Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, November 17, 2014

Trần Ngọc Hưởng - TRỜI CHIỀU ĐỔ BÓNG


 
Tác giả TRẦN NGỌC HƯỞNG


Trời chiều đổ bóng
  
Anh ngồi lại góc cô đơn,
Màn hình rộng trải nỗi buồn phẳng phiu.
Gõ vào bàn phím lời yêu,
Mở ra một cõi tịch liêu nhạt nhòa

Em từ cõi ảo bước ra,
Tỏ mờ nhân ảnh ngỡ là chân thân.
Cõng tình đến giậu cúc tần,
Hôn nhau một thoáng phù vân cõi người.

Heo may đã chớm đông rồi,
Mình giờ tóc muối sương rơi trắng đầu.
Cõng tình về mãi tận đâu,
Gương soi lòng giếng nỗi gầu đa mang

Sàigòn tám phố lang thang,
Rong chơi muôn nẻo một màn hình thôi
Góc cô đơn nối mạng rồi,
Hai đầu nỗi nhớ một lời tương tư

Lời yêu thốt giữa cõi hư,
Tim nồng vẫn đập nhịp ru tình nồng.
Trời chiều đổ bóng thong dong,
Dỗ tình ngoan nhé dỗ lòng sống vui


                       Trần Ngọc Hưởng
READ MORE - Trần Ngọc Hưởng - TRỜI CHIỀU ĐỔ BÓNG

THÁNG MƯỜI MỘT EM VỀ - Nguyễn Đắc Thắng


 
Tác giả NGUYỄN ĐẮC THẮNG


THÁNG MƯỜI MỘT EM VỀ

Tôi chợt nghĩ rằng, đó … chính em!
Nghiêng nghiêng chiếc bóng đổ bên thềm
Xa nhau từ độ mùa ly loạn
Băm mấy năm rồi vẫn khó quên!

Em về như một vì sao sa!
Khung cửa bên hiên chợt sáng lòa
Giá lạnh tiết đông lan nhè nhẹ
Bâng khuâng hoài niệm chuỗi ngày qua.

Em về cùng với vết thời gian
Khóe mắt chân chim nét phũ phàng
Mái tóc pha sương đời khoáng đạt
Thân tình pha chút nét bàng quan!

Tháng mười một còn chút heo may!
Chiếc lá tàn thu rụng lối ngoài
Đời sẽ mong manh như chiêc lá
Niềm vui dâng trọn những ngày này.
                   Nguyễn Đắc Thắng

                       20141116
READ MORE - THÁNG MƯỜI MỘT EM VỀ - Nguyễn Đắc Thắng

NHÂN ẢNH - thơ Đan Thụy


 
Tác giả ĐAN THỤY


NHÂN ẢNH
Đan Thuỵ



Người đàn bà tập làm thơ
Chau chuốt
Trải lòng
Cho ước mơ và ký ức
Vui - Buồn ...
Yêu thương ...




Mấy mươi năm
Xa xăm ... mong đợi ...
Người đàn bà thầm lặng
Khi nắng chiều vội xuống
Bên hiên
Vời vợi ...
Một tình yêu mong manh dễ vỡ




Người đàn bà
Đóng cửa lòng mình
Dấu kín nỗi đau trong sâu thẳm
Hy vọng bước ra từ bình minh
Săn tìm cho mình  ước mơ nho nhỏ...
Chắt lọc băng giọt nước mắt yếu mềm




Ánh trăng tím - vàng
Bỏ mặc phía sau lưng...
Đêm đêm
Gió lùa qua khung cửa
Tung tăng làn tóc rối
Lặng thầm ...
Hình như con tim đã nói



Thương hoài
Người đàn bà tập làm thơ



ĐT


Đàm Thị Hải
Công ty Tây Ninh Cosinco
Hoà Thành - Tây Ninh
Điện thoại : 0918266282



READ MORE - NHÂN ẢNH - thơ Đan Thụy

ĐÀ LẠT LẬP ĐÔNG - thơ Tuyền Linh


Tác giả TUYỀN LINH


Đà Lạt Lập Đông

Se se chút lạnh vào hồn
Dậy trong tiềm thức nỗi buồn lập đông
Dã quỳ rợp sắc chờ mong
Hắt hiu lòng tự hỏi lòng…chờ ai ?

