Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, March 3, 2017

ĐỌC “NGƯỜI Ở LẠI BÊN SÔNG”, THƠ PHAN THẠCH GIANG - Châu Thạch


    
              Nhà thơ Phan Thạch Giang



ĐỌC “NGƯỜI Ở LẠI BÊN SÔNG”, THƠ PHAN THẠCH GIANG 
                                                              Châu Thạch

Đọc cái tựa đề “Người Ở Lại Bên Sông” ta cứ nghĩ đến ông lái đò của một bến sông nào đó như “Bến My Lăng” của Yến Lan chăng, hay là một cô lái đò chờ đợi đến già người qua sông một dạo khi cô còn ở tuổi thành xuân. Không! Bài thơ không có dòng sông và không có người lái đò nào cả. Bởi vì dòng sông đó không phải là một dòng sông xanh nên dòng trôi không là nước. Dòng trôi chỉ là bụi phấn: 

“Sao em không về cùng ta để xây một tượng đài ?
Vâng ! Một tượng đài bên dòng sông bụi phấn. Phải không em ?
Bao nhiêu năm qua rồi - bụi phấn trường xưa vẫn rơi mãi trong lòng
Tượng đài người đưa đò.”

Đọc đến đây ta biết ngay dòng sông bụi phấn là gì và tượng đài người đưa đò là ai. Chắc chắn dòng sông là năm tháng và người đưa đò là thầy giáo của ta. Khổ thơ ngắn với dòng văn xuôi đã dựng ngay trong tâm hồn ta hình ảnh sống động. Ta thấy ngay thời gian là một dòng sông, một dòng sông toàn bụi phấn trắng. Ta thấy ngay hiển hiện bên dòng sông bụi phấn ấy một tượng đài cũng trắng, trắng vì bụi phấn chắc chắn phủ lên cả tượng đài. Tượng đài chưa có, chỉ còn trong tâm tưởng của anh, nhưng sự cao trọng của nó đã lập tức dựng ngay trong chính lòng ta bây giờ, ngay khi ta vừa đọc mấy dòng thơ. Rồi công người được dựng tượng đài sẽ theo lời thơ thấm vào lòng ta, làm con tim ta thổn thức, làm linh hồn ta sâu nhiệm những ơn cao trong của Người: 

“NGƯỜI ĐƯA ĐÒ suốt một đời lặng lẽ chống chèo - đưa bao lượt khách qua sông
Người qua sông rồi - cứ đi và đi mãi
Chỉ còn người đưa đò ở lại - ở lại với dòng sông vương vương bụi phấn.”

Rồi thì ta thấy tác giả kêu lên: “Thầy ơi!”. Tiếng kêu ấy bỗng nhiên đồng vọng trong lòng ta, nhân lên, nhân lên thành hàng vạn tiếng học trò, yêu thương, thắm thiết đến với thầy của chúng ta, cô của chúng ta:

 “Sao em không về cùng ta - gom nhặt lại bụi phấn ngày xưa để xây một tượng đài ?
Tượng đài người đưa đò
Thầy ơi.”

Bây giờ tác giả kể lể ơn thầy, kể lể như một người bi lụy ngồi khóc bên nấm mộ cha. Tiếng than thở làm lòng ta nức nở, kéo ta về với biết bao nhiêu kỷ niệm của mái trường, của quê hương, với cả con đường thăng trầm ta đi giữa cuộc đời nầy:

“Nhân bất học bất tri lý” chẳng phải đâu là câu nói chót lưỡi đầu môi - xa vời
Nếu không có Thầy làm sao viết được hai chữ Quê hương
Làm sao phai nhòa được trong ký ức cậu bé ngày xưa - bên ông giáo già dưới mái đình làng - gò lưng tập viết nét chữ đầu đời - và ê a tụng bài “công cha áo mẹ chữ thầy”
Nếu không Thầy làm sao thấu hiểu “da ngựa bọc thây” làm sao biết được khí phách những người anh hùng dân tộc như Quang Trung Nguyễn Huệ. Làm sao hiểu thấu tâm hồn của danh nhân thi sĩ “đã mang tiếng sống trong trời đất / phải có danh gì với núi sông”
Không Thầy làm sao hiểu được thế nào là trời cao đất rộng trong cuộc sống làm người.
Còn bao điều nữa làm sao nói hết - cho tôi xin viết tiếp hai chữ “vân vân”

 Rồi thì tác giả hỏi “Phải không em?” Tác giả hỏi em nhưng thật tình để nhắc cho em, nhắc cho ta, nhắc cho chúng ta nhớ đã từng đi trên một dòng sông của thầy: “Dòng sông kiến thức”. Thầy đã sống trên dòng sông thời gian bụi phấn để chống chèo đưa ta qua “dòng sông kiến thức”:

“Phải không em ?
Ta và em ngày xưa đi học. Đã hơn một lần được đưa qua sông. Dòng sông mà người đời đã gọi “dòng sông kiến thức” để ta khôn lớn thành người.”

