Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, December 9, 2016

THĂM XỨ SỞ CỦA HOA TULIP - Kim Oanh


Châu Âu vào Thu!
Thành phố Den Haag (The Hague) Holland & NhữngToà nhà cổ. Đặc biệt là cung điện Binnenhof. Ở đó, theo bước các vị vua, thủ tướng Hà Lan từng lấy quần thể cung điện nầy làm trung tâm chính phủ từ thế kỷ 15. Nơi đây hiện vẫn là Trụ sở của quốc hội Hà Lan.



Thành phố Den Haag (The Hague) Holland với những khu phố hiện đại.



Tháp Euromast cao 185m. Từ độ cao 150m, tháp quay chung quanh trục, đưa du khách ngắm nhìn thành phố cảng Rotterdam (Thành phố cảng lớn nhất Châu Âu).




Dịu dàng Sắc Thu với Het Park-Thành phố Rotterdam-Hà Lan.


Trên thành phố AMSTERDAM-thủ đô Hà Lan, bên cạnh các con, lòng vẫn hướng về quê nhà sau cơn bão lũ. "Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi !..." Tôi vẫn trở về!




Thăm Bảo Tàng Vincent Willem Van Gohg (1853-1890), Amsterdam, Holland.

Đó là một toà nhà với năm tầng lầu, trưng bày phần lớn tranh của Vincent Van Gohg và một số tranh của các họa sĩ khác. Xem các bức tranh của Van Gohg, tôi không đủ khả năng để hiểu hết phần sâu lắng ẩn bên trong những tác phẩm Ông để lại nhưng thật tuyệt vời khi tận mắt thấy những bức tranh vo cùng nổi tiếng của ông: Những Người Ăn Khoai (1885), Hoa Hướng Dương (1888), Hoa Diên Vĩ (1889), Chân Dung Bác Sĩ Gachet (1890)...


Trong ánh sáng nhờ nhờ của những ngọn đèn vàng, hình như Người Xưa đang ở đâu đây, đang nhìn hậu thế và nở nụ cười, đang nhìn người phụ nữ VN từ rất xa đến chiêm ngưỡng tranh ông và xót xa cho một tài hoa bạc mệnh!!! Bất giác, tôi nghĩ đến Bùi Giáng tiên sinh của quê hương tôi!!! Sao phần lớn những người tài hoa đều đi chung một con đường trong chặng cuối của cuộc đời?

Bên ngoài, mây xuống thấp. Trời rất lạnh. Lòng thấy u hoài!!!




Đến Hà Lan (The Netherlands), ngoài những vườn hoa Tulip tuyệt đẹp, những cối xay gió độc đáo, những khu phố cổ, những nhà thờ xưa vẫn trầm mặc cùng thời gian...Hà Lan còn có những dòng kênh trải dài trên những cung đường hay bao quanh thành phố. Vào đầu mùa thu, bèo phủ kín mặt nước, trải rộng như những tấm thảm nhung. Cuối tháng 11, bèo bắt đầu tan, để lộ mặt nước trong xanh-không thấy rác- Thỉnh thoảng, vài chiếc lá vàng rơi xuống, trôi bềnh bồng rồi chìm dần để mùa Xuân đến, những chồi non lại vươn mầm, lại góp mặt với đời như một chu kỳ sinh tử. Hai bên bờ kênh lớn, những du thuyền nằm im lìm chờ đợi mùa sau với những ngày lướt sóng.

Đứng trên những cây cầu bắc qua các dòng kênh trên đất nước Hà Lan, lòng chạnh nghĩ đến những chiếc cầu khỉ ở quê nhà! Mặc dầu, giờ đây những chiếc cầu ọp ẹp đó đã phần nào được những mạnh thường quân thay mới bằng những chiết cầu bê tông, cốt sắt chắc chắn. Cầu mong sẽ có nhiều MTQ hơn nữa để quê hương tôi xoá sạch những chiếc cầu khỉ rất nguy hiểm đối với các cháu nhỏ và các em học sinh đáng yêu nhưng không kém phần hiếu động!




Delft: Thành phố cổ của Hà Lan (The Netherlands) với Nhà thờ Nieuwe Kerk nổi tiếng, có tháp chính cao 108,75 mét. Trước mặt Nhà thờ là một quảng trường đặt tượng đài Hugo de Groot ( Hugo Grotius ) (1583-1645)-một luật sư đặt nền móng cho luật quốc tế. Đối diện là Toà thị chính Stadhuis, nơi đây trước là một toà nhà cổ rất đẹp nhưng sau một trận hỏa hoạn (1618), toà nhà đã bị phá hủy. Cho đến hôm nay, mặt tiền vẫn được giữ nguyên hiện trạng, chỉ tu sửa bên trong và là nơi diễn ra nhiều cuộc hội họp quan trọng của thành phố.





