Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, February 16, 2015

ĐIỆU HỔ LY SƠN - Giáng Ngọc





Giáng Ngọc
Kế sách: Điệu Hổ Ly Sơn 
(Dụ cọp ra khỏi núi )

                                      
Đọc bài viết và lời bình của anh Chu Vương Miện qua bài “Điệu Hổ Ly Sơn” Tôi cũng mạo muội viết thêm chút đỉnh để tỏa thêm chút góp ý trong kế sách này. Trong binh pháp gọi kế sách này nằm trong nhóm “Công chiến kế”.
        
Anh Chu Vương Miện bình luận đoạn Khổng Minh tổ chức buổi nói chuyện với hàng tướng  của mình khi đưa 3 cha con Tư Mã Ý (dỗm) ra trình làng. Lẽ dỉ nhiên điều này là “ngoại truyện” vì ngay trong “Tam Quốc chí” cũng không có. Ý của anh Chu Vương Miện muốn nói  “Kế sách” này thực chất tác giả chỉ hư cấu trong Tam Quốc Chí mà thôi? Không biết có đúng như thế chăng? Hầu hết truyện “Tàu” từ cổ chí kim đều dựa vào chuyện lịch sử để hư cấu thêm tình tiết, làm cho độc giả thêm phần hưng phấn suy nghĩ và ly kỳ của câu chuyện.
   
Từ Tam Quốc chí-Hán Sở  tranh hùng- Thủy Hử - Đông Châu Liệt Quốc v.v…, có rất nhiều  tình tiết, huyền thoại được hư cấu  trong chính sử không có nhắc đến. Như Điêu Thuyền, Bao Tự, Đắc Kỷ, v.v…. (Có rất nhiều chi tiết hư cấu bên trong, mà chính sử hoàn toàn không có ghi). 

Trở lại  chuyện “Điệu hổ ly sơn” - kế thứ 15 trong tam thập lục kế của  binh thư của ngưòi Trung Hoa. Nguyên văn: “Đãi thiên dĩ, khốn chi, dụng môn dĩ, dụ chi.Vãng kiển lai phản".“ Vãng phản lai phản": Trong kinh dịch - "Quẻ Kiền” : … Đi tới phía trước gặp nguy hiểm thì phải trở lại.
        
Ý: Chờ lúc đối phương khốn khó, mới tấn công, chi bằng tìm cách dụ địch vào nơi tử địa. Cọp là hình tượng  sức mạnh của kẻ địch. Cọp tuy dũng mãnh, nhưng mưu trí không thể bằng con người …
      
Đây là mưu kế dẫn dụ, điều động một cách hợp lý đề đưa dịch vào chỗ chết mà địch bất ngờ không thể phát hiện trước. Đến lúc biết thì coi như không còn kịp nữa.
  
Kế sách này hư hư thực thực, mê hoặc đối phương, làm cho đối phưong phán đoán sai lầm, để cuối cùng đối phương bị dẩn dụ vào vùng có địa hình bất lợi (Tử địa) .
      
Cha con Tư  Mã Ý bị  Khổng Minh dụ vào tử lộ, trong hang động chỉ có một con đường hẹp. Tư Mã Ý không suy nghĩ kịp thời nên đã trúng kế của Khổng Minh. Kế "Điệu hổ ly sơn” này cùng phối hợp với kế  “Hỏa  Công" để thực hiện mưu ý  tiêu diệt quân binh của Tư Mã Ý . Trước kia, Khổng Minh cùng Chu  Du cũng đã từng kế hỏa công này để tiêu diệt quân Tào Tháo. Đời sau, Tư Mã Ý quên mất, nên chịu bại trong trận này. Tuy nhiên, Người hại, nhưng trời cứu …. Khổng Minh cũng là một nhà thiên văn xuất chúng nhưng ông không biết rằng vào thời khắc đó sẽ có cơn mưa giông lớn. Vì thế, cha con Tư Mã Ý mới thoát chết (Trong chính sử,  cũng chưa thấy có đoạn nào ghi cụ thể như  trong Tam Quốc Chí ? Phải chăng tác giả đã hư cấu thêm tình tiết chăng ? Việc này ngoài tầm hiểu biết.(Trong Sữ ký của Tư Mã Thiên cũng không thấy nói rõ hơn?).
         
Trong truyện Trịnh Trang Công dụng kế “Điệu hổ ly sơn” để giết Thái Thúc Đoạn trong thời “Chiến quốc” cũng là một thủ đoạn áp dụng sách kế thứ 15 này. Cuối cùng Thái Thúc Đoạn phải tự vẫn vì đã không cảnh giác tin vào lời mẹ để cuối cùng không còn lối thoát. Nếu như ông ta đừng đưa đại quân ra khỏi thành và quay trở lại kịp thời thì sẽ tránh khỏi rơi vào vùng tử địa.
    
Câu nói cuối cùng của ông là “ Mẹ đã hại ta rồi..” Xong, rút kiếm tự tử.

                                                             Giáng Ngọc

Hình minh họa từ trang savatina.com

No comments: