Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, October 16, 2016

TIN Ở CON NGƯỜI HAY LÀ GỬI TRỨNG CHO ÁC - Hồi ký của Lâm Bích Thủy


          
                        Tác giả Lâm Bích Thủy



     TIN Ở CON NGƯỜI
                                         HAY LÀ GỬI TRỨNG CHO ÁC

Tôi không biết câu chuyện mà tôi kể sau đây còn có tác dụng ở thế kỷ này nữa không? Kể lại chuyện này để bạn đọc thấy, ở thời đại nào cũng có kẻ gian và người thiện. Nếu trong chế đ đó có nhiu kẻ gian hơn người lương thiện tức là chế đ đó quản lý, giáo dục con người chưa tốt :

Con người là sự kết hợp giữa phần Con và phần Người. Cuộc sống là sự đấu tranh giữa hai nửa ấy. Nếu một lúc nào đó xảy ra cuộc chiến giữa hai nửa ấy trong chính chúng ta; ví dụ giết người để cướp của, tham quyền trù dập đối phương, bon chen tìm danh vọng hại người v.vlúc đó là phần con thắng thì ta là con thú, và ngược lại, ta sẽ là con người.

Vào năm 1939-1940 thi sĩ Xuân Khai (Yến Lan) đi Sài Gòn thăm ký giả Lê Tràng Kiều. Sau đó cùng ông này lên Hà Tiên thăm vợ chồng nhà thơ Đông Hồ – Mộng Tuyết…Ngày ấy, tình bạn của họ trong sáng, đậm tính nhân văn. Các bạn văn sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ người cùng cảnh ngộ…
 Lâu mới có dịp gặp nhau, hai vợ chồng nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết muốn giữ chân chàng thi sĩ vùng quê hẻo lánh, đìu hiu ở lâu để bầu bạn. Nhưng chàng từ chối, vì ở nhà cha già đau yếu không lường. Chàng ra ga xe lửa, cạnh chợ Bến Thành mua vé. Trong tay với chiếc va ly chứa nhiều quà của bạn và sách quí hiếm chỉ mua được ở tại Hòn ngọc Viễn Đông mới có.

Trên sân ga, người đi lại như mắc cửi. Chỗ quày bán vé đông nghịt. Người chen chúc, xô đẩy, cải nhau inh ỏi. Thi sĩ nho nhã, trí thức, không chen được, bị đẩy lùi dần ra sau. Chàng đành tìm nơi gửi va-ly. Loay hoay chưa biết thế nào, thì thấy anh cảnh sát đang đến gần. Chàng liền tới năn nỉ : “Tôi có thể nhờ anh thỉnh thoảng để ý dùm tới chiếc va ly này để vào mua chiếc vé là ra ngay?” Vừa dứt lời, anh cảnh sát dãy nãy như đĩa phải vôi: “Chịu thôi, tôi không thể giúp anh được; đây là nơi tụ tập bọn trộm cắp; lơ đễnh một tí là của nả của anh đi tong, lúc đó tôi chỉ cười trừ, anh chịu không?” Chữ trộm cắp vừa bật ra khỏi miệng anh cảnh sát thì lập tức trong đầu thi sĩ bỗng nhớ đến chuyện ngụ ngôn của La Fontaine và muốn cơ hội này, vận dụng để chứng minh cái bản năng gốc của “Con người”. Nếu biết cách có thể biến phần “con” thành phần “người” trong tên cắp cũng nên. Chính giây phút đó gợi mở ý tưởng táo bạo trong tâm hồn thi sĩ “mình sẽ gửi va-ly cho kẻ cắp giữ dùm”. Nghĩ là làm.
  Một lần nữa, thi sĩ lại nhờ anh cảnh sát chỉ dùm tên kẻ cắp chuyên nghiệp nhất, đang có mặt ở sân ga.

Nghe chàng trai nói sẽ nhờ kẻ cắp giữ dùm va ly, anh cảnh sát há hốc miệng, trố mắt kinh ngạc. Anh cảnh sát trở nên nghi ngờ. Anh ta đưa mắt lướt khắp người chàng trai, để xác định – kẻ đang nói với mình có vấn đề gì về thần kinh hay không. Sau giây lát, anh ta thấy chàng trai không những không bị bệnh tâm thần mà rất tỉnh táo đang nhìn vào mắt anh chờ đợi. Nên miễn cưởng đưa tay chỉ một thanh niên, đầu tóc bùm xum, bẩn thỉu, mặt bặm trợn khó coi, đứng gần quày vé vẻ thách đố, nói:  “Người mà cậu cần đang đứng đằng kia kìa.
  Cảm ơn anh cảnh sát, chàng thi sĩ tiến đến chỗ tên kẻ cắp. Tên này đang đưa đôi mắt gian xảo đảo quanh tìm con mồi. Bỗng giật mình, quay phắt lại, hung hăng định cự nự con người đã vỗ vai mình. Cùng lúc, anh ta nghe người thanh niên xởi lởi - Bạn gì ơi, tôi nhờ bạn giữ dùm chiếc valy, để vào mua chiếc vé tàu. Được anh cảnh sát cho biết là ở đây chỉ có anh mới giúp được tôi việc này!
   Hai từ “cảnh sát” có tác dụng với tên cắp và những từ như “trông dùm, giúp đỡ” thật mới lạ với anh ta làm sao!? Bởi, từ trước đến giờ, chưa một ai dám nhờ anh ta làm cái việc trái với cái nghề cướp bóc mà anh ta hành nghề lâu nay”. Chẳng nói chẳng rằng, hai tay anh khoanh trước ngực, không gật, không lắc, đưa đôi mắt mệt mỏi,  thiếu ngủ nhìn ra phía trước, để chàng trai hiểu thế nào thì hiểu.
   Bà con quanh đó, quá quen tài khoắn của anh; nay nghe có người nhờ giữ dùm của nả, cho là quái lạ, đưa mắt nhìn nhau, cười hô hố vẻ mỉa mai: “Trời Phật ơi! Cha này quả là điên, đem trứng giao cho ác”. Còn thi sĩ và tên cắp, nghe nói vậy nhưng lờ đi.
  Và người ta càng ngạc nhiên hơn, thi sĩ đã mua được véquay lại, song tên cắp vẫn đứng tại chỗ, chiếc valy bên cạnh, không hề bị suy chuyển một milimét !?.
   Bấy giờ, trong tâm trí thi sĩ có hai điều khiến lòng chàng tin yêu:
– Mua được vé mà không bị mất của.
– Sự phán đoán của chàng thật logic về gốc “Con người”. Có nghĩa là, lúc bấy giờ, tên kẻ cắp đã sắp xếp cho bản năng phần “Người” thắng phần “Con” trong anh ta.
   Thi sĩ lịch sự nhận lại chiếc vali và biếu số tiền lẻ còn lại, rồi vội vã lên tàu đẻ về quê

