Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, June 2, 2013

NHÀ CÓ HOA MIMOSA VÀNG - truyện ngắn Nguyễn An Bình



 Tôi đi qua khu chợ bán rau cải để đến nhà Kiệt như đã hẹn. Buổi sáng Đà Lạt se se lạnh sương vẫn chưa tan hết, những sọt rau xanh tươi được các nhà vườn chuyển tấp nập ra vào khu chợ, xen lẩn tiếng ồn ào bán hàng, trả giá  tạo một khung cảnh mua bán náo nhiệt.Quấn lại chiếc khăn len mỏng cho đở lạnh, Tôi bước lên mấy bậc thang ở cuối chợ rau len qua một ngách nhỏ là qua một con phố khác. Ở Đà Lạt phố xá thật lạ, khi lên cao khi xuống thấp, có chổ chỉ cần qua vài bậc thang ngắn là có thể ngoặt qua một khu phố khác, không khí mới ồn ào ở nơi nầy thì lại yên ắng, vắng vẻ ở nơi khác ngay.

Nhà của Kiệt ở gần cuối con phố , cậu ta nói chỉ cần bước vào con phố nầy là nhận ra nhà cậu ta ngay bỏi vì duy nhất ở đây chỉ riêng nhà Kiệt có trồng cây mimosa vàng.Tôi và Kiệt quen nhau từ khi hai chúng tôi nhận được học bống du học ở Singapore, quê Kiệt ở Đà Lạt, còn quê tôi ở miền Tây.Chúng tôi học chung ngành công nghệ.Kiệt yêu thích âm nhạc, âm nhạc Ngô Thụy Miên và Trịnh Công Sơn như chảy trong máu của hắn,ca từ trong những bản nhạc của hai nhạc sĩ nầy không chê vào đâu được, đi chơi đâu nếu có dịp là Kiệt đem theo cây ghi-ta để nghêu ngao ca hát, còn tôi lại thích thiên văn, nhưng không vì thế mà hai chúng tôi lại không thân nhau. Lần nầy về Đà Lạt chúng tôi đi theo chương trình giao lưu giữa sinh viên trường đại học chúng tôi đang học với một trường trung học phổ thông nơi đây, ba Kiệt là hiệu trưởng của trường THPT nầy nên giấy tờ, sinh hoạt, tham quan đều rất thuận lợi.Hôm nay là ngày cuối của chương trình giao lưu chúng tôi được tự do trọn ngày, ba mẹ Kiệt muốn mời tôi đến nhà chơi.Cùng đến thăm nhà Kiệt hôm nay còn có Mai, bạn gái Kiệt cũng là sinh viên công nghệ Sing có mặt trong đoàn chúng tôi từ đầu.  

Ngôi nhà có cây mimosa vàng nổi bật trên con phố,nó cao lớn nhưng thon thả tươi mát, mùa nầy mặc dù đã vào tháng năm nhưng cây vẫn trổ những chùm hoa vàng hình cầu rực rỡ,tỏa hương thơm mát dịu.Tôi nghe nói giống cây nầy có xuất xứ từ Úc được du nhập vào nước Pháp rất sớm và nó  đã theo chân bác sĩ Yersin  đến đây khi ông khám phá ra cao nguyên Lang Biang sau nầy trở thành thành phố hoa Đà Lạt xinh đẹp ngày nay.Thật ra cây mimosa chẳng có giá trị kinh tế nào đáng kể nhưng vì sắc vàng rực rỡ của nó quyến rũ làm say đắm lòng người nên người ta đã trồng nó trên những con đường,quả đồi để tô điểm thêm cho vẻ đẹp của xứ sở ngàn hoa,cứ thế sắc hoa vàng thấp thoàng từ trong ngõ nhỏ đến một số con đường lớn.Khác với hoa dã quỳ, cánh to rực rỡ nhưng lại mau tàn, còn hoa mimosa lại bền bĩ hơn, nó nở hết đợt hoa nầy đến đợt hoa khác nhất là vào mùa xuân là thời điểm mãn khai nhất của nó, hoa lại khoe sắc vàng, óng ánh mịn mượt như nhung, nở tung hết cánh li ti từng chùm, hình cầu trông thật thơ mộng,duyên dáng. Cây có dáng đẹp,cành lá lấp lánh ánh bạc, đặc biệt có hương thơm ngai ngái. Đồng bào dân tộc quen gọi mimosa là cây lá bạc hoa vàng và mùa xuân là mùa của lá bạc hoa vàng trên cao nguyên.Ngoài loại mimosa vàng nầy còn có loại mimosa khi nở màu hoa tím nhạt cũng rất dễ thương quyến rũ nhưng mấy hôm ở Đà Lạt tôi không thấy ai trồng, chẳng lẽ nó không phù hợp với sự thưởng thức của người dân phố hoa nầy hay sao nhỉ?

Trồng nhiều là thế, nhưng suốt con phố nhỏ nầy chỉ có ngôi nhà của Kiệt là trồng mimosa nên người ta có thể thấy nó nổi bật và dễ nhận ra hơn những ngôi nhà khác, ngôi nhà có hàng rào bằng gổ thông, những thanh đứng đóng cách khoảng thật đều đặn, đầu thanh chuốt nhọn hình mũi tên sơn trắng muốt sạch sẽ càng làm nổi bật lên ngôi nhà thấp thoáng phía sau.Tôi đứng tần ngần trước ngôi nhà có cây mimosa vàng đó một lúc thì trong nhà có người chạy ra. Một cô bé khoảng mười sáu, mười bảy tuổi gì đó nhưng lớn như một thiếu nữ, mái tóc dài mượt mà, óng ả  trong nắng sớm Đà Lạt, mặt xinh xắn nhanh nhẹn mở cổng reo lên:

- A!  anh Tân đến rồi, vào đi anh. Sao anh không bấm chuông.

Tôi ngạc nhiên nhớ là mình chưa từng gặp cô bé nầy, hơn nữa đây là lần đầu tiên mình đến Đà Lạt, làm sao cô bé lại biết tên mình. Tôi hỏi:

-  Sao bé lại biết anh ?

