Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, April 4, 2015

HOA SƯA HÀ NỘI - thơ Tuyền Linh




Hoa Sưa Hà Nội

Em về đúng hẹn tháng ba
Lòng như ấp ủ thiết tha đợi tình ?
Nõn tơ thanh khiết xinh xinh
Em cười trắng nuốt nụ tình phố xưa

Yêu biết mấy… nói sao vừa…!
Bồi hồi xao xuyến đung đưa dáng mềm
Phố phường nhuộm trắng bởi em
Kia Hoàng Hoa Thám, đây Phan Đình Phùng

Lê Nin lá đổ một vùng
Công viên trắng xóa như cùng hội xuân
Qua Trần Huy Liệu bâng khuâng
Ơi con phố đẹp, ơi lòng hoa sưa !

Nức lòng gió đón mây đưa
Em vừa lạ lẫm, em vừa rêu phong
Nghe như có tiếng thì thầm
Sắc hoa màu nhớ trăm năm đợi tình

Em về Hà Nội rực lên
Nam thanh nữ tú rộn trên vỉa hè
Phố phường đầy ắp ngựa xe
Tháng ba Hà Nội tràn trề nhịp vui

Tháng ba bão lũ đi rồi
Và em xuất hiện rạng ngời thành đô
Đèn xanh, đèn đỏ xôn xao
Đèn tâm tư sáng đón chào Quê Hương

Đẹp thay với những con đường
Hoa sưa khoe sắc, Quê Hương yên bình
Hà thành rạng rỡ thêm lên
Hòa cùng nhịp sống đượm tình nước non


                            Tuyền Linh
READ MORE - HOA SƯA HÀ NỘI - thơ Tuyền Linh

ĐỜI CHIA TRĂM NHÁNH SÔNG - thơ Hoàng Anh 79




ĐỜI CHIA TRĂM NHÁNH SÔNG

Ở bên nầy mưa bay
Tình chưa trọn vòng tay
Cánh mưa sầu muôn thuở
Nhớ nhiều em có hay

Trên nẻo hẹn dấu yêu
Làn tóc rối phai chiều
Bao giờ em trở lại
Đợi  gì trong quạnh hiu

Em bên trời viễn xứ
Ta xa cách muôn trùng
Quê người  đầy tuyết phủ
Có nghe bờ môi run
Môi thơm màu đỏ dụ
Còn Yêu đến vô cùng

Bước qua con phố nhỏ
Nghe thoảng làn hương đưa
Lá me rơi theo gió
Ngỡ em về trong mưa
Thời gian như xa quá
Mình già nhiều hơn xưa


Chim còn bay về rừng
Mười năm thấm nổi buồn
Sao ta còn cách biển
Mười năm mắt lệ rưng

Ta đi giữa chiều sương
Phía trước dường mênh mông
Có loài hoa đỏ rụng
Đời chia trăm nhánh sông!

Ngày 1/4/2015

Hoàng Anh 79
READ MORE - ĐỜI CHIA TRĂM NHÁNH SÔNG - thơ Hoàng Anh 79

GIẤC BIỂN - thơ Trúc Thanh Tâm







GIẤC BIỂN

Chiều xanh giấc biển phận người
Cơn đau vụt ngả nửa đời âu lo

Chiều rưng con tuổi ban sơ
Đám tinh tú rụng trước giờ bình minh
Đầy trong ánh mắt trao tình
Ơi, người chốn cũ vẫn nhìn xa xăm

Thời gian xa tuổi thêm gần
Tình như tháp cổ ngàn năm vẫn sầu
Ngọn đèn, một giấc ngàn thu
Chiều xanh giấc biền lá khô tuổi đời ...

TRÚC THANH TÂM

( Thi tập - Lục Bát Thời Yêu Em - 1972 )
READ MORE - GIẤC BIỂN - thơ Trúc Thanh Tâm

NGỦ YÊN TÌNH YÊU - thơ Trương Thị Thanh Tâm



NGỦ YÊN TÌNH YÊU

                     * Gởi Trúc Thanh Tâm

Ngủ yên, tình ngủ trên tay
Gối êm hạnh phúc đong đầy ước mơ
Tuổi nào, ánh mắt ban sơ
Cho ta quen lại, tình cờ mới quen

Ngủ đi, tình ngủ cho yên
Chút hương buổi sớm mới len vào phòng
Nói gì ngọn gió vào đông
Khép đối cánh nhỏ cửa lòng xôn xao

Ngủ đi, tình ngủ cho mau
Trong mơ bước chậm tìm nhau cuối đời
Ngủ đi, tình cũng đầy vơi
Nước kia ra biển vẫn xuôi về nguồn

Ngủ đi, một khúc ru buồn
Nghe như tiếng mẹ dỗ mòn giấc đêm .

