Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, January 6, 2017

HƯƠNG CỎ - Thơ Nguyễn An Bình





HƯƠNG CỎ

Nếu hạnh phúc là điều mơ ước thật
Xin được về nằm trên cỏ mượt êm
Nghe khao khát mầm yêu từ hương đất
Để xuân tình xanh trong đáy mắt em.

 Hạt sương đêm lạ lùng ve vuốt cỏ
Tình đâm chồi đón lộc biếc xuân sang
Tháng giêng giấu chân người qua cánh gió
Con dế mèn nương náu gáy miên man.

Mùi cỏ mật nồng nàn hương con gái
Mùa cải vàng trôi mất trái tình si
Nắng cuối năm muộn màng hao hớt mãi
Tôi quay về tìm lại trước khi đi.

Con diều giấy trôi qua mùa giông bão
Em còn chờ trong bóng lá hồn hoa
Tóc ngày xưa có còn xanh nỗi nhớ
Tìm trong mơ hương cỏ đã bay xa.

                      Nguyễn An Bình

READ MORE - HƯƠNG CỎ - Thơ Nguyễn An Bình

MỘT TRƯƠNG - Tạp văn của Chu Vương Miện


    
          
     MỘT TRƯƠNG
                "Trích trong Vĩ Văn"

Trong nguyệt san Kiến Thức Ngày Nay, khi không xuất hiện một bài biên khảo ký tên là Phan Khắc Khoan, nội dung là tiên sinh phát hiện ra rằng hai câu Kiều của Nguyễn Du :
Cung thương lầu bậc ngũ âm (câu 29)
Nghề riêng ăn đứt Hồ Cầm một chương (câu 30)
Theo ý của tiên sinh Phan Khắc Khoan san định Văn Học thỉ câu thứ ba mươi phải là "Một Trương", vì bên Trung Quốc có một vị nhạc sư tên là Trương (con thứ nhất) nên thiên hạ mến mộ tài năng thường gọi là Một Trương, người này chuyên trị Hồ Cầm, thuộc vào loại danh sư số một.
"kỳ sau đăng tiếp"
Rồi không thấy bài của tiên sinh đăng tiếp nữa, để xem Mr Một Trương là nhân vật như thế nào ? Sống vào thời nào ? mà chỉ thấy bài của học giả An Chi… đánh phủ đầu, sau đó thì tiên sinh Phan Khắc Khoan đương sống "chuyển qua từ trần", thành ra công trình phát hiện san định Văn Học đến đây là un point final. Cũng tưởng nhắc qua chút đỉnh về thi sĩ Phan Khắc Khoan, tiên sinh sinh vào khoảng juin 1916 ở làng Yên Lãng, Yên Thành (Nghệ An). Mồ côi mẹ từ thủa bé, năm 15 tuổi thì cha bị mù. Học trường Huyện, Trường Vinh có bằng Thành Chung, đã đăng thơ ở Phong Hóa (ký Chàng Trương), Thế Giới, Tri Tân thơ ký Hồng Chương, ngoài ra con vài vở kịch thơ nổi tiếng như Phạm Thái và Trần Can… (phần tiểu sử trích đoạn trong Thi Nhân Việt nam của Hoài Thanh và Hoài Chân) “ Tôi được hân hạnh gặp tiên sinh nhiều lần, vì năm 1979 tôi có chung tiền hùn hạp với bạn bè mở một quán cà phê ở đường Lê Văn Duyệt gần rạp cinê Thanh Vân gần Ngã Ba Chí Hòa,  được biết tiên sinh là nhà thơ Tiền Chiến còn sót lại, tiếng tăm cũng khiêm tốn, lại tù rất là nhiều năm, thường đi cặp với thầy Nguyễn văn Xung "vị này là thầy dạy bên Văn Khoa của vợ tôi"
Nói là quán cà phê nhưng ở giai đoạn đó toàn là bobo và bắp, cà phê có chút đỉnh, hai vị thường là đến chơi cho vui, uống nước trà, lý do là tiên sinh Phan Khắc Khoan nhờ giáo sư Nguyễn văn Xung (y như tiến sĩ Phan Lạc Tuyên vậy) “là mua dùm cho mình vài tác phẩm cũ của chính mình, những cuốn sách loại cũ này bán ở lề đường (vĩa hè) rất hiếm, giá bình dân, một hay hai đồng, nhưng những người bán sách nhìn qua ánh mắt của tiên sinh Phan Khắc Khoan cứ lóe lên như tia chớp, hai tay nâng cuốn sách thơ (hay kịch) thì cứ run lên như cầy sấy, đáng lẽ 1 đồng thì bây giờ là 1 chỉ vàng hay một cây vàng! Qua lời thuật lại của thi sĩ Phan Khắc Khoan thì thi sĩ là con rể của Thượng Thư Võ Chuẩn thời Bảo Đại, phu nhân của thi sĩ là con gái thứ hai, sau người anh cả là Võ Sum Thạch Hà, chị của nữ sĩ Linh Bảo và Minh Đức, năm 1954 Tiên sinh được Tố Hữu rủ ra tập kết ngoài Bắc và bỏ tù tiên sinh vì tiên sinh làm thơ lãng mạn lại có danh. Sau đó đến thời kỳ "Cải cách Ruộng Đất" vì nhà giam Hỏa Lò đông quá, tiên sinh được trả tự do, nhưng không bao lâu tiên sinh lại bị bắt trở lại, lý do giản đơn giản kép như sau :
“ Tiên sinh đi bộ trên đường Cổ Ngư ngoại thành Hà Nội, không rõ vì "sự Ông Cố Ông Nội" nào, tiên sinh bị người đi xe đạp đi ngang qua tông phải, chuyện không có gì mà làm ầm ĩ, tiên sinh cũng không bị gì cả, nhưng vận may ngàn năm một thủa, tiên sinh bèn nằm lăn ra lề đường ăn vạ, chắc là cũng được bồi thường chút đỉnh "sứt da ba quan, chẩy máu 6 quan", người cưỡi xe đạp có lẽ là không có tiền, hoặc nhìn thấy bộ dạng tiên sinh cũng chả hề hấn gì, đành đứng đó chờ Công An đến, công an làm việc theo quy tắc, mời hai vị về đồn Cảnh Sát Phường và xin xuất trình "Thẻ Chứng Minh Nhân Dân", thế là chắc ăn trăm phần trăm. Vì mừng quá, đáng lẽ đưa Chứng Minh Nhân Dân thì thi sĩ lại móc túi đưa ngay một bài thơ “than nghèo than khổ“ chả rõ bài thơ này được đưa tới tay ai cơ quan chủ quản nào xử lý, nhưng kết quả cụ thể là tiên sinh đi tù tiếp ở Hỏa Lò, giai đoạn 1954 đến 1975 là 21 năm thì tiên sinh tù trên 15 năm. Có một điều là người không tù như tiến sĩ Phan Lạc Tuyên hoặc nhà phê bình Phan Cự Đệ hay đi tù như thi sĩ Phan Khắc Khoan họ rất giống nhau, là họ nói bất cứ chuyện gì cũng không rõ ràng và viết tràng giang đại hải đủ chuyện trên trời dưới đất, cũng không rõ là họ nói cái gì và viết cái gì ? Quen biết giao lưu với thi sĩ trong thời gian dài 6 năm, tôi - Chu Vương Miện chỉ hỏi tiên sinh có một câu duy nhất "Bác tù trên 15 năm ở miền Bắc, vậy bác thấy tù như thế nào ?"
Thì lần nào cũng như lần đó, thi si Phan Khắc Khoan trả lời : "Thế này nhá, dơ tay rồi hạ xuống", rồi nói tào lao thiên địa khoảng bốn giờ đồng hồ rồi thăng ?
Năm 1985, tôi đi Mỹ theo diện ODP "bảo lãnh" thế là hết chuyện gặp lại giữa hai chúng tôi.




