Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, February 2, 2012

DUYÊN NỢ - Truyện ngắn của Trương Đình Tuấn



Truyện ngắn đạt giải nhì (không có giải nhất)
của cuộc thi sáng tác văn học 
do Hội VHNT tỉnh Bình Phước 
tổ chức lần thứ 3 năm 2011.

                                                                                            
                                                                      
Email của anh gửi cho tôi: Tôi đã đọc bút ký: “Ngày tháng tả tơi” của cậu! Có phải cậu là Cận, ngày trước bị bắt làm tù binh trong trận Phước Long đầu năm 1974 đó không. Tôi là Viễn, đã từng ném cậu lên xe bò năm ấy đây. Nếu khi nào cậu rảnh rỗi hãy ghé nhà tôi chơi và liên lạc theo số điện thoại sau…

Tôi bàng hoàng xúc động khi đọc mấy dòng này của anh.

Tôi đang làm biên tập cho tờ báo của thành phố Hồ Chí Minh. Anh Viễn là cọng tác viên của báo nhưng lấy bút danh khác. Nên tôi không thể ngờ người thường xuyên có tên ký dưới những truyện ngắn rất hay, lại là người mà ngày còn trai trẻ đã từng cứu tôi thoát khỏi cái chết.

Tôi nôn nao gặp anh ngay, hơn ba mươi năm rồi còn gì.

Về nhà, tôi nói cho vợ con biết là ngày mai tôi sẽ lên Bình Phước để tìm gặp người tôi đã mang  ơn cứu tử, và kể cho vợ con nghe câu chuyện ngày trước của tôi và anh Cận.

Vũ, con trai đầu của tôi reo lên:

- Vậy ngày mai bố con mình đi chung nhé!

- Con lên Bình Phước cùng với Hương à

- Dạ

Tôi cười:

- Vậy là bố khỏi tốn tiền đò xe

- Chỉ tại bố mẹ không thích đi thôi. Chứ đi đâu tụi con cũng sẵn sàng bao tất

Cả nhà cùng cười vui

Hương là bạn gái của Vũ, nhà bố mẹ Hương ở thị xã Đồng Xoài, tỉnh lỵ của Bình Phước, Hương cùng làm chung công ty với Vũ.

Hôm sau chúng tôi khởi hành sớm. Rời thành phố lúc tờ mờ sáng, xe băng qua thị xã Thủ Dầu Một, đến ngã tư Sở Sao quẹo phải qua đường DT 741. Ngồi trên xe tôi cứ nôn nao, miên man về một nơi tôi sắp đến, một ân nhân tôi sắp gặp lại sau một thời gian dài biền biệt bặt tin.

Năm 1973 tôi vừa tròn 18 tuổi, vừa thi rớt tú tài là bị lệnh động viên vào quân đội miền Nam của chính quyền Sài Gòn. Rời quân trường với cái mặt non choẹt búng ra sữa, đơn vị tôi tăng cường về phòng thủ tỉnh Phước Long. Chỉ sau mấy tháng, từ một cậu học trò cắp sách đến trường, tôi đã biến thành một anh tân binh chân ướt chân ráo lên một tỉnh tiền biên chim kêu vượn hú, quanh năm sương mù bao phủ. Những ngày đầu nhớ nhà tưởng chừng như không thể chịu được, nhiều lần tôi có ý định đào ngũ để trốn về nhà, nhưng từ đoạn đường 120 km từ nơi tôi đồn trú trở về Bình Dương đã bị quân đội Giải Phóng kiểm soát khu vực Phú Giáo. Giao thông vận chuyển chỉ nhờ vào trực thăng vận.

Tôi luôn hoang mang giữa cảnh lính trẻ xa nhà nơi chốn đèo heo hút gió mịt mù đất đỏ, âm u rừng già.

Bố già thường vụ đại đội, nhiều lần nhắc nhở tôi: Lính tráng gì mà ủy mị suốt ngày ngơ ngơ ngẩn ngẩn như mày thì đánh đấm với ai được.Mà quả thật là tôi chẳng đánh đấm với ai được cả. Cùng như tất cả đơn vị phòng thủ tỉnh Phước Long đã tan tác sau hơn 20 ngày đêm tiến quân của các sư đoàn Giải Phóng.

