Nhà của bà Dương Thị Hường
READ MORE - MINH TUẤN - BẢO TỒN NHÀ CỔ HỘI KỲ?
Ảnh: Minh Tuấn
Làng Hội Kỳ (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị), một ngôi làng cổ gần 500 năm với bề dày truyền thống văn hoá vật thể, phi vật thể. Ngày xưa, làng có khoảng 60 nhà rường, nhà cổ có niên đại hơn 90 năm. Quần thể nhà nằm nghiêng nghiêng bên dòng sông Ô Lâu thơ mộng cùng với sân đình làng rợp mát bóng cây đa đã tạo nên bức tranh sinh động hoài niệm về một thời tổ tiên đến đây khai canh lập xứ.
Thế rồi bom đạn chiến tranh tàn phá, vì thời gian bào mòn, rồi tư nhân mua ra phố thị, nên nhà cổ làng Hội Kỳ đang bị mai một dần. Đến nay, trong làng còn lại khoảng 6 ngôi nhà cổ niên đại hơn 100 năm cùng hàng chục cổ vật giá trị văn hoá đang đứng trước nguy cơ bị hư hại.
Căn nhà cổ của ông Dương Văn Mạnh có tên là Tích Khánh Đường, (tạm dịch là hội tụ niềm vui). Tích Khánh Đường được dựng vào năm 1889 (dưới triều vua Thành Thái), đến nay vừa tròn 120 năm. Ông Mạnh là đời thứ 4 sinh sống và bảo quản, hương khói tổ tiên trong căn nhà này. Nhà có bề ngang 12,3 m, rộng 9,5m, hình chữ đinh. Kiến trúc 3 gian, 2 chái, 4 mái lợp so le 9 lớp ngói liệt với hơn 10 vạn viên.
18 lá cửa ban khoa được chia thành ba cụm tạo sự cân đối. Toàn bộ ngôi nhà được chống đỡ bằng 48 cột gỗ mít nài (mít rừng) có đường kính khoảng 30 cm. Gian giữa làm nơi thờ tự tổ tiên được trang trí bức hoành phi ghi chữ Tích Khánh Đường bằng Hán tự, trên bàn thờ còn đầy đủ những tự khí cổ như đỉnh đồng, bát nhang, chân đèn và bình hoa, chò tử quả.
Hai bên có 4 bốn bức liễn ghi Hán tự mang tính giáo dục cháu con đời sau: Lâm thượng chất hào vạn cổ thư hùng tưởng duyên/Quang tầm khoát hậu thiên thu đậu thư hinh hương/ Hiếu hữu môn phong minh đức kỳ lai dã viễn hỉ/ Thi thư thế phùng hiển thừa lưu xạ tùng nhân tư (nghĩa là: Con cháu xây dựng phúc ấm vĩnh cữu/Để tiếng thơm lưu truyền cõi thiên thu/Sống có hiếu mang đức sáng truyền lại/ Thi thơ vẹn toàn xứng danh gia tộc).
Ông Mạnh cho biết: “Năm 1889, thời vua Thành Thái, cụ cố của tôi là Dương Văn Vĩ làm chức quan Chánh tổng phủ An Thư (An Thơ). Cụ đã huy động 12 tay thợ mộc lành nghề lao động miệt mài trong 3 năm mới hoàn thành ngôi nhà này. Hiện nay, tôi vẫn còn bảo quản hơn 20 cổ vật và các bút tích sắc phong của vua Thành Thái”.
Cách nhà ông Mạnh không xa, nhà bà Dương Thị Hường có tên là Đức Lưu Quang (tạm dịch là lưu truyền đức sáng). Niên đại ghi rõ: Tân Mùi niên trọng thu tạo (nghĩa là dựng vào năm Tân Mùi (năm 1931). Nhà hình chữ nhất, cấu trúc 1 gian 2 chái trên diện tích khoảng 60 m2. Cân xứng giữa gian thờ là hai câu đối khảm bằng chữ Hán: Đức thừa tiên tổ tứ đại đồng đường thiên niên thạch/ Phúc ấm nhi tồn bát tuần song thọ vạn thế vinh (Tạm dịch là: Hưởng đức tổ tiên 4 đời cháu con thịnh vượng/ Nhờ phúc thọ ấm song thân gia tộc mãi mãi hiển vinh).
Hiên nhà có những mảng điêu khắc theo tuồng Mai - Lan - Trúc - Cúc sống động. Trên các khuôn bông, kèo hiên chạm khắc Long - Lân - Quy - Phượng được cách điệu khéo léo thành nhưng linh vật đang vươn ra đỡ mái hiên nhà. Trong nhà treo bức hoành phi viết bằng Hán tự là: Tứ đại đồng đường (Bốn thế hệ sống trong một nhà).