Tác giả hỏi em một lần để em nhớ lại dòng sông quan trọng của đời mình để rồi liên tiếp gọi em về. “Về đây đi em” như một tiếng kêu đồng vọng trong hồn linh ký ức của những ai từng cắp sách đến trường:

Về đây đi em - về phía một chân trời - chân trời tưởng niệm người đưa đò
Về đây đi em - có thể là một nén tâm hương tưởng nhớ Người đã đi quá xa
Có thể hạnh ngộ diện kiến những người Thầy đang mái tóc bạc phơ - gối mỏi lưng còng.
Dù biết rằng trò nhớ thầy nhưng làm sao thầy nhớ hết những kẻ đã qua sông.
Về đây em - ta cùng em ngắt đóa hoa đồng nội vừa nở trong sáng sương trong. Ghim lên áo tượng đài - tượng đài người đưa đò bên dòng sông bụi phấn.
Về đây em - ta nói hai tiếng Tri Ân và lặng lẽ cúi đầu hoài niệm những mái chèo đã dừng lại ở một phía chân trời.
                                       Phan Thạch Giang, Mùa Đông - 2016

Thạch Giang là tên một con sông trôi qua chân cổ thành Quảng Trị, một con sông có nhiều dấu ấn của niềm đau. Phan Thạch Giang là bút hiệt của tác giả bài thơ nầy, cái bút hiệu gợi cho ai từng sống ở đây nhớ thêm một ngôi trường tan tác, mất cả tên trường, thầy và trò lưu lạc bốn phương trời. Bài thơ chỉ bằng văn xuôi nhưng nó là thơ. Thơ từ ý thơ đầu tiên xây “một tượng đài bên dòng sông bụi phấn”. Thơ vì dòng văn trôi như con suối lấp lánh, lung linh, quyến luyến những ngôn từ chất chứa vạn yêu thương. Thơ vì tiếng gọi tha thiết, ấm áp tình đồng môn, nghĩa thầy trò và tâm hồn cao thượng của con người nhân hậu.
Có ai đó nghĩ rằng dùng hình ảnh người thầy qua ông lái đò là sai trái thì bài thơ nầy chứng minh rằng không có gì đẹp hơn hình ảnh đó, hình ảnh NGƯỜI ĐƯA ĐÒ ở lại bên dòng sông bụi phấn.

                                                                       Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “NGƯỜI Ở LẠI BÊN SÔNG”, THƠ PHAN THẠCH GIANG - Châu Thạch

