Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, February 16, 2015

Thơ Nguyễn Hữu Minh Quân: VIẾT Ở CÀNG CÂY DA / BẾN VẮNG



Càng Cây Da (Hải Lăng, Q. Trị). Ảnh: Nguyễn Vỹ



VIẾT Ở CÀNG CÂY DA

Ta đứng giữa hai bờ hư thực
Gió ngàn lùa khuyết một hữu vô
Cầu bắc vào đêm chờ nguyệt bạch
Một tiếng dế rung chạm bến bờ

                                    N.H.M.Q



BẾN VẮNG

Về An Cư thấy mình chưa lạc nghiệp
Đến An Giạ mà chẳng yên lòng
Thì đành ghé Bích La đông
Tìm người thơ cũ bên sông thuở nào
Đưa tay khuấy nước
Nước chảy một dòng đau
Con nước lao xao nhớ nguồn nhớ suối
Mây huyền trắc trở vó ngựa phương hồ
Dấu chân ai quên bên bờ huyền sử
Đã lu mờ tháng cũ ngày xưa
Bóng trăng hẹn hò tương ngộ
Thuyền trôi lênh đênh tựa lá nương chiều
Đưa tay vẫy cho đại dương về với
Cho núi sông về vợi bớt tịch liêu.

                                        N.H.M.Q
                                        3/10/2014


READ MORE - Thơ Nguyễn Hữu Minh Quân: VIẾT Ở CÀNG CÂY DA / BẾN VẮNG

ĐIỆU HỔ LY SƠN - Giáng Ngọc





Giáng Ngọc
Kế sách: Điệu Hổ Ly Sơn 
(Dụ cọp ra khỏi núi )

                                      
Đọc bài viết và lời bình của anh Chu Vương Miện qua bài “Điệu Hổ Ly Sơn” Tôi cũng mạo muội viết thêm chút đỉnh để tỏa thêm chút góp ý trong kế sách này. Trong binh pháp gọi kế sách này nằm trong nhóm “Công chiến kế”.
        
Anh Chu Vương Miện bình luận đoạn Khổng Minh tổ chức buổi nói chuyện với hàng tướng  của mình khi đưa 3 cha con Tư Mã Ý (dỗm) ra trình làng. Lẽ dỉ nhiên điều này là “ngoại truyện” vì ngay trong “Tam Quốc chí” cũng không có. Ý của anh Chu Vương Miện muốn nói  “Kế sách” này thực chất tác giả chỉ hư cấu trong Tam Quốc Chí mà thôi? Không biết có đúng như thế chăng? Hầu hết truyện “Tàu” từ cổ chí kim đều dựa vào chuyện lịch sử để hư cấu thêm tình tiết, làm cho độc giả thêm phần hưng phấn suy nghĩ và ly kỳ của câu chuyện.
   
Từ Tam Quốc chí-Hán Sở  tranh hùng- Thủy Hử - Đông Châu Liệt Quốc v.v…, có rất nhiều  tình tiết, huyền thoại được hư cấu  trong chính sử không có nhắc đến. Như Điêu Thuyền, Bao Tự, Đắc Kỷ, v.v…. (Có rất nhiều chi tiết hư cấu bên trong, mà chính sử hoàn toàn không có ghi). 

Trở lại  chuyện “Điệu hổ ly sơn” - kế thứ 15 trong tam thập lục kế của  binh thư của ngưòi Trung Hoa. Nguyên văn: “Đãi thiên dĩ, khốn chi, dụng môn dĩ, dụ chi.Vãng kiển lai phản".“ Vãng phản lai phản": Trong kinh dịch - "Quẻ Kiền” : … Đi tới phía trước gặp nguy hiểm thì phải trở lại.
        
Ý: Chờ lúc đối phương khốn khó, mới tấn công, chi bằng tìm cách dụ địch vào nơi tử địa. Cọp là hình tượng  sức mạnh của kẻ địch. Cọp tuy dũng mãnh, nhưng mưu trí không thể bằng con người …
      
Đây là mưu kế dẫn dụ, điều động một cách hợp lý đề đưa dịch vào chỗ chết mà địch bất ngờ không thể phát hiện trước. Đến lúc biết thì coi như không còn kịp nữa.
  
Kế sách này hư hư thực thực, mê hoặc đối phương, làm cho đối phưong phán đoán sai lầm, để cuối cùng đối phương bị dẩn dụ vào vùng có địa hình bất lợi (Tử địa) .
      
