Hoàng Quý Thi Sĩ |
NGHĨ NGẮN VỀ THƠ HOÀNG QUÝ (1)
Lê Thiên Minh Khoa
Nhà thơ Hoàng Quý (HQ) nay đã ngót 70,
nhưng đến gần tuổi trung niên anh mới làm thơ. Dù trễ, nhưng thơ anh cứ băng
băng lao nhanh về phía trước. Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay,
trong 20 năm, anh cho ra đời nhiều tập thơ: Giấc Phì Nhiêu (NXB Văn Học, 1996),
Đi Bên Mùa Là Rụng (NXB Văn Học, 2000), Ngang Qua Cánh Đồng (NXB Hội Nhà
Văn, 2002; tái bản, 2004), Giả Trang
(NXB Văn Học, 2007)… cùng nhiều trường ca: Đối Thoại Trắng (2004), Những Ngấn Bùn Trên Mũi Chân Tổ Quốc (2011)…
và nhiều Giải thưởng văn học có giá trị.(2)
… Thực ra, “văn kỳ thanh” từ lâu nhưng
tôi mới “kiến kỳ hình” Hoàng Quý sau nầy,
khi chuyển sinh hoạt từ Hội VHNT Đồng Nai
về Hội VHNT BR-VT (anh là hội viên Hội nhà văn VN, sống tại Vũng Tàu),
nhưng rất quý trọng anh bởi cái tâm công dân, và cái tài thơ ca của anh. Theo
tôi, thơ anh ở cấp độ và xứng tầm thi sĩ, và anh là một trong những gương mặt
đáng nể trọng của thi ca Việt Nam đương
đại, bởi thơ anh có một phong cách (styl) riêng, độc đáo, mới lạ, “không giống
ai” cả về nội dung trữ tình lẫn thi pháp_ nghệ thuật thơ ca.
Về nội dung trữ tình, thơ anh hòa quyện
giữa một cái tôi trữ tình cá nhân ngang tàng, phóng khoáng, cháy bỏng mà nhân hậu,
nhạy cảm với một cái tôi trữ tình công dân yêu thương mặn nồng, hữu trách với Tổ
Quốc, Nhân Dân. Hai cái tôi trữ tình nầy được biểu hiện bằng một giọng thơ
riêng, lạ, một tình cảm rạo rực, nồng nàn, say đắm cùng những liên tưởng bay bổng, bất ngờ rất Hoàng
Quý. Thi sĩ họ Hoàng có những câu thơ,
bài thơ găm sâu về thân phận con người, nhân dân làm người đọc rạo rực, bồi hồi
trăn trở và những câu thơ, bài thơ lắng sâu về Tổ quốc đất nước làm xúc động, đồng
điệu, khơi dậy, bừng lên tình yêu đất nước quê hương kín sâu ở mỗi người:
“Nhân dân tôi
Nhân dân cô đơn
Nhân dân khiêm cung
Kham nhẫn và dịu
dàng
Người là nước mà
luôn thiếu khát
Người như lúa khắp
ruộng nương nước Việt
Những hạt lúa dại
vụng
Ấm và xót
Ngoi trên nắng
Dạt trên nước
Xác cháy trên tay
chai
Xướp ráp tận ruột
Lấm láp và tinh tươm
Thơm tho sen súng
Giấc mê mẩn người
Thảng như ca dao
Xum xuê như cổ tích”
(Trích Trường ca: Đối Thoại Trắng)
“Nếu bạn hỏi Đất Nước
tôi bao tuổi
Xin hãy đếm những
ngấn bùn châu thổ quê tôi
Nếu bạn hỏi về
tầng sâu lịch sử
Xin đếm những ngấn
bùn bồi đắp nước non tôi”
(Trích Trường ca: Những Ngấn Bùn Trên Mũi Chân Tổ Quốc)
Đề từ cho tập thơ “Ngang Qua Cánh Đồng”,
anh viết “Cái hạt thơ anh gieo, tôi gieo với biết bao khó nhọc có thể sẽ nên
cây mà cũng có thể thui chột như chưa từng hiện hữu…”. Hạt thơ … gieo với biết
bao khó nhọc. Vâng, sáng tác thơ là một lao động sáng tạo đặc thù đầy cá tính trong
cô đơn và tân khổ của nhà thơ. Thơ là niềm vui, là nỗi buồn, là vết đau, là cơn
co giật, là phút thăng hoa, là hoài bão khát vọng, là mồ hôi, nước mắt, kể cả
là tim óc, máu thịt (đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ “tâm huyết”) của
nhà thơ và của nhân dân đã sản sinh ra mình (“Nhân dân sản sinh ra nhà thơ để
nói hộ nhân dân những điều mà nhân dân không nói được”- Gamzatôp) . .. Với phong thái tao nhã nhưng phong thế lại vật vã, với tấm lòng trong trẻo, một thái
độ ứng xử nhất quán, thẳng thắn, rạch ròi nhưng luôn luôn đằm thắm,
vị tha và nhân hậu trước trùng vây tối sáng cuộc người, bằng tài
năng và nghiệm sống của chính mình thơ của họ Hoàng luôn luôn gây
những bất ngờ, dào dạt cảm xúc, nhiều khi khác thường, những rung động mãnh liệt với thi hình, thi
ảnh, ngôn ngữ, hình tượng thơ độc đáo, khác lạ, mới mẻ, trí huệ…:
“Như một cuộc trường
chinh vĩ đại
Những ngấn bùn tụ hội ở Giao Châu
Những ngấn bùn thăm thẳm
Rất xưa và rất lâu
Những ngấn bùn bất khuất
Đắp bồi từ đớn đau
Những ngấn bùn kiêu
hãnh
Không bao giờ cúi đầu”
(Trích
Trường ca: Những Ngấn Bùn Trên Mũi Chân Tổ Quốc)
“… Ai là bạn
Hãy đền với chúng
tôi xoải chân trần trên cát
Lắng tiếng trở mình
thao thức phù sa
Nghe đất thở dưới
tán rừng châu thổ
Sưởi làn hương thắp
Tết Ộng Bà
Xin bạn cứ ruổi rong
thỏa thích
Suốt vòng cung đầy
nắng nước non tôi
Cùng vỗ chiêng, cồng
Như vỗ những mặt
trời nho nhỏ
Sẽ gặp đàn chim cổ
tích bay ra
Bạn thử ướm bàn
chân tõe ngón
Những bước bùn,
bước mẹ, bước em tôi
Bạn sẽ hiểu vết
bùn như máu đọng
Trên vai trần trên
tóc khét cha tôi”
(Trích Trường ca: Những Ngấn Bùn Trên Mũi Chân Tổ Quốc.)
Ngôn từ trong thơ Hoàng Quý lạ lẫm,
táo bạo, tưoi mới, đắc địa, biến ảo, nhiều khi lẫm liệt, đặc biệt rất nhiều
từ “lệch chuẩn” làm người đọc vừa sửng sốt, vừa thú vị. “Lệch chuẩn” nghĩa là vừa giống mọi người
(chuẩn), vừa khác mọi người (lệch). “Giống” tức là theo chuẩn mực chung về sử dụng
ngôn ngữ để mọi người hiểu được. “Khác” tức là phải có cái mới, cái lạ mới
thành thơ để mọi người thích. Chẳng hạn Hoàng Quý viết: “Sóng rất ênh
uôm”,“nước mắt phì nhiêu”, “cười hoang vu”, “Đuềnh đoàng nón thúng”, “Nụ
thắp xanh xao”, “Ướp đêm biên tái”, “Chiều như mắt biếc”…
Xin dừng lại ở hình ảnh “cười hoang
vu” trong câu thơ “Chớ cười hoang vu như thế nữa” (Thôi
em về đi). Hoang vu là nói về nét hoang liêu, vắng vẻ của một vùng đất, ở đây anh dùng để chỉ nụ cười của cô gái: cười
hoang vu là nụ cười trong trắng, vô tư, ngây thơ , hồn nhiên và…dại khờ. Anh lắp
ghép những từ ngữ cũ kỹ để tạo thành từ ngữ mới mẻ, lạ lùng, có “hồn chữ quẫy
cựa”, có sức biểu nghĩa phong phú, sức biểu cảm lắng sâu, thi hình biến ảo,
thi ảnh bất ngờ…
Tôi đã đọc trên 300 bài thơ viết
trong chừng 20 năm của Hoàng Quý. Mỗi bài là một thi phẩm đúng
nghĩa. Tiếng thơ vạm vỡ, tình thơ cô nén, mạch ngầm gợi nghĩ, giọng
thơ sang trọng, ngôn ngữ trong trẻo, đa thanh, biến ảo, rất nhiều ma
lực, tứ thơ vững chãi.