Kể lại chuyện này, nhà thơ ba tôi thường trầm tư nói:
Nếu nhận xét không đúng về một con người, sẽ hại một đời người trong tương lai”. Chẳng phải ở nước ta cũng có câu luận ngữ “Đem thử lửa mới biết vàng tốt xấu, đem tiền của mới biết sang hèn”.
   Tin ở con người – là lẽ sống ở đời của ba tôi – nhà thơ Yến Lan.

                                                                             Lâm Bích Thủy

READ MORE - TIN Ở CON NGƯỜI HAY LÀ GỬI TRỨNG CHO ÁC - Hồi ký của Lâm Bích Thủy

THƠ MƯA... - Thơ Đinh Quang Tuyết





THƠ MƯA...

Thì thôi em đi về
Mặc trời mưa thấm áo
Gió nghiêng cành chao đảo
Đường về hun hút sâu

Ừ! Thì thôi em về
Dù đường xa trơn ướt
Tay gầy trơ sướt mướt
Một mình nghe lao đao

Mờ ánh đèn chấp chóa
Mưa cuốn người trong mưa
Dòng trôi... trôi đi mãi
Em giữa trời bơ vơ.

Ừ! thôi em về đây 
Mơ gì chuyện gió mây
Biết rằng mình không thể...
Vấn vương chi tháng ngày.

Quay lưng là dấu mặt 
Nghe giận đời buồn ai
Ừ mưa hoài không ngớt
Ứơt bờ mi em gầy...

Mưa Sài Gòn chiều lang thang
         Đinh Quang Tuyết

READ MORE - THƠ MƯA... - Thơ Đinh Quang Tuyết

LUẬN VỀ CHỮ " ĐỨNG " TRONG THƠ BÀ HUYỆN THANH QUAN - Lang Trương


         
                                Lang Trương



LUẬN VỀ CHỮ " ĐỨNG " TRONG THƠ BÀ HUYỆN THANH QUAN.

