Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, October 30, 2023

NGUỒN GỐC HÌNH TƯỢNG RỒNG VIỆT TRONG KIẾN TRÚC MỸ THUẬT CHÙA THÁP - Lê Quang Thái




Nguồn gốc hình tượng rồng Việt 

trong kiến trúc mỹ thuật chùa tháp

Lê Quang Thái



Tháng Tư năm 2010, nhà thơ Mặc Giang sáng tác bài thơ “Ngàn năm Thăng Long”, có đoạn viết thể hiện tâm tư của mình đối với Tổ quốc lấy dòng sử Việt cũng là dòng chữ Phật trong quá khứ vàng son: Ôi Thăng Long, ngàn năm dấu xưa còn đây Ôi Thăng Long, Rồng hiện khắp bay trời mây. Tim trong tim, tay nắm bàn tay Truyền nối nhau, không hề đổi thay (1).

Tâm đắc với tứ thơ “Rồng Tiên khắp bay trời mây” và “Truyền nối nhau, không hề đổi thay” mà Trường Giang Mặc Tử ở phương trời xa nhớ về quê hương Việt Nam thân thương, trong đó có quê nhà Phú Yên, nơi chào đời của Tổ sư Liễu Quán. Ngài đã chọn thiền kinh Phú Xuân tu học và đắc pháp trở thành người Việt đầu tiên khai sinh ra dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 35.

Mặc Giang đã sáng tác khoảng hơn 1500 bài thơ với đủ mọi đề tài và thể loại mà tình yêu quê hương, làng quê yêu dấu Việt Nam là hai chủ đề nổi bật, gây nguồn cảm xúc đối với mọi người.

Để tỏ lòng tôn kính, bản thân chúng tôi liên tưởng đến vật tổ linh thiêng của dân tộc Lạc Việt trong quá trình dựng nước và giữ nước, chúng tôi đánh dạn viết bài “NGUỒN GỐC HÌNH TƯỢNG RỒNG VIỆT TRONG KIẾN TRÚC MỸ THUẬT CHÙA THÁP”. Từ con Rồng trong hiện thực, trong tâm tưởng mới khắc họa thành hình tượng Rồng, qua trí tuệ và bàn tay vàng của nghệ nhân Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á trong quá khứ.

Vẽ rắn thì dễ, vẽ Rồng lại rất khó. Huế là xứ chùa tháp. Rồng được trang trí ở nhà chùa rất phong phú và đa dạng. Và trong những năm gần đây, Rồng mây xuất hiện nhiều lần ở trên nền trời TƯỢNG ĐÀI QUÁN THẾ ÂM thuộc địa phận xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây là vùng bán sơn địa, nằm phía Tây Nam cố đô Huế, cách trung tâm đô thị khoảng non 10 km, và đã trở thành khu du lịch văn hóa tâm linh.

Thông lệ, ngày 19 tháng 6 âm lịch là ngày lễ hội trọng đại của Phật giáo và đất nước. Cơ ngơi đầy triển vọng của khu du lịch tâm linh này ngày mỗi lớn lao hơn để đáp ứng nhu cầu của du khách bản địa và phương xa.

Rồng hiện – chuyện có thật. Không phải một lần mà nhiều lần khác nào Rồng vàng xuất hiện ở thành Đại La vào năm 1010 dưới triều vua Lý Thái Tổ, năm 1029 dưới triều vua Lý Thái Tông trong khi nhà vua và triều thần xây dựng tôn tạo điện Càn Nguyên ở kinh thành Thăng Long để cho các quan văn võ vào chầu.

Vua cha xây dựng, vua con tôn tạo là thuận lẽ trời, đương kim Hoàng đế thấy vậy liền chỉ dạy cho các đại thần chầu hầu hai bên tả, hữu rằng: “Trẫm phá điện ấy mà Rồng còn hiện, có lẽ là đất tốt, đức lớn hưng thịnh, ở chỗ chính đất trời chăng?”

Thiết nghĩ, ấy là căn cơ, đầu dây mối dợ do Đào Duy Từ (1572 – 1634) viết những câu từ 177 đến 180 của tác phẩm Tư Dung vãn dài 336 câu lục bát. Ấy là chưa kể những bài thơ, khúc ngâm ngắn hơi và bài ca đệm chèn làm nâng cao giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm bất hủ của văn học Nam Hà tán thán và ngợi ca cảnh đẹp của Quốc tự Trấn Hải ở đỉnh Quy Sơn xưa và nay là núi Linh Thái. Ngôi phạm vũ này ngày đêm soi bóng bên bờ biển cửa Tư Hiền thuộc xã Tư Hiền, huyện Phú Lộc (cách Huế gần 60 km về phía Nam) ngày nay:

Phật đình nào khác Vương đình,

Ngũ vân tán lớn, cảnh tinh thoại tường,

Tiên nga nâng chén quỳnh tương

Tiêu thiều nhạc múa, thái dương khí hòa.

