Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, May 8, 2013

Phan Kỷ Sửu - HÀNH KHÚC GIẢI PHÓNG - MỘT CÔNG TRÌNH BIÊN SOẠN ÂM NHẠC CÁCH MẠNG MIỀN NAM ĐỒ SỘ, CÔNG PHU


“Tôi thực sự choáng ngợp trước bộ biên niên sử đồ sộ HÀNH KHÚC GIẢI PHÓNG…” Đó không chỉ là cảm nhận riêng của nhạc sĩ Doãn Nho trong Lời giới thiệu tập sách mà là của đông đảo độc giả quan tâm đến lĩnh vực âm nhạc Việt Nam. Đây là một công trình  sưu khảo và biên soạn mới nhất của các tác giả Lư Nhất Vũ, Lê Giang và Lê Anh Trung do nhà xuất bản Trẻ (TP.HCM) xuất bản. Trong đó, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang là những gương mặt quen thuộc có quá trình hoạt động nghệ thuật lâu năm trong kháng chiến chống Mỹ với vốn thực tế và tư liệu rất phong phú.


Trên bìa sách, hình ảnh lá cờ sao vàng rực sáng trên nền cờ nửa đỏ nửa xanh thân thuộc tung bay như vọng về trong tâm thức độc giả cả một quá khứ hào hùng của mảnh đất miền Nam một thời  là nơi đầu sóng, ngọn gió.

Tựa đề “Hành khúc giải phóng” là mượn tựa ca khúc "Hành khúc giải phóng” của Hoàng Hiệp và Lưu Hữu Phước dưới bút danh Lưu Nguyễn - Long Hưng. Cuốn sách dày trên 1400 trang khổ 19x26cm tập hợp 581 tác phẩm thanh nhạc và hợp xướng của 56 nhà thơ và tác giả lời ca phản ảnh những bước thăng trầm của lịch sử trong suốt 20 năm (1955-1975), một giai đoạn đấu tranh thống nhất đất nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đội ngũ những người sáng tác hồi đó thật hùng hậu, từ những gương mặt quen thuộc từ hậu phương lớn miền Bắc, những tác giả được chi viện cho chiến trường miền Nam đến những tác giả tại chỗ, trưởng thành từ phòng trào Đồng Khởi của đất miền Nam thành đồng bất khuất. Có tác giả hiện nay đã mãi mãi đi xa.

Từ ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, hòa bình được lập lại trên đất nước, tổng tuyển cử thống nhất đất nước.Trong khi chờ đợi tổng tuyển cử, vĩ tuyến 17 được chọn làm giới tuyến tạm thời. Đó là thời điểm mà các tác phẩm âm nhạc khởi điểm cho sự hình thành của nền âm nhạc Giải phóng liên tục xuất hiện. Sau đó, đế quốc Mỹ phản bội Hiệp định Genève, xây dựng chính quyền tay sai ở miền Nam, thực hiện âm mưu thôn tính miền Nam và sử dung mảnh đất nầy làm bàn đạp tiến công miền Bắc, áp đặt chế độ thực dân mới của chúng ở  Đông Dương. Nhân dân ta lại ra trận. Ngày 20/12/1960 tại Tân Lập (Tây Ninh), Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt nam ra đời, mở đầu cho một giai đoạn đặc biệt của âm nhạc Cách mạng Việt Nam, là thời điểm hình thành chính thức gương mặt Âm nhạc Giải phóng. Âm nhạc Giải phóng trong suốt chặng đượng 20 năm đánh giặc đã bám sát và phục vụ tích cực cho các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng binh vận  tức là “ba mũi giáp công”. Nói chung là phục cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của cả dân tộc.

Kế thừa truyền thống của Âm nhạc Cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, âm nhạc Giải phóng đã đóng góp thật tích cực và to lớn cùng cả nước làm nên đại thắng  mùa xuân  30/4/1975. Đó là những tiếng hát của một thời và mãi mãi. Những bài ca không quên đã đi vào lịch sử của cả một dân tộc.

Sách chia làm hai phần lớn. Trước khi đi vào nội dung nòng cốt,  nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã có một khảo cứu có tính chất khái quát, khẳng định vai trò lịch sử vẻ vang của Âm nhạc giải phóng miền Nam.