AI LÀ MỘT TRƯƠNG
                                         Vĩ Văn 

Nay cũng hơi hưỡn, ở không chúng tôi lại xin được trở lại vấn đề "Một Trương" mà nhà thơ Tiền Chiến Phan Khắc Khoan đã có lần đề cập tới, nhưng chỉ chút đỉnh là ngưng ngay tức khắc, tôi tính hay thắc mắc nên dò dẫm xem là Mr  "Một Trương" là vị cao nhân xứ nào ?
Nói tới thời nhà Đông Tây Châu, xứ Ba Tàu có tới 1000 nước nhỏ, nước thuộc loại Chư Hầu, là nước trực tiếp với đại quốc nhà Châu còn những nước thuộc loại phụ dung như nước Ngô, nước Việt thì Ngô thuộc Tề và Việt thuộc Sở, đánh nhau ròng rã cả 1000 năm, sau đến thời Xuân Thu thì còn vài trăm mà thôi và đến thời Chiếc Quốc thì còn dăm bẩy trự, sau nhà Tần nuốt trọn thống nhất Trung Quốc thu gom về thành một mối, nếu ông "Một Trương" mà xuất hiện vào thời kỳ này chắc chết mất xác đàn địch cái nỗi gì. Sau đó thì sách báo bị Tần Thủy Hoàng mang đốt hết, vì mấy năm đó thời tiết lạnh kinh khủng, tuyết rơi cả ngày đêm, đốt hết mọi thứ mà dân chúng bá tánh không ấm, thôi thì trong lúc lâm nguy cứu rét, nhà nào có sách vở thơ văn tiểu thuyết chi đó thì cứ mang ra mà đốt để sưởi cho ấm, mai mốt không rét nữa thì chúng ta tha hồ mà viết sách làm báo, thành ra nếu có vị nhạc sĩ nào chơi Hồ Cầm thuộc vào danh sư thì cũng chả ai mà biết tới, loạn lạc liên miên, chỉ có thời nhà Đại Đường là thơ phát triển , hy vọng có Mr "Một Trương", nhưng vào giai đoạn Giữa Đường "tức là thời Trung Đường" thì Tiết Độ Sứ An Lộc Sơn ở không cũng buồn, bèn nổi loạn giết bá tánh nhà Đại Đường một lúc dân số đến một nửa nước, chắc vị "Một Trương" nếu có thì cũng thác trong giai đoạn tai bay vạ gió này.
Qua thời kỳ Tống Nguyên, dân số Ba Tàu khoảng 200 triệu, dân Mông Cổ (tức là Nguyên Chủ) ra lệnh cho toàn quân được quyền giết dân Ba Tàu tự do. Sau 90 năm cai trị, nhà Nguyên đi đoong, Chu Nguyên Chương lên làm vua nhà Đại Minh cho kiểm tra dân số, thì lúc đó dân Ba Tàu chỉ còn 65 triệu, phần còn lại thì phiêu diêu miền cực lạc hết trọi, chắc là trong thời kỳ nhà Mông Cổ Mông Đít cai trị không có tiên sinh. Sách báo tham khảo thì không có, Tư Liệu, Công Liệu, Tài Liệu thì cũng không. Chả lẽ bó tay? Thế là tôi lên đường một chắc bằng hai bàn tay không, trước khi đi vào thẳng vấn đề, chúng tôi xin vòng vo ra ngoài lề một chút, bản thân gia đình chùng tôi ở tỉnh Quảng Yên (trước là Quảng An Châu) rồi là Hồng Quảng, rồi là Quảng Ninh, bây giờ là Hạ Long, 1/3 tỉnh này có châu Vạn Ninh (tức là Móng Cái) là vùng đất tiếp giáp với quận Đông Hưng (Tông Hưng) của tỉnh Quảng Tây, đất này ngày thời nhà Đại Lý của ta cho dân Nùng (bộ hạ của quốc vương Nùng Trí Cao đánh nhau với nhà Tống bị thua tạm trú)  y như thời nhà Nguyễn cho di thần nhà Minh định cư ở Miền Nam vậy. Muốn tìm ra ngọn nguồn của Mr "Một Trương" mà tìm trong tư liệu thì đến tết Congo cũng chưa chắc tìm ra manh mối, mà phải nói cái chuyện tiếng Ba Tàu. Dân Nùng là dân thuộc tỉnh Quảng Đông, nhưng định cư ở đất Việt Nam sát nách ngay biên giới tỉnh Quảng Tây (tức Quảng Si). Tuy ở đâu thì người Nùng cũng nói giọng và tiếng Quảng Đông (pha chút tiếng địa phương) và người Ba Tàu vốn là dân Đa Văn Hóa,  nói sao cũng hiểu được, ví dụ :
