Đêm đã xuống và trăng rằm bắt đầu ló dạng. Sân đình đã đông nghẹt người. Dưới ánh sáng của cây đèn măng-xông treo trên mái hiên đình, một cái ghế dài và hai cây gậy đã để sẵn. Đó là sân khấu của đêm hò giã gạo và hò mái nhì thường diễn ra ở vùng quê Quảng Trị vào những thập niên '50, '60, thời còn thanh bình.
Sinh hoạt hò đối đáp nam nữ ở Bình Trị Thiên được thể hiện trong lao động tập thể, trong các hình thức giải trí vui chơi, và ngay trong các ngày hội lễ, mặc dù tính chất trang nghiêm, nhưng không vì thế mà hò đối đáp không được sử dụng.
Hò giã gạo là trở loại hò thích hợp nhất cho lối hò đối đáp nam nữ. Với nhịp điệu, tiết tấu dồn dập, rộn ràng, hò giã gạo rất thích hợp với lao động tập thể, đồng thời cũng rất hấp dẫn lôi cuốn những người trong và ngoài cối hò say theo câu hát.
Tính chất đối đáp nam nữ đã thể hiện ngay trong bước đầu của tiến trình cuộc hò giã gạo. Bắt đầu cuộc hò là lối hò chào:
Túi (1) trời không biết bạn là ai.
Cho tui chào chung một tiếng rạng mai tới tìm.
Hoặc:
Chào chung chào chạ chào bậy chào bạ, chào cả và cươi (2)
Chào người ngang vế bằng vai
Có ai ân tình đạo hạnh lắng tai nghe chào
Sau lời chào hỏi, người gia nhập cuộc hò được mời cầm giã gạo. Lối hò mời được xướng lên để khởi đầu một cuộc hò:
Thiếu tay tui phải cầm chày
Khuyên cùng với bạn dở hay đừng cười.
Sau hò chào, hò mời (gọi là hò vào cuộc) là hò gần, để làm quen, gồm các câu trao đổi thăm hỏi nhau. Khi nhịp chày đã đều đặn, phần trung tâm cuộc hò đối đáp nam nữ mới thực sự khai diễn. Hò đâm bắt, hò đối, hò đố, hò ân tình liên tiếp nhau làm không khí cuộc hò giã gạo thêm rộn ràng. Để kết thúc cho cuộc hò này, các câu hò xa cách (hay từ tạ) đã để lại bao lưu luyến trong tâm tư những người trong cuộc.
Trong sinh hoạt hò giã gạo, hễ ai đã cầm chày là gia nhập vào thành phần cuộc hò. Mỗi cối hò gồm 4 người, cả nam lẫn nữ, cuộc hò có thể kéo dài từ tối đến sáng.
Trong cối hò đối đáp, hò đố mà không trả được thì phải buông chày ra về. Trường hợp này xảy ra không hiếm khi người cùng cối hò muốn chọc ghẹo nhau, hoặc không vừa ý, nên ra câu hắc búa để thử tài hoặc khỏi hò với nhau.
Hệ thống hò khoan Lệ Thủy ở Quảng Bình cũng theo một tiến trình tương tự như tiến trình của hò giã gạo. Mở đầu cuộc hò là hò mái chè sau đó là hò mái nện, hò mái ba, hò mái nhì, hò mái duỗi và hò mái xắp. Hò khoan Lệ Thủy có mặt khắp nơi trong sinh hoạt của nhân dân do nó có nhiều làn điệu phù hợp với tính chất công việc lao động: Đẵn củi, xay lúa, lùa trâu, cất nhà, đưa đò, dệt vải v.v… Đó thật là một hệ thống hò phổ biến, tiêu biểu cho lối hò đối đáp nam nữ ở Bình Trị Thiên.
Hò mái nhì ở Huế là một loại hò vừa có thể dùng để hò đơn lẻ, lại vừa dùng trong khi đối đáp. Là một điệu hò trên sông nước, hò mái nhì vừa có chức năng phụ lực cho lao động, lại vừa đủ yếu tố để thể hiện tâm tình. Điệu hò man mác, trầm buồn, ngân nga và sâu lắng, êm đềm như mặt nước sông Hương. Âm điệu hò mái nhì có khả năng khơi động đến nơi cùng thẳm nhất của tâm hồn người: Đó là một điệu hò đầy tính trữ tình, rất phù hợp với sự thổ lộ tâm tình của những người sống trên sông nước.
Hò mái nhì bắt đầu bằng lời một người ướm hỏi một người. Nếu được đáp ứng, cuộc hò có thể kéo dài tùy theo quãng dài con sông và tùy theo tình cảm những người trong cuộc. Bắt đầu bằng lời chào hỏi, kéo dài bằng những lời trao đổi tâm tình và kết thúc bằng những câu hò hẹn. Hò mái nhì ở Huế có đầy đủ yếu tố để nam nữ đối đáp thổ lộ tâm tình.