READ MORE - THĂM XỨ SỞ CỦA HOA TULIP - Kim Oanh

Trần Ngọc Hưởng - CHIỀU XUỐNG ÊM ĐỀM / HUẾ TÌNH / VỌNG BÓNG VANG ÂM




CHIỀU XUỐNG ÊM ĐỀM

Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, tên thật là Nguyễn Băng Lĩnh, sinh năm 1937 tại Vĩnh Long. “Băng” là băng giá, băng tuyết; “lĩnh” là ngọn núi cao; “băng lĩnh” là ngọn núi cao quanh năm băng giá. 
Từ khi khởi nghiệp vào năm 1967 cho tới năm 1975, Nguyễn thị Thụy Vũ đã trình làng 10 tác phẩm như sau:
''Mèo Đêm'' (tập truyện),
''Lao Vào Lửa'' (tập truyện),
''Ngọn Pháo Bông'' (truyện dài),
''Thú Hoang'' (truyện dài),
''Chiều Mênh Mông'' (tập truyện), '
'Khung Rêu'' (truyện dài),
''Như Thiên Đường Lạnh'' (truyện dài),
“Nhang Tàn Thắp Khuya'' (truyện dài)
''Chiều Xuống Êm Đềm'' (truyện dài),
''Cho Trận Gió Kinh Thiên'' (truyện dài).


***

Núi băng kìa núi băng nào,
Từ Đêm nổi lửa Lao vào lửa luôn
Giới người bán phấn buôn hương,
Nghiễm nhiên vào cõi văn chương đương thời.

Tiếng Mèo đêm réo tình ơi,
Chiều mênh mông những mảnh đời cô đơn.
Rất chân thực, rất đời thường,
Hồn nhiên như kể chuyện buồn nhân duyên.

Mong Cho trận gió kinh thiên,
Phơi bày ra thảm trạng đen kiếp đời.
Thú hoang Ngọn pháo bông rồi,
Như thiên đường lạnh khôn nguôi lòng trần

 Khung rêu vọng chút dư âm,
Bức tranh sụp đổ thăng trầm còn kia .
Nhang tàn ai đã thắp khuya,
Cho tình một cõi đi về ai hay

Bày chi sau cuộc đổi thay,
Nhà văn gành nặng tháng ngày chênh vênh
Lạy trời, Chiều xuống êm đềm,
Môi người được nở nhiều thêm nụ cười.

Trần Ngọc Hưởng






HUẾ TÌNH 

Túy Hồng 
Tên: Nguyễn Thị Tuý Hồng.
 Bút hiệu: Tuý Hồng.
 Ngày sinh: 12-10-1938 tại Chí Long, Phong Điền, Thừa Thiên.
Tác phẩm:
Thở dài (Tập truyện, 1964)
Vết thương dậy thì (Truyện dài, 1967)
Trong móc mưa hạt huyền (Truyện dài, 1969)
Tôi nhìn tôi trên vách (Truyện dài, 1970)
Những sợi sắc không (Truyện dài, 1971)
Bướm khuya (Truyện dài, 1971)
Hơi thở rướn cong (Truyện dài, 1972)

***
 Ra đi từ xứ Huế buồn,
Tôi nhìn tôi trên vách xuông, Thở dài
Dậy thì kìa vết thương ai,
Lửa trang văn cháy sáng hoài Huế xưa
Con đỏ nhỏ, mái chèo đưa,
Nát lòng viễn xứ dấu chưa phai mờ

Không là Huế đẹp và thơ,
Sục sôi bội phản nghi ngờ … bão giông
Tài văn thả sức phiêu bồng,
Hóa thân Những sợi sắc không để đời.
Đâu dòng Hương lững lờ xuôi,
Ngự Bình phơ phất chim trời về đâu

Bướm khuya thân phận dãi dầu
Cuộc dời chìm nổi biển dâu nghẹn lòng
Chập chờn Hơi thở rướn cong,
Trong móc mưa hạt huyển lồng Huế yêu


