Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, November 28, 2012

TỪ THỨC VỀ TRẦN - La Thuỵ

 alt



         TỪ THỨC VỀ TRẦN

    Cợt gió đùa mây thoả mộng lòng

    Thiên thai chừ lạnh với hư không 

    Ngàn năm cánh hạc bay mù biệt 

    Vướng nợ trần gian lấm bụi hồng

                    *******

      LIÊU TRAI HUYỄN MỘNG 
    

   Dáng ngọc phiêu linh nhẹ gót hài 

    
   Ngàn năm diễm ảo nét liêu trai 

  
   Thiên thai tống biệt vương tình mộng 

  
   Huyền hoặc đường trăng gợn cảm hoài

                                      LA THUỴ
READ MORE - TỪ THỨC VỀ TRẦN - La Thuỵ

NGHĨ VỀ BÀI THƠ "CÒN NỬA NÀO!?" CỦA VĨNH THUYÊN - Châu Thạch

Nhà thơ VĨNH THUYÊN . Ảnh từ trang Đất Đứng

CÒN NỬA NÀO !? 

Vĩnh Thuyên

  
Trăng nơi em giờ tròn hay khuyết?
Trăng ở đây còn chỉ nửa vầng 
Nửa vầng trăng,
nửa nụ hôn nuối tiếc 
Hơn nửa đời người,
mình lạc mất nhau

Giọt nắng thu,
buồn vui hai nửa
Nửa úa vàng,
nửa cũng hanh hao
Anh muốn ôm nửa vòng trái đất
Để trả em 
nửa nụ ngọt ngào

Còn nửa nào mà nhớ thương quá đỗi
Mai.. . nửa trăng về, nửa có về theo?

V.T

LỜI BÌNH

Châu Thạch


Trên quả đất nầy, nếu trăng tròn thì đứng ở đâu nhìn cũng thấy tròn mà trăng khuyết thì đứng ở đâu nhìn cũng thấy khuyết. Vậy mà nhà thơ Vĩnh Thuyên vào đề bài thơ với hai câu:

           Trăng nơi em giờ tròn hay khuyết ?
           Trăng ở đây còn chỉ nửa vầng

Đây chỉ là một câu thơ khơi chuyện giống như câu ca dao  ngày xưa của anh chàng tát nước đầu đình:

            Hôm qua tát nước đầu đình
            Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen

Áo có mấy ai đem treo hay vắt trên cành hoa sen mà được bao giờ. Tuy thế cách vào chuyện ví von nầy rất tế nhị, nói lên được tâm hồn thanh tao, thi vị của người phát ngôn ra nó. Ở đây Vĩnh Thuyên dùng trăng để hỏi thăm về hạnh phúc của em và dùng trăng thể hiện cho mình nỗi mất mát, cô đơn. Hai câu thơ còn làm ta liên tưởng đến những vầng trăng khuyết biểu tượng của chia ly: 

            Vầng trăng ai xẻ làm đôi
            Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường
                                           ( Nguyễn Du)
Hay:


           Hôm nay còn nửa trăng thôi
           Một nửa trăng ai cắn vở rồi

                                            ( Hàn Mặc Tử)

Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử của ngày xưa hay Vĩnh Thuyên ngày nay đều xử dụng bút pháp ước lệ là một đặc điểm của thi pháp để thu hết cái tâm trạng da diết, lồng hết cái hoàn cảnh của tình vào trong hai câu thơ ngắn gọn.

Nửa vầng trăng của Nguyễn Du thì ở cùng hai người mỗi bên một nửa.

Nửa vầng trăng của Hàn Mặc Tử thì làm cho thi nhân trong đêm nhớ thương buồn đứt ruột.

