Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, October 1, 2015

LỤC BÁT BA CÂU - Thơ Đoàn Thuận


      Tác giả  Đoàn Thuận

                         


LỤC BÁT BA CÂU
 [Lục Bát Tam Cú]
________________
.
NHỚ LẠI

thả trôi dăm chiếc lá vàng
theo dòng kỷ niệm muộn màng về xa
khi buồn ngẫm lại đời ta
.

BIỆT XỨ

cuối đời biệt xứ ra đi
hồn thiêng đất mẹ đạo nghì trên lưng 
nỗi oan thả gió qua rừng.
.
giờ nơi phố lạ người dưng
bạc phơ mái tóc chưa ngừng lãng du
lần mò về cõi thiên thu.
.

MỘT LỐI CŨ

lâu không trở lại vườn quê
nghĩ hoa lối cũ đê mê nở tàn
người đà cách trở dặm ngàn.
.
xuân xanh đông xám thu vàng
mùa đi hương sắc ẩn tàng nhớ mong
ta như một chiếc bóng không.
.

NHỚ QUÊ

bao năm lưu lạc xứ người
vẫn thầm lặng nhớ nụ cười nhà quê
hồn nhiên chất phác mụ mê.
.
vẫn mong có một ngày về
dù đời bầm dập não nề đau thương
nhớ em nhớ mẹ lại buồn.

          ĐOÀN THUẬN

READ MORE - LỤC BÁT BA CÂU - Thơ Đoàn Thuận

CHÙM LỤC BÁT TỨ TUYỆT NHẬT QUANG

Hiển thị image (2).jpeg
                  Nhật Quang


PHỐ THU

Thu vương nắng nhẹ góc trời
Sài Gòn e ấp hương ngời phố xưa
Bạch Đằng gió thoảng đong đưa
Nghiêng làn tóc rối, che vừa nhớ nhung.

TÌNH THU

Lâng lâng dạ khúc Thu vàng
Bâng khuâng kỷ niệm,ngỡ ngàng chiêm bao
Sài Gòn góc phố lao xao
Bên nhau quấn quít... thầm trao tim nồng.

MƯA THU

Giọt Thu tí tách rơi rơi
Phố khuya ướt lạnh,rã rời lê thê
Mây giăng phủ ánh trăng thề
Chơ vơ phố nhỏ,ngõ về không em.

                              Nhật Quang
                                (Sài Gòn)
READ MORE - CHÙM LỤC BÁT TỨ TUYỆT NHẬT QUANG

THƠ SONG NGỮ ANH -VIỆT - Thơ: Hồng Tâm, Người dịch: Mr Hàn Quốc Vũ



             Hồng Tâm 




VỀ EM ƠI

Về đi em !
Ở đó làm gì ?
Người ta đang hạnh phúc
Nhìn làm chi ?
Thêm đau khổ
Thêm sầu
Mặn làn môi
Về em ơi
Người ta quên em rồi 
Thôi ! Để thời gian trôi
Rơi vào quên lãng 
Một thời chung đôi

           Hồng Tâm
          26/09/2015

DỊCH SANG TIẾNG ANH

GO HOME, MYSELF !

Go home, myself!
In there for what?
That person has been happy
Looking at for what?
More miserable
More sad
To be salty on the lips
Go home, myself!
That one forgot you
No more! Let time pass away
To sink into oblivious
One age of being a couple.

(Poem by poetess Lý Thị Minh Tâm; 
Translation by Mr. Hàn Quốc Vũ)

READ MORE - THƠ SONG NGỮ ANH -VIỆT - Thơ: Hồng Tâm, Người dịch: Mr Hàn Quốc Vũ

MIÊN MAN THU CHÍN... - Cảm nhận bài thơ “Gửi mùa thu” của Nguyễn Đình Nguộc





    MIÊN MAN THU CHÍN...

                                          - Cảm nhận bài thơ “Gửi mùa thu”

    GỬI MÙA THU
    (Tặng mùa thu vàng)

Hình như Hà Nội chín rồi
Vàng lên cả một góc trời là em.
Tôi thành gió lá mon men
Đem cơn mưa thả vào đêm giao mùa.
Hình như em cũng nói đùa
Bảo câu lục bát lại vừa sinh con...
Nắng thì già, gió thì non
Chỉ tin yêu mãi còn son giữa đời.
Phố phường thu lãng đãng rơi
Lá vàng thả
                 Những làn môi
                                      Dịu dàng.
Nụ cười khép cánh đa mang
Miên man thu chín rực vàng miền thương.
                                       
                                    20-10-2012
                   Tác giả: Nguyễn Thế Kiên

“Gửi mùa thu”  của nhà thơ  Nguyễn Thế Kiên trong tập thơ “Bóng đất” là một bài thơ tình lãng mạn, với thể thơ lục bát mềm mại, dịu dàng, tha thiết càng làm tăng thêm chất trữ tình của bài thơ.
Tác giả sáng tác bài thơ đề ngày 20-10-2012 là thời gian cuối thu và cũng là ngày Phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ là phái đẹp, đặc biệt người phụ nữ Việt Nam dịu hiền, duyên dáng thường là khởi nguồn của thi ca. Phải chăng nhà thơ muốn viết “Gửi mùa thu”như một món quà gửi tặng những người phụ nữ thân quí của mình nhân ngày 20-10? Bài thơ mở đầu bằng hai câu thật đẹp:
“Hình như Hà Nội chín rồi/ Vàng lên cả một góc trời là em”.
 Với Thủ đô Hà Nội- Thăng Long mảnh đất ngàn năm Văn hiến, mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm! Cuối thu, sương muối về cũng là thời kỳ phần lớn lá cây chuyển sang màu vàng để mùa đông lá rụng, xuân về thay lá bắt đầu một chu kỳ sinh trưởng mới. Bởi vậy, nhiều người gọi mùa thu Hà Nội là mùa thu vàng. Nhiều nhà thơ đã viết về mùa thu Hà Nội nhưng mùa thu vàng của nhà thơ Nguyễn Thế Kiên có sắc thái riêng, rất lạ: “ Hình như Hà Nội chín rồi”.Câu thơ không khẳng định nhưng bạn thơ vẫn hiểu rằng những hàng cây trên đường phố Hà nội đang vào mùa thay lá. Chỉ với hai từ “chín rồi” câu thơ đẹp hẳn lên, không chỉ bởi màu sắc gợi cảm mà người đọc còn cảm thấy hơn thế, Hà Nội đã vào thời điểm đẹp nhất trong năm! Tiếp theo câu bát: “Vàng lên cả một góc trời là em”. Em ở đây chắc hẳn là mùa thu rồi vì bài thơ có tên là“Gửi mùa thu”. Trong lúc thăng hoa, nhà thơ gọi mùa thu là “em” cũng bởi qúa yêu mùa thu vàng Hà Nội. Hai câu thơ thật đẹp, bổ sung cho nhau, vẽ nên một bức tranh mùa thu vàng thật rực rỡ.
“Tôi thành gió lá mon men/ Đem cơn mưa thả vào đêm giao mùa”.
 Hà Nội cuối thu, những chiếc lá vàng từ trên cây bay bay chao liệng theo làn gió thu nhè nhẹ trước khi đáp xuống đường phố tạo nên thảm lá vàng tuyệt đẹp. Những đêm thanh vắng, tiếng lá vàng rơi xào xạc chạm vào nhau bay theo làn gió nhẹ... lắng nghe như bản nhạc không lời. Mùa thu vàng Hà Nội rực rỡ quá, lộng lẫy quá khiến nhà thơ cảm thấy mình thật bé nhỏ, chỉ mong được “thành gió lá mon men” để được hòa vào mùa thu vàng Hà Nội. Mong ước thật giản dị nhưng nếu ta chú ý, hình như chưa có ai mong ước như vậy cả. Lần đầu tiên tôi được nghe đến “gió lá”. Phải chăng đây là từ lạ được tác giả viết ra trong lúc thăng hoa? Trước cảnh đẹp mùa thu vàng Hà Nội, nhà thơ đầy xúc cảm muốn mình được trở thành cơn “gió lá” thả những “cơn mưa”  “vào đêm giao mùa” để phố phường  Hà Nội  rực rỡ hơn. Điều mong ước thật lãng mạn! Chỉ khi nhà thơ trong phút thăng hoa mới có được câu thơ lãng mạn và đáng yêu đến vậy. 
