Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, January 3, 2013

Khaly Chàm - ĐOẢN KHÚC GỬI HƯ VÔ

tặng bạn bè văn nghệ Quảng Trị

Tác giả KHALY CHÀM












1.
mắt sâu đáy vực ảo hình
tàn tro chợt thức lung linh khói hồn
bóng bay theo sóng âm buồn
hình thôi miên lửa môi hôn ngọt ngào

2.
sững nhìn vỡ trắng tầng cao
tím bầm giọt nắng tan vào chân mê
mộng từ hạt bụi đi-về
tìm trong ảo mặt bốn bề gọi tên

3.
thiên thu chớp nhoáng sấm rền
ngậm ngùi hỏi gió đường lên đỉnh trời
lá vàng ngửa mặt tàn hơi
rừng xưa uẩn khúc nghẹn lời phục sinh

4.
dật dờ cõi trú điêu linh
nắm tay trôi giạt phía bình minh xa
niềm đau rụng xuống hiên nhà
người ôm mặt khóc nhập nhòa bão rơi

5.
chập chờn đóm lửa ma trơi
luồn xuyên mạch máu tiếng cười u mê
chữ kinh trần trụi ngô nghê
hạt tràng thảng thốt giọng thê thiết buồn


TN - 2012

KHALY CHÀM
khalycham@yahoo.com

READ MORE - Khaly Chàm - ĐOẢN KHÚC GỬI HƯ VÔ

Kha Tiệm Ly - TỰ TRÀO PHÚ


Trộm nghe,

Lấy gương soi mặt giai nhân,
Lấy tâm soi lòng kẻ sĩ.
Đem gian nan thử bậc cao tài,
Đem lửa đỏ thử vàng đúng tuổi.

Cười cho mỗ,

Một đời múa bút, chữ “sĩ” lăm le,
Bao bận khoa gươm, chữ “hùng” lấp ló.
Chỉ vì bút nghiên chệch choạc, mà văn chẳng ra văn,
Cũng tại chân cẳng quều quào, mà võ không ra võ!
Ngũ kinh lập bập, rặn ba bài phú mà đọ với Dương Hùng,
Tam lược nghêu ngao, lượm mấy cơ mưu, lại sánh ngang Tôn Vũ!

Lại cười cho mỗ:

Dốt không chịu dốt, bày trò thi phú búa xua,
Hèn chẳng chịu hèn, giao kết đệ huynh lố nhố.
Muốn trương buồm ngâm câu Thiên Địa, rượu rót tràn ly,
Thích tuốt kiếm ca khúc Lương Sơn, ngựa phi thẳng vó.
Chí tồi mà muốn vọt thấu mây,
Guơm sét lại đòi bung khỏi vỏ!

Chẳng nhớ câu:

Giao long lỡ vận nào khác tép tôm,
Mèo chó đắc thời tuồng như báo hổ!
Mỉa mai câu nói “sinh bất phùng thời”,
Chua xót lời khuyên “đức năng thắng số”!

Thì thôi,

Thân đã ở nhà lá nhà tranh,
Miệng ráng ăn rau đay rau ngổ!
Đã cam tâm ngậm cục bồ hòn,
Thì mơ tưởng chi hơi cam lộ!
Thênh thang năm dài tháng rộng, tội mỗ đây lấy nhục làm vinh,
Chắt chiu bữa đói bữa no, xót mẹ đĩ chịu thương chịu khó!
Trong cơn dâu bể, hữu bằng đầy dẫy Lý Thông,
Sau trận phong ba, đồ đệ có bao Tử Lộ?
Quăng đuốc danh, lòi mặt kẻ hai lòng,
Nhá lửa lợi, đổi màu vàng bốn số!
Chưa chứng Thiên Nhãn mà thấy tâm can kẻ đứng sau tường,
Chưa chứng Tha Tâm, mà biết thức thần người nằm dưới mộ!

Thương cho,

Vợ ăn cháo hoa lỉnh bỉnh, lại chịu ngày đói ngày no,
Con mặc áo khính thùng thình, còn vá miếng xanh miếng đỏ!
Vải dỏm loang màu, giặt một nước, lông lá bèo nhèo,
Chuối chát độn cơm, ăn một miếng, lưỡi môi ngờ ngợ!
Dù lành dù rách, gìn nếp riêng, chẳng mở lời than,
Dù đói dù no, noi phép cũ, không châu miệng ngó!