Nửa vầng trăng của Vĩnh Thuyên lại ở trong chính nội tâm mình, và nó không phải là nửa vầng trăng của một đêm hay của một mùa trăng mà nó ray rứt trong tâm can suốt cả một đời:

          Nửa vầng trăng
          Nửa nụ hôn nuối tiếc
          Hơn nửa đời người
          Mình lạc mất nhau

Câu thơ “Mình lạc mất nhau” chứng tỏ tác giả đã từng có “Một nửa vầng trăng” rất đẹp, nghĩa là đã có một quãng thời gian dài đầy thơ đầy mông, đầy hạnh phúc của tình yêu. Câu thơ “Mình lại mất nhau” khiến cho người đọc liên tưởng đến quá khứ hai người yêu nhau là cả một vầng trăng tròn trịa lung linh trong cuộc đời, rồi bỗng nhiên nửa vầng trăng vụt biến, và nửa vầng trăng còn lại chỉ là một khối đau thương.

Đang nói vể trăng là hình ảnh ban đêm, đột nhiên Vĩnh Thuyên lại chuyển qua hình ảnh ban ngày với giọt nắng mùa thu vô cùng khác biệt với trăng:

            Giọt nắng mùa thu
            Buồn vui hai nửa
            Nửa úa vàng
            Nửa cũng hanh hao

Tất nhiên, tâm hồn thi sĩ được quyền lượn như con bướm, và con bướn Vĩnh Thuyên không lượn từ bông hoa nầy qua bông hoa khác hay vườn hoa nầy qua vườn hoa khác, mà lượn qua hai cõi thời gian cùng một lúc, có nghĩa là thi sĩ đi lại trong thời gian bằng tư tưởng của mình. Ngồi nhìn trăng mà nghĩ về giọt nắng, nghĩa là giọt nắng nầy không hiện ra trước mắt mà nó đang úa vàng, đang hanh hao trong lòng tác giả. Người đọc có thể liên tưởng rằng giọt nắng là trăng của hai miền. Trăng của miền anh thì úa vàng, trăng của miền em thì hanh hao. Cả hai miền trăng cô đọng ánh sáng trong tâm hồn tác giả, hóa thành giọt nắng mà hai nửa có hai màu khác nhau nhưng đều là ảm đạm. Với tôi, người viết ra thơ là tác giả làm thơ, còn người xem thơ là tác giả đọc thơ. Tác giả làm thơ hóa thành trăng thì tác giả đọc thơ cũng bay lên chin tầng trời để nhìn xem trăng đẹp, tác giả làm thơ biến vào trong giọt nắng thì ta cũng vào để thấy hết giọt nắng long lanh, như vậy sẽ thưởng thức được tận cùng cái hay của bài thơ sáng tác.

Vĩnh Thuyên đã sử dụng bút pháp chợt ẩn, chợt hiện, đánh đổi với thời gian, và lại ước muốn có đôi tay rộng để ôm choàng trái đất, nhưng thật chua xót, vòng tay đã không còn trọn vẹn:

               Anh muốn ôm nửa vòng trái đất
               Để trả em
               Nửa nụ ngọt ngào

Nửa nụ ngọt ngào của Vĩnh Thuyên không phải là chỉ một giây hay một phút mà là nửa cuộc đời còn lại của anh. Như ta thấy Vĩnh Thuyên đã nói “Hơn nửa đời/ Mình lạc mất nhau” nên nửa nụ hôn còn lại phải dài cho đến cuối đời.

 Hai câu cuối của bài thơ là một lời than và một câu hỏi rất tội tình:

                Còn nửa nào mà nhớ thương quá đỗi
                Mai…nửa trăng về, nửa có về theo?

Mai… là ngày mai hay cuối đời? Về là về đâu ? Quê hương hay cõi vĩnh hằng ? – Tác giả không nói.

Hai câu thơ cuối cùng vẽ lên một niềm hy vọng mong manh nhưng gợi lên một nỗi buồn tuyệt vọng khôn cùng Vĩnh Thuyên hạ bút ở đây để người đọc lững lờ theo suy tưởng. Đó là nghệ thuật người viết thường dùng luôn làm cho người đọc vương vấn hoài âm hưởng của thơ.