Hôm trước, Lang Trương tôi đã luận các chữ CHỢ , CUỐC CUỐC, ĐA ĐA. Hôm nay, thử luận về chữ ĐỨNG xem sao. 
Câu thứ 7 trong bài Qua Đèo Ngang, 
Bà Huyện Thanh Quan viết :
Dừng chân đứng lại, Trời, non nước. 
Có nhiều người chê rằng: câu thơ này dở, đã DỪNG còn ĐỨNG. Thừa mất một chữ! 
Ý kiến này không mới, bởi sự cảm thụ nghệ thuật của mỗi người không giống nhau. Chê thơ Bà Huyện dở cũng không sao! Nhưng Lang Trương tôi thật sự nổi nóng khi một " ông đồ xứ Nghệ " nào đó, dám hỗn láo đề nghị sửa chữ ĐỨNG thành NGOẢNH. Theo ông ta thì, câu thứ 7 trong bài Qua Đèo Ngang nên được sửa như sau :
Dừng chân NGOẢNH lại, trời, non nước.
Lang Trương tôi tin rằng, cái ông đồ thâm nho, rộng Hán này, hấp thụ chung một nền giáo dục với cái thằng đã sửa 1000 câu Kiều. Đích thị là loại đồ... tể! 
Trước tiên, muốn cảm thụ hết giá trị văn học của bài Qua Đèo Ngang, phải hiểu Đèo Ngang, có ý nghĩa biểu tượng thế nào, trong lịch sử dân tộc, sự tồn vong của nước nhà. 
Như ta đã biết, từ thời thượng cổ, đại gia đình các dân tộc Việt, gọi chung là Bách Việt, sống trải dài từ bờ Nam sông Dương Tử, đến tận vùng châu thổ sông Hồng. Thục Phán An Dương Vương, sau khi đánh bại Hùng Vương, đã hợp nhất hai vùng lãnh thổ Âu Việt và Lạc Việt thành quốc gia Âu Lạc. Suốt mấy ngàn năm lịch sử, cho đến đầu triều Lý, giới tuyến phía nam của nước ta vẫn chỉ đến Đèo Ngang. Các sử gia ngày trước nhận định rằng, các cuộc chiến tranh giữa nhà Thục và nhà nước Văn Lang, nhà Triệu và nhà Thục sau này, là các cuộc nội chiến của dân tộc Việt, nằm trong tiến trình mở cõi về phương Nam, nhằm tránh kẻ thù hung bạo phương Bắc, là lũ Rợ Hán Trung Nguyên! 
Nói qua về bản chất hung bạo của Rợ Hán. Khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Nguyên vào năm...., biên giới phía Bắc của nhà Tần là Vạn Lý Trường Thành, cách Bắc Kinh chỉ vài mươi cây số, biên giới phía nam cũng chỉ đến bờ bắc sông Dương Tử. Ngày nay lãnh thổ Trung Khựa rộng gấp 10 lần, nuốt chửng các vùng lãnh thổ do các dân tộc khác kiểm soát như Mông, Hồi, Kim, Tạng ... và các bộ tộc Việt anh em. 
Kể từ khi Ngô Vương giành được độc lập, chúng ta đã bị kẻ thù cướp mất vùng đất Nam Việt, lãnh thổ nhà Triệu, tức vùng Lưỡng Quảng ngày nay. 
Tổ tiên ta nhận ra, muốn tồn tại, phải mở cõi về phương nam. Phải vượt Đèo Ngang! 
Tiến trình băt đầu từ thời nhà Lý. Lúc bấy giờ, phía tây có Ai Lao thường xuyên quấy phá các xứ Thanh, Nghệ; bên kia Đèo Ngang là Chăm Pa, Chân Lạp hùng cường. Mỗi lần vượt Đèo Ngang, là một lần máu xương ông cha ta đã đổ. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng, với tài trí phi thường của Thái uý Lý Thường Kiệt, triều vua Lý Thanh Tông, vào năm 1069, chúng ta đã có được vùng đất Quảng Bình ngày nay. Lần đầu tiên trong lịch sử, biên giới Đại Việt tiến đến bờ bắc sông Thạch Hãn. 
Để tiêu diệt sinh lực kẻ thù, mở đường cho con cháu mai sau, các vua nhà Lý, nhà Trần đã phải liên tục ngự giá thân chinh. Các ngài đã phải nằm gai nếm mật cùng các tướng sĩ. Có vị đã phải bỏ mình trên chiến địa như đức vua Trần Dụê Tông, tử trận khi mang quân tấn công Đồ Bàn năm 1377. 
Nói như thế để thấy Đèo Ngang có ý nghĩa như thế nào với sự tồn vong của dân tộc Việt. 
Cá nhân LT tôi cho rằng câu nói có ý nghĩa thiêng liêng nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam là lời cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm :
_ HOÀNH SƠN NHẤT ĐÁI, VẠN ĐẠI DUNG THÂN. 
Để ý rằng khi cụ nói câu này, biên giới phía nam Đại Việt chỉ đến Đèo Hải Vân. Chiêm Thành trước đó thường xuyên tấn công Đại Việt, để đòi lại vùng đất Thuận Hoá. Vua Chiêm là Chế Bồng Nga đã từng bốn lần đốt phá Thăng Long. 
Câu nói của cụ Trạng Trình đã mở ra một trang sử hào hùng nhất của dân tộc Việt Nam.9 Chúa và 13 Vua nhà Nguyễn đã nối tiếp nhau mở cõi về phương nam. Các vị đã sáp nhập các vùng đất thuộc Chiêm Thành, Chân Lạp, Tây Nguyên, cả Savanakhet, Sầm Nứa, một phần đất Lào. Các Ngài đã xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa. Lãnh thổ nước ta rộng lớn nhất trong thời nhà Nguyễn, tính đến ngày hôm nay. Từ đó, bản đồ Việt Nam mới có hình chữ S tươi đẹp như bây giờ. 
Vượt Đèo Ngang thành công, Đại Việt trở thành một cường quốc khu vực. Các lân quốc Ai Lao, Chân Lạp, Tiêm La đã thần phục nước ta.
Người ta đã từng dạy học sinh rằng, chế độ phòng kiến là thối nát; Vua quan là một lũ bất tài, vô dụng, " ngồi mát ăn bát vàng ", "rước voi dày mả Tổ"..... Đó là sự vô ơn, dối trá đê hèn! Không ít những kẻ hấp thụ nền giáo dục quái đản này đã trở thành các nhà nghiên cứu, nhà nọ nhà kia, cả nhà" lãnh đạo ".
Các sử gia ngày nay ra sức giáo dục thế hệ trẻ phải ơn Đảng, ơn Bác. Học sinh ngày nay không biết rằng, một dải non sông gấm vóc, tươi đẹp và trù phú, từ nam Đèo Ngang đến tận mũi Cà Mau, không tự nhiên mà có. Mỗi tấc đất ở đây, đánh đổi bằng biết bao máu xương của Tổ Tiên ta ngày trước. Đó cũng là lý do vì sao, người Nam cúng đất, trước lễ cúng gia tiên, người Bắc thì không. 
Có hàng trăm con đèo trên mọi miền tổ quốc. Không còn đèo nào có ý nghĩa lịch sử như Đèo Ngang! 
Trở lại câu thứ 7 trong bài thơ Qua Đèo Ngang: 
Dừng chân đứng lại. Trời, non, nước 
Nhiều người cho rằng đã DỪNG còn ĐỨNG là rất dở! 
Sớ dĩ người ta cho rằng dở, bởi lẽ hầu hết chỉ nghĩ rằng, Qua Đèo Ngang là một bài thơ vịnh cảnh đẹp thuần tuý, và Đèo Ngang, trong mắt họ, cũng chỉ là một con đèo, như mọi con đèo khác mà thôi. 
LT thử luận xem, chữ ĐỨNG BHTQ dùng trong câu thứ 7 có thừa không, và tại sao, LT gọi những kẻ liều lĩnh sửa các kiệt tác văn học là những tên đồ tể văn chương.
Tuy rằng tựa bài thơ là Qua Đèo Ngang, nhưng ngữ cảnh bài thơ cho ta thấy tác giả chưa hề vượt qua Đèo Ngang. Bà chỉ vừa BƯỚC TỚI~DỪNG CHÂN rồi ĐỨNG LẠI. Ta nhận thấy ngay cách dùng chữ đặc biệt điêu luyện của một bậc nữ sĩ kỳ tài. Chuyển động của chủ thế xuyên suốt tác phẩm, không chỉ ở một câu. 
Bà BƯỚC TỚI ĐÈO NGANG khi BÓNG đã XẾ TÀ. Dù là đi bộ, đi ngựa, nằm võng hay ngồi kiệu, bà phải dừng lại. Liệu mấy ai dám đốt đuốc vượt đèo.
DỪNG và Đứng, về mặt ngữ nghĩa, là động từ cùng diễn tả một hành động. Nhưng DỪNG xảy ra trong một không gian, thời gian rộng hơn, lớn hơn. ĐỨNG diễn tả hành động trong phạm vi hẹp hơn. Người ta có thế nói: tôi dừng ở Hà Tĩnh, đang đứng ở Đèo Ngang. Bạn thử đổi hai chữ DỪNG và ĐỨNG xem.
Câu thơ thứ bảy trong bài thơ Qua Đèo Ngang là đỉnh cao của nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, phản ánh tâm hồn người nghệ sĩ, tha thiết với lịch sử nước nhà. 
ĐỨNG LẠI là hành động đột ngột, thôi thúc từ trong tâm tưởng, như chạm vào một giới tuyến vô hình, mà ông cha ta đã vượt qua nó, bằng máu xương, trong suốt 1000 năm lịch sử, và tiến trình này, đến lúc đó, vẫn chưa dừng lại. 
Đến đây, bạn hãy nhớ đến nạn đói năm Ất Dậu 1945, hơn 2 triệu người chết đói, chỉ xáy ra ở phía bắc, bên này Đèo Ngang! 
Bên này Đèo Ngang đã BÓNG XẾ TÀ, bên kia Đèo Ngang sẽ là ngày mới, là bình minh, là ban mai, là sự trường tồn của cả dân tộc. Và cái bao la Trời, non, nước bên kia Đèo Ngang, không phải là khoảng không gian chật hẹp đó, mà cả vùng đất phương nam màu mỡ, trù phú đến tận mũi Cà Mau, bảo đảm cho dân tộc Việt VẠN ĐẠI DUNG THÂN.
Lịch sử và văn học đan xen vào nhau. Không thể cảm nhận đúng một trước tác vô giá như tác phẩm Qua Đèo Ngang, nếu người ta học lịch sử từ những mảng rời méo mó, chắp vá bằng sự dối trá đê hèn.
Bà Huyện Thanh Quan viết bài này khi bà trên đường vào kinh Phú Xuân nhận chức Cung Trung Giáo Tập, Bà ĐỨNG LẠI để tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Bà nhìn về phía trước, bên kia Đèo Ngang, tương lai của dân tộc, chớ không NGOẢNH lại phía sau, như các tên đồ tể lạm bàn.
Hãy tôn trọng người xưa. Đừng vì chút háo danh, sự thiển cận, ngu dốt của mình mà phá hoại các danh tác, những viên ngọc quý của nền văn học nước nhà.
                                                                                    Lang Trương

