CHỢ CẦU GIO LINH
Chợ búa là nơi tập trung trao đổi hàng hóa, giao dịch, ở mỗi địa phương, tùy theo mức độ dân cư đông hay ít và lượng hàng hóa sản xuất tiêu thụ, nhu cầu mỗi huyện có thể có nhiều chợ hay một chợ - chợ đầu mối.
Ngày nay, có nhiều huyện, xã, dân số đông, nhu cầu lớn, kinh tế phát triễn, quy mô chợ trở thành Trung tâm Thương mại, ở thành phố thì có siêu thị, mới đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ở những quận, huyện kinh tế người dân khá giả thì mỗi xã có một chợ – cũng có thể có hai chợ - những xã nghèo, vùng sâu, vùng xa thì xã chưa chắc đã có chợ, nhiều nơi đi năm bảy hay chục cây số mới có một chợ lèo tèo.
Quê hương nghèo huyện Gio Linh của tôi có một số ít xã có chợ mà chợ nầy chỉ đông được vài ba giờ hay nhiều lắm là một buổi. Chợ xã chỉ có Chợ Nam Đông (xã Gio Sơn), Chợ Gio An, Chợ Kênh (xã Trung Sơn), Chợ Hôm (xã Gio Việt), các xã khác, nếu có chẳng qua là thời vụ. Một chợ quan trọng về cả nhiều mặt mà tôi sắp nói đến đó là chợ Cầu. Chợ Cầu là trung tâm trao đổi hàng hóa lớn nhất của huyện Gio Linh. Chợ được thành lập cách nay đã khá lâu, có đến gần 450 năm (theo lịch sử của làng Hà Thượng), phát xuất từ làng Hà Thượng. Ý nghĩa của chợ là Cầu: Cầu mong. Cầu mong sự bình yên, cầu mong được mùa, cầu mong mưa thuận gió hòa…. Ngày xưa, chợ được hình thành, xuất phát và tọa lạc trước cửa đình làng Hà Thượng, bên mé sông, sát bến U, dưới tán mấy cây đa, cây đề. Chợ nhiều lần dời đi chỗ nầy, chỗ khác nhưng vẫn ở trong đất làng Hà Thượng và không đổi tên. Năm 1957, chợ dời về bãi Hao Hao sát ranh làng Lại An, trong trung tâm hành chánh của quận, năm 1975, chợ được quay về chỗ cũ. Và vì ở đây chật hẹp không đủ điều kiện phát triển nên cũng có lần chuyển lên ngã tư (dọc đường Quán Phượng về cầu Bến Sanh, giữa làng), rồi cách đây chừng 20 năm, lại chuyển lên sát quộc lộ 1, cách Quán Phượng 100 mét về hướng Bắc, phía phải đường. Chợ được xây dựng lại đàng hoàng tuy không khang trang hoành tráng nhưng có phần quy mô và tiện lợi hơn. Mặt chợ được quay ra phía đường quốc lô 1, ngay thị trấn và cũng là trung tâm của huyện Gio Linh.
Điều dáng nói ở đây là: Tại sao người ta vẫn để tên Chợ Cầu mà không đổi tên thành Trung tâm Thương mại hay Chợ Gio Linh, vì ai cũng biết rằng đây là chợ huyện, vậy thì để là Trung tâm Thương mại Gio Linh hoặc chợ Gio Linh là hợp lý, hợp lẽ theo sự phát triển của hiện tại và tương lai.
Thế nhưng người ta vẫn có ý không dùng ngôn từ đẹp đẽ ấy mà vẫn để tên Chợ Cầu. Bởi lẽ qua hàng mấy thế kỷ, cái tên Chợ Cầu nó gần gũi với con người Gio Linh; nó ăn sâu vào huyết quản của người Gio Linh chất phác, hiền hòa mấy trăm năm nay, một bộ mặt, một nét văn hóa của Gio Linh. Thử hỏi bây giờ để lấy một hình ảnh biểu trưng cho Gio Linh thì ta lấy hình ảnh nào? Đồi Cồn Tiên ư? Hay Đồi Dốc Miếu, Cầu Bến Sanh, Chùa Huyện Hội… ? Không có hình ảnh nào khả dỉ cả, trong lúc đó chợ Cầu đã xây dựng lại, có mặt tiền quang đảng, cao ráo, sáng sủa, nhưng đáng tiếc…. Mỗi thành phố, một tỉnh, một địa phương nào đó người ta đều có một hình ảnh biểu trưng để khi nhìn vào hình ảnh đó ta có thể biết đó là đâu hay nới đến địa danh đó người ta liên tưởng đến hình ảnh thân quen như nói đến Sài Gòn ta nhớ nghĩ nay đến hình ảnh chợ Bến Thành, nói đến Huế thì hình ảnh quen thuộc vẫn là cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ; Hà Nội thì chùa Một Cột hay chợ Đồng Xuân. Đó là những thành phố, các tỉnh hay các quận huyện cũng vậy, ở đâu cũng có những hình ảnh biểu trưng cho địa phương đó mà nó bao gồm cả văn hóa, lịch sử, xã hội… Chợ Cầu của Gio Linh là hình ảnh đáng được biểu trưng cho địa danh Gio Linh. Tại sao phải đáng tiếc vì có lẽ chẳng ai quan tâm đến vẽ mỹ quan của hình ảnh chợ. Đã 20 năm rồi, hai cái bảng quảng cáo cho sản phẩm Omo đã chiếm hết mặt tiền sáng sủa, hình ảnh đẹp của chợ. Nếu như những bảng quảng cáo đó để quảng cáo cho khu nghỉ mát Cửa Việt, Cửa Tùng của huyện nhà cho cam, đàng nầy vì lợi nhuận nhỏ nhoi của Ban Quản lý chợ mà đã che lấp đi hình ảnh đáng trân trọng của Chợ Cầu. Chữ CHỢ CẦU lâu ngày không được nâng cấp, sửa sang thành cũ kỹ rồi lại bị lấn ép. Chúng tôi lại thấy đau lòng cho hình ảnh biểu trưng cho Gio Linh. Sao các ngành chức năng liên quan không thèm để tâm đến điều này nhỉ? Thật quá thờ ơ hay…
Người dân Gio Linh bây giờ đi làm ăn tứ xứ, xa quê nhưng họ luôn hướng lòng về cố quận, khi về thăm hay khi thấy hình ảnh quê mình trên tạp chí, trên truyền hình hay trên mạng internet, lòng luôn khắc khoải nhưng nếu thấy hình ảnh như thế nầy thì buồn biết mấy!
*Ảnh do tác giả cung cấp.
No comments:
Post a Comment