Nay thì,

Vinh nhục như đã hết duyên,
Văn thơ xét ra vẫn nợ.
Năm xe kinh điển, quyển mất quyển còn,
Mấy lố bạn văn, đứa đi đứa ở.
Miệt mài trên báo, xem “thơ tự do” mà bụng dạ hãi hùng,
Lang thang trên mạng, coi “thơ Đường luật” làm mặt mày mắc cỡ!

Chỉ vì:

Thẹn cho tài, dẫu gọt hết trúc rừng làm bút, mà chẳng thành danh,
Tủi cho phận, dù mài vơi nước sông làm mực, cũng chưa tiệm ngộ!
Luật niêm trớt lớt, nào dám xưng văn nọ văn kia,
Đối chác lem nhem, đâu dám vô hội nầy hội nọ!
Thơ viết người không muốn đọc, mà “ca” ù tai hơn tiếng ve kêu,
Sách in mối chẳng thèm ăn, lại “bốc” điếc ráy còn hơn bom nổ!
Mùi chưa dậy mà mắc buồn nôn,
Bụng không chửa lại lên cơn ói!

Làm thơ mà:

Cho không ai nhận, thì đem về nhóm lửa nấu cơm.
Đọc chẳng người nghe, cứ để dành gói xôi gói đỗ!
Những tưởng, tay nắm tay cùng dắt lên mây,
Dè đâu, mặt đưa mặt thay phiên trét lọ!

Ôi thôi!

Thà đành há miệng chờ sung,
Chẳng chịu trói voi bỏ rọ.
Kệ miệng người nói thẳng nói xiên,
Mặc trôn đĩ đóng ngang, đóng dọc!

KHA TIỆM LY
Tây Ninh
khatiemly@gmail.com

READ MORE - Kha Tiệm Ly - TỰ TRÀO PHÚ

NHỚ TƯỚNG QUÂN TRẦN BÌNH TRỌNG - Trần Tấn

               Nén tâm nhang viếng Tướng quân Trần Bình Trọng



TA - bạn bàn chung chuyện Đông - Tây
THÀ rằng thiệt phận vẫn ngang mây
LÀM chi bất nghĩa, phường lòi tói ?
QUỈ Cốc tiên sinh, đó bậc Thầy
NƯỚC non, non nước tha hồ dạo
NAM Việt vượng hồng đã thấy đây!
CÒN ta, còn bạn, còn giặc đấy
HƠN nghĩa, hơn tình, quyết dựng xây
LÀM dân Đại Việt hơn vua nó
VƯƠNG giả oai phong tấc dạ này
ĐẤT đảo Hoàng Sa ... bay nhận bậy
BẮC quốc thâm trùng ... ắt tan thây !


                                                                   Xuân - 2013
                                                                   TRẦN TẤN
 ***
Vũ Từ Sơn gởi đăng
vutuson01@gmail.com
READ MORE - NHỚ TƯỚNG QUÂN TRẦN BÌNH TRỌNG - Trần Tấn

Lê Liên - Cảm nhận về bài thơ NHỎ BẠN NGÀY XƯA của Kha Tiệm Ly



Nhỏ bạn ngày xưa
Kha Tiệm Ly

Ngày lớn ròng hai lần con nước,
Mi nhỏ chưa cong, tóc nhỏ chưa dài.
Vú cau thẹn nằm sau áo ướt,
Ta nợ cái nhìn lúc tuổi mười hai!


Giã biệt nhỏ ta lên thành đi học,
Để nợ bãi bồi, để nợ dòng sông.
Không ai chọc, mà sao nhỏ khóc?
Làm bông bần rơi trắng mênh mông!

Một hạ ta về thăm sông cũ,
Tóc búp bê, giờ óng ả mượt mà.
Đinh áo chẻ cao, khoe chút da trắng muốt,
Thêm một lần ta nợ áo bà ba!