“Hình như em cũng nói đùa/ Bảo câu lục bát lại vừa sinh con...”
Câu lục bát vừa như bông đùa, vừa ý nhị góp phần cho bài thơ thêm sinh động. Trước mùa thu vàng Hà Nội rực rỡ đến hút hồn, người thơ tràn đầy cảm xúc và năng lượng, mạch thơ tuôn chảy... Những vần thơ lục bát- sở trường của người thơ Kienlucbat cứ nối nhau câu bát tiếp câu lục; câu lục nối câu bát không ngừng... đến “em” phải ngỡ ngàng “bảo câu lục bát lại vừa sinh con...”. Mỗi bài thơ được viết nên thường có quá trình ấp ủ, “thai nghén” đến khi hoàn thành thực sự là “đứa con” tinh thần của tác giả. “Em” ở đây hẳn tác giả vẫn gọi thân mật với mùa thu hay một em nào khác? Mạch thơ lại tiếp tục:
“Nắng thì già, gió thì non/ Chỉ tin yêu mãi còn son giữa đời.”
Những vần thơ trên có hình ảnh đẹp, đầy ngẫu hứng và triết lý. “Nắng thì già, gió thì non”. Câu thơ có vẻ như chơi chữ, tạo ấn tượng nhưng lại là phản ánh quá trình thay đổi của tự nhiên. Thời gian giao mùa nắng thu sắp hết, gió nhẹ nhàng chuẩn bị bước vào một mùa đông mới. Đối với nhà thơ, hình như nắng, gió cũng có đời sống sinh tồn. “Nắng thì già”,mà đã già thì phải “mất”. “Gió thì non”- gió bấc mùa đông mới chớm nên tiết trời mát hơn. Câu thơ chỉ vẻn vẹn có sáu từ mà chấm phá được cả một bức tranh về thời tiết giao mùa thì thật tài hoa. “Chỉ tin yêu mãi còn son giữa đời”. Câu thơ đẹp, đầy triết lý và trải nghiệm. Đúng vậy, trong cuộc sống không thể thiếu niềm tin yêu; nếu thiếu sẽ trở thành người bất hạnh! “Còn son” là may mắn, hạnh phúc.  Người thơ đang hạnh phúc, rất hạnh phúc được sống giữa Thủ đô Hà Nội trong mùa thu vàng rực rỡ.
“ Phố phường thu lãng đãng rơi
Lá vàng thả/ Những làn môi/ Dịu dàng”.
Tôi đã đọc những câu thơ viết về mùa thu Hà Nội có cụm từ: lãng đãng thu; thu lãng đãng... Nhưng“phố phường thu lãng đãng rơi” thì lần đầu mới được đọc. Câu thơ buồn nhưng thật đẹp. Nhà thơ với linh cảm đặc biệt của mình mới thấy được “thu lãng đãng rơi” trên đường phố. Chỉ thêm một động từ “rơi” câu thơ sinh động hẳn lên và cảm thấy mùa thu đang vơi dần... Câu tám tiếp theo, tác giả ngắt làm ba nhịp thành thơ bậc thang, tạo điểm nhấn của bài thơ: “Lá vàng thả/ Những làn môi/ Dịu dàng”. Lá vàng nhẹ nhàng thả xuống đường phố có cảm giác như những làn môi của lá chạm vào mặt đường thật dịu dàng, êm ái... Với nghệ thuật thơ bậc thang, có độ dừng sau mỗi nhịp, câu thơ càng tăng thêm đằm thắm, thiết tha...  Những vần thơ viết về mùa thu thật lãng mạn!
“Nụ cười khép cánh đa mang
Miên man thu chín rực vàng miền thương.”
Hai câu kết khép lại bài thơ tình vẫn ngời lên màu vàng rực rỡ của mùa thu Hà Nội. Niềm vui vẫn còn đó nhưng mọi người đều hiểu rằng khi  “thu chín rực vàng” là những ngày đẹp nhất trong năm, nhưng cũng là thời điểm giao mùa, sắp kết thúc mùa thu vàng đầy lưu luyến. Quy luật của tự nhiên là vậy. Đọc đi, đọc lại câu kết: “Miên man thu chín rực vàng miền thương” tôi vẫn muốn đọc thêm lần nữa bởi câu thơ thật đẹp, dư âm của bài thơ được đọng lại ngọt ngào, tha thiết tràn đầy cảm xúc trong lòng.

                                        Hà Nội, những ngày cuối thu 2015
                                                   Ts. Nguyễn Đình Nguộc
READ MORE - MIÊN MAN THU CHÍN... - Cảm nhận bài thơ “Gửi mùa thu” của Nguyễn Đình Nguộc