Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, April 24, 2013

Võ Văn Luyến - CẢM THỨC THƠ NGUYỄN TÀI MY

Nguyễn Tài My



Thơ Việt từ truyền thống ra hiện đại là một chặng đường dài với nỗ lực không mệt mỏi của nhiều thế hệ cầm bút. Trên hành trình mở đường cho thơ phát triển, buổi đầu, không ít nhà thơ tiên phong gặp những lực cản trước sự trì níu theo quán tính của kiểu tư duy cũ vốn dễ bào mòn cá tính sáng tạo và suy giảm năng lượng tỏa phát của con chữ. Dù duyên thơ đến muộn, nhưng Nguyễn Tài My đã tạo cho lối diễn đạt có tính biểu cảm một giá trị mới đáng để tìm hiểu.

Một trong những cách giải bày tâm thức, tâm trạng ngõ hầu tìm tới sự giao cảm có lẽ không gì hay hơn bằng thơ. Người làm thơ là thiên sứ mang thông điệp yêu thương và khát vọng thường hằng đồng hành qua bao miền mưa nắng cuộc đời, là hành giả cô đơn miên trường chứng ngộ u minh vây bủa thân phận con người. Đọc “Kiến thi”(*) của thi sĩ Nguyễn Tài My, dễ dàng nhận ra con mắt thơ tỏa phát ánh sáng từ lửa tâm thao thức ấy.

Là nhà sáng tạo, dường như những gì thể hiện trong “Kiến thi”, ta còn thấy tác giả không rập theo khuôn mẫu định sẵn mà mạnh dạn kiến tạo và cấu trúc lại thi ca theo cách của riêng mình. Nói đúng hơn là anh ý thức trả lại cho thơ tiếng nói “tự nhiên nhi nhiên” của trái tim, không “bắt chước” (chữ dùng của Aristote) thụ động.


Nguyễn Tài My là một nhân cách, một trí tuệ nhuần thấm triết lý hành thiện, dù ước mơ nhằm tới quả không dễ dàng gì nhưng thật đáng trân trọng. Anh muốn biến giấc mơ “xây nhà trăm gian” cho dân nghèo của Đỗ Phủ thành hiện thực, muốn xóa đi những căn nhà “ổ chuột”, những con đường lóc xóc “ổ gà”, những cây “cầu khỉ quạnh hiu” và cao hơn, muốn “cứu người sống an cư lạc nghiệp”. Tình yêu mang ước mơ hành thiện ấy có căn nguyên sâu thẳm:

Cõi lòng mẹ bao dung tri kỷ
Bao nhiêu lời kêu cứu mẹ đều cưu mang.
Anh thấu tỏ công ơn sinh thành:
Con làm được gì nhờ trí cha đức mẹ.

Điều đó lý giải vì sao con người tài hoa của núi Nhạn sông Đà hiếu nghĩa thường trực lại gắn với lý tưởng sống tích cực:

Con để tang mẹ nửa bộ râu
Con để tang cha cả cái đầu yêu dân.

(Điếu văn cho người)

Ở tuổi “cổ lai hy”, nhà giáo – nhà kiến trúc – nhà thơ Nguyễn Tài My như cánh chim bằng không mệt mỏi trong lao động và sáng tạo. Anh đến những nơi cần đến và những ký – sự – tâm – hồn siêu thăng từ ngẫm ngợi triết học được hóa giải bằng con chữ lấp lánh sự trải nghiệm, siêu nghiệm về một thế giới thấm đẫm màu sắc nhân sinh. Những lúc đó, dường như nhà kiến trúc nhường chỗ cho nhà thơ lên tiếng nói.

Thăm “Đền Abu Simbel”, anh nhận ra đằng sau sự hoành tráng của kiến trúc là tiếng rì rầm “ai – oán – khúc – trường – ca – đá”. Biết vậy, nhưng sự sinh nở cái đẹp nào lại không qua đoạn trường quặn thắt. Đấy là những kỳ quan diễm tuyệt mọc lên từ khát vọng sáng tạo đau đớn và mãnh liệt.

Một Kim Tự tháp vĩ đại và huyền bí, một Pari tráng lệ, một Sydney gợi tình, một Pisa tháp ngà nghiêng bóng xuống thời gian… tụ kết mật đọng tâm hồn thi sĩ. Và những chân trời ru vỗ giấc mơ kia dựng dậy trong anh nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ Tuy Hòa, nhớ Sài Gòn da diết. Có lúc anh như đi trong mơ:

Quê hương đã có nơi xa xăm nào đó
Trôi về đây thành quê hương thần thoại

(Lí niệm quê hương)

Nhưng rồi con người từng tự thú “cả đời… ghép từng mảnh vỡ tâm hồn” lại ngộ ra rằng không thể “lưu vong lòng vòng trong tâm tưởng” mãi được mà phải trở về với nơi chôn nhau cắt rốn, với “không gian tình người… mênh mông”. Bởi quê hương trong lòng mình mới thật sự là cõi đi về.

