Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, November 6, 2012

TỘI NGHIỆP - Nguyên Viên Lê Duy Đoàn




Thứ bảy vừa qua, tôi đi cùng với nhóm đạo tràng Làng Mai lên chùa Toàn Giác, gần thác Giang Điền, huyện Trảng Bom, thuộc tỉnh Đồng Nai. Hàng tháng, nhóm thường tổ chức ngày cuối tuần sống trong chánh niệm và tỉnh thức tiếp nối theo truyền thống tu tập của những người học Phật và thực hành Pháp theo tinh thần của Tăng thân Làng Mai.
                                                    
Đất của Chùa Toàn Giác rộng bạt ngàn, nghe nói là cả hàng trăm mẫu đất, trồng nhiều cây bạch đàn, ít cây ăn quả, có lẻ vì không ai có công trông coi. Rộng như thế nhưng sau 1975, thầy trú trì lên đây dựng chùa mua đất chỉ trả có 3 triệu đồng (khoảng 10 lượng vàng). Có thể hình dung chùa rộng lớn chừng nào thì cứ tính quãng đường đi trong buổi thiền hành. Từ thiền đường mới xây dựng đi thiền hành đến chánh điện mất gần hai giờ đồng hồ.

Chương trình sinh hoạt chiều bao gồm pháp thoại, ăn trong chánh niệm, niệm Phật, ngủ. Sáng hôm sau, dậy lúc 3 giờ sáng, vệ sinh, thực tập thiền định, ăn sáng, thiền hành, ăn trưa, chiều nghe thầy trú trì thuyết pháp. Ra về.

***
                                              
Thầy trú trì Thích Minh Nghĩa người Nam bộ, là người đạo cao đức trọng, pháp tướng uy nghi. Khi thầy đi đâu, một con chó nhỏ chạy theo lăng quăng bên chân thầy. Khi thầy ngồi, chó nằm bên ghếch chân lên bàn chân của thầy ngước nhìn thầy tựa như đang nghe thầy thuyết pháp.

Thấy tình thương của thầy có vẻ cảm hóa con chó, bác Xuân, một đạo hữu chừng 70 tuổi ngồi cạnh tôi chép miệng: "Tội nghiệp"

Lúc ngồi trong thiền đường, tôi có phần thắc mắc vì sao bác Xuân lại nói tội nghiệp khi nhìn con chó cưng của Thầy nhưng không tiện hỏi. Ra ngoài sân, ngồi dưới gốc cây, tôi hỏi bác, bác bồi hồi kể chuyện. Câu chuyện bác kể thật là một chuyện lạ.

Bác nói như vậy không phải là nói tội nghiệp con chó của thầy Trú trì. Nhìn con chó này được yêu thương chăm sóc và quấn quít Thầy như vậy, bác lại chạnh lòng nhớ hai con chó Nhật Bản mà Sư bà trú trì chùa Diệu Pháp nuôi. Nhà bác ở sát nách chùa Diệu Pháp. Bác thường qua chùa làm công quả nên Sư bà trú trì quý mến bác, mọi chuyện trong chùa bác đều biết. Câu chuyện bác kể xảy ra năm 1972 mà hệ lụy của nó kéo dài mãi về sau này. Hai con chó sống trong môi trường đạo hạnh, thường xuyên nghe kinh nghe kệ và được tưới tẩm tình yêu thương của Sư bà và quý sư cô trong chùa. Nó cũng ngủ dưới chân giường Sư bà, chạy lăng quăng vui đùa theo chân Sư bà và nép đầu vào chân khi Sư bà nói chuyện. Dường như nó cũng có duyên tu.