Theo quan niệm người xưa, ngôi nhà trải qua 4 thế hệ kế tiếp sinh sống thì dòng họ đó được coi là có phúc. Chúng tôi đến thăm nhiều nhà cổ và thấy rằng, nhà nào chưa đạt đến “Tứ đại đồng đường” hoặc “ Tam đại đồng đường” đều có trưng chữ “An” bằng Hán tự. Đối với nghĩa tượng hình của người Trung Quốc thì chữ “An”, trong an lạc, an bình, an sinh...gồm bộ Nữ (người phụ nữ) viết dưới bộ Miên (mái nhà).
Luận rằng: Có người phụ nữ tần tảo dưới mái nhà chung thì đó là sự an bình. Phải chăng, ngày xưa, ông cha ta đã thấy rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể để giáo dục con cháu luôn hướng về cội nguồn mà “Xây dựng phúc ấm vĩnh cữu/ Để tiếng thơm lưu truyền cõi thiên thu”.
Hiện nay, nhà cổ làng Hội Kỳ đang đứng trước nguy cơ bê tông hoá hoặc thay đổi kết cấu thành nhà Rội, nhà đơn sơ. Nhiều nhà nguyên gốc 3 gian gian 2 chái do bị xuống cấp đã được chủ nhân rút gọn lại thành 1 gian 2 chái đơn giản, hoặc lưu lại một căn nhỏ làm kỷ niệm.
Đặc biệt kiến trúc không ít nhà bị thay đổi hoàn toàn vì chủ nhân không có điều kiện tu bổ. Ông Mạnh thật thà: “Để giữ nguyên hiện trạng nhà cho đến hôm nay, tôi đã cho trùng tu 2 lần với chi phí tốn kém. Thấy vậy, nhiều người đến đây trả giá ngôi nhà này hàng trăm triệu đồng nhưng tôi kiên quyết không bán đi”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cáp Xuân Tá, Trưởng Phòng VHTT huyện Hải Lăng cho biết: “Trên địa bàn huyện Hải Lăng chỉ duy nhất làng Hội Kỳ còn lưu giữ nhiều nhà rường, nhà cổ và cổ vật có giá trị văn hoá cao. Đáng buồn vì mặc dù người dân rất ý thức trong việc giữ gìn giá trị văn hoá kiến trúc cổ của tổ tiên để lại, nhưng phần lớn họ không có điều kiện tu bổ và phương pháp lưu giữ tối ưu nên kiến trúc văn hoá bị ảnh hưởng không nhỏ”.
Theo chúng tôi, đưa một làng cổ đầy đủ các tiêu chí vào diện quy hoạch bảo tồn văn hoá vật thể là điều tất yếu. Nhà nước đã và đang có chính sách khuyến khích bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của dân gian. Vấn đề là làm sao khai thác giá trị văn hoá gắn với việc phát triển đời sống kinh tế xã hội mới là điều đáng lưu tâm.
Bên kia sông Ô Lâu, làng cổ Phước Tích, tỉnh Thừa Thiên Huế được Nhà nước công nhận di tích cấp Quốc gia. Mỗi năm Phước Tích thu hút hàng trăm lượt khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch. Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế lại tiếp tục đưa làng chạm khảm Mỹ Xuyên, làng gốm Phước Tích vào quy hoạch bảo tồn.
Chúng tôi cho rằng, làng cổ Hội Kỳ nếu được khảo sát đánh giá và đầu tư đúng mức thì có thể trở thành một tour du lịch lý tưởng trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, hoặc một điểm dừng chân của tour du lịch Thánh địa La Vang- trằm Trà Lộc- bãi tắm Mỹ Thuỷ. Thạc sĩ Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh băn khoăn: “Đến nay, vẫn chưa có một cuộc khảo sát rốt ráo về thực trạng di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh, nên công tác bảo tồn còn gặp nhiều bất cập. Theo tôi đây là một việc cần triển khai kịp thời”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bình, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Bộ VHTT&DL có chương trình “Mục tiêu bảo tồn các làng, bản cổ”. Sau khi xét đủ các tiêu chí, chương trình sẽ cấp kinh phí để trùng tu bảo tồn những giá trị văn hoá dân gian. Hiên nay, Sở đang lập đoàn khảo sát để tổng kiểm tra di sản văn hoá dân gian trên địa bàn toàn tỉnh. Sau đó sẽ lập Hội đồng khoa học đánh giá và phân loại các giá trị văn hoá cần bảo tồn để lập đề án đưa vào chương trình.
Chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc văn hoá, người ta có thể đọc được hành trình lịch sử của mỗi dân tộc. Làm thế nào để bảo tồn và giữ gìn những giá trị văn hoá là trách nhiệm không chỉ của cá nhân mà của toàn cộng đồng. Khi chia tay, người dân làng cổ Hội Kỳ hứa như đinh đóng cột: “Nếu được Nhà nước quan tâm đầu tư, làng chúng tôi và con cháu nguyện sẽ gìn giữ nếp nhà của tổ tiên bằng mọi giá”.
Minh Tuấn
Nguồn: www.baoquangtri.vn