Sinh ngày: 15-10
Quê quán: Triệu Phong- Quảng Trị
Tốt nghiệp: Đại học khoa học Huế, ngành Ngữ văn.
Học viện Báo chí- Tuyên truyền Hà Nội.
Nơi công tác: Tỉnh ủy Quảng Trị.
Tác phẩm
Cầu Giải yếm ( Tập truyện ngắn) - Nhà xuất bản Hà Nội 2008.
Truyện ngắn hay báo Tiền Phong (in chung) - Nhà xuất bản Thanh niên 2007.
Những nẻo đường khó đi (in chung )- Nhà xuất bản Thanh niên 1998.
Giải thưởng
Truyện ngắn Tác phẩm tuổi xanh- Báo Tiền phong 1998.
MIỀN CÁT
Truyện ngắn
(Hạnh phúc như một tấm chăn hẹp...)
Ngôi nhà tranh nhỏ bé như một chiếc nấm mốc thếch nằm chơ vơ, trơ trọi đầu làng Cát. Xung quanh là những động cát lớn, trắng xoá, mênh mông.
Mùa hè, những cơn nắng chang chang hắt xuống, biến các động cát thành một cái chảo rang khổng lồ, hầm hập nóng. Gió Lào cuồng nộ, gào rú điên dại đẩy cát trắng bay tung theo một vũ điệu quái đản. Mùa đông, gió ràn rạt thổi qua những động cát đìu hiu, lạnh lẽo. Hàng dương liễu ủ rũ, phật phờ. Những cây xương rồng khô khốc, tua tủa gai đâm chỉa lên nền trời u ám, xám xịt.
Chị đã sống với Thỉ trong ngôi nhà mốc thếch, bé nhỏ đầu làng cát mười lăm năm. Mười lăm năm dài dằng dẳng, cuộc sống ngưng đọng, đơn điệu và buồn tẻ. Hai người đàn bà đã ngoài ba mươi tuổi, không chồng, không con và có lúc tưởng chừng không có cả những giấc mơ.
Sau những giờ vui vẻ, ngắn ngủi bên học trò, chị và Thỉ lại lần về ngôi nhà nhỏ, bên ánh đèn dầu leo lét chỉ đủ toả một đốm sáng nhỏ nhoi, lạc lõng giữa bốn bề gió cát. Thời gian và nỗi buồn cô đơn xồng xộc kéo đến biến chị và Thỉ thành những người đàn bà cằn cỗi, già nua trước tuổi. Nhiều đêm, một mình đối diện với chiếc gương soi, chị lặng lẽ thở dài. Trong chiếc gương đã ngã màu vàng ố là một khuôn mặt héo quắt như quả trám khô, với đôi má gồ ghề nhô cao lấm tấm tàn nhang, bờ môi nhợt nhạt tím tái và đôi mắt quầng sâu. Càng ngày, người chị càng quắt queo như con cá rô đực. Ngay cả đôi vú thây lẩy thời thiếu nữ, lúc nào cũng rạo rực dưới làn áo phin mỏng giờ cũng đã dúm dó, héo khô...
Những đêm dài hun hút, chị và Thỉ ôm nhau ngủ, căng cứng trong nỗi cô đơn. Trong giấc ngủ chập chờn, chị lại mơ thấy anh- người đàn ông vẫn thường về với chị trong những cơn mộng mị. Từ chiếc thuyền cong cong như vầng trăng lưỡi liềm, anh bước xuống bằng đôi chân trần rắn chắc. Xung quanh anh là những đám mây ngũ sắc mang hình hoa mống rồng, những bông hoa rực rỡ, hiếm hoi khoe sắc giữa các động cát đìu hiu, mênh mông...Chị chạy như bay về phía anh. Anh giang đôi tay lực lưỡng ra đón chị vào lòng. Chị ngây ngất úp mặt vào bờ ngực trần vạm vỡ, đỏ hồng dưới ánh bình minh của anh. Anh vuốt ve chị, đặt lên môi chị những nụ hôn ngây ngất có mùi thơm huyền diệu, thoang thoảng lúc gần, lúc xa. Bổng nhiên, trời trở nên xám xịt. Một cơn lốc khủng khiếp kéo tới đẩy anh ra khỏi chị. Chiếc thuyền cong cong như vầng trăng lưỡi liềm bị xé làm nhiều mảnh, tan tác trước sức mạnh củagió. Chị ú ớ, la hét rồi vùng dậy. Cứ thế, chị ngồi bó gối, đôi mắt chong chong nhìn lên đỉnh màn.