READ MORE - LUẬN VỀ CHỮ " ĐỨNG " TRONG THƠ BÀ HUYỆN THANH QUAN - Lang Trương

TRỞ VỀ VỚI RẠ VỚI RƠM - Thơ Nguyễn Ngọc Kiên





TRỞ VỀ VỚI RẠ VỚI RƠM
                 
Trở về với rạ với rơm
Còn nghe thoang thoảng hương thơm quê nhà
Mùi bùn đồng đất phù sa
Vị mồ hôi mặn thấm qua kiếp người!
Bàn chân cuối đất cùng trời
Trở về đây giữa buổi sùi sụt mưa!
Trở về nơi bến sông xưa
Mùa xuân năm ấy em vừa tiễn anh.
Trở về sau cuộc chiến tranh
Bao lời hò hẹn bỗng thành chia xa.
Em giờ cũng đã thành bà
Để ai bỗng chốc như là trắng tay!

               Nguyễn Ngọc Kiên
         Hải Hậu Nam Định, 3/2015

READ MORE - TRỞ VỀ VỚI RẠ VỚI RƠM - Thơ Nguyễn Ngọc Kiên

CỔ TÍCH NGÀY XƯA... - Thơ Trần Mai Ngân





CỔ TÍCH NGÀY XƯA...

Tại sao không ? 
Anh đưa em đến công viên
Ta ngồi vào ghế đá
Nơi thuở xưa chúng mình một lần đã 
Ước hẹn thề và lỡ cuộc trăm năm...

Dù bây giờ đôi mái bạc hoa râm
Em vẫn tựa vào vai anh nâng đỡ
Cuối đời... đường nhân duyên dang dở
Hai chúng mình - còn lại một mình thôi
Ngồi bên nhau nhưng vẫn phải chia phôi
Một chốc nữa - ta lại về mỗi ngả...

Tại sao không ? 
Dẫu trần gian biết là vay trả 
Trái tim ta chẳng lạc lối đi về 
Bao nhiêu năm vẫn nhịp đập say mê
Từng đau khổ nên vỗ về thấu hiểu...

Về thôi em ! 
Bóng chiều đã đổ
Ta chia tay, ghế đá lặng buồn
Ngày mai nhé ! 
Ta lại vào công viên nữa
Chỗ ngồi này... như cổ tích ngày xưa !

                               Trần Mai Ngân
                                   16-9-2016

READ MORE - CỔ TÍCH NGÀY XƯA... - Thơ Trần Mai Ngân

NHÂN CÁCH THƠ TRONG “CHIỀU ĐI” TẬP THƠ LÊ ĐĂNG MÀNH - Lời Bình Châu Thạch

  
       
              Nhà bình thơ Châu Thạch


             NHÂN CÁCH THƠ TRONG “CHIỀU ĐI” 
                       TẬP THƠ LÊ ĐĂNG MÀNH
                                                  Lời bình Châu Thạch

