Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, November 29, 2019

LÒNG TA BUỒN HƠN LÒNG TOA TÀU - Thơ Lê Văn Trung






LÒNG TA BUỒN HƠN LÒNG TOA TÀU

Con tàu về muộn, sân ga vắng
Chẳng có ai người đưa đón nhau
Ta hành trang nhẹ câu thơ cũ
Lòng ta buồn hơn lòng toa tàu

Ai đứng lặng thầm nơi cuối ga ?
Tóc như mây, gió rối, bay nhòa
Ta nhìn không rõ màu năm tháng
Chỉ thấy mây trời bay rất xa

Ta hỏi lòng ta những nhớ ? Quên ?
Có gì rất lạ !
Rất thân quen !
Ta đưa tay vẫy
Người quay mặt !
Muốn gọi tên người
Không nhớ tên !

Hình như đời quá vội trôi mau
Đời trôi tiếp tiếp những ga đời
Ôi những ga đời không đưa đón
Và cuối ga người không có tôi

Con tàu về muộn
Ta đành muộn !
Thôi trách nhau gì đưa đón nhau
Vạn kiếp tình người như ga vắng
Sao lòng ta buồn hơn lòng toa tàu ?

                              Lê Văn Trung

READ MORE - LÒNG TA BUỒN HƠN LÒNG TOA TÀU - Thơ Lê Văn Trung

Thursday, November 28, 2019

RỒI TỪ ĐÓ... ! - Thủy Điền






RỒI TỪ ĐÓ... !

Sáng thức dậy, vừa ăn sáng với mẹ xong. Marco bảo Herry, thôi hai anh em mình chuẩn bị hành trang rời khỏi chốn nầy. Herry hỏi?
- Tại sao?
- Đừng có lòng vòng, anh bảo đi là đi, nghe chưa.
- Dạ. À nầy! Còn mẹ, anh quên rồi sao?
- Em yên tâm, mẹ đã có người khác lo rồi. Mau lên đi, đừng để anh đợi lâu.
- Vâng, em cố gắng làm nhanh.
- Tốt.

Sahra là một cô gái trẻ, ham vui, thường hay đu đưa với anh nầy, chàng nọ và kết quả là người ta đã tặng cho nàng hai cậu con trai rất khá khỉnh, hai đứa cách nhau ba tuổi. Marco năm nay đã lên mười còn Herry thì lên bảy. Vì cuộc sống nàng phải đi làm hàng ngày cộng những cuộc vui đột xuất, bởi thế nàng hay phế mặc, bỏ hai con một mình ở nhà. Nhiệm vụ cao nhất của nàng là chỉ mua thực phẩm và nước uống dự trữ sẵn còn bao thứ khác thì nàng quên mất. Trong những lúc vắng mẹ, vì đói Marco bỗng trở thành một tay đầu bếp bất đắc dĩ và là một người nội trợ không hơn, không kém, như nào là phải lo cho em ăn, mặc, dẫn em đi chơi, dẫn em đi học v...v...

 Một hôm Marco dẫn em đi chơi về mình mẫy lấm lem, lấm luốc. Marco bắt em phải đi tắm ngay. Trước khi tắm Marco phải mở nước sẵn xong rồi Herry mới vào bồn. Sơ hở, Marco chỉ mở vòi nước nóng mà quên mở vòi nước lạnh để pha lẫn. Herry không biết nhẩy vào và chàng bị phỏng cả đôi chân. Marco lật đật kéo em ra và gọi điện cho mẹ về ngay để chở em đến nhà thương trị chữa. Khi chữa xong hai chân Herry đầy vết thẹo và mất hết một khoảng thời gian dài đến trường.

Ngỡ tưởng mọi việc sẽ đi qua. Không ngờ! Đúng một tháng sau, nhà chức trách biết được và gởi thơ mời cả nhà Sahra đến để thẩm tra sự việc. Cuối cùng họ buộc Sahra phải giao Marco và Herry cho nhà nước nuôi chớ nàng không được giữ hai đứa trẻ. Hai bên đấu tranh bằng miệng rất gắt gao, kết quả Sahra phải chịu nhượng bộ và nhà nước chỉ đem Marco về trại sống tập thể. Nơi ấy có nhân viên lo ăn, ngủ, học hành đàng hoàng và Sahra chỉ còn Herry nàng sẽ nhẹ gánh hơn.

Nhưng chứng nào, tật nấy dù hiện tại chỉ còn có Herry mà nàng cũng chẳng làm tròn người mẹ. Nay thì gởi Herry đầu nầy, mai thì gởi Herry đầu kia khiến bạn bè cũng chẳng mấy gì vui.

 Nơi xa xa Marco sống trong tù tốn, mặc dù mọi thứ chàng rất đầy đủ, nhưng tình cảm gia đình, cha me, anh em chàng dường như thiếu thốn hoàn toàn cộng những lúc bị những đứa trẻ lưu manh cùng số phận hiếp đáp, chàng càng thấy cô đơn và tức giận hơn. Bởi thế mỗi khi chiều về chàng hay ra ngồi dưới gốc cây già mà ao ước được trở về sum họp với gia đình, nơi đó có mẹ, có em thật là ấm cúng.

 Tuy, nhà nước tách rời cuộc sống gia đình chàng, nhưng mỗi năm khi hè đến chàng cũng như bao người khác đều được về thăm gia đình hai tuần rồi trở lại. Khi nghe nhân viên quản lý thông báo sắp đến ngày về nghỉ hè mỗi người phải điện thoại về gia đình để có người đến rước. Mừng quá. Chàng điện thoại về cho mẹ là chuẩn bị đến rước con. Nhưng tiếc thay, đầu dây bên kia trả lời là mẹ không thể. Hạ ống nói xuống mà nước mắt cứ tuôn trào như thác đổ, nhưng phải biết làm sao. Thế là cuộc đời bất hạnh của chàng phải làm ông Từ cho bao người khác no say sau những ngày xa cách.

 Trong những ngày cô đơn, buồn chán, sự suy nghĩ cạn cùng chàng quyết định trốn trại về nhà. Đi thì đi nhưng chẳng biết nhà mình ở đâu hơn nữa trong túi thì không có xu nào. Chàng lang thang hết đầu làng, ngõ xóm, ăn thừa, sống bụi như một kẻ ăn mày ngoài phố. Qua cơn mưa trời lại nắng cuối cùng chàng gặp một người quen trước đây ở đối diện nhà chàng. Hỏi qua, hỏi lại, rõ việc và người ta đã giúp chàng về đến tận nhà.

 Về đến nhà thì căn nhà khóa kín, mẹ không có, em không có. Nỗi bi quan chất chồng lên bộ óc trẻ thơ thật là khó tả. Chàng lê la hết chốn nầy đến chốn khác thì rõ ra thẫng Herry giờ đang ở chung với người tình cũ của mẹ mình. Từ khi mẹ chàng xách giõ vào tù. Lẽ ra khi trốn trại về chàng cũng có thể ở chung với ông ta, nhưng gì trước đây chàng đã nhiều lần phản đối và dụt đồ ông ta ra khỏi nhà khi mỗi lần ông đến với mẹ chàng. Nên khi thấy chàng, ông ta rất câm giận và tống cổ cả hai anh em chàng ra khỏi nhà ngay.

