Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, November 28, 2012

Kỷ niệm thời học sinh: THẦY GIÁO HAY CHÀNG NGHỆ SỸ CHÂN TRẦN - Nguyễn Văn Trị


Thầy Cao Hữu Điền và phu nhân trước nhà riêng tại Huế - Ảnh NKP







Năm 1970  tôi bắt đầu biết tiếng Pháp nhờ học với thầy Lê Văn Quýt- Năm sau tôi học tiếp môn sinh ngữ phụ này với thầy Cao Hữu Điền. Mỗi thầy có một lối giảng dạy khác nhau. Một thầy giáo già đầy kinh nghiệm với lối dạy kinh điển - học từ ABC và luôn bắt học trò học thuộc lòng bài học. Một thầy giáo trẻ, kiến thức đại học,  với lối dạy “fantesie” hơn. Chủ yếu hoc sinh nghe bài giảng và tự giác học hơn là bị trả bài theo lối truyền thống.


Thầy Cao Hữu Điền - một giáo sư trẻ, vừa tốt nghiệp đại học sư phạm Huế, vóc dáng thư sinh, nước da trắng và mái tóc dài rất nghệ sỹ. Nếu tôi nhớ không lầm thẩy Điền ra dạy trường Nguyễn Hoàng cùng năm với thấy Trần Ngọc Cư và thầy Lê Văn Gioang.

Tôi nhớ thầy lên lớp giảng bài nhỏ nhẹ và ít truy bài  nên không khí lớp ít sôi nổi hơn giờ học với thầy Quýt.

Lối dạy đó thích hợp với sinh viên hơn là học sinh tỉnh lẻ như tụi tôi, may mà có căn bản từ năm học lớp 10 nên một số bạn theo kịp trong đó có Võ T. Quỳnh,  H.T. Bích Hường, Thu Trang, Thái H. Nguyên, Trần Đ. Hành…

Thầy đi dạy nhưng hình như tâm trí để dành cho những hoài bảo khác, nên ít đầu tư hoàn toàn cho công việc. Bạn bè của thầy  ngoài ít đồng nghiệp thân thiết, còn có anh H. N. Đ., một phó quận trưởng  bỏ công việc về tỉnh lỵ cầm đàn violon ra đường cản đường xe Mỹ!

Trong những lần xôn xao như thế, tôi thấy thầy Đ. xuất hiện loay hoay chăm sóc bạn - người bạn mà lúc đó nhiều người bảo là điên vì dám chống lại chính quyền và bỏ việc!

Thời đó thầy hay ghé nhà của Lê Đ. T. Thành, là bạn cùng lớp, cùng xóm, vừa là cháu gọi tôi bằng cậu vì anh Đ., bạn thầy, hay về nhà Thành chơi và ở lại.

Tôi có cảm tình với giọng Huế nhẹ nhàng của thầy và thích lối phản kháng phản chiến rất tuổi trẻ mà thầy tham gia dù thời đó tôi chẳng có chính kiến gì rõ ràng về chính trị chính em. Thầy giản dị hơn thầy Trần Ngọc Cư, ít nói chuyện thời cuộc trong lớp và ít mĩa mai cuộc đời…, có thể do điều đó nên học trò dễ gần gũi với thầy hơn chăng?

Năm 1972 chiến sự xảy ra tại Quảng Trị, học hành chưa hết học kỳ 1 thì  thầy cô & học trò NH tan đàn xẻ nghé - từ đó tôi bặt tin thầy.

Tôi gặp lại thầy năm 1997 hay 98 gì đó tại quán Rất Huế của N.Đ. Mừng, lúc đó thầy còn khỏe, đang điều hành một công ty lữ hành chuyên giao dịch với khách Tây nên tiền bạc đủng đỉnh, hay rủ học trò cũ đi nhậu. Mỗi  buổi nhậu đều có đàn hát, thơ phú vì thầy là một chàng nghệ sỹ mắc đọa với trần gian mà!

Tôi bận công việc nên thỉnh thoảng mới đến chơi với thầy. Chỉ nhớ mỗi lần gặp ban đầu chỉ một hai người, sau đó là năm sáu người và cuối là nhiều người. Hình như là thầy sợ cô đơn khi thiếu bạn bè?

Có lần tôi mời thầy về nhà dùng cơm, thầy uống không nhiều nhưng thích nhìn ly rượu và thích nói chuyện hơn. Chuyện của thầy bảng lảng như nước chảy mây trôi, không có sự bắt đầu và kết thúc: một cảm giác tê tái nhớ nhà khi lang thang bên dòng sông Sein ngắm hoàng hôn, chút bâng khuâng nhớ nhung khi ngổi bên chiếc cầu ở biên giới bên trời Tây, một cái chào xã giao của người con dành cho cha sau bao năm trời mới gặp lại trên đất Mỹ, một nét văn hóa khác biệt của dân xứ này xứ nọ… phải chịu khó ngồi nghe, đừng vội nhỉn đồng hồ, phải đi đó đi đây hay đọc sách nhiều mới cảm được cái tâm sự rất thực của nguòi đàn ông sinh ra ở xứ Huế nhưng đôi chân và cái đầu thì đi khắp nơi trên thế giới nên câu chuyện cũng trở thành “quốc tế”.

Những năm sau, do bệnh nên khi nhậu thầy thay ly bia bằng ly nước trà. Ai mà trách người bệnh nên chuyện thầy ngồi nhậu mà chẳng uống chẳng ăn là hình ảnh quen thuộc với bạn hữu ở SG.

Sau một thời gian thầy dứt khỏi công việc, ra Huế dưỡng bệnh và lúc đó thầy biết nghe lời bác sỹ và bạn đời Ái Anh hơn.

Hè năm 2007 về họp mặt Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị xong tôi vào Huế thăm thầy trước khi vào lại SG. Hai thầy trò đàm đạo tâm đắc  đủ thứ chuyện trên đời đến nỗi quên cả ăn tối và suýt trễ chuyến bay đêm.

Ngôi nhà 13 Phạm Ngũ Lão của thầy và chị Ái Anh là điểm “tập kết” của bạn bè tứ phương khi ra miền Trung.

Thầy làm du lịch kinh nghiệm như thế nào không rõ, nhưng một đôi vợ chồng nguòi Pháp là bạn của em trai tôi luôn hết lời ca ngợi thầy như là một người VN có kiến thức xã hội uyên thâm, sử dụng ngoại ngữ  tuyệt vời, sống quan tâm đến mọi người  đến nỗi lúc đi du nghiệp từ Pháp chú ấy gọi về hỏi tôi thầy Điền là ai.

Nay do bệnh nên ít đi xa, nhưng thầy lại thường xuyên gặp gỡ bạn bè trên mạng. Ngày nào thầy cũng cho những bạn bè xa biết thời tiết của Huế như thế nào và nhất là tin tức về dòng sông Hương mà thầy yêu mến vô cùng.

Tôi thích cách so sánh như thế này: Thầy Điền sinh ra không phải để làm thầy giáo, nhưng làm một chàng nghệ sỹ mắc đọa chốn trần gian. Ơn Trời thầy có được cô tiên Ái Anh bầu bạn nên đi đày mà vẫn cứ vui.

Viết trong một thoáng nhớ về thầy.

SG 27-02-2012.
NGUYỄN VĂN TRỊ  

No comments: