Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, July 28, 2018

NÍU - BUÔNG - XẢ / Thơ Quang Tuyết


                               Tác giả Quang Tuyết




NÍU...
Níu tay anh bước qua đường
Lối ngang ngỏ rẽ vấn vương một đời
Một ngày nhạn lạc xa người
Qua đây dò dẫm níu lời chân mây

BUÔNG...
Buông đời giựt áo vá vai
Buông lời hò hẹn vơi đầy thuở xưa
Buông chèo mặc sóng đẩy đưa
Buông người áo gấm gió mưa em về

XẢ
Nợ đời đã trót u mê
Tôi xin xả hết đi về thiên thu
Xả lòng vén khói sương mù
Xả bao vướng luỵ ngục tù thế nhân

NÍU - BUÔNG - XẢ
Níu ngày nên mỏi bước chân
Níu đêm thao thức phân vân tình đời
Một ngày tâm ngộ buông lơi
Nhẹ như gió thoảng lá rời cành khô
Ao tù nước đọng tội đồ
U minh xin xả hư vô cõi thiền

                         Quang Tuyết

READ MORE - NÍU - BUÔNG - XẢ / Thơ Quang Tuyết

CHÙM THƠ VỀ RƯỢU CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN


               
QUAN TRƯỜNG
(Tặng Nguyễn Minh, bạn tôi)

Nào, cứ uống, đếch gì mày phải ngại
Làm “quan to” ngã ngựa cũng chả hèn
Thiên hạ cười. Thây kệ thiên hạ soi
Mày giả xỉn để đời thôi khốn nạn.

Ừ, đời thế. Qua cầu thì hại “bạn”
Dấn quan trường sao mày chả chịu “khôn”
Đục kín dòng mày lại cố gượng trong
Chúng nó đập bởi mày không chịu hỏng

Ừ. Thế nhé. Lấy gia đình làm trọng
 Cứ vui đi, mặc thiên hạ vào tròng
Tiếc làm gì mấy thứ của phù du
Thiên trả Địa, đếch gì mày cay cú.

Nào. Uống nhé! Kệ cha thiên hạ đú
Nào. Cứ say! Mặc mẹ thiên hạ cù
Tao với mày trận nữa ngoắc cần câu
Cho trôi tuột trò nhố nhăng thế sự.

Hà Nội, chiều 03.04.2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


MỘT TÔI
(Tặng cháu Đặng Hải)

Một chai
Một chén
Một tôi thôi
Một đêm gió quẩn chỗ tôi ngồi
Một bàn tay lạnh quờ vai lạnh
Một tiếng thở dài tôi với tôi!

Hà Nội, 22 tháng 11.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


THẾ GIAN SAY
(Kính tặng nhà thơ Hoàng Xuân Họa)

Thế gian say đòi đập chén trở cờ
Thế gian cười.
                Thế gian khóc.
                               Thế gian mơ
Ngật ngưỡng bước.
                   Khành khạch cười.
                                 Chửi cha thiên hạ dở!
Rượu ba xu. Thế gian hóa thằng rồ!

Hà Nội, chiều 04.10.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


ĐỜI KHÁT
(Thân tặng nghệ sĩ Võ Hoài Nam)

Này thì khát!
Uống cho đời đỡ khát
Rượu tình đời men ủ nhiều năm
Khát chất chồng
dồn nén
tháng năm
Ta đốt cạn cái đong đời cay đắng

Uống!
Thì uống!
Cho lì khoảng lặng
Cho lòng ta chạm được tới lòng người
Cho u buồn phiêu bạt tận biển khơi
Cho Nhật Nguyệt thẹn lòng mà hửng nắng.

Uống!
Thì uống!
Dốc cạn lòng cùng uống
Khát khao ơi hãy tan chảy tận cùng
Thế gian này dẫu sấp ngửa trắng đen
Ta như bạn sống một đời không thẹn.

Uống!
Thì uống!
Ngán chi mà không uống!
Rượu tri âm thêm vững mạnh bước đường!

