Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, October 30, 2023

TẠP LỤC THI 7,8,9 – Thơ Chu Vương Miện

 



7. TẠP LỤC THI



THẾ THÔI



anh nói với em, lời người xưa đã nói

cũng gọn gàng bằng những bàn tay

từ hồng hoang cho tới cõi tương lai

từ nguyên đại tiền cam đến hậu hiện đại

có gì đâu? chuyện tình trai với gái

y con gà trống gáy gọi ban mai

dù ngái ngủ vẫn 1 ánh hồng vui

và vầng dương nhô lên từ eo biển

vẫn là đóa hồng nhung quý hiếm

nở ngọt ngào thời con gái cuồng say

lược chải đầu còn rơi rớt đâu đây

nụ thược dược đua nhau cùng hàm tiếu

con bướm nâu bay ngẩn ngơ làm điệu

đôi cánh xòe phô mãi nét thanh tân

-

giặc trong và giặc ngoài

giặc trong nhai môn

giặc ngoài nhai khoai

bá tánh chơi khoai mài?




8. TẠP LỤC THI



BAO MÙA



sống cùng thác

mất cùng còn?

chả có gì quan trọng

lẽ thường?

-

dòng suối đổ biết bao mùa chưa cạn

mà duyên ta mới đó đã neo rồi

ngựa dở chứng nửa chừng o băm nữa

đứng lưng chừng thở hắt mũi toàn hơi

cây nến vừa nối diêm đã chột

chả gió mưa mà tắt ngúm nửa vời

bao hẹn ước cũng nước trôi đầu vịt

mưa lũ tình lặng lẽ trôi trôi

dăm lá khoai nước tầm tầm rớt mãi

chả tiếc chi? đứa mất ven đời

câu thơ cũ nghe sao mà chán ngét

trách nỗi gì ? xám xịt lũ chìa vôi



9. TẠP LỤC THI



được làm vua

thua làm giặc

bên nhà Tống

bên Lương Sơn Bạc

-

chết loạn cào cào

chết vung xích chó

thần chết 10 tay ngang bạch tuộc

ngang cá mực

làm việc cả ngày đêm 

24 giờ o xuể o hết ?

o nghỉ

cũng đành lăn ra bỏ cuộc 

thác ?

-

chêt đói chết nghèo

chết vì chiến tranh

vì ý thức hệ

vì dân tộc cực đoan 

vì tôn giáo

vì bom nguyên tử

vì buôn bán vũ khí

vì chia chác thuộc địa thị trường

o đồng đều 

o công bằng

chết vô hồi kỳ trận

chết o kịp ngáp

tự hủy diệt 

tự đánh lẫn nhau 

nay thần chết 

làm việc quá sức

đã thác ?

từ nay chết tự do ?

bọn cuồng tín giáo điều

tự giết nhau 

mà thác


CVM




READ MORE - TẠP LỤC THI 7,8,9 – Thơ Chu Vương Miện

LÀ EM LÃNG TỬ BÓNG ĐÊM... - Chùm thơ Đặng Xuân Xuyến

 



LÀ EM

 

Không là rượu mà xúi anh ngất ngưởng

Túy lúy say anh đặt cược 4 chân giường

Lúng liếng mắt gọi bờ môi thơm mọng

Em là ai mà ngật ngưỡng cả Thiên đường?!

*.

Định Công, 16:29 ngày 25/04/2023

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

 

BÙA MÊ CHỊ THẢ

 

Chị thả bùa mê vào đáy chén

Để anh ngụp lặn đến bây giờ

Anh khóc. Anh cười. Anh ngây dại

Chị lần tràng hạt lựa vần Thơ.

*.

Hà Nội, 16:36 ngày 20/04/2023

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

 

BÓNG ĐÊM

 

Đem nhốt trần truồng cái bóng đêm

Chợt nghe lạnh lạnh gió lách thềm

Chợt nghe ẩm ướt mùi chăn đệm

Chợt vấp bóng mình xõa bóng đêm!

^.

Định Công, 11:33 ngày 19/04/2023

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

 

LẠ LẠ LÀ ...

- với N.C.H -

 

Sao chẳng 15? Cứ 13?

Khổ người lớn tuổi nghĩ chả ra

Loanh quanh hò hẹn chi mà lạ

Đêm! Chỉ một đêm? Lạ lạ là...

*.

Làng Đá, 23:45 ngày 08/04/2023

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

 

ĐỢI DUYÊN...

- tặng Đặng Tuấn Anh -

 

Gán cả Xuân thì vào cửa đợi

Mà duyên xộc xệch ở xa vời

Nào ai thuật số cao tay nới

Để Kỵ-Đẩu Quân (1) se sẽ cười?!

-----

(1): là ám tinh Hóa Kỵ: chủ sự xảo trá, ích kỷ và ác tinh Đẩu Quân: chủ sự cô độc, khó tính trong khoa Tử vi.

*.

Hà Nội, 09:38 ngày 14/04/2023

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

 

LÃNG TỬ...