Cô bé nhìn tôi cười vẻ tinh nghịch:

- Mình đã gặp nhau rồi mà anh.

Tôi ngớ người ra.Chịu. Không biết gặp cô bé nầy lúc nào, nếu mở miệng ra nói không nhớ sợ cô bé nầy giận mất. Như đọc được suy nghĩ của tôi, cô bé nói luôn:

- Bốn năm trước em cùng ba mẹ đến sân bay tiễn anh Kiệt đi du học ở Sing, anh lúc đó cũng trong đoàn học sinh Việt Nam đi cùng anh Kiệt mà, đúng không?

À! Tôi nhớ ra rồi. Ở sân bay lúc ấy đoàn du học sinh chúng tôi và gia đình những người thân đi tiễn tập hợp lại chụp chung một tấm hình lưu niệm nhưng có một cô bé cứ níu lấy tay anh khóc thúc thít như không muốn anh nó lên máy bay làm ba mẹ nó phải dỗ dành mãi mới thôi. Thì ra là cô bé đây mà. Tôi nheo nheo mắt cười :

- Thế bây giờ cô bé có còn khóc nhè nữa không?

Cô bé nhìn tôi nguýt mắt rất hồn nhiên:

- Lúc đó người ta còn nhỏ xíu chứ bộ.

- Thế bây giờ bé thành người lớn rồi sao?

- Thôi! Không giởn với anh nữa đâu. Mới gặp mà anh đã chọc phá Vân rồi.

Tôi cười giả lả chưa biết nói gì, thì trong nhà có tiếng của Kiệt nói với ra và tiếng cười giòn tan,trong trẻo của Mai, tôi thầm nghĩ cô nầy đã đến trước mình một bước rồi. Vân khép cửa rào lại,giục tôi:

- Anh vào nhà đi, ba mẹ, anh Kiệt chị Mai đang chờ anh trông nhà đó.

Tôi bước qua khu vườn nhỏ để vào nhà bụng thầm nghĩ: Kiệt có cô em gái dễ thương thiệt.

*

Ăn sáng xong, chúng tôi  xin phép ba mẹ Kiệt đi tham quan đỉnh núi Lang Biang. Lang Biang là khu du lịch sinh thái cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 12 km về phía bắc thuộc địa phận thị trấn Lạc Dương, được đánh giá là khu du lịch sinh thái mang vẻ đẹp hoang sơ thuần khiết nhất vùng sơn cước hoang dã của tỉnh Lâm Đồng,nó được ví như nóc nhà của thành phố Đà Lạt. Lang Biang gắn liền với truyền thuyết về một đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết: chàng K’Lang-người dân tộc Cill và nàng H’Biang-người dân tộc Lạch. Do lời nguyền thù hằn giữa hai bộ tộc bắt họ phải chia lìa, họ nguyện bảo vệ tình yêu, bằng cách chết cùng nhau, cái chết của họ đã xóa bỏ hận thù guữa hai bộ tộc. Ngưỡng mộ trước tình yêu chung thủy của đôi trai tài gái sắc nầy các loài chim muông, cây cỏ đã bảo vệ vun đắp hai nấm mồ của nàng Lang và chàng Biang lâu dần thành ngọn núi có hai đỉnh đứng vững chải giữa trời xanh gọi là Lang Biang, nơi mà bất cứ du khách nào lần đầu tiên đến thành phố hoa Đà Lạt đều mong muốn được chinh phục. Không biết câu chuyện nầy có thật hay không mà nghe cô hướng dẫn giới thiệu với đoàn khách du lịch một cách trôi chảy say mê như chính cô ta là người chứng kiến mối tình thủy chung của cặp tình nhân nầy. Theo cô hướng dẫn viên, để lên tới đỉnh núi Lang Biang có ba cách: đi xe uoát, đi bộ hoặc leo dây. Nhóm tôi có hai cô gái và thời gian cũng không có nhiều nên chúng tôi chọn cách thuê xe lên đỉnh Lang Biang cho thuận tiện. Chiếc uoát chạy quanh co trên con đường nhựa dài khoảng 6km từ chân núi để lên tới đỉnh, băng qua những rừng thông bạt ngàn,trên đường chúng tôi bắt gặp những người dân tộc vai mang gùi đem những sản vật mà họ thu hái hay trồng trọt được xuống chân núi để bán hoặc trao đổi hàng hóa, vừa đi vừa nói chuyện líu ríu trông vui mắt. Cô bé Vân ngồi cạnh tôi lúc nào cũng tỏ vẻ thích thú, liến thóang hồn nhiên làm tôi cũng cảm thấy dễ chịu,thân thiện,Người tài xế thả chúng tôi xuống đỉnh núi Rađa, đây là đỉnh núi cao khoảng 2000m so với mặt nước biển hầu như quanh năm mây phủ, ở đây du khách có thể thả hồn theo những đám mây đang bồng bềnh trôi.Lúc còn nhỏ xem phim Tây du ký tôi mê đắm cảnh tiên nữ đang múa điệu nghê thường cho ngọc hoàng và quần tiên xem trong đám mây trôi bồng bềnh dưới chân, cảm giác ấy trở lại trong tôi khi đứng trên đỉnh núi Rađa nầy. Chúng tôi đi dọc theo đỉnh núi để ngắm cảnh. Đứng trên đỉnh núi nầy chúng tôi có thể ngắm trọn thành phố Đà Lạt mộng mơ trong tầm mắt của mình, nó hiện ra như một bức tranh thủy mặc huyền ảo, nhìn về phía tây xa xa là hồ Dankia-Suối Vàng trông như một tấm lụa đào khổng lồ vắt ngang núi đồi xanh ngắt, bạt ngàn. Ở lưng chừng núi là một thung lũng rộng, đó là “Thung lũng ngàn năm” nơi rất thích hợp cho du khách cắm trại qua đêm. Đâu đó nhiều nhóm du khách trải bạt ra nghỉ ngơi bày đồ ăn thức uống ra để thưởng thức, vừa ăn uống vừa trò chuyện vui vẻ.Chúng tôi cũng chọn một khoảng đất rộng để cắm trại. Kiệt bắt đầu gẩy đàn hát, Mai nghe có vẻ chăm chú say đắm. Vân có lẽ nghe anh mình hát quen rồi nên có vẻ lơ đảng nhìn đám mây đang bồng bềnh trôi, đứng lên đi lên phía trước để ngắm cảnh.Kiệt hất hàm về phía tôi như ngầm bảo đi theo Vân để bảo vệ cho em nó, có chuyện gì không yên với nó đâu.Tôi khẻ nhún vai thì đi vậy để cho ông bà còn tự do trò chuyện chứ. Tôi đi phía sau Vân nhưng không báo cho cô bé biết. Đang đi Vân bỗng kêu á một tiếng, người chao đảo như muốn ngã,tôi hoảng hốt chạy nhanh tới tay nắm lấy tay Vân kéo mạnh về phía mình, bờ ngực như núm cau mới nhú của cô gái mới lớn vô tình chạm nhẹ vào cánh tay tôi làm tôi giật mình thảnh thốt. Một cảm giác lâng lâng khó tả làm tôi muốn buông tay Vân nhưng sợ Vân té nên lại thôi.Tôi hỏi Vân để khỏa lấp vẻ bối rối của mình và làm cho cô bé đở ngượng vì tôi thấy gò má của Vân như ửng hồng lên:

- Cô bé có sao không?

Vân cúi xuống xoa bóp cái chân bị sụp xuống cái lổ nhỏ mà cô không để ý tới,kêu suýt xoa.Tôi nói:

- Thôi! Ngồi xuống đây nghỉ một lát đi, xem lại cái chân đã xem có sao không,bé nhé.

Vân ngoan ngoãn ngồi xuống cạnh đó tôi cũng ngồi xuống theo, bảo Vân đưa chân cho mình xem.Tôi xoa nhẹ bàn chân cho Vân đở đau nói:

 - Không sao đâu, một lát là hết đau thôi mà.

Vân có vẻ như mắc cở khi tôi xoa lên bàn chân của cô,giọng có vẻ cảm động:

- Bộ anh đi theo Vân hả? Sao ngay lúc Vân té mà anh đở Vân vậy?

Tôi cười có vẻ bí mật:

-  Bí mật quân sự,không nói được.

Vân cười nhìn về phía trước.Như chợt nhớ ra điều gì tôi hỏi:

- Sao ở con phố của bé chỉ có nhà của bé trồng mimosa vàng vậy?

Vậy ngôi nhà mới nổi bật,dễ kiếm chứ anh. Nói vui với anh vậy thôi chứ Vân thích loài hoa mimosa ấy lắm.

- Sao vậy?

- Vì loài hoa ấy có một truyền thuyết rất cảm động.

- Truyền thuyết gì thế bé?

Giọng Vân có vẻ mơ màng:

- Ngày xưa ở vùng đất Australia xa xôi tươi đẹp nằm giữa biển khơi đầy nắng ấm có đôi tình nhân yêu nhau say đắm.Chàng là một ngư dân thông minh, vạm vỡ.Nàng là con gái cưng của một gia đình quý tộc, đẹp rực rỡ yêu màu vàng và có tấm lòng nhân hậu,thương người. Nhưng gia đình nàng lại ép gả cho một gia đình quyền quý.Chàng buồn phiền từ bỏ biển khơi, lên vùng rừng núi xa xôi làm nghề giữ rừng để quên đi mối tình tuyệt vọng, thì thình lình nơi ấy xảy ra một trận cháy rừng dữ dội, chàng đã bất chấp nguy hiểm lăn xả vào để cứu những cánh rừng xanh và các con thú tội nghiệp,rồi ngọn lửa quái ác ấy đã thiêu chết chàng.Khi hay tin chàng trai bỏ biển lên ngàn để quên đi mối tình dang dở,nàng đã bỏ trốn trong đêm vu quy để đi tìm chàng. Nhưng đến nơi thì chỉ thấy xác chàng bên đống tro than của cánh rừng bị cháy. Đau đớn tột cùng và nàng đã gục chết bên xác người yêu.Từ đó trên vùng núi cao của đất nước Australia thơ mộng, nơi đôi tình nhân chết cho mối tình bất tử xuất hiện một loài cây thân mộc,lá màu xanh biếc, lấp lánh từng chùm hoa vàng thơm mát. Đó chính là loài hoa mimosa vàng tràn ngập trên thành phố Đà Lạt nầy đó.

- Vì vậy mà cô bé thích mimosa à?

- Vân không trả lời mà lại hỏi tôi:

- Chuyện tình của họ cảm động quá phải không anh?

- Bé lãng mạn quá đấy.

Vân cười hỏi qua chuyện khác:

- Mai anh về miền tây hở?

- Ừ! Mai anh cùng đoàn giao lưu bay về Sài Gòn, anh đón xe về miền tây thăm gia đình còn họ tiếp tục bay về Sing.

- Anh có nhớ Đà Lạt không?

- Nhớ chứ.

- Nhớ ngôi nhà có hoa mimosa vàng chứ?

  Tôi nhìn Vân ngập ngừng:

- Nhớ.

Rồi tôi nói khỏa lấp:

- Thôi! Mình đến chổ Kiệt và Mai đi kẻo hai người đó trông.

Chúng tôi xuống núi thì đã quá trưa.Từ chối khéo buổi cơm trưa nhà Kiệt để về.Trưa nay tôi muốn xuống phố ăn cơm bụi một bửa rồi lang thang một chút ở thành phố ngàn hoa nầy,mua vài món quà lưu niệm về cho gia đình. Vân giành ra mở cổng rào cho tôi, trước khi tôi đi Vân giúi đưa cho tôi một tấm thiệp,nhìn tôi nói:

- Anh Tân nhớ đọc nhé.