Hàng rào thưa ngăn nhà ta, nhà nhỏ.
Mà xem như cách mấy dòng sông.
Ai giả bộ đem áo ra phơi gió,
Để nhìn nhau, má nhỏ ửng hồng hồng.

Theo lốc xoáy, ta thành thân viễn xứ,
Cây bần xưa buồn bã đón ta về.
Vắng ai đó bên dòng sông năm cũ,
Mấy bông bần theo gió rụng lê thê.

Mười tám tuổi, nhỏ tay bồng tay bế.
Bởi con bướm vàng đậu nhánh mù u.
Ta chết lặng, nhỏ nhìn ta ứa lệ,
Ta nợ nhỏ rồi, ánh mắt thiên thu!

                                                  KTL

Lời bình của Lê Liên
Tác giả LÊ LIÊN

     Ai cũng có một nơi chốn để tìm về với kỷ niệm; nhà thơ Kha Tiệm Ly cũng có một dòng sông tuổi thơ với cây bần và cô bạn nhỏ thân thương. Họ bên nhau thật hồn nhiên, vô tư.Tất cả những dấu yêu đó như tràn ngập trong ký ức nhà thơ và cho đến mãi mãi sau này.

            Ngày lớn ròng hai lần con nước,
            Mi nhỏ chưa cong, tóc nhỏ chưa dài.
            Vú cau thẹn nằm sau áo ướt,
            Ta nợ cái nhìn lúc tuổi mười hai!

     Lẽ thường,Thi nhân hay dùng rất nhiều từ hoa mỹ để diễn tả một bộ phận đẹp trên cơ thể người con gái khi nó phát triển hoàn chỉnh:

     * Với Hồ Xuân Hương là "Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm".

     * Hay với Phạm Thiên Thư: "Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm".

     * Nhưng còn cậu bé KTL ngày ấy đã khám phá ra một hiện tượng lạ của nhỏ bạn rất đẹp và rất đỗi mộc mạc, dễ thương đến lạ khi dùng từ tượng hình "vú cau" thật ngộ nghĩnh để làm ẩn dụ cho ta biết Nhỏ đang chớm tuổi dậy thì, vẫn hồn nhiên tắm sông, để "vú cau thẹn nằm sau áo ướt ". Mà với người Việt thì trái cau rất gần gũi, mang nặng nợ duyên tơ tóc.

      Đọc tới đây tôi nhớ những nhân vật Thằng Côn, con Thúy, Thằng Vũ, thằng Vọng ... của Duyên Anh khi chúng ngây ngô châm chọc nhau:

            Con gái chơi với con trai,
            Về sau cái vú như hai quả dừa 

     Ngày đó, tôi cũng cùng trang lứa như Nhỏ của KTL vậy, mặt tôi đỏ bừng, xấu hổ, không dám đọc lại hai câu thơ đó thêm lần nữa, dù rằng trong tôi ý niệm về giới tính chưa rõ nét. Cho nên tôi hiểu NHỎ của KTL đã thẹn, nhưng chẳng biết vì sao mình thẹn, cảm giác rất mơ hồ.

        Ta tự hỏi: Vú cau thẹn, đó là phản xạ tự nhiên của con gái khi bắt gặp cái nhìn của người khác, nhìn vào cơ thể mình. Hay KTL chợt thẹn khi vô tình phát hiện ra vú cau khác thường của NHỎ? Tuy cái nhìn ấy không mang tính tình dục, nếu không nói là vô tư, nhưng chính vì cái khang khác ấy khiến KTL tự cho mình mắc nợ. Nợ cái nợ hồn nhiên của Nhỏ ở tuổi 12.

       Rồi cũng rất tự nhiên khi vào tuổi lớn, KTL phải từ giã làng quê, lên thành đi học, ai mà chẳng bồi hồi thương nhớ quê hương.