Trong “Kiến thi”, có lẽ nhà thơ dồn nhiều tâm huyết, nhiều thao thức nhất về kiến triết và đạo đức.

Chúng ta đã biết, thế kỷ 21 là thế kỷ của kiến trúc xanh. Nhưng xây dựng mô hình kiến trúc xanh bền vững, phù hợp với từng vùng miền khác nhau; địa chất, thổ nhưỡng, đới khí hậu… và hoàn cảnh, tâm lý đối tượng tiếp nhận khác nhau đòi hỏi phải có kiến triết tiên phong dẫn đường.

Nói như tác giả, “Kiến triết chiếu trên kiến – trúc – ở”, bởi “lương thực người (là) không khí”. Xã hội hiện đại tụ sinh đô thị càng cần đến kiến triết biết bao. Thực tế cho thấy, “quyết tâm quyền lực” và giải cứu “đơn phương” vấn đề kiến triết chẳng những không đem lại hiệu quả mà còn đánh mất sức mạnh quyền lực trí tuệ ấy. Tóm lại là kiến triết muốn thông đạt phải có kiến đức vững vàng.

Lại nữa, mỗi khi nghiêng về kiến triết (nghĩa rộng), dù nói đến bất cứ điều gì, tác giả đều đúc ra những kết luận thú vị. Phải là người ngụp lặn trong sóng gió cuộc đời, người thơ mới ngộ ra con đường cứu cánh:

Cứu “ngã” phong ba bằng vô ngã.

Bởi cái ngã hình tướng, hay nói cách khác, cái tôi (le moi) của mình làm tổn thương mình.
Cho nên:

Đánh mất cội nguồn bởi trám đầy hình tướng
Tịnh thiền khử hình tướng loãng dần.

Hình tướng bộc lộ rõ nhất trong công việc, nhất là “việc dễ thành, dễ thành kiêu ngạo”. Kiêu ngạo (chứ không phải kiêu hãnh) đồng lõa với cái xấu, vì “yêu cái xấu làm sao biết đẹp”.

Có khi, anh nói ra những điều tưởng chừng phi lý trong hiện thực nhưng có lý trong tình cảm. Tình vỡ là cái mất nhưng cái mất lại phục sinh nuôi dưỡng bản chất người:

Tình vỡ nuôi người sống xa nhau.

Anh tự nghiệm: Hào nhoáng “ta” xa vời. Thế nên, đời người phải biết “sống vừa tầm khả năng/đừng lập nghiệp ngoài tầm tay với”, đừng “chờ bị phỏng mới biết nóng”. Nhưng đồng thời cũng “đừng bạc nhược yếu hèn/ thà làm chim bay trong giông gió”…

Đọc “Kiến thi”, cơ hồ trang nào ta cũng bắt gặp sự minh triết được lẩy ra từ một tâm hồn nhân hậu sáng trong, thấu suốt lẽ đời. Sống trong thời đại trí năng, có được ánh sáng minh triết ấy thật không có gì ấm áp hơn. Tôi tin rằng, thi sĩ Nguyễn Tài My là người hạnh phúc bởi có không ít sự đồng cảm chân thành, bởi anh chân thành trước mỗi ký tự được viết ra từ lòng mình.

                                VÕ VĂN LUYẾN

(*): Thơ Nguyễn Tài My, NXB Lao động, tháng 7/ 2010
READ MORE - Võ Văn Luyến - CẢM THỨC THƠ NGUYỄN TÀI MY

EM VỀ THĂM TUỔI – thơ Trang Phúc


Trang Phúc


Một đàn mây trắng
Bay ngang lưng trời
Dòng sông im lặng
Ngoan hiền trôi xuôi

Tuổi thơ – nụ cười
Trong veo như nắng
Trang vở ngày nào
Tươi màu mực tím

Tháng năm là bạn
Hồn nhiên là nhà
Em về thăm tuổi
Thấy hồng phù sa.