Tôi khẻ gật đầu quay đi. Đi một đoạn xa quay đầu nhìn lại vẫn thấy Vân còn đứng đó,nhìn theo.Thấy tôi quay lại Vân vẫy tay,tôi cũng vẫy tay chào lại rồi tiếp tục bước đi về phía chợ.

*

Ngồi trên máy bay nhìn qua cửa sổ,thành phố Đà Lạt đã bỏ lại sau lưng tôi chợt thấy lòng nao nao.Thành phố nầy có gì để nhớ nhỉ? Chợt nhớ đến tấm thiệp của Vân đưa cho tôi, lúc đầu tôi định về nhà mới mở ra xem nhưng rồi tò mò không biết cô bé viết gì, tôi lại lấy ra xem. Một chùm hoa mimosa vàng nhỏ ép khô bên cạnh góc thiệp và ở giữa có ghi dòng chữ: “Chờ Vân qua Sing anh nhé. Nhớ dẫn Vân đến China town,anh Kiệt nói nơi đó bán đồ ăn ngon lắm. Đừng quên ngôi nhà có hoa mimosa vàng, được không anh?”.

Tôi ngẩn ngơ giây lát, rồi tự mỉm cười một mình, thầm nghĩ:

Nếu có duyên chúng ta sẽ gặp lại nhau cô bé ạ.

Đột nhiên hình ảnh ngôi nhà có hoa mimosa vàng hiện ra trong trí óc tôi và có lẽ đó là hình ảnh tôi không thể  quên trong cuộc đời của mình.


Tháng 5/2013
Nguyễn An Bình
READ MORE - NHÀ CÓ HOA MIMOSA VÀNG - truyện ngắn Nguyễn An Bình

Bài tự sự: CHUYỆN MÙA HÈ TỤI TRẺ CON RỦ NHAU ĐI CHỌI RẾ - Nguyễn Hồng Trân


                                      

Ở quê tôi vùng phú Long, Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị, tụi trẻ con chúng tôi hồi xưa về mùa hè hay rủ nhau từng tốp đi chọi rế. Đây là một trò chơi rất thú vị của tuổi thơ ở làng quê.

Cứ  sau mùa gặt vụ đông xuân, những đám toóc rạ, rơm phơi từng vạt đầy đồng. Dưới những đám toóc rạ, rơm đó là nơi sinh sôi nẩy nở và cư trú giao lưu của nhiều loài rế tự nhiên.

Không biết trò chơi thi nhau đi chọi rế ở quê tôi có từ bao giờ không rõ, nhưng khi tôi lớn lên ở tuổi 9,10 đã theo bạn rủ nhau từng tốp đi tìm rế, chọn bắt rế, nuôi rế, rồi rủ nhau đem đi chọi rế với các tụi trẻ mấy thôn làng lân cận. Điều đó cả tụi thiếu nhi chúng tôi đứa nào cũng khoái chí và cứ nhớ mãi cho đến tận bây giờ.

Quy trình của trò chơi này có mấy bước tiến hành:

Bước thứ  nhất đi tìm rế thì không khó. Tụi trẻ con chúng tôi chỉ ra đồng lật nhanh mấy đám rạ rơm ra là thấy lũ rế nhảy ra lung tung.  Rế cái, rế đực và rế con đều có cả. Phải sang nhanh bước thứ hai là chọn bắt rế. Chúng tôi chỉ chụp vội mấy con rế đực có cặp càng to và đôi cánh có hoa văn và màu sắc đặc biệt. Rế Than có mầu đen (còn gọi là rế mọi), rế dầm có mầu nâu, rế lửa có màu đỏ vàng.

Mấy loại rế đực này thì rế lửa là nhỏ con, nhưng đôi càng của nó rất nhọn sắc, đôi cánh của nó phát ra tiếng kêu thanh trong réo rắc. Còn rế than và rế dầm thì to con hơn và có cặp càng to khỏe. Tiếng kêu của rế than và rế dầm thì kêu to vang rền, dỏng dạc. Tiếp đến bước thứ ba là nuôi rế. Bước này là khó nhất. Phải chọn một cái hộp đủ rộng (có nắp và lỗ thông khí). Trong hộp có một ít rau quả tươi như rau khoai, rau trai, quả dưa chuột, dưa hường, củ khoai lang sống. Cho thêm một ít cỏ khô tẩm một ít nước cho nó hút và lau râu, chùi càng. Thỉnh thoảng ta phải lấy bông cỏ may, quệt quệt vào đầu mặt hàm càng của nó cho nó sự tính hiếu đánh nhau của nó lên. Lúc đó nó sẽ há đôi càng chìa ra và chạy quanh tìm đối thủ xung trận! rồi xòe hai cánh phát kêu vang lên “reng reng! reng reng!” một cách oai hùng.

Bước cuối cùng là đem đi chọi rế. Bước này rất vui vẻ hào ứng. Vài đứa có hộp rế đen đi sang mấy thôn làng lân cận để thi đấu. Thế là một đoàn trẻ con có trai, có gái kéo theo sau chuyện trò râm ran thích thú. Hồi đó chúng tôi thường kéo nhau sang thôn La Vang, Phường Sắn, hoặc ra Thượng Xá, Long Hưng để chọi rế với tụi trẻ con của mấy làng đó. Cứ mỗi cặp rế của hai phe thi đấu, phái đấu 3 hiệp. Đấu trương của trò choi rế này là một cái khay bằng gỗ hoặc bìa các tông. Trò chơi này không cần ai làm trọng tài cả. Vì thắng, thua mọi người xem đều thấy rõ. Chỉ có cử mỗi phe mỗi người ghi vào giấy số điểm thắng, thua, hòa của mỗi bên để sau dễ tổng cộng mà khỏi nhầm lẫn cãi nhau.