- tặng Mạc Phong Tuyền -

 

Nguyệt (1) đáo Tỵ cung (2) hội chữ Canh (3)

Mệt người lãng tử áo mỏng manh

Năm canh gió lạnh lùa vai lạnh

Tiết Xuân thắc thỏm ngọn gió lành!

------

(1): là sao Thái Âm (Nguyệt) trong khoa Tử vi

(2): là 1 trong 12 cung của lá số Tử vi

(3): là 1 trong 10 Can của phép tính Âm dương Ngũ hành.

*.

Hà Nội, 01:59 ngày 14/04/2023

ĐẶNG XUÂN XUYẾN


READ MORE - LÀ EM LÃNG TỬ BÓNG ĐÊM... - Chùm thơ Đặng Xuân Xuyến

NGUỒN GỐC HÌNH TƯỢNG RỒNG VIỆT TRONG KIẾN TRÚC MỸ THUẬT CHÙA THÁP - Lê Quang Thái




Nguồn gốc hình tượng rồng Việt 

trong kiến trúc mỹ thuật chùa tháp

Lê Quang Thái



Tháng Tư năm 2010, nhà thơ Mặc Giang sáng tác bài thơ “Ngàn năm Thăng Long”, có đoạn viết thể hiện tâm tư của mình đối với Tổ quốc lấy dòng sử Việt cũng là dòng chữ Phật trong quá khứ vàng son: Ôi Thăng Long, ngàn năm dấu xưa còn đây Ôi Thăng Long, Rồng hiện khắp bay trời mây. Tim trong tim, tay nắm bàn tay Truyền nối nhau, không hề đổi thay (1).

Tâm đắc với tứ thơ “Rồng Tiên khắp bay trời mây” và “Truyền nối nhau, không hề đổi thay” mà Trường Giang Mặc Tử ở phương trời xa nhớ về quê hương Việt Nam thân thương, trong đó có quê nhà Phú Yên, nơi chào đời của Tổ sư Liễu Quán. Ngài đã chọn thiền kinh Phú Xuân tu học và đắc pháp trở thành người Việt đầu tiên khai sinh ra dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 35.

Mặc Giang đã sáng tác khoảng hơn 1500 bài thơ với đủ mọi đề tài và thể loại mà tình yêu quê hương, làng quê yêu dấu Việt Nam là hai chủ đề nổi bật, gây nguồn cảm xúc đối với mọi người.

Để tỏ lòng tôn kính, bản thân chúng tôi liên tưởng đến vật tổ linh thiêng của dân tộc Lạc Việt trong quá trình dựng nước và giữ nước, chúng tôi đánh dạn viết bài “NGUỒN GỐC HÌNH TƯỢNG RỒNG VIỆT TRONG KIẾN TRÚC MỸ THUẬT CHÙA THÁP”. Từ con Rồng trong hiện thực, trong tâm tưởng mới khắc họa thành hình tượng Rồng, qua trí tuệ và bàn tay vàng của nghệ nhân Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á trong quá khứ.

Vẽ rắn thì dễ, vẽ Rồng lại rất khó. Huế là xứ chùa tháp. Rồng được trang trí ở nhà chùa rất phong phú và đa dạng. Và trong những năm gần đây, Rồng mây xuất hiện nhiều lần ở trên nền trời TƯỢNG ĐÀI QUÁN THẾ ÂM thuộc địa phận xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây là vùng bán sơn địa, nằm phía Tây Nam cố đô Huế, cách trung tâm đô thị khoảng non 10 km, và đã trở thành khu du lịch văn hóa tâm linh.

Thông lệ, ngày 19 tháng 6 âm lịch là ngày lễ hội trọng đại của Phật giáo và đất nước. Cơ ngơi đầy triển vọng của khu du lịch tâm linh này ngày mỗi lớn lao hơn để đáp ứng nhu cầu của du khách bản địa và phương xa.

Rồng hiện – chuyện có thật. Không phải một lần mà nhiều lần khác nào Rồng vàng xuất hiện ở thành Đại La vào năm 1010 dưới triều vua Lý Thái Tổ, năm 1029 dưới triều vua Lý Thái Tông trong khi nhà vua và triều thần xây dựng tôn tạo điện Càn Nguyên ở kinh thành Thăng Long để cho các quan văn võ vào chầu.

Vua cha xây dựng, vua con tôn tạo là thuận lẽ trời, đương kim Hoàng đế thấy vậy liền chỉ dạy cho các đại thần chầu hầu hai bên tả, hữu rằng: “Trẫm phá điện ấy mà Rồng còn hiện, có lẽ là đất tốt, đức lớn hưng thịnh, ở chỗ chính đất trời chăng?”