Đã qua những tháng năm dài
Chìm sâu ký ức chia hai ngã tình
Rã rời một kiếp nhân sinh
Nhìn hoa đua nở, thương mình biết bao !

Một trời Đà Lạt hoa chào
Vi vu thông biếc ngọt trao lời tình
Hỏi người còn nhớ hay quên
Mấy mùa lá rụng, mấy lần lập đông ?

Mùa về lòng sắt se lòng
Mênh mông trời đất, mênh mông nỗi niềm
Hàng cây đã muốn đứng yên
Cớ sao gió mãi lay hình bóng chao

Để chừ núi biếc xôn xao
Lũng sâu thầm gọi tình nào trăm năm
Xin cho mọi thứ yên nằm
Lắng nghe lời gió lập đông vọng về

Tuyền Linh


READ MORE - ĐÀ LẠT LẬP ĐÔNG - thơ Tuyền Linh

TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA - Tuệ Thiền Lê Bá Bôn

 
Tác giả TUỆ THIỀN


Trở Về Mái Nhà Xưa

Có những phận người không mái ấm
Tuổi thơ hạnh phúc đã rách bươm
Áo cơm trộn lẫn lời cay đắng
Bán hồn nhiên - mua những tủi hờn

Có những phận người không mái ấm
Ôm ấp nhau mà lắm đoạn trường
Thị phi chất chứa bao điên đảo
Gian dối che mờ ánh mắt thương

Có những phận người không mái ấm
Lòng bơ vơ không chốn quay về
Vết thương khắp nẻo đời tranh lấn
Khát thèm an trú giữa tình quê…

Tìm đâu mái ấm hồn lưu lãng?
Đâu giữa vô thường chốn bình yên?...
Câu kinh ngân vọng lời thương cảm
Khơi lại nguồn xưa chút Tâm Thiền

Dừng tâm: về lại Mái Nhà Xưa
(Mái ấm bẵng quên - thuở luân hồi)
Quốc Độ Tâm Linh ngời tuệ giác (*)
Thương nỗi niềm du tử trùng khơi.

Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)
----------------
(*): Quốc Độ Tâm Linh: Biệt ngữ chỉ tâm thái tín ngưỡng tâm linh mang tính chất tôn giáo hướng thiện-hướng thượng (Chân-Thiện-Mĩ). Tâm thái tín ngưỡng này có thể hiện hữu ở người theo tôn giáo hoặc không theo tôn giáo.
Một số nhà khoa học gọi bản thể tâm linh là trường ý thức, trường điểm không, trường tiềm năng, trường thống nhất, trường Akasha.

Xin mời đọc thêm:

Một Số Từ Ngữ Góp Phần Soi Sáng Bát-Nhã Tâm Kinh
*Một Số Từ Ngữ Trong Phật Giáo Liên Quan:

Liên quan đến “Bồ-tát”: giác hữu tình, người có tâm tha thiết với sự nghiệp giác ngộ tối thượng vì tất cả chúng sinh…
Liên quan đến “chiếu kiến”: soi thấy, quán chiếu, quán tâm, hồi quang phản chiếu, tự tri, trực kiến, trực giác, trực ngộ…
Liên quan đến “không”: tướng không của các pháp, tánh không, thể không, tâm không, tâm vô niệm vô ngôn…
Liên quan đến “Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị”: thể tức dụng - dụng tức thể, chân không - diệu hữu, thể không - thành sự…
Liên quan đến: “Thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm”: thật tướng vô tướng, sinh diệt diệt dĩ / tịch diệt hiện tiền, pháp thân, bổn lai vô nhất vật, tánh không, tâm không, tánh viên giác…
Liên quan đến: “Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức… (đến) dĩ vô sở đắc cố”: ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm (nên không trụ trước vào đâu cả để tâm giác ngộ tối thượng hiện tiền), vô thủ trước, tất cánh viễn li (tuyệt đối xa lìa), vô niệm, vô tướng, vô tác, li tứ cú tuyệt bách phi, không vọng tưởng (về đời và đạo), bặt ngôn ngữ (trong tâm)-dứt tâm hành…



READ MORE - TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA - Tuệ Thiền Lê Bá Bôn

TRÁI TIM RẠNG NỞ MẶT TRỜI - thơ Hạnh Phương

 
Tác giả HẠNH PHƯƠNG


TRÁI TIM RẠNG NỞ MẶT TRỜI

Đi tìm nẻo về của ý
Phước lành gặp đấng từ bi
Vạch hướng trọn chân thiện mỹ
Môi hồng thơm nụ mỉm chi.

