Nhà bình thơ Châu Thạch
ĐỌC
“NGÀY SINH” THƠ HƯ VÔ
Châu Thạch
Nhà thơ Hư Vô, một cây bút ẩn dật sống đời đạm bạc ở
miền quê Đại Lộc Quảng Nam. Thế nhưng lạ thay, thi hữu của anh rất đông, và ai
cũng muốn tìm đến anh như tìm một hàn sĩ thân thương được đời mến mộ.
Mấy hôm nay tôi viết nhiều nên muốn nghĩ ngơi. Vậy mà,
đọc bài thơ “Ngày Sinh” của Hư Vô vừa
sáng tác nhân sinh nhật của mình, tự nhiên mắt tôi hoen lệ. Có lẽ vì Hư Vô là
người bạn thơ tôi yêu mến, nên sự đồng cảm với thơ rất nhanh, buộc tôi phải viết
cái gì đó cho thơ bạn tôi mà cũng như cho mình, như tự lau giọt lê đã làm cay
đôi mắt đã già.
Có thể ví cuộc đời của Hư Vô như dòng sông trôi qua miền
sa mạc, sa mạc thì khô cằn nhưng sông vẫn xanh. Có thể ví cuộc đời Hư Vô như một
thân cây mọc trên sỏi đá, chim vẫn về đậu trên cây, trăng sao vẫn chiếu sáng
trên cây, nhưng đời là sỏi đá không cho hoa màu để cây có đủ nhựa nguyên. Đã thế,
đời còn như lão tiều phu cứ muốn đón cây đem về chụm. Nhờ chim muôn, nhờ trăng
sao mà Hư Vô thành thi sĩ, tiếng thơ của anh vang vọng tiếng trăng sao nhưng
cũng vang vọng tiếng gió từ sa mạc khô cằn, vang vọng cảtiếng mùa đông lạnh lẽo.
Đọc bài thơ “Ngày
Sinh” tôi bình luận là: Mỗi câu thơ mang một nỗi niềm. Tiếng thơ như đồng vọng
hơi thở của linh hồn mùa đông "trên
bãi đời dâu bể". Hay và sâu nhiệm trong nỗi đau dài năm tháng!
Nhà thơ Hư Vô cho biết bài thơ nầy anh lấy từ một nhân
vật trong Kinh Thánh Cựu Ước đã nguyền rủa ngày sinh của mình. Tôi biết
đó là nhân vật trong sách Gióp. Nhân vật đó cũng tên là Gióp. Gióp là một phú hộ
có bảy ngàn chiên, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái, bảy con
trai, ba con gái và tôi tớ rất nhiều. Ông ấy giàu hơn hết trong cả dân Đông
Phương thời bấy giờ. Vì muốn tỏ cho Sa Tan biết lòng tín trung của ông với Đức
Chúa Trời, Ngài đã lấy lại hết không còn chi cả. Chỉ trong thời gian ngắn súc vật bị cướp hết,
con trai con gái chết hết, thân thì lâm bệnh ung độc hành hạ ngày đêm. Gióp đã
không nguyền rủa Đức Chúa Trời nhưng đã nguyền rủa ngày sinh của mình như sau:
“Ngày
ta đã sinh ra, khá hư mất đi. Đêm đã được thai dựng một con trai, hãy tiêu diệt
đi! Nguyện ngày ấy bị ra tăm tối! Nguyện Đức Chúa Trời từ trên cao chớ thèm kể
đến ta! Anh sáng đừng chiếu trên ta! Sự tối tăm và bóng sự chết nhìn nhận ta!
Áng mây kéo phủ trên ta và nhật thực làm cho ta kinh khiếp” (Phỏng theo sách
Gióp đoạn 3: câu 3 dến 5)
Bài thơ của Hư Vô không nguyền rủa đời, không nguyền rủa
ngày sinh của mình như Gióp, chỉ như tiếng rên từ nổi đau của con tằm nằm trong
nồi nước đang sôi, để theo tiếng rên đó, những đường tơ lụa óng ả được kéo lên
trên chiếc vòng nhận tơ quay tròn, quay tròn:
Mùa
qua chưa trên bãi đời dâu bể
Ai
đã dài tay với mộng không thường
Ngày
đếm tuổi mây sầu lên tóc rối
Mi
ngỡ ngàng thấm ướt dấu mơ sương
Khi hỏi “Mùa qua
chưa trên bãi đời dâu bể”, tức là nhà thơ biết dâu bễ còn tồn tại trên bãi
đời của mình. Mùa ở đây không phái là xuân, hạ, thu, đông mà là mùa cùa “dâu bể”,
nghĩa là mùa mà chỉ có bão tố cuồng phong. Hư Vô đã sống trong cái mùa ấy rất
lâu, có thể nói suốt một đời, cho nên anh mới nói, từng ngày đếm tuổi mây trên
tóc rối. Tóc ấy đã thành mây sầu, nghĩa là nó đã bạc màu, đã già đi không còn
xanh nữa.