Hà Nội, ngày 30 tháng 05.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


TIỆC RƯỢU TRONG MƠ
(Tặng “thằng bạn” đối tửu trong mơ)  
                   
Dốc ngược chai
Chắt thêm vài giọt rượu
Cạn ly này
Mai mỗi đứa một nơi

Ly rượu này
Mày rót
Tao say
Khề khà mãi
Mày say
Tao rót

Nhấp môi thôi
Mai mỗi thằng mỗi ngả
Ngày tháng xa
Mày
Tao
Kiếp không nhà
Tao xa lạ
Cõi trần đày đọa
Mày xa hoa
Tiên cảnh phiêu bồng...

Ừ!
Cạn nhé
Mày ơi
Cạn nhé
Ừ!
Nhấp môi
Mai
Mỗi ngả
Mỗi thằng...

Hà Nội, 2 giờ sáng 03 tháng 05.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN



BẠN QUAN

Bạn cũ lâu ngày gặp lại
Chén rượu quê đưa đẩy tẩy trần
Tao ruột ngựa hỏi câu ngớ ngẩn
Mày làm quan chắc kiếm bộn tiền
Chức ấy rẻ mà sinh lắm lãi
Mày học ngu nhưng thủ đoạn tài
Tao học giỏi nhưng mù thủ đoạn
Mãi long đong chức phó dân quèn
Mày nhăn mặt chửi tao thằng đểu
Quá nửa đời mãi chửa hết ngu...

Rượu tới tầm
Mày ghé tai tao
Nói thật nhỏ
Căng tai mới rõ
Làm người khó
Làm quan càng khó
Chốn quan trường chó vịt giống nhau
Mày than đời chỉ rặt những thau
Quan càng lớn chữ nhân càng nhỏ
Ví miệng quan giống trôn trẻ nhỏ
La liếm quen rồi nào biết bẩn dơ.

Tao gật gù giả bộ ngớ ngơ
Khen các quan vì dân vì nước
Nghe nửa câu mắt mày trợn ngược
Chửi tao khùng hệt “lũ dân ngu”
Mày chửi thề đặc giọng quân khu
Đời đã chó
Quan trường càng chó
Rồi nhăn nhó
Than đời mày nhọ
Mấy tháng trời bổng lộc hụt xơi...

Rượu mày mời
Tao uống khó trôi
Thịt mày gắp
Tao nhai khó nuốt
Trời nhiều gió
Hay lòng tao nổi gió
Rượu đầy vò
Tao ngất ngưởng vờ say.

Hà Nội, trưa 18 tháng 03.2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


MEN ĐẮNG

Đây men rượu hơn 15 năm trước
Chót nhấp môi ta trượt bước xuống bùn
Ngoái đầu nhìn vẫn hồn lạc chân run
Thon thót sợ vô tình gặp lại.

Ừ ly nữa. Cớ chi phải ngại
Ta cứ say. Mặc thiên hạ phỉnh lừa
Cạn ly này có quên được chuyện xưa?
Đau thương đấy đến ngày nào lành sẹo?

Ừ thì cứ trách ta bạc bẽo
Cứ rêu rao ta ân ái hững hờ
Quá thật thà ta ra kẻ ngu ngơ
Ngớ ngẩn cược đời mình nơi kẻ chợ.

Đau. Đau lắm. Lặn ngược dòng lệ rỏ
Trời cao xa dung dưỡng lũ yêu hồ
Cố vẫy vùng thoát xa khỏi chốn nhơ
Ta chết lặng nửa đời không phân tỏ.

Ừ ly nữa
Ừ thêm ly nữa
Ừ thì say! Ừ quên quãng sống thừa
Quên bóng tà lẩn khuất phía song thưa
Ta cạn chén đón bình minh trước cửa.

Hà Nội, đêm 10 tháng 12.2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


CHẾT

Chén rượu buồn cay đắng
Ta tiễn người sang ngang
Kể từ trăng tàn ấy
Ta chết dần ai hay.

Hà Nội, chiều 17 tháng 12.2014
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


SAY YÊU
(Với T.L.A)

Yêu thương nhé. Một lần thôi. Là đủ
Ta đâu cần gian díu giữa nhân gian
Uống nữa đi. Đây rượu ngọt. Môi mềm
Đêm lạnh lắm đừng để ta lẻ bạn.