 Trước đây đi bụi chỉ một mình, bây giờ có cả thằng Herry theo nữa, một gánh nặng đè vai, nhưng ngược lại chàng thấy hết cô đơn gì mình đã tìm lại được cái gia đình nho nhỏ, mặc dù không nguyên vẹn lắm, nhưng cũng nói lên được sự ấm áp tình người.

 Lang thang cuộc đời cứ lang thang. Cả hai đều không biết mẹ mình đang vướng vào vòng lao lý, cứ ngỡ mẹ đi làm xa mà chưa về.

 Cứ năm ngày, bảy ngày hai anh em trở lại căn nhà cũ để tìm mẹ, nhưng chẳng thấy mẹ đâu. Dù rằng mỗi lần về đều có viết cho mẹ vài câu bỏ vào chỗ kín, nhưng cũng chẳng thấy mẹ trả lời hay đi tìm kiếm.

 Hai năm dài lưu lạc, chắng ai chăm sóc, chẳng học, chẳng hành chỉ biết tranh đấu với cuộc sống bằng sự ma giáo, lăn lộn, lưu manh. Hai thằng giờ đã lớn, già đi so với tuổi đời, khôn lanh, tráo trở.

 Nói đi, nói lại dù thế nào đi nữa cũng có lúc nó nhớ lại gia đình, nhớ mẹ, nhớ nơi nó được sinh ra và lớn lên. Tuy là khoảnh khắc nhưng tất cả là kỷ niệm, ký ức mà mỗi con người đều có cả.

Hôm nay trời đẹp, hoài hương. Đứng ngoài ngõ nhìn vào căn nhà có ánh đèn rực sáng. Nó biết chắc là có người. Nhấn chuông, mẹ nó ra mở cửa, đón hai con trong vòng tay trìu mến, những dòng lệ xa cách đã quyện hoà nhau trên đôi má. Bỗng dưng nó nhìn thấy người đàn ông ấy, người đàn ông luôn gợi trong lòng nó những ác cảm từ bấy lâu nay, người đàn ông đã giấu nhẹm Herry người mẹ của mình bao tháng ngày xa cách.

Thương mẹ lắm, cần mẹ lắm, dù mẹ là gì đi nữa chúng con vẫn chấp nhận. Nhưng nó không thể sống chung với một người mà mình không thương mến. Rồi từ đó... !

Thủy Điền
26-11-2019

READ MORE - RỒI TỪ ĐÓ... ! - Thủy Điền

MỘT PHƯƠNG TRỜI NHỚ - Thơ Tịnh Đàm



                 Nhà thơ Tịnh Đàm



MỘT PHƯƠNG TRỜI NHỚ

Vẫn hoài em
Một giấc mơ
Đôi khi... chợt đến
Để ngơ ngẩn lòng !

Cái thời sông nước long đong
Anh theo những chuyến ruổi rong chuyển hàng.
Gặp em đây
Phút bàng hoàng.
Cái đuôi con mắt
Nồng nàn...
Bỏ quên !

Em qua cầu khỉ
Bập bênh
Đẹp sao dáng nhỏ
Bồng bềnh...
Như tiên.

Vẫn hoài em
Giấc mộng hiền
Một phương trời nhớ
Của riêng anh còn...

           TỊNH ĐÀM

READ MORE - MỘT PHƯƠNG TRỜI NHỚ - Thơ Tịnh Đàm

Wednesday, November 27, 2019

CÒN CÓ CỎ HOA TRÊN NGÀN - Thơ Mặc Phương Tử

Nhà thơ Mặc Phương Tử


CÒN CÓ CỎ HOA TRÊN NGÀN
Tặng khoá “HỘI NGỘ” mùa đông tại Arizona (USA)

                    Thế nhưng, không - giữa cuộc đời,
                    Gió đen mặc gió, Hoa thời vẫn hoa.

Vẫn biết đường đời muôn ngã rẽ
Có ai chung bước lại chung lòng?
Một phen lạc dấu phương trời cũ,
Là cả ngàn xa ngọn gió bồng.

Vẫn biết đời còn dong ruỗi bước
Vẫn lì chiếc áo bể dâu tan.
Vẫn nghe sạm gót phong trần ấy,
Nhưng với niềm tin hướng đỉnh ngàn.

Dù đã bao phen sầu mặc khách
Đêm dầy đâu dễ lịm cơn mơ.
Sá gì một chút mùi chung đỉnh,
Rắp kẻ đan tâm luống đợi chờ.

Ta khoát lên ta chiếc áo đời
Và ta đi mãi khắp muôn nơi.
Mai sau dẫu có tơi từng mảnh,
Son sắc tình ta... vẫn thế thôi! 

Dám đâu rao bán lời giao ước
Cho khách mê lầm nguyện ước giao.
Chơn lý phải đâu đen đỏ ấy,
Trăm năm ai biết chuyện ra sao!

Người đến muôn phương mùa viễn xứ
Ta từ lưu lạc bước về xuôi.
Chiều nay “HỘI NGỘ” phương trời cũ,
Gỏ nhịp thời gian vỡ tiếng cười.

Mai mốt mỗi người phương xứ đến
Cách xa, nào phải mộng chia xa.
Vén vun cho vẹn tình nhân thế,
Còn có trên ngàn hương cỏ hoa.

                              South Dakota, đông 2019.
                                MẶC PHƯƠNG TỬ.






READ MORE - CÒN CÓ CỎ HOA TRÊN NGÀN - Thơ Mặc Phương Tử

MÙA TÓC RỤNG - Thơ Vũ Mạnh Quang




MÙA TÓC RỤNG
Vũ Mạnh Quang

Anh ơi tóc đã rụng rồi
Giơ tay khẽ chải rối bời mắt em
Ồ không tóc vẫn còn đen
Gió sương một chút có phiền chi đâu

Anh ơi tóc đã phai màu
Ồ không sao những dãi dầu thời gian
Bao ngày lũ cuốn mưa giăng
Sóng to chèo chống thuyền băng thác ghềnh

Nhớ ngày xưa tuổi mộng xinh
Mắt em thăm thẳm tươi duyên má hồng
Tóc đen mượt gió bềnh bồng
Nắm tay anh tiễn lên đường tòng quân

Nào vui lên chớ ngại ngần
Lẽ thường con tạo xoay vần em ơi
Đừng quên quà của ông trời
Mở ra xem nhé, đây rồi lại Xuân!