Phần đầu là phần sưu tầm 581 ca khúc với tựa đề  chung MỘT LỜI NGUYỀN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM. Các ca khúc được phân chia thành 14 đề mục khác nhau. Mỗi đề mục phản ánh một góc cạnh, một không gian, một  giai đoạn, một thời điểm lịch sử của cuộc kháng chiến thần thánh của quân dân miền Nam anh hùng như  “Bài ca Hy vọng”, “Bài ca Trường Sơn”, “Tiến lên chiến sĩ, đồng bào” ,”Bão nổi lên rồi”,  “Ngợi ca anh hùng, dũng sĩ miền Nam”, “Hát cho dân tôi nghe”, “Đất nước trọn niềm vui”... Trong từng đề mục là nguyên văn có cả ký âm các ca khúc. Có những bài rất quen thuộc và cũng có những bài ít người biết, đã được tập hợp và sắp xép lại thành hệ thống. Qua 581 ca khúc đã thể hiện tình cảm và niền tin mãnh liệt của nhân dân miền Nam đối với Đảng và Bác Hồ kính  yêu, những ước mơ, khát khao cháy bỏng của toàn dân về  chiến thắng cuối cùng, thống nhất tổ quốc như Bài ca hy vọng (Văn Ký), Lời ca dâng Bác (Trọng Loan), Tình Bác sáng đời ta (Lưu Hữu Phước), Miền Nam Nhớ mãi ơn Người (Lưu Cầu), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường), Người sống mãi trong lòng miền Nam (Nguyễn Đồng Nai)…

Ngày mồng Một Tết Tân Sửu (15-2-1961), các lực lượng vũ trang cách mạng thống nhất thành Quân giải phóng miền Nam, anh “Giải phóng quân" là “hậu duệ” của anh "lính Cụ Hồ", một hình ảnh tuyệt với đã được các nhạc sĩ khai thác một cách mạnh mẽ, hào hùng và sinh động như  “Bài hát Giải phóng quân” (Long Hưng), Ta là chiến sĩ giải phóng quân (Văn Lưu-Triều Dâng), Chào anh giải phóng quân chào mùa xuân Đại thắng (Hoàng Văn), Gởi anh Giải phóng quân miền Nam (Phan Thanh Nam), Giải phóng miền Nam (Huỳnh Minh Siêng), Hành khúc  giải phóng (Lưu Nguyễn-Long Hưng), Xuân chiến khu (Xuân Hồng), Tiến lên chiến sĩ đồng bào (Huy Thục phổ nhạc theo thơ Bác Hồ), Hành quân  đêm (Xuân Hồng-Trí Thanh)… Trong đó ca khúc “Giải phóng miền Nam” là bài ca chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, là hiệu lệnh thúc giục quân dân miền nam xông lên  đánh Mỹ, lả sứ giả của nhân dân miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đối với bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó là những ca khúc viết về con đường Trường sơn huyền thoại,về những chiến thắng vẻ vang trong hành trình đánh giặc.Trong tiếng súng của Ấp Bắc, Bình Giả, Bến Cát, Tây Nguyên còn có  những chiến công trên chiến trường Tây Ninh oanh liệt (Hát mừng Tây Ninh chiến thắng-Trí Thanh, Tây Ninh chiến thắng-Lê Lương). Rồi những ca khúc mang âm điệu hùng tráng của đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử (Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh-Xuân Hồng, Đất nước trọn niền vui-Hoàng Hà..)

“Có một dòng  luân lưu âm nhạc chảy vào dòng sông lớn của âm nhạc cách mạng Việt Nam, góp phần tăng thêm sức mạnh cho âm nhạc giải phóng…” (Lư Nhất Vũ). Đó là những bài ca  đấu tranh  trực diện với quân thù, hừng hực sức sống của phong trào sinh viên,học sinh tại các thành phố miền Nam, Phong trào “HÁT CHO ĐỒNG BÀO TÔI NGHE”, phát triển mạnh từ thời gian trước và sau Tết Mậu Thân 1968. Tên tuổi của các ‘nhạc sĩ sinh viên” ở Sài Gòn như Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh,Trần Long Ẩn, La Hữu Vang, Miên Đức Thắng, Nguyển Xuân Tân,Trần Xuân Tiến, Phạm Thế Mỹ, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Phú Yên… với những ca khúc “Dậy mà đi: “Hát cho đồng bào tôi nghe” ,“ Người mẹ Bàn Cờ”,  “Hát trong làn khói đạn”, “Tự nguyện”, “Tiếng hát dậy từ lòng đất” “Không ai ngăn nổi lời ca”…vang dội trên phố phường dậy lửa ngày nào nhắc nhở mãi trong lòng tuổi trẻ hậu sinh khí phách hào hùng của thế hệ cha anh…