Có một chuyện tôi vẫn còn nhớ mãi trong trò chơi chọi rế này. Đó là cứ sau khi chọi xong một hiệp, mỗi phe bắt lên con rế của mình rồi nhổ một sợi tóc dài của mấy đứa con gái ngồi xem, đem móc vào hàm con rế và cầm xoay vù vù mấy vòng cho con rế sực tức lên rồi thả xuống đấu trường cái khay để chúng tiếp tục chọi nhau.

Con này há  to càng, con kia cũng há to xông tới chọi nhau. Hai con rế cứ nhún hai chân sau qua lại một hồi. Tiếp  đó đổi tư thế xoay vòng quanh thật  nhanh và hai cặp càng vẫn ghì sát nhau, húc vào nhau rồi găm vào nhau. Cứ như thế khi nào một trong hai con yếu đuối không chịu nỗi sức mạnh của đối thủ mà buông ra chịu thua và chạy quanh cái khay. Còn con rế thắng thì đuổi theo con thua và cất tiếng kêu giòn giã vang rền “reng reng reng! Reng reng reng! Reng reng reng!..là kết thúc hiệp đấu.



Có lần chúng tôi thắng cả đoàn, có lần có thắng có thua. Cứ mỗi con rế của phe nào  chọi thắng là được hai điểm, nếu chọi hòa thì không có điểm, nếu thua thì trừ một điểm. Cứ mỗi lần đem đi chọi rế là phải thực hiện 10 lần thi chọi từng cặp rế. Cuối cùng đoàn nào cao điểm sẽ là được coi là đoàn chiến thắng. Đoàn Phú Long chúng tôi do anh Nguyễn Bá Yên dẫn đầu cũng được vài lần chiến thắng, nhưng đoàn thắng nhiều đợt nhất là đoàn Long Hưng do anh Trần Kim Tạo điều khiển.

Mỗi lần thi đấu như vậy, theo quy định với nhau nếu bên thua phải nộp cho bên thắng 10 hào để họ cử  người đi mua kẹo bánh cùng liên hoan vui chung.

Chuyện tụi trẻ con chúng tôi mùa hè rủ nhau đi chọi rế ngày xưa thật là vui! Trò chơi thật là hay, thật là ấn tượng và đã mở tầm giao lưu giữa thiếu nhi làng này với làng khác rất tự nhiên hiền hòa và đoàn kết. Tiếc rằng trò chơi đầy kỷ niệm của tuổi thơ hồi ấy ở chốn làng quê ngày nay không còn nữa. Con cháu của chúng ta sau này chẳng bao giờ biết được trò chơi thi chọi rế đầy vui thú và ấn tượng ấy nữa. 

Nhớ tiếc quá thôi! Nhớ tiếc quá thôi!

Nguyễn Hồng Trân
Cựu giảng viên ĐH Huế

READ MORE - Bài tự sự: CHUYỆN MÙA HÈ TỤI TRẺ CON RỦ NHAU ĐI CHỌI RẾ - Nguyễn Hồng Trân

MIỀN TRUNG THƯƠNG NHỚ - thơ Trúc Thanh Tâm


1- ĐÈO HẢI VÂN

Ta lưng chừng ở Hải Vân
Mây kết bạn, gió tình thân quanh đời
Xa xa, non nước tuyệt vời
Hoa nhân thế trổ bông rồi, em yêu !


2- NGƯỜI CON GÁI QUẢNG TRỊ

Chiều phố quận ta nghe mùa chuyển dạ
Mắt tiểu thư còn gợn chút u hoài
Con ve lạc, mùa hè ran tiếng khóc
Nắng rát lòng thắp lửa đỏ trên cây!

Mù khói chiến, cổ thành sầu lặng lẽ
Ta phương trời cứ ùa tiếp chiêm bao
Nhớ Quảng Trị lòng ta như dao cứa
Nên dỗ dành xin hẹn lại em sau!

Gió lật lá, khép mùa xưa vỡ kín
Ta đành lòng, không dám nói yêu ai
Dòng Thạch Hãn chở tình vào kỷ niệm
Xin một lần nhỏ lệ xuống tương lai!



Một cổng chùa Non Nước. Ảnh NKP

3- ĐÀ NẴNG VÀO THU

Dỗ lòng cố nhớ, lại quên
Thuở em mắt biếc, tóc huyền dễ thương
Ngũ Hành Sơn, gió và buồn
Ta ngồi quán nhỏ, thả hồn mưa thơ

Lạ, quen dù chỉ tình cờ
Mà sao định mệnh sẵn chờ trăm năm
Sân bay từ bữa mưa dầm
Và khi quay gót trăm phần trăm đau

Sông Hàn, nắng đổi thay màu
Tháng năm để lạc dấu nhau, lỡ làng
Đêm nầy, Đà Nẵng thu sang
Ta nghe con sóng vỗ tràn bờ yêu !

               
4- CHIỀU MƯA NHA TRANG

Biển nói gì nhỏ nhẻ
Mà dào dạt lạ thường
Mình nói gì, em hỡi
Sao lòng đầy tơ vương !

Sóng bạc đầu như thể
Ngàn đời chưa nguôi yêu
Trần gian chưa tận thế
Lo gì, mình xa nhau !

Gió ru vào lạc lõng
Kéo hồn ta mênh mông
Người đi buồn xa vắng
Bên kia phố chưa chồng !

Tìm đâu hương, nắng cũ
Nha Trang chiều mưa lơi
Mình gặp nhau dẫu muộn
Nhưng mặn mòi, em ơi!



  5- LỖI HẸN VỚI HUẾ           
                     
 Ta còn lang bạt dòng đời
 Em còn thả mộng với người xa xăm
 Với em, bước đoạn tình gần
 Với ta, còn những thăng trầm tình quê

 Biển dâu đánh rớt câu thề
 Tóc tơ ngày đó không về với nhau
 Một người đau, một người đau
 Ru miền nước mắt tan vào nhớ nhung

 Trăng vàng Vỹ Dạ bao dung
 Nhưng đành lỗi hẹn về cùng Huế yêu
 Chiều nay lá đổ muôn chiều
 Lòng ta muốn nói một điều với em!