Hình tượng Rồng còn được Đào Duy Từ khắc họa bằng ngôn từ qua tác phẩm NGỌA LONG CƯƠNG, tiêu biểu như hai câu 21 và 22:

Nước non khéo vẽ nên đồ

Thấp cao phượng nhiễu, quanh co rồng nằm.

Hoặc hai câu khác (133 – 134) trước khi kết thúc tác phẩm gồm 136 câu lục bát của danh phẩm này:

Chốn này thiên hạ đời dùng

Ắt là cũng có Ngọa Long ra đời.

Rồng hiện ở đâu thì nơi ấy là thiện địa, phước địa, không sớm thì muộn trở thành cung vua hoặc là nơi chùa tháp tọa lạc. Rồng cũng có quốc độ, quốc tịch hẳn hoi. Rồng hiện ở kinh thành Thăng Long, ở núi Tứ Tượng, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế – nơi tọa lạc của Phật đài Quán Thế Âm là Rồng Huế. Có Rồng Chiêm, Rồng Ấn và Rồng Trung Hoa…

Theo cổ thư, Rồng được miêu tả như sau:

Đầu Rồng giống lạc đà, sừng giống sừng nai, mắt giống mắt thỏ, tai giống tai trâu, cổ giống rắn, bụng giống con thẩn (một loài sò biển), vẩy giống vẩy cá gáy, móng giống chim ưng, chân giống hổ, lưng có 81 vẩy bằng 9 x 9 số dương. Tiếng giống mâm đồng, hàm có râu, dưới tai có hạt minh châu, dưới cổ có vẩy ngược, trên đầu có bác sơn (xích mộc). Rồng không có xích mộc không thể bay lên trời, hà hơi làm tan mây, biến ra mưa, phun ra lửa…(3).

Đó là hình tượng Rồng Trung Hoa. Mô típ Rồng được hình dung theo dòng tư tưởng phát triển của vương triều Trung Hoa thể hiện bằng quyền lực của bậc Thiên tử chí tôn.

Kinh Dịch cho biết: “Rồng là con vật khoanh tròn để giữ mình con rắn”. Rắn là linh thể của bộ tộc người Hạ của Trung Hoa. Từ hình tượng con rắn được nhân lên theo lối tổng hòa thành hình tượng Rồng. Ăn theo rắn là những loài vật tương cận sống ở đất liền và dưới nước.

Còn Rồng Việt Nam thì sao? Tổ tiên ta lẽ nào có chịu khắc ghi theo nguyên bản của Trung Quốc không? Người Lạc Việt có đủ bản lĩnh, tinh thần sáng tạo. Nhất thiết xưa nay không lấy “của người” làm “của ta”.

Từ buổi lập quốc người Việt rất tự hào là “Con Rồng cháu Tiên”. Trên thế giới, chỉ có dân tộc Việt Nam có đến hai Vật tổ gắn kết hài hòa, thăng hoa từ hình tượng của “Rồng với Tiên”. Dân tộc ta đã thấm thía về cái ách thống trị và đồng hóa của Trung Hoa trải qua 1000 năm.

Ý thức bất khuất và tinh thần tự chủ là những điểm son trong quá trình dựng nước và giữ nước. Giữ nước với tinh thần tự chủ để bảo vệ giống nòi và lãnh thổ trên bộ cùng thềm lục địa biển Đông với nhiều quần đảo, hải đảo lớn nhỏ như đã truyền chuyển tứ thơ bất hủ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” mà nhà thơ Mặc Giang đã viết:

Tim trong tim, tay nắm bàn tay

Truyền nối nhau, không hề đổi thay.

Kiến trúc mỹ thuật thời Lý đặt việc xây dựng chùa quán, Phật viện. Không hề có ý thức phân biệt chùa Bắc, chùa Nam; chùa làng, chùa nước vì bản chất của chùa là thờ Phật, giáo hóa quốc dân. Tam giáo đồng nguyên là học thuyết chủ đạo, trong đó Phật giáo được tôn vinh là quốc giáo, nhưng việc triều chính vẫn giữ được thế điều hòa, cân bằng trong thuật trị nước an dân.