Một hôm, không biết ăn phải thức ăn gì mà cả hai con chó lăn quay ra, quằn quại, tiêu chảy. Mấy sư cô cho uống nước đậu xanh giả nát, rồi nước lá ổi, rồi đem tới thú y. Mọi cố gắng chữa trị đều không kết quả. Cả hai con chó đều chết. Nhà chùa thương tiếc hai chú chó nên tụng kinh cầu siêu và tẩm liệm trong hai cái quách đàng hoàng rồi đem chôn trong hai nấm mộ nhỏ sau lưng chùa. Trước khi tẩm liệm, mấy ni cô còn nhỏ tỏ lòng thương yêu hai con chó bằng cách lấy son đỏ bôi dưới mấy ngón chân của hai chân sau.

Câu chuyện tưởng chừng rơi vào quên lãng nếu không xảy ra chuyện hơn mười tháng sau đó.

Một buổi sáng mùa đông năm 1972, sau thời công phu sáng, Sư bà nghe tiếng bé sơ sinh khóc trước cổng chùa. Buổi sáng tinh mơ, tiếng khóc nghe rõ mồn một. Sư bà sai sư cô quản tự ra xem thì thấy một cái khăn lông quấn hai hài nhi song sinh có một miếng giấy viết nguệch ngoạc mấy chữ ghi ngày giờ sinh của hai bé.

Động lòng từ tâm "con ai đem bỏ chùa này, nam mô Di Phật con thầy, thầy nuôi", Sư bà bảo các đệ tử đem vô chùa nuôi nấng. Lạ một điều, khi tắm rửa cho hai bé, mấy sư cô thấy bên dưới hai bàn chân bé nào cũng có năm chấm đỏ như son tụm lại có dạng một bàn chân chó.

Những đứa bé lớn lên được thương yêu và nuôi dạy chu đáo. Tánh cũng ngoan và học hành cũng được. Sau 75, đời sống khó khăn nhưng các cháu cũng đầy đủ và dần dần lớn lên thành hai thiếu nữ xinh xắn. Thế rồi, có hai người đàn ông bạn với nhau là thủy thủ tàu viễn dương đến thăm chùa, đem lòng yêu thương hai cháu. Đám cưới tổ chức đơn giản mà thân mật tại chùa dưới sự chứng minh của Sư bà trú trì.

Thương hai cháu như con, Sư bà cắt đất chùa cho hai cặp tân hôn che nhà để ở.

Đất nước thời kỳ bao cấp khó khăn vô cùng. Thiếu đủ mọi thứ. Nhưng những thủy thủ tàu viễn dương lại giàu có lên nhanh nhờ nhập lậu hàng nhu yếu. Trên hai mảnh đất chùa cho, mọc lên hai căn nhà lầu khang trang với đầy đủ tiện nghi. Ai cũng mừng cho hai cháu có phước.

 Nhưng chuyện đời lại oái oăm. Ơn dưỡng dục, dựng vợ gả chồng, cho đất cho đai như thế mà các cháu không nghĩ chút gì đến chuyện đền ơn đáp nghĩa, cứ se sua nếp sống nhà giàu hưởng lạc, chẳng quan tâm hỏi han những người đã cho mình cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay. Thậm chí ở trong khuôn viên chùa mà chẳng đoái hoài chi chuyện tụng kinh niệm Phật, hương khói rằm mồng một mà cũng chẳng cúng dường.

Khi hai cháu sinh em bé đầu lòng thì chưa thôi nôi, hai anh chàng thủy thủ viễn dương kia thay lòng đổi dạ. Chúng theo người đàn bà khác thường xuyên về nhà đánh đập vợ. Chuyện gây tức tối đến nổi cả hai phẩn chí là khi hai chàng thủy thủ dắt hai người tình mắt xanh mỏ đỏ về nhà gây sự. Tối hôm đó, cả hai chị em buồn quá rủ nhau cùng uống thuốc ngủ liều cao tự tử. Hai đứa con mồ côi mẹ của họ lại được chùa Diệu Pháp nhận nuôi.