        
6- LA GI, MÙA XUÂN ĐANG TỚI

Ta chia nhau từng thời gian đợi
Cho vườn tình xanh ngát trời mơ
Và em ơi, tình không biên giới
Có sá chi những lúc giang hồ!

Đừng nặng lòng thói đời, ngôi thứ
Ta bên nhau chung một lối về
Thơ ta viết còn rơi nước mắt
Nên muôn đời tình vẫn đam mê!

Làn sương mỏng ôm chiều bàng bạc
Giọt buồn rơi rớt xuống bao la
Nghe điệu lá theo mùa khắng khít
Núi của em và sông của ta !

Em yểu điệu tình thơ như suối
Vào hồn ta nhè nhẹ mưa thơm
La Gi ơi, mùa xuân đang tới
Chín mọng đời những nụ môi ngon !



7- TRỞ LẠI QUY NHƠN

Trờ về góc phố ngày xưa
Thời gian chuyển động từng mùa đổi thay
Áo dài và tóc em bay
Ta thèm một chút nắng mai ngọt mềm

Gọi người, người bỗng xa thêm
Tìm em, kỷ niệm trôi biền biệt xa
Bóng đời nghiêng xuống bóng ta
Để nghe trong những phôi pha, ngậm ngùi

Quy Hòa, một thuở tình ơi
Qua cầu Thị Nại rớt lời cầu hôn
Để trăng Ghềnh Ráng dỗi hờn
Tháp Đôi nhớ nắng, ta buồn nhớ mưa!


8- MIỀN TRUNG MÙA BÃO LŨ         

Tôi lặng người theo tiếng sét thinh không
Cơn mưa đồng bằng rấm ra, rấm rít
Nắng chạy trốn biết làm sao gom hết
Gởi theo gió về sưởi ấm đất miền Trung!

Dãy đất thân yêu, những cơn lũ tột cùng
Cuốn theo hết biết bao người và của
Miền Trung tôi đâu làm gì mắc nợ
Mà tháng ngày phải nhận hết tang thương!

Nước dâng cao, nước mắt xoáy nỗi buồn
Sự sống mong manh bên thềm bóng tối
Những gương mặt cứ hằn sâu kinh hãi
Thôi còn gì, đời rũ sạch áo cơm!

Lũ cuồng điên, gieo rắc những oán hờn
Bao thảm họa, miền Trung tôi gánh hết
Hãy bật dậy những tình người thắm thiết
Nối vòng tay cùng gần lại nhau hơn  !

Việt Nam nước tôi, còn khổ và buồn
Người rách áo cần thương người áo rách
Xin chia sẻ vời miền Trung ruột thịt
Biết làm người, xin hãy biết thương nhau  !

TRÚC THANH TÂM

(Châu Đốc)
READ MORE - MIỀN TRUNG THƯƠNG NHỚ - thơ Trúc Thanh Tâm

MỘT BÀI THƠ NỔI TIẾNG…BỊ KHUYẾT DANH - Bài và ảnh: Ngọc Long

Ba năm trước, tôi đến Quảng Trị, đi qua bến thả hoa Thạch Hãn, đọc được bài thơ "Lời người bên sông" khắc trên những tấm bia đá hai bờ Thạch Hãn:

"Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ 
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm 
Có tuổi hai mươi thành sóng nước 
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm"

Bài thơ không đề tên tác giả bên dưới.  Đa phần du khách từng qua đây, thầm lướt qua bài thơ chắc đều đã biết tác giả của bài này là ai. Hoặc khi tham quan Thành cổ Quảng Trị, ắt chúng ta cũng sẽ được nghe người hướng dẫn viên giới thiệu về bài thơ và tác giả. Gõ vào thanh công cụ kiếm tìm của Google trên Internet sẽ giúp chúng ta giải đáp câu hỏi này trong vòng 0,21 giây với gần 8 triệu kết quả-bằng cách gõ "Tác giả bài Lời người bên sông" vào thanh công cụ tìm kiếm... Vậy mà, ít ai có thể ngờ được, bài thơ này lại là bài thơ... khuyết danh. Hàng triệu du khách, mỗi lần đi qua bến thả hoa hai bờ Thạch Hãn, đọc bài thơ đều trào dâng trong tim một cảm xúc bồi hồi, thương cảm. Những câu thơ này đã từng được nhà thơ Giang Nam mô tả là thơ thần vì nó làm lay động tâm trí người đọc. Vậy vì sao bài thơ không được đề tên tác giả? 


Bài thơ bên bờ Bắc sông Thạch Hãn có vết xóa tên tác giả  - Ảnh chụp năm 2010.

Những ngày đầu tháng 5 này, tôi lại có dịp trở lại bến sông Thạch Hãn. Việc làm đầu tiên của tôi là đến chỗ tấm bia đá khắc bài thơ. Ngay dưới bài thơ, nơi để tên tác giả bài thơ bây giờ là một... nhành hoa sen. Quả thật, đây là một sự sáng tạo chưa từng có. Tôi mày mò tìm trong tất cả các kho tàng văn thơ, dân ca, lịch sử... mà chẳng thể tìm thấy ở đâu dùng hình ảnh hoa văn, chim muông, cây cỏ... mô tả tên tác giả một bài thơ, văn, hay câu nói nổi tiếng của vĩ nhân... Tôi đem nỗi niềm này hỏi nhiều người tôi gặp ở Quảng Trị thì đều nhận được một cái lắc đầu và câu trả lời: "Không hiểu vì sao!". Một vài vị lãnh đạo địa phương thì trả lời rằng: "Do thơ của Lê Bá Dương đã trở thành thơ của nhân dân(?)". Tôi lại lục tìm tài liệu về khái niệm "Thơ nhân dân" để hiểu ý nghĩa là gì thì trong tất cả các tài liệu tôi chỉ thấy danh hiệu Nhà thơ Nhân dân hoặc bài thơ mang tiêu đề Nhân Dân của Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chứ không có một khái niệm nào mô tả "Thơ nhân dân" cả.