Đường trần từng bước thảnh thơi
Dặm ngàn nào mong điểm tới
Nơi về không vì hỏi đợi
Chân từng bước nở hoa sen.

Vui từng bước nở hoa sen
Thắm tươi bông hồng cài áo
Mùa xuân gió lành hát dạo
Trái tim rạng nở mặt trời,

Ai hay nào bốn mươi năm
Làng mai làng văn hóa Việt
Bài thơ tự thân minh triết
Thảnh thơi đi đứng ngồi nằm.

Thuyền xưa trăng ngần bến cũ
Thiền sư trở lại quê nhà
Niềm vui tao phùng đoàn tụ
Đường xưa mây trắng ngàn hoa

                                                        HẠNH PHƯƠNG
READ MORE - TRÁI TIM RẠNG NỞ MẶT TRỜI - thơ Hạnh Phương

CHÙM LỤC BÁT SỐ 18 - Trúc Thanh Tâm






1. SÔNG DÀI

Chôn nhau cắt rún quay về
Hương đồng gió nội bờ đê luống cày
Cửu Long tình mẹ sông dài
Cầu tre vườn trái nhớ hoài cố hương !

2. MƯA DẦM

Mưa dầm phố lại có sông
Mây từ muôn kiếp còn hồng dấu xưa
Trên cành con gió đẩy đưa
Trời thu hiu hắt bao mùa nhớ thương !

3. BIỂN DÂU

Đời chưa phân biệt oán, ơn
Nên sương khói phủ ngập hồn biển dâu
Trăm năm, mười thế kỷ, đau
Sơn hà nguy biến trắng màu tóc ta !


TRÚC THANH TÂM
READ MORE - CHÙM LỤC BÁT SỐ 18 - Trúc Thanh Tâm

MỘT NÉN TÂM HƯƠNG - Nguyễn Thị Vĩnh Phước

Kỷ niệm 40 năm ngày mất (1973 - 2013)
Nhà giáo - thi sĩ PHAN PHỤNG THẠCH
  


                   
                 MỘT NÉN TÂM HƯƠNG

                                                    Nguyễn Thị Vĩnh Phước
                                                          (CHS/NH 71-75)