Võ Dương Trang Phúc
(Lớp 9 chuyên Văn, NK 2012-2013, Trường THCS Nguyễn Trãi, Đông Hà)
READ MORE - EM VỀ THĂM TUỔI – thơ Trang Phúc

VỊNH CÁI DÙ - Xướng họa của Trần Ngộ và Trương Đình Đăng


VỊNH CÁI DÙ

Cột thẳng chân cong mái tám kèo
Hình thù bát giác rượng tong teo
Khi cần ôm bụng rất âu yếm
Lúc bỏ cầm chân dốc ngược treo
Hữu sự trương lên nhìn láng lẫy
Vô công hạ xuống thấy nhăn nheo
Nắng mưa già trẻ cùng nương cậy
Chẳng nghĩ thương em phận bọt bèo

TRẦN NGỘ 
Lâm Đồng


Bài họa:
CON XỎ *

Sinh ra để néo cột ôm kèo
Thân cứng mình tròn bé tẻo teo
Đấm quyết không rơi nhờ khéo xỏ
Rội rường khỏi đổ cậy tài treo
Mực sai mộng lệch đau vồ gỗ
Lỗ hẹp tron già mỏi mắt nheo
Đầu cái đuôi cù xin chớ phụ
Vắng em lim sến cũng như bèo

TRƯƠNG ĐÌNH ĐĂNG
Đà Nẵng

*Có nơi gọi là con sẻ, con tron dùng để liên kết vì kèo, làm bằng tre, gỗ hoặc sắt.
READ MORE - VỊNH CÁI DÙ - Xướng họa của Trần Ngộ và Trương Đình Đăng

THƠ VĂN THẦY CÔ GIÁO QUẢNG TRỊ - Thảo Nguyên - Lê Đắc Lay - Lê Minh Khai



Trích từ tập san 
HOA ĐẦU MÙA số 15
của Phòng Giáo dục - Đào Tạo
huyện Hải Lăng









NHỮNG CHIỀU TRẮNG

THẢO NGUYÊN
Sở GD&ĐT Quảng Trị

                                                    
Gặp em trong chiều mùa hạ
Lá bàng che mắt nhìn nghiêng
Chào nhau rồi quên hỏi tên
Mùa thu hai người chầm chậm...

Những ngày hôm sau thành chiều trắng
thành vu vơ không rõ vì sao
thành thân quen con đường đỏ ra vào
thành kẻ lạc đường, thành thi sĩ

Anh không còn là anh từ chiều hôm ấy
thấy bình minh lấp lánh sao trời
thấy trưa hồng sương rơi kín lối
đường rất gần lại thấy xa xôi

Bao nhiêu nắng để biển sâu vơi
Bao con sông để tưới đầy sa mạc
Bao  nụ hôn cho yên cơn khát
Bao đêm dài cho nỗi nhớ khuây nguôi?

Đêm không trăng sao, đêm của bầu trời
Ngày không mây trôi, ngày đầy gió nắng
Những chiều không em như là chiều trắng
Giấc mơ không em thành giấc cô miên

Trăng ngập ngừng  soi phía thảo nguyên
Mây trinh nữ bay tím chiều cổ điển
Lời chưa trao, thôi đành thưa với biển
Chiều xưa ơi!
                   Mắt cứ để nhìn nghiêng...

T.N



THÁNG 5

LÊ ĐẮC LAY
GV trường Tiểu học số 2 Hải Ba 

Tháng 5, em có nhớ miền Trung?
Trời nung đất trở thành sỏi đá
Anh ở đây những ngày tháng Hạ
Với gió Lào, nắng khét cháy da.

Khung trời nào em đã đi qua,
Nơi đâu giống quê mình Quảng Trị?
Đông rét dai, Hạ chan nắng lửa
Mẹ oằn vai, sớm tối đi về.

Ngày ấy, em từ giã làng quê
Áo còn vương màu mực tím
Số trời ban kiếp người lận đận
Đành nén lòng nhìn bánh xe lăn.

Đã qua rồi những mùa bằng lăng
Màu phượng vĩ chỉ là kỷ niệm
Cũng giấu đi những mùa sim chín
Cát quê mình trắng mãi ngàn năm.

Nay em về thăm lại tháng 5
Máy gặt xong, đồng xanh màu mạ
Đường bê- tông nối liền làng xã
Ngói đỏ thay mái rạ quê nhà.

Với sức người cây phải nở hoa
Ly rượu nhạt mà lòng chung thuỷ
Anh không sợ nắng vàng rực lửa
Chỉ sợ em băng giá trái tim hồng.

11/5/2012
L.Đ.L



EM LÀ CÔ GIÁO MẦM NON

LÊ MINH KHAI
GV THCS Hải Quy 

Anh cứ gọi em là cô dạy Hổ!
Đừng mà anh, em không thích vậy đâu ?
Nghề của em đã mang "nghiệp "vào thân
Nắng sớm, mưa chiều ngày hai buổi
Miệt mài công việc đã thành quen
Trò nhỏ, việc nhiều, sức chẳng nhỏ ?
Bón cơm, thay tã anh có hay ?
Nghề của em....
Cần được xã hội tôn vinh và cần lắm sự chia sẻ...!
Anh cứ hỏi: Sao việc em nhiều thế?
Không đâu anh đó là chuyện thường ngày
Thứ 7, chủ nhật nhìn người ta đi phố, chắc hẳn anh sẽ hờn...
Vì em?
Góc học tập, rồi chủ đề của tháng
Tập làm họa sỹ?
Em vẽ cho đời những ước mơ xanh
Nên có lúc tạm gác ngày của riêng mình? Anh có hiểu...?
Cô giáo Mầm non
Ươm cho đời những giấc mơ be bé
Về cuộc đời, về lòng nhân hậu và sự bao dung
Và cả anh...

L.M.K
READ MORE - THƠ VĂN THẦY CÔ GIÁO QUẢNG TRỊ - Thảo Nguyên - Lê Đắc Lay - Lê Minh Khai

HOÀI NIỆM PHƯỢNG - Hồ Trọng Trí họa bài NÓI VỚI PHƯỢNG của Vân Trinh




           Bài họa:
          HOÀI NIỆM PHƯỢNG

          Hè về ve réo phượng hồng rơi
          Ký ức hoa niên cứ nhủ tôi
          Tiếc nhớ quảng đời hoa lệ cũ
          Xót thương kỷ niệm mộng mơ phai
          Công danh lỡ vận - cây thui ngọn
          Sự nghiệp nửa vời - tiệc hẫm xôi
          Huyết phượng ngập đường thay xác pháo
          Nhắc: Đời huyễn ão - lẽ thường thôi.
                                    Hồ Trọng Trí
                                    Kim Long, BRVT
                                    ĐT: 01667332652           
            
              Bài xướng:
              NÓI VỚI PHƯỢNG

              Mãi gọi phượng mà phượng cứ rơi
              Biết chăng lặng lẽ một mình tôi?
              Cố tìm mùa cũ hoen màu úa
              Mà tiếc màu xưa nhuộm sắc phai
              Kỷ niệm còn in trên tán lá
              Ân tình có đọng phía xa xôi?
              Sao hoa không hiểu lòng người nhỉ?
              Thầm gọi tên ai, chỉ vậy thôi.

                                        VÂN TRINH
READ MORE - HOÀI NIỆM PHƯỢNG - Hồ Trọng Trí họa bài NÓI VỚI PHƯỢNG của Vân Trinh

NỖI NIỀM XA HUẾ - Tùy bút của Nguyễn Hồng Trân

Ảnh của Võ Đình Đoan


Thế là tôi đành phải xa Huế lần thứ hai. Lần thứ nhất xa Huế gần 30 năm (1945- 1975). Lúc đó, tôi còn tuổi niên thiếu theo gia đình cha mẹ di chuyển nhiều nơi lo sinh sống, học hành… Ba tôi lại mất sớm (mới 34 tuổi đời đã vĩnh biệt cõi dương) để lại mẹ tôi góa bụa với ba anh em chúng tôi trong cảnh mồ côi cha thật là xót xa đau khổ… Trải qua những diễn biến của xã hội  chiến tranh cho đến hòa bình và đât nước ta bị chia cắt ra hai miền Bắc Nam. Tôi tập kết ra miền Bắc lo chăm chỉ học hành cho thành đạt. Tốt nghiệp Đại học, tôi công tác ở Hà Nội trong ngành giáo dục đào tạo Đại học.

Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, tôi lại trở về Huế (1976) theo nghề dạy học và làm Giảng viên chính tại trường Đại học Tổng hợp Huế (về sau đổi tên thành trường Đại khoa học –Huế). Có một thời gian tôi kiêm làm Giám đốc Trung tâm thông tin thư viện nhà trường. Sau đó tôi về nghỉ hưu năm 1999 tại nhà riêng (gần sông An Cựu) ở vùng Phủ Cam, Phước Vĩnh, tp. Huế.

Đến nay, vì lo cho tuổi già (76) sức yếu, nên hai vợ chồng đành phải ra Hà Nội ở để nhờ con cháu chăm sóc khi ốm đau, kiệt sức.


Tậm biệt Huế, đứng bên Đập Đá nhìn về Vỹ Dạ. Ảnh của tác giả.