                                                        *   *  *
                                                          
Bác Xuân kể đến đây, giọng Bác chùng xuống. Lòng tôi cũng xúc động mạnh. Bác nói tiếp như một lời kết cho một chuyện hay có thật: "Nghiệp báo hết! Mọi chuyện trên đời đều có duyên có nghiệp. Dấu son dưới chân mấy đứa này rõ ràng là hai con chó Nhật bản có duyên tu với Phật nên hóa kiếp đầu thai thành người. Đã thành người được rồi mà không chịu tu hành lại tham sân si quá nên lại bị đọa như vậy. Bác nói TỘI NGHIỆP là vậy đó, Không biết bây giờ tụi hắn ở cõi nào ??!!"

Bóng đêm thâm u phủ trùm lên rừng núi. Tiếng chuông công phu tối ngân nga trong không gian tĩnh lặng. Không biết có ai quanh đây ?

06/11/2012
Nguyên Viên Lê Duy Đoàn
doanduyle@yahoo.com
READ MORE - TỘI NGHIỆP - Nguyên Viên Lê Duy Đoàn

CHẮP CÁNH BAY LÊN - truyện ngắn Ngô Diệu Hằng

                                    
                                                                            
     Nó đang cùng đám bạn đi học về giữa trưa hè nắng gắt. Những tà áo trắng nghịch đùa trên phố. Bỗng nhiên, có bóng ai như mẹ nó từ trong nhà chạy ra khóc nức nở. Bà ta cúi nhặt chiếc túi xách trên đường. Rồi một người đàn ông kéo mẹ nó bước lên chiếc xe hơi đỗ ở gần đó. Nó cố đạp xe thật nhanh đuổi theo gọi mẹ, cũng là lúc chiếc xe bắt đầu chuyển bánh. Bố nó từ trong nhà lao ra, gào lên trong cơn tức giận “Bà ta không xứng đáng là mẹ của con đâu”. Tay người đàn ông siết chặt lấy đứa bé đang vẫy vùng, gào khóc. Chiếc BMW-520 mất hút trong dòng xe cộ tấp nập, chỉ còn lại hai con người tội nghiệp và chiếc xe đạp nằm chỏng chơ trên phố. Tà áo dài trắng tinh quấn vào chiếc bánh xe, rách toạc…

  Nghe xong câu chuyện cảm động ấy tôi tưởng đâu chị Hà đang kể về bộ phim nào chị vừa xem. Thì ra, cô bé kia chính là sếp.

  Hồi đó, chúng tôi cứ thấy sếp là thần kinh căng như dây đàn. Con gái gì mà suốt ngày ngồi hì hục trong phòng làm việc. Ăn mặc quá ư nghiêm túc. Làm việc thì lúc nào cũng nguyên tắc, tỉ mỉ.

  Thế đấy. Vậy mà tôi cũng quen và cảm thấy có cái gì đó thiêu thiếu mỗi lẫn sếp đi công tác nước ngoài. Rồi khi trở thành trợ lý của sếp, lúc nào cũng làm việc cùng sếp, tôi mới phát hiện ra sếp cũng hết sức vui tính và thân thiện.

  Nhớ lần đầu tiên khi nghe sếp bảo xuống nhà máy. Tôi ăn mặc thật chỉnh tề, cố gắng đúng giờ. Nhưng vừa đến nơi đã thấy sếp đứng ở đó, mặc bộ đồ công nhân, đi ủng, đội mũ bảo hộ và đeo găng tay, đang vừa đi vừa nói chuyện với anh đội trưởng. Tôi luống cuống chạy theo họ. Giữa cái màu xù xì, đen đen của máy móc, bụi bặm và tiếng máy gầm gừ…tôi tự thấy mình quá sạch sẽ, chỉnh chu, chẳng hợp với nơi đây chút nào. Khi ra về, sếp còn hỏi tôi: “Cậu đang quảng cáo cho hãng bột giặt nào thế?” Mặt tôi lúc ấy chín đỏ, chỉ biết gãi đầu cười.

  Tôi cùng sếp đi Nha Trang gặp đối tác.