Bài thơ mở đầu là trăng của hai vùng quả đất, rồi thu nhỏ vào giọt nắng mùa thu, nói về hai nửa nụ hôn để diễn tả mối tình chia ly của hai mãnh đời chia biệt. Nụ hôn chỉ có dài và ngắn, không có một nửa bao giờ. Vậy mà khéo léo làm sao, Vĩnh Thuyên đã chia nụ hôn thành hai nửa như hai nửa địa cầu, hai nửa cuộc đời và làm cho hai nửa nụ hôn trùm lên không gian, thời gian và vạn vật, biến nụ hôn là vầng trăng trở thành giọt nắng, đem nụ hôn hòa điệu với trăng ngàn và dấu nụ hôn vào sâu trong ước vọng.

Tôi yêu bài thơ và tôi để bài thơ rung động trong lòng đã lâu, đến nay chỉ viết ra được một phần nào những gì tôi cảm xúc.
 
Thay lời kết tôi trích lại comment của bạn SƠN TRẦM đã đăng ở dưới bài thơ như sau :

...còn nửa nào!?
nửa vầng trăng, nửa nụ hôn nuối tiếc, nửa đời người, nửa giọt nắng hanh hao, nửa vòng tay, nửa...có về theo? Chữ “nửa” đi suốt bài thơ, được chuyên chở bằng dấu hỏi từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc, khiến người đọc cảm thấy như muốn...ngạt thở trong sự vô vọng của cuộc kiếm tìm một nửa còn lại của mình! Adam và Eva cứ khóc tìm nhau từ...thuở nằm nôi đến thuở...bạc đầu, cuối cùng rồi, giọt nước mắt cũng cắt làm hai !!!




                          Châu Thạch

                            Đà Nẵng

truongvantran@hotmail.com



READ MORE - NGHĨ VỀ BÀI THƠ "CÒN NỬA NÀO!?" CỦA VĨNH THUYÊN - Châu Thạch

Kỷ niệm thời học sinh: THẦY GIÁO HAY CHÀNG NGHỆ SỸ CHÂN TRẦN - Nguyễn Văn Trị


Thầy Cao Hữu Điền và phu nhân trước nhà riêng tại Huế - Ảnh NKP







Năm 1970  tôi bắt đầu biết tiếng Pháp nhờ học với thầy Lê Văn Quýt- Năm sau tôi học tiếp môn sinh ngữ phụ này với thầy Cao Hữu Điền. Mỗi thầy có một lối giảng dạy khác nhau. Một thầy giáo già đầy kinh nghiệm với lối dạy kinh điển - học từ ABC và luôn bắt học trò học thuộc lòng bài học. Một thầy giáo trẻ, kiến thức đại học,  với lối dạy “fantesie” hơn. Chủ yếu hoc sinh nghe bài giảng và tự giác học hơn là bị trả bài theo lối truyền thống.


Thầy Cao Hữu Điền - một giáo sư trẻ, vừa tốt nghiệp đại học sư phạm Huế, vóc dáng thư sinh, nước da trắng và mái tóc dài rất nghệ sỹ. Nếu tôi nhớ không lầm thẩy Điền ra dạy trường Nguyễn Hoàng cùng năm với thấy Trần Ngọc Cư và thầy Lê Văn Gioang.

Tôi nhớ thầy lên lớp giảng bài nhỏ nhẹ và ít truy bài  nên không khí lớp ít sôi nổi hơn giờ học với thầy Quýt.

Lối dạy đó thích hợp với sinh viên hơn là học sinh tỉnh lẻ như tụi tôi, may mà có căn bản từ năm học lớp 10 nên một số bạn theo kịp trong đó có Võ T. Quỳnh,  H.T. Bích Hường, Thu Trang, Thái H. Nguyên, Trần Đ. Hành…

Thầy đi dạy nhưng hình như tâm trí để dành cho những hoài bảo khác, nên ít đầu tư hoàn toàn cho công việc. Bạn bè của thầy  ngoài ít đồng nghiệp thân thiết, còn có anh H. N. Đ., một phó quận trưởng  bỏ công việc về tỉnh lỵ cầm đàn violon ra đường cản đường xe Mỹ!