MÁI NHÀ XƯA - Truyện ngắn của Tử Du


Tác giả Tử Du


MÁI NHÀ XƯA
Truyện ngắn của Tử Du              


                Ngày trước, cái ngày mà con Bi còn nhở, cả gia đình bốn người của nó chui rúc trong ngôi nhà y hệt cái túp lều. Ba vẫn hay chế : "Người ta có câu một túp lều tranh hai trái tim vàng, chớ cái nhà này là một túp lều tranh bốn trái tim vàng lận đó”. Ấy thế mà cả nhà nó cũng cười khì rồi trải qua những tháng năm đầy sóng gió trong ngôi nhà cấp bốn ấy. Nhà nó nghèo lắm, ba nó biền biệt theo những chuyến đi xa, có khi dong ruổi theo những chuyến hải trình, để gió táp lên gương mặt một màu đen sì của nắng và gió. Thân ba in hằn những vết đạn găm thời còn là anh lính đội trưởng, còn bây giờ là những gió sương quăng quật khắp nơi khi ba bươn chải trên những chiếc tàu. Nó còn nhớ cái thời má vẫn hay dắt tay hai chị em nó ngóng ra biển khơi, đôi mắt của má chứa cả hồ thu trong đó, cái nước hồ thu như chực dâng trào, chực ứa ra nhưng không hiểu sao khi in hằn hình bóng hai đứa nhỏ thì nó lại như ghìm lại. Ngày bé, nó nhớ ba, nhưng cái sự nhớ của nó cũng kì lạ lắm. Nỗi nhớ của nó đong thành những cơn giận và cả sự tủi thân, mỗi lần ba về nó chạy tới ôm ba nhưng lại dùng bàn tay bé nhỏ của mình đấm vào lưng ba bồm bộp. Thế rồi nước mắt nó tự ứa ra, nó khóc mà miệng thậm chí không cất nổi thành lời.
                Nó lớn lên bằng sự chăm sóc, chở che của má. Má nó dịu hiền, cái dịu hiền chất phác của một cô thôn nữ nhà nghèo luôn biết chịu đựng. Có nhiều bận ngồi nhớ ba, nó lại nghĩ mà thương má. Má ngồi đong những hạt mè, đúc bánh, nó lại gần nhặt lấy đưa vào miệng, thấy bùi bùi thơm thơm, lại cả còn lăng xăng chạy khắp nơi lấy cho má khi thì nia, khi thì bột, khi lại chụm thêm mớ củi. Thấy má lụi cụi chẻ củi nó cứ giật lấy bảo :
            -Bi làm cho má!
            Má phì cười để nó làm nhưng thấy nó cầm cái rựa… nguy hiểm quá thế là lại bắt nó đi khuấy bột. Nó nhìn má khuấy những xô bột màu trắng một cách chăm chú, thỉnh thoảng lại hẩy một khúc củi đang chực lì lợm buông ra nền đất. Nó nhìn những ngón chân thâm đen của má, những ngón chân bám bùn mà nước mắt chực ứa ra. Những ngày mưa, người đàn bà yếu đuối ấy đặt hai đứa con lên trên xe đạp, sức yếu không thể đạp nổi mà những con đường ướt mưa bùn dơ lầy lội. Nó nhớ như in cái cảm giác nhìn từ sau lưng má, hai tay má gồng lên dắt xe, bàn chân má chậm rãi, mỗi bước chân cứ như ngoáy sâu vào lớp bùn sao cho thật vững chãi tránh cho cái xe khỏi ngẫ. Người đàn bà một mình lo lắng cho con khi người cha biền biệt nơi xa kiếm tìm kế sinh nhai nuôi cả gia đình, ấy là điều khó khăn lắm. Nó còn nhớ cái bận nó và bé em lẫm chẫm khiêng giúp má cái ghế, khiêng sao thả xuống chân má cái đụi, móng chân bị dập tóe máu, hai đứa đứng khóc tu tu, còn má (người bị đau) thì lại mím chặt môi nhưng lại phì cười hai đứa con sao ngốc quá.