      Nếu như sông không có bên lở, bên bồi thì làm sao dòng sông lượn lờ, uốn khúc? Dòng sông cũng sẽ bớt nên thơ nếu thiếu đi màu xanh của rặng cây và bãi bồi nhấp nhô cát mịn. Phải, bãi bồi đó là nơi cất giữ biết bao kỷ niệm, cho nên khi chia tay, KTL tự ghi thêm cho mình hai khoản nợ:

             Để nợ bãi bồi, để nợ dòng sông

      Chính vì cái nợ này mới sinh chuyện:

             Không ai chọc, mà sao nhỏ khóc ?
             Làm bông Bần rơi trắng mênh mông

      Nghe sao buồn quá! Màu trắng thường cho ta cảm giác buốt lạnh, tang thương. Nhưng "bông Bần rơi trắng mênh mông" này lại cho ta nỗi buồn mênh mang, không thể xác định được tên của nỗi buồn ấy là gì? Tâm tình của cả hai người lúc này là tâm tình của láng giềng? của anh em? của người yêu? hay của bạn hữu?

            Một hạ ta về thăm con sông cũ
            Tóc búp bê, giờ óng ả mượt mà
            Đinh áo chẻ cao , khoe chút da trắng muốt
            Thêm một lần ta nợ áo bà ba !

     Theo từng mùa hạ qua đi ... có một mùa hạ để lại ấn tượng trong lòng: Bấy giờ, thì đường nét thanh xuân của Nhỏ đã phô diễn trọn vẹn rồi.

     Thật vậy, với Phạm Thiên Thư:

            "...Như Lai thường trụ trên tà áo xuân
             vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền ... "

      Cô thanh nữ của Phạm thiên thư thánh khiết quá đi! Và Nhỏ của KTL cũng đâu có kém gì? Cho nên KTL lại tự ghi nợ cho mình thêm lần nữa khi ngắm Nhỏ mặc áo bà ba. Chiếc áo rất thân quen của thiếu nữ miền quê ấy đã tôn lên nét đẹp xuân thì của Nhỏ. Nó thừa sức thu hút ánh nhìn của nhiều giới phái, từ nhiều góc độ khác nhau: trước sau, nghiêng thẳng, phải trái ... nó có sức hấp dẫn đến lạ thường.

     Có ai chắc cái nhìn này không gợn chút tình dục? Chẳng có chi xấu cả, đó là lẽ tự nhiên, bởi tình dục là quà tặng diệu kỳ mà thượng đế ban cho những đôi lứa yêu nhau.Và có mấy ai từ chối chiêm ngưỡng vẻ đẹp kia chứ?

    Và này, nếu ngày xưa Nguyễn Bính có cô Hàng Xóm:

           Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
           Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn
 
thì nhà của KTL và Nhỏ cũng chỉ là:

          Hàng rào thưa ngăn nhà ta, nhà nhỏ
          Mà xem như cách mấy dòng sông.

     Khi người ta đã có tình ý với nhau rồi, thì chỉ mong ước không còn có khoảng cách địa lý nữa! Ừ nhỉ? Chỉ có hàng rào thưa thôi, chẳng che chắn nổi tầm nhìn, vậy mà với đôi bạn sao nó xa vời vợi?

     Phải chăng lúc này đã chín chắn hơn một chút, và đôi bạn biết "giữ kẽ" với nhau khi mà "Tình trong tuy đã, mặt ngoài còn e" (ND) không nhỉ?
        
      Để rồi,

              Ai giả bộ đem áo ra phơi gió,
              Để nhìn nhau, má nhỏ ửng hồng hồng ...

     Thật dễ thương! Chẳng biết KTL hay Nhỏ làm bộ đem áo ra phơi nhỉ? Kệ, ai cũng được, miễn là trông thấy nhau cho nỗi nhớ ánh hồng trên má là đủ rồi! Bởi vì trời có nắng đâu, trời chỉ đong đầy gió, thế mà thân nhiệt vẫn tăng lên khi nhìn thấy nhau! Ôi, cái bẽn lẽn và hành vi kiếm cớ phơi áo thật vụng dại, nó mới đáng yêu làm sao! Chẳng trách nó đã làm cho chàng trai KTL hào phóng tự ký thêm một khoản nợ: Cái nợ tuổi xuân thì của Nhỏ khi mặc áo bà ba!
       
      Cuộc đời của mỗi chúng ta luôn gắn chung với vận mệnh của đất  nước. Thời cuộc đẩy đưa KTL rồi cũng trôi xa cùng với  giòng đời:

            Theo lốc xoáy, ta thành thân viễn xứ ".
            Đã đi xa, ai cũng mơ có lúc quay về cố hương ...