Hò mái nhì Triệu Hải lại được dùng khi quay sợi dệt vải. Tiến trình một cuộc hò mái nhì ở Triệu Hải như hò giã gạo.
Tuy có nguồn gốc là các điệu hò trong lao động, hò giã gạo và hò mái nhì đã được đưa vào các cuộc vui chơi giải trí do lòng ham thích mến mộ của nhân dân. Sân nhà của các cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Thảo Am Nguyễn Khoa Vy ở Huế đã biến thành nơi tụ hội của các tay hò nổi tiếng ở Bình Trị Thiên vào những đêm trăng sáng. Các cối hò đựng trấu thay gạo, các tay hò chỉ cầm chày giã để lấy nhịp, tạo hứng khởi cho các câu hò đối đáp. Chủ nhân lại là “thầy gà” (3) cho cả hai phe đối đáp. Trong cuộc vui này, sự đóng góp của các nho sĩ đã là một nhân tố tích cực để phong phú hóa kho tàng văn học dân gian ở Bình Trị Thiên.
Do sự ham thích hò hát của nhân dân ngày càng mạnh mẽ, các hình thức sinh hoạt hò do chính quyền tổ chức cũng làm biến đổi phần nào tính chất đối đáp nam nữ. Đây là lối tranh tài đối đáp để ăn giải, các câu hò được sự tiếp tay sáng tạo của các nho sĩ nên nội dung không khỏi chịu ảnh hưởng của văn học bác học.
Mở đầu loại hò này là lời thách hò, mời đối thủ, tiếp đến là các tay hò đối đáp các điển cũ, tích xưa, hoặc các hiện tượng đang xảy ra trong xã hội đương thời. Kết thúc cuộc hò là câu kết của ban tổ chức. Ta hãy nghe lời mở đầu cuộc hò của lối hò giã gạo được tổ chức tại hội chợ Huế năm 1939.
Gái: Đêm hăm lăm tháng hai năm Mão
Quanh trường giã gạo giữa chốn ba quân
Bạn mày râu ai giỏi quốc văn
Về đây tranh giải với bạn thoa quần thử chơi
Trai: Gái Tây Thi chẳng ai bì bên nước Việt
Gái Văn Khương lại ở bên nước Tề
Nực cười cô gái nhà quê
Đến đây có dám trổ nghề văn chương
Trong các cuộc vui văn nghệ quần chúng, lối hò mái nhì, hò giã gạo cũng được nhân dân rất hâm mộ. Ngày nay có nhiều địa phương tổ chức các cuộc hò, mời các tay hò nổi tiếng hò đối đáp với nhau.
Hình thức hò đối đáp nam nữ cũng có mặt trong ngày “hội cầu mùa” tại làng Hà (xã Bảo Ninh - Bình Trị Thiên) trong ngày hội, dân làng Hà tổ chức “Hò khoan chèo cạn” và múa bông. Nội dung chủ yếu của các câu “hò khoan chèo cạn” là ca ngợi công đức của cá ông voi, nhưng xen kẽ có nhiều câu đề cập đến quê hương đất nước, phô diễn tâm tư tình cảm của người dân. Đoàn hát múa “hò khoan chèo cạn” toàn là nữ, xinh đẹp, chưa chồng xếp thành hai hàng đối nhau. Hai người hò cái, một nam một nữ (không kể đã có vợ hay chồng) cầm cặp sênh giữ nhịp, điều khiển. Tính chất trữ tình trong hát hội “hò khoan chèo cạn” được thể hiện qua câu hò đối đáp nhau giữa hai người hò cái nam và hò cái nữ, liên tục cho đến khi kết thúc buổi trình diễn.
“Mở hội hò khoan cho đẹp lòng eng ả (4)
Cho vui làng vui xã vui cả bạn hiền!”
Trong cuộc hò này, tính chất thế tục đã lẫn vào tính chất nghi lễ, tuy không lấn át hẳn nhưng đó cũng là một hiện tượng phản ảnh được yêu cầu ham thích văn nghệ của nhân dân, muốn lấy văn nghệ làm môi trường cho sự phát triển tâm tình, dù trong không khí của một buổi lễ trang trọng.
Cũng như trên mọi vùng đất nước, ý nghĩa nội dung hò đối đáp nam nữ ở Bình Trị Thiên là tính chất trữ tình. Tình cảm được đề cập đến không chỉ đơn thuần là tình yêu nam nữ mà còn mở rộng sang tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, dân tộc. Trong các cuộc vui văn nghệ quần chúng, đề tài kháng chiến là một trong những đề tài làm sôi động không khí cuộc hò.