Nào nâng chén cho sầu sầu rũ bỏ
Trút áo xiêm cho đêm bớt ngại ngần          
Đây rượu nồng, men ủ đã nhiều năm
E ngại thế... Làm sao ta chẳng giận.

Thì ta biết thuyền em chưa bến đậu
Giấu mơ hoang vật vã đợi phong cuồng
Ta nhốt mình đằng đẵng mấy mùa ngâu
Nén lơi lả loạn điên nơi cõi mộng.

Ừ thì rượu. Ừ thì thơ. Ừ mộng đẹp
Ừ thì say cho hỉ hả phong trần
Đêm phập phồng, ngực nõn hứng trăng non
Môi đón lưỡi uống hương tình bất tận.

Yêu thương nhé.
Một lần thôi. Là đủ
Ta đâu cần gian díu giữa nhân gian...

Hà Nội, đêm 11 tháng 04.2014
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


RƯỢU SAY
                     
Ừ này thì rượu. Ừ thì say
Ừ rượu tri âm ủ lâu ngày
Ta uống đêm nay cho thỏa thích
Cho trời cùng đất ngất ngưởng say.

Nào nhấc chén lên. Cạn để say
Men tình chiu chắt ủ bấy nay
Đêm nay ta hứa say cùng bạn
Thế gian? Điên đảo được mấy ngày?

Thôi kệ cuộc đời. Ta cứ say
Rượu ngọt đào thơm vơi lại đầy
Ta kệ Cuội già từ cung Quế
Khẩn khoản mời ta ghé đôi ngày.

Ta chẳng ghé đâu. Ta ở đây
Sóng sánh mềm môi chén rượu đầy.
Thôi Cuội về đi ta chỉ muốn
Đêm nay thỏa thích ta được say.

Hà Nội, đêm 04 tháng 10.2013
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - CHÙM THƠ VỀ RƯỢU CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN

CŨNG ĐÀNH LỖI HẸN - Thơ Giáng Thu Xưa


  

CŨNG ĐÀNH  LỖI HẸN
(Cảm tác thơ Trần Mai Ngân)

Em mắc cạn để đời rong ruổi
Biết bao lần lặng lẽ riêng mang
Dấu yêu xưa theo giấc mơ màng
Trải nỗi nhớ trong niềm thương gởi

Em mắc cạn theo dòng nước vội
Bóng hoàng hôn buông xuống heo mây
Gió hiu hiu lạnh thấm đong đầy
Giấc mộng theo hoà trong đượm nhớ

Em mắc cạn len lần trăn trở
Ngậm ngùi nào thiếu vắng cho nhau
Mưa sa thấm ướt dạ tình đầu
Nên lỗi hẹn bao lời ước nguyện..!

                             07-26-2018
                         Giáng Thu Xưa

READ MORE - CŨNG ĐÀNH LỖI HẸN - Thơ Giáng Thu Xưa

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN DÒNG NHẠC NHẸ ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM - KỲ 2 - Lê Thiên Minh Khoa

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN    
DÒNG NHẠC NHẸ ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM
                                            
      Kỳ 2: Những bước nhập cuộc “không suôn sẻ” của  dòng nhạc nhẹ Việt đương thời- sau Đổi mới đến nay.                                                    
                                                 LÊ THIÊN MINH KHOA


Phác thảo bìa sách “9 thập kỷ ca khúc tân nhạc Việt Nam”
(tác giả tự trình bày).

     Chín thập kỷ ca khúc tân nhạc Việt, tính từ năm 1930, khi bản tân nhạc đầu tiên của Việt Nam “Cùng nhau đi Hồng binh” của Đinh Nhu ra đời, được tác giả chia thành nhiều giai đoạn. Theo đó, quá trình phát triển ca khúc tân nhạc Việt có 4 giai đoạn: GIAI ĐOẠN 1930-1945: GIAI ĐOẠN 1946-1954,   GIAI ĐOẠN 1954-1975 và GIAI ĐOẠN ĐƯƠNG ĐẠI- từ 1975 đến nay.  Trong mỗi giai đoạn âm nhạc, lại tồn tại nhiều xu hướng, trào lưu âm nhạc được gọi là dòng nhạc như cách gọi phổ biến hiện nay.
   Riêng GIAI ĐOẠN CA KHÚC ĐƯƠNG ĐẠI- từ 1975 đến
nay, lấy mốc để phân ranh là năm 1986, năm bắt đầu thời Đổi mớ,i có hai thời đoạn: thời đoạn  hậu chiến- 10 năm sau Thống nhất 1975-1985; thời đoạn đương thời- sau Đổi mới 1986 đến nay và thực tế hiện hữu  2 dòng nhạc song song tồn tại: dòng nhạc nhẹ chính thống  và dòng nhạc thị trường bị thương mại hóa. Bài viết nầy đề cập đến quá trình hình thành, phát triển dòng nhạc nhẹ đương đại và chia  thành 2 kỳ.

      Kỳ 2: Những bước nhập cuộc “không suôn sẻ” của  dòng nhạc nhẹ Việt đương thời- sau Đổi mới đến nay.                                                    
Cha con nhạc sĩ Hoàng Hà - Hoàng Lương.
Bố con NS Hoàng Hà- Hoàng Lương.  
     
      Từ năm 1986, sau Đại hội VI của đảng CS VN, với chủ trương “đổi mới”, đất nước VN có những biến đổi sâu rộng về cả mặt tinh thần, tư tưởng lẫn văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội. Cũng như  giới văn nghệ sĩ nói chung, các nhạc sĩ được “cởi trói”, rồi dần dần đi đến “tự cởi trói”, “chuyển mình” theo thời cuộc mới và sáng tác ca khúc của họ đa dạng, phong phú hơn cả về nội dung, đề tài, thể loại, lẫn phong cách thể hiện.     
      Điều ấn tượng và dễ thấy nhất là khi bắt đầu thời kỳ Đổi mới thì các loại nhạc: tiền chiến, tình khúc, rồi  nhạc vàng ... dần dần được chính quyền, chính xác là giới quản lý văn hóa- nghệ thuật, xét lại và cho phổ biến một cách hạn chế tuỳ theo tác giả và tác phẩm. Rồi sau đó, “mở cửa” thả giàn để các dòng nhạc nầy và dòng nhạc- thị- trường- mới được sáng tác, quảng bá và trình diễn công khai, gần như thả lỏng, không định hướng chặt chẽ, không kiểm soát, quản lý.
     Theo nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, phó chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam trong chuyên đề “Âm nhạc thời kinh tế thị trường và thời hội nhập (phần 1)”  thì yếu tố đầu tiên tác động đến đời sống âm nhạc là những thay đổi thuộc về ý thức”. Theo bà, sự dịch chuyển của đời sống âm nhạc lúc nầy “là cả quá trình diễn ra từ từ và không thực sự dễ dàng, suôn sẻ với chủ thể sáng tạo cũng như với giới quản lý văn hóa nghệ thuật”, khi từ quan điểm nghệ thuật vốn bị ràng buộc quá chặt, bị chi phối hoàn toàn bởinhững định kiến chính trị đã kéo dài trong 30 năm chiến tranh và “hơn chục năm thời hậu chiến (1975-1986) sang tinh thần chung là mở cửa, nhập cuộc và đổi mới”.

Âm nhạc và con cháu chúng ta
NS Nguyễn Thị Minh Châu.