Trong những lần xôn xao như thế, tôi thấy thầy Đ. xuất hiện loay hoay chăm sóc bạn - người bạn mà lúc đó nhiều người bảo là điên vì dám chống lại chính quyền và bỏ việc!

Thời đó thầy hay ghé nhà của Lê Đ. T. Thành, là bạn cùng lớp, cùng xóm, vừa là cháu gọi tôi bằng cậu vì anh Đ., bạn thầy, hay về nhà Thành chơi và ở lại.

Tôi có cảm tình với giọng Huế nhẹ nhàng của thầy và thích lối phản kháng phản chiến rất tuổi trẻ mà thầy tham gia dù thời đó tôi chẳng có chính kiến gì rõ ràng về chính trị chính em. Thầy giản dị hơn thầy Trần Ngọc Cư, ít nói chuyện thời cuộc trong lớp và ít mĩa mai cuộc đời…, có thể do điều đó nên học trò dễ gần gũi với thầy hơn chăng?

Năm 1972 chiến sự xảy ra tại Quảng Trị, học hành chưa hết học kỳ 1 thì  thầy cô & học trò NH tan đàn xẻ nghé - từ đó tôi bặt tin thầy.

Tôi gặp lại thầy năm 1997 hay 98 gì đó tại quán Rất Huế của N.Đ. Mừng, lúc đó thầy còn khỏe, đang điều hành một công ty lữ hành chuyên giao dịch với khách Tây nên tiền bạc đủng đỉnh, hay rủ học trò cũ đi nhậu. Mỗi  buổi nhậu đều có đàn hát, thơ phú vì thầy là một chàng nghệ sỹ mắc đọa với trần gian mà!

Tôi bận công việc nên thỉnh thoảng mới đến chơi với thầy. Chỉ nhớ mỗi lần gặp ban đầu chỉ một hai người, sau đó là năm sáu người và cuối là nhiều người. Hình như là thầy sợ cô đơn khi thiếu bạn bè?

Có lần tôi mời thầy về nhà dùng cơm, thầy uống không nhiều nhưng thích nhìn ly rượu và thích nói chuyện hơn. Chuyện của thầy bảng lảng như nước chảy mây trôi, không có sự bắt đầu và kết thúc: một cảm giác tê tái nhớ nhà khi lang thang bên dòng sông Sein ngắm hoàng hôn, chút bâng khuâng nhớ nhung khi ngổi bên chiếc cầu ở biên giới bên trời Tây, một cái chào xã giao của người con dành cho cha sau bao năm trời mới gặp lại trên đất Mỹ, một nét văn hóa khác biệt của dân xứ này xứ nọ… phải chịu khó ngồi nghe, đừng vội nhỉn đồng hồ, phải đi đó đi đây hay đọc sách nhiều mới cảm được cái tâm sự rất thực của nguòi đàn ông sinh ra ở xứ Huế nhưng đôi chân và cái đầu thì đi khắp nơi trên thế giới nên câu chuyện cũng trở thành “quốc tế”.

Những năm sau, do bệnh nên khi nhậu thầy thay ly bia bằng ly nước trà. Ai mà trách người bệnh nên chuyện thầy ngồi nhậu mà chẳng uống chẳng ăn là hình ảnh quen thuộc với bạn hữu ở SG.

Sau một thời gian thầy dứt khỏi công việc, ra Huế dưỡng bệnh và lúc đó thầy biết nghe lời bác sỹ và bạn đời Ái Anh hơn.

Hè năm 2007 về họp mặt Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị xong tôi vào Huế thăm thầy trước khi vào lại SG. Hai thầy trò đàm đạo tâm đắc  đủ thứ chuyện trên đời đến nỗi quên cả ăn tối và suýt trễ chuyến bay đêm.

Ngôi nhà 13 Phạm Ngũ Lão của thầy và chị Ái Anh là điểm “tập kết” của bạn bè tứ phương khi ra miền Trung.