Phần thứ hai “ĐƯỜNG CÀNG XA CÀNG NHỚ” tập hợp những hồi ức, ghi chép của các nhạc sĩ sáng tác và những người hoạt động trong ngành âm nhạc giải phóng. Là một kho tàng lịch sử sống động khẳng định vai trò lịch sử và sức sống vô tận của âm nhạc giải phóng.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ  cũng đã khẳng định: “Mặc dù được coi đây là một tập hợp, một quy tụ lớn nhất từ trước đến nay những bài ca giải phóng, song vẫn còn biết bao nhiêu ca khúc chưa thể góp mặt lần nầy. Có những bài hát bị thất lạc không còn văn bản, chỉ được nhắc đến trong những hồi ức của tác giả…”, thế nhưng tác phẩm “HÀNH KHÚC GIẢI PHÓNG” đã khẳng định được sự thành tựu của nền âm nhạc giải phóng miền Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp kháng chiến, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Là hành trang của nhiều thế hệ trên con đường xây dựng đất nước hôm nay và mai sau.

                                                   PHAN KỶ SỬU

     
READ MORE - Phan Kỷ Sửu - HÀNH KHÚC GIẢI PHÓNG - MỘT CÔNG TRÌNH BIÊN SOẠN ÂM NHẠC CÁCH MẠNG MIỀN NAM ĐỒ SỘ, CÔNG PHU

Thơ xướng họa của Linh Đàn, Trương Đình Đăng, Lê Đăng Mành, Lê Văn Thanh, Hồ Trọng Trí, Thúy Vi


Bài xướng: BÊN HIÊN      
Thúy Vi – HCM

Sáu tư tơ tóc của thuyền quyên
Dáng liễu nghiêng qua khổ lụy phiền
Nụ thắm nắng mưa chua chát phận
Hoa thơm sóng gió dật dờ duyên
Ôm xuân lộng bóng còn mơ vọng
Níu nguyệt dầm hương lại ước nguyền
Dạo khúc tình si sầu muộn phím
Bóng chiều nhạn lẻ lã bên hiên.
          
                                                                    
             Bài họa nguyên vận:
             HIÊN CHIỀU LẠNH
             Lê Văn Thanh
             (ĐT: 01696 088 466)

             Nắng ngã vàng thu tiếng đỗ quyên
             Cung sầu vắng bạn nhuốm ưu phiền
             Đêm đêm thổn thức thương thân phận
             Sáng sáng mơ màng tủi nợ duyên
             Nhớ thuở xuân qua xanh ước vọng
             Mong thời thu muộn thỏa hương nguyền
             Chao ôi ! Nắng quái đàn xa phím
             Bóng nhạn chiều đơn lạnh trước hiên

             ***   

Bài xướng: CHUYẾN ÐÒ CHIỀU
Linh Đàn

Tay đưa nhè nhẹ mái chèo ngang
Mà thấy sao thơ lộn bóng vàng
Một góc trời mơ - mơ bát ngát
Đôi bờ bến nhớ - nhớ mênh mang
Mãi nghe tim réo lời lưu luyến
Còn hỏi ai chi chuyện lỡ làng
Thầm trách - mà thôi đừng trách nữa
Bóng chiều vẫn đẹp tiễn em sang

                         

             Bài họa: ĐÒ CHIỀU TIỄN BIỆT
             Hồ Trọng Trí
             (BR– VT. ĐT: 01667332652)

             Chiều đông tiễn bạn chuyến đò ngang.
             Tâm trạng miên man chuyện đá vàng.
             Rời bến ưu tư tình trĩu nặng.
             Xa bờ vương vấn phận đa mang.
             Người đi đau xót niềm ly xứ.
             Kẻ ở sầu thương cảnh biệt làng.
             Đôi ngả từ đây đành cách trở.
             Phương trời ai nhớ buổi đưa sang!


           ***

Bài xướng: TIẾNG GỌI ĐÀN
Lê Văn Thanh


Bận lòng chi rứa, hỡi thi nhân
Vướng nợ văn chương hãy tiếp vần
Hoàng Hạc lầu xưa không thấy nữa
Mạch sầu Thôi Hiệu vẫn còn ngân
Nỗi niềm cơm áo dù thôi thúc
Bút pháp đa đoan chớ ngại ngần
Nối mạng thơ Đường đang đợi bạn
Tiếng tơ đồng vọng  hỡi thi nhân
                                       


            Bài họa: CHUNG TAY.
            Hồ Trọng Trí
                                  
            Tha hóa cả rồi! Hởi thiện nhân.
            Cùng nhau vun đắp góp dăm vần.
            Suy tàn nhân nghĩa - Đời vô vọng.
            Vực dậy thế tình - Đạo lý ngân.
            Nhân loại lương tâm đang vẩn đục.
            Văn chương hảo ý mãi trong ngần.
            Trần gian đầy dẫy tuồng điên đảo.
            Thức tỉnh lòng người – hỡi thiện nhân!
                                          
             ***


Bài xướng: LÃO NÔNG QUÊ NHÀ              
Trương Đình Đăng (Đà Nẵng)   

          
Phì phèo khói nhả ngắm trời cao.              
Lão đếm dắng cay nhẩm ngọt ngào.              
Xưa bước theo trâu hò túc tắc.              
Nay ngồi trên máy hát nghêu ngao.              
Thương ngày vắt đất mồ hôi kiệt.              
Khoái lúc khai mương thủy lợi trào.              
Gieo sạ cấy trồng chừ cũng khác.              
Bội thu mà lại bớt gian lao.
                                     
             

             Bài họa: KIẾP NÔNG DÂN
             Hồ Trọng Trí
 
             Nhà nông muôn thuở cậy xanh cao.
             Bão lũ thiên tai khiến nghẹn ngào.
             Xe nước sức người tuy vất vã.
             Máy dầu nhiên liệu cũng "ngán" ngao.
             Trước dân canh tác lòng hưng phấn.
             Nay đất qui hoang lệ ứa trào.
             Phân, thuốc thị trường tăng chóng mặt.
             Thu mua chèn ép - uổng công lao.
                                                                           
             ***

Bài xướng: KHUYÊN MÌNH             
Trần Ngộ (Lâm Đồng)

Thôi về cho kịp kẻo người ta ...
Phận vợ đi đâu chớ để mà ...
Vâng dạ lo gìn nền của giống...
Trình thưa liệu giữ nếp con nhà...
Dưỡng nuôi mẹ yếu đừng lo phải...
Cung phụng cha đau chẳng sợ là...
Rễ thảo dâu hiền nào có mấy...
Đạo đời chưa trọn mới sinh ra...



Bài họa 1:
NHẮN AI
Trương Đình Đăng (Đà Nẵng)

Trông thấy trò đời khiến dạ ta...
Kỷ cương phép nước để đâu mà...
Lương tâm đạo lý chừng như giống...
Nền nếp gia phong đã khác nhà...
Quên phận tôi ngay toàn tính phải...
Bỏ danh công bộc chỉ lo là...
Dưới trời âm vọng còn vang mấy...
Tham lắm có ngày đổ khỏi ra...


Bài họa 2:
ĐỢI NÓ
Lê Đăng Mành (Q.Trị)

Nòng nanh*mà nói thì lòng ta...
Sợ xía bút vô khó hỏi mà...
Đầu trộm đuôi tham in cái giống...
Tay quơ miệng góp tợ đồ nhà...
Khoa trương nhân nghĩa mưu mô phải...
Quảng bá đức nhân gạt gẫm là...
Lồng lộng lưới trời giăng đợi nó...
Qua mưa nước hạ ló đuôi ra...

*Nòng nanh: xí xọn (Nam bộ)


              Bài họa 3: CẨN TRỌNG
              Hồ Trọng Trí


              Họa thơ thật khó bởi vì ta...
              Muốn tiến bộ nhanh ấy thế mà...
              Kẻ xướng chưa tròn khâu diễn ý.
              Người hòa khó vẹn tiếng là nhà...
              Giao lưu trên mạng nên cân nhắc...
              Trao đổi trong đời chắng buộc là...
              Thi hữu đa phần không nắm được...
              Văn chương bát nháo mới thành ra...
     