TRƯƠNG THỊ THANH TÂM
(Mỹ Tho)



READ MORE - NGỦ YÊN TÌNH YÊU - thơ Trương Thị Thanh Tâm

CÂY RỰA, CÂY TRE VỚI NHÀ NÔNG - Tản văn của Nguyễn Đặng Mừng




Nguyễn Đặng Mừng
CÂY RỰA, CÂY TRE VỚI NHÀ NÔNG


Mỗi lần về thăm quê, thấy làng xóm khang trang, đường sá được bê tông hóa, đèn điện sáng trưng thì mừng nhưng thấy thiêu thiếu một cái gì đó không giải thích được. Ở tuổi ngũ thập hay nhớ chuyện xưa, nhớ cái hồn của làng xưa mà bắt đầu từ đâu nhỉ? À, phải rồi, hình như đường xóm thẳng và rộng hơn, cây tre ít lại. Có nơi chặt hết tre vì vướng dây điện. Làng quê mà không có những lũy tre thì mất đi một phần hồn quê, điều mà trong tâm thức của những đứa con xa xứ luôn thương nhớ, khắc ghi.

Cha ông mình với nghề nông đã gắn với cây tre từ bao đời. Lũy tre là bức thành vững chắc ngăn gió bão. Hình như từ nhà cửa đến dụng cụ gia đình, nhà nông đều gắn liền với cây tre. Hãy nghe lời than vãn của người đàn ông về những bất hạnh gắn liền với cây rựa (quê mình gọi là rạ):

Thứ nhất vợ dại trong nhà
Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rạ đùi

 Vợ dại trâu chậm thì làm sao ngóc đầu lên với bà con. Cái khổ thứ ba "rạ đùi" thì ngạc nhiên thật. Mà đúng thế, để chặt một cây tre chẻ lạt, đan lát các dụng cụ thì không thể thiếu cây rựa, mà "rạ đùi" thì có chi khổ bằng ??? Cái rựa quê mình đẹp và thanh thoát lại rất tiện dụng, luôn theo nhà nông  suốt cuộc đời. Từ cây rựa mà người nông dân sáng tạo ra cơ man nào là dụng cụ. Chuyện kể có anh nông dân khi chia gia tài với vợ, bà vợ bảo "cái gì giống đực thì của ông, giống cái thì của tui." Ông chồng đang tức tối, đồng ý ngay. Thế là tất cả gia sản  từ cái sàng, cái dần, cái cối, cái chày, cái cày, cái bừa ... đều giống cái . Đến khi bà vợ toan lấy cái rựa  thì ông chồng giành lại và nói "Nó là đực rựa". Tiếng đực rựa bắt đầu như thế đó. Những dụng cụ nhà nông ở quê mình luôn mang dáng dấp giống đực giống cái, hay như cách nói của các cụ thì là "có đôi, có đụa" : Cày thì có bừa, đòn xóc thì có đòn gánh, mỏ xảy thì có mỏ ngà, liềm thì có vằng, sàng dần thì có thúng mủng …

Thức khuya dậy sớm hỏi chàng
Tre non khẳm lá đan sàng được không?!

Thiếu nữ hỏi chàng một câu thật dí dỏm. Sàng dần, thúng mủng đều phải dùng loại tre già để đủ độ chắc bền không mối mọt. Cũng như phụ nữ phải trưởng thành mới lấy chồng. Thiếu nữ chưa trưởng thành hay còn trong giai đoạn khẳm lá (vị thành niên) mà đòi được "đan sàng" thì ngộ nghĩnh và dễ thương biết bao. Tình yêu nam nữ đã được ví von bằng hình tượng rất gần gũi.

Rồi họ thương yêu nhau, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái. Có những gia dình hạnh phúc nhưng cũng biết bao gia đình tan nát. Hãy nghe lời than vãn trách móc của thiếu phụ:

 "Anh nói với em như rìu sa xuống đá, như rạ chém xuống đất, như mật rót vào tai. Chặng chừ  anh đã nghe ai, để tranh mòn rui mọt, để nụ măng mai tồi tàn."

Cảm động biết bao khi người vợ đôi lúc phải nói giọng đanh thép như "rìu sa xuống đá", trầm thống như "rạ chém xuống đất", êm ả ngọt ngào như "mật rót vào tai". Để... "chặng chừ anh đã nghe ai" ...”để" để, để gì? "để tranh mòn rui mọt, để nụ măng mai tồi tàn”. Trách móc, giận hờn,  biết ví với cái gì đây? Nhìn cây rựa, cây rìu chồng để lại mà ví vào, nhìn lên mái nhà tranh dột nát rồi mà chồng chưa về, lại  nghĩ đến tình cảnh của gia đình, mai kia đàn  con thơ  như “nụ măng mai” sẽ lớn lên  thế nào khi vắng bóng cha, ai sẽ dạy dỗ chúng nên người, bà con sẽ dè bỉu là "con nhà không ai tra cán cuốc".

Như đã nói ở trên những dụng cụ nhà nông thường mang dáng dấp giống đực giống cái. Hai loại dụng cụ ấn tượng nhất về điều đó là đòn xóc và đòn gánh. Đòn gánh thì khắp nơi đâu cũng có, cái đòn gánh của quê mình nó mảnh mai làm sao. Nó cong như cánh cung nhịp nhàng trên vai thiếu nữ, làm ta nhớ lại quê nhà thuở thanh bình.