Những lúc đó, Thỉ lại ôm lấy chị, chăm chú nghe chị kể về giấc mơ cổ tích. Câu chuyện không đầu, không cuối chị đã kể đi, kể lại hàng chục lần vẫn khiến Thỉ say mê. Có lần, Thỉ còn bịa thêm các chi tiết buồn cười khác rồi hai chị em đấm lưng nhau thùm thụp, cười khúc khích. Cười chán, lại ôm nhau khóc. Một lần, Thỉ gục đầu vào lưng chị, cất giọng thoang thoảng như vọng về từ một cõi xa xăm: Rồi có ngày, anh ấy sẽ đến...em tin như vậy...
* * *
Người đàn ông trạc bốn mươi lăm tuổi, bận chiếc áo bộ đội bạc màu, gồng lưng đẩy chiếc xe đạp cọc cạch lên triền cát. Nắng hầm hập làm lưng người đàn ông ướt đẫm mồ hôi. Cát nóng bỏng làm đôi chân người đàn ông bỏng rát. Đã quá mệt mỏi, người đàn ông đưa tay lên má quệt mồ hôi, thở dài. Chợt đôi mắt sáng lên khi thấy ngôi nhà nhỏ. Người đàn ông khẽ mĩm cười, xăm xăm bước đến.
Quá ngọ, ngôi nhà yên lặng như tờ. Các cánh cửa bật tung, đánh ầm ầm trước gió. Hít sâu một hơi dài, người đàn ông mạnh dạn bước vào. Đang lớ ngớ, chợt một giọng nữ cao choi chói cất lên làm ông giật mình.
Anh kia, giữa trưa nắng nôi, nhà lại toàn đàn bà, con gái, sao lại xồng xộc vào như vậy?
Người đàn ông sững người, khuôn mặt phừng phừng đỏ, chiếc sẹo dài trên thái dương dần dật. Xin lỗi, tôi là khách qua đường, muốn vào nhà xin bát nước.
Có tiếng cười khúc khích, một người phụ nữ bận chiếc áo màu xanh nõn chuối bước ra khỏi màn. Người phụ nữ đưa tay vuốt mái tóc rối bù, sửa lại chiếc áo hơi trễ ngực, lẳng lặng bước đến chiếc bàn gỗ nhỏ. Chị loay hoay pha nước rồi đưa đến trước mặt người đàn ông.
Bạn em đùa một tí, anh đừng giận. Trời nắng nực thế này, anh đến làng Cát có chuyện gì?
Người đàn ông ngữa cổ uống ừng ực, đoạn đưa tay chỉ vào chiếc xe đạp cọc cạch dựng trước hiên. Tôi đi mua đồng nát. Từ sáng đến giờ vẫn chẳng ăn thua gì, làm ăn càng ngày càng khó.
Sao anh không kiếm việc gì làm cho đỡ vất vả. Chị ở đâu mà để anh khổ sở “ thế lày” ?
Giọng nữ choi chói lúc đầu lại cất lên rồi một khuôn mặt phụ nữ khác ló ra khỏi màn.
Người đàn ông bật cười: Vẫn mồ côi vợ chị ơi. Chiến tranh xong, thương tích đầy mình, nghèo xác nghèo xơ, ai mà thèm lấy...
Nói xong, người đàn ông đứng dậy, đội chiếc mũ bộ đội lên đầu: Cám ơn hai chị, bay giờ tôi phải đi...
Người phụ nữ bận chiếc áo xanh nõn chuối tiễn người đàn ông ra tận cổng, nói với theo: Lúc nào khát nước hay cần việc gì anh cứ ghé vào, nhà tuy nghèo tiền nghèo gạo nhưng không hẹp bụng đâu.
Người đàn ông khẽ gật đầu. Khuôn mặt cương nghị bừng sáng, thân thiện...