       Cũng theo nhạc Nguyễn Thị  Minh Châu (tài liệu đã dẫn) trong quá trình  nầy diễn ra các sự kiện âm nhạc tác động đến sự nhập cuộc của âm nhạc thời Đổi mới. Xin nêu lại và bổ sung thêm.
      Sự kiện khá đặc biệt trong đời sống âm nhạc khá phẳng lặng của những năm giữa thập niên 80 là những đêm tác giả của các nhạc sĩ “lão làng” như Văn Cao, Đỗ Nhuận, Huy Du. Điều được cho là “mới” ở các chương trình này là ngoài hành khúc, ca khúc thuộc diện bài hát truyền thống, lần đầu tiên lọt vào danh mục biểu diễn là những tình ca cũ trong dòng “nhạc tiền chiến” như Bến xuân, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi, Buồn tàn thu của Văn CaoChim than, Đường lên ải Bắc của Đỗ Nhuận;  Sóng nước Ngọc Tuyền, Ba Vì năm xưa, Sẽ về Thủ đô, Những gác chuông giáo đường của Huy Du.
      Sự kiện mở màn cho âm nhạc nhập cuộc là chương trình Trần trụi 87 của nhạc sĩ Trần Tiến  diễn ra như một hiện tượng bất thường vào lúc những chương trình ca nhạc tuyên truyền ngợi ca khô cứng giáo điều đã khiến người nghe mệt mỏi và dị ứng, và những  chương trình nhạc tiền chiến lãng mạn, trữ tình từng xoa dịu tâm lý căng thẳng thời hậu chiến cũng bớt đi sức thu hút ban đầu.Sự bất thường khiến các nhà quản lý thấy bất an, nhưng lại được công chúng hưởng ứng. Lần đầu tiên có một chương trình mang dáng dấp một tùy bút âm nhạc, một phóng sự âm nhạc mang đậm cái tôi. Với phong cách rock tác động trực diện vàhình thức biểu diễn gọn nhẹ- có lúc chỉ cần tác giả hát với cây đàn guitare thùng, với những lời ca táo bạo và xoáy vào tâm can (Ðồng hồ báo thức, Trắng đen, Ý nghĩ trong phòng hải quan, Ðóa hoa tôi tìm, Trần trụi 87), chương trình đã lôi cuốn người

Nhac si Phu Quang: 'Thanh Lam qua dien, Minh Chuyen thuong thoi' hinh anh 2
NS Phú Quang và ca sĩ Minh Chuyên. Ảnh: Hải Bá.
  
nghe, nhất là giới trẻ vào câu chuyện tâm tình, suy tư về những nỗi đau rất đời thường mà trước đó luôn bị tránh chạm tới như một điều cấm kị. Dù bị phê phán dữ dội, thì Trần trụi 87 rút cục vẫn được nhìn nhận là sự hưởng ứng kịp thời cho tư duy đổi mới, là lời khẳng định cho khả năng nhập cuộc của giới nhạc.
      Cuối thập niên 80, mặc dù đã bước vào giai đoạn Đổi mới, nhưng quan niệm khắt khe cứng nhắc như một dư âm chiến tranh còn đè nặng trong quản lý âm nhạc. Sự kiện đáng nhớ trong thời điểm là những tình ca giá trị được tuổi trẻ yêu thích sau nầy trở nên nổi tiếng, chịu số phận lận đận, bị phê phán, thậm chí bị cấm đoán, tác giả  bị khiển trách, kể cả các nhạc sĩ có uy tín nhưHoàng Hiệp và Xuân Hồng từng là lãnh đạo Hội Âm nhạc TP HCM. Trong trường hợp này  có thể thấy người sáng tác “nhập cuộc” nhanh hơn người quản lý. Và sự nhập cuộc- theo nghĩa tác phẩm phản ánh được tâm trạng công chúng đương thời và được tiếp nhận trong đời sống xã hội không hẳn lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.       
          Rồi, bốn đêm biểu diễn ca khúc tuyển chọn Nửa thế kỷ ca
khúc Việt Nam  vào năm 1994 như một cuộc tổng kết thành tựu

ns duong thu thu tien tac quyen am nhac o benh vien la duong nhien hinh 1
Nhạc sĩ Dương Thụ. - Ảnh:TTVH.  
  
quá khứ, qua đó thấy được sự nhìn nhận lại giá trị của những bài hát lãng mạn thời đầu tân nhạc, cũng như sự khích lệ giới nhạc sĩ nhập cuộc vào đời sống âm nhạc đương đại.  Đó là thời điểm mà không khí “mở cửa” và “đổi mới” có phần thông thoáng hơn..
     Sự kiện âm nhạc được nhớ nữa là sự ra đời của nhóm Những người bạn từ sáng kiến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm 1991, ngay vào lúc cơn sóng nhạc hải ngoại đang ở cao trào mạnh mẽ, và âm nhạc Việt nhiều năm khủng hoảng thiếu tình ca. Những
Girlband Việt đời đầu: 3A, 3 con mèo, tam ca Áo trắng nay ở đâu 3
Tam ca Ba Con Mèo (Phương Uyên- giữa)


người bạn gồm bảy nhạc sĩ TP HCM: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Thanh Tùng đã đem đến cho công chúng những món ăn tinh thần mới, những ca khúc trữ tình đầy sức sống không chỉ đi vào đời sống xã hội lúc đó, mà còn được yêu thích cho tới nay, như Sóng về đâu (Trịnh Công Sơn), Tình yêu mãi mãi (Tôn Thất
Image result for Phạm Đăng Khương
NS Phạm Đăng Khương.