 Nhưng cái đòn xóc mới là độc đáo:  Lựa cây tre già, có độ cong tương đối, cắt khoảng 1.6 m, chẻ đôi khúc tre theo kiểu "phá mắt" ta sẽ có được phía lưng làm đòn xóc, chiều ngược lại làm đòn gánh. Đòn xóc được vót nhọn 2 đầu (Có câu tục ngữ để ví người hay châm chọc người khác là "đòn xóc nhọn 2 đầu" ) dùng để gánh lúa bó từ đồng về. Lúa được bó thật chặt bằng lạt, dùng đòn xóc thọc vào khoảng 7 phân, 2 bó lúa được xóc đối xứng nhau. Đòn xóc cong ngược lên để bó lúa không bị "trơi". Có lẽ Phạm Duy ấn tượng về cách gánh lúa của quê mình mà viết nên bài "Gánh lúa" nổi tiếng, với hình ảnh thật lãng mạn :"Chơi vơi, chơi vơi, gánh lúa chơi vơi, cánh đồng làng tôi mà làng tôi ... "

Không biết mình có thiên vị không nhưng theo tôi những dụng cụ nông nghiệp của quê mình nó có duyên hơn những vùng tôi đã đi qua. Thời đại văn minh càng ngày càng xa với những dụng cụ cổ truyền. Về quê thấy có làng văn hóa, có bảo tàng địa phương ... Mà phần  nhiều chỉ nói về thời chiến tranh. Quê mình có hằng trăm năm thanh bình, thịnh vượng với nền văn minh lúa nước. Biểu tượng của làng quê phải là thanh bình.

Nên chăng mỗi làng ở quê mình  lập một nhà bảo tàng (có thể ngay ở đình làng) để lưu lại những dụng cụ ngày nay không còn dùng nữa như cối xay lúa, xe đạp nước, cày bừa, gàu tát nước ...v..v... Để thế hệ trẻ nhớ về một thuở nhà nông của cha ông mình. Sợ đến một ngày nào đó lớp trẻ chẳng biết gì về đời sống vùng quê xưa …
Những người trên 50 tuổi hôm nay vài mươi năm nữa sẽ "ra đi" như câu ca dao buồn của người thôn nữ tiễn "chàng" về quê:

Chàng về thì đục cũng về
Dùi cui ở lại mần nghề chi ăn.

Vâng, những dụng cụ cần nhau như chàng, đục, dùi cui ... Như con người của quá khứ, hiện tại và tương lai cùng cần nhau lắm lắm.
                                                                                        
                                            Đã đăng trên Báo Sông Hương.


Trích từ tập tản văn 
Nhịp Đời Buồn Vui
tác giả Nguyễn Đặng Mừng
NXB Hội Nhà Văn
2011
Tác giả gởi tặng

READ MORE - CÂY RỰA, CÂY TRE VỚI NHÀ NÔNG - Tản văn của Nguyễn Đặng Mừng

CHIỀU THU TỰ CẢM - Thơ Quang Tuyết



    
               Tác giả Quang Tuyết 


CHIỀU THU TỰ CẢM

Ngựa chừ vó nản chân bon
Ờ sao em mãi chập chờn trong mơ
                               (Thơ La Thuỵ)

Đời sao chẳng đẹp như thơ
Đường dài cô độc thẩn thờ ngựa phi
Úa tàn giấc mộng xuân thì
Hoàng hôn thấp thoáng mong chi nắng về

Dặm ngàn bao nẻo sơn khê
Vẳng nghe nhạc ngựa não nề chớm đông
Dường như gió thoảng tiếng lòng
Bâng khuâng để mặc cho dòng lệ tuôn

Phải chăng phận mỏng cánh chuồn
Heo may gờn gợn như hờn duyên ai
Một đời thiên lý dặm dài
Trời gieo chi kiếp đoạ đày thân tôi

Thở dài não nuột than ôi
Má hồng môi thắm một thời bỏ không
Phải duyên thắm chỉ hoài mong 
Ươm mơ với mộng cuối cùng buông xuôi

Cánh bèo trôi dạt dòng đời
Bên chiều thu tận chơi vơi cõi lòng
Mới hay sắc sắc không không
Với tay nhặt mớ bòng bong tội tình

Lời thề thuở ấy đinh ninh
Sao nay duyên phận lênh đênh bụi bờ
Tình người như sợi chỉ tơ
Một làn gió thoảng hững hờ đoạn ly

Còn đây dòng lệ sầu bi
Dòng đời sao chẳng hội kỳ hỡi ai
Chờ chi duyên đã nhạt phai 
Mong chi người đã đổi thay câu thề

Tiếc xưa vai sánh dựa kề 
Mà nay tình lại mệt mề đớn đau
Ta về buông mối tình sầu
Theo dòng nước cuốn vui câu thơ đời

Mặc cho gió cuốn mây trôi
Mặc câu thế sự ai người bạc đen
Có trăng chớ vội quên đèn
Lập loè đom đóm phận hèn tủi thân

                                 Quang Tuyết

READ MORE - CHIỀU THU TỰ CẢM - Thơ Quang Tuyết