 Mở toang phóng khoáng đến điều
Từng trang nhục cảm ngọn triều văn chương

Tóc mai Gia Hội còn buồn,
Nửa đời Đất khách mãi vương víu tình …

Trần Ngọc Hưởng




VỌNG BÓNG VANG ÂM

Dương Nghiễm Mậu
Tên thật:
Phí Ích Nghiễm,
sinh tại làng Mậu Hòa, Ðan Phượng, phủ Hoài Ðức, Hà Ðông.
Di cư vào Nam năm 1954.
Nhà văn, phóng viên quân đội, họa sỹ sơn mài sau 1975.
Tác phẩm tiêu biểu: Cũng Ðành (1963), Ðêm, Ðôi Mắt Trên Trời, … Rượu chưa đủ và truyện dài: Gia Tài Người Mẹ, Ðêm Tóc Rối, Ngày Lạ Mặt, …

***
Tương tranh, chia cắt … một thời,
Những điều trông thấy rối bời … thành văn
Chút gì vọng bóng vang âm,
Cuộn theo vận nước thăng trầm nổi trôi.
Đêm đâu Đôi mắt trên trời,
Từng trang truyện đã nội soi con người.
Tưởng chừng thời đại mồ côi,
Con người góc độ cuộc đời hiện sinh.
Tơi bời máu lửa chiến tranh,
Chà qua sát lại cũng anh em nhà.
Gia tài người mẹ ngẫm ra,
Từng trang tâm bút xót xa Cũng đành
Rượu chưa đủ phút tàn canh,
Nhìn vào đã thấy bóng mình chao dao.
Hỏi Đêm Tóc Rối, đêm nào,
Sao Ngày Lạ Mặt xanh xao phận đời.?
Bốn chục năm bút gãy rơi,
Văn tài phải hóa kiếp nguời thợ tranh.
Sơn mài lầm lũi mưu sinh,
Mà đời vẫn nhớ vinh danh ai người …