Tôi đồng ý với nhà thơ Luân Hoán khi ông nói: “nhà thơ bày tỏ lòng mình như trình diện một nhân cách”. Tôi cũng đồng ý với nhà thơ Phạm Đức Nhì khi ông nói: “Nhân Cách (viết hoa) của cái tôi đích thực sẽ kín đáo bước vào trong thơ và người đọc tinh ý sẽ nhận ra ngay, đâu cần phải trình diện”.
Với tôi, nhà thơ khi sáng tác thì đã gởi hết cái tôi của mình vào tác phẩm, cho nên dầu không cố ý trình diện cũng phải phô bày cái tôi đích thực của mình, nghĩa là tự nhiên trình diện nhân cách với đời. Ta có thể hiểu như thế khi đọc “Chiều Đi” tập thơ của Lê Đăng Mành.
Ai biết lê Đăng Mành thì cũng cảm mến một thi sĩ tài hoa sống nhún nhường, ẩn dật nơi vùng quê hẻo lánh. Không bao giờ có chuyện nhà thơ nầy muốn trình diện nhân cách mình với đời.
Tuy thế, ai đọc thơ lê Đăng Mành thì cũng cảm phục nhân cách cao trọng được bày tỏ qua thơ anh mà tôi xin gọi là “nhân cách thơ Lê Đăng Mành”. “Chiều Đi” là một tác phẩm văn dĩ tải tình, tải đạo, một thứ tình cao thượng và một thứ đạo siêu thoát.
I)-Tải tình cao thượng trong “Chiều Đi”:
Trong “Chiều Đi” rất ít bài thơ viết về tình yêu nam nữ của riêng mình. Tác giả dành nhiều tình yêu cho những thành phần chịu thiệt thòi trong xã hội. Ta hãy nghe nhà thơ thổ lộ:
Thương đêm khắc khỏai lời ru
Thương tình rều rác trầm phù đợi nhau
Thương người cuốc bẩm cày sâu
Thương ong bướm vỗ rách câu đa tình…!
                                           (Thương!)
Nhà thơ thương cho Mẹ ru con trong nghịch cảnh, thương cho tình duyên ly tan phải đợi chờ, thương cho người nông dân và thương cho những cuộc tình không thành. Nổi bật trong các thứ tình yêu đó là tình “Thương người cuốc bẩm cày sâu” mà tác giả đã bộc lộ cho người đọc hiểu thấu được nhân cách cao thượng trong thơ của mình. Nhiều bài thơ trong “Chiều Đi” Tác giả viết về nhũng sinh hoạt của người nông dân có truân chuyên, có gian khổ nhưng không với mục đích mô tả đời sống u ám sau lũy tre Làng mà ngược lại, nhà thơ bày tỏ tấm lòng của mình với đời sống đó, tôn vinh một cuộc sống thanh bần cao khiết:

Kiếp nông bần uống rượu…cũng kiệm lời
Chẳng khoa trương chuyện thương nòi yêu nước
Mà sử sách ghi mỏi trang bốn ngàn
Chân lấm tay bùn trí soi văn sách
Khoa bảng vọng đồng văn thánh còn ngân.
                            (Tiệc rượu giữa đồng!)
Xin trích một phần nhận xét của nhà thơ Nhã My(USA) về thơ Lê Đăng mành như sau: “Nhưng cho dù phong ba vùi dập, bão táp phủ lên quê nghèo và phủ lên cả thân phận con người thì đối với tác giả lê Đăng Mành, với nhân cách và tâm trạng của một người từng trải, sống an nhiên, bằng cái tâm, cái đạo, đạt lý thông tình, thơ anh không tủi hờn ai oán, không than thân trách đời, không cầu kỳ mộng ảo. Dòng thơ anh luôn giữ được sự điềm đạm, an nhiên sống hài hòa với cảnh vật thiên nhiên và trong chiều hướng vươn lên bằng những hy vọng tốt đẹp hơn”. Thật vậy, đọc Lê Đăng Mành ta không thương người nông dân với thứ tình yêu ban phát, bố thí mà qua thơ ông ta tôn trọng người nông dân như những con người kiên cường, đức độ, thâm thúy và tri thức. Lê Đăng Mành đã trình diện được chiều sâu trong tâm hồn của lớp người nông dân trên ruộng đồng, sau lũy tre và bên Hiên Lãm Nguyệt, đem đến cho ta sự chia sẻ, yêu thương và kính nể .

II) – Tải đạo siêu thoát trong “Chiều Đi”
Trong bốn câu thơ “Khai Lời” của tác giả ở trang đầu tập thơ “Chiều Đi” có hai câu thơ sau:

Thơ thong dong dù phên bừng tơi tả
Cứ tiêu pha cho hết cuộc yên hà…

Đọc hai câu thơ nầy ta nghĩ đến một đạo sĩ sống vô vi, hòa nhập cùng trời đất. Thật vậy, phong cách sống của Lê Đăng Mành ngoài đời và trong thơ giống nhau. Bên Hiên Lãm Nguyệt nhà thơ tiêu pha tinh túy của đất trời vào thơ của mình và trong thơ mình nhà thơ Lê Đăng Mành lại tải cho đời triết ly đạo Phật  sâu xa về siêu thoát. Với 146 bài thơ trong “Chiều Đi” tư tưởng Phật giáo hầu như lồng vào trong bất cứ bài thơ nào. Khác với những bài thơ Thiền của đa số Thi Sĩ hay Tu Sĩ, thường dùng từ ngữ khó hiểu, ý tứ bí hiểm, đề cao tư duy của mình như tư duy thần thánh, thơ Lê Đăng Mành chữ nghĩa giản dị, chân phương, không trừu tượng, ít ẩn dụ, khiến cái tư duy bác học của mình thành thơ , truyền tải thẩm thấu vào  hồn người đọc. Chất lãng mạn, chất cao siêu trong thơ Lê Đăng Mành làm cho người thâm Nho, người hiểu Phật hay người bình thường đều đọc được thơ, cảm xúc được với hồn thơ và sự giác ngộ đến tự nhiên trong tâm linh mỗi người. Ta hãy nghe chất lãng mạn trong vài câu thơ của bài thơ “Hoa Đăng”: “Đỉnh rằm ánh tỏa muôn nơi/ Rủ rơm vàng nhả thơm rơi quanh Làng”, “Giọt cười lấp lánh mắt sương/ Cá tung tăng vẫy hớp đường phóng sanh”, “Mừng khánh đản nụ tâm nhiên/Đăng khai bát nhã tịnh yên xóm làng”. Qua những câu thơ trên ta thấy lễ Phật Đản không náo nhiệt ồn ào mà êm ái, thơ mộng trong cảnh quê và trong cả tâm hồn con Phật. Và ta hãy nghe lời thuyết pháp nhẹ như bông hồng:

Mặt trời cần mẫn thức
Hành tinh mãi mãi xanh
Sân trước cành mai nở
Cầu pháp giới an lành

Chúng sanh đón bình minh
Muôn mùa xuân miên viễn
Tâm bình thế giới bình
Tự tại bước an nhiên.
(Tâm Bình Thế Giới Bình)
Một triết lý cao siêu nhiệm mầu được Lê Đăng Mành trình bày bằng những câu dễ hiểu như thế,nhẹ nhàng như thế có nhiều trong mỗi bài thơ của “Chiều Đi”, khiến cho đọc “Chiều Đi” ta thấy vẫn có lũ lụt, có mưa sa, có bão tố, có chia ly nhưng tâm hồn ta vẫn  như an trú vào nơi đồng cỏ xanh tươi mé nước tịnh bình. 