Qua hò đố và hò đối trong hò đối đáp, tri thức tự nhiên và xã hội của nhân dân Bình Trị Thiên được thể hiện rất phong phú. Ta có thể bắt gặp ở các câu giải kiến thức tổng quát của nhân dân về văn học, sử học, địa lý, nông nghiệp, khoa học tự nhiên…
Với nội dung phong phú, có thể nói hò đối đáp nam nữ là môi trường cho kiến thức tổng quát của nhân dân có dịp trao đổi, phát triển.
Tri thức ngôn ngữ cũng thể hiện thật phong phú trong hò đối đáp ở Bình Trị Thiên. Ta có thể thấy trong các câu đố, câu đối và giải, một số hiện tượng của ngôn ngữ đã được sử dụng.
* Hiện tượng cùng âm, khác nghĩa:
Nữ: Em hỏi anh trong trăm thứ dầu
Có dầu chi là dầu không thắp
Trong ngàn thứ bắp, bắp chi là bắp không rang
Trong vạn thứ than, than chi là than không quạt
Trong triệu thứ bạc, bạc chi là bạc không tiêu
Trai nam nhi anh đối được dải lụa điều em trao.
Nam: Trong trăm thứ dầu, có mưa gió dãi dầu là dầu không thắp
Trong ngàn thứ bắp, có lắp bắp mồm miệng là bắp không rang
Trong vạn thứ than, có than thở thở than là than không quạt
Trong triệu thứ bạc, có bạc tình bạc nghĩa là bạc không tiêu
Trai nam nhi anh đối được. Hỏi dải lụa điều em có chưa?
* Hiện tượng cùng nghĩa, khác âm:
Nữ: Em lên lưng voi em hỏi cái đường vạn tượng
Tay em lại dắt dê hỏi chốn lan dương
Đố anh mà đối đặng em cho soi gương vàng.
Nam: Dây bí ngô trèo trên cây trụ tàu
Cờ thượng mã phất sau đuôi ngựa
Anh đối đặng rồi lật ngửa gương ra.
Trong các câu đối đáp trên các từ cùng nghĩa khác âm được sử dụng là voi-tượng; dê-dương; ngô-tàu; mã-ngựa.
* Hiện tượng từ đối nghĩa:
Nữ: Quan Thừa Thiên thì mang áo địa
Lính đông Hải đội nón dầu sơn.
Trai nam nhi đối đặng, thiếp xin
Kết nghĩa tấn tần ngàn năm.
Nam: Gái nước Nam buôn hàng thuốc Bắc
Trai Đông sàng cảm động miền Tây
Anh đã đối đặng, em rày tính sao.
Hai câu hò trên đối nghĩa ở các từ: Thiên - địa; Hải - sơn; Nam - Bắc; Đông - Tây.
Ngoài ra còn có các hiện tượng từ trái nghĩa, nói lái, lối sử dụng lối chơi chữ Hán Việt và thuần Việt. Sử dụng các hiện tượng của ngôn ngữ trong hò đối đáp, nhân dân Bình Trị Thiên đã chứng tỏ trình độ văn hoá của mình. Phải là người có trình độ văn hoá, lại nhanh trí mới có thể đáp ngay được các câu đố hắc búa trên. Trong trường hợp này, các “thầy gà” giữ một nhiệm vụ khá quan trọng. Nếu không được mách bảo, người trong cuộc khó có thể ứng đối kịp thời. Phải buông chày ra về khi cuộc vui đang lúc hào hứng là một điều hổ thẹn khôn nguôi, cho nên hò đối đáp nam nữ buộc người trong cuộc phải thông minh nhanh nhẹn, hoạt bát mới đủ sức chống đỡ trước mọi tình huống khó khăn.
Qua hò đối đáp nam nữ ở Bình Trị Thiên, ta có thể thấy được tâm hồn cùng trình độ tư duy, văn hoá của những con người sống trên mảnh đất kiên cường, nghèo khó nhưng đầy tính chất thơ của miền Trung, đó là những con người rất chân tình, trọng đạo nghĩa. Giai đoạn hò ân tình, trong tiến trình cuộc hò giã gạo đã để lại biết bao câu đầy tình nghĩa thiết tha:
Rồi mùa toóc rạ rơm khô
Bậu về quê bậu, biết nơi mô kiếm tìm
Hoặc:
Ra về để áo lại đây
Đêm khuya em đắp kẻo ngọn gió tây lạnh lùng
Cần phải hiểu rằng, tuy hò đối đáp nam nữ là nhịp cầu thuận lợi cho sự giao duyên, cho tâm tình dễ dàng khai mở nhưng trường hợp các người đến hò vì nhu cầu văn nghệ đơn thuần cũng không ít. Biết bao người đã có gia đình mà vẫn còn say mê hò đối đáp nam nữ. Các cặp từ mình - ta, qua - bậu, anh - em, lê- lựu, chàng - thiếp, rồng - mây, loan - phụng v.v… có trong hò đối đáp tuy chỉ lứa đôi, nhưng nhiều khi chỉ là giả định. Đó là một hình thức đóng kịch nhất thời để thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ. Tan cuộc, ai về nhà nấy, không còn vướng bận ở tâm tư như ý nghĩa câu hò chào:
Tới nơi đây ai có chồng dặn chồng đừng sợ
Ai có vợ dặn vợ chớ ghen
Vô đây hò hát để gá nghĩa làm quen
Rạng ngày mai ai mô về nấy chớ thả lòng ghen bạn cười.