V.M.Q.
<manhquangnd@gmail.com

READ MORE - MÙA TÓC RỤNG - Thơ Vũ Mạnh Quang

TÔN VINH CHỮ QUỐC NGỮ - Ugno.Vn



                       Tác giả Ugno Vn



TÔN VINH CHỮ QUỐC NGỮ
                                                        Ugno.Vn

Cho đến bây giờ, nhiều nhà nghiên cứu đều thống nhất với nhau 2 người có công đầu trong việc hình thành chữ Quốc ngữ là Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes, 2 giáo sĩ dòng Tên Paris vào nước ta truyền bá đạo Ki Tô từ những năm đầu thế kỷ XVII. Linh mục Francisco de Pina (1585-1625), người Bồ Đào Nha đến xứ Đàng Trong  năm 1617, phạm vi truyền đạo từ Hội An đến Quy Nhơn. Ông  là giáo sĩ đầu tiên thành thạo tiếng Việt và truyền giảng Phúc âm không cần người thông dịch. Ông cùng với một số giáo sĩ, dùng mẫu tự La tinh ký âm tiếng Việt. Ông  dạy thứ chữ này cho các giáo sĩ, giáo dân. Thứ chữ này phát triển hoàn chỉnh thành chữ Quốc ngữ ngày nay. Linh mục Alexandre de Rhodes (An-Đắc-Lộ-Sơn, 1591-1660) người vùng Avignon (Pháp). Ông đến Hội An năm 1624, học tiếng Việt và chữ Quốc ngữ từ ông Pina và các giáo sĩ đến trước. Ông đã có công hệ thống hóa và dùng chữ Quốc ngữ viết tài liệu "Phép giảng 8 ngày", biên soạn Từ điển Việt-Bồ-La xuất bản tại Roma năm 1651. Đây là cuốn từ điển đầu tiên đối chiếu tiếng Việt với tiếng Bồ Đào Nha và tiếng La tinh. Chữ quốc ngữ là văn tự chính thức của nước ta ngày nay. Đến nay, chữ Quốc ngữ hình thành và phát triển đã hơn 400 năm, ghi nhận nhiều thành tựu và góp phần xứng đáng trong lịch sử văn hiến, công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng tổ quốc hiện nay.  Là văn tự thứ 3 trong quá trình tiến hóa của văn tự nước nhà, tiếp sau chữ Hán và chữ Nôm, việc tôn vinh chữ Quốc ngữ và công lao những người sáng tạo ra nó làm nẩy sinh nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn, gay gắt. Chỉ xét trên mặt văn tự, điểm qua sự phát triển của 3 loại văn tự Hán, Nôm, Quốc ngữ ở nước ta, những người quan tâm đến vấn đề dễ nhận ra những nét tương đồng cần lưu ý để thấy rõ hơn mặt tích cực, mặt tiêu cực trong sự hình thành từng loại, nhằm lựa chọn chừng mực nào là vừa phải, nếu không sẽ tạo nên mặc cảm phủ nhận toàn bộ những thành tựu dân tộc đã đúc kết trong 2 loại văn tự kia.

ĐỐI VỚI CHỮ HÁN

Chữ Hán hiện nay được công nhận là thứ chữ đầu tiên, du nhập vào nước ta từ thời Bắc thuộc (TK I CN). Thứ văn tự này được thể hiện khá đủ trong chính sử và các tác phẩm kinh văn còn lưu giữ được. Nhưng theo một số nhà nghiên cứu, trước thời Bắc thuộc, nhà nước Văn Lang của các bộ tộc Lạc Việt thuộc dòng Bách Việt đã có chữ viết Khoa đẩu và đạo Bụt, (tên gọi Phật giáo theo hệ phái nguyên thủy Nam tông, xuất hiện nhiều trong các truyện cổ tích, thần thoại còn lưu truyền đến ngày nay). Người Trung Hoa xâm lăng nước ta, đem chữ Hán và đạo Phật hệ phái truyền thừa Bắc tông thay thế chữ Khoa đẩu và đạo Bụt với âm mưu đồng hóa Văn Lang. Chúng đã chia đất nước Văn Lang thành quận huyện và đặt quan lại cai trị. Những tên Thái Thú có công lớn trong việc đồng hóa các bộ tộc Lạc Việt, dạy lễ nghĩa, văn tự, văn minh Tàu như Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp, một thời được chính sử ca ngợi và nhân dân trọng vọng, nhớ ơn. Chính sử cũng ca ngợi những người Văn Lang học giỏi chữ Hán, đỗ đạt và làm quan ở thiên triều như Lý Cầm, Lý Tiến, Trương Trọng, xem đó là một tự hào. Việc thay đổi tín ngưỡng thần linh và văn tự của nước bị chiếm đóng là cách làm triệt để nhất trong công cuộc đồng hóa của người đi xâm lăng. Dân tộc ta sau ngàn năm Bắc thuộc, không những không bị đồng hóa mà đã vùng dậy, giành lại độc lập. Thế nhưng, các bậc tiền bối không tìm lại chữ Khoa đẩu và phục hưng đạo Bụt sau gần ngàn năm bị xóa sổ, vẫn phải dùng chữ Hán và đạo Phật để xây dựng đất nước. Nhờ chữ Hán của Tàu mà ta viết được "Nam Quốc Sơn Hà", "Hịch Tướng Sĩ", "Cáo Bình Ngô" và nhiều áng văn thơ thiền nổi tiếng thời Lý Trần. Chữ Hán là văn tự chính thống thịnh hành trong những thành quả văn học, nghệ thuật, chính trị, hành chánh, luật pháp, tôn giáo, tín ngưỡng... nước nhà trong thời gian 10 TK độc lập nối tiếp 10 TK bị xâm lăng trước đó. Thời hiện đại với cuộc cách mạng vô sản giải phóng dân tộc, vẫn còn nhiều nhà thơ, nhà chính trị sử dụng chữ Hán trong sáng tác văn chương. Nhìn những nước chung quanh ta, chữ Hán không phải chỉ dùng ở nước ta mà còn được truyền bá sang Cao Ly, Nhật Bản, tạo thành môi trường văn hóa đồng văn riêng cho 4 nước cực đông châu Á. Thời kỳ vùng Đông Á còn chịu ảnh hưởng văn hóa đồng văn Trung Hoa, quan lại các nước trong vùng được đào tạo trong nền giáo dục Hán học, đều thành thạo chữ Hán. Sứ giả các nước này khi về thiên triều hay tiếp xúc với nhau, tuy không đàm thoại với nhau được vì ngôn ngữ bất đồng, họ dùng chữ Hán làm phương tiện trao đổi. Hình thức đàm thọai này gọi là bút đàm.


