Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, May 3, 2019

Chùm ảnh HOA FUCHSIA - Chu Vương Miện






READ MORE - Chùm ảnh HOA FUCHSIA - Chu Vương Miện

MẤY DÒNG LỤC BÁT CHO BẠN ĐỜI - Thơ Tịnh Đàm


Tác giả Tịnh Đàm

MẤY DÒNG LỤC BÁT CHO BẠN ĐỜI

Buồn chăng em?
Trở giấc đêm..
Nghe như tiếng lá
Ngoài thềm rớt...
Đau!

Nỗi niềm nào,
Đủ quên mau?!
Anh xin hạnh phúc
Đẹp màu mắt em.

Tuổi giờ 
Dẫu có hom hem!
Anh bên Em ...
Vẫn ngồi xem sự đời!

TỊNH ĐÀM
(HÓC MÔN, TP.HCM.)

READ MORE - MẤY DÒNG LỤC BÁT CHO BẠN ĐỜI - Thơ Tịnh Đàm

TỰ NHỦ (1) - Thơ Trần Tiến

Tác giả Trần Tiến

TỰ NHỦ (1)
 .
Tôi không mơ mộng cảnh giàu sang
Chức tước hư danh cũng chả màng
Trót mang cái nghiệp nghề viết lách
Trọn đời sống kiếp kẻ lang thang.
 .
Vừa mới nơi này mai chốn nọ
Mừng chưa kịp tỏ buồn đã ló
Ghế chưa ấm chỗ đã vội dời
Việc cũ còn tồn ai liệu lo?
 .
Khổ nhất, tội nhất cái thân nghèo
Bao nhiêu tai ương cứ bám theo
Tưởng qua dốc rồi hể hả hát
Ngờ đâu con thác dựng ngang đèo.
 .
Vẫn biết nghề nào chả gian nan
Nhụt trí việc gì cũng dở dang
Tài sức lưng vốn mình hèn mọn
Đừng ham giành chỗ chốn quan trường.
 .
Than thân trách phận với ai đây
Đường dài mới biết ngựa nào hay
Khi quyết xông pha vào rừng thẳm
Chớ ngại non cao với tuyết dày…

*.
Hà Nội, tháng 03 năm 2012
TRẦN TIẾN

Email: trantienkv20@gmail.com



READ MORE - TỰ NHỦ (1) - Thơ Trần Tiến

BÂNG KHUÂNG MÙA HẠ CŨ - Thơ Nhật Quang


BÂNG KHUÂNG MÙA HẠ CŨ


Nắng Hạ vàng nhẹ rơi thềm vắng
Em có nghe tiếng ve nức nở khúc biệt ly?
Từ độ em xa mái trường
Cánh phượng buồn rưng rưng
Gió mây hững hờ trôi trên lối về bằng lăng tím


Giờ em về phương trời nao?
Những chiều Hạ mưa giăng ngập phố
Dưới hiên xưa bụi thời gian xóa mờ kỷ niệm…
Ta ngơ ngác tìm màu áo lụa trắng trinh nguyên
Từ thuở tóc nhung mềm, mắt biếc


Ta vẽ em trong khoảnh khắc vu vơ
Gởi hồn thơ vào những ngày xa cách
Nghe tiếng tự tình…
Sâu thẳm trong trái tim nồng say
Nghe mưa Hạ buồn như lời than thở


Hàng ghế đá bâng khuâng mùa Hạ cũ
Ngày tháng xa, em còn nhớ mái trường xưa?
Cánh phượng hồng nghiêng bay
Gió đong đưa đầy sân vạt nắng lụa
Giờ mình ta ôm nỗi nhớ nào nguôi.


                               Nhật Quang
                                 (Sài Gòn)



READ MORE - BÂNG KHUÂNG MÙA HẠ CŨ - Thơ Nhật Quang

NHÂN MÙA THI NÓI CHUYỆN "HỌC HÀNH" CỦA CÁC “CẬU ẤM CÔ CHIÊU” - Trần Tiến

Tác giả và phu nhân.