Với ý nghĩa ấy, những người tham dự cuộc hò đối đáp nam nữ mặc sức bông lơn, trêu ghẹo nhau nhưng không vì vậy mà không giữ gìn ngôn ngữ, ý tứ. Do ảnh hưởng của nền văn hoá lâu đời chốn kinh đô, nhân dân Bình Trị Thiên vốn ưa sử dụng từ ngữ bóng bẩy ví von hơn là nói thẳng dù trong ý đồ trêu cợt. Để trả lời câu hỏi của phe con gái thôn Bao La chuyên đan thúng mủng:
Liệu mà đát đặng thì đan
Chứ đừng có gầy ra mà bỏ đó thế gian chê cười
Chàng trai Bình Trị Thiên đã dùng những tiếng nhà nghề rất hóm hỉnh mà ngắn gọn:
Anh đây đan cũng giỏi mà đát cũng tài
Lận thì nhún trên nhún xuống, nứt thì chui ngoài chui vô
Khác với chàng trai Quảng Nam xằng xớm, bộc trực đến thô sơ sỗ sàng:
Bớ các cô ơi, tui đây không phải trai hư
Tui đan đặng, tui đát được tui lận chừ cho cô coi
Lận rồi tui chặn lột hẳn hoi
Ở trên tui rấn xuống ở ngoài tui đè vô
Nói ra sợ mất lòng cô
Ngó trong cái mủng chỗ mô tui cũng dùi
Tuy người Bình Trị Thiên có giữ gìn ý tứ trong ngôn ngữ, lễ phép nhưng không quá chú trọng đến nghi thức kiểu cách như ở Hà Bắc. Trong hát Quan họ Hà Bắc, tiến trình nghi thức rất phức tạp: “Phía chủ nhà tổ chức phải sửa soạn bữa “cơm quan họ”, phía khách, trước khi đến nơi quy định, phải vào hát lễ Phật. Ban đầu Quan họ bạn đến cổng phải cất tiếng hát mừng bạn. Quan họ chủ đứng giữa sân hát “đón nhời” chúc lại làng bạn và chào bạn. Quan họ chủ giở nón, ô cho Quan họ bạn, đón bạn vào ngồi một giường (nếu là bố trí ngồi hai giường hát đối đáp) Quan họ chủ hát mời bạn xơi trầu, uống nước. Quan họ bạn hát đáp và cảm ơn bạn. Hầu như mọi hành động mọi tình tiết đều lấy câu hát làm đầu”(5). Lời hát thì thật duyên dáng, kiểu cách:
Nhất quế, nhì lan
Nhất xinh, nhất lịch khôn ngoan trăm bề
Người ngoan ai chẳng nâng niu
Hoa thơm ai chả chắt chiu trên cành
Là thú hữu tình
Vì huê nên phải lánh mình tìm huê,
Cho trọn một bề…
Dấu ấn của nền văn hoá cổ truyền còn in sâu đậm trong con người Hà Bắc tạo nên một phong cách riêng biệt mà những qui cách, lề lối, ngôn ngữ trong hát Quan họ đã phần nào thể hiện được. Con người Bình Trị Thiên tuy mộc mạc trong cách phô diễn tình cảm, nhưng nét thắm thiết trữ tình vẫn rất đậm đà, như âm điệu và ý nghĩa câu hò từ tạ trong hò đối đáp giao duyên:
Trăng đã lên cao, trời sao vằng vặc
Mỗi tiếng hò réo rắt lòng anh
Nhắn chừng đêm đã sang canh
Ta dừng chày giã gạo kẻo sương đọng trên cành quá khuya.
T.T.B
(6/4-84)
----------
1. Túi: tối, tiếng địa phương.
2. Cươi: sân, tiếng địa phương.
3. Là người chỉ dẫn, bày vẽ các câu hò đối đáp.
4. Anh, chị - tiếng địa phương.
5. Đặng Văn Lung và tác giả khác. Quan họ nguồn gốc và quá trình phát triển. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội 1978 trang 36.