ĐỐI VỚI CHỮ NÔM

Lịch sử ghi nhận chữ Nôm xuất hiện từ thời nhà Trần với việc Nguyễn Thuyên làm bài văn bằng chữ Nôm trong lễ tế đuổi được con cá sấu trên sông Hồng. Từ việc này, ông được đổi họ thành Hàn Thuyên, như nhà văn Tàu Hàn Dũ có công trạng tương tự. Sự xuất hiện của chữ Nôm bắt nguồn từ ý thức tự chủ, độc lập của dân tộc trong văn tự. Loại chữ mới này dùng các nét chữ Hán, bằng các phép cấu tạo giả tá, hài thanh, hội ý của chữ Hán để ghi lại âm tiếng Việt nên còn được gọi là Quốc âm. Chữ Nôm phát triển một thời gian dài song song với chữ Hán, nhất là trong quần chúng có học và các loại hình văn nghệ dân gian. Về phía triều đình và các quan lại, Hồ Quý Ly ngay sau khi thay nhà Trần, đã có chủ trương dùng chữ Nôm làm quốc tự. Thời Hậu Lê đã có Nguyễn Trãi làm thơ Nôm với tập "Quốc Âm thi tập". Vua Lê Thánh Tông cũng có nhiều bài thơ Nôm nổi tiếng. Nguyễn Bỉnh Khiêm thời Lê-Mạc có "Bạch Vân Quốc ngữ thi tập" là tập thơ chữ Nôm. Cuối thế kỷ XVIII, vua Quang Trung cổ xúy sử dụng chữ Nôm trong các loại giấy tờ hành chánh. Giai đoạn chiến tranh loạn lạc, nhiều tác phẩm văn thơ Quốc âm nổi tiếng nói lên khát vọng dân tôc Việt Nam, nhiều bài phú Đường luật, nhiều tác giả thơ Đường viết bằng chữ Nôm có những thành tựu đáng kể trong việc sử dụng ngôn ngữ nước nhà, đánh dấu giai đoạn phát triển rực rỡ của chữ Nôm.

ĐỐI VỚI CHỮ QUỐC NGỮ

Lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ gắn liền với việc truyền đạo Ki Tô và gót giày xâm lăng của các đạo quân thực dân châu Âu tiến về phương đông. Việc La tinh hóa các loại chữ viết đã hoàn thành ở lục địa cổ châu Âu đồng hành với công cuộc Ki tô hóa diễn ra ở đây. Đến thế kỷ XVII-XVIII, các nước phát triển ở châu Âu dùng việc quảng bá Ki tô giáo sang các nước cực Đông như một chiêu bài chính trị hổ trợ cho các đội hàng hải tìm kiếm thị trường và nguyên liêu ở vùng đất chưa phát triển. Công việc gặp nhiều khó khăn do các nước này đang chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn - Trung với các phương tiện văn tự chữ Phạn và chữ Hán. Việc La tinh hóa các ngôn ngữ bản địa thành chữ viết dùng riêng cho con chiên và giáo đoàn, tách khỏi ảnh hưởng văn hóa bản địa là việc phải làm để hoàn thành sứ mạng nước chúa. Đó là toan tính có ý đồ. Trên bước đường truyền giáo của các giáo sĩ châu Âu, nước nào họ đặt chân vào là ở đó có công việc dùng chữ cái La tinh ký âm tiếng nói bản địa. Nhưng Ki tô giáo phát triển ở các vùng đất mới, các quốc gia này vẫn giữ nguyên văn tự của nước họ. Chỉ có ở Việt Nam, chữ Quốc ngữ thành công trong việc xóa chữ Hán và chữ Nôm, hai thứ chữ đã gắn bó với dân tộc Việt gần 2 ngàn năm. Do đâu mà chữ Quốc ngữ làm được việc này?

Nguyên nhân trước tiên là họ đã tạo được một đội ngũ những cộng tác viên đắc lực trong công đồng những người mới cải đạo Ki Tô. Thời gian các giáo sĩ phương Tây xâm nhập nước ta là thời gian nước ta trải qua kỳ loạn lạc kéo dài mấy trăm năm. Hết cảnh phân li Nam Bắc triều giữa vua Lê, chúa Trịnh với nhà Mạc; đến Nam Bắc phân tranh giữa họ Nguyễn xứ Đàng Trong, họ Trịnh ở Đàng Ngoài; rồi cuộc đối đầu Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn. Đó là cơ hội tốt để các giáo sĩ xâm nhập mà ít có sự ngăn cấm của chính quyền địa phương. Các giáo sĩ còn thừa cơ hội này, tiếp cận các thế lực cát cứ, mua dùm vũ khí, cung cấp khí tài, kỹ thuật chiến tranh tạo thanh thế làm điểm tựa cho công cuộc truyền giáo và toan tính lâu dài. Có thể nói, giai đoạn này, công việc truyền bá đạo Ki Tô diễn ra thuận lợi vì chưa có nhiều sự cấm đoán của chính quyền sở tại. Việc chúa Tiên Nguyễn Hoàng có một bà vợ theo Ki Tô giáo đã minh chứng điều đó. Trong thời gian dài thuận lợi, các nhà truyền giáo phát triển được số lượng lớn con chiên, xây dựng nhà thờ, lập được các giáo xứ, đào tạo một số chức sắc Ki Tô giáo cai quản các giáo xứ người Việt mới hình thành. Chữ Quốc ngữ đơn giản, dễ học, được truyền bá qua các "Phép giảng", là những tài liệu "giáo khoa" truyền giáo, đóng góp đắc lực trong việc phổ biến Phúc âm đến nhiều tầng lớp quần chúng nghèo khổ, được hứa hẹn có cuộc sống tốt đẹp hơn trong niềm tin mới.

Nguyên nhân thứ 2 và cũng là yếu tố quyết định trực tiếp đến sự phát triển của chữ Quốc ngữ là dụng ý đồng hóa của các thế lực xâm lược. Sau hơn 200 năm, từ khi Alexandre de Rhodes hệ thống hóa thứ chữ mới và xuất bản từ điển Việt-Bồ-La làm cơ sở tra cứu để sử dụng trong công cuộc truyền giáo, chữ Quốc ngữ vẫn chỉ loanh quanh trong giáo đoàn và các giáo xứ. Đợi đến khi 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ trở thành nhượng địa của Pháp qui định trong hòa ước Nhâm Tuất 1862, người Pháp mở trường dạy đạo, dạy chữ Quốc ngữ, chữ Quốc ngữ chiếm thế thượng phong ở vùng đất mới. Năm 1865 tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên được phát hành ở Nam kỳ. Khi đặt xong nền đô hộ trên toàn cõi Việt Nam, chữ Quốc ngữ được chính quyền chiếm đóng tiếp sức, dần dần trở thành độc tôn, loại bỏ chữ Hán và chữ Nôm. Nhưng chữ Quốc ngữ không phải là lựa chọn cứu cánh của thực dân Pháp trong mưu đồ đồng hóa nước ta. Nó chỉ được xem như là công cụ để truyền giảng Ki Tô trong cộng đồng người Việt, một bước đi trước dọn đường cho âm mưu đồng hóa. Sau hiệp ước Quí Mùi 1883, Giáp Thân 1884, Pháp đặt xong nền bảo hộ nước ta, năm 1887, thực dân Pháp lập Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise) gổm 5 xứ Nam kỳ (Cochinchine), Trung kỳ (Annam), Bắc kỳ (Tonkin), Lào (Laos), sau có thêm Campuchia (Cambodge) (1893), do một vị Toàn quyền người Pháp đứng đầu. Toan tính đồng hóa thể hiện rõ ràng khi người Pháp còn gọi tên liên bang này là Đông Dương thuộc Pháp (Indochine Francaise) hoặc Đông Pháp (Est France). Để sâu bền gốc rể công cuộc đồng hóa, người Pháp từng bước triệt hạ chùa chiền Phật giáo, xây dựng nhà thờ Ki Tô ngay trên những thắng địa là cơ sở Phật giáo trước kia; mở trường Pháp để đào tạo cộng sự và truyền bá chữ Pháp, văn minh Pháp, tạo lớp người mới thay đổi dần xã hội phong kiến Á Đông.