Thiết nghĩ, ấy là căn cơ, đầu dây mối dợ do Đào Duy Từ (1572 – 1634) viết những câu từ 177 đến 180 của tác phẩm Tư Dung vãn dài 336 câu lục bát. Ấy là chưa kể những bài thơ, khúc ngâm ngắn hơi và bài ca đệm chèn làm nâng cao giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm bất hủ của văn học Nam Hà tán thán và ngợi ca cảnh đẹp của Quốc tự Trấn Hải ở đỉnh Quy Sơn xưa và nay là núi Linh Thái. Ngôi phạm vũ này ngày đêm soi bóng bên bờ biển cửa Tư Hiền thuộc xã Tư Hiền, huyện Phú Lộc (cách Huế gần 60 km về phía Nam) ngày nay:

Phật đình nào khác Vương đình,

Ngũ vân tán lớn, cảnh tinh thoại tường,

Tiên nga nâng chén quỳnh tương

Tiêu thiều nhạc múa, thái dương khí hòa.

Hình tượng Rồng còn được Đào Duy Từ khắc họa bằng ngôn từ qua tác phẩm NGỌA LONG CƯƠNG, tiêu biểu như hai câu 21 và 22:

Nước non khéo vẽ nên đồ

Thấp cao phượng nhiễu, quanh co rồng nằm.

Hoặc hai câu khác (133 – 134) trước khi kết thúc tác phẩm gồm 136 câu lục bát của danh phẩm này:

Chốn này thiên hạ đời dùng

Ắt là cũng có Ngọa Long ra đời.

Rồng hiện ở đâu thì nơi ấy là thiện địa, phước địa, không sớm thì muộn trở thành cung vua hoặc là nơi chùa tháp tọa lạc. Rồng cũng có quốc độ, quốc tịch hẳn hoi. Rồng hiện ở kinh thành Thăng Long, ở núi Tứ Tượng, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế – nơi tọa lạc của Phật đài Quán Thế Âm là Rồng Huế. Có Rồng Chiêm, Rồng Ấn và Rồng Trung Hoa…

Theo cổ thư, Rồng được miêu tả như sau:

Đầu Rồng giống lạc đà, sừng giống sừng nai, mắt giống mắt thỏ, tai giống tai trâu, cổ giống rắn, bụng giống con thẩn (một loài sò biển), vẩy giống vẩy cá gáy, móng giống chim ưng, chân giống hổ, lưng có 81 vẩy bằng 9 x 9 số dương. Tiếng giống mâm đồng, hàm có râu, dưới tai có hạt minh châu, dưới cổ có vẩy ngược, trên đầu có bác sơn (xích mộc). Rồng không có xích mộc không thể bay lên trời, hà hơi làm tan mây, biến ra mưa, phun ra lửa…(3).

Đó là hình tượng Rồng Trung Hoa. Mô típ Rồng được hình dung theo dòng tư tưởng phát triển của vương triều Trung Hoa thể hiện bằng quyền lực của bậc Thiên tử chí tôn.

Kinh Dịch cho biết: “Rồng là con vật khoanh tròn để giữ mình con rắn”. Rắn là linh thể của bộ tộc người Hạ của Trung Hoa. Từ hình tượng con rắn được nhân lên theo lối tổng hòa thành hình tượng Rồng. Ăn theo rắn là những loài vật tương cận sống ở đất liền và dưới nước.

Còn Rồng Việt Nam thì sao? Tổ tiên ta lẽ nào có chịu khắc ghi theo nguyên bản của Trung Quốc không? Người Lạc Việt có đủ bản lĩnh, tinh thần sáng tạo. Nhất thiết xưa nay không lấy “của người” làm “của ta”.

Từ buổi lập quốc người Việt rất tự hào là “Con Rồng cháu Tiên”. Trên thế giới, chỉ có dân tộc Việt Nam có đến hai Vật tổ gắn kết hài hòa, thăng hoa từ hình tượng của “Rồng với Tiên”. Dân tộc ta đã thấm thía về cái ách thống trị và đồng hóa của Trung Hoa trải qua 1000 năm.

Ý thức bất khuất và tinh thần tự chủ là những điểm son trong quá trình dựng nước và giữ nước. Giữ nước với tinh thần tự chủ để bảo vệ giống nòi và lãnh thổ trên bộ cùng thềm lục địa biển Đông với nhiều quần đảo, hải đảo lớn nhỏ như đã truyền chuyển tứ thơ bất hủ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” mà nhà thơ Mặc Giang đã viết:

Tim trong tim, tay nắm bàn tay

Truyền nối nhau, không hề đổi thay.

Kiến trúc mỹ thuật thời Lý đặt việc xây dựng chùa quán, Phật viện. Không hề có ý thức phân biệt chùa Bắc, chùa Nam; chùa làng, chùa nước vì bản chất của chùa là thờ Phật, giáo hóa quốc dân. Tam giáo đồng nguyên là học thuyết chủ đạo, trong đó Phật giáo được tôn vinh là quốc giáo, nhưng việc triều chính vẫn giữ được thế điều hòa, cân bằng trong thuật trị nước an dân.