Lập), Xin làm người hát rong  (Trần Long Ẩn)…
    Có thể bổ sung thêm một sự kiện sau đó một năm trở thành một hiện tượng âm nhạc ấn tượng bậc nhất của nhạc trẻ TP. HCM, và có tiếng vang khắp cả nước,  khi ban nhạc gia đình Tam ca Ba Con Mèo, gồm ba chị em (Phương Uyên, Cẩm Tú và Ngọc Diệp, do Phương Uyên đứng đầu giành giải cao nhất tại liên hoan Pop-Rock 1992. Nhiều khán giả đến nay vẫn nhớ phong cách rock cuồng nhiệt cùng những bài hát đã trở thành “thương hiệu” 3 Con Mèo như Ngẫu hứng ngựa ô (Trần Tiến), Cô bé u sầu (Nguyễn Ngọc Thiện)… và đặc biệt bài hát có thể coinhư tác phẩm đầu tay của Phương Uyên, báo trước một tài năng sáng tác nổi bật, ca khúc Đến với tình yêu. Giữa những năm 1990, đúng vào cuộc thăng hoa của nhạc Việt, Phương Uyên nổi lên như một nhạc sĩ hàng đầu Việt Nam, cả về số lượng, chất lượng bài hát và sự phong phú đề tài.
Image result for NS Từ Huy
NS Từ Huy.


         Nhiều bài hát Phương Uyên viết cho Ba Con Mèo nhanh chóng trở thành những bài hit bậc nhất như: Mẹ yêu, Sài Gòn cô tiên năm 2000, Yêu yêu yêu, Bên nhau mùa đông, Tuổi mộng mơ…   
C:\Users\TTC\Pictures\NS Trong Vinh và LTMK.JPG
NS Trọng Vĩnh (ngồi) và tác giả ở Vũng Tàu tháng 5.2018.

      Sau đó, Phương Uyên trở thành nhạc sĩ sáng tác nhạc quảng cáo nhiều bậc nhất Việt Nam và cũng rất đặc biệt là nhiều ca khúc của Phương Uyên vốn viết cho quảng cáo sau đó đã ra với thị trường ca nhạc và trở thành những bài hit. Rồi Phương Uyên vào vai vừa ca sĩ , vừa nhạc sĩ trong đĩa nhạc Gia đình tôi, với những bài hát được chính cô sáng tác từ những câu chuyện của bản thân và gia đình, giàu tính riêng tư nhưng lại được đông đảo khán giả yêu thích, vì cho thấy rõ nhất chân dung một Phương Uyên mạnh mẽ nhưng vẫn rất nữ tính, dữ dội mà vẫn ngọt ngào. Có thể coi Phương Uyên là nữ nhạc sĩ thành công nhất của thị trường nhạc Việt trong khoảng 25 năm trở lại đây với với phong cách rock cuồng nhiệt, sôi động , trẻ trung nhưng không “sến” và thành công của cô tạo cảm hứng cho rất nhiều nữ  nhạc sĩ thế hệ sau, cũng như đã kích thích rất nhiều ca sĩ tham gia sáng tác ca khúc, để ngày nay, khái niệm ca sĩ/nhạc sĩ trở nên phổ biến và quen thuộc trong nhạc Việt.           
     Nhiều ban nhạc, nhóm nhạc nhẹ chuyên nghiệp được thành lập trên cả nước. Năm 1993, Liên hoan Các ban nhạc nhẹ toàn quốc được tổ chức tại Đà Nẵng với thành phần ban giám khảo là các
Image result for NS Bảo Chấn
NS Bảo Chấn.