Trần Ngọc Hưởng




READ MORE - Trần Ngọc Hưởng - CHIỀU XUỐNG ÊM ĐỀM / HUẾ TÌNH / VỌNG BÓNG VANG ÂM

CHỮ "XUÂN" MUÔN MÀU TRONG TRUYỆN KIỀU - Đình Hy





CHỮ "XUÂN" MUÔN MÀU TRONG TRUYỆN KIỀU

Đình Hy


Đại thi hào Nguyễn Du viết Truyện Kiều với những lời quê chắp nhặt dông dài đến 3.254 câu để, theo như ông kết: "Mua vui cũng được một vài trống canh". Từ khi ra đời đến nay, Truyện Kiều đã được đón nhận, hưởng ứng, đọc, ngâm, vịnh, lẩy, tập, đố Kiều, rồi nghiên cứu, tìm hiểu, khen, chê... thậm chí nâng lên thành thuật "bói" từ văn bản Kiều. Truyện Kiều đã thành tuyệt tác đối với bất cứ thành phần nào trong xã hội. Xưa nhiều người không biết chữ nhưng lại thuộc làu Truyện Kiều, chỉ như thế đã là tuyệt tác. Về dịch ra tiếng nước ngoài, dịch giả Nguyễn Minh Hoàng dẫn số liệu từ thư mục của GS Nguyễn Văn Hoàn cho biết Truyện Kiều đã được dịch ra 16 thứ tiếng, “từ tiếng Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đến những thứ tiếng khác mà chúng ta không ngờ đến như tiếng Hy Lạp, Mông Cổ, Ả Rập... Các bản dịch này lên đến con số 48 bản”. Tuy nhiên, theo ghi nhận (chưa đầy đủ) của PGS.TS Đoàn Lê Giang thì Truyện Kiều được dịch ra “hơn 20 thứ tiếng với trên 60 bản dịch khác nhau”.
Nội dung và nghệ thuật Truyện Kiều đã có quá nhiều người nghiên cứu, trong đó nêu bật ngôn từ dân tộc sau Truyện Kiều của Nguyễn Du trở nên lung linh, đa sắc thái biểu cảm, làm nền tảng cốt lõi để dân tộc ta xây dựng một kho từ vựng hiện đại của thế kỷ XX và đầu XXI. Bài này nói lại kiểu liệt kê chữ "Xuân" trong Truyện Kiều theo cách khác các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu, bàn luận. Lại nói thêm, câu thứ 39 rất quen thuộc với nhiều người: Ngày xuân con én đưa thoi sẽ không hiện diện đầu tiên trong liệt kê mà chờ đến kết bài bởi có lý do...
Sau đây là muôn màu, muôn nghĩa chữ "Xuân".
1. Xuân: theo nghĩa diễn tả mùa xuân, ngày xuân.
- Gần xa nô nức yến anh,
(câu 46) Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
- (câu 176) Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà.
- Sinh rằng: Rày gió mai mưa,
(câu 338) Ngày xuân đã dễ tình cờ mấy khi!
- Một tường tuyết chở sương che
(câu 368) Tin xuân đâu dễ đi về cho năng
- Lần lần ngày gió đêm trăng
(câu 370) Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua.
- (câu 440) Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
- Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
(câu 620) Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân, (chỉ ba tháng mùa xuân, không phải ba năm).
- (câu 849) Đêm xuân một giấc mơ màng,
- Hải đường mơn mởn cành tơ,
- (câu 1284) Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng.
- (câu 1286) Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng?
- (câu 1294) Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân.
- (câu 1327) Chúa xuân đành đã có nơi,
- Vắn ngày thôi chớ dài lời làm chi .
- (câu 1703) Tiếc hoa những ngậm ngùi xuân,
- Sen tàn cúc lại nở hoa,
(câu 1796) Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.
- Đã cam chịu bạc với tình,
(câu 1946) Chúa xuân để tội một mình cho hoa!
- (câu 2061) Cửa thuyền vừa tiết cuối xuân,
Bóng hoa đầy đất, vẻ ngân ngang trời.
- Những là phiền muộn đêm ngày,
(câu 2858) Xuân thu biết đã đổi thay mấy lần?
- (câu 3171) Chừng xuân tơ liễu còn xanh,
Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân.
2.  Xuân: theo nghĩa bóng chỉ tuổi trẻ, sắc đẹp thiếu nữ, người con gái.
- Phong lưu rất mực hồng quần,
(câu 36) Xuân xanh sấp xỉ tới tuần cập kê
- Kiếp hồng nhan có mong manh,
(câu 66) Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương.
(Diễn tả Đạm Tiên chết trẻ, số phận "trâm gãy bình rơi", theo tôi câu này là câu ngắt nhịp hay nhất trong Truyện Kiều {3-3-3-1-4}. "Kiếp hồng nhan có mong manh, Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương").
- (câu 156) Một nền Đồng tước khóa xuân hai Kiều.
- Khuôn thiên dù phụ tấc thành,
(câu 344) Cũng liều bỏ quá xuân xanh một đời,
- (câu 713) Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân,
Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han.
Xuân nói tuổi trẻ, xuân thì:
- (câu 731) Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ, thay lời nước non.
Xuân: miêu tả con gái đẹp:
- Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,
(câu 162) Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai, (ý nói 2 chị em Kiều đẹp).
- Một người dễ có mấy thân!
(câu 1006) Hoa xuân đương nhụy, ngày xuân còn dài, (đẹp và trẻ)