Nguyên nhân thứ 3. Trong khi triều đình nhà Nguyễn không còn thực quyền, chịu nhận sự bảo hộ của Pháp thì nhân dân ta tập hợp lực lượng chống giặc ngoại xâm. Các cuộc khởi nghĩa võ trang chống Pháp của các sĩ phu, văn thân cần vương thất bại. Đến đầu thế kỷ XX, phong trào kháng Pháp có những chuyển biến tích cực. Một số trí thức chịu ảnh hưởng Tây học, hay các sĩ phu Hán học tiến bộ, có khuynh hướng tiến hành cách mạng dân chủ tư sản, chủ trương nâng cao dân trí, tạo sức mạnh đoàn kết toàn dân, đấu tranh xóa bỏ chế độ phong kiến, thực dân, xây dựng chế độ dân chủ. Việc nâng cao dân trí trước tiên là phải dạy dân biết chữ. Lựa chọn nào đây? Trong lúc việc học chữ Hán vô cùng khó khăn, mất nhiều thời gian, cách học chỉ là học vẹt thuộc từng nét chữ trong các sách Tam tự kinh, Tam thiên tự; học chữ Nôm lại càng khó hơn vì phải qua con đường chữ Hán mới đi tiếp được con đường sang Nôm. Nói chữ Hán với quần chúng như nói tiếng nước ngoài, phải có người dịch nghĩa sang Nôm mới hiểu được. Đối với chữ Quốc ngữ chỉ cần nhớ mấy chục chữ cái và cách ghép vần là có thể ghi và đọc được ngôn ngữ nước nhà. Cũng vì lý do đó, đáng lý ra những văn thân yêu nước phải chống lại thứ chữ mới ngoại lai, họ lại làm ngược lại, cổ xúy, hô hào người dân học chữ Quốc ngữ. Phong trào Duy Tân do nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh khởi xướng với chủ nghĩa Tam dân "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" hô hào cuộc sống Âu hóa trong cách ăn mặc, cắt tóc ngắn, bỏ các hủ tục lạc hậu, đặc biệt tuyên truyền mạnh mẽ việc bỏ chữ Hán, chữ Nôm, bỏ lối học tầm chương trích cú, khuyến khích phát triển Tây học và dùng chữ Quốc ngữ. Chủ trương này được phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục hưởng ứng. Nguyễn Khắc Hiếu, nhà thơ gạch nối giữa Hán học và Tây học đã có bài thơ trong sách giáo khoa viết như tam tự kinh : "Sách Quốc ngữ. Chữ nước ta. Con cái nhà. Đều phải học...". Sau này báo Đông Dương, báo Nam Phong và một số tờ báo chữ Quốc ngữ khác, kể cả những nhà cách mạng vô sản đã góp công phát triển chữ Quốc ngữ đến hoàn chỉnh. Hội "Truyền bá chữ Quốc ngữ" do cụ Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân Hãn và một số nhân sĩ trí thức khởi xướng đã truyền bá sâu rộng chữ Quốc ngữ trong quần chúng với phong trào Bình dân học vụ, phổ cập chữ Quốc ngữ đến toàn dân. Nhóm "Tự Lực Văn Đoàn" và phong trào thơ mới đưa chữ Quốc ngữ thành đỉnh cao trong văn học cũng như Nguyễn Du trước đây đã làm việc này với chữ Nôm qua tác phẩm Kim Vân Kiều. Đến bây giờ chữ Quốc ngữ đã phổ cập toàn dân. Số người Việt hiện nay còn biết chữ Hán và chữ Nôm rất ít, đó là những người được đào tạo cho việc nghiên cứu, bảo tồn. Sự lớn mạnh của chữ Quốc ngữ đi đến địa vị chiếm được thế thượng phong chỉ có khi có sự góp tay của các thế lực đế quốc, thực dân xâm lăng; nhưng phát triển rực rỡ trở thành thứ chữ riêng của người Việt góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, củng cố ý thức độc lập, bảo vệ tổ quốc, tách hẳn sự nô lệ vô hình với thế lực văn hóa ngoại bang (kể cả Tàu và Pháp) là sự nỗ lực bền bĩ của nhiều thế hệ người Việt chung tay góp sức vào.

BỎ HÁN, BỎ NÔM CHỌN QUỐC NGỮ: VÌ SAO ?

Cũng có những ý kiến khác về chữ Quốc ngữ với cái nhìn không thiện cảm. Những người này lý luận rằng, ta có chữ Nôm phát triển đạt đến đỉnh cao, sao không tiếp tục dùng thứ chữ này như một số nước quanh ta, khi họ từ chối cách ký âm La tinh và giữ thứ chữ của dân tộc mình. Nếu tiếp tục dùng chữ Nôm, kho tàng văn hóa, văn học Hán Nôm đồ sộ của dân tộc có người kế thừa, không sợ mai một. Lý giải điều này thì phải nhìn lại lịch sử nước nhà. Dân ta có truyền thống bất khuất chống ngoại xâm và bảo vệ độc lập dân tộc. Ngàn năm Bắc thuộc tuy ngoại bang không đồng hóa được về mặt lãnh thổ, chính trị nhưng trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng dân tộc ta ảnh hưởng Trung Quốc khá nặng. Cho đến ngàn năm độc lập, mấy lần chiến tranh vệ quốc quét sạch quân xâm lược về phương Bắc nhưng nhân dân ta vẫn mang tâm lý nhược tiểu, chư hầu, bên ngoài chịu thần phục thiên triều để giữ yên bờ cõi. Văn hóa, học thuật chịu sự chi phối nặng nề của truyền thống Nho Lão phương Bắc. Điều gì của Tàu, lời từ cửa miệng của các trí thức Lão Nho đều là khuôn vàng thước ngọc. Hoa Hạ là văn minh, Hồng Mao là man di bạch quỷ. Các sĩ tử ta thì suốt ngày "chi, hồ, giả, dã..." nhai các sách thánh hiền Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học, Trung dung... chờ khoa thi chiếm bảng. Chữ Nôm còn chịu tiếng "Nôm na là cha mách qué" và có luận điệu phê phán nặng nề "Đàn ông chớ đọc Phan Trần. Đàn bà chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều". Như thế thì nói chi đến việc có người tâm huyết để gia công cải tạo, biến chữ Nôm trở thành văn tự chính cho nước nhà. Bỏ Nôm trở lại Hán là xu thế của nhà Nguyễn. Trong thời gian 143 năm trị vì, nhà Nguyễn tổ chức 47 khoa thi Hương, chọn được 5232 Cử nhân; 39 khoa thi Hội, chọn được 506 Tiến sĩ cân đai áo mão Hán học. Người nước ta có mặc cảm nô lệ Hán từ trong văn tự, văn hóa. Làm thế nào gột ra đây? Chữ Quốc ngữ xuất hiện như một cứu cánh. Đây là cơ hội tốt, các trí thức nước nhà vận dụng để hình thành một loại văn tự mới cho quốc gia, trở thành một vũ khí sắt bén trong mặt trận văn hóa, tạo thế cho đất nước phát triển, xây dựng và bảo vệ tổ quốc độc lập lâu dài trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Dân ta đã biết "dùng gậy người đánh mình để làm phương tiện chống đỡ mình đứng dậy". Chữ Quốc Ngữ là chiếc gậy chống dân tộc ta đứng dậy. Cũng vì thế mà nhiều trí thức, nhân sĩ, chí sĩ cách mạng, ... bất kể lập trường chính trị, chính kiến đối lập, đã có công vun vén, hoàn thiện loại chữ viết này