Bên cạnh chùa tháp thì đền Đồng Cổ (Trống Đồng) được dựng lập năm 1028, đàn Xã Tắc năm 1048, đàn Vu phía Nam kinh thành vào các năm 1137, 1138… Có Bụt, có Tiên đi liền với đạo Phật, đạo Tiên, đạo Thánh Hiền. Lòng từ mở rộng để bảo vệ chánh pháp, loại dần tà giáo, dâm từ trong dân gian. Việc lập đền thờ Y A Na với biển hiệu Hậu Thổ Thăng Long sau năm 1069. Tạ Chí Đại Trường trong sách Thần và Đất Việt đã viết: “Đưa thần của đất chiến bại về thờ là người ta đã làm một công việc vỗ về kẻ chiến bại từ cõi linh thiêng(4)”

Xin đừng ngạc nhiên mà xem thường tinh thần khai phóng có định hướng của các vua khởi nghiệp nhà Lý và nhà Trần. Bằng nội lực quán chiếu thâm hậu, vua Trần Thái Tông mới tư duy được lời nhận định phảng phất tinh thần tự phê của nhà Phật: “Đạo cũng nhà Tiên Thánh mà phát huy bền vững” ở trong sách Khóa Hư Lục.

Từ đó về sau mới rộng đường cảm hóa và thu phục tâm công theo lối “Thần dựa cây đa và cây đa dựa thần”. Có mình, có ta; có cái này thì cũng có cái kia, tương tác tương phù.

Hình tượng Rồng thời Lý thể hiện tính cách cởi thoáng, bao dung theo lối đồng quy hướng về nhất thể một cách có căn cơ xuất phát từ nội tại và ngoại tại. Vậy thì hình tượng Rồng đời Lý, đời Trần như thế nào?

Tác giả sách LƯỢC SỬ MỸ THUẬT VIỆT NAM, nhà nghiên cứu chuyên sâu về kiến trúc chùa tháp Việt Nam, Trịnh Quang Vũ đã tổng hòa rồi rút ra được nhận định:

Điêu khắc Lý trong các chùa tháp đã phản ánh trung thực, sinh động sự tiếp biến văn hóa Ấn, Chàm, Việt có tính giải “hoa” để tìm cho Đại Việt một phong cách và Việt hóa nghệ thuật du nhập, phát huy bản sắc, cá tính dân tộc một cách mạnh mẽ.

Phong cách nghệ thuật Lý về kiến trúc, chạm khắc hình tượng Rồng đã ảnh hưởng và chỉ đạo xuyên suốt qua các triều đại tiếp theo quá trình phát triển, sáng tạo. Chạm khắc đá Rồng chầu lá đề (Bắc Ninh), Rồng và hoa sen chạm khắc đá(tháp Chương Sơn Nam Hà) được bố cục trang trí trong phạm vi lá đề, bố cục theo lối đối xứng, rồng chuyển động dẫn dắt nhỏ dần vút lên đỉnh.

Đôi rồng vờn hạt minh châu, hai chân choãi thế vững chãi, hai chân của đôi rồng cùng một động tác đang buông để biểu tượng lá đề của nhà Phật ở ba đợt vút nhỏ dần ở phần trung tâm, những cánh hoa được chuyển tiếp, biến hình như những đợt sóng to nhỏ làm nền trang trí làm nổi rõ thân, đầu Rồng uốn lượn mạnh mẽ chắc khỏe, thân Rồng với những đường chữ khép chạy liên tục, phần sống lưng từng đợt cánh răng cưa, phần tả vẩy dưới bụng lân văn đuổi nhau theo nhịp điệu với cách phân bổ đường nét làm tăng sự chuyển động được diễn tả gồ nổi mà không bị nặng nề về hình, biến động về đường nét và họa tiết, đôi bờm gáy bay thoát ra sau nhiều đợt tạo cảm giác đang vờn bay trong không trung…(5).

Lý giải về nguồn gốc hình tượng Rồng Việt chịu ảnh hưởng của nền văn hóa nghệ thuật Chiêm – Ấn thì xưa nay các học giả đều dựa vào sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Năm 1044 vua Lý Thái Tông viễn chinh vào tận kinh đô Chàm tại thành Chà Bàn (Vijaya) từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV. Việc vua Lý ra xứ người được xem các điệu múa Tây Thiên bèn nghĩ đến kế sách sử dụng cung nhân, nhạc công, ca nữ cung đình Chiêm Thành trong việc phát huy văn hóa nghệ thuật theo tinh thần hội nhập để giao lưu, tiếp thu cái mới một cách có chọn lọc, và nhất là việc dùng tù binh người Chàm có sở tài thiết kế kiến trúc trong việc xây dựng chùa tháp Đại Việt.

Năm 1046 vua Lý Thái Tông lại sai dựng lập cung Ngân Hán cho cung nữ và nghệ nhân người Chiêm ở, mở hội Thiên Phật trong dịp khánh thành chùa Thắng Nghiêm. Vào dịp lễ sinh nhật của Thánh Thọ nhà vua sai triều thần mời sứ thần Chiêm đến xem. Tiếp bước thêm năm 1069 Thiền sư Thảo Đường, là tù binh người Chiêm được trọng dụng và trở thành Quốc sư của Vương triều Lý. Năm 1153 vua Lý Anh Tông lấy Công chúa Chiêm Thành, con gái vua Chiêm Harivarman (6).