Khổ thơ vào đề của Hư Vô đã cho ta một dấu hỏi to lớn:
“Ai đã dài tay với mộng không thường”?.
Mộng không thường ấy chắc chắn đã thành mộng không thành. Ai đã dài tay vậy?
Gióp thì biết Đức Chúa Trời đã dài tay. Hư Vô thì không biết. Không biết nên mới
hỏi là ai. Nhân quả ư? Định mệnh ư? Không biết, chỉ biết là bốn câu thơ mang đến
tâm hồn ta một chút khắc khỏi về thân phận con người, một chút lo vì tóc đã như
mây, một chút sầu vì mi đã ướt dấu mơ sương và nhiều rung động vì thơ âm vọng
tiếng chảy của dòng đời trong trái tim thi sĩ.
Thế rồi cái mùa chưa qua ấy, cái năm tháng ấy, nhà thơ
“đã ghi vào bút mực”, nghĩa là hóa nó
thành thơ. Thơ ấy như tấm lòng của nhạc
Trịnh Công Sơn “để gió cuốn đi” tám
hướng mười phương:
Năm
tháng ấy đã ghi vào bút mực
Dẫu
mây bay tám hướng mười phương
Lời
nhân thế mưa ru bằng nước mắt
Mặn
vào lòng hay rớt giữa trùng dương
Hoa
và lá vẫn một lòng tận hiến
Và
trăng sao còn vẽ mộng bên trời
Con
thuyền bé đã lẫn vào sóng biếc
Bến
bờ xưa nghe lau lách lỡ bồi.
Thơ ấy đã vào đời và nhân thế tiếp nhận nó, tiếp nhận
nó như lời ru nước mắt, tiếp nhận nó như niềm đau đem vào lòng hay tiếp nhận nó
hời hợt, phôi pha như giọt mưa rót giữa trùng dương.
Hai khổ thơ bày tỏ tâm sự của nhà thơ. Tác giả đã tâm
tình ước vọng cao cả của mình. Ước vọng đó là đem thơ phung hiến cho đời. Đọc đến
đây ta nhớ những câu thơ “Phụng Hiến” của nhà thơ Bùi Giáng:
“Còn
ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn
một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì
cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu
trời xanh tay với kiễng chân cao”
“Ta
gửi lại đây những lời áo não
Những
lời yêu thương phụng hiến cho em
Rồi
ta gục đầu trên trang giấy hão”
Hư Vô cũng vậy, nhà thơ đem “Hoa và lá”, đem “Trăng và
sao” để “một lòng tận hiến”. Tận hiến xong sẽ làm “Con thuyền bé” “lẫn vào sóng biếc” để ẩn thân trên bến bờ xưa mà
nghe “lau lách lỡ bồi”.
Bùi Giáng thì gởi lại cho em những lời yêu thương rồi
gục đầu trên trang giấy, còn Hư Vô thì thâm thúy hơn, hòa mình trong vô vi, ngồi
nghe tiếng lau lạch lỡ bồi.
Đọc “Ngày Sinh”của
Hư Vô tôi rất xúc động, thương anh vì nỗi đời thì ít, phục anh vì ý chí thì nhiều.
Hư vô như cây thông cồm cõi, ốm yếu những vẫn đứng vững trước mưa sa bão táp.
Hư Vô như cây tùng quân tử, mọc trên đá trên vôi nhưng đứng thẳng giữa đời.
Tâm hồn anh như trăng sao, thơ anh như ngọn gió ngát
hương mà lạnh. Bạn bè anh khắp nơi, yêu anh như yêu một vì sao sáng đẹp le lói ở
góc trời xa tít mù khơi, vì anh nho nhã, điềm đạm, lộ ra bên ngoài sự trong trẻo
vô biên và sự quyến luyến thanh bai êm dịu của thơ.
Châu Thạch
NGÀY
SINH
“Hãy để ngày ấy lụi tàn,
cái ngày mà tôi mới sinh
ra đời
và cái đêm mà người ta
nói rằng có một
linh hồn được kết thành
thai”
………….
Mùa qua chưa trên bãi
đời dâu bể
Ai đã dài tay với mộng
không thường
Ngày đếm tuổi mây sầu
lên tóc rối
Mi ngỡ ngàng thấm ướt
dấu mơ sương
Năm tháng ấy đã ghi
vào bút mực
Dẫu mây bay tám hướng
mười phương
Lời nhân thế mưa ru bằng
nước mắt
Mặn vào lòng hay rớt
giữa trùng dương
Hoa và lá vẫn một lòng tận
hiến
Và trăng sao còn vẽ mộng
bên trời
Con thuyền bé đã lẫn vào
sóng biếc
Bến bờ xưa nghe lau lách
lỡ bồi.
Hư Vô