Cha con Tư  Mã Ý bị  Khổng Minh dụ vào tử lộ, trong hang động chỉ có một con đường hẹp. Tư Mã Ý không suy nghĩ kịp thời nên đã trúng kế của Khổng Minh. Kế "Điệu hổ ly sơn” này cùng phối hợp với kế  “Hỏa  Công" để thực hiện mưu ý  tiêu diệt quân binh của Tư Mã Ý . Trước kia, Khổng Minh cùng Chu  Du cũng đã từng kế hỏa công này để tiêu diệt quân Tào Tháo. Đời sau, Tư Mã Ý quên mất, nên chịu bại trong trận này. Tuy nhiên, Người hại, nhưng trời cứu …. Khổng Minh cũng là một nhà thiên văn xuất chúng nhưng ông không biết rằng vào thời khắc đó sẽ có cơn mưa giông lớn. Vì thế, cha con Tư Mã Ý mới thoát chết (Trong chính sử,  cũng chưa thấy có đoạn nào ghi cụ thể như  trong Tam Quốc Chí ? Phải chăng tác giả đã hư cấu thêm tình tiết chăng ? Việc này ngoài tầm hiểu biết.(Trong Sữ ký của Tư Mã Thiên cũng không thấy nói rõ hơn?).
         
Trong truyện Trịnh Trang Công dụng kế “Điệu hổ ly sơn” để giết Thái Thúc Đoạn trong thời “Chiến quốc” cũng là một thủ đoạn áp dụng sách kế thứ 15 này. Cuối cùng Thái Thúc Đoạn phải tự vẫn vì đã không cảnh giác tin vào lời mẹ để cuối cùng không còn lối thoát. Nếu như ông ta đừng đưa đại quân ra khỏi thành và quay trở lại kịp thời thì sẽ tránh khỏi rơi vào vùng tử địa.
    
Câu nói cuối cùng của ông là “ Mẹ đã hại ta rồi..” Xong, rút kiếm tự tử.

                                                             Giáng Ngọc

Hình minh họa từ trang savatina.com
READ MORE - ĐIỆU HỔ LY SƠN - Giáng Ngọc

ĐIỆU HỔ LY SƠN - Chu Vương Miện




Chu Vương Miện
Điệu Hổ Ly Sơn 
Tam Quốc Chí ngoại truyện


Kế sách này là kế sách thứ 15 (trong Tam Thập Lục Kế), nói nôm na diễn giải qua chữ quốc ngữ là "dụ cọp ra khỏi núi". Kế sách thứ Ba Mươi Sáu là Tẩu Vi Thượng Sách là kế hay Nhất. Ngược lại, kế "Điệu Hổ Ly Sơn" lại là kế khó thực hiện nhất. Kế này cũng có phần khó khăn chung như "Thế Cưỡi trên Lưng Cọp," có nghĩa là ngồi mãi trên lưng con Cọp cũng rất là khó, mà nhẩy xuống khỏi lưng con Cọp không khéo thì Cọp nhai xương, ăn thịt chính mình, cũng không phải là dễ.

"Điệu Hổ Ly Sơn" chuyển ngữ ra Việt ngữ là "dụ Cọp ra khỏi núi" cho nó dản dị dễ hiểu, thực tế thì không phải là dễ dàng như vậy. Từ Điệu không phải là Đi mà cũng không phải là Giải. Xin được diễn giải một cách cụ thể rõ ràng: Là một người dân phạm tội nhẹ, có thể ông Xã trưởng [hay ông Lý trưởng] dẫn theo lên trên Huyện giao cho trên Huyện xét xử; trường hợp can phạm nặng nề hơn, thì can phạm đi trước, theo sau là hai anh dân đinh, tay cầm gậy và ông xã Trưởng đi theo. Còn trường hợp nghiêm trọng như trong truyện Thủy Hử của đại văn hào Thi Nại Am, thì phạm nhân là giáo đầu Lâm Xung, hai tay bị đóng gông nhẹ, cổ mang gông nặng có dấu ấn niêm phong, đi kèm theo phạm nhân có hai vị công sai cầm giáo mác. Hai vị công sai này thường là quân nhân biết võ nghệ. Đến trường hợp của đô đầu Võ Tòng thì trầm trọng nặng nề hơn, hai tay vừa bị xích và bị còng, cổ đeo gông nặng và hai chân bị xích khoảng cách hai đầu dây xích khoảng 3 thước Tàu để cho phạm nhân di chuyển. Hai vị công sai ngoài giáo ra còn mang theo đao nặng nữa. Bây giờ diễn giải từ "Điệu" (gạt bỏ đi những lời giải thích thừa), thì Từ Điệu có vẻ khẩn trương và nguy hiểm hơn từ Đi và từ Áp Giải. Đi Điệu Trầm có nghĩa là đi tìm Trầm Hương và kiếm Trầm Hương. Người đi Điệu luôn luôn phải trang nghiêm, quần áo phải tề chỉnh đàng hoàng, ăn nói phải nhã nhặn khiêm cung không được nói năng tục tằn thô bỉ, hai tay lúc nào cũng phải chắp trứơc ngực và miệng lúc nào cũng lâm râm đọc kinh cầu nguyện. Còn Điệu Hổ có nghĩa là phải bằng mọi cách nặng tay, với đầy đủ dụng cụ nhà nghề đi săn để "xách cổ con Cọp cho bằng được kéo nó ra khỏi Núi."