Xuân chỉ người con gái, khóa người con gái trong phòng:
- Rước nàng về đến trú phường,
(câu 786) Bốn bề xuân khóa một nàng ở trong.
- Lỡ chưn trót đã vào đây,
(câu 1010) Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non.
- (câu 1033) Trước lầu Ngưng bích khóa xuân,
Vẻ non xa, tấm trăng gần, ở chung.
- Vì ta cho lụy đến người,
(câu 1950) Cát lầm ngọc trắng, thiệt đời xuân xanh!
- Khi về hỏi liễu Chương Đài,
(câu 1262) Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay .
- (câu 2877) Phòng xuân trướng rủ hoa đào,
Nàng Vân nằm bỗng chiêm bao thấy nàng.
- Người yểu điệu kẻ văn chương,
(câu 2842) Trai tài gái sắc xuân đương vừa thì, (tuổi trẻ)
- Bấy chầy dãi nguyệt dầu hoa,
(câu 3026) Mười phần xuân có gầy ba bốn phần, (khuôn mặt, hình dáng người con gái ốm gầy, sắc đẹp giảm, xấu đi (Kiều).
- Canh khuya bức gấm rủ thao,
(câu 3142) Dưới đèn tỏ rạng má đào thêm xuân, (sắc đẹp).
3. Xuân theo một số nghĩa khác.
Nghĩa bóng chỉ tình yêu:
- Đủ điều trung khúc ân cần,
(câu 424) Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng.
Nghĩa tình yêu của tuổi trẻ dễ bộc lộ ánh mắt:
- Lặng nghe lời nói như ru,
(câu 348) Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng
Nghĩa tâm trạng vui vẻ:
- Mặt người mưa Sở, mây Tần,
(câu 1240) Những mình nào biết có xuân là gì!
- Vinh hoa bõ lúc phong trần,
(câu 2288) Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày.
Xuân chỉ cảnh vui vẻ:
- Tiễn đưa một chén quan hà,
(câu 1500) Xuân đình thoắt đã đổi ra Cao đình.
Chỉ nhà vui vẻ:
- Phong lưu phú quý ai bì,
(câu 3240) Vườn xuân một cửa để bia muôn đời.
Nghĩa núi mùa xuân:
- (câu 25) Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Nghĩa tình mùa xuân, tình tuổi xuân:
- (câu 3201) Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?
Xuân chỉ dài 1 năm:
- Những là phiền muộn đêm ngày,
(câu 2858) Xuân thu biết đã đổi thay mấy lần?
Xuân nghĩa độ lượng của mùa xuân, ý nói Kim Trọng mong Thúy Kiều độ lượng, bao dung:
- (câu 345) Lượng xuân dù quyết hẹp hòi
Công đeo đuổi chẳng thiệt thòi lắm ru?
Xuân: cây xoan, chỉ cha già, tuổi thọ:
- (câu 673) Cỗi xuân tuổi hạc càng cao,
Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành.
- (câu 2237) Xót thay huyên cỗi xuân già,
Tấm lòng thương nhớ, biết là có nguôi.
- Trông xem đủ mặt một nhà,
(câu 3010) Xuân già còn khỏe huyên già còn tươi.
Xuân đường: nhà có trồng cây xuân, chỉ người cha:
- Liêu dương cách trở sơn khê,
(câu 534) Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang.
- Dịp đâu may mắn lạ dường,
(câu 1292) Lại vừa gặp khoảng xuân đường lại quê .
- Giậu thu vừa nảy giò sương,
(câu 1388) Gối yên đã thấy xuân đường đến nơi .
- (câu 1497) Rạng ra gửi đến xuân đường,
Thúc ông cũng vội giục chàng ninh gia.
Xuân huyên: huyên, một loại cây cỏ, (vong ưu thảo), trồng chỗ mẹ ở, tượng trưng cho mẹ, ý nói cha mẹ già:
- Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng,
(câu 760) Một nhà tấp nập, kẻ trong người ngoài.
- (câu 2837) Xuân huyên lo sợ biết bao,
Quá ra khi đến thế nào mà hay!
Xuân: chỉ cha mẹ già:
- (câu 2237) Xót thay huyên cỗi xuân già,
Tấm lòng thương nhớ, biết là có nguôi.
4. Kết.
Cuối bài xin trở lại thảo luận câu: Ngày xuân con én đưa thoi, Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi, là một câu quen thuộc, thậm chí trong các sách giáo khoa soạn đều in như thế, tất cả các trang mạng cũng đều ghi như thế. Tuy nhiên... thứ nhất, trong sách "200 năm nghiên cứu, bàn luận Truyện Kiều" in lại bài Truyện Kiều khảo chứng, hiệu đính, chú giải của học giả Đào Duy Anh (từ sách Truyện Kiều, NXB Văn học, Hà Nội – 1979), Đào Duy Anh viết: "Câu 39: trong các bản Nôm và quốc ngữ kể trên, bản thì chép: "Tiết vừa con én", bản thì chép: "Ngày xuân con én". Liễu Văn Đường là bản Nôm xưa nhất thì chép: "Tiết vừa" mà Trương Vĩnh Ký là bản quốc ngữ xưa nhất thì chép: "Ngày xuân". Hai cách chép đều có nghĩa, nhưng chúng tôi theo Liễu Văn Đường là bản Nôm xưa nhất, vì đó là cách mà nhiều bản phường khác cũng chép theo". Thứ hai, từ năm 1974 trong Từ điển Truyện Kiều, học giả Đào Duy Anh đã biên soạn:
Tiết vừa con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Ngày xuân Đinh Dậu, nói chuyện chữ "Xuân", chúng tôi muốn đưa ra để vừa tham khảo, vừa bàn luận, vừa vui xuân, đón tết.

Tác giả:
Đinh Hy
Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Thuận
số 31, đường Lê Hồng Phong, Phan Rang








READ MORE - CHỮ "XUÂN" MUÔN MÀU TRONG TRUYỆN KIỀU - Đình Hy