Từ đó kiến trúc nghệ thuật cung đình, chùa tháp bên này đèo Ngang và bên kia đèo biên cương mở rộng cho đến bờ Bắc sông Hiếu (thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình và một phần phía Bắc tỉnh Quảng Trị) đều theo phong cách của văn hóa Chiêm và văn hóa Ấn. Chùa chiền, Phật viện được thiết kế và xây dựng theo khái niệm vũ trụ quan Ấn Độ coi trọng yếu tố phong thủy hàng đầu. Tháp hình vuông, mái nhọn biểu tượng cho núi; cụm đền tháp nhỏ tượng trưng cho hình ảnh lục địa, sông nước, biển tiếp giáp hoặc hào nhân tạo là hình ảnh biểu trưng của đại dương.

Dấu xưa đã mất một phần lớn do sách vở để lại cho đời sau bị hủy hoại do chiến tranh, thiên nhiên tàn phá. Rồi con người có bàn tay vàng và trí sáng tạo bị mai một dần hồi cho nên việc tôn tạo các di tích đã làm mất đi sắc thái, đường nét sắc màu nghệ thuật kiến trúc cung đình và Phật giáo trên dưới 1000 năm trong quá khứ.

Việc tôn tạo di tích chùa tháp ở Yên Tử dưới thời chúa Trịnh Tùng là một bằng chứng thể hiện tinh thần coi trọng việc phục chế di tích lịch sử của người xưa đã ghi rõ trong bia Vĩnh Tộc niên hiệu Lê Thần Tông (1620 – 1628). Tinh thần ấy được truyền lại cho vua chúa đời sau như là “một thông điệp”.

Tình cờ, chúng tôi viết xong bài tham luận này vào lúc nghe bản tin trưa ngày chủ nhật 01-08-2010 công bố Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được thừa nhận là Di tích văn hóa thế giới. Niềm vui lâng lâng dậy lên niềm tự hào dân tộc. Hình tượng Rồng đời Lý Trần thật đắt giá. Cầu mong Rồng Thần, Rồng Vàng tái hiện trên nền cũ điện Càn Nguyên ở kinh thành Thăng Long:

Quê hương gấm vóc nước non nhà

Quốc túy quốc hồn của quốc gia

Chuyển tiếp truyền lưu trao thế hệ

Ngàn năm thạch trụ vững sơn hà.

(Tuyệt thế Sơn Hà – Mặc Giang) (7).

Ngày 01.08.2010 quả đúng là “Sử Vàng lối cỏ hoa cài thiên thu” để chiêu hồn lịch sử dân tộc oai hùng con Rồng cháu Tiên./.


Chú thích:

1. Thơ Mặc Giang, Tập 14, bài 87, 2010, tr.88.

2. Văn học Nam Hà, Nguyễn Văn Sâm, Nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr.149-150.

3. Lược sử Mỹ Thuật Việt Nam, Trịnh Quang Vũ, Nxb: Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2002, tr.75.

4. Thần Người và Đất Việt, Tạ Chí Đại Trường, Nxb: Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2006, tr.99.

5. Lược Sử Mỹ Thuật Việt Nam Trịnh Quang Vũ, sđd, tr.84-85.

6. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Quốc Sử quán, Viện Khoa học Xã hội dịch, Hà Nội, 1995.

      7.Thơ Mặc Giang, Tập 14, sđd, tr.78.


&&&


Nguồn: 

Bài nghiên cứu: “Nguồn gốc hình tượng rồng Việt trong kiến trúc mỹ thuật chùa tháp” được đăng trong tập sách: Khảo luận về Miền Thuận Hóa, tác giả Lê Quang Thái, NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2021 có ghi nguồn: Nội san Liễu Quán, số 17, tháng 8, 2010.


Bài đăng trên VNQT Blogger được chép từ 1 trong các trang web sau:

https://phatgiaodoisong.vn/ : Không ghi tên tác giả.

https://giacngo.vn/: Như Tịnh (Tạp chí Sông Hương).

http://www.phathoctructuyen.com/ : Không ghi tên tác giả.

https://hoavouu.com/ : Như Tịnh Quang Thái.


READ MORE - NGUỒN GỐC HÌNH TƯỢNG RỒNG VIỆT TRONG KIẾN TRÚC MỸ THUẬT CHÙA THÁP - Lê Quang Thái

Sunday, October 29, 2023

GIỚI THIỆU TẬP THƠ DẤU TRĂNG XƯA CỦA NGUYỄN AN BÌNH

 


GIỚI THIỆU TẬP THƠ DẤU TRĂNG XƯA CỦA NGUYỄN AN BÌNH



Nhà thơ Nguyễn An Bình vừa phát hành tập thơ DẤU TRĂNG XƯA vào cuối tháng 10 – 2023. Sách dày 130 trang do Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn cấp phép phát hành, giá 120.000 đống. Sách in từ nguồn hỗ trợ sáng tác văn học của Hội Nhà Văn Tp. Hồ Chí Minh năm 2023. Đây cũng là tác phẩm thứ 18 trong tủ sách TÌNH THƠ của nhà thơ Nguyễn An Bình.