* * *
Thi thoảng, người đàn ông mua đồng nát lại ghé đến ngôi nhà nhỏ đầu làng Cát. Những khi đó căn nhà nhỏ rộn tiếng cười đùa. Người đàn ông tên Bài, rất vui tính. Anh có lối nói chuyện dí dỏm, cách chọc hài tưng tửng rất có duyên. Mỗi lúc kể chuyện, Bài như trở thành một con người khác. Khuôn mặt Bài bừng sáng, rạng rỡ. Ánh mắt lấp lánh như có những tia nắng nhỏ đang nhảy nhót, reo vui. Nụ cười rộng mở để lộ hàm răng trắng bóng...
Bài đã từng là một chiến sỹ Trường Sơn, đã từng đặt chân đến Sài Gòn trong chiến dịch mùa xuân 1975 lịch sử. Trước khi vào bộ đội, Bài đã có người yêu tên là Bưởi- một thiếu nữ xinh đẹp nhất làng. Ngày chiến thắng, Bài trở về. Đám cưới của Bài và Bưởi tràn đầy hoa và lời chúc mừng. Pháo nổ vang lừng khắp ngõ xóm. Sau hơn một năm đám cưới diễn ra, Bưởi có thai, sinh cho Bài một cu cậu đẹp như tiên đồng. Bài ngập tràn trong hạnh phúc, trong niềmvui sướng tột đỉnh. Song không ai đọc được chữ ngờ. Chiến tranh lùi xa nhưng những di chứng chiến tranh thì vẫn ở lại. Từng đêm, những vết thương thời chiến lại dai dẳng trổi dậy hành hạ Bài. Một mình Bài vật vã, quằn quại với những cơn đau nhức nhối . Bài cắn chặt răng, đôi môi rướm máu, chỉ lo Bưởi biết rồi lo lắng. Nhưng mọi chuyện không thể dấu được mãi, Bài kiệt sức thực sự. Những trận ốm liên miên, những đợt điều trị hết bệnh viện này đến bệnh viện khác làm kinh tế gia đình Bài suy sụp. Bưởi phải chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền thuốc thang nhưng bệnh của Bài vẫn không có hy vọng thuyên giảm. Một đêm cuối đông, Bưởi đã bỏ Bài mà đi, đem theo đứa con trai bé bỏng. Bài đau đớn tưởng chừng không gượng dậy nỗi. Nhưng phàm đã sống trên đời thì phải cần đến cái ăn, cái mặc. Bài phải đứng dậy, phải lần hồi kiếm sống. Trừ những lúc ốm đau, Bài là một người đàn ông lạc quan. Nơi nào Bài đến, nơi ấy có tiếng cười đùa. Thỉ và chị rất mến Bài. Từ một người xa lạ, Bài đã trở thành một người thân. Lâu lâu Bài không đến, chị và Thỉ lại thấy nhớ. Bài như là một tia nắng, mong manh nhưng ấm áp chiếu vào cuộc sống đơn điệu và lạnh lẽo của Thỉ và chị...
* * *
Đã lâu lắm, Bài không trở lại. Chị cảm thấy bồn chồn. Nhiều lúc chị không cắt nghĩa được thứ tình cảm mà chị đang dành cho Bài. Nó chưa phải là tình yêu nhưng lại thiêng liêng hơn tình bạn, tình anh em. Là một người đàn bà kém nhan sắc, không giàu có lại quá lứa, lỡ thì, chị không dám mơ ước cao xa. Song không ít lần chị đã thầm ước, rồi có một ngày chị sẽ có một gia đình riêng, một đứa con trai bụ bẫm, xinh đẹp và một người chồng như Bài...
Thỉ cũng như chị. Thấy Bài đã lâu không đến, Thỉ đứng ngồi không yên, khuôn mặt căng thẳng, đôi mắt buồn tênh. Có hôm, chị bắt gặp Thỉ ngồi hàng tiếng đồng hồ, ánh mắt mông lung dõi nhìn vào những triền cát trắng mênh mang nối nhau bất tận về phía chân trời...