                Lại nói cái vụ tráng bánh. Nó cứ ngồi mải mê nhìn má làm bánh ướt. Má bắt hai cái lò, trên có hai cái tráng thiệt mỏng đang hơi nóng, má sẽ đổ bột đã được khuấy chế it nước vô lên một cái tráng, sau đó má đậy vội vung lại, cái bánh má tráng sẽ chỉ nhỏ như cái bánh xèo miền trung thôi. Rồi má đổ vội nia nước bột vô cái tráng còn lại, khi má lại đậy vung cái còn lại thì má sẽ mở cái kia ra, lấy cái đĩa hớt cái bánh đã được tráng lúc này cô đặc lại thành lớp mỏng dễ dàng để ra nia. Cứ thế tuần hoàn má làm thế, còn nó sẽ lấy mè hay vừng rắc lên. Muốn ăn nóng cũng được, chỉ việc lấy bát mắm nêm lại chấm rồi ngồi xuýt xoa, không thì lại chờ nguội, cuộn bánh tráng chấm xì dầu cũng hết sảy. Những lúc rảnh, nó thường hay ngồi ngắm khói tỏa lên từ mái bếp rồi bật cười một mình. Nhà nó lợp ngói, những lúc mặt trời lên, chiếu lên mái ngói một màu thích mắt, nó nhìn cái khoảng không dân dã bỗng thấy sao thích thú vô cùng. Nó còn nhớ có những lúc ngoài trời mưa to, mái nhà bị dột rơi xuống mặt nó những giọt mưa tanh tách. Trong cơn mơ ngủ, nó nhìn thấy bóng hình ba nó đang trèo lên mái, men theo những cây cột nhà, giăng những chiếc áo mưa căng ra để che chỗ chị em nó đang nằm ngủ, còn má nó chốc chốc lại trở mình trong đêm đổ nước đọng trên những chiếc áo mưa ấy. Những đêm mưa gắn liền với những đêm ba má không ngủ hay trở mình thức giấc, gắn với cả tuổi thơ thi thoảng nước mưa chảy dài trên má nó rồi được má nó lau vội.        
                Lớn lên một chút nữa, ba nó không còn men theo những chuyến ăn xa, sóng gió cuộc đời làm tóc ba thêm phần bạc trắng. Có lần biến cố gia đình xảy ra, tóc ba bạc quá nửa đầu nó chợt sững lại, đã nửa đời người đi qua trên thân thể ba, còn nó hãy còn bé thơ chưa giúp ba gánh vác gia đình cho được. Nhiều bận sáng trăng, nó ngồi nhìn ba:
            -Bữa nào con mua thuốc nhuộm nhuộm tóc lại cho ba, sinh nhật ba con tặng chai thuốc nhuộm là tốt nhất ấy!
            -Cha mày! Cứ giỏi đùa ba!
            Rồi hai ba con cứ thế mà cười thay ánh trăng nửa vầng, hay cũng đang nhoẻn cười ấy. Lớn chút nữa nó phụ má bán buôn ngoài chợ, thi thoảng mang cơm cho ba làm bảo vệ ở một chung cư, gia đình nhỏ quây quần hạnh phúc. Tuổi thơ của nó là tuổi thơ ấm cúng bên gia đình, tuổi thơ bên những bát bánh đúc riêu cua má nấu tuyệt ngon, những lát bánh ướt chấm mắm nêm ngon tuyệt và cả bên mái nhà dột mà thi thoảng trong những giấc mơ nó thấy ngay trên đầu mình là những chiếc áo mưa được căng ra hết cỡ để rồi lại yên tâm đắm chìm trong giấc ngủ.

                Chăm chỉ làm ăn, ba má cũng xây được một căn nhà khang trang thay thế cho ngồi nhà cấp bốn nhỏ bé ngày xưa. Cuộc sống gia đình cũng được dần cải thiện qua những bữa cơm và vật chất. Nó và em cũng bắt đầu đi làm đồng ra đồng vào. Bất chợt, trời đổ cơn mưa thật lớn, nước trên mái nhà không hiểu sao lại rỉ ra rơi tóc tóc đúng vào mặt nó, tự nhiên làm nó nhớ lại cả một khoảng trời tuổi thơ. Nó nhớ lại lúc ba nó trèo lên mái nhà, lợp lại mái ngói sau những ngày mưa bão, nó vẫn hay đứng ở dưới nhìn ba chầm chậm nhích dần qua những chỗ ngói lệch, cây dừa bên nhà bỗng vi vu những điệu nhạc cho ba bớt nóng bớt mệt. Nó nhớ những lúc má dậy nửa đêm đổ nước căng trên những chiếc áo mưa… Nó chạy vội lấy chiếc xô đựng nước rỉ ra rồi lấy khăn thấm. Trong lòng nó bất giác nhớ lại quá khứ, cũng nhờ biết nhớ về quá khứ nó mới có được sự cố gắng cho tương lai nhu thế, cái quá khứ nghèo cứ như động lực cho nó bây giờ vậy. Và cũng bởi quá khứ nghèo như thế, nó mới biết sự yêu thương ba má giành cho nó lớn tới nhường nào, bát giác dẹp lại mớ giấy tờ đang bừa bộn trên bàn làm việc, nó chạy thình thịch xuống phòng ba má, nắm tay má lấc lắc:
           -Má, mai má phải tráng bánh ướt cho con ăn đấy! Con với ba xung phong đi chợ mua mắm nêm!

Tử Du
(LHHT)
               
Bút danh: Tử Du
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định.
Mọi thư từ phúc đáp xin chuyển về địa chỉ: Lê Hứa Huyền Trân, Hội VHNT Tỉnh Bình Định, 103 Phan Bội Châu, thành phố Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định.
phongtruongtu201@gmail.com


READ MORE - MÁI NHÀ XƯA - Truyện ngắn của Tử Du