Các bạn có ủng hộ tác phẩm xin liên hệ qua messenger trên facebook hay mail tác giả: luongmanh2106@gmaiul.com.

Xin chân thành cám ơn các bạn.


Nhà thơ Nguyễn An Bình


Ba bài thơ trong tập Dấu Trăng Xưa:


ĐẦU NĂM ĐỌC LẠI HOÀNG HẠC LÂU

 

Hạc vàng bay mất không về nữa

Ngày xuân rêu lạnh dưới hiên lầu

Dòng nước cuộn trôi đời củi mục

Quê người biển cuộn sóng nương dâu.

 

Hoa đào năm ngoái bay thành bướm

Sông dài ai hiểu chuyện nông sâu

Mây trắng ngàn năm vờn đỉnh núi

Cỏ thơm còn thoảng nụ chiêm bao.

 

Mười năm hồn neo nơi đất lạ

Ngậm ngùi bèo giạt khúc sông mưa

Khói tỏa trùng trùng trong mắt nhớ

Mái lầu tìm mãi cách hạc xưa.

8/2/2022

NAB


NGẪU HỨNG THÁNG BA


Sông ơi chảy một dòng thôi
Biết đâu nguồn cội ngược xuôi kiếp người
Phù sa nặng nợ đắp bồi
Ngày sau khắc dấu nổi trôi thương hồ.

Gieo mùa quả ngọt nên thơ
Nắng trong veo giữa bãi bờ tháng ba
Hồng lên môi mắt người xa
Giữ bao thương nhớ theo tà áo rơi.

Gieo chi hạt nhớ đầu đời
Mà sao mưa lại trắng trời tương tư
Chút ngỡ ngàng lá tình thư
Nhớ nhau vai áo hình như đã nhàu.

Xanh lên bờ tóc thuở nào
Cánh chiều chim mỏi về đâu cuối ngàn
Dẫu môi còn chút nồng nàn
Tuổi đôi mươi đã phai tàn sắc hương.

Rồi trong nắng gió bụi đường
Tìm đâu câu hát dịu dàng tiếng xưa
Ru từng phiến lá ngày mưa
Nguyện làm hoa nở bốn mùa yêu nhau.


12/3/2022

NAB


KHI NGHE SERENADE CỦA SCHUBERT


Ngày nhạt nắng đem chiều lên màu khói
Xa muôn trùng nghiêng ngả chiếc buồm nâu
Mỏi cánh chim chập chùng trên sóng bủa
Núi xa mù lạc hướng biết về đâu?

Khúc dạ lan mơ hồ nghe ai hát
Thanh âm chìm khuất dưới bóng chiều rơi
Hương thời gian gợi sầu men tóc úa
Mùa đã trôi treo nỗi nhớ khôn nguôi.

Ngày phai gió gọi tình men tóc úa
Lá nghiêng tai bước nhỏ lạ vườn khuya
Bờ ngực thơm một thời em thiếu nữ
Nụ hôn nào xa thẳm bến bờ kia.

Người ngủ dưới bóng trăng xưa tháng chín
Ngọn sầu dâng biền biệt một đời nhau
Đâu giữ được giọt đàn thời xa vắng
Lạnh muôn trùng mây xám cuốn trôi mau.

Ngày giông tố ghé thăm người năm cũ
Tường rêu xanh che giấu cỏ tương tư
Hồn đã tan trong hoàng hôn vụn vỡ
Rụng xuống đời từng chiếc lá thiên thu.


28/9/2021

NAB

READ MORE - GIỚI THIỆU TẬP THƠ DẤU TRĂNG XƯA CỦA NGUYỄN AN BÌNH

Friday, October 27, 2023

EM-ẢO ẢNH | KHE SANH ĐÊM HỘI QUÁN - Chùm thơ Nguyễn Văn Trình

      

Nhà thơ Nguyễn Văn Trình

     Em - ảo ảnh

Nguyễn Văn Trình


Tôi đi tìm em

mênh mông, rộng dài nỗi nhớ

tôi chạm phải, trái tim mình nức nở

nghe nhói đau, trống vắng nỗi niềm…


Tôi đi tìm em, tìm trong ký ức

lục lọi trí nhớ mình

hình bóng em, chập choạng giữa cơn mơ

em hư - thực . cuộc đời trần trụi

nỗi cô đơn, gậm nhấm tâm hồn...


Em- ảo ảnh. còn tình tôi, rất thực

cuộc đời sao khéo điểm tô

một dáng hình kỷ niệm

em - hư vô và ảo ảnh...


Tôi đi tìm em. tìm trong ký ức

mênh mông, rộng dài nỗi nhớ

tôi chạm phải, trái tim mình nức nở 

nghe nhói đau. trống vắng. nỗi niềm

em - ảo ảnh

còn tình tôi, rất thực...