Kính thưa Thầy!
Thời gian đã qua lâu lắm rồi kể từ ngày thầy đi vào cõi hư vô và em rời xa mái trường Nguyễn Hoàng dấu ái. Thế nhưng mỗi lần nghĩ về thầy, hoặc có dịp nhắc đến thầy em lại thấy như mới ngày hôm qua đây thôi. Em vẫn như còn thấy dáng của thầy bước đi nhẹ nhàng trên hành lang lớp học ở trại tạm cư  ngày ấy.
Kính thưa thầy!
Ngày đó em chưa một lần được học với thầy bởi vì chúng em là lứa học trò nhỏ nhất trường. Lớp học trò thuộc thế hệ út của những năm tháng Quảng Trị đổ nát điêu tàn… Tuy vậy, qua những lời kể của hai người chị thân yêu của em trong mỗi tối cùng nhau học bài, em đã được biết nhiều về thầy. Hình ảnh thầy hiện ra trong tâm trí em với tất cả sự kính trọng và ngưỡng mộ.  
Em còn nhớ như in ngày tiễn biệt thầy năm ấy. Đó là một ngày đau buồn nhất trong chuỗi ngày lưu lạc của thầy trò trường Nguyễn Hoàng nơi vùng biển Non Nước (Đà Nẵng).
Buổi sáng hôm ấy biển trời đầy mây, lần đầu tiên em theo bước chân thầy cô và các anh chị đến căn nhà thầy ở và cũng là lần cuối cùng để đưa thầy ra đi mãi mãi… Con đường đến nghĩa trang Trại 6 Non Nước hôm ấy hoa cỏ ven đường như ngắt lặng tiễn đưa thầy. Còn đối với em  - đứa học trò bé bỏng, con đường hàng ngày đi học dài lê thê sao bây giờ ngắn quá! Em mong cứ đi, đi mãi… như thế để kéo dài thời khắc còn được bên thầy trên cõi dương gian…
Thầy đã ra đi vĩnh viễn, những buổi học sau đó em và các bạn chuyền tay nhau tập Lưu bút mùa hạ và những bài thơ khác của thầy, chúng em đã đọc đến thuộc lòng.   
Rồi sau cái ngày đau thương ấy, những buổi chiều không có tiết học, nhóm chúng em khoảng chục đứa gồm có em, Tuyết Mai, Mỹ Liên, Thể, Thu Hương, Bốn, Bích Nhạn, Thanh Sơn, … đã cùng nhau lên con đường phi đạo vắng ngắt. Chúng em ngồi tưởng niệm thầy bằng những bài thơ của thầy mà mỗi đứa đều đã thuộc làu. Trong suy nghĩ non dại và lòng kính nhớ khôn nguôi, chúng em nghĩ rằng hồn thầy phảng phất đâu đây và khi nghe chúng em đọc thơ của thầy hẳn anh linh  thầy sẽ vui hơn.
Thầy ơi! Riêng em và Tuyết Mai những buổi chiều sau khi đưa tang thầy, cứ khoảng 5 giờ chiều là hai đứa em cùng nhau đến mộ thầy để thắp hương cho thầy khỏi lạnh vì em nghe người lớn bảo thế. Họ nói rằng khi mới chôn cần có hơi ấm nhang khói mỗi chiều để thân xác bớt lạnh lùng khi nằm trong huyệt mộ. Không chỉ đốt hương, chúng em còn kiếm những cọng cỏ dài, những cành hoa dại cắm lên mộ rồi quỳ lạy. Trong chiều tàn sương mờ bảng lảng bóng hoàng hôn, em không hề sợ mà còn mong được nghe giọng thầy ngâm thơ trong gió. Em như cảm thấy thầy nhẹ nhàng bay trên hư không, tấm hình hài mỏng manh không còn vướng mùi tục lụy, phiêu bồng theo hơi khói mỉm cười nhìn hai đứa học trò ngây thơ đang tưởng nhớ thầy.
Hôm nay sắp đến ngày tri ân quý thầy cô – lễ 20/11 rồi. Lòng em lại xốn xang nhớ về một thuở cắp sách bên ngôi trường Nguyễn Hoàng yêu dấu; nhớ những kỷ niệm trong veo của tuổi học trò. Nỗi nhớ càng sâu đậm hơn khi em mở tập thơ tự đóng bằng giấy pơluya đủ màu thời đó và đọc lại những bài thơ của thầy, lòng em chợt thấm lạnh, cái “Lạnh tuổi vàng” của thầy ngày đó, thầy ơi!

                             … Rồi những mùa mưa lạnh tuổi vàng
                               Và em với kỷ niệm hao mòn…
                                          (Lạnh tuổi vàng – Thầy PPT)

Em, đứa học trò lớp út của trường Nguyễn Hoàng ngày ấy kính xin dâng lên thầy một nén tâm hương với tất cả lòng thành kính trong mùa tri ân này!
…Và cảm giác xưa như quay về, quay về … Bóng thầy mờ ảo khói sương…
                                                     Chiều Tân Thành 17/11/2014
                                                          Nguyễn Thị Vĩnh Phước
                                                          (CHS/NH – NK 71-75)

READ MORE - MỘT NÉN TÂM HƯƠNG - Nguyễn Thị Vĩnh Phước

BÀNG BẠC TÌNH QUÊ - Thơ Phan Phụng Thạch

Kỷ niệm 40 năm ngày mất (1973 - 2013)
Nhà giáo - thi sĩ PHAN PHỤNG THẠCH




  




BÀNG BẠC TÌNH QUÊ
(Gửi L.T.Mai, quả tim của ta)

Có phải rừng dương đã hết xanh?
Và như phương ấy khói xây thành?
Thương quá tóc em chiều gió lộng
Sợi nhớ sợi buồn trong nắng hanh

Bây giờ đã giữa thu rồi nhỉ!
Lá rụng vàng trên những ngả đường
Ta biết mắt em sầu cô lý
Lòng ta cũng vọng một quê hương

Ta muốn hồn ta thành chút nắng
Cho em sưởi ấm những buồn thương
Tình quê bàng bạc chiều mây trắng
Thôi nhé! chờ xong một chiến trường...