NHÂN MÙA THI NÓI CHUYỆN "HỌC HÀNH"
CỦA CÁC “CẬU ẤM CÔ CHIÊU”
*
Có thể nói phần đông con nhà giàu, lại được nuông chiều từ bé, thường chểnh mảng việc học hành. Tâm lý của các cô cậu ấy là hưởng thụ những gì mà bản thân mình đang có, học nhiều hay không học thì cuộc sống cũng vẫn đầy đủ, sung sướng. Chính vì thế, việc học là của bản thân mình nhưng lại coi như việc của thiên hạ, của bố mẹ nên luôn dửng dưng, đủng đỉnh. Mặt khác những thú chơi, những trò tiêu khiển dường như cũng đã lấy đi phần lớn thời gian và tâm trí, thì còn đâu cho việc học. Nên không ít cô cậu đến trường học chỉ là vì nghĩa vụ bắt buộc và để cho mình có một cái danh phận với xã hội, chứ không có chút hứng thú nào. Thành tích học tập thì lúc nào cũng ở tư thế "vớt vát", thậm chí là học lại.
Những gia đình có con như vậy có lẽ không phải là vì họ không quan tâm. Nhưng có lẽ vấn đề là ở cách thức quan tâm của họ, họ "vung" tiền ra cho con đi học thêm lớp này, thầy nọ nhưng lại không kiểm tra kết quả học tập của chúng. Thậm chí, con cái dùng tiền đóng học thêm để chơi bời cũng không hay, đương nhiên lại tạo điều kiện cho chúng đi vào hư hỏng.
Hàng xóm nhà tôi là một gia đình lập công ty riêng rẽ lĩnh vực vật liệu xây dựng, rất giàu có. Nhưng thời gian gần đây, gia đình thường phải cử một người đưa cậu con trai quý tử đang học lớp 11 đến trường, vì gần đây nhà trường đã thông báo cậu thường xuyên nghỉ học nửa chừng. Hơn nữa chỉ trong vòng một tháng trởi mà cậu ta gây sự đánh nhau với bạn bè trong lớp tới ba lần, mà nguyên nhân được biết thì chỉ vì cái tính hách dịch, ngông cuồng.
Cũng bởi cái tính ấy mà cậu ta đã phải học đến hai năm lớp 10 mới lên được lớp. Không trông mong gì cậu con trai ngỗ ngược và lười nhác ấy, gia đình chỉ còn mong cậu cố gắng thi lấy cái bằng tú tài. Nhưng điều ấy có lẽ cũng rất khó vì tối ngày cậu chỉ mê mẩn với những trò đánh đấm, chát chít và game...
Để kể ra những trường hợp tương tự như cậu hàng xóm của tôi thì quả là vô vàn. Thông thường những học sinh phổ thông hư hỏng, bỏ bê học hành cũng theo bè kết phái. Chúng đua đòi, học hỏi những cái xấu ở nhau rất nhanh, để rồi bao che, biện bạch cho nhau những hành vi tiêu cực. Đã không còn lạ lẫm gì những cảnh tượng những ông bố bà mẹ phải phân chia nhau đi tìm con vào cái giờ mà đáng lẽ cả gia đình đang quây quần bên mâm cơm hạnh phúc. Tìm được con về trong niềm vui sướng nhưng lại nơm nớp lo lắng sợ rằng ngày mai chúng lại bỏ đi. Nhiều bà mẹ quá thương con, quá sợ mất con đến mức nhu nhược mà nói rằng "Bây giờ chẳng cần nó học mà chỉ cần nó nghe lời ở nhà, không bỏ đi hoang nữa".
Đối với các cậu ấm cô chiêu đã bước chân vào các trường đại học thì lại khác, họ tự do trong học tập, không bị ai kèm cặp. Đây là lúc để họ tự khẳng định năng lực của mình, vì phần lớn họ có đầy đủ điều kiện. Nhưng sức ì và tinh thần ỉ lại của bộ phận sinh viên con nhà giàu này là khá lớn. Nhiều khi họ nghĩ rằng đi học đại học là để được vênh váo với thiên hạ và có điều kiện để ăn chơi thỏa thích.
Ngoài việc "sành điệu" chạy theo mốt, tham gia vào các cuộc vui thiếu lành mạnh, đề cao lợi ích vật chất và sống thực dụng thì một bộ phận không nhỏ sinh viên còn thể hiện thái độ học cầm chừng, không cố gắng hết mình. Một số sinh viên có khuynh hướng học tủ, học gạo theo kiểu "mì ăn liền; ;thậm chí là nhờ người chép bài, mượn bài để phô tô, thuê người thi trả môn... Cốt sao để qua và cuối khóa lấy được cái bằng. Tất cả những kiểu học ấy đã thể hiện việc họ không hề quan tâm đến tích luỹ kiến thức cho công việc sau này.