Thầy làm du lịch kinh nghiệm như thế nào không rõ, nhưng một đôi vợ chồng nguòi Pháp là bạn của em trai tôi luôn hết lời ca ngợi thầy như là một người VN có kiến thức xã hội uyên thâm, sử dụng ngoại ngữ  tuyệt vời, sống quan tâm đến mọi người  đến nỗi lúc đi du nghiệp từ Pháp chú ấy gọi về hỏi tôi thầy Điền là ai.

Nay do bệnh nên ít đi xa, nhưng thầy lại thường xuyên gặp gỡ bạn bè trên mạng. Ngày nào thầy cũng cho những bạn bè xa biết thời tiết của Huế như thế nào và nhất là tin tức về dòng sông Hương mà thầy yêu mến vô cùng.

Tôi thích cách so sánh như thế này: Thầy Điền sinh ra không phải để làm thầy giáo, nhưng làm một chàng nghệ sỹ mắc đọa chốn trần gian. Ơn Trời thầy có được cô tiên Ái Anh bầu bạn nên đi đày mà vẫn cứ vui.

Viết trong một thoáng nhớ về thầy.

SG 27-02-2012.
NGUYỄN VĂN TRỊ  
READ MORE - Kỷ niệm thời học sinh: THẦY GIÁO HAY CHÀNG NGHỆ SỸ CHÂN TRẦN - Nguyễn Văn Trị

EM LƯƠNG ĐIỀN - Nguyễn Thanh Bá



Tôi quen người em gái
Có nét đẹp hồn nhiên
Ở trên thôn LươngĐiền
Đường ra cua Hà Lộc

Xưa mỗi lần nghỉ học
Tôi thường lên thăm em
Hai đứa đứng bên thềm
Nhìn hoa – lòng bối rối
Nỗi tâm tình khó tỏ
Bày nói chuyện bâng quơ
Tôi trao em bài thơ
Tuổi học trò bé bỏng
Tỏ bày bao ước vọng

Rồi ngày tháng trôi qua
Tôi theo học trường xa
Ít về quê thăm viếng
Mỗi lần về tìm đến
Thăm em đứng bên thềm
Tâm sự cùng với em
Nhìn hoa mà bối rối

Lâu sau tôi về lại
Lên thăm em Lương Điền
Em xa một trời riêng
Bùi ngùi mang nỗi nhớ !

    Nguyễn Thanh Bá
READ MORE - EM LƯƠNG ĐIỀN - Nguyễn Thanh Bá

NHỚ CHIẾN KHU BA LÒNG - Nguyễn Hồng Trân


     
               
Chiến khu Quảng Trị- Ba Lòng
Thời kỳ kháng chiến hào hùng hiên ngang
Giặc Pháp không dám đến càn
Sợ bị tiêu diệt cả đoàn chiến binh
Nhảy dù giặc xuống Hòn Linh
Quân ta vây đánh thất kinh chạy vù
Ba Lòng an vị chiến khu
Một vùng căn cứ mây mù ngụy trang
Dòng sông Thạch Hãn chảy ngang
Ven bờ tươi tốt ngập tràn đậu ngô
Lòng dân tin tưởng Bác Hồ
Kháng chiến thắng lợi phất cờ hân hoan
Hồn thiêng đất nước xóm làng
Tinh thần dân tộc vẻ vang trường tồn.

  Quý Thu năm Nhâm Thìn - 2012
Nguyễn Hồng Trân
READ MORE - NHỚ CHIẾN KHU BA LÒNG - Nguyễn Hồng Trân

Huy Uyên - QUẢNG TRỊ, HẸN MỘT NGÀY VỀ




Không về đâu, ơi người em Quảng-Trị
biền biệt xa quê góc bể chân trời
ai đi bỏ giọt lệ tình cố-lý
để tháng ngày hoài mãi đấu chơi vơi.

Đã tới vụ mùa phải không em gái
nụ cười xưa còn có chút ấm lòng
em ở lại rồi với ngày tháng đợi mong
một người đi,đi hoài đi mãi.

Chiều về em có ngồi lại bên sông
để nhớ ai vọng sầu cố-xứ
mai cũng độ vào xuân chín nụ
hỏi anh có về, có nhớ em không?