“ Chiều Đi”, một tập thơ dày với rất nhiều tuyệt tác mà thật tình tôi nghĩ với trình độ ai cũng không diễn đạt hết những cái hay trong đó. Tôi không trích dẩn nhiều thơ ông ra đây một phần vì khuôn khổ một bài đăng trên mạng không thể dài, một phần vì tôi nghĩ nên giới thiệu sơ lược tổng quát một vườn hoa tươi đẹp để khách vào thăm, hơn là ngắt một vàì bông hoa thì khách chỉ nhìn thấy những đóa hoa bị héo.  Tập thơ “ Chiều Đi” viết về cuộc sống, về niềm vui, về nỗi thăng trầm của đời người, của tình  yêu, của thời cuộc, của những nỗi đau bệnh tật và nỗi đau do tha nhân đem đến. Dầu ở đề tài nào thì thơ Lê Đăng Mành cũng tha thiết, trong trẻo, vô biên và quyến luyến. Thơ Lê Đăng Mành chứa đựng đầy ắp tình người, tình quê với một nhân sinh quan thấm nhuần Phật pháp.

Mong rằng tập thơ sẽ đến tay được nhiều người vì đọc nó ta tìm được một tâm hồn cao thượng trong cuộc sống đời thường, một phong cách sống vượt trên mọi nghịch cảnh và một triết lý cao siêu về sự giác ngộ phần hồn./.
                                                                                 Châu Thạch

READ MORE - NHÂN CÁCH THƠ TRONG “CHIỀU ĐI” TẬP THƠ LÊ ĐĂNG MÀNH - Lời Bình Châu Thạch

MIỀN TRUNG / thơ Trường Hải Lê Văn Đông

                       



                             MIỀN TRUNG

                      Miền Trung
                      Đòn gánh hai đầu Đất nước
                      Mảnh mai lá lúa gầy hao
                      Đầu tựa Trường Sơn trùng điệp
                      Mưa nguồn, nắng lửa, gió Lào.
                      Đạp chân biển xanh, cát trắng
                      Bốn mùa bão nổi xác xao.
                      Miền Trung
                      Đất này chịu nhiều bom đạn
                      Bao đời chinh chiến Bắc - Nam
                      Con người miền Trung dày dạn
                      Bền gan trụ vững truyền đời.
                      Nơi đây bão chồng lên bão
                      Sinh ra đối mặt cuồng phong.
                      Nơi đây lũ chồng lên lũ
                      Bốn bề nước ngập mênh mông.
                      Miền Trung
                      Ngàn đời mưa bão
                      Sức người đổ bể đổ sông.
                      Chắt chiu kiệm cần xây dựng
                      Thiên tai tàn nhẫn cướp công.
                      Miền Trung
                      Quê tôi thương lắm
                      Nghẹn ngào nước mắt tuôn rơi.
                      Tự hào, đau thương hòa quyện
                      Thương hoài dải đất miền Trung .

                                Đỉnh Sơn, 16 / 10 /  2016
                                Trường Hải Lê Văn Đông


READ MORE - MIỀN TRUNG / thơ Trường Hải Lê Văn Đông

ĐÁNH MẤT CUỘC TÌNH - Thơ Thủy Điền


           Tác giả Thủy Điền


ĐÁNH MẤT CUỘC TÌNH

Đêm cô đơn một mình bên ghế đá
Nhìn màng đêm u tối phủ trùm giăng
Nghe không gian lặng chìm trong lạnh vắng
Mượn từng hơi, khói tỏa sưởi hồn ta

Đêm cô đơn nào ôi! Sao dài  quá
Nỗi buồn tênh chan chứa mãi tràn dâng
Đêm cô đơn ngậm ngùi rơi giọt đắng
Thèm kề môi giây phút dẫu tình xưa

Đêm cô đơn mới hay tình chan chứa
Hờn giận nhau cũng chỉ bởi vì yêu
Đêm cô đơn mơ về ngày niên thiếu
Lỡ tầm tay đánh mất cuộc tình xa

Đêm cô đơn một mình nghe lạnh giá
Ngồi buồn hiu thương tiếc những ngày qua
Đêm cô đơn khói vòng quanh điếu thuốc
Ngày lại, qua soi bóng "Cuộc đời già"

                                        Thủy Điền
                                       16-10-2016

READ MORE - ĐÁNH MẤT CUỘC TÌNH - Thơ Thủy Điền

VÀI CẢM NHẬN VỀ NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC CHÂU THẠCH - Vũ Thị Hương Mai

      
            Nhà bình thơ Châu Thạch



VÀI CẢM NHẬN VỀ 
                             NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC CHÂU THẠCH