  Thật có lỗi vì chưa một lần tôi ngắm nhìn chị với đôi mắt của một người đàn ông trước phái đẹp. Và dĩ nhiên đây là lúc tôi nên xóa bỏ định kiến của mình. Buổi chiều cuối cùng, hai chúng tôi cùng nhau đi dạo dọc bờ biển. Đằm thắm trong bộ đầm quyến rũ, đôi chân trần nhẹ nhàng bước đi giữa biển chiều thênh thang lộng gió. Đôi vai mảnh mai của chị khẽ rung rung khi chị cười. Mắt mở to rẽ ra hai hàng mi cong vút đăm chiêu nhìn về phía khơi xa … Và hoàng hôn đổ xuống mặt nước thứ phẩm màu hồng hồng, tim tím đẹp lạ lùng, níu chân chúng tôi chần chừ trước biển.

  Chúng tôi gặp anh Tuấn đang đi nghỉ mát cùng em gái và người bố ngồi xe lăn đã mười năm nay. Anh Tuấn là tiền bối của tôi ở trường đại học, một chàng trai tài năng. Hiện anh đang quản lý một trung tâm môi giới bất động sản và kinh doanh nhà hàng COCOA cùng em gái. Chúng tôi chào hỏi và hẹn buổi tối gặp nhau uống trà. Sếp và anh Tuấn quả là giống nhau, sẽ phát điên nếu một ngày họ không được làm việc. Đến nỗi ngồi uống trà cũng toàn nói về kế hoạch, dự án, công ty này, doanh nghiệp nọ... Tôi bỗng trở thành cây đàn viôlông kéo qua kéo lại suốt cả buổi tối.

  Cuối cùng thì ngày Valentine cũng đã đến. Anh chị em trong công ty đã về hết cả. Tôi thấy sếp vẫn ngồi làm việc trong phòng.
-         Em vào được không chị ơi?
-         Vào đi. Cậu chưa về hẹn hò à?
-         Em tính rũ chị nè.
-         Thôi, chị không đi đâu. Khỏi lo đi mà.
-         Đi mà sếp. Đừng bắt thằng em năn nỉ nữa. Chỗ cũ nhé?
-         …Ok.

  Đêm tình nhân, đường phố cũng trở nên lấp lánh! Thỉnh thoảng lại thấy có vài anh chàng chạy vụt qua, chở theo một em gấu bông to tướng và bó hoa hồng thật tươi trước ngực. Tự nhiên bánh xe tôi quay chầm chậm, rồi tự thấy buồn cười.

  Bảy giờ tôi có mặt ở Red Bar. Ngồi đợi sếp và nhâm nhi ly Malboro (*), ngắm những em xinh tươi qua lại. Red Bar thường ngày rợn ngợp thứ màu đỏ nóng bỏng của những cô nàng tô son lúng liếng, những bông hồng cắm nghiêng đầy gai. Giờ ấm áp bởi sắc màu sôcôla và thanh âm nồng nàn của tình yêu đôi lứa.

  Ba mươi phút sau sếp đến. Tôi gọi cho sếp ly Green Fairies (*) và rút từ trong lọ hoa trước mặt một bông hồng tặng cho chị. Cả tôi, sếp và anh Bin – chủ quầy bar đều gật gật, cười xòa.

  Cuối cùng thì nhân vật chính của cuộc gặp gỡ này cũng đã đến. Tôi lại quay về vị trí cây đàn viôlông kéo nhiệt tình.

  Lúc tôi đưa tay vẫy anh Tuấn và bảo chính tôi hẹn anh, sếp nhìn tôi vẻ dò hỏi trong khi tay vẫn đang chỉnh lại cổ áo. Anh Tuấn đến, nở nụ cười thân thiện rồi để lên bàn một hộp sôcôla mời mọi người. Ba chúng tôi ngồi nói chuyện vui vẻ, chẳng có ai là tỏ ra quá quan tâm đến ai. Chỉ những thanh Boniva đẹp đẽ đang tan ra trong miệng thì quá đỗi ngọt ngào!

   Tôi giới thiệu anh Tuấn lên hát. Như ngày nào ôm cây đàn ghita ngâm nga nơi gác trọ, anh chỉ biết mình đang hát với tất cả trái tim, khép mi mắt buông phím đàn ngọt dịu. Và khi những giai điệu đằm thắm của bài Hello cất lên thì tất thảy những cô gái trong quầy bar đã không ngớt trầm trồ tán thưởng. “Anh đã được bên em trong tâm trí. Và trong những giấc mơ, anh đã hôn lên đôi môi em ngàn lần. Đôi khi anh thấy em đi ngang qua cửa. Xin chào! Có phải anh là người mà em đang kiếm tìm chăng? …Anh muốn nói với em thật nhiều, rằng: anh yêu em.” Tôi để ý thấy sếp ngồi lắng nghe rất say sưa. Dường như từ trong sâu thẳm đôi mắt sếp thoáng vẻ buồn…rồi chị uống cạn luôn ly rượu trên tay lúc nào không hay.

  Trời hơi se lạnh. Tôi và sếp ghé vào một quán vỉa hè. Sếp bảo gọi rượu. Rồi lần đầu tiên tôi thấy sếp xỉn. Tôi đưa sếp về nhà. Có lẽ đó cũng là lần đầu tiên sếp cởi bỏ hết cái vẻ ngoài mạnh mẽ thường ngày và tuôn ra bằng hết: Cậu biết bây giờ đây tôi nhớ ai nhất không? Bố tôi đấy, đấy… (Sếp chỉ lên bức ảnh trên bàn thờ) Vì hăm hở đi đón tôi ở bến xe mà ông đã... Vậy mà đứa con gái này suốt những năm tháng ở xa chỉ biết nghĩ về bố với biết bao oán trách… Vì bố quá yêu, quá hận mà mẹ tôi buộc phải ra đi. Oán trách, để rồi tôi thương bố biết bao nhiêu, nhưng đến khi ông trút hơi thở cuối cùng tôi vẫn chưa kịp thốt ra ba từ “con yêu bố”. Đêm đêm bố lại về đứng cạnh giường đợi tôi ngủ xong mới đi. Bố đã đi đâu? Đi tìm mẹ hay tìm lại những ký ức ngày xưa đang phảng phất tan trong sương lạnh giá? Nhiều đêm tỉnh dậy không thấy bố đâu, tôi gọi mẹ nhưng tiếng mẹ đã không bao giờ vọng lại. Trời đất! Lần đầu tiên tôi cảm thấy xao xuyến, bối rối và cảm động đến ngạt thở. Nhưng tôi sợ! Sợ người ta bảo tôi bị điên. Đêm đến lại ngập ngụa trong những cơn ác mộng, bật dậy ôm lấy tách cà phê ngồi đến sáng. Tôi nói chuyện với bố hàng giờ, để rồi giật mình nhìn quanh chỉ thấy có mỗi mình trong toilet, xấu xí, vô hồn…

  Nói rồi sếp khóc như một đứa trẻ, miệng mếu máo gọi bố ơi. Trái tim tôi rưng rức nỗi xót xa mà cánh tay sao thấy vô dụng quá. Chỉ biết lặng yên và cảm nhận những dòng nước mắt như đang đốt cháy bờ vai tôi.

  Khi tôi kể cho anh Tuấn nghe, anh đã không hề tỏ vẻ bàng hoàng hay lo lắng. Trái lại, từ trong ánh mắt anh tôi nhận thấy có một dòng xúc cảm mênh mang khó tả.

  Tình yêu quá diệu kỳ! Đó là thứ nước sôcôla vẫn âm ỉ chảy trong trái tim mỗi chúng ta chỉ chờ ngày hòa quyện vào nhau để tạo nên viên sôcôla tuyệt nhất! Tình yêu ấy không hề bồng bột, cũng không phải là thứ hoa hồng đầy gai đâm vào tay ta rớm máu.

  Chưa bao giờ tôi thấy sếp hạnh phúc như vậy. Chị đẩy chiếc xe lăn đưa bố chồng đi dạo và chăm sóc ông như chính bố đẻ của mình. Có lẽ ở nơi nào đó bố chị cũng đang dõi theo con gái và mỉm cười hạnh phúc.

  Đêm nay, một mùa Valentine nữa lại về. Vẫn dãy phố ấy, con đường ấy và khung cảnh lấp lánh ấy. Nhưng lạ thay đêm nay, bánh xe tôi cứ bon bon hòa vào dòng người sung sướng. Chẳng phải như ngày nào đó tự thấy mình bị lạc lỏng giữa phố xá tấp nập, chạnh lòng, thơ thẩn…Vì có lẽ hạnh phúc chỉ đơn giản là cái cảm giác được nhìn thấy tình yêu nở rộ quanh mình.

 __________________

(*) Malboro: rượu Malboro, nghĩa là “tôi có quá nhiều bạn gái bám theo”.
(*) Green Fairies (những nàng tiên xanh): một loại cocktail màu xanh trong, vị trái cây rất dịu.


NGÔ DIỆU HẰNG
dieuhang.ngo@gmail.com


      



READ MORE - CHẮP CÁNH BAY LÊN - truyện ngắn Ngô Diệu Hằng

Châu Thạch đọc NẮNG ƠI CÓ VỀ?! - thơ Vĩnh Thuyên



                                              
NẮNG ƠI CÓ VỀ ?!
Thơ VĨNH THUYÊN 

Nắng đừng đưa anh sang bên ấy
Vì bên này trời sắp đổ mưa
Gió có theo buồn xin ở lại
Một mình em khổ lắm ! trăm chiều...

Chiếc cầu vòng bắc ngang xóm nhỏ
Một lần đi không hẹn lần về
Chiếc cầu tre lắc lư ai nở
Để mưa chiều nhớ nắng chiều xưa

Sớm mai dậy nắng về không nhỉ ?
Buồn đu đưa như nước lớn ròng
Vui cũng sống đắng cay vẫn sống
Tóc nhạt màu mấy lượt sang đông.
                                                        


Lời Bình : Châu Thạch

“Nắng ơi có về” đánh dấu hỏi rồi đánh dấu than :Ta biết ngay đó là tâm trạng của người đang khắc khoải chờ mong.

“Nắng đừng đưa anh sang bên ấy”:  Một lời cầu xin chắc chắn không thành, vì đã thành thì sẽ không có bài thơ.

“Vì bên nầy trời sắp đổ mưa”: Nghịch cảnh rất gần nhau. Nắng và mưa, bên ấy, bên nầy. Theo bài thơ thì chỉ cách một cây cầu bắc qua xóm nhỏ.

“Gió có theo buồn xin ở lại” : Một lời thỉnh nguyện xin buồn. Bởi vì còn biết buồn là còn chút niềm tin. Nếu hết buồn thì con tim dẫy chết.

“Một mình em khổ lắm! trăm chiều…”: Một tiếng kêu than đau thương chứa tất cả hình ảnh của cô đơn, của khó nhọc trong đời.
 Đọc lại bốn câu thơ trên, và nếu ta không dậy lên một nỗi buồn, một nỗi đau, một nỗi bất bình thì quả thật lòng ta rất cứng, nhưng cứng không phải vì vô tình mà cứng là vì bốn câu thơ làm cho nỗi đau cô đọng lại trong hồn. Quả thật, vì nắng mưa ở đây không phải là  mưa nắng bình thường, mà nó chính là ánh sáng của đời người, của hạnh phúc, của tình yêu.

Qua vế hai của bài thơ.

 “Chiếc cầu vòng bắc ngang xóm nhỏ”: Một hình ảnh quá thân thương và đẹp không thể phai nhòa trong dòng ký ức đời người.