*
Gia Cát thừa tướng bàn việc riêng với Tiền tướng quân Ngụy Diên. Khổng Minh nói:

- Chuyện dàn dựng và ứng chiến với cha con Tư Mã Ý thì bổn tướng lo. Trong hang Thượng Phương dài khoảng một lý [tức là Hồ Lô Cốc] đã trang bị đầy đủ, địa lôi thi chôn ở dưới lòng hang, thiên lôi thì chôn dấu trên nóc hang, còn trên lòng hang thì chất lẫn lộn cỏ khô, cành khô, lá khô, bổi khô diêm sinh ... chỉ cần gặp lửa là bốc cháy, mà có lửa thì hai thứ lôi đều nổ tung lên cả. Ngoài ra trên nóc hang Hồ Lô còn đào thêm những lỗ hổng để địch nhân theo lối đó mà bò lên thì bên trên có nhân lôi, có dụng cụ thòng lọng chờ sẵn tròng vào cổ lôi lên y như bắt chó vậy. Riêng Tiền tướng quân Ngụy Diên với 500 binh sĩ tìm đủ mọi cách dụ cho Tư Mã Ý ra khỏi doanh trại trực chỉ hang Thượng Phương là thành công lớn đại công cáo thành. Nếu thấy quả Tư Mã Ý thân kéo đi, thì các ngươi lập tức đến cướp trại Ngụy, chiếm lấy Vị Nam."

Các tướng ai nấy nghe lệnh. Khi thấy quân Ngụy kéo rốc tới trại Kỳ Sơn, quân Thục bèn hò reo vang rền bốn phía giả vờ ào ạt chạy cả về trại để bao vây. Tư Mã Ý thấy quân địch thấy bốn hướng kéo cả về cứu trại Kỳ Sơn, liền dẫn hai con, đem đoàn "trung quân hộ vệ binh" chạy thẳng đến hang Thượng Phương để đốt lương thảo.

Nói về Ngụy Diên ở cửa hang đang mong đợi Tư Mã Ý thì thấy một đoàn quân Ngụy rầm rập chạy đến. Diên thúc ngựa ra trước nhìn xem, thì thấy rõ ràng Tư Mã Ý chẳng sai, liền thét lớn:

-Bớ Tư Mã Ý!  Chớ chạy!

Rồi múa đao tới chặn. Ý vung đao đánh Diên. Qua ba hiệp thì Diên bỏ chạy. Ý thúc quân đuổi theo. Diên cứ nhìn về chỗ có hiệu cờ [thất tinh] mà chạy. Ý thấy Diên chỉ có một mình mà quân mã lại rất ít, nên cứ yên chí hăng hái đuổi riết. Ý sai Tư Mã Sư chạy phía tả, Tư Mã Chiêu bên hữu, Ý chạy giữa. Ba cha con nhất tề đuổi đánh kỳ cùng. Ngụy Diên kéo năm trăm quân chạy thụt vào hang Thượng Phương mất hút. Ý đuổi đến sát cửa hang, sai quân vào thám trước. Quân trở ra báo rằng:

-Trong hang không có phục binh nào cả. Trên núi thì kho hầm với nhà sàn liền nhau san sát dẫy dài.

Ý nói:

-Hẳn lương gạo chứa hết ở đây rồi!

Liền thúc quân mã ồ ạt tiến vào hang. Vào đến nơi, Ý nhìn lên những căn nhà lợp cỏ, chẳng thấy gạo thóc đâu cả, mà chỉ chứa rặt củi khô. Nhìn sâu vào phía trong thì chẳng biết Ngụy Diên mất tích lối nào. Ý đâm nghi ngờ bảo hai con rằng:

-Nếu chẳng may có phục binh chặn lấp cửa hang thì lui đường nào?