Tiếng của chú tài xế cắt đứt dòng hồi tưởng của tôi:

-Thưa chú, mình dừng lại nơi đâu để uống nước nghỉ ngơi ạ!

- Em hãy cho dừng lại nghỉ gần cầu Sông Bé, tôi muốn nhìn lại cây cầu này

Cháu Hương tinh ý :

- Bác muốn ngắm lại cây cầu của một thời đáng nhớ phải không ạ?

Tôi nhìn con dâu tương lai của mình:

- Cháu thông minh thế!

Cây cầu đã gãy nhịp giữa nằm trơ vơ một bên đường như nhắc ta một thời chiến tranh. Cây cầu này cách đây hơn ba mươi năm tôi cũng đã từng đi qua, bằng chiếc xe GMC chở trung đội lính mới từ hậu cứ Bình Dương lên Phước Long. Những chú lính mới tò te không biết nơi dừng chân của mình đêm nay ở nơi đâu. Những khuôn mặt bơ ngơ báo ngáo quay nhìn hai bên đường, ngoảnh lại phía sau lưng là mù mù bụi đỏ. Sau lớp bụi mù kia là những đôi mắt lo lắng, những bàn tay vẫy tiễn đưa của người thân. Là phố phường có những hàng me xanh đơm lá ngoan hiền, là sân trường lung linh chùm phượng đỏ.Ánh mắt của cô bạn gái chung trường hình như cứ dõi theo ở sau cửa lớp hay một góc hè phố trên đường học trò dấu yêu mỗi bữa đi về.

Xe lại tiếp tục chuyển bánh, tôi nhìn đồng hồ:

- Khoảng gần một giờ nữa là chúng ta đến Đồng Xoài đấy

- Bố ơi! Bố kể thêm về chuyện bác bộ đội đã cứu bố đi

- Ừ, bố kể tiếp cho các con nghe nhé:

Ngày 06 tháng 1 năm 1974. Giải Phóng Quân đã chiếm lĩnh hết trận địa Phước Long. Đại đội của tôi ước chừng còn phân nửa tháo chạy ra rừng để đào thoát. Và khi đến bìa rừng thì chỉ còn lại mấy mống vì đạn pháo đủ loại đan dày khắp nơi. Bị thương ở chân, tôi không thể đi đâu xa được, chỉ nằm trong một bụi cây ven bờ suối, nằm một chỗ suốt một ngày một đêm, đói đến hoa con mắt.

Chắc chắn là mình trước sau gì cũng chết vì vết thương và đói, tôi nằm thu mình trong lùm bụi cây chồi kề bờ suối, mỗi lần khát là bò lết ra vục nước uống.

Đến sáng ngày thứ hai thì tôi đã kiệt sức, không còn bò ra kiếm nước uống nữa, mắt lờ đờ nhìn mặt trời phản chiếu dưới đáy suối. Lạ thay kề một bên vừng thái dương kia là một chiếc mũ tai bèo đang cúi xuống. Ôi trời! Một anh bộ đội đang lấy nước, lần đầu tiên tôi mới tiếp cận một đối phương  gần đến thế, khoảng cách rất gần tưởng như mấy xoải tay là đụng anh ta ngay. Tôi thò tay vào thắt lưng cầm trái lựu đạn cuối cùng. Bất giác anh bộ đội ngẩng đầu lên cao, khuôn mặt trẻ tươi nghịch ngợm trước màu bạt ngàn xanh thẩm của rừng. Anh ta còn quá trẻ, quá trẻ như tôi vậy. Bàn tay của tôi tôi bỗng lơi ra. Tại sao tôi có thể giết chết một người đang hồn nhiên vô tư dưới ánh nắng ban mai? Cũng như tôi, chàng trai trẻ này chắc cũng còn mẹ già ngày đêm mong ngóng con về. Chàng trai trẻ này chắc cũng chưa bao giờ dám nắm tay một người con gái trước khi khoác áo lính. Tại sao tôi có thể khai tử khuôn mặt ngời tuổi xuân kia,  khi anh ta vô tình không hề biết mạng sống của mình sắp bị tước đoạt bởi một đối phương ẩn núp trong bụi rậm. Tôi là một kẻ hèn hạ biết bao khi biết trước mình sẽ chết mà còn cố tình đem theo một cái chết của kẻ khác.