Bên cạnh chùa tháp thì đền Đồng Cổ (Trống Đồng) được dựng lập năm 1028, đàn Xã Tắc năm 1048, đàn Vu phía Nam kinh thành vào các năm 1137, 1138… Có Bụt, có Tiên đi liền với đạo Phật, đạo Tiên, đạo Thánh Hiền. Lòng từ mở rộng để bảo vệ chánh pháp, loại dần tà giáo, dâm từ trong dân gian. Việc lập đền thờ Y A Na với biển hiệu Hậu Thổ Thăng Long sau năm 1069. Tạ Chí Đại Trường trong sách Thần và Đất Việt đã viết: “Đưa thần của đất chiến bại về thờ là người ta đã làm một công việc vỗ về kẻ chiến bại từ cõi linh thiêng(4)”

Xin đừng ngạc nhiên mà xem thường tinh thần khai phóng có định hướng của các vua khởi nghiệp nhà Lý và nhà Trần. Bằng nội lực quán chiếu thâm hậu, vua Trần Thái Tông mới tư duy được lời nhận định phảng phất tinh thần tự phê của nhà Phật: “Đạo cũng nhà Tiên Thánh mà phát huy bền vững” ở trong sách Khóa Hư Lục.

Từ đó về sau mới rộng đường cảm hóa và thu phục tâm công theo lối “Thần dựa cây đa và cây đa dựa thần”. Có mình, có ta; có cái này thì cũng có cái kia, tương tác tương phù.

Hình tượng Rồng thời Lý thể hiện tính cách cởi thoáng, bao dung theo lối đồng quy hướng về nhất thể một cách có căn cơ xuất phát từ nội tại và ngoại tại. Vậy thì hình tượng Rồng đời Lý, đời Trần như thế nào?

Tác giả sách LƯỢC SỬ MỸ THUẬT VIỆT NAM, nhà nghiên cứu chuyên sâu về kiến trúc chùa tháp Việt Nam, Trịnh Quang Vũ đã tổng hòa rồi rút ra được nhận định:

Điêu khắc Lý trong các chùa tháp đã phản ánh trung thực, sinh động sự tiếp biến văn hóa Ấn, Chàm, Việt có tính giải “hoa” để tìm cho Đại Việt một phong cách và Việt hóa nghệ thuật du nhập, phát huy bản sắc, cá tính dân tộc một cách mạnh mẽ.

Phong cách nghệ thuật Lý về kiến trúc, chạm khắc hình tượng Rồng đã ảnh hưởng và chỉ đạo xuyên suốt qua các triều đại tiếp theo quá trình phát triển, sáng tạo. Chạm khắc đá Rồng chầu lá đề (Bắc Ninh), Rồng và hoa sen chạm khắc đá(tháp Chương Sơn Nam Hà) được bố cục trang trí trong phạm vi lá đề, bố cục theo lối đối xứng, rồng chuyển động dẫn dắt nhỏ dần vút lên đỉnh.

Đôi rồng vờn hạt minh châu, hai chân choãi thế vững chãi, hai chân của đôi rồng cùng một động tác đang buông để biểu tượng lá đề của nhà Phật ở ba đợt vút nhỏ dần ở phần trung tâm, những cánh hoa được chuyển tiếp, biến hình như những đợt sóng to nhỏ làm nền trang trí làm nổi rõ thân, đầu Rồng uốn lượn mạnh mẽ chắc khỏe, thân Rồng với những đường chữ khép chạy liên tục, phần sống lưng từng đợt cánh răng cưa, phần tả vẩy dưới bụng lân văn đuổi nhau theo nhịp điệu với cách phân bổ đường nét làm tăng sự chuyển động được diễn tả gồ nổi mà không bị nặng nề về hình, biến động về đường nét và họa tiết, đôi bờm gáy bay thoát ra sau nhiều đợt tạo cảm giác đang vờn bay trong không trung…(5).

Lý giải về nguồn gốc hình tượng Rồng Việt chịu ảnh hưởng của nền văn hóa nghệ thuật Chiêm – Ấn thì xưa nay các học giả đều dựa vào sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Năm 1044 vua Lý Thái Tông viễn chinh vào tận kinh đô Chàm tại thành Chà Bàn (Vijaya) từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV. Việc vua Lý ra xứ người được xem các điệu múa Tây Thiên bèn nghĩ đến kế sách sử dụng cung nhân, nhạc công, ca nữ cung đình Chiêm Thành trong việc phát huy văn hóa nghệ thuật theo tinh thần hội nhập để giao lưu, tiếp thu cái mới một cách có chọn lọc, và nhất là việc dùng tù binh người Chàm có sở tài thiết kế kiến trúc trong việc xây dựng chùa tháp Đại Việt.