               *****

               VNQT đăng nguyên văn bài gởi từ email của tác giả và sẵn lòng chờ đợi sự góp ý của bạn đọc vào phần bình luận (Post a comment) dưới bài.
READ MORE - Thơ xướng họa của Linh Đàn, Trương Đình Đăng, Lê Đăng Mành, Lê Văn Thanh, Hồ Trọng Trí, Thúy Vi

VẺ ĐẸP ĐƯỜNG THI (Thủ vĩ tam hoàn) - thơ Trần Thị Quỳnh Hoa



Chiều buồn lướt Nét dạo lang thang
Ghé góc Đường thi chợt ngỡ ngàng
Câu tứ người gieo tình thắm thiết
Ngôn từ bài họa ý đoan trang
Tưởng hồn lạc giữa cung trời mộng
Tỉnh giấc ra đây chốn địa đàng
Thương áng hoa văn ai khéo dệt
Lời lời châu ngọc đẹp mang mang


Lời lời châu ngọc đẹp mang mang
Sống động không gian mạng ảo làng
Anh mượn vần thơ nâng bước ngọc
Chị nhờ làn điệu nối duyên vàng
Sẻ chia cùng bạn đời xuôi ngược
Bỏ lại bên lề chuyện trái ngang
Khảy tiếng tơ lòng ru cõi thế
Kiếp tầm ngẫm nghĩ thế mà sang


Kiếp tầm ngẫm nghĩ thế mà sang
Vui thú thanh tao hưởng cảnh nhàn
Vẫy bút gom mây lồng nét chữ
Ướp hương vào giấy gửi thềm trăng
Chẳng mong xuân, hạ tròn vành vạnh
Chỉ ước thu, đông được lặng bằng
Sáng đạp xe quanh chào nắng mới
Chiều buồn lướt Nét dạo lang thang…


TT.Quỳnh Hoa


READ MORE - VẺ ĐẸP ĐƯỜNG THI (Thủ vĩ tam hoàn) - thơ Trần Thị Quỳnh Hoa

THÁNG GIÊNG BÊN MẸ - thơ Huy Uyên


  
Con trở về bên mẹ chiều nay
Trời rét ngọt và mưa nhiều ơi mẹ
Nén hương buồn ngậm ngùi nghi ngút cháy
Một mình con với mẹ một mình thôi.
Mới tháng giêng mà con tưởng lâu rồi
Mộ đã cũ và cỏ vàng nhiều quá
Nơi mẹ nằm không như tàu lá
Bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn.
Lời ca dao xưa như mũi kim châm
Mẹ ru đời con đến khi khôn lớn
Con biền biệt đi chân trời góc biển
Để mẹ buồn mà già trước tháng năm.
Con vô ơn thua cả loài chim
"Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội"
Thế mà đời con mãi hoài lầm lỗi
Đau đớn nào hơn tiếng mẹ thở dài!
Mẹ cả đời một nắng với sương hai
Manh áo rách giữa đồng không mông quạnh
Mò cua bắt ốc sớm mang chiều gánh
Để lo cho cái học của đời con.
Thương dáng ai bao năm tháng mỏi mòn
Con trở lại bên bến đời quạnh vắng
Còn lại chăng lời ru xưa lắng đọng
Trong ráng chiều soi lẻ bóng cò bay.
Mẹ đi rồi mà có biết chiều nay
Một mình con bơ vơ bên mộ mẹ
Mẹ đi rồi sao con không thể
Trước mặt con chỉ nắm đất lạnh buồn.
Chiều về rồi còn lại một mình con ...
Huy Uyên
(12-5, ngày của mẹ)
READ MORE - THÁNG GIÊNG BÊN MẸ - thơ Huy Uyên

ĐÔNG HÀ - thơ Hoàng Yên Lynh




Ai đặt tên phố Đông Hà yêu dấu
Người ly hương mang nỗi nhớ vô cùng
Để đêm đêm nơi cuối trời viễn xứ
Vẫn hỏi lòng có về lại miền Trung.

Con phố vắng đìu hiu trong hoa nắng
Những con đường mưa đẫm ướt đôi vai
Có tiếng hát Học dịu dàng say đắm
Đời mang theo xuôi ngược núi sông dài.

Ai đặt tên Đông Hà ơi tha thiết
Sao chạnh lòng người phiêu bạt xa quê
Dẫu buồn vui , dẫu đường đời thấm mệt
Kiếp tha hương canh cánh một lối về.

Đông Hà ơi gọi tên trong tiếc nhớ
Người đi xa thao thức những canh dài
Lối xưa về cố nhân đời cách trở
Bến sông chờ ... Chao liệng cánh chim bay.


HOÀNG YÊN LYNH


READ MORE - ĐÔNG HÀ - thơ Hoàng Yên Lynh