Vừa dứt lời đã nghe tiếng reo vang rền hang núi! Những bó đuốc cháy rừng rực lao ra ào ào, đốt chặn tuyệt cửa hang. Quân Ngụy hết cả lối chạy. Rồi thì trên núi chung quanh vô số tên lửa bắn xuống chói lòa cả mắt. Địa lôi nổ tung từng đám đất. Các dẫy nhà cỏ bốc cháy, củi khô bên trong bắt lửa rất nhanh. Phút chốc lửa bốc ngút trời, lửa sinh gió gió giúp lửa sức nóng dâng lên ghê gớm. Hang Hồ Lô biến thành cái bầu lửa đỏ khổng lồ!

Tư Mã Ý kinh hãi bay hồn! Tay chân bủn rủn bàng hoàng, đành tụt xuống ngựa, ôm lấy hai con mà khóc rống lên rằng:

-Con ơi! Ba cha con ta chết hết ở đây rồi!

Tiếng gào khóc đang vang lên. Bỗng trên trời nổi cuồng phong ầm ầm, mây đen kéo tới tối tăm mù mịt, rồi một tiêng sét nổ ran trời đổ cơn mưa như trút nước! Các đám lửa trong hang tắt ngấm một loạt! Thuốc pháo hết truyền địa lôi ngừng nổ. Các đồ dẫn hỏa thành vô hiệu.

(Tam Quốc Chí diễn nghĩa của La Quán Trung [trang 1858-1859], bản dịch của Tử Vi Lang)

*
Tiền tướng quân Ngụy Diên đứng chờ bên ngoài lưng chừng hang. Toán Nhân Lôi thỉnh thoảng kéo theo vài quân Ngụy tay bị trói, cổ có thòng lòng y như bắt chó, ngồi cả lũ dưới đất. Ngụy Diên liếc mắt nhìn qua thây đầy đủ ba cha con Tư Mã Ý, cười rất khoái trá, rồi nói nhỏ gì với một lính tiểu hiệu. Người này nghe và tuân lệnh chạy đi. Ngụy Diên tháo bình nước bên cổ ngựa, đưa cho ba người mà nói rằng: "Đại đô đốc gia, đây là chiến trường, mọi tiện nghi đều không đầy đủ, tạm thời dùng tạm bình nước nhà lính. Chút nữa quân sư Khổng Minh tới sẽ có giải pháp an bài." Nói vừa xong thì Khổng Minh Gia Cát Lượng tới, nhìn ba cha con họ Tư Mã ngồi dưới đất, bèn quay qua Tiền tường quân Ngụy Diên phán:

-Tướng quân cho kiếm đủ ngựa, cởi trói cho ba cha con tướng gia, và mời tướng gia về doanh trại của bổn thừa tướng, cho tắm rửa và ăn uống theo chế độ tiểu táo đầy đủ. Chiều giờ Thân thì mời ba vị lên gặp ta và thông báo cho toàn thể các tướng lãnh từ cấp chuẩn tướng trở lên đều phải có mặt ở hiện trường. Riêng phần binh sĩ thì đặc lệnh là khỏi phải canh gác trong ba ngày, có cơm cứ ăn thoải mái, và rượu đế quốc doanh thì uống thả dàn để chờ ngày ban sư về trào.
*
Mọi người an tọa, thì thừa tướng Khổng Minh khai mạc. Ngài chúc sức khỏe cả bạn lẫn thù, và tuyên dương công trạng của Tiền tướng quân Ngụy Diên cùng quân sĩ nhà Ba Thục, rồi ngài nói về thành quả của cái kế sách "Điệu Hổ Ly Sơn", nó tuyệt vời ra sao, nó diệu dụng và thành công ở chỗ nào. Khi vừa nói dứt thì mọi người đều vỗ tay. Tướng gia nhìn qua ba cha con Tư Mã Ý an tọa trên ba chiếc ghế không giống như ba người hồi trưa bị bắt ở mặt trận Hồ Lô Cốc. Như hiểu ý của Thừa tướng gia, ba người đều đứng dậy, chắp hai tay xá dài Khổng Minh một cái rồi người lớn tuổi hơn cả cỡ ngũ tuần, xin được phát biểu ý kiến. Không Minh Gia Cát Lượng thống nhất ngay.