Địa chính trị nước ta không thể khác vì ta luôn ở bên một anh chàng khổng lồ có máu bành trướng và nhiều thủ đoạn thôn tính, đồng hóa nước ta. Một ngàn năm nhồi nhét văn hóa Tàu, dân ta đã biết lựa chọn cái hay để làm giàu văn hóa Việt, tạo sức quật khởi đánh lại Tàu. Bị đuổi về Tàu, giặc Tàu không tỉnh mộng xâm lăng, chúng lại đem quân qua chiếm lại. Ba trận Bạch Đằng, phòng tuyến Như Nguyệt, ải Chi Lăng, gò Đống Đa..., tại những nơi đó, đã biết bao tướng giặc rơi đầu, nhục nhã như việc Thái tử chúng phải chui ống đồng chạy trốn. Nhưng từ đó, chúng thấy được sức mạnh Việt Nam là sức mạnh có từ văn hóa. Thế kỷ XV, khi chiếm được Thăng Long, giặc Minh đã thu vét hết sách vở An Nam mấy chục xe, truy lùng thợ giỏi, người tài, kẻ sĩ, lương tăng... bắt đem về Tàu; bắt dân ta học tiếng Tàu, mặc áo, để tóc kiểu Tàu. Lệ triều cống, thế mạng bằng người vàng cũng bắt đầu từ thời nhà Minh, Từ đó mỗi lần lên ngôi, các vua chúa nước ta đều qua xin thiên triều phong "An Nam Quốc Vương" và chịu thần phục.

Người Pháp đến nước ta, phải nói rõ là xâm lăng, không có một từ nào có thể thay thế được. Đó là một sự thật lịch sử phải khắc sâu vào tâm khảm người Việt. Biết bao tội ác bọn xâm lăng đã giáng xuống cho dân tộc. Đó là bản chất của bất cứ một đội quân xâm lăng nào khi chiếm cứ đất đai người khác. Tội ác này không thể nào quên! Chúng mang Ki tô giáo và chữ Quốc ngữ (rồi sẽ đến tiếng Pháp) gieo vào xứ thuộc địa chỉ với ý đồ đồng hóa. Âm mưu này ai cũng biết. Người nước ta, có những người theo chân, làm việc cho Pháp, đóng góp công sức cho việc truyền bá Ki tô giáo và chữ Quốc ngữ với suy nghĩ phải làm thay đổi đất nước từ một thực thể lạc hậu, bế tắc, bạc nhược vọng Hán, để đưa đất nước tiến lên một tầm cao văn minh, tiến bộ, ngang bằng thế giới. Việc họ theo giặc không tránh được tội "Việt gian", nhưng việc làm của họ phải bình tĩnh nhìn nhận lại. Tội thì phạt, công phải thưởng thế mới công bằng. Nguyễn Trường Tộ với những bản điều trần thống thiết, triều đình vọng Hán có nghe đâu! Trương Vĩnh Ký với những đóng góp đáng kể trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và làm thông ngôn trong những lần giao dịch của Pháp với triều đình nhà Nguyễn, nhìn rõ thì không phải là con người phản quốc. Huỳnh Tịnh Của, người cùng Trương Vĩnh Ký làm báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở nước ta cũng là một người theo Pháp, làm việc cho Pháp nhưng với văn hóa nước nhà, chỉ kể một công trình "Đại Nam Quấc âm Tự vị" in lần đầu tiên năm 1895 tại Sài Gòn thì ông không phải là không có công. Người Pháp xâm lăng Việt Nam với chiêu bài khai hóa một xứ sở lạc hậu. Có khai hóa không? - Có! Việc làm của họ nhằm mục đích khai thác thuộc địa: Làm đường sá, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo người làm việc, người phục vụ, tuyên truyền, mở mang Tây học, áp đặt văn minh Tây phương thay thế văn minh Á Đông, thay thế chủ trương Hán hóa của triều đình bằng chủ trương Pháp hóa của chính quyền bảo hộ trong lãnh vực văn hóa, văn tự... Năm 1885, khi đã nắm quyền bảo hộ nước ta, Pháp ký hiệp ước Thiên Tân với nhà Thanh, phân định biên giới, chấm dứt vai trò của vua Tàu trên đất nước Việt Nam. Hiệp ước này ngày nay ta đã căn cứ làm cơ sở trong lần Việt Nam và Trung Quốc phân định biên giới trên đất liền năm 2009. Chữ Quốc ngữ do các cha cố gây dựng trong mưu đồ đồng hóa, nhân dân ta đã biết tận dụng để phục vụ sứ mạng giải phóng dân tộc. Chữ Quốc ngữ phát triển như ngày nay là thành trì kiên cố trên mặt trận tư tưởng, văn hóa trong việc hình thành hệ tư tưởng Việt Nam. Đối với những thành tựu của cha ông ta viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, những nhà văn hóa tâm huyết đã dày công dịch ra chữ Quốc ngữ thì không có cớ gì chúng ta sợ mai một. Dân tộc ta biết tận dụng thất thế làm lợi thế, dùng chữ Quốc ngữ, học thuật phương Tây thay thế chữ Hán, chữ Nôm và học thuật Nho Lão trong âm mưu đồng hóa của Pháp để tạo nên sức mạnh chống Pháp, giải phóng dân tộc.