Ai cũng biết tứ thơ là một yếu tố
không thể thiếu của một bài thơ, nhất là thơ hiện đại.Tứ thơ là một khái niệm
có vẻ rất khái quát và trừu tượng nên có nhiều cách diễn giải. Theo tôi, “tứ”
được hiểu như là một phương thức để tổ chức liên kết các ý trong bài thơ và hệ
thống các ý đó với bức tranh tâm trạng -
tình của nhà thơ và biểu hiện chúng bằng yếu tố ngôn ngữ - từ.. Cả ba yếu
tố đó - tình, từ, ý - thông qua phương thức tứ, tổng hòa trong một thể thống nhất
gọi là bài thơ – tác phẩm. Vì vậy, tứ được coi như xương cốt của bài thơ
và là tiêu chí bậc nhất để phân biệt Thơ và “cái giống thơ” nhưng
“không phải thơ” như vè, văn vần, khẩu hiệu minh họa, tuyên truyền cổ động… hoặc
bài “ráp vần, xếp chữ” của nhiều người “chơi thơ” hiên nay mà thôi, Như thế, chất
trí tuệ, năng lực hư cấu văn học và trí tưởng tượng của nhà thơ được vận dụng hết
công suất để xây dựng tứ thơ mà giới chuyên ngành gọi là “cấu tứ”.
Mỗi bài thơ của Hoàng
Quý đều dệt kết đan cài và hội tụ quanh tứ với bút pháp nội tĩnh
ngoại động (hoặc ngược lại) hài hòa, tinh tế, nhuần Việt, đầy sinh
khí, huyền ảo (nhiều khi uyên áo, ảo diệu, mộng mị) giữa tình, từ, ý
trong toàn bài. Có lẽ chính “tứ” tạo nên giọng điệu rất riêng, dữ dội
mà không chói gắt, quyết liệt mà mà vẫn ấm nồng, sáng giá, cùng
nhịp điệu, nhạc điệu khoát hoạt ẩn trong thơ tạo nên dư ba. Cấu trúc
sáng tạo, khác thường riêng anh có thể biến những câu không vần, ngắn dài
không đều nhau, và, những bài thơ văn xuôi của anh hóa thành THƠ và là thơ hay.
Bài thơ văn xuôi “Giấc Phì Nhiêu” trong tập thơ cùng tên của họ Hoàng là một
minh họa tiêu biểu:
“Rất nhiều khi ta
thảng thốt mơ giấc phì nhiêu của đời người
em đâm đuống, em trỗ ống, ta đánh cồng và ca
hát khúc ca
của Mường Người…”
Xin trích lại đánh giá của
cố Thi sĩ - Nhà phê bình Trịnh Thanh Sơn về Hoàng Quý và Thơ Hoàng
Quý thay cho lời kết: “Hoàng Quý là một thi sĩ tài năng bẩm sinh,
giọng thơ rất riêng đầy ma lực và khác thường, một giọng thơ độc
đáo, một tâm tưởng độc đáo và thi pháp độc đáo. Thơ của nhà thơ tài
năng và lãng tử này rồi sẽ còn phải bàn đến vào lúc những giá
trị thật của thi ca được định giá sòng phẳng. Hoàng Quý là nhà thơ
luôn mang nghĩa cử của một thi sĩ đích thực trong cái không gian sống
đã chen chúc nhiều tệ hại.”
(Còn tiếp.)
Lê Thiên Minh Khoa
:(1): Trích trả lời phỏng vấn của Đài PTTH BRVT về nhà thơ
Hoàng Quý.
:(2): Thơ Hoàng
Quý được trao tặng các giải thưởng: Giải Nhất của Ủy ban Toàn quốc
Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2003 cho tập thơ “Ngang qua cánh
đồng”; Giải Nhì 50 năm Văn học Biên phòng, 2008; Giải Ba cuộc thi lớn
“Thơ về Hà Nội – Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, 2010)… Toàn bộ
tiền thưởng của các giải thưởng Hoàng đều hiến tặng: Hội nạn nhân chất độc da
cam/ Đi ô xin Việt nam, Quỹ mái ấm người nghèo biên giới, hải đảo, và
Trường học sinh khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu Quận Hai Bà Trưng, Hà
Nội (LTMK)