-Bẩm Thừa tướng gia, chúng tôi nguyên là kép hát trong đoàn hát Hồ Quảng ở Đông Kinh, hát tại rạp, lâu nay vẫn được Ngụy Vương Tào Duệ và đại đô đốc Tư Mã Trọng Đạt thuê vào trong quân doanh để đôi lúc phải đóng trò (tức là diễn tuồng). Cái anh chàng đại văn hào La Quán Trung vốn là đại đồ đệ của đại văn hào Thi Nại Am; hai vị viết truyện tiểu thuyết trường giang đại hải, bố lếu bố láo hư cấu hư bẹo uốn sừng sửa xoáy viết tào lao cố đế xuyên tạc lich sử đủ điều. Cái truyện đó không quan trọng, nhưng cho Tiền tướng quân Ngụy Diên thường chỉ huy một Phương Diện Quân khoảng từ 5 đên 10 vạn quân mà giờ này đích thân chỉ mang có 500 quân đi dụ Đại đô Đốc Tư Mã Ý, và lại chính thừa tướng Khổng Minh đích thân đứng chỉ huy cho quân sĩ đào hầm hố trong hang Hồ Lô Cốc [tức là hang Thượng Phương] là chuyện không bao giờ có. Một vị là đại đô đốc ngang hàng với đại nguyên soái chỉ huy một lúc 15 vạn tinh binh, một vị là thừa tướng đứng đầu bá quan văn võ, nhân vật đứng dưới một người mà trên vạn người không bao giờ làm cái chuyện của tì tướng, tùy tướng, và nhất là không bao giờ làm cái chuyện đần độn "ruồi bu" như vậy! Hiểu được cái kế sách "Điệu Hổ Ly Sơn" của thừa tường như vậy nên Đại Đô Đốc Tư Mã Ý sai ba anh em chúng tôi vốn là bọn phường chèo ra trận, để cho thừa tướng gia Khổng Minh và Tiền tướng quân Ngụy Diên thắng lợi vui lòng. Đây là sự thật trăm phần trăm. Thừa tướng gia có an bài số phận của ba kép hát Hồ Quảng chúng tôi như thế nào thì chúng tôi cũng hỉ xả vui lòng đón nhận.

Nói xong, cả ba kép hát nhòm về phía thừa tướng Khổng Minh xá dài một cái thật dài.

                                                Chu Vương Miện


Bài chép từ trang: HuongNguyenHoang.blogspot.com
Hình minh họa từ trang: CoTuongVaCuocSong.blogspot.com
READ MORE - ĐIỆU HỔ LY SƠN - Chu Vương Miện

CUỐI CHẠP VỀ NÚI MÂY TÀO - Thơ Đoàn Thuận



         Tác giả Đoàn Thuận
                        


CUỐI CHẠP VỀ NÚI MÂY TÀO


Đạp rừng tìm một nhành mai

Giữa Mây Tào ngỡ như ngoài nhân gian


Dưới cây bao lớp lá vàng

Lẫn trong khe đá muôn ngàn sắc xuân.

Hoang vu thêm nỗi xa gần

Trăm năm cũng chỉ một lần một thôi

Đem thanh xuân hiến cho đời

Mê say sông nước một trời thơ trăng.

Lên đây quên nhớ đôi đằng

Trán ưu tư để vết hằn ngày mai

Núi mây nhìn xuống sông dài

Tưởng đâu cây cỏ hình hài phân thân.

Với đời mơ ước xanh dần

Với ta năm tháng lần khân trong mùa

Cuối rừng thoáng bóng hoa mua

trên non mai nở vàng đưa xuân về.


Bao mùa gõ guốc đêm mê

Bao mùa bụi phủ bốn bề non yên

Lộc xanh trẩy hội mọi miền

Và bầy én nhỏ về nghiêng cánh gần.

Tàn đông cây cỏ thanh tân

Cuối năm ngồi nghỉ dưới chân một ngày

Dốc dài cát bụi còn bay

Một đời ta ngỡ như đầy chiêm bao.

Cõi kia, trước đã ai vào

Chốn này, sau nữa ai chào đón ai?

Hoa ngàn tự nở rồi phai

Hương trời thầm ủ hạt mai sang mầm.

Tóc tơ đời chỉ trăm năm

Đĩa mùa gõ nhịp giữa âm dương này

Chưa đêm đã đợi ánh ngày

Ngó sen biếc giữa bùn lầy cõi ta.

Khói sương đầy tóc mẹ già

Giọt mồ hôi thấm vườn cà nương rau

Đất quê cắt rốn chôn nhau

Tình muôn năm cũ gửi vào hồn quê.

Yêu nhau xin vẹn lời thề

Nụ hồng, người tặng người về tương lai.