nhạc sĩ tên tuổi bao gồm nhạc sĩ Thanh Tùng, nhạc sĩ  Dương Thụ, nhạc sĩ Nguyễn Cường cùng những nhạc sĩ khác. Ban nhạc Phương Đông, bao gồm ca sĩ Thanh Lam, nhạc sĩ Quốc Trung (keyboard, hòa âm- phối khí chính), cùng "bộ sậu anh tài của nhạc nhẹ Hà Nội" lúc bấy giờ là Ngọc Quân (trống), Vũ Hà (bass), Lương Bình (guitar chính) và Trần Mạnh Tuấn (saxophone). Ban nhạc đã đoạt giải nhất tại cuộc thi. Hạng nhì thuộc về Hoa Sữa, ban nhạc của nhạc sĩ Vũ Quang Trung, giúp giọng ca 17 tuổi Mỹ Linh khi ấy giành giải "Ca sĩ trẻ gây ấn tượng". Hạng ba của liên hoan đã thuộc về nhóm nhạc rock Đen Trắng của cặp đôi Ngọc Lễ và Phương Thảo.
       Việt Nam thời đoạn nầy giao lưu với âm nhạc thế giới ngày càng rộng  rãi hơn với mật độ dày hơn. Ấn tượng nhất là nhóm nhạc Rock Michall Learns To Rock (viết tắt là MLTR) là một ban nhạc nổi tiếng Đan Mạch với các ca khúc bằng tiếng Anh, gồm có các “thần tượng” của giới trẻ yêu âm nhạc: ca sĩ kiêm tay đánh keyboard Jascha Richter, tay trống Kåre Wanscher, tay guitar Mikkel Lentz, tay bass Søren Madsen.  Họ sang biểu diễn tại Hà Nội và TPHCM vào tháng 12 năm 1997 được sự nhiệt tình chào đón của truyền thông và người hâm mộ. Sau nầy, họ còn  sang Việt Nam đến lần thứ ba và lần nào nọ cũng được các fan cuồng nhiệt tung hô ở sân bay, ở khách sạn và hân hoan đổ nhau về sàn diễn để xem các thần tượng của mình biểu diễn.
       Các sự kiện âm nhạc trên hầu hết xảy ra ở TP HCM. Điều đó chứng tỏ rằng dòng nhạc nhẹ đương thời khởi phát từ đây rồi tỏa ra cả nước.  
       Lúc nầy, quan niệm về nhạc nhẹ lúc này đã thay đổi từ chỗ phủ nhận hoàn toàn đến tiếp nhận có chọn lọc rồi mặc nhiên chấp nhận và cuối cùng là chính thức công nhận. Khái niệm "nhạc nhẹ" đã chính thức xuất hiện,  được xếp vào một trong ba dòng
                                   
C:\Users\TTC\Pictures\ns hong van, p thiet, ltmk.jpg
Tác giả giữa 2 NS Phan Thiết  Hồng Vân (phải).


nhạc chính (cùng với nhạc cổ điển thính phòng và nhạc dân gian) và từ ngữ  này được sử dụng hiều trong các báo chí, phương tiện đại chúng và cả trong các cuộc thi, liên hoan... với những cụm từ: ca sĩ nhạc nhẹ, phong cách nhạc nhẹ, ban nhạc nhẹ,… gần như đồng hóa với nhạc phổ thông. Đó là  loại nhạc nhẹ nhàng, êm dịu có  chức năng chủ yếu là giải trí, có nội dung, hình thức đơn giản, dễ nhớ và  thường có tính chất vui tươi, yêu đời, dễ dàng được đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ tiếp nhận, yêu thích.


                                             LÊ THIÊN MINH KHOA
 (Trích trong cuốn  sách “ 9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM”- nghiên cứu, nhận định- Lê Thiên Minh Khoa-  trang  74- (PHẤN IV: CA KHÚC ĐƯƠNG ĐẠI                   GIAI ĐOẠN 1975- NAY)- sắp xuất bản, 2018).
-----------------

Nguồn ảnh: Các NS Trọng Vĩnh, Hồng Vân  Internet.

READ MORE - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN DÒNG NHẠC NHẸ ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM - KỲ 2 - Lê Thiên Minh Khoa