Theo nhận xét của một nhóm nghiên cứu trẻ thì việc đối phó học tập của một bộ phận sinh viên là phần lớn họ dành thời gian và công sức vào việc ăn chơi, đua đòi, chạy theo những dục vọng tầm thường của giới trẻ. Họ coi việc học là để tạo dựng cái "mác" - hữu danh vô thực, nhưng mỗi kỳ đều phải thi lại không dưới 5, 7 môn, danh sách học lại thì ngày một dài dằng dặc.
Là con gái cưng của một gia đình giàu có ở Nam Định, Linh có thành tích nổi trội về "khả năng" tiêu tiền từ thời học phổ thông. Từ khi ấy mà tủ quần áo của cô đã toàn hàng hiệu, cái nào "bèng" nhất cũng 300 - 400.000 đồng, mỗi bộ quần áo đều có một đôi dày tương xứng... chỉ đơn giản là Linh "thấy đẹp thì mua, giá cả chẳng quan trọng gì cả". Linh chưa bao giờ đầu tư nhiều cho học tập, chỉ ở mức vừa phải để lên lớp. Chính vì thế mà thi đại học năm đầu tiên Linh đã trượt một cách thê thảm, cả 3 môn thi mới đạt 10,5 điểm. Sau đó là một năm dong chơi và ôn thi ở nhà, được mấy cô gia sư đến kèm cặp nên lần thi năm sau Linh đã vừa đủ điểm đỗ vào một trường Đại học dân lập ở Hà Nội. Thành tích ấy đã đủ vui sướng với cả gia đình của Linh lắm rồi.
Vào trường đại học được một năm, thành tích học tập thì chẳng thấy đâu, nhưng sự sành sỏi trong ăn chơi thì đã "trưởng thành" lên bội phần.
Đã có "Mác" sinh viên, lại thoát khỏi sự kèm cặp của gia đình, Linh đi vào yêu đương lăng nhăng, chán rồi lại bắt bồ với một ông hơn cô đến 20 tuổi giàu có. Những chuyến phiêu du đây đó quá cuốn hút đã thay thế dần cho lịch học trên giảng đường. Để "bịt  mắt" bố mẹ, đảm bảo không bị cấm thi vì nghỉ học quá số tiết quy định, cô nàng đã thuê luôn cô bé gần phòng trọ đến lớp "học hộ" với giá 3.000.000/tháng. Cô khẳng khái nói răng "các thấy cô đến lớp điểm danh thấy đủ người là xong, chẳng ai thừa công đi điều tra học trò của mình là đứa nào".
Hay như Hà, cũng là con của một gia đình kinh doanh lớn giàu có của thành phố Hải Phòng, cô luôn tạo cho mình một phong cách "quý sờ tộc". Cô luôn tự hào "cả nhà chỉ có mình em đỗ đại học nên các cụ cũng chiều, thích gì được nấy; Mấy  ông anh và cậu em trai học hành chẳng đâu vào đâu". Mặc dù mới lên Hà Nội nhập học được nửa năm nhưng các tụ điểm ăn chơi cô đều nhẵn lối, những cú điện thoại gọi về xin tiền ngày một dày lên, với đầy đủ những lý do hợp lý: Lúc thì đi học thêm tin học, khi thì tham gia lớp tiếng Anh nâng cao, rồi học bơi, học khiêu vũ, đóng tiền quỹ lớp, đóng tiền thăm quan... Điều quan trọng là trong mỗi khoản đóng góp ấy cô nàng đều "báo giá" đến gấp đôi, gấp ba để rồi "ẻm". Nếu những khoản tiền ấy đều được sử dụng vào mục đích học tập thì chẳng có gì đáng chê trách, nhưng đằng này cô lại dùng vào những vũ trường, quán bar, những cuộc chơi xa xỉ. Đến khi gia đình chu cấp không kịp, cô thậm chí còn lừa bạn thân mượn xe đi cắm. Trong khi đó, việc học thì bê bối, buổi có buổi không, kỳ thi thứ 6 có 7 môn học thì phải thi lại cả 7 môn. Đến khi cuống cuồng với những môn thi lại mà biết chắc sẽ không thể qua nổi, cô bắt đầu tìm cách "đi thầy".
Điều đáng buồn là bố mẹ của những sinh viên này ở quê vẫn luôn tự hào con mình đang "tu luyện", chờ ngày lấy tấm bằng đại học. Họ đâu ngờ, những cậu ấm cô chiêu nhà mình đang lao vào những cuộc đỏ đen, những thú chơi điện loạn, những cuộc tình "lãng mạn" chẳng lo lắng cho việc học hành. Thậm chí có nhiều gia đình vẫn không hề biết là con mình đã bị đuổi học, cứ lang thang, trôi dạt hết nơi này đến nơi nọ ăn chơi. Nếu có lên thăm con thì chúng lại có đủ mánh khóe để che giấu, chỉ khi có được sự thông báo của nhà trường tới gia đình thì mọi chuyện mới vỡ lở, nhưng lúc đó đã trở nên muộn màng.
*
TRẦN TIẾN
 Hà Nội.
 Email: trantienkv20@gmail.com
READ MORE - NHÂN MÙA THI NÓI CHUYỆN "HỌC HÀNH" CỦA CÁC “CẬU ẤM CÔ CHIÊU” - Trần Tiến