                                         Đoàn Thuận

READ MORE - CUỐI CHẠP VỀ NÚI MÂY TÀO - Thơ Đoàn Thuận

TẤT NIÊN TỰ SỰ - Thơ Cao Hữu Lợi



          Tác giả Cao Hữu Lợi


TẤT NIÊN TỰ SỰ

Tân niên nhẩm đã sáu lăm

Xuân xanh chấp cánh thời gian qua rồi
Sáu lăm tuổi, một cuộc đời
Tang điền dâu bể ta thời chứng nhân
Trải qua một kiếp phong trần
Nam Kha giấc mộng chỉ ngần ấy thôi
Lục tuần là tuổi mệnh trời
Ai tri thiên mệnh, ta người ngu ngơ
Về hưu tập tễnh làm thơ
Nhâm nhi chén rượu cuộc cờ người thân 
Ngắm hoa thưởng nguyệt đêm rằm
Chén trà độc ẩm gieo vần ý thơ

                             Cao Hữu Lợi
READ MORE - TẤT NIÊN TỰ SỰ - Thơ Cao Hữu Lợi

ĐI CHỢ TẾT - Tâm Hạnh





ĐI CHỢ TẾT

Sáng nay đi chợ tết
Đôi bàn tay rỗng không
Ngắm hàng hoa thỏa thích
Ghi một chút trong lòng

Đi qua hàng bánh mứt
Khoai-dừa-gừng-bí đao
Tiếng chào mời không dứt
Lấp lánh đủ sắc màu

Bên kia quày quần áo
Người từng lớp lao xao
Ngửi thơm mùi vải mới
Tay chẳng dám sờ vào

Thương con quần áo rách
Thơ chẳng bán được đâu
Vợ ngược xuôi quần quật
Công nợ ngập quá đầu

Thôi đành thôi cứ vậy
Nghèo khó mà thương yêu
Năm sau Xuân có đến
Ta đi mua sắm nhiều
                Tâm Hạnh

READ MORE - ĐI CHỢ TẾT - Tâm Hạnh

CHÀO XUÂN - Nhật Quang





CHÀO XUÂN

Xuân về trong nắng hanh vàng
Muôn hoa đua nở, rộn ràng sắc Xuân
Nụ Đào e ấp, bâng khuâng
Cành Mai rực rỡ, trước sân đợi chờ
Quỳnh Hương ong bướm lượn lờ
Hồng tươi một đóa, bên bờ yêu thương
Vươn cao mạnh mẽ Hướng Dương
Huệ xinh trinh trắng, thiên đường ngát xanh
Cúc vàng sương đẫm long lanh
Hoa Lan vương vấn bên mành gió lay
Tú Cầu êm ái dịu say
Hoa Lài thoang thoảng hương bay nồng nàn
Ti Gôn nở rộ khắp giàn
Tường Vi, Cẩm Chướng dịu dàng sắc xinh
Mẫu Đơn nồng ấm ân tình
Cát Tường đằm thắm, lung linh diệu vời
Hương hoa tỏa ngát đất trời
Đón chào Xuân mới, rạng ngời quê hương.

                                             Nhật Quang

READ MORE - CHÀO XUÂN - Nhật Quang

CHỢ CẦU GIO LINH - Hoàng Kim Liên

CHỢ CẦU GIO LINH

            Chợ búa là nơi tập trung trao đổi hàng hóa, giao dịch, ở mỗi địa phương, tùy theo mức độ dân cư đông hay ít và lượng hàng hóa sản xuất tiêu thụ, nhu cầu mỗi huyện có thể có nhiều chợ hay một chợ - chợ đầu mối.
            Ngày nay, có nhiều huyện, xã, dân số đông, nhu cầu lớn, kinh tế phát triễn, quy mô chợ trở thành Trung tâm Thương mại, ở thành phố thì có siêu thị, mới đáp ứng nhu cầu của người dân.
            Ở những quận, huyện kinh tế người dân khá giả thì mỗi xã có một chợ – cũng có thể có hai chợ - những xã nghèo, vùng sâu, vùng xa thì xã chưa chắc đã có chợ, nhiều nơi đi năm bảy hay chục cây số mới có một chợ lèo tèo.



       Quê hương nghèo huyện Gio Linh của tôi có một số ít xã có chợ mà chợ nầy chỉ đông được vài ba giờ hay nhiều lắm là một buổi. Chợ xã chỉ có Chợ Nam Đông (xã Gio Sơn), Chợ Gio An, Chợ Kênh (xã Trung Sơn), Chợ Hôm (xã Gio Việt), các xã khác, nếu có chẳng qua là thời vụ. Một chợ quan trọng về cả nhiều mặt mà tôi sắp nói đến đó là chợ Cầu. Chợ Cầu là trung tâm trao đổi hàng hóa lớn nhất của huyện Gio Linh. Chợ được thành lập cách nay đã khá lâu, có đến gần 450 năm (theo lịch sử của làng Hà Thượng), phát xuất từ làng Hà Thượng. Ý nghĩa của chợ là Cầu: Cầu mong. Cầu mong sự bình yên, cầu mong được mùa, cầu mong mưa thuận gió hòa…. Ngày xưa, chợ được hình thành, xuất phát và tọa lạc trước cửa đình làng Hà Thượng, bên mé sông, sát bến U, dưới tán mấy cây đa, cây đề. Chợ nhiều lần dời đi chỗ nầy, chỗ khác nhưng vẫn ở trong đất làng Hà Thượng và không đổi tên. Năm 1957, chợ dời về bãi Hao Hao sát ranh làng Lại An, trong trung tâm hành chánh của quận, năm 1975, chợ được quay về chỗ cũ. Và vì ở đây chật hẹp không đủ điều kiện phát triển nên cũng có lần chuyển lên ngã tư (dọc đường Quán Phượng về cầu  Bến Sanh, giữa làng), rồi cách đây chừng 20 năm, lại chuyển lên sát quộc lộ 1, cách Quán Phượng 100 mét về hướng Bắc, phía phải đường. Chợ được xây dựng lại đàng hoàng tuy không khang trang hoành tráng nhưng có phần quy mô và tiện lợi hơn. Mặt chợ được quay ra phía đường quốc lô 1, ngay thị trấn và cũng là trung tâm của huyện Gio Linh.
Điều dáng nói ở đây là: Tại sao người ta vẫn để tên Chợ Cầu mà không đổi tên thành Trung tâm Thương mại hay Chợ Gio Linh, vì ai cũng biết rằng đây là chợ huyện, vậy thì để là Trung tâm Thương mại Gio Linh hoặc chợ Gio Linh là hợp lý, hợp lẽ theo sự phát triển của hiện tại và tương lai.
Thế nhưng người ta vẫn có ý không dùng ngôn từ đẹp đẽ ấy mà vẫn để tên Chợ Cầu. Bởi lẽ qua hàng mấy thế kỷ, cái tên Chợ Cầu nó gần gũi với con người Gio Linh; nó ăn sâu vào huyết quản của người Gio Linh chất phác, hiền hòa mấy trăm năm nay, một bộ mặt, một nét văn hóa của Gio Linh. Thử hỏi bây giờ để lấy một hình ảnh biểu trưng cho Gio Linh thì ta lấy hình ảnh nào? Đồi Cồn Tiên ư? Hay Đồi Dốc Miếu, Cầu Bến Sanh, Chùa Huyện Hội… ? Không có hình ảnh nào khả dỉ cả, trong lúc đó chợ Cầu đã xây dựng lại, có mặt tiền quang đảng, cao ráo, sáng sủa, nhưng đáng tiếc…. Mỗi thành phố, một tỉnh, một địa phương nào đó người ta đều có một hình ảnh biểu trưng để khi nhìn vào hình ảnh đó  ta có thể biết đó là đâu hay nới đến địa danh đó người ta liên tưởng đến hình ảnh thân quen như nói đến Sài Gòn ta nhớ nghĩ nay đến hình ảnh chợ Bến Thành, nói đến Huế thì hình ảnh quen thuộc vẫn là cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ; Hà Nội thì chùa Một Cột hay chợ Đồng Xuân. Đó  là những thành phố, các tỉnh hay các quận huyện cũng vậy, ở đâu cũng có những hình ảnh biểu trưng cho địa phương đó mà nó bao gồm cả văn hóa, lịch sử, xã hội… Chợ Cầu của Gio Linh là hình ảnh đáng được biểu trưng cho địa danh Gio Linh. Tại sao phải đáng tiếc vì có lẽ chẳng ai quan tâm đến vẽ mỹ quan của hình ảnh chợ. Đã 20 năm rồi, hai cái bảng quảng cáo cho sản phẩm Omo đã chiếm hết mặt tiền sáng sủa, hình ảnh đẹp của chợ. Nếu như những bảng quảng cáo đó để quảng cáo cho khu nghỉ mát Cửa Việt, Cửa Tùng của huyện nhà cho cam, đàng nầy vì lợi nhuận nhỏ nhoi của Ban Quản lý chợ mà đã che lấp đi hình ảnh đáng trân trọng của Chợ Cầu. Chữ CHỢ CẦU lâu ngày không được nâng cấp, sửa sang thành cũ kỹ rồi lại bị lấn ép. Chúng tôi lại thấy đau lòng cho hình ảnh biểu trưng cho Gio Linh. Sao các ngành chức năng liên quan không thèm để tâm đến điều này nhỉ? Thật quá thờ ơ hay…