Năm 1046 vua Lý Thái Tông lại sai dựng lập cung Ngân Hán cho cung nữ và nghệ nhân người Chiêm ở, mở hội Thiên Phật trong dịp khánh thành chùa Thắng Nghiêm. Vào dịp lễ sinh nhật của Thánh Thọ nhà vua sai triều thần mời sứ thần Chiêm đến xem. Tiếp bước thêm năm 1069 Thiền sư Thảo Đường, là tù binh người Chiêm được trọng dụng và trở thành Quốc sư của Vương triều Lý. Năm 1153 vua Lý Anh Tông lấy Công chúa Chiêm Thành, con gái vua Chiêm Harivarman (6).

Từ đó kiến trúc nghệ thuật cung đình, chùa tháp bên này đèo Ngang và bên kia đèo biên cương mở rộng cho đến bờ Bắc sông Hiếu (thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình và một phần phía Bắc tỉnh Quảng Trị) đều theo phong cách của văn hóa Chiêm và văn hóa Ấn. Chùa chiền, Phật viện được thiết kế và xây dựng theo khái niệm vũ trụ quan Ấn Độ coi trọng yếu tố phong thủy hàng đầu. Tháp hình vuông, mái nhọn biểu tượng cho núi; cụm đền tháp nhỏ tượng trưng cho hình ảnh lục địa, sông nước, biển tiếp giáp hoặc hào nhân tạo là hình ảnh biểu trưng của đại dương.

Dấu xưa đã mất một phần lớn do sách vở để lại cho đời sau bị hủy hoại do chiến tranh, thiên nhiên tàn phá. Rồi con người có bàn tay vàng và trí sáng tạo bị mai một dần hồi cho nên việc tôn tạo các di tích đã làm mất đi sắc thái, đường nét sắc màu nghệ thuật kiến trúc cung đình và Phật giáo trên dưới 1000 năm trong quá khứ.

Việc tôn tạo di tích chùa tháp ở Yên Tử dưới thời chúa Trịnh Tùng là một bằng chứng thể hiện tinh thần coi trọng việc phục chế di tích lịch sử của người xưa đã ghi rõ trong bia Vĩnh Tộc niên hiệu Lê Thần Tông (1620 – 1628). Tinh thần ấy được truyền lại cho vua chúa đời sau như là “một thông điệp”.

Tình cờ, chúng tôi viết xong bài tham luận này vào lúc nghe bản tin trưa ngày chủ nhật 01-08-2010 công bố Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được thừa nhận là Di tích văn hóa thế giới. Niềm vui lâng lâng dậy lên niềm tự hào dân tộc. Hình tượng Rồng đời Lý Trần thật đắt giá. Cầu mong Rồng Thần, Rồng Vàng tái hiện trên nền cũ điện Càn Nguyên ở kinh thành Thăng Long:

Quê hương gấm vóc nước non nhà

Quốc túy quốc hồn của quốc gia

Chuyển tiếp truyền lưu trao thế hệ

Ngàn năm thạch trụ vững sơn hà.

(Tuyệt thế Sơn Hà – Mặc Giang) (7).

Ngày 01.08.2010 quả đúng là “Sử Vàng lối cỏ hoa cài thiên thu” để chiêu hồn lịch sử dân tộc oai hùng con Rồng cháu Tiên./.


Chú thích:

1. Thơ Mặc Giang, Tập 14, bài 87, 2010, tr.88.

2. Văn học Nam Hà, Nguyễn Văn Sâm, Nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr.149-150.

3. Lược sử Mỹ Thuật Việt Nam, Trịnh Quang Vũ, Nxb: Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2002, tr.75.

4. Thần Người và Đất Việt, Tạ Chí Đại Trường, Nxb: Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2006, tr.99.

5. Lược Sử Mỹ Thuật Việt Nam Trịnh Quang Vũ, sđd, tr.84-85.

6. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Quốc Sử quán, Viện Khoa học Xã hội dịch, Hà Nội, 1995.

      7.Thơ Mặc Giang, Tập 14, sđd, tr.78.


&&&


Nguồn: 

Bài nghiên cứu: “Nguồn gốc hình tượng rồng Việt trong kiến trúc mỹ thuật chùa tháp” được đăng trong tập sách: Khảo luận về Miền Thuận Hóa, tác giả Lê Quang Thái, NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2021 có ghi nguồn: Nội san Liễu Quán, số 17, tháng 8, 2010.


Bài đăng trên VNQT Blogger được chép từ 1 trong các trang web sau:

https://phatgiaodoisong.vn/ : Không ghi tên tác giả.

https://giacngo.vn/: Như Tịnh (Tạp chí Sông Hương).

http://www.phathoctructuyen.com/ : Không ghi tên tác giả.

https://hoavouu.com/ : Như Tịnh Quang Thái.


No comments: