thanh Loan, một nữ sinh viên Đại học khoa học xã hội và nhân văn, ngay từ năm thứ nhất đã phải đi làm osin cho một gia đình giàu có ở khu vực Thanh Xuân vì muốn có thêm thu nhập. Đùng một cái cô tin có tin cô bị bà chủ đánh ghen, vì cô đã ngấm ngầm cặp bồ với ông chồng đã 47 tuổi của bà. Trong suốt năm học thứ nhất, bạn bè trong lớp cũng chỉ biết Loan phải đi làm thêm theo giờ để có thêm tiền ăn học.... ai cũng thương nhưng cũng chẳng giúp được gì. Nhưng thực chất thì hoàn cảnh của Loan không đến mức vất vả để phải làm cái việc đó.

Khi bị bắt quả tang, ông chồng quá sợ vợ nên đã thành thực khai nhận tất cả việc đã quan hệ với loan được mấy tháng và đã từng làm cô có thai. Anh ta đã phải chi cho Loan rất nhiều khoản tiền khác ngoài tiền công. Sau vụ tày đình ấy Loan cũng chia tay với người yêu nhưng lại nhanh chóng cặp bồ với một người đàn ông trung niên khác. Không hề cảm thấy đau khổ, xấu hổ hay ân hận, Loan muốn được sống sung sướng, đầy đủ bằng người nhưng lại không phải lăn lộn vất vả.

Nhưng kinh khủng hơn nữa là trường hợp một nữ sinh cặp bồ với một ông già bằng tuổi ông nội mình. Mới bước chân vào năm học thứ 2 của trường ĐH kinh tế quốc dân M đã bám được vào một "ông nội" vào tuổi "thất thập cổ  lai hy" trên phố. Cô "săn" được ông lão này nhờ một lần ngồi nghỉ chân ở bên bờ hồ sau cả buổi cắp hồ sơ đi xin làm thêm ở nhiều địa chỉ quen mà không đâu nhận. Ông lão hay ra bờ hồ ngồi hóng "gió non", cứ thấy đàn bà con gái đi qua là vẫy nhìn thấy cô ủ rũ, có vẻ "đói tiền", lão ngồi ghế đá bên cạnh bắt thóp, chuyện qua chuyện lại, rồi lại rủ rỉ suốt cả buổi để làm quen. Không hiểu lão tán thế nào mà M đã chấp nhận nửa con nuôi, nửa vợ hờ của "bố già" ấy. Nghe lão kể "sống có một mình, nhà cửa thênh thang mà mà chỉ có mấy con chim làm bạn. Vợ chồng ly thân đã hơn chục năm nay. Mấy đứa con cũng toàn đồ thất đức, đứa nào cũng trốn ở với bố, nhưng có mảnh đất ở trên phố chúng nó cứ nhăm nhe về gạ ký giấy bán để chia tiền. Chúng nó chưa kịp trở tay, tôi đã nhanh chóng bán, đem tiền gửi vào ngân hàng lấy lãi, hơn 2 tỷ chắc tiêu đến già cũng không hết", M như ăn mày mò được mật mã kho gạo. Cô nghĩ bụng "kể cả làm vợ lão cũng có sao, lão già khọm rồi còn quờ quạng được gì nữa", rồi chuyển sách vở, quần áo đến ở hẳn nhà lão. Ở với lão cô mới thực tin là lão giàu có thật. Trong mơ hồ M đã ước ao làm sao được giàu như lão, để được thoải mái thích gì được nấy: được ăn mặc đẹp, hợp mốt, có xe đẹp, được đi chơi đây đó, được tiêu sài như những tiểu thư thành thị... Ở với lão M cũng chẳng phải làm lụng gì, chỉ cơm nước, dọn dẹp nhà cửa một chút vui với con Osin. Thỉnh thoảng đấm lưng, tẩm quất cho "bố già", còn ngoài ra M vẫn rất thoải mái để đi đây đó. Và đến một đêm nổi hứng "bố già" đã "xơi tái" cô, báo hả hê cho rằng M đã vào chòng, nhưng cô cũng không kém phần khoái chí vì lão mới thực sự bị vào bẫy của mình. M đã giục lão đi làm giấy đăng ký kết hôn nhưng lão cũng "cáo" mà nói rằng "ngần này tuổi mà còn cưới vợ người ta bảo là điên à". M đành chuyển cách chiều lão để moi được nhiều tiền. Quả là M đã moi được rất nhiều tiền của lão thật. Cô rất xông xênh tiền cho việc đóng học phí, sắm sửa toàn quần áo đẹp, uốn tóc, sơn sửa móng tay, tắm trắng, đi cả nhà hàng quán bar với bạn bè, thậm chí cả gửi qua ngân hàng cho bố mẹ...

Có chút nhan sắc, có tiền, M lại cặp bồ cùng một lúc với một người đàn ông hơn cô đến một con giáp, chuyên đi buôn lậu. Cứ tối đến M lại son phấn, quần là áo lượt ra khỏi nhà, nhưng về lại nói dối với lão là "em đi học thêm ngoại ngữ". Thực chất thì cô có học hành gì đâu mà là đến các sàn nhẩy, vũ trường với bồ và mấy người bạn chịu chơi khác.

Sinh viên T thì lại "ký sinh" vào một gã trung niên đã có vợ con đàng hoàng. Gã này đã sắm sửa cho T rất nhiều đồ quý, đắt tiền: Nhẫn vàng, bóp, váy, mỹ phẩm, túi, sắc, vòng cổ, hoa tai, nhẫn.... nhưng chỉ "yêu nhau" được vài tháng, sau khi đã hưởng trọn  cả "toà thiên nhiên", gã chuyển nhượng T cho một gã khác. Cô chấp nhận tất cả những cuộc chuyển nhượng ấy để duy trì cái cuộc sống sung sướng mà để tự mình thì không thể có được.

Chấp nhận cuộc sống "ký sinh" theo cách này hay cách khác của các cô gái trẻ đều có thể quy về một điều là họ quá coi rẻ nhân phẩm, danh dự của bản thân mình. Bất chấp tất cả để được sống theo kiểu dân chơi, quý tộc dởm. Họ không cho rằng như vậy là lãng phí tuổi thanh xuân mà đó là bản lĩnh của tuổi trẻ và sức mạnh của phái đẹp. Không hề quan tâm đến gia đình, bố mẹ ra sao, tương lai mình sẽ như thế nào, miễn là hiện tại mình được thỏa mãn mọi "thú vui" ở đời.

*

VŨ THỊ HƯƠNG MAI

Địa chỉ: Tổng công ty 319

quận Long Biên, thành phố Hà Nội.      

Email: huongmai8081@yahoo.com.vn

READ MORE - NHỮNG “DÂN CHƠI” DƯỚI DẠNG TẦM GỬI - Vũ Thị Hương Mai

GIỌT MƯA – Thơ Hồng Thúy, nhạc Phạm Mạnh Cương, ca sĩ Ngọc Mỹ trình bày

 



GIỌT MƯA
 
Giọt mưa gieo lòng người thao thức
Giọt mưa mang niềm nhớ không nguôi
Là mưa hay mi sầu hoen ướt
Cơn mê nào lạnh đẫm mắt môi
 
Từng hạt mưa miên man qua lối
Mưa gọi người xao xuyến chơi vơi
Mưa rì rào hàng cây kẽ lá
Mưa thì thầm chuyện cũ ngày qua
 
Mưa nghẹn ngào mưa hờn nhân thế
Mưa vô tình hiu hắt tim ai 
Hẹn hò chi cũng đầy mưa gió
Bước chân về đời vắng bóng người
 
Mưa mịt mù, lê thê không dứt
Mưa vời vợi nuối tiếc xa xôi
Mưa giăng ngang hiên sầu nghiêng bóng
Mưa vai gầy… nặng trĩu giọt chia phôi
Giọt…  năm tháng dài người hỡi…mãi mưa rơi…
                                     
                                                        Hồng Thúy



Thơ: Hồng Thúy.
Nhac: Phạm Mạnh Cương.
Ca sĩ: Ngọc Mỹ.
Hòa âm: Đỗ Hải.
PPS: Hùng Đặng.


READ MORE - GIỌT MƯA – Thơ Hồng Thúy, nhạc Phạm Mạnh Cương, ca sĩ Ngọc Mỹ trình bày