THAY LỜI KẾT

Năm 1819, kỳ thi Hội cuối cùng dưới triều Khải Định nhà Nguyễn, đánh dấu sự chấm dứt nền giáo dục Hán học, mở ra nền giáo dục Tây học với chữ Quốc ngữ. Năm 2019 tròn trăm năm, có người muốn dùng mốc thời gian này để ghi nhận công lao của những người có công lớn trong việc hình thành chữ Quốc ngữ trong đó có trưng cầu việc tôn vinh 2 Linh mục Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes. Những tượng đài to lớn, lừng lẫy ở nơi trang nghiêm như một "bộ mặt" của thành phố, của quốc gia, hay những con đường lớn mang tên 2 ông có nên chăng trong khi học lịch sử chống ngọai xâm của dân tộc, dân ta thấy biết bao máu và nước mắt của nhiều thế hệ đã đổ ra. Nhưng không thể phủ nhận sự đóng góp của  "kẻ xâm lăng" trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, một gia tài di sản vô giá trong sức mạnh văn hóa Việt Nam hiện đại, nguồn động lực vô hình tạo nên sức mạnh dân tộc chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trước năm 1975, chính quyền miền Nam có ghi nhận công lao của người có công sáng tạo chữ Quốc ngữ Alexandre de Rhodes, song hành với người có công sáng tạo chữ Nôm Nguyễn Thuyên bằng việc đặt tên 2 con đường song song với đường Thống Nhất (nay là Lê Duẩn) thẳng tắp trước dinh Độc Lập. Thiết nghĩ như thế là vừa phải.

                                                                        Ugno.Vn
                              
READ MORE - TÔN VINH CHỮ QUỐC NGỮ - Ugno.Vn

VÀI Ý VỀ CHỮ DÙNG TRONG THƠ (8) - Nguyên Lạc




VÀI Ý VỀ CHỮ DÙNG TRONG THƠ (8)
                                                                      Nguyên Lc
Tiếp nối theo loạt bài viết “Vài Ý Về Chữ Dùng  Trong Thơ” [*] đã đăng trên FB và các trang web, hôm nay tôi sẽ tiếp tục phân tích việc dùng chữ trong thơ qua việc trả lời cho nhóm tự gi là: CÁNH ĐẠI BÀNG của THI CA ĐƯƠNG ĐẠI VN.
ới cuối bài là copy Email của nhóm này [**], nó đã được h phát tán rộng khắp để tấn công cá nhân tôi, vì tôi dám "góp ý" về bài bình thơ "có cánh", dù dưới bài bình thơ này đ có ghi: "Rất mong nhận được những ý kiến trao đổi của các bạn!" 

BÀN VỀ HAI CHỮ MIÊN TRƯỜNG

Để hiểu rõ cụm chữ "miên trường", hy thử xét câu thơ sau đâyy:

"Miên trường trở giấc hồn cô quạnh" - XYZ

a. Như đ biết: Chữ Hán Việt là chữ Hán viết theo chữ Việt. Thí dụ  câu:         (thuần Hán) - Quân tại Tương giang đầu (Hán Việt) - Chàng ở đầu sông Tương (thuần Việt)
Trong các bài trước tôi đ phân tích: Tiếng Hán Việt cũng giống tiếng Anh: Tính từ đứng trước danh từ, khác với tiếng Việt
Thí dụ: Bạch mã (H) White horse (A) Ngựa trắng (V)
b. Theo ngha: Trường là dài, Miên là miên viễn = rất dài. Vậy tập hợp "Miên trường" ngha là dài dài, dài rất dài, dài dằng dặc.
- Câu thơ trên muốn nói gì?
- Nếu muốn nói đang ngủ rồi trở giấc, ta phải nói "Trường miên", vì  Trường là dài, Miên là ngủ; Trường miên là giấc ngủ/ giấc mộng dài. Do đó câu thơ trên phải được viết: "Trường miên trở giấc hồn cô quạnh".
c. Ta biết rõ tác giả câu thơ trên đã "mượn" 2 chữ Miên trường trong bài thơ "Chào Nguyên Xuân" của cụ Bùi Giáng.
- Trong bài thơ Chào Nguyên Xuân, theo tôi hiểu cụ Bùi Giáng ̣đùa với 2 chữ Miên trường trong câu thơ "Mùa xuân phía trước miên trường phía sau". Miên trường như giải thích trên là dài dài. Ghép vào câu thơ nó có nghĩa tếu: "Mùa xuân phía trước dài dài phía sau": Phía trước mùa xuân vui thì phía sau cũng dài dài ... mùa xuân vui. Phải cụ đùa không?
- Vâng, cụ đùa nhưng cười ra nước mắt. Đó là cái tuyệt vời của Bùi Giáng:  Câu thơ vui, nhưng thường ẩn trong đó là sự não lòng. Phía sau "dài dài" cũng có thể mùa thu hay mùa đông , mùa sầu mùa nhớ...
Đây là câu thơ có sự đối tỷ, sự so sánh trước và sau: Trước là mùa xuân thì sau phải mùa xuân hay mùa nào đó. Trước là cảm xúc- mùa xuân vui - thì sau phải cũng là cảm xúc - mùa vui hay buồn nào đó - chứ không thể là giấc ngủ/ giấc mộng - nếu hiểu miên trường là giấc ngủ/ giấc mộng dài (?).

Người "hậu bối" làm thơ sao không suy ngh cho thông nghĩa, lại vội vàng hít hà rồi "cố tình nhét đại" vào các câu thơ "nghiêm chỉnh" của mình, vô tình "hại" cụ Bùi, phải không?

BÀN VỀ TÀ HUY VÀ ĐOÀI

Sau đây là lời trong Email của nhà bình luận Nguyễn Xuân Dương mà "nhà thơ" Đỗ Anh Tuyến đ phát tán rộng khắp trong nhóm "Elites" của các ông để chê tôi "không biết gì".

"Theo ông Nguyễn Khôi thì trong bốn bài gọi là thơ đăng trong THƠ BẠN THƠ 9 thì có ba bài ông sử dụng cụm từ BÓNG TÀ HUY, TÀ HUY, TÀ HUY BAY cụm từ này độc nhất chỉ có thi sỹ Bùi Giáng sử dụng trước đây. Tôi tin một cách chắc chắn rằng ông Nguyễn Lạc không biết nghĩa của cụm từ BÓNG TÀ HUY BAY, ông thấy lạ thì ông ăn cắp thôi ạ. Còn vào trang ông ấy đọc những cái gọi là thơ của ông ấy thì càng chứng minh ông rất ngô nghê và thơ thuộc loại thiểu năng trí tuệ khi ông đưa ra từ PHƯƠNG ĐOÀI rồi ông chú thích "Phương đoài là phương tây, nhìn từ nước Mỹ". Nghe cứ cười đến vỡ bụng mất thôi". - Lời ca Nguyễn Xuân Dương

Tôi s vận dng cái đầu "thuộc loại thiểu năng trí tu" để xét cm chữ Tà huy và chữ Đoài mà ông Nguyễn Xuân Dương đ chê tôi "không biết nghĩa" xem sao.