Người dân Gio Linh bây giờ đi làm ăn tứ xứ, xa quê nhưng họ luôn hướng lòng về cố quận, khi về thăm hay khi thấy hình ảnh quê mình trên tạp chí, trên truyền hình hay trên mạng internet, lòng luôn khắc khoải nhưng nếu thấy hình ảnh như thế nầy thì buồn biết mấy!

                                                                                                                                              Hoàng Kim Liên

*Ảnh do tác giả cung cấp. 
READ MORE - CHỢ CẦU GIO LINH - Hoàng Kim Liên

Thơ Vũ Miên Thảo: CUNG MI THỨ MÙA ĐÔNG / THÁNG GIÊNG…. MỘT MÌNH / CHỚM ĐÔNG NGHE BIỂN NHỚ..





Thơ Vũ Miên Thảo

CUNG MI THỨ MÙA ĐÔNG 

Hết năm!
tờ thời gian ghi ngày tháng xa người
quặn niềm đau cát bụi
lốc lịch còn một tờ chờ đợi…
Hoạ Mi về rừng
bấc rung cành đơn côi
                                                                                                          
Hết năm!
những tàng cây quên mất tuổi tên
vườn ngậm sương mù
the thắt nhớ
mong người về
mai mùa xưa muộn nở
giao thừa
rượu nhạt
đắng môi quen

Hết năm!
ra phố
gặp nụ cười nhăn nhó
đối bóng gương đời
xin hỏi
phải là tôi?!
vài giờ cuối đông
hoa tàn
vung vãi phố
góc hẹp lặng lờ những đoá mồ côi

Hết năm!
phút cuối cùng bài hát mùa đông
cung mi thứ
trầm buồn theo tiếng lá
em không về
Hoạ Mi ơi!
xa lạ!
xuân sắc hương
vẫn ăm ắp nỗi se lòng!?

                              VMT







THÁNG GIÊNG…. MỘT MÌNH  

Đông đã cuối, khoe sắc hoa cười bướm
đêm  ba mươi, hương xuân tràn khắp chốn
hồn thanh tân rạo rực đón em về

Đông đã cuối, chiều nay mưa nuối tiếc
chuyện tình yêu dăm giọt nhớ mồ côi
sao người vẫn xa vời Mai đã Tết                                                                                                        
Đông đã hết, trời xanh trong sắc thắm
mùa nhân duyên oanh yến líu lo mừng
người không về ta và Tết cũng dững dưng

Đông từ giã, sao người không hội ngộ
vườn lạnh vắng, lá ru buồn với gió
chắc tại tháng giêng nên ta cứ một mình
                               
                                      VMT




CHỚM ĐÔNG NGHE BIỂN NHỚ... 

Im nghe một chút đông về
sương ru lá
nhớ sơn khê bóng người
mộng vừa đi đã chơi vơi
đêm chưa nửa
đã mẫn mùi hắt hiu
vừa xa
tay đếm mấy chiều
xứ người nghe biển hát liêu xiêu ngày
chớm mùa
năm ngón tay gầy
co ro lạnh
nắm không đầy dấu yêu!
gió xua hơi cũ lêu bêu
âm vang mùa nhớ về theo biển gào
xa trông loáng thoáng Hòn Khô (1)
hòn Chồng mất giữa chồm cao sóng vờn

Xa người
thêm nữa chon von
ngoài ta
đông, có ai còn nhớ ai?

(Nha Trang chớm đông 2004)

(10-2004 / 10-2013)

(1) Núi Cô Tiên)

-----------------------------------
Tên  thật  VÕ TẤN LỘC – Hội VHNT Tây Ninh;
Dđ 01662408920;
Đ/ c : Hộp thư số 15/ Bưu điện huyện Hòa Thành, Tây Ninh.
READ MORE - Thơ Vũ Miên Thảo: CUNG MI THỨ MÙA ĐÔNG / THÁNG GIÊNG…. MỘT MÌNH / CHỚM ĐÔNG NGHE BIỂN NHỚ..