Chủ nhật, chị và Thỉ tranh thủ cuốc đám đất sau nhà trồng rau cải thiện. Sau một ngày lao động, người chị mệt mỏi, rã rời. Vừa ăn cơm xong, chị đã lên giường, ngủ thiếp đi. Quá nửa đêm, chị giật mình tỉnh giấc. Qùơ tay sang bên cạnh, không thấy Thỉ đâu. Chị lẩm bẩm, tung chăn ngồi dậy, bật đèn, chạy ra trước cửa. Ánh mắt chị sáng lên khi nhìn thấy chiếc xe đạp cọc cạch của Bài dựng sát bức tường đất quét vôi trắng nham nhở. Họ đi đâu, làm gì vào giờ này? Tại sao Bài đến mà Thỉ không đánh thức chị dậy? Hay là... giữa Bài với Thỉ...đã có gì với nhau? Những câu hỏi xoáy vào đầu làm chị rối bời, linh tính của người phụ nữ mách bảo làm tim chị co thắt.
Như người mộng du, với quần áo phong phanh, chị vùng chạy ra khỏi nhà, lần theo con đường nhỏ dẫn ra trảng cát. Trời đã về khuya, ánh trăng lành lạnh toả những tia sáng nhờn nhợt, lờ mờ xuống trảng cát mênh mông. Trăng luênh loang lên những tàu lá, trên những bụi xương rồng khô khốc, tua tủa gai. Xa xa tiếng chim lẻ bạn kêu thao thiết, buồn bả. Tiếng gió xào xạc trong các búi lá nghe như có tiếng ai trở mình.
Đang miên man, bất chợt chị sững người. Sau bụi cây lúp xúp, có tiếng người thở hổn hển. Chị căng mắt nhìn. Trước mặt chị, một người đàn ông và một người đàn bà trên người không mảnh vải đang quấn riết nhau trong cơn hoan lạc. Thân thể họ rung lên như từng đợt sóng. Đôi tay người đàn bà xiết chặt vào tấm lưng trần của người đàn ông, đam mê, cuồng nhiệt... Nghe tiếng động, người đàn ông quay mặt lại.... Bài! Tim chị đập thình thịch, cổ họng chị khô khốc, bỏng rát. Chị hét lớn một tiếng rồi vùng chạy điên dại qua những mô cát lô nhô. Mặc cho cát trắng níu chân làm cho chị ngã lên ngã xuống nhiều lần, mặc cho gai xương rồng đâm vào chân đau nhói, mặc cho tiếng kêu hốt hoảng của Bài và Thỉ... chị cứ nhằm vào về phia có ánh đèn dầu le lói mà chạy.
Vừa đến nhà, chị đã chạy vội lên giường lấy chăn trùm kín mặt. Rồi chị khóc, khóc nức nở. Những giọt nước mắt chắt ra từ nỗi đau đớn và thất vọng ê chề tuôn trào lên má, lên môi đắng đót, mặn chát, cứa xát vào lòng chị nhức nhối.
Một bàn tay ấm nóng đặt lên trán chị. Chị co người vùng đậy. Trước mặt chị là Thỉ. Tóc Thỉ rối bù, khuôn mặt nhợt nhạt, đôi môi run run như sắp khóc: Em... em xin lỗi...
Các người yêu nhau, bận gì đến tôi mà xin lỗi. Cút ra ngoài đi cho tôi nhờ...Giọng chị lạnh lẽo , vô cảm.
Bài bước đến bên giường chị lắp bắp: Chị...đừng hiểu lầm...đừng cho Thỉ là cô gái hư đốn. Tôi sẽ cưới Thỉ. Đáng lẽ... tôi và Thỉ phải nói cho chị biết ngay từ đầu, nhưng Thỉ cứ lần lửa, e ngại...
Chị cúi mặt xuống đất, hai tay ôm lấy ngực. Rồi như một người điên, chị nhảy xổ vào Bài. Chị nhảy choi choi, chị xỉa xói, chị la hét, chị thở hào hển...chị kéo sườn sượt những bao tải đồng nát của Bài vứt ra sân tung toé. Mắt chị trợn trừng, nảy lửa, giọng chị lanh lảnh, xoe xoé rồi chùng xuống hằn học, rin rít: Cút đi... nếu như không muốn thấy tôi cắn lưỡi chết ngay bây giờ...
Bài trố mắt nhìn chị, hốt hoảng thu dọn, cột hành lý lên xe, nói thầm với Thỉ vài câu và lẳng lặng ra ngoài. Thỉ khóc như mưa như gió, chạy theo Bài, chới với...
Bên ngoài khung cửa, gió đã thổi mạnh, tiếng gà gáy đầu canh xao xác, xa xa...
* * *
Ngôi nhà vốn lạnh lẽo nay càng lạnh lẽo thêm. Suốt cả tuần, chị và Thỉ không nói với nhau một lời. Đêm đêm, Thỉ quay mặt vào tường khóc rấm rứt. Nhìn đôi vai gầy guộc của Thỉ rung lên trong từng cơn nấc, tim chị đau buốt như có hàng ngàn mũi kim châm vào. Thỉ đã quá bất hạnh, đã chịu khổ nhiều, sao chị lại không thương Thỉ, không mừng cho Thỉ khi Thỉ sắp có một mái ấm gia đình... Sao chị lại hẹp hòi, nhỏ nhen như vậy... Nghĩ đến đó, chị mềm lòng. Nhưng nghĩ đến cảnh rồi một ngày Bài cưới Thỉ, họ sẽ ra ở riêng hay chuyển đến một vùng đất nào đó sinh sống, bỏ chị lại thui thủi một mình, bơ vơ trong căn nhà hoang vắng, chị rùng mình ớn lạnh, gai ốc nổi đầy người. Chị trăn qua trở lại, người hâm hấp nóng. Một ý nghĩ thoáng vụt qua đầu chị, chị vùng dậy ngồi vào bàn viết lia lịa. Lặng lẽ thu xếp hành lý xong, chị quầy quả ra đi, để lại trên bàn lá đơn xin thôi việc và lá thư gởi cho Thỉ...
* * *
Một tháng, hai tháng... Một năm, hai năm...chị không về thăm làng Cát. Chị vào Nam xin dạy học ở một trường mầm non. Theo lời khuyên của bạn bè, chị chủ động xin người đàn ông ở nông trường cà phê cạnh trường một đứa con. Đứa con trai kháu khỉnh, bụ bẫm do chị dứt ruột đẻ ra ngày càng khôn lớn. Cuộc đời chị bắt đầu có những tiếng cười...
Suốt cả tuần, truyền hình liên tiếp trường thuật về những trận lũ quét khủng khiếp xảy ra ở miền Trung, mắt chị như nhoà đi. Làng Cát mà chị từng sống nằm trong tầm xoáy của lũ lụt. Ruột gan chị nóng bừng bừng như có lửa đốt. Thu xếp công việc, chị hối hả bồng con xuống phố, đón xe về làng Cát.
Làng vẫn còn đó, vẫn những trảng cát trắng xoá, mênh mông, miên man nối nhau đến tận chân trời. Gió vẫn gào thét đẩy cát trắng bay tung theo những vũ điệu quái đản. Từng cơn nắng hầm hập vẫn trút xuống đốt trảng cát thành một chảo lửa hừng hực nóng. Chị quầy quả bước trên cát nóng. Đã đến làng Cát, chị rướn mắt nhìn chung quanh nhưng không nhìn thấy ngôi nhà nhỏ thân thuộc. Như bị ma đuổi, chị chạy nhào đến ngôi trường Tiểu học. Bà hiệu trưởng ốm yếu, mong manh ôm chầm lấy chị, nói trong tiếng nấc:
Thỉ đã...đi rồi.... Cơn lũ quét quái ác đã cuốn Thỉ ra đi cùng hai em học sinh của trường...
Chị không còn tin vào tai của mình. Chị đứng sững, nấc lên một tiếng rồi ngã quỵ xuống, ngất lịm. Trong cơn chập chờn nửa tỉnh nửa mê, giấc mơ ngày xưa lại quay về. Chị nhìn thấy chiếc thuyền cong cong như hình trăng lưỡi liềm, bồng bềnh trôi trên những đám mây hình hoa mống rồng. Trên chiếc thuyền, Thỉ đang nép đầu vào anh, vòm ngực trần vạm vỡ của anh đang hồng lên dưới ánh bình minh. Rồi Thỉ và anh dịu dàng nhìn chị, ánh mắt nhìn thật ấm áp bao dung...Bất giác, chị cảm thấy khuôn mặt anh hao hao giống Bài. Cũng đôi mắt long lanh, bừng sáng, cũng nụ cười tinh nghịch sảng khoái, để lộ hàm răng trắng bóng, lấp loá dưới ánh mặt trời chói lọi...
Hồ Xá, 02- 2000
Nguồn: PhongDiep.Net