       Nếu như Huy Cận diễn tả nỗi trống vắng:

             Sông dài, trời rộng, bến cô liêu

       Thì KTL may mắn hơn khi quay về dòng sông cũ còn có:

             Cây Bần xưa buồn bã đón ta về.

       Than ôi! Nhỏ ngày xưa đã sang ngang, bỏ lại dòng sông, bỏ lại cây Bần trơ trọi, buồn hiu đứng đợi người xưa.

       Khi  trước, KTL lên thành đi học, "bông bần rơi trắng mênh mông", bông Bần lúc ấy cùng mang hai tâm tình: kẻ ở, người đi. Thật mang mang chưa định dạng được nỗi buồn chia xa ấy là gì? Còn giờ đây "bông Bần theo gió rụng lê thê!" chỉ mang tâm trạng riêng của một người cô đơn, cảm giác trống vắng khi trở về bến cũ.

       Động từ RỤNG nghe sao sầu thảm quá chừng, cứ như không còn nhựa sống vậy! Tự thân nỗi buồn càng chồng chất nỗi buồn bởi nó theo gió rụng lê thê.

      Gió ở đây cũng diễn tả cho nỗi buồn, vô định, vô lượng bởi chẳng ai cân, đo, đong, đếm được gió. Cho nên nỗi buồn đó quá lớn, lây lan khiến bông Bần cũng theo nó mà rụng lê thê!

      Có thể nói Bông Bần cũng là cõi lòng của tác giả nữa, nó chất chứa nỗi thất vọng ê chề. Nỗi buồn lê thê rụng vào nỗi buồn chất ngất của tác giả. Khổ thơ này cho ta lạc vào cõi hoang vu, với nỗi buồn man mác, chập trùng, sâu thăm thẳm, dài hun hút.

      Cũng chưa hết khi khổ thơ cuối cùng như một điệu buồn quen thuộc của duyện phận bẽ bàng:

            Bởi con bướn vàng đậu nhánh mù u

     Nó lại cho ta liên tưởng: Nhỏ là một thiếu nữ đại diện cho tập tục tảo hôn ở miền quê VN. Cho nên mới:

     "Mười tám tuổi, Nhỏ tay bồng tay bế", để rồi cũng chạm phải nỗi đau khi người mẹ trẻ không có cuộc sống lứa đôi hạnh phúc khi:

             Ta chết lặng, nhỏ nhìn ta ứa lệ

     Thiết nghĩ, mỗi bài thơ hay đều có "từ khóa" để mở ra chân trời riêng, ẩn chứa khát vọng của nó! Trong câu thơ này, tác giả đã dùng từ ỨA LỆ để diễn tả cho nỗi niềm đau xót của Nhỏ khi gặp cố nhân!

      ỨA LỆ  chính là từ khóa của cả bài thơ tình rất đẹp này! 

      Nó hàm chứa nỗi đau được nén chặt, nén chặt dưới nhiều áp lực quá cao: chỉ chực chờ bung vỡ. Nhưng không được phép bung vỡ, mà phải chôn sâu vào tận đáy lòng.
       
      Ứa lệ: thật oái ăm khi mà Nhỏ rất muốn khóc mà không dám khóc. Và biết chắc rằng: khóc sẽ nhận được sự đồng cảm nhưng không dám chia sẻ, mà chỉ nên giữ nỗi cay đắng cho riêng mình thôi! Điều này cho ta biết sự cam chịu của Nhỏ là TRÁNH cho cố nhân  một nỗi đau ...

Ứa lệ, nghe chừng như có chút hờn tủi, cam phận.

Ứa lệ: vì biết chắc mãi mãi mình không trả được món nợ ân tình.

Ứa lệ: sự dồn nén, tức tưởi của con tim đang thổn thức vì chua xót, đắng cay nên dù nước mắt  đã tràn bờ mi nhưng cũng kiềm lại, cho nó chảy ngược vào tim (Thật, chẳng dễ dàng gì!).

Ứa lệ như một “đòn chí mạng" đánh bật gốc rễ bám sâu vào tâm hồn của đôi bạn.