Quả lựu đạn vẫn chưa rút chốt, tôi liệng nó qua một bên và kêu lên:

- Cứu tôi…cứu tôi với!

Anh bộ đội liệng nhanh can nước và chỉa khẩu AK về phía tôi

- Ai đó! Bước ra nhanh không thì bắn bỏ!

- Tôi…sắp… ch…ết.

Nửa mê nửa tỉnh, tôi cứ e sau khi nhìn thấy sắc phục của tôi, anh ta sẽ cho tôi một viên kẹo đồng vào đầu. Nhưng lạy trời! Không phải vậy. Sau khi cẩn thận đến gần, xem xét thấy tôi bị thương thật. Anh bộ đội bỏ đi một lát rồi trở lại cùng các đồng đội với chiếc xe bò kéo được trưng dụng của dân làm rừng.  Tôi được chở về, anh vội vả băng bó cấp tốc vết thương và đem cho tôi một gà mên cơm.

Sau này tôi mới biết đơn vị của anh có nhiệm vụ ém quân vào cánh rừng phía Đông Phước Long để chờ đánh lính Sài Gòn từ hướng Đồng Xoài có thể đổ lên cứu viện. Đại đội của tôi vừa trốn thoát ra khỏi Phước Long, đã lọt vào trận địa của các anh.

Mấy ngày sau tôi được chuyển lên xe chung với một số anh em tù binh khác để về tuyến sau. Từ đó chúng tôi không còn gặp nhau nữa, nhưng tôi cũng đã kịp biết tên anh, cũng đã kịp tìm cách để từ giã, đưa tấm thẻ bài ghi tên họ của tôi cho anh:

- Tôi còn mạng sống đây là nhờ ơn anh, tôi không bao giờ quên. Sau này nếu tôi không được về thì nhờ anh giao giùm tấm thẻ bài này về báo tin cho gia đình tôi.

Anh cười trấn an:

- Chính sách đối xử với tù binh của Mặt Trận Giải Phóng rất nhân đạo. Anh cứ yên tâm cải tạo tốt, sau này sẽ trở về với gia đình thôi mà

Đúng như lời của anh. Sau ngày 30 tháng tư, tôi được trả tự do.  

Mãi mê kể chuyện, xe của chúng tôi đã vào thị xã lúc nào không hay. Phố sá trở nên sầm uất, con đường chính chính thênh thang dẫn vào nội ô rợp cờ hoa. Đã sắp đến ngày kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh. Trước khi thành thủ phủ của tỉnh, con đường này vẫn còn là đất đỏ, nhà của hai bên thưa thớt. Không ai có thể ngờ được một thời gian sau đã trở thành phố thị tấp nập, một sự thay da đổi thịt không chỉ riêng cho Đồng Xoài mà chung cho tất cả các thị tứ của đất nước thân yêu.

Con dốc thoai thoải nghiêng nghiêng. Ánh nắng vàng tươi trải màu mật vàng óng.

Vũ nhắc tôi:

- Nhà của bác Viễn ở đường nào hả bố? Để chú tài sẽ đưa ba đến đó trước.

- Đường Phú Riềng Đỏ con ạ.

Vũ reo lên. Ô hay quá, nhà của Hương cũng ở đường này bố ạ!

Khi nghe tôi đọc số nhà. Hương trố mắt nhìn tôi:

- Ôi bác ơi. Có phải người mà bác vừa kể là Hoàng Duy Viễn không?

- Đúng rồi. Mà sao con biết?

- Dạ…Vì…đó là bố của con.

Thật bất ngờ. Tôi xúc động lắp bắp nói không nên lời:

- Thật thế phải không cháu?

- Thật bác ạ. Cháu nghe bác nhắc đến tên của bố, cứ ngờ ngợ nhưng không thể ngờ lại có chuyện dun rũi cho bác đã gặp bố cháu như thế.

Tôi lặng người đi mấy giây. Người ngày xưa tôi đã thọ ơn sâu, tưởng là không thể gặp nhau nữa. Ai ngờ hơn ba mươi năm sau lại sắp hội ngộ, và lại sắp trở thành ông sui!