I. Tà huy
Tà huy: The setting sun, sun set, sun đown - Tiếng Anh

Xin ghi lại lời "vàng ngc" của ông Nguyễn Xuân Dương :

"Tôi tin một cách chắc chắn rằng ông Nguyễn Lạc không biết nghĩa của cụm từ BÓNG TÀ HUY BAY, ông thấy lạ thì ông ăn cắp thôi ạ" - Lời NXD

Tôi sẽ phân tích cụm chữ "Tà Huy" để trả lời đến các "nhà thông thái" Nguyễn Xuân Dương và Đỗ Anh Tuyến:

1. Kết hợp Tà huy có thể hiểu trên cơ sở lắp ghép nghĩa của các thành tố tạo nên nó:
Tà huy do ghép 2 chữ: Tà và Huy
-Tà : lệch, vẹo, nghiêng, xiên, chéo, dốc
- Huy :Ánh sáng (mặt trời), nắng, ánh nắng
Nghĩa của  c kết hợp Tà huy giống như Tà dương
- Ánh mặt trời chiều ngả về tây -Từ điển trích dẫn
- Ánh nắng nghiêng của buổi chiều.- Từ điển Nguyễn Quốc Hùng

2. Tà dương
Dương :
- mặt trời
- dương: Trong âm dương - Lưỡng nghi (NL)

Tà dương là mặt trời xế về tây - Từ điển Nguyễn Quốc Hùng

3. Về "Bóng tà huy bay"

- Tà huy, ánh sáng mặt trời chiều rọi vào cây cối, nhà cửa, núi đồi vân vân... tạo ra những bóng nghiêng. Do mặt trời chiều từ từ lặn, các bóng từ từ nghiêng thêm, nếu có thế nói là chạy dần trên mặt đất; làm sao gọi là bay được mà viết là "bóng tà huy bay"? Viết "Bóng tà huy nghiêng" thì có thể chấp thuận được.
Hai ông nói:"chắc chắn rằng ông Nguyễn Lạc không biết nghĩa" vậy nhờ giải thích giùm làm sao "bóng tà huy" BAY? Tôi đang "đứng dựa cột" chờ nghe "lời vàng ngc" đây.
- Xin được thưa thêm, nếu câu thơ được viết như thế này thì "đắc địa":  "Áo tà huy bay":
Áo em màu nắng chiều đang bay không đẹp sao?

4. Tà huy, tà dương cũng gợi ý đến tuổi cuối đời, tuổi xế chiều ...

II. Đoài

Xin ghi lại "lời vàng ngc" của ông Dương:

"Còn vào trang ông ấy đọc những cái gọi là thơ của ông ấy thì càng chứng minh ông rất ngô nghê và thơ thuộc loại thiểu năng trí tuệ khi ông đưa ra từ PHƯƠNG ĐOÀI rồi ông chú thích "Phương đoài là phương tây, nhìn từ nước Mỹ". Nghe cứ cười đến vỡ bụng mất thôi". Nguyễn Xuân Dương

Tôi đ hỏi hai ông tại sao "cười đến vỡ bụng"? Sai chổ nào xin giải thích? Tôi xin "rửa tai chờ "lời vàng tiếng ngọc" của các ông, nhưng không thấy các ông trả lời. Thôi thằng tôi " thiểu năng trí tuệ" này phải tự giải thích xem sao:

- Tại sao phương Tây gọi là phương ĐOÀI? Vì trong Hậu Thiên Bát Quái của Dịch: Quẻ Đoài nằm ở hướng Tây, ngược với nó là quẻ Chấn nằm ớ hướng Đông. Chính vì điều này người ta mới gọi phương/ hướng Tây là phương/ hướng Đoài.

- Khi tôi chú thích 2 chữ PHƯƠNG ĐOÀI trong bài thơ, trên tay tôi có quả cầu vẽ hình thế giới: Mỹ tôi đang sống cách VN qua biển Thái Bình Dương- Pacific Ocean, VN gọi là Biển Đông; VN ở phuơng tây, phương mặt trời lặn nếu nhìn từ Mỹ.

- Do những điều nhận xét trên, tôi mới chú thích:

"Phương đoài (Phương tây): Danh từ địa lý và ước lệ: nói lên sự thương nhớ, hoài niệm nhớ về. VN ở phuơng tây nhìn từ Mỹ" (Bài thơ Góc quê hương sau nhà)

Sao? lời giải thích của kẻ "thô thiển trí tuệ" này ra sao? Xin lãnh giáo.

-- Xin ghi thêm:

-Trong các câu thơ của tôi, Đoài ngoài nghì̃a địa lý là phương hướng tây; nó còn hàm ý là phương thương nhớ, vùng ký ức... và còn là cõi về của người : "về cõi Tây phương" = chết.

- Đoài cũng có nghĩa đoài đoạn - "thương nhớ đoài đoạn":

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
ôi mắt người Sơn Tây - Quang Dũng)

Nên nhớ người xưa có câu "... dựa cột mà nghe", chắc tôi không cần viết trọn câu?

LỜI KẾT

- Thơ phải tự nhiên như hơi thở. Đừng cố tìm những từ thật kêu, những cấu trúc thật lạ nhưng không chút cm xúc, trống rỗng, vô hồn. Thơ bật ra từ cảm xúc, từ tâm thức chứ không phải từ cái đầu, từ lý trí.
- Đừng nên "ợn" người trước, người khác những chữ mà mình không hiểu rõ nghĩa , không biết cách sử dụng; cố tình gán ghép càn vào thơ mình để "tạo dáng", mà không biết rằng câu thơ có khi trở thành sáo rỗng, vô nghĩa.

Nguyên Lạc
..................
[*] Vài Ý Về Chữ Dùng  Trong Thơ- Nguyên Lạc
[**]. Đây là lời trong Email của nhóm "Đi Bàng":
[ ... Chú Bùi Mạnh Hiệp còm dưới bài "Nguyên Lạc và những chày cối":
"Mình nghĩ thế này Xuyến ạ: Thắng thua làm gì... Nếu là đại bàng thì dù giông bão đại bàng vẫn cất cánh bay- nhưng nếu là con sâu con kiến... có châm nọc đốt người.... mãi mãi vẫn chỉ là loài sâu loài kiến. Để thời gian quý báu mà chăm con, sáng tác thơ văn chia sẻ với bạn bè, chấp gì loại sâu kiến làm mình cũng nhỏ đi."
Anh thấy chí lí đấy Tuyến ạ.
Việt Kháng
From:thanh tuan<datinh_1974@yahoo.com>
Date: Wed, Nov 20, 2019 at 9:24 AM... ]

READ MORE - VÀI Ý VỀ CHỮ DÙNG TRONG THƠ (8) - Nguyên Lạc