     Nếu để gom hết những món nợ ân tình mà KTL đã  tự thiếu nợ Nhỏ Bạn ngày xưa thì nhiều lắm!

      * Nợ Vú Cau là nợ cái vô tư hồn nhiên tuổi thơ.

      * Nợ bãi bồi, dòng sông, là nợ nơi vun đắp, cất giữ kỷ niệm của hai người bạn nhỏ.

      * Nợ Bông Bần là nợ tâm tình của hai miền ký ức: KTL và Nhỏ với lần chia tay và lần trở về, với hai trạng thái tâm lý khác nhau.

       * Nợ áo bà ba là nợ Xuân Thì của Nhỏ.

     Những khoản nợ trên xuất phát từ cái nhìn của KTL, từ chính tâm hồn của tac giả.

      * Giá như ngày gặp lại nhau mà Nhỏ bộc bạch được tâm tình, rồi khóc nức nở, khóc sướt mướt, khóc thỏa thê ... cho trôi tuột muộn phiền, đắng cay thì KTL làm gì đứng chết lặng, tự gánh thêm khoản nợ thiên thu "xuất phát từ cái nhìn Ứa Lệ của Nhỏ".

      Từ Hải của Nguyễn Du chết đứng giữa trận tiền chắc đầu không lùng bùng với nhiều chiều kích tư tưởng, tim không co thắt từng cơn, từng cơn nhức nhối như KTL chết lặng trước cái nhìn ứa lệ của Nhỏ!

      Chiến trường nội tâm của cả hai người bạn lúc đó đã xung đột mãnh liệt, nhưng được bao phủ bằng sự thinh lặng, nhẫn chịu đớn đau ..
       
      Bỗng dưng tôi muốn mạo muội tản mạn thêm một chút ...

     Tôi đã đọc bài bình của Châu Thạch viết về bài thơ "Ta nợ ơn người" của KTL mà thấm thía rằng đời người có quá nhiều khoảng nợ trả - vay, vay - trả hoài không dứt được!  KTL đã từng kể nợ của mình với cuộc đời từ hạt lúa, nhánh bần, cánh diều, nghiên bút, bản thân mình ... đến:

            ..."Nợ mẹ, nợ cha, nợ thầy, nợ bạn
                 Thì đời ta đã sống ra người
                 Nợ sông núi ta làm phân bón đất
                 Nợ ân tình, không trả được em ơi!”

      Phải chăng cái nợ thiên thu này là một trong khoảng nợ ân tình mà KTL đã mang theo nó đến suốt đời, mãi mãi không trả được?
        
      Thực lòng mà nói, ta vẫn thấy KTL tự chuốc nợ vào thân.Vì ông vốn là một người đa cảm và giàu sỹ khí hào hiệp đó thôi! Bởi lẽ, xuyên suốt bài thơ này chỉ là kỷ niệm rất ngây thơ, trong sáng, mộc mạc ... khi còn thơ bé. Cho đến lúc lớn lên thời cuộc đưa đẩy xa quê hương, lúc trở về thì Nhỏ đã sang thuyền … như vậy Nhỏ mới là người mắc những khoản nợ mà KTL tự cưu mang chứ, nhỉ?

      Hay nói chính xác là KTL không có cơ may để trả cái nợ vụng dại, ngây ngô! Cái nợ đáng yêu thuở thiếu thời .... Chính vì sự bất đắc dĩ này mà chúng ta mới có một bài thơ tình rất hay, nói lên tâm hồn đẹp khi người ta biết cho hơn là nhận, biết nghĩ dùm cho đối phương, và biết để ý đến cảm nhận của người thân. Cảm ơn Kha Tiên Sinh, bởi vì với bút pháp nhẹ nhàng, trong sáng, văn phong bình dị, Kha tiên sinh đã cho chúng ta hiểu thêm cuộc đời này có những tấm chân tình rất đỗi thanh cao, rất đáng ngưỡng mộ.

LÊ LIÊN
tuongphuc4758@yahoo.com
READ MORE - Lê Liên - Cảm nhận về bài thơ NHỎ BẠN NGÀY XƯA của Kha Tiệm Ly