NVT



Khe Sanh đêm hội quán

Nguyễn Văn Trình


Khe Sanh, đêm hội quán

tiếng nhạc, bập bùng trong sương

vấn vương lòng lữ khách...

giữa núi rừng, cứ vàng xanh tím đỏ

như đô thành, như chốn phồn hoa


Lòng em vui, hóa thành câu hát

còn tôi buồn, ngồi nhẩm đếm sao

bỗng nhiên, em bên tôi một vì sao vẫy gọi

một tình yêu, chớm hé sao mai

Khe Sanh, đêm hội quán

nghe tiếng nhạc tình tang… tình tang...

dẫu không mang, sao còn nặng nợ

để ngày về, vương vấn một hồn thơ

cho tình yêu, chớm nở chốn này...

NVT







READ MORE - EM-ẢO ẢNH | KHE SANH ĐÊM HỘI QUÁN - Chùm thơ Nguyễn Văn Trình

Chùm ảnh HOA NGHỆ THÁI - Chu Vương Miện

 






READ MORE - Chùm ảnh HOA NGHỆ THÁI - Chu Vương Miện

ĐÊM MƯA HOA QUỲNH NỞ - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

 


Đêm mưa hoa quỳnh nở


Lặng lẽ, giọt mưa đêm lặng lẽ

Dịu dàng rơi trên cánh hoa quỳnh

Lẫn khuất một mùi hương loang nhẹ

Giấu vào đêm dáng vẻ đoan trinh

                   *

Kéo cổ áo che hơi mưa lạnh

Trãi nỗi buồn theo khói sương tan

Còn ngưng đọng nỗi niềm ám ảnh

Phủ mờ trên lớp bụi thời gian

                  *

Đêm hoang tưởng, tiếng mưa rả rích

Hương quỳnh hoa đẫm mộng ngày xanh

Trôi luẩn quẩn giấc mơ trầm nghịch

Vẫn bao dung trên của để dành …

                     *

Tiếng mưa đêm, nghe buồn nẫu ruột

Mùa của trời tự buổi hồng hoang

Sao vẫn nghe cõi lòng buôn buốt

Hay tại em cứ mãi cầu toàn

                    *

Thôi hãy sống chân tình rộng mở

Như quỳnh hoa tỏa ngát vô tư

Xếp gọn lại nỗi buồn vô cớ

Thắm mộng đời đừng tiếc giá như …



Tháng mười Buôn Mê Thuộc


Ngợp trời sắc thẫm dã quỳ

Ngẩn ngơ cuốn bóng người đi ven đường

Đổ chiều nắng tỏa khói sương

Mờ xa dấu cũ đoạn thường đâu đây

Dường như hoa đã lấp đầy

Tràn lên nỗi nhớ, tầm này năm xưa



Hoa khế ngày xưa


Giọt thu sa, lặng lẽ rơi

Trên bờ cỏ biếc, sáng ngời sắc xanh

Con chim sâu giọng đành hanh

Thả rơi tiếng hót trên cành khế thưa

Cánh hoa tím rụng theo mưa

Chợt nghe tím rịm lời xưa hẹn hò



Không biết đã già chưa, mà quẩn quanh ngồi tư lự


Cứ lấy cái rêu phong làm đồ trang sức, để biện minh

Chuyện hồi đó, là thêm một lần đối mặt với quá khứ


Ẩn hiện ảo mờ trong cơn gió phù sinh

Dù đã cố gọt giũa giũ mài, rồi vo tròn ký ức

Luẩn quẩn đôi co. trong khế ước vô hình




Nắng Phan Điền trong đôi mắt đăm chiêu


Em rối bước, qua khoảng sân nắng dội

Rớt một chút mơ hồ, dưới bóng hoàng hoa


Đăm đắm nhớ một quảng tình chống chếnh

Biết có lay mờ, ảo vọng một mùa yêu

Chợt thẩn thờ treo, trong bóng đổ hoang chiều


Lê Thanh Hùng

    Bắc Bình, Bình Thuận


READ MORE - ĐÊM MƯA HOA QUỲNH NỞ - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

NGỤ NGÔN Ê-DỐP (179 - 182) _ Ngọc Châu phỏng dịch sang thơ song thất lục bát

 



179. The Rose and the Amaranth


An Amaranth planted in a garden near a Rose tree, thus addressed it: "What a lovely flower is the Rose, a favorite alike with Gods and with men. I envy you your beauty and your perfume." The Rose replied, "I indeed, dear Amaranth, flourish but for a brief season! If no cruel hand plucks me from my stem, yet I must perish by an early doom. But thou art immortal and dost never fade, but bloomest forever in renewed youth."