Về nhà ăn cơm "Xực Phàn Pán  Nhể"
Nguyên Chữ là  "Xực Phàn Hồi Gia"
Dịch nghĩa là  "Ăn Cơm Về Nhà"
Hiểu theo chữ Việt là "Về Nhà Ăn Cơm"
Nhưng người Ba Tàu thì Pán Nhể, hay Pán Sẻ cũng có nghĩa là Về Nhà, mà Xực Phàn, Xực Phan hay Xực Phạn cũng đều có nghĩa là ăn. Chữ Hành, Chữ Hàng chữ Hãng đều là một chữ, tùy theo nó đi với ai... mà thành ra Ngân Hàng, Bộ Hành, Hãng Xưởng.
Trở lại truyện Kim Vân Kiều của Tố Như tiên sinh, chúng tôi nhận ra như sau khi tả về anh hùng Từ Hải:
Gươm đàn nửa gánh giang sơn một chèo
Có nghĩa là khi đi đâu, trên vai của anh hùng Từ Hải có vác một thanh gươm, có bao gươm đàng hòang, trên bao thanh gươm có treo một cái đầu quang trong cái quang có một cái thúng đựng một cây đàn "chưa biết là cây đàn gì ?" còn tay còn lại là cầm một cái Bơi Chèo. Cướp ở bên Ba Tàu cũng chia ra nhiều loại, ở trên Núi là Sơn tặc, mạn dưới sông dưới biển là Thủy Tặc, hay Thủy khấu, còn giặc ở Lương Sơn Bạc thì vừa núi vừa sông, muốn kêu sao cũng được, nhìn qua bộ dạng của tướng cướp Từ Hải thì phải nhận ngay ra rằng, ông thuộc vào loại Thuỷ Tặc (giặc ở dưới nước), và trong tay thủ sẵn một cái "Bơi Chèo"
Không rõ khi chưa xuống Nước hành sự nghề Thủy Khấu thì trên cạn tiên sinh dùng thứ vũ khí gì ? Theo sự suy đoán riêng của chúng tôi, thì lúc đó Từ Hải dùng một ngọn côn dài 6 thước Tàu bằng 2 thước Tây làm vũ khì tùy thân, Côn hay Gậy hay Trượng là một loại vũ khí gọi thì khác nhưng chỉ là một thứ, có khi bằng gỗ có khi bằng sắt, các vị đại sư thì gọi nó là Thuyền Trượng như trường hợp của của Lỗ Đề Hạt, hoặc thêm cái ngù đầu con rồng ở trên của Kim Hoa Bà Bà thì là Long trượng, của Dương Quá thì là Thiết Huyền Trượng, nói nôm na là Chiếc Gậy “Tiếng 3 Tàu thì chữ Trưởng (là lớn) chữ Trường là (dài) cũng chỉ là một chữ, thành ra Trương, Trượng
Cũng chỉ là một chữ mà thôi, thành ra khi làm Sơn Tặc (tức Giặc trên Núi) thì anh hùng Từ Hải dùng tay cầm Trượng, gọi là"Một Trượng" Trượng này trung bình nặng từ 50 ký lô trở lên,  không ai hai tay cầm hai trượng, Một Trượng hay Một Trương "Giống y nhau" , sau khi chuyển địa bàn làm ăn từ Núi xuống Nước thì dẹp Trượng mà dùng Bơi Chèo 
Tức "Một Chèo" nhưng thiên hạ quen gọi Từ Hải là "Một Trượng" hay "Một Trương" nó quen miệng rồi ? mặc dù bây giờ người anh hùng đã chuyển vũ khí chuyên dùng là Chèo. Giang sơn Một chèo  
Các bậc Thức giả, Ngủ giả có vị nào cần dạy bảo xin email về địa chỉ ở trên .