Bài thơ giờ có  tên tác giả là một... bông sen - Ảnh chụp tháng 5-2013.

Tôi lại tự mình đi tìm giải thích hợp lý cho cả về lý lẫn về tình của việc bài thơ không để tên tác giả. Nếu xét về lý, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (Sửa đổi năm 2009) đã nêu rõ quyền tác giả  và quyền liên quan: "Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu". Quyền này bao gồm quyền Nhân thân và quyền Tài sản được quy định rõ trong điều 18, Mục 1, Chương 2, Phần 2 của Luật Sở hữu trí tuệ. Như vậy, việc khắc bài thơ trên bia đá bên hai bờ Thạch Hãn mà không để tên tác giả được xem là đã vi phạm theo quy định tại Mục 5, Điều 28 - Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Đó là: "Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả". Rõ ràng, nếu xét về lý, bài thơ không hề hợp lý chút nào khi khắc trên bia đá mà bỏ qua tên tác giả. Nếu xét về tình, bài thơ chỉ có thể được mọi người dân Quảng Trị, nói riêng, hay người dân cả nước, nói chung, yêu mến và thuộc lòng chứ cũng chẳng thể thành... thơ nhân dân được. Truyện Kiều của Nguyễn Du đã nằm lòng tử thuở nằm nôi của mỗi người Việt Nam hàng bao đời nay, nhưng cũng không ai nói Truyện Kiều là Thơ nhân dân cả.

Trong suốt gần 40 năm qua kể từ sau ngày giải phóng, CCB Lê Bá Dương vẫn hằng năm lặn lội ngược xuôi Nam, Bắc để thực hiện các công việc nghĩa tình với đồng đội và đồng bào Quảng Trị. Tới chợ Đông Hà hỏi không ai không biết, mỗi năm đến những ngày lễ kỷ niệm 30-4, 1-5 (ngày giải phóng Quảng Trị), ngày Thương binh - Liệt sĩ, Lê Bá Dương đều về đây mua hết hoa, nhang, nến của các o, các chị để thắp và thả trên sông Thạch Hãn; viếng anh linh đồng đội ở các nghĩa trang Quảng Trị. Việc làm này cũng chính là nguồn gốc của hầu hết các lễ hội, các hoạt động tri ân Liệt sĩ và tri ân đồng bào Quảng Trị hằng năm hiện nay. Khi hỏi về tác giả bài thơ, bất cứ ai ở Quảng Trị cũng có thể trả lời là của Lê Bá Dương với một tình cảm rất chân thành và đặc biệt dành riêng cho ông. Tình cảm của Lê Bá Dương đối với Quảng Trị là vậy, nhưng tại sao người ta lại quên tên tác giả bài thơ của ông khi khắc trên bia đá hai bờ Thạch Hãn?

Dù muộn cũng còn hơn không, chúng ta hãy trả  đúng tên tác giả về cho bài thơ tâm linh này  để duy trì những gì cao đẹp trong văn hóa.

Bài và ảnh: Ngọc Long



Trần Bình gởi đăng
READ MORE - MỘT BÀI THƠ NỔI TIẾNG…BỊ KHUYẾT DANH - Bài và ảnh: Ngọc Long

LABORATOIRE, VÀ MƯA - thơ Nguyễn An Bình



*Bài cho TT
Một chuyện tình phải quên đi.

1. Khi anh nhìn thấy
Những hạt mưa đầu tiên bay mù mờ
sau khung kính nhỏ
Những ô vuông trắng màu thủy  tinh
bắt đầu cho cuộc đời mới
Anh mới biết rằng chỉ có  thời   gian
mới làm cho em hiểu được anh
Một trái tim nồng nàn hơi thở, đập từng
nhịp yêu thương khi cửa vườn xuân còn
e ấp
Những giọt mưa đầu mùa lên men đất ẩm.

*

2. Khi anh nhìn thấy
Những hạt mưa đầu tiên bay mù mờ
sau khung kính nhỏ
Ở laboratoire
Những petrie, những pipette, những arlenmeyer
để thực hành một bài học mới
Anh mới bâng khuâng nhớ con đường hàng sao gầy guộc
chắc ũ rũ khi chưa thấy em về
Những giọt lệ long lanh nhuốm đầy trên thân lá
nhỏ xuống đời anh kết tinh thành những trái đắng.

*

3. Khi anh nhìn thấy
Những hạt mưa đầu tiên bay mù mờ
sau khung kính nhỏ
Anh mới biết mùa mưa đã trở về
Trở về trong tận cùng trí nảo - đập mạnh vào
bộ óc mê si của anh, tan tành thành từng khối
Anh mới biết mình sắp nổi cơn điên
Để trở về trong giấc mơ huyền hoặc
Chỉ có em và anh. Ngày xưa dưới sân trường.

*

4. Khi anh nhìn thấy
Những hạt mưa đầu tiên bay mù mờ
sau khung kính nhỏ
Anh mới chợt nhớ chuyến xe đò liên tỉnh nối liền
Cần Thơ-An Giang 64 cây số ngàn dài hun hút
Ở cuối con đường mắt em còn nhìn theo, 
buồn đẫm những hạt mưa
Sắp rơi xuồng hồn anh đầm đìa máu đỏ
Khi em quay đi là lúc anh trở về,
níu kéo lại
những kỷ niệm đã qua trong cơn mê sảng

*

5. Khi anh nhìn thấy
Những hạt mưa đầu tiên bay mù mờ
sau khung kính nhỏ
Anh khẽ thở dài
Tóc anh đã bạc, râu anh đã rậm, cuộc đời sắp già,
sắp tắt như những buổi học buồn tẻ ở giảng đường 3
khu văn hóa, hoặc ở giảng đường Kawatora khu Cái Răng
Áo blouse lủng lỗ chỗ những vết phá của acid, của baz,
Sao giống trái tim anh không còn nguyên vẹn?

*

6. Khi anh nhìn thấy
Những hạt mưa đầu tiên bay mù mờ
Sau khung kính nhỏ
Mịt mùng đất trời, xóa mất đường về
Rồi em sẽ về đâu? Rồi anh sẽ về đâu?
Hỡi em! Trái tim nhỏ ngày xưa.

1974
Nguyễn An Bình




READ MORE - LABORATOIRE, VÀ MƯA - thơ Nguyễn An Bình

TÓC NGẮN MỜ PHAI - thơ Ngọc Tình

Ngọc Tình

Sương lãng đãng, hoàng hôn dần sau núi
Sao mờ mờ nhấm nháy buổi anh đi
Em bâng khuâng tóc ngắn tuổi xuân thì
Tình xưa trao, nụ hôn đầu say đắm

Bên triền đê cỏ mền sao lạnh vắng
Trăng nghiêng buồn hàng liễu cũng rưng rưng
Đêm chia tay muốn nói lại ngập ngừng
Thuyền xa bờ biết bao giờ cặp bến

Mắt nhìn nhau không một lời thề hẹn
Tơ hồng ơi sao không dệt tình ta
Trời đã khuya khăn em thấm lệ nhòa
Sông vơi đầy nhưng duyên mình đã lỡ

Con đường quen bỗng nay thành bỡ ngỡ
Bóng liêu xiêu mơ lại khúc nhạc êm
Biết vu vơ mà hồn ngẩn ngơ tìm
Ôi tình xưa như kim chìm đáy biển.

TN 23-5-2013
Ngọc Tình
nguyentinhtn@yahoo.com.vn


READ MORE - TÓC NGẮN MỜ PHAI - thơ Ngọc Tình

HẠNH PHÚC TÌM ĐÂU - thơ Nguyễn Thu

Nguyễn Thu


Nhặt lửng câu văn giữa hai bờ thực nhiều hơn mộng 
Làm quà tặng em như niềm tin tín chấp cuối cùng
Gọi lại lương tâm, 
                    đẩy đêm hồng lên thượng tầng thao thức
Biển xa vời thuyền nối lại bến yêu

Gom góp nồng say, cả nắng nhạt và mây chiều
Thả về xuôi nơi bình minh qua đêm trở mình hờ hững
Cửa sông hiện nguyên hình niềm thủy chung sâu thẳm
Lớp lớp trong veo con sóng vỗ xao bờ

Có siêu thực gì đâu khi đời còn là những bài thơ 
Kết chặt lung linh bao ngôn từ có cánh
Vỗ chạm vào ngách tâm hồn dặt dìu điệu hạnh
Đóa bằng lăng tim tím rụng bờ vai

Bước đi từ chiều, mong quay lại ban mai
Niềm tin vây quanh không thẳng hàng ngay lối
Chim nhạn lạc bầy, trời về chợt tối
Hạnh phúc tìm đâu nơi gió thổi mơ màng

Định mệnh hay lãng du?
Nơi đỉnh dốc vẫn còn nhiều khao khát 
Không chối từ đồng xanh, đâu nỡ xa phố bụi
Nhịp sống nhân gian giằng co ngập đầy trong túi 
Góc tàn tro không che khuất đốm lửa hồng 

Nguyễn Thu
nguyenthu123go@gmail.com
READ MORE - HẠNH PHÚC TÌM ĐÂU - thơ Nguyễn Thu

ĐÂU CHỈ MÀY RÂU - thơ xướng họa - Quế Hằng và Ngọc Tình



Bài xướng :
ĐÂU CHỈ MÀY RÂU

Cái kiếp hồng nhan số phận nghèo
Con con cái cái cũng gieo neo
Thân đơn lên thượng răn đe cọp
Lẻ bóng xuống xuôi dạy dỗ beo
Nắng dãi ngại chi sông biển vượt
Sương sa không ngán núi non trèo
Anh hùng đâu chỉ mày râu nhỉ
Bọn họ may ra cuốn cái lèo

Quế Hằng


Bài họa:

ĐÂU LÀ DUYÊN NỢ

Má phấn sinh ra phải kiếp nghèo
Một thuyền chèo lái để buông neo
Mưa tuôn dồn dập gồng thân cọp
Sóng cuộn tơi bời gánh phận beo
Trời lặng rèm thưa dòm ngó đến
Cây êm hoa thắm hái ôm trèo
Gió trăng bay bổng đâu duyên nợ
“Nói nhỏ anh thương”, biết chỉ lèo.

TN 30-5-2013

Ngọc Tình
READ MORE - ĐÂU CHỈ MÀY RÂU - thơ xướng họa - Quế Hằng và Ngọc Tình

MỘNG ƯỚC - thơ xướng họa - Độc Hành và Lê Đăng Mành




MỘNG ƯỚC 
Mến tặng LÊ ĐĂNG MÀNH

LÊ – VÕ – đôi ta kết bạn lành
Đ ồng lòng sám hối – tội tan nhanh
Ă n chay giữ giới – hành kinh thạo
N iệm phật quy y – học pháp thành
G ọt bỏ tham sân – bồi quả ngọt
M ài trơn hỷ xả – hủy nhân tanh
A n tâm tịnh não – trồng cây đức
NH ẫn thiện dưỡng tu – nối tiếp sanh
                             
                                ĐỘC HÀNH





AN LẠC
Họa bài MỘNG ƯỚC, thơ ĐỘC HÀNH

LÊ – VÕ Tôi Anh tập quả lành
Đồng chung học đạo nghiệp tiêu nhanh
Ăn vô cầu đủ-nuôi tâm vững
Niệm chẳng tham nhiều - dưỡng chí thành
Gieo hỷ cấy bi ươm giống thiện
Mở từ buông xả triệt đường tanh
An nhiên sống với đời phiền não
Nhẫn nhục khoan hòa phước lạc sanh

                             LÊ ĐĂNG MÀNH
READ MORE - MỘNG ƯỚC - thơ xướng họa - Độc Hành và Lê Đăng Mành