Cũng chỉ là tình cờ đọc nhà phê bình văn học Phạm Đức Nhì viết về tác giả Châu Thạch: “Là người làm thơ và bình thơ nên tôi để ý đến những cây bút phê bình văn học và những bài viết của Châu Thạch đã chiếm được cảm tình của tôi với cung cách đứng đắn lịch sự, lời văn hòa nhã.” (LẠI BÀN VỀ TỐNG BIỆT HÀNH - Phạm Đức Nhì) mà tôi tò mò muốn biết về tác giả Châu Thạch nên tìm đọc các bài viết của ông trên các trang Đặng Xuân Xuyến, Đất Đứng, Sáng Tạo... Từ đọc vì tò mò, tôi bắt đầu thích đọc những bài viết của ông và thường vào những trang hay đăng bài của ông để tìm đọc những bài viết mới của tác giả Châu Thạch.
Tôi thích đọc bài viết của ông bởi trước hết là những bài thơ được ông “để mắt” đến đều là những bài thơ hay hoặc chí ít cũng là những bài thơ vượt trội trong vô số những bài thơ của vạn vạn thi sĩ, xứng đáng được người yêu thơ chân chính đón nhận và bổ sung vào bộ sưu tập thơ; tiếp đến là sự cẩn mực của ông khi bình về thơ, văn của “thiên hạ”. Nói như nhà thơ Kha Tiệm Ly, yêu cầu với người bình thơ (văn) là phải bình khách quan, không để tình cảm chi phối, chỉ đạo. Và cũng nhà thơ tên tuổi (Kha Tiệm Ly) này nhận định tác giả Châu Thạch là người bình văn thơ hội tụ đủ những yếu tố cần thiết đó.
Xin trích dẫn một đoạn đối thoại của ông với những người bạn trên trang facebook cá nhân khi ông bình về bài thơ CHIỀU LẠ của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến:
Minh Châu Phan: Anh hay thật anh TRẠN à, bài thơ nào cũng bình được mà lại bình thật xuất sắc nữa chứ. Riêng bài thơ CHIỀU LẠ này thì tui chịu, đọc thì hiểu nhưng chữ nghĩa bài này thật vớ vẩn. Ví dụ XÁO XÁC, CHÊNH CHAO, TE TẺ, NHỚN NHÁC.
Ôi chữ nghĩa gì mà kỳ quá, hiểu không nổi anh TRẠN ơi
Trạn Trương Văn: Mấy chữ nầy dễ hiểu mà anh Phan Minh Châu. Xáo xác là rối tung lên, chênh chao là vừa nghiêng vừa lảo đảo, te tẻ gần như yên lặng, nhớn nhác là rướn mình lên ngó qua lại. Tất nhiên mấy chữ nầy tìm trong tự điển khó có, nhưng đó là do thiếu sót của tự điển thôi chớ ngoài đời vẫn thường dùng, nhất là người Bắc.
Minh Châu Phan: Đùa với anh cho vui chứ chơi chữ kiểu này đọc chối lắm. Tôi đi nhiều và đọc rất nhiều anh ạ, ngôn ngữ thì phải được sự đồng thuận của người đọc, từ ngữ được đưa vào từ điển qua sự sàng lọc của những người có uy tín và chuyên môn cao. Khi từ điển ghi chữ nào mang dấu hỏi, ngã, chữ nào có G chữ nào không v..v và vâng vâng. Còn những chữ tôi vừa nêu trên anh cho rằng có lẽ họ quên đưa vào từ điển là một cách nói liều lĩnh, còn anh nói dân Bắc thường dùng lại càng hồ đồ. Chúng ta là những người làm thơ, viết văn hoặc những ai đang làm cái việc phê bình văn học thì việc đầu tiên là làm trong sáng tiếng Việt. Chữ nghĩa gì lại mang tính đánh đố người đọc hay cố tình tạo ra cái mới mang tính phản cảm như thế đều không thể chấp nhận.
Trạn Trương Văn: Bạn Phan Minh Châu nói rất đúng. Nhưng cũng thông cảm một vài trường hợp chữ "cắc cớ" làm bài thơ hay thêm. Bài thơ nầy Đặng Xuân Xuyến cố ý hành cái đầu của bạn đọc đấy. Càng đau cái đầu thi càng yêu bài thơ đấy. Thôi không bàn nữa nhé. Chúc vui và sáng tác càng hay hơn xưa.
Văn Thanh: Phải chăng đó là một thủ thuật của tác giả, muốn tạo nên sự mập mờ qua từ ngữ gây sự chú ý của người đọc tưởng tượng đa chiều tìm ra những ý tưởng hay hơn ngoài ý tưởng tác giả?
Trạn Trương Văn: Đúng vậy anh Văn Thanh. Đây là cách dùng chữ táo bạo dễ gây phản cảm cho người đọc thơ. Tuy vậy nó tạo cho người đọc suy tư như bước chân qua những mô đất gập ghềnh để khám phá nhiều bông hoa đẹp ẩn mình trong đó. Nếu không đổ mồ hôi thì không thấy hoa, mà đổ mồ hôi cũng làm cho con mắt thưởng thức hoa của mỗi người mỗi khác.
Vũ Thị Mai Hương: Các cặp từ láy XÁO XÁC, TE TẺ, CHÊNH CHAO, NHỚN NH ÁC được tác giả sử dụng rất hợp cảnh, hợp tâm trạng, đã diễn tả được chiều sâu của tâm trạng, tình cảm... nên đọc lên thấy xúc động.
Các cặp từ láy này dân dã, dễ hiểu nhưng qua cách sử dụng của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến lại trở nên “độc đáo” bởi tác giả đã đặt đúng với ngữ cảnh, hoàn cảnh, vì thế mà hay và đắt.
Minh Châu Phan: Hì! Cũng lắm người binh Đặng Xuân Xuyến nhể... Thế hoá ra mình sai rồi. Vớ vẩn như vậy mà cũng gọi là thơ. Vừa rồi có ông LẠI GIANG chủ xị trang thơ VNTN chôm Xuân Diệu 4 câu trong bài CẢM XÚC bị phát hiện vội thanh minh thanh nga quá trời, bên cạnh Lại Giang lại có một lực lượng hùng hậu nhảy ra đở đạn. Chán thiệt.
Trạn Trương Văn: Thôi. Bỏ qua đi bạn Phan Minh Châu ơi. Bạn không sai mà người khác cũng không sai. Chẳng qua khác ý nhau thôi. Mình ở Đà Nẵng mỗi tuần uống cà phê với Thế Lộc vài bận nhưng cãi nhau về thơ năm hoặc sáu bận. Cuối cùng cứ thèm cãi nhau là gọi nhau đi uống cà phê chớ không phải thèm cà phê đâu. ha ha ha. Đời như thế mới vui và tình bạn như thế mới bền.
Vũ Thị Hương Mai: Ấy chết bác Minh Châu Phan! Bác bảo cháu thuộc thành phần bênh anh Đặng Xuân Xuyến là sai rồi ạ. Bác khen hay chê thơ của anh ấy là quyền của bác, có ảnh hưởng gì đến cháu đâu mà cháu phải bênh anh ấy. Cháu là phận đàn bà con gái nhưng cũng đâu "nhiều chuyện". Nghe bác nói vậy giống hàng tôm hàng cá quá bác ạ. Bác khoe bác là dân văn chương, nhiều chữ, hiểu rộng... thì bác viết hẳn một bài phê bình bài CHIỀU LẠ đi, thế mới hảo hán, quân tử, bác Minh Châu Phan ạ
Lộc Dương Thế: Những từ XÁO XÁC, TE TẺ, CHÊNH CHAO, NHỚN NHÁC là những từ người ta thường viết rất bình thường không có gì lạ cả. ông Minh Châu Phan có lẽ là một đại thi hào trình độ ổng rất cao nên thấy lạ lẫm, khi đọc mấy câu cmt của ổng như ..."Chữ nào có G chữ nào không v...v..và vâng vâng" thì biết trình độ của ổng rồi. Lạy cụ, chúng tôi dân ngu khu đen, viết vài câu thơ cho bà ru cháu ngủ thôi mà, có gì xin tha.
Trạn Trương Văn: Mệt quá các bạn ơi. Bình luận văn thơ nên nhẹ nhàng kẻo làm đau chữ đấy.
Tôi không hiểu, nhà thơ Đặng Xuân Xuyến có quen biết và đã gây thù chuốc oán gì với ông Minh Châu Phan khiến ông Minh Châu Phan hằn học đến thế. Tội cho nhà phê bình Châu Thạch, đã nhún nhường, dĩ hòa vi quý với ông Minh Châu Phan hết cỡ mà vẫn bị mắng là “liều lĩnh”, “hồ đồ”, làm ông Ngô Thanh Tuấn phải “nhảy vào” tham gia: “Thấy bác Minh Châu Phan này thuộc thành phần NÓI LẤY ĐƯỢC.Cú đánh đòn “lấy được” của ông Minh Châu Phan nhằm vào nhà thơ Đặng Xuân Xuyến làm cho nhà phê bình văn học ôn hòa Châu Thạch xanh mặt đến tận khi ông “gặp” Mơ Trăng, một bài thơ hay nữa của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến mà ông cũng chỉ dám rào đón: “Thật tình tôi không biết thơ Đặng Xuân Xuyến hay hay là dở nhưng qua những bài thơ mà tôi đọc được, tôi khám phá ở anh một tâm hồn đầy ắp là thơ. Người thơ không phải người sáng tác mới là thơ, lại càng không phải chỉ người sáng tác hay mới là thơ. Người thơ là người có tâm hồn nhạy bén trong cảm thụ những điều mà nhà thơ Hàn Mặc Tử đã viết: “Ai nói vườn trăng là nói vườn mơ. Ai nói đến mộng là nói đến tình. Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo. Trên đầu Người là cao cả, vô biên và vô lượng: xung quanh Người là mơn trớn với yêu đương vây phủ bởi trăm dây quyến luyến làm bằng êm dịu, làm bằng thanh bai…” Thơ Đặng Xuân Xuyến chất chứa thật và đầy sự rung động của Người đi giữa nguồn trong trẻo, cho nên có đôi lúc ý, từ “mới lạ”, gây “phản cảm” cho một ít người nhưng chính những ý, từ đó phát tiết được những điều bí ẩn của “nguồn trong trẻo” “vô biên và vô lượng” mà một tâm hồn nhạy bén phải dùng nó như dùng một tiếng đàn phá cách để truyền đi một thứ âm thanh lạ cho đời.”Và kết thúc bài bình Mơ Trăng, ông viết: “Mơ trăng của hàng vạn thi sĩ là một cơn mơ thú vị. Mơ trăng của Đặng Xuân Xuyến là một cơn mơ xót xa rưng rức. Chỉ thế cũng đủ chứng minh bài thơ là độc đáo. Khen nhiều cũng chẳng làm cho bài thơ hay thêm nữa.”
Tôi cảm phục ông! Nhún nhường mọi người nhưng vẫn kiên quyết bảo vệ chính kiến của mình. Ông rào đón rằng, thơ của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến hay hay dở ông không biết nhưng (khẳng định rằng) Mơ Trăng rõ ràng là một bài thơ hay và độc đáo.
Tôi nhớ có lần đọc Nguyễn Khôi, nhà thơ lão niên đã viết đại khái là Châu Thạch điềm đạm, viết bằng cảm xúc chân thật của mình.
Tôi vào trang facebook của ông, đọc được những dòng tri ân của nhà thơ Trần Mai Ngân: “khi tôi đọc những bài anh viết cảm nhận về thơ văn của một tác giả nào đó thì trong tôi luôn đầy cảm xúc và ngưỡng mộ. Không hẳn vì lời văn chương mượt mà quá hay, quá tuyệt ...mà là lời cảm nhận của anh luôn được viết bằng niềm đam mê về tác phẩm đó!”; hay của bạn ông - Nguyễn Lợi: “ tâm hồn Trạn (Châu Thạch) rất trong sáng thân tình với hết mọi người một phẩm chất ít người có được .”
Tôi cảm phục ông, định viết thêm nữa, thêm nữa về ông nhưng chợt nhớ câu nhà thơ Kha Tiệm Ly đã viết: “Bình thơ hay bình bất cứ vấn đề gì đều đòi hỏi người bình phải khách quan, không vi tình cảm riêng tư mà công kích hay lăng xê vô tội vạ. Châu Thạch là người bình thơ, văn có đủ đức tính nầy.” nên dừng bút.
Mong và chúc ông sức khỏe, cống hiến cho đọc giả những bài viết hay.
*.
Hà Nội, ngày 07.10.2016
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
Long Biên - Hà Nội.      

READ MORE - VÀI CẢM NHẬN VỀ NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC CHÂU THẠCH - Vũ Thị Hương Mai