                                                                                                     
BỊ VONG LỤC "MỘT TRƯƠNG"


Nghề riêng ăn đứt Hồ Cầm một chương


(Đoạn Trường Tân Thanh)


Theo ý của kịch thi sĩ Phan Khắc Khoan thời tiền

 chiến, thì câu thơ này phải như sau :

Nghề riêng ăn đứt Hồ Cầm một Trương.

Bản Kiều thông dụng là Một Chương "tức là một Xoang là một phiên khúc trong nhiều phiên khúc của một bản nhạc", chẳng hạn như bản Nhạc Khúc Bạc Mệnh" thì có khúc Lưu Thủy Hành Vân, Khúc Kê Khang, khúc Quảng Lăng... còn phần phát hiện của thi kịch sĩ Phan Khắc Khoan thì lại là tên của một nhân vật Ba Tàu có tài khẩy Hồ Cầm số dzách, bài trước chúng tôi cố tìm tiều sử và gốc gác của nhân vật nào là Một Trương thì cũng đã cố gắng trình làng được là đó là nhân vật Từ Hải. Còn chuyện nàng Vương Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn, nếu đi thi Hoa Hậu chắc là được đội vương miện hoa hậu là cái chắc, nhưng đây chỉ nói đến cái tài khẩy đàn mà thôi, nếu cho Hồ Cầm là cây đàn thì giáo sư tiến sĩ về âm nhạc Trần Văn Khê cho thi hào Nguyễn Du chỉ biết làm thơ mà không biết chi về âm nhạc cả, theo giáo sư Khê thì Hồ Cầm có xuất xứ từ rợ Hồ (tức Mông Cổ hay Hung Nô) bà con với loại đàn này là đàn cò, đàn gáo, đàn sến, đàn nhị Hồ , đàn Nguyệt... đều là loại nhạc cụ chỉ có hai dây, một dây âm một dây dương có nghĩa là một dây to và một dây nhỏ, như khi Kiều đàn cho Chàng Kim Trọng nghe: ... treo sẵn Cầm Trăng
Cầm Trăng là đàn Nguyệt (2 dây) nhưng nàng Kiều :