Rồi mai trở lại khung trời cũ
Chân dẫm lên trên gạch cổ-thành
Giữa những hoang tàn ta sẽ nhủ
Dù sao còn cỏ mọc xanh xanh

Phan Phụng Thạch
(Malteser Hospital 11-72)


Nguồn:
http://www.gio-o.com/PhanPhungThachBachKhoa.htm



READ MORE - BÀNG BẠC TÌNH QUÊ - Thơ Phan Phụng Thạch

CHÍ PHÈO DIỄN CA 6 - Nguyễn Tường

 

CHÍ PHÈO DIỄN CA 6

Giữa hai lọ nước, tựa lưng lên
bên gốc chuối, một bà tênh hênh.
Chính là đàn bà, hắn biết quá
là nhờ mái tóc dài buông xõa
phủ xuống ngực và đôi vai trần...
Hai tay trần của mụ buông luôn,
cái mồm mụ há hốc ra ngủ,
hay là chết cũng chưa biết nữa.
Đôi chân phía trước duỗi thẳng ra
cái váy đen xộc xệch, lòa xòa...
Bên kia, cái yếm do mụ giẫy
xẹo xọ trật cái sườn nây nẩy.
Tất cả thứ ấy phơi ra trăng,
có lẽ ban ngày đẹp không bằng,
trăng rười rượi làm thêm trắng đẹp.
Chí Phèo tự nhiên miệng lép nhép
nước dãi đâu ứ đầy trong mồm,
cổ thì khô, hắn nuốt ực luôn,
có cái gì rạo rực thân xác.
Bỗng hắn run lên đánh bò cạp.
Ôi tại sao như thế được nhề?
Đáng lẽ cái bà khốn nạn kia
phải run bắn người lên mới phải,
cái người đàn bà quá khờ dại
đã nằm ềnh ệch mà ngủ say
dưới gốc chuối gần nhà hắn này.
    Người đàn bà ấy là thị Nở,
một người như nhân vật truyện cổ,
ngớ ngẩn, xấu ma chê quỷ hờn.
Một sự mỉa mai của hóa công:
cái mặt thị ngắn không thể tưởng,
bề ngang so bề dài quá lớn,
hai má lại hóp vào mới ghê,
nếu má nó phinh phính được thì
còn hao hao giống như mặt lợn,
là thứ mặt nhiều hơn ta tưởng,
trên cổ người trông ra lợn người.
Cái mũi thì vừa ngắn, trời ơi,
lại vừa to, vừa đỏ, sần sũi,
như cái vỏ cam sành không múi,
bành bạnh chen lẫn với cặp môi,
mà cũng không chịu thua chắc rồi:
có lẽ cố quá nên nứt nở
như rạn ra, lại nhai trầu nữa,
thứ trầu thuốc làm môi dày thêm.
Cũng may, quyết trầu sánh bên trên,
che được màu thịt trâu xám ngoách.
Đã thế những cái răng thô kệch,
chìa ra: ý hẳn chúng nghĩ rằng
sự cân đối che xấu đôi phần.
Đã thế thị lại còn dở hơi;
đó là ơn đặc biệt của Trời;
nếu sáng suốt thì đàn bà ấy
sẽ đau khổ ngay khi vừa thấy
khuôn mặt mình trong gương đầu tiên.
Và thị lại nghèo không có tiền,
nếu không, có một ông khổ sở.
Dòng thị có nhà mả hủi nữa:
cái này khiến đàn ông yên tâm,
không một chàng nào phải phân vân.
Người ta tránh thị như đáng tởm.
Ngoài ba mươi, chồng vẫn ế ẩm.
Ở Vũ Đại, người ta kết thân
từ lên tám, rồi tới lớn hơn,
đôi khi mười lăm có con bế;
không ai đợi hai mươi mới đẻ.
Cứ tình hình ấy, nói quách luôn:
thị Nở là phụ nữ không chồng.
Mà thị cũng không còn thân thích,
trừ một người cô, dạng đặc biệt,
trên năm mươi cũng không có chồng.
Trời đã định thế, chẳng bất công,
để không ai phải sống trơ trọi.
Cô làm thuê cho bà buôn chuối
và trầu không đi tàu Hải Phòng,
khi Hòn Gai, Cẩm Phả lòng vòng.
Còn thị sống bằng nghề lặt vặt.
Hai cô cháu nhà tranh vách đất
cách vườn Chí Phèo một con đê;
hắn ngoài bãi, hai người trong kia.
Có thể vì thế mà thị Nở
không sợ cái thằng cả làng sợ.
Gần gũi lâu rồi cũng quen dần,
mà quen thì ít còn sợ hơn.
Những người coi vườn thú thường bảo
mèo cũng hiền y như hổ báo.
Vả lại, gì để thị sợ đâu?
Người ta không sợ ai phạm vào
cái xấu, cái nghèo, cái ngớ ngẩn,
mà thị có đủ ba cái lận...
Một phần nữa cũng bởi Chí Phèo,
khi ở nhà hắn chỉ ngủ queo,
mà hắn ở nhà thì cũng ít,
ai lại ác trong cơn ngủ thiếp?
    Ngày nào thị Nở cũng qua vườn,
đi ngang nhà hắn hai ba lần,
là vì nhà hắn có lối nhỏ
muốn ra bờ sông phải qua đó;
trước kia, cả xóm dùng ngõ này,
tắm giặt, kín nước, phải qua đây.
Nhưng từ khi người ta thấy hắn
người ta thôi dần, rồi bỏ hẳn
và tìm một lối khác dù xa.
Trừ thị Nở: thì đã nói mà,
dở hơi, không thích như kẻ khác.
Quá tin người, quá tin mình chắc
cái liều lĩnh, bướng bỉnh hay là
chỉ không chịu rời thói quen ra.
Nhưng hãy biết chị đi ngõ ấy
và chuyện làm sao đâu chẳng thấy.
Thế rồi dần đời cũng quẻn đi.
Trong lúc Chí Phèo ngủ, có khi,
thị vào nhà hắn nhờ rọi lửa,
có khi thị xin tý rượu nữa
để về bóp chân; hắn càu nhàu
bảo thị rằng: ở góc xó sau,
muốn rót bao nhiêu thì cứ việc,
rồi hắn lăn người ra ngủ tiếp.
Và lắm lúc thị nghĩ: tại sao
người ta ghê hắn ở chỗ nào?
    Chiều ấy, thị Nở đi kín nước
cũng ra sông như bao lần trước.
Nhưng chiều ấy, trăng sáng cả làng
trăng tỏa trên sông lắm gợn vàng.
Những vàng rung rinh nhìn thoáng đẹp,
nhưng nhìn lâu mỏi mắt chờ khép.
Gió lại mát như quạt ai hầu.
Thị Nở muốn ngáp mà được đâu,
mí mắt nặng dần, toan díp lại.
Thị vốn có tật đang vướng phải:
bất cứ ở đâu hay làm gì,
cơn buồn ngủ bỗng đến tức thì
thị nhắm mắt ngủ không cần biết.
Bà cô bảo thị vô tâm; thiệt!
Ngáp một cái, thị nghĩ bụng rồi:
khoan hãy kín nước, ghé đây ngồi.
Bởi thị đã luật quật suốt buổi,
từ trưa giờ, đập đất mệt đuối.
Mà mấy khi có chỗ thế này,
mát rợn da, rợn thịt, sướng thay!
Mát y như quạt hầu đang thổi.
Thị cởi áo tựa người gốc chuối,
dáng không kín đáo nhưng mà thôi,
thị chưa biết gì nghĩa lả lơi.
Con người vô tâm, chẳng sâu sắc.
Vả lại ở đây không ai khác.
Chí Phèo giờ nầy đã về đâu,
mà có về hắn ngủ từ lâu
từ giữa đường trong cơn say khướt,
vô tới nhà chúi đầu ngủ nốt.
Hắn ra đây mà để làm gì,
có ra nữa thì đã việc chi?
Thị không sợ hắn phạm đến thị,
bởi chỉ một lẽ rất giản dị
là chưa ai phạm thị bao giờ.
Thật ra thị chẳng nghĩ bâng quơ.
Trong óc thị bóng đen lan tỏa.
Không chịu được thị ngồi xuống đã.