Xe dừng lại, anh Viễn đã đứng sẵn trước cổng để đón. Tôi dễ nhận ra anh vì dáng dong dỏng cao. Tóc đã bạc hoa râm nhưng tôi vẫn dễ nhận ra mái tóc cắt ngắn ba phân lộ ra vầng trán kiêu hãnh của anh ngày nào

Hương lao xuống xe ôm chầm lấy bố:

- Bố ơi! Bác Cận là ba của anh Vũ đấy

Đến lượt anh Viễn trố mắt đứng sững sờ. Tôi nắm lấy tay anh lay mạnh

- Đúng rồi anh Viễn ơi! Tôi chỉ biết cháu Hương là con của anh, mới đây thôi…mới đây thôi.

Sau phút xúc động. Trấn tỉnh lại, anh Viễn cười lên ha hả.

-Ôi ông trời sao khéo sắp đặt, nếu ngày ấy mà một trong hai chúng ta không kềm chế mà nổ súng. Thì đâu có được ngày hôm nay, cậu nhỉ!

Tôi quay lại nhìn Vũ và Hương:

- Như vậy đúng là duyên nợ thật anh nhỉ!

Anh Viễn gật gù:

- Duyên nợ như đã sắp đặt trước. Chắc là vậy!



TRƯƠNG ĐÌNH TUẤN
truonghuynhtth@gmail.com
READ MORE - DUYÊN NỢ - Truyện ngắn của Trương Đình Tuấn

TẾT TUỔI GIÀ, LÒNG TUỔI TRẺ - Nguyễn Thanh Xuân họa thơ Võ Làng Trâm







Mắt đã chào, tay chửa thể rời

Nhớ nhau bạn lão Tết thăm chơi

Cười vui tíu tít chúc rồi chúc

Trò chuyện râm ran lời nối lời

Thơ thẩn đôi vần nhấp nhỏm viết

Chè ngon mấy ấm mải mê xơi

Ô hay bà đến lúc nào vậy?

Đợi chút, người ơi ta nhớ  đời!





Nguyễn Thanh Xuân
nhuxuan29@gmail.com
487/2 đường Cổ Nhuế, Từ Liêm-HN
READ MORE - TẾT TUỔI GIÀ, LÒNG TUỔI TRẺ - Nguyễn Thanh Xuân họa thơ Võ Làng Trâm

TUỔI CAO VUI XUÂN - Thơ xướng họa - Võ Làng Trâm biên tập


DÈ CHỪNG

NgàyTết loanh quanh cũng rã rời !
Xem chừng cơ thể chẳng buồn chơi .
Lên chùa lễ bái chân tê khớp ,
Xuống phố giao lưu miệng líu lời .
Cơm cá tương rau còn gắng nuốt ,
Thịt thà bia rượu hết thèm xơi .
Tuổi già ăn uống nên kiêng cử ,
Huyết áp đường cao bệnh cuối đời !
                                  
Võ Làng Trâm



CẨN THẬN
 
Mừng xuân nên nhớ chẳng xa rời
Những chốn ồn ào chớ đến chơi.
Mắt thấy thị phi nên tịnh khẩu
Tai nghe miệng tiếng đừng thêm lời.
Vại bia để ý xa càng tốt
Chén rượu chấp nê tránh phải xơi.
Gìn giữ kỷ cương cho phải đạo
Tuổi cao sống đẹp để vui đời.
                                
Lương Thế Hùng


   
TIẾC CHI
 
Xuân đã qua, sao chẳng chịu rời ?
Tiếc làm chi nữa, sức đâu chơi !
Đêm năm tiếng ngủ, ba lần dậy
Ngày bốn lần ăn, chẳng một lời !
Níu kéo vàng son, không phở nuốt
Bằng lòng hiện tại, có cơm xơi .
An tâm tận hưởng niềm vui sẵn
Thanh thản ngao du trọn nẻo đời.
                           
Sông Thu



DÊ NGÀY XUÂN

Tết nhứt vì đâu phải rụng rời
Tuổi gìà sức yếu ở nhà chơi
Đơn côi lẻ bạn không yên dạ
Ham hố lứa đôi phải lựa lời
Bánh tét bánh chưng không chịu nuốt
Đồ tươi thịt sống lại ham xơi
Già rồi mà vẫn còn dê cụ
Hứng chí ngày xuân rút ngắn đời
                        
Văn Thanh

Hình minh họa:
Thiệp chúc tết của Nguyễn Bá Văn




 
READ MORE - TUỔI CAO VUI XUÂN - Thơ xướng họa - Võ Làng Trâm biên tập