Chuyện phải xa Huế lần thứ hai này là bất  đắc dĩ thôi, chúng tôi không muốn như vậy. Vì  chẳng còn ai ruột thịt với chúng tôi ở Huế nữa. Tôi cứ tưởng rằng, tuổi thơ mình đã từng ở Huế; quê gốc của tôi cũng ở Huế (làng Phú Xuân), thì tuổi già “lá rụng về cội” là hợp với lẽ đời xưa nay người ta thường nói vậy. Hơn nữa, vợ chồng chúng tôi đang sống giữa lòng Cố đô Huế - một vùng đất nước trong lành; một vùng quần thể di sản văn hóa sáng giá của Thế giới thì thật là tuyệt vời mà nhiều người đã từng mơ ước đến Huế để chiêm ngưỡng. Nhưng ngược lại, thật đáng tiếc! cuối đời tôi lại phải xa Huế sau gần 40 năm về sống với đất Huế thân thương…

Lúc rời xa Huế lần này, bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí của tôi đã gặp mặt liên hoan chia tay. Nhiều người đến trao tặng cho tôi những món quà lưu niệm như bức tranh, đĩa nhạc, bài thơ về Huế rất dễ thương và thật là ý nghĩa…

Giờ phút chia tay lên xe từ giã Huế, vợ chồng tôi được nhiều người ra tiễn đưa mà lòng bùi ngùi xúc động. Trên chuyến xe từ Huế ra Hà Nội, tôi rất buồn cứ lưu luyến nơi chốn cũ thành đô.

Khi ra đến nhà ở Hà Nội, những đêm đầu tôi không sao ngủ được, lòng tôi cứ vấn vương thương nhớ Huế vô cùng. Đêm khuya tôi thức dậy làm mấy vần thơ tâm tình:

Huế ơi! Tạm biệt Cố đô,
Bao năm gắn bó bây giờ đành xa.
Nỗi niềm da diết lòng ta,
Xa người, xa cảnh, xót xa dặm đường.
Ra đi lưu luyến vấn vương,
Mong ngày thăm lại Sông Hương Ngự  Bình.

                              Nguyễn Hồng Trân

READ MORE - NỖI NIỀM XA HUẾ - Tùy bút của Nguyễn Hồng Trân

THA HƯƠNG - TRE QUÊ KẼO KẸT GỌI TA VỀ - thơ Hải Thụy

Sông Ô Lâu . Ảnh Nguyễn Khắc Phước

THA HƯƠNG
        *Tặng quí đồng hương Huế và Q.Trị

Nói ra ốt - dột lắm tề
Đi mô cũng nhớ ruốc quê - ớt dầm
Tha hương đã mấy chục năm
... mà chưa quên được sả bằm - muối rang

Trưa hè trời nắng chang chang
Rau lang - bông bín ngô vàng nấu keng
Kể chi mấy thứ nớ eng
Tới mùa nước  lụt - càng thêm khóc ròng

Chuột đồng - rau má xào chung
Nhấp thêm cút đế Kim Long ... chi bằng
Đêm nằm với vợ ngủ trần
Sáng ra "mạ hắn" lầm bầm rủa yêu

Mùa đông bếp lửa liu - riu
Cái mùi hăng - hắc của niêu nước chè
Càng nhắc càng mũi ... eng hè
Lâu ni nỏ đặng về quê ... thỏa lòng!



TRE QUÊ KẼO KẸT GỌI TA VỀ

Lâu nay cất bước xa quê
Nói ra mắc cỡ mặt ê - ẩm lòng
Tháng ngày trắc ẩn phân vân
... bày chi nghiệp - để duyên toàn trớ trêu
Nổi trôi như một lẻ rều
Rày đây mai đó rác - rêu phận người
Ô - Lâu khúc lở khúc bồi
Vì đâu cha phải đứng ngồi không yên
Sớm - hôm mưa nắng khắp miền
Sắn khoai mẹ lót ... cơm riêng phần mình
Vỡ mùa lạc gót thư sinh
Phương Nam lau cỏ chông chênh nỗi đời
Trán chiều hằn nếp rối bời
Băn khoăn lá trở tìm nơi ... rụng về
Cha - mẹ giờ như gốc tre
Còng lưng kẽo kẹt quanh hè mỏi trông

Cúi đầu xin lạy dòng sông
Cho tôi trở lại - cánh đồng chôn ... nhau!

                        HẢI THỤY
                        haithuydnb@gmail.com
READ MORE - THA HƯƠNG - TRE QUÊ KẼO KẸT GỌI TA VỀ - thơ Hải Thụy