    Ngồi một lúc thị mới thấy rằng:
nếu cứ ngồi thì ngủ mất chăng?
Nhưng thị đã hai phần đang ngủ.
Và thị nghĩ: ngủ đã sao chứ!
Về nhà thì cũng chỉ ngủ thôi,
vậy cứ ngủ ngay đây cho rồi.
Bà cô đi hàng dăm hôm nữa.
Thị cứ ngồi cho mát thả cửa.
Và thị ngủ, ngon lành, say sưa.
    Chí Phèo vẫn run run, ngẩn ngơ.
Bỗng rón rén đến gần thị Nở:
lần đầu rón rén kể từ thuở
hắn về làng. Thoạt tiên, hắn mang
cái lọ ra xa, rồi gọn gàng
hắn lẳng lặng ngồi bên sườn thị.
Thị Nở giật mình, chưa tỉnh trí,
thì thằng đàn ông bám lấy người...
Thị vùng vẫy, thị mở mắt rồi,
nhận ra Chí Phèo, thị tỉnh hẳn.
Thị vừa thở, vật nhau với hắn,
vừa hổn hển: “Ô hay...Buông ra...  
Tôi kêu làng đây...  Tôi sẽ la!”
Thằng đàn ông phì cười. Lạ vậy?
Hắn tưởng mình độc quyền chuyện ấy,
chỉ có hắn được kêu làng thôi;
người ta lại kêu tranh hắn rồi,
bỗng hắn la lên kêu rất lớn.
    Kêu như kẻ bị đâm rùng rợn,
vừa kêu vừa dằn người đàn bà.
Thị Nở nhìn trố mắt ngây ra,
kinh ngạc sao hắn kêu làng nhỉ?
Mà hắn vẫn kêu, không chịu nghỉ.
Cũng may, người quanh không lạ gì,
hắn kêu, chẳng ai động dạng chi:
họ lạu bạu chửi rồi lại ngủ;
hắn kêu như người khác vui thú,
hay buồn rầu cất tiếng hát ngao.
Đáp lại hắn tiếng chó lao xao
cắn nhau sủa vang lên trong xóm.
Thị Nở bỗng bật cười thành giọng.
Thị vừa rủa vừa đập lên lưng.
Nhưng đó là cái đập yêu thương,
đập xong lại giúi lưng hắn xuống.
Và chúng cười với nhau vui sướng...
    Bây giờ thì chúng ngủ bên nhau...
Đứa bé bú no ngủ thế nào.
Sau khi yêu người ta say ngủ.
Chúng ngủ như chưa bao giờ đủ...
Trăng vẫn thức, trăng vẫn trong veo...
Trăng rắc bụi nước sông gợn theo,
và sông gợn bao nhiêu vàng rực.
Nhưng gần sáng, Chí Phèo bỗng thức,
chống một tay, một nửa ngồi lên.
Chân tay bủn rủn, người không yên,
như đến hai ba ngày nhịn đói.
Mà bụng phinh phính đầy, hơi nhói.
Hơi gì nữa, đúng đau bụng rồi.
Đau thật rồi, mỗi lúc đau ôi!
Nó cứ cuộn lên. Trời lại lạnh.
Hễ có gió, kinh kinh muốn tránh.
Mỗi lần gió, hắn rươn rướn người.
Hắn muốn đứng. Đầu nặng quá trời,
mà đôi chân thì lại bẩy rẩy.
Mắt hắn hoa lên. Bụng quặn lại,
đau gò người. Hắn ọe, muốn nôn.
Ọe ba bốn cái. Oẹ mãi luôn.
Giá nôn ra được thì dễ sống.
Hắn cho một ngón tay vào họng.
Hắn ọe ra một cái to hơn,
ruột hình như muốn lộn vòng tròn.
Nhưng chỉ nhổ ra toàn nước dãi.
Nghỉ một tý cho tay vào lại.
Lần này thì nôn được. Trời ơi!
Nôn thốc, nôn tháo, nôn một hồi,
nôn đến cả ruột gan lộn ngược.
Đến nỗi người đàn bà phải thức.
Thị ngồi nhỏm dậy, ngơ ngác nhìn.
Cái óc đặc ấy, chưa hiểu liền
phải lâu mới nhớ ra và hiểu.

Nguyễn Tường

(Còn tiếp 2 kỳ)
READ MORE - CHÍ PHÈO DIỄN CA 6 - Nguyễn Tường