"So dần dây vũ dây văn
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương "

thì hóa ra thi hào Nguyễn Du diễn tả thành cái đàn Tỳ Bà. Nếu trong truyện Kiều mà Nguyễn Du cho Hồ Cầm là một bản nhạc của Người Hồ thì Nguyễn Du đúng, ngược lại ý Nguyễn Du Hồ Cầm là một nhạc cụ thì Nguyễn Du sai. Ở đây chúng tôi không bàn về vấn đề này, vì đã có nhiều người bàn rồi, chuyện đúng hay sai thì vẫn còn đó, mà chuyện chúng tôi đang nói là nhạc sĩ Một Trương tức Một Chèo, tức Từ Hải, vị anh hùng hào kiệt xuất thân là thủy khấu này chơi Hồ Cầm ra sao ? Để tránh hiểu lầm Hồ Cầm mà Một Trương chơi đây là cây đàn, "gươm đàn nửa gánh giang sơn một chèo", đại thể minh họa ra thì anh hùng Từ Hải trên vai vác một thanh kiếm, hông đeo thanh kiếm treo lủng lẳng một cây đàn không rõ là cây đàn gì ? Còn một tay thì cầm chiếc bơi chèo" ngày xưa là Một Trượng Một Trương  bây giờ là Một Chèo, ngang hông thì buộc tòng teng một bầu rượu. "Tiếng Hán là Hồ Rượu " đường trường rong ruổi, người anh hùng đôi khi ngồi nghỉ mệt, nhìn trời bằng nửa con mắt, đưa Hồ Rượu uống một hơi chưa đã, uống hết trọi. Rồi nhìn mây bay gió thổi, cao hứng lấy đũa gõ vào Hồ Rượu rồi cất tiếng ca hào sảng, Từ Hải cũng chơi Hồ Cầm nhưng ở đây chúng ta phải hiểu là như vầy :
 Hồ là Hồ Rượu "hay Bầu Rượu "còn Cầm là tiếng Nôm" tiếng Việt "tức là cầm hồ rượu trên tay mà tu ừng ực vào mồm, khi hết rượu thì cầm cái que hay cầm cái đũa mà gõ vào Hồ Rượu mà ca hát có tính cách nghiệp dư mà thôi ? Ta hát ta nghe không làm phiền đến người khác, không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp như nàng Thúy Kiều, với tài nghệ chơi Hồ Cầm kiểu đó thì nàng Vương Thúy Kiều ăn đứt là phải ? Đây là diễn tả theo cái ý của thi kịch sĩ Phan Khắc Khoan đã ra người thiên cổ địa cổ, theo thâm tâm của chúng tôi các vị như Nguyễn Đổng Chi đúng là một vị học giả uyên thâm, kế đến là học giả Nguyễn Huệ Chi là một vị uyên Bác, và sau chót là học giả An Chi qua các bài viết của tiên sinh thi đúng là một vị uyên Chú (chú đây là chú giải chú thích thật là logic va tuyện hảo).

Còn cái chuyện một chương "một xoang " là chuyện

 Cổ Điển "không sai Một ly ông cụ nào cả" Tuy nhiên với cái đà tiến bộ của nhân loại và dân tộc thì cái chuyện phát hiện ra thì rằng là Một Trương là tên người của thi kịch sĩ Phan Khắc Khoan cũng đáng nên biểu dương khuyến khích. Chuyện Bò Trắng Răng là cái chuyện muôn đời chả làm cho ai sống mà cũng chả làm cho ai chết. Ngay Tây Đen mà cũng không ai chết. Chỉ có buồn là người đưa ra vấn đề Một Trương là một nhạc sĩ thì lại đã chết. Chừ biết trao đổi chia sẻ vấn đề này với ai ?