179. Hoa hồng và rau dền


Rau dền được trồng trong vườn nọ

Cạnh cây hoa hồng đỏ rực ngời

Dền trầm trồ ngắm, buông lời:

“Tôi ghen với chị quá thôi Hồng à


Chị xứng đáng là hoa dâng Chúa

Xứng với lòng trọng quí trên đời

Sắc đẹp của chị ngời ngời

Hương thì thơm ngát khiến người say mê…”


“Quả đúng như những gì bạn nói

Nhưng vinh quang ngắn ngủi lắm thay…

-Hoa Hồng cũng tỏ bày ngay-

-…”Nếu không gặp một bàn tay bạo tàn

ngắt cuống tôi bày hàng trao đổi

thì cũng không trụ nổi dăm ngày.

Tiêu vong rồi sẽ đến ngay

trong khi bạn cứ tháng ngày xanh tươi

sinh con nối dõi giữa đời…”


180. The Olive-Tree and the Fig-Tree

The Olive-Tree ridiculed the Fig-Tree because, while she was green all year round, the Fig-Tree changed its leaves with the seasons. A shower of snow fell upon them, and, finding the Olive full of foliage, it settled upon its branches and broke them down with its weight, at once despoiling it of its beauty and killing the tree. But finding the Fig-Tree denuded of leaves, the snow fell through to the ground and did not injure it at all.

180. Cây ô-liu và cây vả


Nàng Ô liu nhạo chê chị Vả

Vì thói quen thay lá theo mùa

Trong khi Ô liu nắng mưa

Vẫn xanh ngăn ngắt cợt đùa chim muông


Một mùa đông tuyết sương rất đậm

Từng đợt dày cứ chậm rãi rơi

Thấy ô liu tán xanh ngời

Rủ nhau cùng hạ xuống ngồi nghịch nô


Quá nặng nên cây Ô liu gãy

Không thể nào gượng dậy, héo tàn

Vả buông hết lá, trơ thân

Tuyết không bám được chỉ chân phủ dầy


Xuân sang mới rõ dở hay

Diện làm chi lúc tuyết dày, đông ken.


181. The Hares and the Frogs

The Hares, oppressed by their own exceeding timidity and weary of the perpetual alarm to which they were exposed, with one accord determined to put an end to themselves and their troubles by jumping from a precipice into a deep lake below. As they scampered off in large numbers to carry out their resolve, the Frogs lying on the banks of the lake heard the noise of their feet and rushed helter-skelter to the deep water for safety. On seeing the rapid disappearance of the Frogs, one of the Hares cried out to his companions: "Stay, my friends, do not do as you intended; for you now see that there are creatures who are still more timid than ourselves."


181. Thỏ và Ếch


Lũ thỏ rừng đến là khốn khổ

Suốt tháng năm lo sợ triền miên

Nấp ban ngày, ẩn ban đêm

Luôn luôn báo động chuyện phiền việc lo


Khốn khổ vậy là do chúng cả

Nên một hôm bày đã họp bàn

Thấy rằng chết béng còn hơn

Đồng tâm nhảy vực từ hòn núi cao


Cả bày thỏ ồn ào hỗn loạn

Kéo nhau ra điểm chọn trẫm mình

Dưới khe là hồ nước xanh

Ngờ đâu tiếng động thình lình vọng lên


Họ ếch nhái vốn quen lặng lẽ

Sống bình yên vũng bé, khe sâu

Thỏ bày kéo đến ồn ào

Khiến chúng mất vía rào rào nhảy khe

Bày thỏ ngẩn tò te kinh ngạc

Hóa ra còn bọn khác nhát hơn!

Con đầu đàn vội hét lên:

«Thôi không vội chết, nhìn xem chúng kìa!


Gan Thỏ vẫn còn to ra phết

Vậy làm sao phải chết hở bay?!!


182. The Bald Man and the Fly

A Fly bit the bare head of a Bald Man who, endeavoring to destroy it, gave himself a heavy slap. Escaping, the Fly said mockingly, "You who have wished to revenge, even with death, the of a tiny insect, see what you have done to yourself to add insult to injury?' The Bald Man replied, "I can easily make peace with myself because I know there was no intention to hurt. But you, an ill-favored and contemptible insect who delights in sucking human blood, I wish that I could have killed you even if I had incurred a heavier penalty."

182. Ông Hói và con Ruồi trâu


Ruồi trâu đốt đầu trần ông Hói

Khiến ông ta bực bội vỗ đầu

Bộp một phát – mạnh và đau

Nhưng mà vỗ trượt, Ruồi trâu hú hồn.


Thoát nạn, Ruồi trề mồm cười nhạt

“Ông cố tình trừng phạt thằng tôi

Đập cho đến chết thì thôi

Sinh linh bé tẹo mới hơi quấy rầy

Nhưng đầu ông nhận ngay cú đập

Của tay ông mới thật đáng đời…”

Ông ta lập tức trả lời

“Tay, đầu ta vẫn luôn cười với nhau


Chỉ có mi, ruồi trâu khốn kiếp

Quân nhăm nhe hút tiết người ta

Thì dù vỗ mạnh gấp ba

Để mi bẹp dúm vẫn ha hả cười”


Ngọc Châu

Hải Phòng


READ MORE - NGỤ NGÔN Ê-DỐP (179 - 182) _ Ngọc Châu phỏng dịch sang thơ song thất lục bát