Tác giả Hoàng Đằng
TIẾNG
NÓI VÀ CHỮ VIẾT CỦA VIỆT NAM
(Ngôn ngữ và văn tự)
Hoàng Đằng
Thời gian này, có ý kiến trái chiều về việc lấy tên
giáo sĩ Francisco De Pina và giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre De Rhodes) đặt tên cho
hai con đường nào đó tại Đà Nẵng.
Qua những ý kiến đưa ra, tôi thấy đang có sự lẫn lộn
giữa TIẾNG NÓI và CHỮ VIẾT (Ngôn ngữ và văn tự) ngay cả trong giới trí thức.
Vì vậy, tôi xin lên tiếng!
Từ khi có người Việt trên trái đất này, chắc chắn đã
có tiếng nói để giao tiếp với nhau, ấy là tiếng Việt - Việt ngữ. Lẽ dĩ nhiên,
qua quá trình lịch sử, tiếp xúc với những ngôn ngữ khác, đụng chạm với thực tế
cuộc sống, tiếng Việt đã tiến hoá, đã có ít nhiều biến đổi về ngữ âm, ngữ
nghĩa, ngữ pháp, số lượng ngữ vựng... Điều đó không thể nào tránh khỏi.
Tôi chỉ muốn nói người Việt từ xưa đến giờ chỉ có một
tiếng nói.
Còn về chữ Viết (văn tự) thì khác.
Tôi có đọc tài liệu nói rằng thời xa xưa, người Việt
đã có chữ viết - Việt tự.
Do thời gian Bắc thuộc quá dài, dân ta sống kiếp nô lệ,
không có điều kiện dùng và phát triển chữ Việt xưa ấy, nên nó yểu mệnh, ngày
nay, di chỉ không đủ để nghiên cứu tử tế.
Đến thời Bắc thuộc, giới trí thức học chữ Hán - Hán tự,
dùng chữ Hán trong việc công.
Giáo dục chưa mở mang, số người mù chữ chiếm đại đa số;
vì vậy, công văn ít người Việt đọc và viết được. Oái oăm thay! Do chữ viết
không thể hiện tiếng nói, công văn ngay cả đem đọc, quần chúng cũng không hiểu
được, nếu không có người diễn giải.
Khi nước ta giành được độc lập rồi, suốt cả chiều dài
lịch sử, qua các triều đại tự chủ, chữ Hán vẫn được dùng trong việc công - công
quyền và công chúng.
Nòi giống Việt có bản tính tự chủ, chữ Hán ở Việt Nam
đã không đọc âm như bên Tàu, người Việt có cách đọc riêng, gọi là “âm Hán Việt”; dù vậy, văn bản Hán văn,
vẫn như thời Bắc thuộc, cũng chỉ một ít người có học mới viết được, đọc được,
hiểu được.
Hán tự đóng vai trò như thử là “quốc gia văn tự” của nước ta; tình trạng ấy đã làm cho mọi công việc
ở tầm quốc gia, tầm xã hội, tầm gia đình rất khó khăn vì tiếng nói và chữ viết
không đi đôi với nhau. Đó chắc cũng là một trong những lý do khiến nước ta, dân
ta chậm tiến.
Trước tình trạng tréo ngoe đó, một số trí thức (nho
sĩ) Việt nghĩ ra chữ Việt, gọi là chữ Nôm – “Nôm”
là Nam nói trại.
Chữ Nôm là loại chữ bắt chước cách viết của chữ Hán để
ký âm tiếng Việt.
Những ai đã sáng chế ra chữ Nôm và việc sáng chế khởi
sự từ lúc nào; câu trả lời cho câu hỏi ấy bây giờ còn bỏ ngõ. Chỉ biết đời nhà
Trần, đã có cụ Nguyễn Thuyên dùng chữ Nôm để viết văn bản.
Văn bản bằng chữ Nôm đọc lên, hễ là người Việt, ai
cũng hiểu. Vì vậy, chữ Nôm có thể gọi là chữ Quốc Ngữ đầu tiên của nước ta - “Quốc Ngữ hệ chữ Hán”.
Tiếc là chữ Nôm không được đem dùng trong công quyền
(triều nhà Hồ và triều Tây Sơn có dùng nhưng không đáng kể) để có thể trở thành
“quốc gia văn tự”; ấy có lẽ do óc bảo thủ của vua quan qua các triều đại – họ
quá tôn sùng chữ Hán, không muốn chữ Nôm phổ biến, sợ mất địa vị, uy quyền độc
tôn của họ trong chính quyền và trong đời sống xã hội.
Giá như chữ Nôm được dùng trong công quyền, thành “quốc gia văn tự” qua các triều đại thì
nó đã tiến hoá như chữ Nhật hay chữ Hàn, và biết đâu bây giờ nó vẫn được dùng
như người Nhật, người Hàn đã dùng chữ Nhật, chữ Hàn tại nước của họ! Và nếu được dùng chính thức, hình thái của nó
ngày nay chắc chắn không còn rườm rà như ngày xưa mà đã được đơn giản hoá để dễ
dàng phổ cập. Như vậy, tôi nghĩ rằng chữ “Quốc
Ngữ hệ chữ La Tinh” không còn chỗ để chiếm lĩnh vị trí “quốc gia văn tự” như hiện nay.
Do chữ Nôm không được vua quan xem trọng, chỗ trống “quốc gia văn tự” mới được chữ “Quốc Ngữ hệ La Tinh” trám vào.
Chữ “Quốc Ngữ hệ
chữ La Tinh” do các cố đạo Tây Phương đến truyền đạo Ki-Tô vào thế kỷ 16,
17 nghĩ ra – dùng mẫu tự La Tinh ghép vần để ký âm tiếng Việt. Sáng kiến của họ
là để dễ dàng việc truyền giáo. Ban đầu, nó chỉ sử dụng trong mục đích ấy.
Qua thế kỷ 19, Pháp bắt đầu bảo hộ Việt Nam, nó đi vào
học đường, công quyền bảo hộ, rồi đi vào sinh hoạt văn học, nghệ thuật, được giới
nho sĩ tiến bộ đánh giá cao, được nhân dân đồng tình vì việc học dễ dàng. Nó
khoác lên mình tên chữ Quốc Ngữ, nhưng nếu xếp đúng, nó là chữ Quốc Ngữ thứ 2 của
Việt Nam.
Từ năm 1945 – khi Việt Nam độc lập - đến giờ, nó trở
thành “quốc gia văn tự” không kèn
không trống.
Mấy giáo sĩ Tây Phương đặt nền móng cho “chữ Quốc Ngữ hệ chữ La Tinh” đang được
dùng chẳng bao giờ nghĩ đến sau này sẽ được Việt Nam vinh danh đặt tên đường, dựng
tượng đồng, bia đá ... Họ, vì đức tin, hiến mình cho Chúa và tìm mọi phương tiện
để hoàn thành sứ mạng và chữ Quốc Ngữ hệ chữ La Tinh cũng là một phương tiện.
Nước Việt Nam bây giờ muốn vinh danh họ vì đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn” - họ đã cho mình một
công cụ văn hoá để sử dụng.
Theo tôi, người có công với đất nước Việt Nam không phải
chỉ những người xông pha trận mạc mà còn có những người dựng xây, bảo vệ văn
hoá, những người đưa ra kế hay, mưu giỏi để phát triển đất nước, không kể họ là
người Việt Nam hay người nước ngoài.
Hoàng Đằng
01/12/2019 (06/11/Kỷ Hợi)