                                              Chu Vương Miện

READ MORE - MỘT TRƯƠNG - Tạp văn của Chu Vương Miện

THƠ TÌNH CỦA MỘT SỐ NHÀ THƠ NỮ ĐỜI ĐƯỜNG - Nguyễn Ngọc Kiên dịch thơ


        

THƠ TÌNH CỦA MỘT SỐ NHÀ THƠ NỮ ĐỜI ĐƯỜNG


 Nhà thơ Võ Tắc Thiên (624-705)                             

Chúng ta từng biết đến Võ Tắc Thiên武則天 (624-705), một hoàng đế khét tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Võ Tắc Thiên còn có tên là Võ Chiếu 武曌, quê ở Văn Thuỷ (文水) quận Tinh Châu (幷州); nay thuộc thhành phố Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây (山西. Năm 14 tuổi được tuyển vào cung, tên của bà ban đầu là cái tên không may mắn nên được Đường Thái Tông đổi tên thành Võ Mỵ Nương 武媚娘 khi bà còn làm Tài Nhân trong cung. Khi lên ngôi Hoàng đế bà đổi tên thành Võ Chiếu 武曌, chữ Chiếu trong tên bà vốn là chữ chiếu nhưng để may mắn bà đã tự tạo chữ mới (nhật nguyệt đương không 日月當空) và là một trong những chữ trong Võ Hậu Tân tự. Bà là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc đã lập ra triều đại của riêng mình, nhà Võ Chu 武周, và cai trị dưới cái tên Thánh Thần Hoàng Đế 聖神皇帝 từ 690 đến 705.
Trong cuộc đời của Võ Tắc Thiên, bà không chỉ là một người phụ nữ nắm đầy quyền lực mà còn là một thi sĩ đích thực. Trong “Toàn Đường thi” có sưu tập 35 bài thơ của bà viết trong thời gian bà cai trị, những lúc nhàn rỗi dạo trong cung. Trong sách “Tân Đường thi” thiên “Nghệ văn chí” có chép bà làm thơ từ nhỏ, có lưu lại “Thùy Củng tập” và “Kim Luân tập” song bị thất lạc nhiều bài. Nay lưu truyền lại có “Võ Tắc Thiên thi tập” gồm 58 bài, trọn vẹn. Thơ bà hay ở tứ và rất chân thành, giản dị vì vậy được nhiều người yêu thích.

如意娘
看朱成碧思紛紛,
 憔悴支離為憶君。
不信比來長下淚,
開箱驗取石榴裙。

Phiên âm:
NHƯ Ý NƯƠNG

Khán chu thành bích tứ phân phân
Tiều tụy chi li vị ức quân
Bất tín tỉ lai thường hạ lệ
Khai sương kiểm thủ thạch lựu quần.

Dịch nghĩa:
NÀNG NHƯ Ý
Trông màu đỏ hóa thành màu xanh trong lòng bối rối.
Thân hình tiều tụy đi vì nhớ chàng.
Nếu chàng không tin thiếp đã bao lần nhỏ lệ.
 Thì chàng hãy mở chiếc rương đếm những chiếc quần thạch lựu [đã thấm đẫm nước mắt nàng].

Bản dịch 1:
NÀNG NHƯ Ý
Nhìn đỏ thành xanh thiếp nhớ chàng
Xác thân tiều tụy đến võ vàng.
Chẳng tin thiếp đã bao lần khóc
Hãy đếm quần hồng ở đáy rương!

Bản dịch 2:
NÀNG NHƯ Ý
Nhìn xanh hóa đỏ võ vàng
Xác thân tiều tụy nhớ chàng khôn nguôi.
Bao lần thiếp khóc chàng ơi,
Hãy xem, lệ ướt quần nơi đáy hòm!

 

Nhà thơ Trần Ngọc Lan (? -?)

Trần Ngọc Lan (陳玉蘭 ? - ?), vợ của Vương Giá (王駕), người Hà Trung, tỉnh Sơn Tây, đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Viên ngoại lang Bộ Lễ.  Thuộc đời Vãn Đường (835 – 907), thơ của bà hiện còn một bài.  


寄夫
夫戍邊關妾在吳,
西風吹妾妾憂夫。
一行書信千行淚,
寒到君邊衣到無。

 

Phiên âm:
KÝ PHU
Phu thú biên quan thiếp tại Ngô,
Tây phong xuy thiếp, thiếp ưu phu.
Nhất hàng thư tín thiên hàng lệ,
Hàn đáo quân biên y đáo vô.

Dịch nghĩa:
GỬI CHO CHỒNG
Chồng đi thú nơi biên ải, thiếp ở đất Ngô (1)
Gió tây thổi thiếp (lạnh), thiếp lo cho chồng.
Mỗi một dòng thư là nghìn dòng nước mắt:
"Rét đến bên chàng, áo có đến không?"
Chú thích:
(1) Ngô: Tên vùng đất thuộc nước Ngô thời Xuân Thu, nay là tỉnh Giang Tô, ở Đông Nam Trung Quốc.

Dịch thơ:
GỬI CHO CHỒNG
Bản dịch 1:
Chàng ở biên thùy, thiếp ở Ngô,
Gió tây thổi lạnh, thiếp thêm lo.
Mỗi dòng thư, là ngàn dòng lệ,
Rét đến bên chàng, áo đến chưa?

Bản dịch 2:
Chàng trấn biên thùy, thiếp ở Ngô
Gios Tây lạnh thiếp, thiếp lo cho chàng
Mối dòng thư lệ ngàn hàng
Rét về áo đến bên chàng hay chưa?

 Nhà thơ Đỗ Thu Nương ( 杜秋娘)
                            ( ?  -  ?  ) 

          Không rõ năm sinh năm mất. Sinh ở Kim Lăng  nay thuộc Trấn Giang tỉnh Giang Tô. Thuở nhỏ nhà nghèo. Nhờ có nhan sắc và tài ca múa  nên đươc tuyển vào đội ca múa và làm thiếp cho Lý Kì (
李錡 :740 – 807) lúc  mới 15 tuổi. Lý Kì là dòng dõi tôn thất nhà Đường, làm tiết đọ sứ Trấn Hải.Sau Lí Kì làm phản và bị giết, bà lại bị đưa vào cung làm nô dịch, nhưng  cũng nhờ  tài ca múa nên lại được chọn vào đội ca múa cung đình, có dịp biểu diễn cho vua Đường Hiến Tông(778-820) xem. Nhận thấy Đỗ Thu Nương có nhiều tài hoa (ca múa giỏi, làm thơ hay), nhà vua rất sủng ái. Không bao lâu, bà được vua  cho cải danh là Thu Phi (秋妃). Sống ở trong cung , bà được các đại thần rất kính nể..Thời Đường Mục Tông (Lý Hằng : 821 – 826), bà được làm  cung trung giáo tập và vừa làm bảo mẫu để dạy học cho hoàng tử Lý Thấu (con của Đường Mục Tông). Sau  Lý Thấu bị hại, bà thôi ở cung trở về quê quán cho đến khi mất.
             Về thơ bà nổi tiếng nhất là bài Kim lũ y

 


Phiên âm:

KIM LŨ Y(1)

Khuyến quân mạc tích kim lũ y,
Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì.
Hoa khai kham chiết trực tu chiết,
Mạc đãi vô hoa không chiết chi.

Dịch nghĩa:

ÁO TƠ VÀNG

Khuyên anh đừng tiếc áo thêu vàng,
Khuyên anh hãy tiếc thời niên thiếu:
Hoa nở đáng bẻ thì bẻ ngay,
Đừng chờ hoa rụng bẻ cành không.


Dịch thơ:

ÁO TƠ VÀNG

Khuyên anh đừng tiếc áo vàng kia ,
Khuyên anh hãy tiếc thưở xuân thì
Hoa nở đáng bẻ thì nên bẻ,
Đừng chờ hoa rụng, bẻ mà chi.


Chú thích:
  1) Kim lũ y :(Kim: sắc vàng, lũ: tơ, y: áo) áo tơ vàng , có nghĩa bóng  là áo công danh . Có tư liệu cho là áo quí báu dành cho tướng lĩnh, ngụ ý người lính công thành danh toại (Phùng Hoài Ngọc – Thi ca từ Trung Hoa, trang 83). Lại có tư liệu giải thích là áo múa thêu chỉ vàng (Ngô Văn Phú – 300 bài thơ Đường, tr. 691). Có người lại dịch là áo kim tuyến v.v...

                                                     Nguyễn Ngọc Kiên dịch thơ

READ MORE - THƠ TÌNH CỦA MỘT SỐ NHÀ THƠ NỮ ĐỜI ĐƯỜNG - Nguyễn Ngọc Kiên dịch thơ

GIỌT CHIỀU - Thơ Nhật Quang





GIỌT CHIỀU

Chiều vương dải lụa nắng vàng
Ngồi mơ dáng dấp dịu dàng em qua
Chiều nghiêng ngây ngất phố hoa
Gío lay vạt áo trắng nhòa lối xưa

Chiều nao vạt nắng lưa thưa
Hẹn nhau góc phố đón đưa nhau về
Đêm say gối ánh trăng thề
Ta như đom đóm bờ đê lạc đường

Chiều nay ngồi uống vấn vương
Quán xưa hiu hắt, mà thương lấy mình
Em quên hay nỡ vô tình ?
Cho ta rưng rức bóng hình vời xa

Giọt chiều ngân ngấn lệ sa
Cà phê giọt đắng, riêng ta giọt sầu.