“Một lần đi không hẹn lần về”: Hình ảnh thân thương và đẹp của cây cầu biến nhanh tức khắc thành hình ảnh u ám, nhớ thương và đau khổ.

“Chiếc cầu tre lắc lư ai nở”: Nỗi trách móc xao động trong lòng giống như cây cầu lắc lư mỗi khi gánh chịu sự tác động của đời.

“Để mưa chiều nhớ nắng chiều xưa”: Mưa là nỗi buồn, nắng là niềm vui. Đây là những ẩn dụ về những biến chuyển tâm hồn, mà cũng bày tỏ hết được nghịch cảnh trong đời người con gái.

  Đọc bốn câu thơ trên đây ta thấy sự đau thương quyện trong hình ảnh thân yêu, ướp vào đó màu sắc ảm đạm của muôn vàn trách móc, nhớ thường và dằn vặt.

Qua vế thứ ba của bài thơ.

“Sớm mai dậy nắng về không nhỉ?”: Một trông chờ, một ao ước nhưng cũng là một lời cầu xin tội nghiệp.

“Buồn đu đưa như nước lớn ròng”: Trông đợi, mong chờ và truyệt vọng. Buồn không còn ở trong lòng. Buồn đã trở nên bát ngát như “Sóng gợn trường giang buồn điệp điệp”, như “Sông dài trời rộng bến cô liêu”. (Thơ Huy Cận).

“Vui cũng sống đắng cay cũng sống
 Tóc nhạt màu mấy lượt sang đông”

Một câu nói bình thường nhưng đặt vào đây thành một trái núi khổng lồ trên đôi vai bé bỏng.

 Thơ Vĩnh Thuyên mỗi câu đều hàm xúc một ý nghĩa và mỗi ý nghĩa làm cho một biến chuyển xảy ra trong tâm hồn người đọc.

  Trong bài nầy mỗi khổ thơ bốn câu là một bài tứ tuyệt  trọn vẹn ý nghĩa, mang lại cho ta cảm xúc đau nhè nhẹ, buồn êm ái, sầu mênh mông và thương yêu trách móc hòa quyện trong nhau khó mà phân biệt.

   Toàn bộ bài thơ “Nắng ơi có về?!” như một tiếng hát vọng bên sông bay vào lòng người, bay lên bầu trời buồn và bay xa đến vùng bên kia có nắng nhưng nắng cũng đìu hiu.

                                                                 Châu Thạch
truongvantran@hotmail.com
READ MORE - Châu Thạch đọc NẮNG ƠI CÓ VỀ?! - thơ Vĩnh Thuyên

MỘT THUỞ MÌNH XƯA - thơ Trương Đình Đăng




Tôi trở về thăm căn hầm xưa
nơi một thời khói lửa
sống chết tấc gang
nơi em và tôi ẩn nấp
tránh một trận giặc càn

Một khoang đất nhỏ
nhốt đủ hai người
một gái một trai
tuổi đời phơi phới
nắp đậy rồi hầm chìm trong bóng tối
hít thở khí trời qua lỗ thông hơi
mùi đất hương người
hòa quyện.

Âm thanh vọng đến
tiếng gót giày đinh nện
tiếng lao xao, súng nổ đì đoằng…
hai đứa ngồi cách mặt đấu lưng
nín thở !
Phút lặng yên thoáng nghĩ (dù rất nhỏ)
về một ngày mai
về con gái - con trai…
bỗng tràng liên thanh kéo dài
cắt ngang dòng nghĩ !

Chiến chinh hút trọn đời trai trẻ
ngày bình yên trở lại quê nhà
em đã đi xa
tôi ngồi bên căn hầm cũ
bồi hồi tưởng nhớ một thuở mình xưa.

Thu 2012
Trương Đình Đăng
ĐC: 30 Nguyễn Văn Thoại, Đà Nẵng
ĐT: 0511 3607079 - 01239744707
hoanggiang792000@yahoo.com




                                                                     

READ MORE - MỘT THUỞ MÌNH XƯA - thơ Trương Đình Đăng