Đường về Hải-Lăng ngập ngừng mây kéo
phố Diên-Sanh mấy quán chợ buồn
qua Bến-Đá tình người về mấy nẻo
để ai đi mà hát khúc Mỵ-Trường thôn.

Không về đâu, ơi người em Quảng-Trị
mãi xa người đầy nỗi nhớ quê-hương
em có đứng bên đường đợi anh không nhỉ?
sáng mai nắng lên tới lúc chiều buông.

Ơi em gái quê có trái tim thật buồn
ngày tháng chờ người đi không quay lại ...




Huy Uyên
lesinh.lesinh@yahoo.com


Website counter
READ MORE - Huy Uyên - QUẢNG TRỊ, HẸN MỘT NGÀY VỀ

CHUYỆN BỂ DÂU - thơ Thế Lộc





Ta như cây độc huyền cầm
Cung thương lỡ vận thanh âm nặng chùng
So dây tìm bậc thủy chung
Tà dương xế bóng nghìn trùng tìm đâu!
Cuộc trăm năm chuyên bể dâu
Ta còn đứng đợi bên cầu nhớ thương
Nhạt nhòa chiếc bóng bên đường
Như con sông nhỏ mù sương trời chiều
Về đâu cánh Nhạn cô liêu!
Hoàng hôn ngã bóng đìu hiu giọng thầm
Ta như cây độc huyền cầm
Rung lên lần cuối thanh âm lạc loài.

THẾ LỘC
theloc108@yahoo.com.vn
Website counter
READ MORE - CHUYỆN BỂ DÂU - thơ Thế Lộc

THƠ CHÂN DUNG - Phạm Xuân Dũng


61. Nguyễn Mạnh Côn


       












... Ngươi đi đâu lạc đường vào lịch sử
Đường nào lên thiên thai hay ảo vọng dối người
Mối tình màu hoa đào cũng chỉ là giấc mơ của đá
Yêu anh vượt chết rồi anh vẫn chết tươi mươi.



62. Nguyễn Mộng Giác











Bão nổi lên rồi và anh phải tha hương mùa biển động
Bèo dạt mây trôi nhớ tiếng chim vườn cũ bên cồn
Bão rớt qua rồi mới gặp được sông Côn mùa lũ
Đi cho hết cuộc đời  ngựa nản chân bon.


63. Nhã Ca

      









Đất khổ oan khiên dải khăn sô cho Huế
Quấn trên đầu đoàn nữ binh mùa thu
Một mai khi hòa bình đừng hát tình ca trong lửa đỏ
Nhớ đến xuân thì khi tuổi tác già nua.


64. Nguyễn Thị Hoàng

      









Vòng tay học trò  ở lại trên thiên đường ký ức
Về trong sương mù không tìm thấy lối ra
Nếu chép lại bây giờ và mãi mãi
Nhật ký im lặng buồn có lẽ vẫn chưa qua.





65. Nguyễn Quang Thiều










 
 Sự mất ngủ của lửa-sự mất ngủ của thơ
 Mùa hoa cải bên sông có người đàn bà tóc trắng
 Những người đàn bà đi gánh nước sông tưới cây ánh sáng
 Kẻ ám sát cánh đồng làm náo loạn chuyện làng Nhô.


66. Inrasara:











 
 Tháp Chăm thắp nắng lên thấp thoáng một nụ cười
 Sinh nhật cây xương rồng hiện lên chân dung cát
 Lễ tẩy trần tháng tư anh tựa mình bên tháp
 Hành hương em nên ý ở ngoài lời. 



67. Nguyễn Ngọc Tư

       








 
 Làm sao đi hết cánh đồng bất tận
 Để thấy sông nước chảy mây trôi
 Biển người mênh mông một cái nhìn khắc khoải
 Giữ lấy ngọn đèn không tắt tuổi hai mươi.            

          
                  

Phạm Xuân Dũng
Đài PT-TH tỉnh Quảng Trị
  ĐT: 0985.972.975 
             
Website counter
READ MORE - THƠ CHÂN DUNG - Phạm Xuân Dũng