                                 Nhật Quang
                                  (Sài Gòn)

READ MORE - GIỌT CHIỀU - Thơ Nhật Quang

NHỚ NGƯỜI YÊU - Thơ Võ Tấn Hùng

                            

NHỚ NGƯỜI YÊU

Trời cuối đông rồi xuân sắp sang
Đêm nay gió rét quá ngỡ ngàng
Giật mình tỉnh giấc hồn cô quạnh
Có phải hôm qua nắng vẫn vàng?

Đất Quảng quê người đã mấy năm
Thư xanh bao lá vẫn biệt tăm
Ơi người yêu nhỏ bên sông vắng
Anh nhớ vô cùng em biết  chăng?

Từ dạo anh đi đến bây giờ
Cầm ve vương mãi cứ như tơ
Bồn chồn đôi mắt chiều mưa ấy
Mới gặp lần đầu đã ngẩn ngơ!..

“Mưa vẫn mưa bay”… cứ vọng về
“Trên tầng tháp cổ”… dạ tái tê
Nhạt nhoà Vỹ Dạ vầng trăng thức
Tóc xoã vai mềm áo tím mơ!
             Quảng Ngãi đêm 27.12. 2015

                         VÕ TẤN HÙNG

READ MORE - NHỚ NGƯỜI YÊU - Thơ Võ Tấn Hùng

HẠT PHẤN NÀO BAY - thơ Hoài Huyền Thanh

 
Tác giả Hoài Huyền Thanh

HẠT PHẤN NÀO BAY
   *Dành tặng cô giáo Hoàng Kim Oanh 
và học trò Vĩnh Thuận ngày nào.

Tiếng phone reo liên hồi thúc giục
Cô ơi cô! Cô đã đến đâu rồi?
Cô mê mệt còn đâu hơi sức
Gắng gượng cười chờ chút nữa em ơi!


Thương cô giáo nằm vùi không dậy nổi
Phải gượng thôi học trò đợi lâu rồi
Gom cả lớp cũng hơn chục đứa
Đang nóng lòng mong được gặp cô ơi
(truyền tai nhau cô già yếu lắm rồi..!)
                       &
Tay bắt mặt mừng cơn sốt bay đi mất
Búa bổ trên đầu ai lấy đâu rồi
Thật sôi nổi học trò nhắc bài ca hồi đó
Cô trò hòa ca nhớ ngày ấy xa xôi


Bao kỷ niệm tràn về không tên gọi
Cứ miên man theo dòng chảy thời gian
Chén cháo nóng nhiều hành qua cơn sốt
Học trò nghèo không có nổi chiếc quần lành


Bao nhiêu đặc sản gởi chút lòng em nhớ
Chăm chút  đãi thầy cô với tấm lòng thành
Bịn rịn tiễn đưa còn nhiều lưu luyến
Hạt phấn nào bay mà lệ rơi nhanh.

HOÀI HUYỀN THANH
 Thềm đông 2016

READ MORE - HẠT PHẤN NÀO BAY - thơ Hoài Huyền Thanh

NỖI BUỒN RIÊNG MÌNH TÔI - Trương Thị Thanh Tâm

Tấc giả Trương Thị Thanh Tâm 


NỖI BUỒN RIÊNG MÌNH TÔI 
                 
Bóng ai trong đáy cốc 
Hình như người tôi thương 
Ánh mắt buồn vời vợi 
Vọng hướng cõi vô thường 

Bóng ai trong màn sương 
Mơ hồ và huyễn hoặc 
Tuổi trăm cài lược vắt 
Thoang thoảng chút hương trầm 

Có những đêm thao thức 
Ôm nỗi buồn vu vơ 
Mưa đêm sao chưa dứt 
Nhớ thương ai dật dờ 

Chỉ là cơn mộng ảo 
Đã xa rồi tầm tay 
Chiều buông màu tóc ngã 
Đâu còn nụ hôn say 

Nhìn từng chiếc lá rơi 
Nghe tiếng thu vọng về 
Đã phai màu mực tím 
Qua rồi thưở đam mê 

Thời gian không dừng lại 
Bóng người quá xa xôi 
Trăng soi bờ tóc rối 
Nỗi buồn riêng mình tôi 
       Trương Thị Thanh Tâm 



               Mỹ Tho
READ MORE - NỖI BUỒN RIÊNG MÌNH TÔI - Trương Thị Thanh Tâm